trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
3.9.2007
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Gởi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
 
Tôi đã đọc thư nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gởi ông Sơn Nam trên mạng, đúng ra nếu là thư riêng thì tôi hổng xía vô làm gì, nhưng thư đã đăng báo cho nhiều người đọc nên tôi xin có đôi lời cùng với nhà văn.

Trước tiên tôi xin phép gọi nhà văn bằng cô Tư cho dễ nói chuyện, dù sao tôi cũng lớn tuổi hơn cô. Đọc thư thấy cô thẳng thắn thì tôi cũng xin nói thiệt lòng. Trong thư cô Tư “méc” với ông Sơn Nam về thói hư tật xấu của Nhà Quê, viết hoa. Tôi là một người nhà quê bình thường, giang hồ đã hơn hai chục năm trời nhưng nỗi nhớ quê hương trong lòng vẫn còn sâu đậm. Từ ngày ở miệt Cà Mau, quê hương tôi, xuất hiện nhà văn Nguyễn Ngọc Tư như một vì sao sáng, tôi rất vui mừng và vô cùng hãnh diện. Hễ nghe Nguyễn Ngọc Tư có truyện mới thì giá nào tôi cũng tìm đọc cho bằng được. Mấy năm nay đọc truyện của cô vui có, buồn có và cũng có truyện cười ra nước mắt. Tuy nhiên lần nầy đọc xong lá thư của cô gởi ông Sơn Nam thì tôi có hơi hơi... bị bức xúc.

Tôi sống trong nước hồi thời Mỹ đóng ở miền Nam. Thời đó bôm đạn Mỹ thì nhiều vô số nhưng táo (bôm) thì hiếm hoi, thỉnh thoảng xin hoặc mua của những người làm sở Mỹ được một vài trái rồi cắt ra từng miếng nhỏ chia cho cả nhà, đôi khi gặp trái bị úng gọt bỏ phần úng ăn phần còn lại. Sau nầy tôi ra nước ngoài thấy bôm bán hàng đống trong siêu thị, loại màu đỏ bầm thì ngọt ngọt chua chua, loại xanh thì chua chua ngọt ngọt hoặc chua lè chua lét và có loại trái nào trái nấy bự tổ bố, muốn cầm phải xoè hết nguyên bàn tay ra bợ, nhưng khi đưa lên miệng cắn một cái thì nghe xốp xộp hổng mùi vị gì ráo, còn thua mộng dừa thiệt đó cô Tư à. Chưa hết, nhiều lúc cạp trái bôm ăn gần phân nửa thì chợt thấy con sâu từ trong ruột ngoe nguẩy bò ra. Nhà Quê bây giờ còn phân biệt được ngon, dở và đem so sánh bôm với mộng dừa cũng là tiến bộ lắm rồi. Mai mốt cô Tư đi mua bôm nhớ thử tại chỗ trước chớ đừng thấy cái gì có made in USA liền cho là thượng hạng mua thí mua càn, mắc tiền còn gặp nhầm đồ dỏm đem về bị Nhà Quê chê rồi cô trách họ thì không được công bằng cho lắm. Trái cây miệt vườn ở Việt Nam mình như măng cụt, sầu riêng... mùa cây nào thì ăn trái nấy. Tôi nhớ hồi đó tới mùa sầu riêng thì chất đống, măng cụt thì đầy cần xé để sắp lớp ngoài chợ bán sỉ và lẻ rẻ rề, mặc sức mua đem về ăn tới chảy máu cam và lòi ghèn con mắt. Nhằm khi trái mùa măng cụt, sầu riêng mắc giàng trời mà cũng có người mua ăn... Theo tôi biết thì có một số người, kể cả dân thành phố và người Việt ở nước ngoài chớ không riêng gì Nhà Quê, hổng quen mùi sầu riêng nhưng vẫn biết đây là loại trái quý nên có ai tặng thì họ đem tặng lại cho nhà hàng xóm chớ hổng có liệng bậy liệng bạ ra sân, tuy nhiên số người nầy ít lắm. Cô có quơ đũa cả nắm hông cô Tư? Hay là tại tui xa quê nhà lâu quá rồi nên Nhà Quê ngày nay đã sống thụt lùi và phản tiến bộ tới một trăm tám mươi độ la bàn mà tui hổng biết? Trái cây ngoại quốc vì lý do nào đó bị Nhà Quê tẩy chay cũng được, chớ cây nhà lá vườn mà bị chê, quả thiệt như vậy thì đầu óc của Nhà Quê mình có vấn đề nặng lắm, cần phải mời bác sĩ tâm thần về khám và chữa trị mới mong khá nổi.

