trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
26.9.2007
Nguyễn Hữu Vinh
Thần tượng chú công an
 
Trong suốt hàng chục năm chiến tranh, bằng tác động tự nhiên cùng với sức tuyên truyền mạnh mẽ, hình ảnh từ anh Vệ quốc quân, tới "chú bộ đội" - oai phong, quả cảm, chấp nhận hy sinh quên mình - luôn có ảnh hưởng rất lớn đối với lớp trẻ. Và hình ảnh đó còn có tác động lâu dài cả trong nhiều năm sau ngày hòa bình lập lại. Đơn cử: các thứ đồ chơi súng đạn, máy bay, xe tăng... , rồi nay thì các trò chơi ảo - game chiến đấu, đâu phải chỉ tác động tiêu cực là kích động "bạo lực", "giết chóc" theo một góc nhìn hẹp, mà chúng còn ít nhiều thể hiện và thỏa mãn cái bản năng, thói quen của con người luôn khát khao sức mạnh, dám chấp nhận hiểm nguy, cả coi trọng tính kỷ luật, tôn thờ nghĩa cử... một điển hình thường có ở mỗi người đàn ông.

Nhưng rồi chiến tranh cùng những dư vị của nó ngày càng lùi xa, cuộc sống hiện đại trong hòa bình cho thế hệ trẻ một lối sống và suy nghĩ khác về nó. Như bị hẫng hụt, giới trẻ tự tìm thần tượng cho mình qua những ngôi sao bóng đá, ca nhạc, điện ảnh; trong nước hiếm hoi thì chúng đành kiếm ở nước ngoài. Họ còn tự tạo ra cho riêng bản thân mình cá tính để khẳng định cái "Tôi", tốt thì qua những trang blog trên mạng, khả dĩ chấp nhận thì tại những cuộc "quyết đấu" game online, còn tệ là bằng những hành động dại dột như đua xe, chơi bời, hút hít, thậm chí... tự tử.

Trước thực trạng này, đã có ai đặt dấu hỏi rằng khi đất nước hòa bình, trong mắt lớp trẻ cũng vẫn có thể có và cần có được một bóng hình, không thua gì "chú bộ đội" trong chiến tranh, cũng oai phong quân phục, cũng súng đạn,... và có cả đức hy sinh? Đó phải là hình tượng "chú công an"!

Thế nhưng, để trở nên một thứ thần tượng trong khung cảnh hòa bình, nhất là một xã hội đã "mở" như lúc này quả thật là điều không hề đơn giản. Lối dạy dỗ bằng lý thuyết suông, những "tấm gương" theo lối cũ không còn thích hợp nữa, thậm chí phản tác dụng. Những "hình mẫu" về cuộc sống chịu đựng kham khổ, ăn mặc tồi tàn, lời lẽ thô mộc... mà người lớn vẫn tưởng sẽ là tích cực như đã từng khích lệ thế hệ mình nửa thế kỷ trước, giờ dễ thành chuyện cười cho giới trẻ. Nào là "sành điệu", "hàng hiệu", ăn mặc, đầu tóc mô-đen... tất cả đều trái ngược hẳn với những bộ trang phục lỗi thời, phong cách "chân quê", đi đứng khuyềnh khoàng, nói năng giáo điều, thô cứng mà bao năm không chịu thay đổi.

Trong những năm tháng chiến tranh, những "chiến công thầm lặng", gian khó hy sinh, điều kiện làm việc gian khổ của người chiến sĩ công an không hề thua kém các "chú bộ đội" nơi trận tiền. Nhưng hơn 30 năm sau, hình ảnh "chú công an" không thể mãi mãi như thế. Phim ảnh, truyền hình, báo chí cho lớp trẻ hình ảnh những "thần tượng" từ tất cả những quốc gia khác. Chưa cần nói tới các nước Âu Mỹ, mà chỉ nhìn quanh ta thôi, như Thái Lan, Trung Quốc, lực lượng cảnh sát của họ thường trang phục chỉn chu, phương tiện tối tân, công nghệ cao... Những điều đó không chỉ thể hiện uy lực của công quyền, tạo nên sự kính nể, mà trước hết giúp cho mỗi con người đó có được ý niệm về danh dự, phẩm giá và trách nhiệm, ý thức phải hành xử sao cho xứng với trang phục, phương tiện mà mình sử dụng.

Hãy nhìn lại những chuyện nước mình. Mới đây thôi, thử chọn ra hai trong rất nhiều hiện tượng trái ngược, xảy ra cùng lúc, làm ta suy nghĩ nhiều về hình ảnh người chiến sĩ công an; người thì "lam lũ" tận lực hy sinh, kẻ lại vênh vang phách lối. Một bên vụ "Cảnh sát múa kiếm" [1] và bên kia là 39 sĩ quan cảnh sát có triệu chứng nhiễm độc phóng xạ trong khi phá án [2] (tương tự, còn có vụ gần 30 chiến sĩ công an Hà Tĩnh cũng nghi bị nhiễm xạ cách nay 30 năm, giờ mới biết [3] ). Một bên là điển hình quái dị của méo mó nhân cách, bởi không có được cái ý thức danh dự, tự hào về lực lượng của mình; còn một lại cho ta xót xa trước sự hy sinh không đáng có, mất đi cái chất dũng mãnh, nhiều lắm thì chỉ tạo nên nỗi thương cảm trong lòng thế hệ tương lai.