Cô trách Nhà Quê hổng chịu đọc báo và coi thời sự trên ti vi, hổng biết tiếp thu cái mới và đôi khi sống cực đoan nữa. Chuyện báo chí, ti vi nước mình nói ra thì dài dòng, hơn nữa bứt cây thì động rừng, nên tôi vắn tắt đại khái thôi. Cô vừa viết văn, làm báo vừa làm hội đồng tỉnh thì cô biết rõ chuyện báo và đài nước mình quá rồi còn gì. Nhà Quê kéo nhau xuống đường khiếu kiện vụ nhà đất bị cán bộ nhà nước cướp, những công nhân đình công, nghiệp đoàn đứng theo phe chủ để ăn hiếp họ và còn nhiều chuyện động trời khác... khắp thế giới ai cũng biết nhưng báo chí, radio, truyền hình trong nước không loan, lại đánh lạc hướng bằng cách loan toàn chuyện trên trời dưới biển hổng có dính líu gì tới Nhà Quê hết thì cầm tờ báo lên họ buồn ngủ cũng phải. Báo giấy trong nước “bị cắt xén ra từng mẩu bằng... bàn tay để ngồi trong cầu cá tra buồn tình săm soi vài chữ” thì cũng không tệ. So ra báo nước nhà xài cho việc trong cầu cá mà mông đít hổng bị lem luốc đen thui như mông của mấy con khỉ lọ nồi trong rừng đước Năm Căn thì giấy mực sản xuất ở Việt Nam cũng là hàng cao cấp chớ không phải bở.

Ngày tôi còn ở quê nhà vào những đêm trăng sáng, trời khô ráo nhiều bà già tụ tập con cháu lại, trải chiếu ra sân, ngồi kể chuyện đời xưa, chuyện ma quỷ cho con cháu nghe. Nhứt là mỗi khi mãn con nước ghe đánh cá kéo lưới lên bến vá. Nhiều ông già ngồi nhà buồn miệng mới lom khom chống gậy xuống bến ngồi kể chuyện đời, chuyện Tam Quốc, Tây Du... và những câu chuyện truyền kỳ cho ngư phủ và các cô vá lưới nghe. Nhân đây xin kể cô nghe một câu chuyện mà tôi còn nhớ được để cô khỏi thắc mắc: “Tại sao bà mà là cậu được ta?”

Chuyện rằng: “Ngày xưa, lúc chưa có lưới dân ngư bắt cá bằng cách xuống biển mò. Có bà mẹ và ba đứa con trai sống trong một làng ven biển. Một hôm bốn mẹ con cùng với dân làng ra bãi mò cá. Tình cờ bà mẹ bị sóng cuốn trôi. Ba cậu con trai bèn lặn xuống biển mò tìm xác mẹ, nhưng mò hoài không được. Ba cậu về nhà nghĩ ra một cách là xe chỉ đan thành miếng lưới. Đan lưới xong ba cậu đem ra biển thả xuống rà, ngày nầy qua ngày nọ nhưng vẫn không tìm được xác mẹ, thay vào đó cá đóng lưới rất nhiều. Dân mò cá trong làng thấy vậy mới bắt chước xe chỉ đan lưới đánh cá, nhờ có lưới dân làng đỡ vất vả mà lại được cá nhiều và có đời sống sung túc hơn. Sau nầy ba cậu chết, người ta nhớ ơn lập bàn thờ Ba Cậu. Cũng từ đó dân ngư xem Ba Cậu như là tổ của nghề chài lưới. Khi ra biển họ vái Ba Cậu phù hộ cho mạnh tay khoẻ chưn, đi sao về vậy và cá trúng đầy ghe...” Câu chuyện tuy là sản phẩm tưởng tượng nhưng nó giúp cho dân biển có một niềm tin mỗi bận ra khơi đương đầu với sóng to gió lớn. Có thể sau 30. 4 1975 hình ảnh đẹp của những ông, bà già ngồi kể chuyện cho con cháu nghe không còn nữa. Thời gian đã làm nhạt phai, người ta quên dần mà gọi Ba Cậu thành ra Bà Cậu và tạo cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng làm chuyện bất nhơn để lường gạt những người dị đoan mê tín.

Cô Tư trách những con “mắt khóm” của Nhà Quê đã nhắm hết rồi. Cô có lầm không? Tôi nghĩ chuyện gì nhà quê cũng biết, nhưng biết rồi thì làm gì bây giờ? Ông bà ta có nói, thấp cổ bé miệng hoặc ngắn cổ khó kêu. Nghĩ cho cùng thì dân chúng đã mất niềm tin vào xã hội, con người và không còn hy vọng gởi gấm đời sống tinh thần vào những nơi tôn kính như chùa chiền, nhà thờ thì họ nương nhờ “cái xóm đó, con kinh đó, bờ chuối, bờ dừa đó...” hoặc họ tin theo đồng cốt coi như nơi trú ẩn của đời sống tâm linh.

Số đề tùm lum, nò, đó cản trở lưu thông trên sông, rạch dù bất cứ ở đâu thì có người bảo kê nó mới tồn tại được chớ không riêng gì trong lòng Nhà Quê. Chuyện đi ăn giỗ đóng tiền, trai gái lấy nhau quá sớm... Thiết nghĩ giáo dục dân chúng là chuyện của nhà nước, dẹp bỏ tệ đoan xã hội là trách nhiệm của công an, cảnh sát chớ Nhà Quê thì lấy quyền gì mà dẹp được hả cô Tư. Theo tôi thì “bức tường xây lâu ngày vôi vữa bắt đầu rơi...” là do chủ nhân chỉ biết ăn nhậu hổng lo bảo trì mới ra cớ sự. Thượng bất trách thì hạ tất... lè phè. Nhà Quê không nổi loạn giữa xã hội có nhiều người chỉ biết ăn trên ngồi trốc, núp mát ăn bát vàng như hiện nay cũng là một công dân hiền từ lắm rồi, cô Tư còn phàn nàn gì nữa.

Tuy nói là nói vậy nhưng Nhà Quê còn nhiều thói hư tật xấu cần phải nên sửa đổi. Thí dụ ngày trước gả chồng cho con gái, trước ngày vu quy, má kêu con gái mình lại dạy dỗ cách ăn ở sao cho đẹp dạ bên chồng... Ngày nay trước khi gả con gái lấy chồng ra nước ngoài ba, má chạy theo căn dặn, ra ngoải rồi gởi tiền về cho ba má cất nhà, mua xe hay đầu máy video... Ðây là nguyên nhân gây ra bao thảm kịch chết người đó cô Tư... Nếu cô thấy còn chuyện xấu xa nào khác thì cứ méc với cụ Sơn Nam và nhớ méc giùm chuyện tôi vừa kể để cụ nghe xong cụ buồn chơi năm phút... Nhà Quê hổng giận cô đâu, trái lại còn mang ơn cô nữa. Nhưng có một điều là cô cũng phải lắng nghe Nhà Quê phân trần chớ đừng ỷ lại mình là nhà văn nổi tiếng rồi thì hổng chịu nghe ai hết. Người nào có đủ tư cách đội nón và bôi đen nhà văn Nguyễn Ngọc Tư? Hổng phải nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã là hảo hán đầu đội trời chưn đạp đất rồi đó sao...

Chúc cô Tư cùng gia đình luôn luôn hạnh phúc.

Hamburg hè 2007

© 2007 talawas