Nhưng chưa hết. Trong cùng hàng ngũ với những chiến sĩ chịu mất mát thầm lặng đó, lại có những "ông chủ giấu mặt", nhưng tự cho mình quyền thế ngang nhiên bất chấp công luận để "bảo kê", làm gương xấu trong xã hội qua những lối kinh doanh vận tải trá hình [4] ... Nếu nhìn rộng ra hơn nữa thì còn vô vàn điều đáng bàn về trách nhiệm của ngành công an trong việc tạo nên hình ảnh đẹp cho mình trong con mắt dân chúng cũng như giới trẻ. Đơn cử: tại sao các "chú công an" lại phải lãnh cái trách nhiệm đi "đuổi chợ", lại nhận "lệnh" của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, xã đi hỗ trợ công cuộc tiêm chó phòng dại v.v…, mà không phải là một lực lượng trật tự dân sự nào đó? Những "chú cảnh sát" phải lếch thếch chạy bộ, hay gò mình trên những chiếc xe máy cá nhân đuổi theo những tay ngổ ngáo phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí có khi bất chấp nguy hiểm tính mạng quăng mình lên nóc ca-pô [5] vì một chiếc taxi không tuân lệnh đứng lại. Chúng ta có quá nghèo và lạc hậu để mà phải khốn khổ đến vậy không? Còn gì hình ảnh uy nghiêm của một cơ quan công lực? Nếu ai nhớ lại thời thơ trẻ cách nay vài chục năm, được ngắm những hình bóng oai vệ của các "chú công an" diễu hành trên những chiếc mô tô ba bánh, chở theo những chú cảnh khuyển to lừng lững, điện đài vươn "râu" cao vút... chắc sẽ ngậm ngùi rằng quả thật hình như ngày nay "các chú" đang đi... giật lùi?

Ngành công an cần được cải tổ nhiều mặt. Cơ cấu tổ chức phải bớt chất "hành chính", tăng tính chiến đấu, phong cách quân phong quân kỷ. Cần gần gũi hòa mình với xã hội. Đồng lương, công tác phí là một chuyện không thể không bàn, nhưng thôi thì đành tạm chấp nhận "cái khó chung", của cán bộ công nhân viên trong cả nước. Thế nhưng nhất định phải giúp cho người chiến sĩ công an tạo và giữ được trước hết là cái hình ảnh đẹp (xin nhấn mạnh là theo nghĩa đen, bằng trang phục mới, đẹp hơn, được học phong cách ứng xử lịch lãm, được hỗ trợ cho đời sống văn hóa tinh thần phong phú, phương tiện làm việc hiện đại); sau đó, quan trọng hơn nữa, là khả năng hoàn thành nhiệm vụ, tránh được mọi thứ cạm bẫy luôn rình rập, và khi lâm nạn vì nhiệm vụ thì có được chế độ đãi ngộ thỏa đáng, không thể vì "ảnh hưởng thành tích chung" hay một lẽ nào khác mà phải hứng chịu hậu quả nghiệt ngã từ những chiến công mà cả xã hội trân trọng và biết ơn. Một khi họ được bớt đi những nỗi gian truân không đáng có, "phục sức" cho mình một lối sống cao đẹp, lẽ đương nhiên "công tác xây dựng lực lượng" cũng sẽ được dễ dàng hơn, còn trong con mắt lớp trẻ, rất có thể hình ảnh "chú công an" được ái mộ sẽ dần thay cho những thần tượng "ảo" của các đào-kép từ màn bạc Hollywood.

© 2007 talawas



[1]Báo Tuổi trẻ, ngày 25-8-2007: Tước quân tịch cảnh sát múa kiếm
[2]Báo Tuổi trẻ, ngày 17-8-2007: Nỗi đau sau chiến công
[3]Báo Pháp luật TpHCM, ngày 17-9-2007: Hà Tĩnh: Chuyên án "đồng lửa"
[4]Báo Tuổi trẻ: ngày 5-1-2004: Đồng Nai: để "xe vua" vượt tải qua trạm, 3 sĩ quan công an bị xử lý kỷ luật, 18-4-2004:Mãi lộ sống nhờ bao che?, 27-8-2007:Huyện Tân Uyên (Bình Dương):Vì sao "xe vua" lộng hành?, 17-9-2007:“Hung thần” trên khắp nẻo đường
[5]Báo Tiền phong, ngày 13-6-2007:Vụ CSGT Hà Nội rượt taxi vượt đèn đỏ như trong 'phim hành động'