trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
10.10.2007
Trần Thanh Vân
Hai bức thư cảnh báo về Dự án Quy hoạch Sông Hồng
 
Dự án về thành phố hai bên Sông Hồng được đưa ra triển lãm, lấy ý kiến người dân từ ngày 17.9.2007. Đến nay, đã có một số tiếng nói cảnh báo về những mặt trái hoặc vấn đề nảy sinh từ dự án này. Bà Trần Thanh Vân, kiến trúc sư cảnh quan sống tại Hà Nội, từng lên tiếng phê phán mạnh mẽ các Dự án Thuỷ cung Thăng Long và Dự án Công viên Thống Nhất, vừa gửi đến chúng tôi hai bức thư ngỏ sau đây, mong được rộng đường dư luận.
talawas
Thư gửi ông Dương Trung Quốc, nhà sử học, đại biểu Quốc hội

Chào anh Dương Trung Quốc,

Mấy hôm nay, cả nước sôi động vì những chuyện tầy trời: Từ chuyện sập cầu Cần Thơ, chuyện cơn bão số 5, chuyện mưa lũ khắp cả nước, đến chuyện bàn lại vị trí xây Nhà Quốc hội, rồi lại đến Quy họach đô thị Sông Hồng… Tôi cho rằng tất cả những sự kiện đó đều có một mối liên hệ hữu cơ. Tôi quyết định thức dậy từ 3 giờ sáng viết cho anh bức thư này.

Mở đầu là chuyện Nhà Quốc hội: Mấy hôm nay trên “Thông tin đa chiều” của VietNamNet có rất nhiều bài nói về việc đổi lại vị trí xây dựng Nhà Quốc hội, tình hình có vẻ khả quan. Tôi mở lại bức thư anh gửi cho tôi xem lần trước, đâu đã đến nỗi “ván đã đóng thuyền” như trong thư anh viết, phải không ạ?

Tôi nhớ cách đây 9 năm, khi tôi bị lôi cuốn vào vụ Thủy cung Thăng Long thì tình hình cũng là “ván đã đóng thuyền” rồi, lúc đó mọi việc đã xong xuôi, người ta đã bắt đầu cắm mốc xây dựng, dân phản ứng gay gắt… thì bọn tôi mới biết. Dạo đó thông tin bị bưng bít, báo chí bị cấm bình luận. Tôi nhớ lúc đó tôi chưa biết anh, chỉ nghe sơ sơ về anh, tôi gửi tài liệu đến Xưa & Nay và còn gọi điện đến trách anh rằng tại sao không ngăn cản dự án đó trong quá trình xét duyệt? Anh thanh minh (qua điện thọai) với tôi là họ xét duyệt lúc nào, anh có biết đâu! Còn tôi và các bạn tôi thì như đang ở trong tình trạng cháy nhà, hiểm nguy không màng, chúng tôi cứ “liều chết xông lên”, cuối cùng cũng đã hoàn thành sứ mạng. Nhớ lại hồi đó, không phải bọn tôi mạnh, càng không phải bọn tôi giỏi, mà chính là nhờ có ông Trời sắp xếp đấy anh Quốc ạ. Tôi không mê tín chút nào, nhưng tôi tin điều đó lắm.

Bây giờ thì khác hẳn. Xin kể với anh một chuyện lạ như sau:

Năm ngoái, khi mọi người nhốn nháo lên đi tìm vị trí xây dựng tượng Trần Hưng Ðạo, chị Phan Oanh ở Xuân Ðỉnh nói với tôi: “Chị phải chính thức vào cuộc đi, nếu không thì kẻ xấu sẽ lợi dụng, người thân sẽ mất lòng tin.”

Tôi quyết định chính thức vào cuộc. Tôi đi mời nhà điêu khắc bậc thầy Lê Công Thành tham gia nhóm nghiên cứu tượng đài với chúng tôi. Anh Thành đi xem vị trí ô đất số 28 mà chúng tôi đã vẽ để anh và cụ Thích Thanh Tứ ký hôm 2/3/2006, rồi anh Thành nói với tôi: “Khu đất này rất đẹp, đặt tượng Ðức Thánh Trần rất xứng đáng, nhưng chưa xây được đâu. Việc của cô lúc này là tiếp tục phá chứ không phải xây.” Tôi cãi lại: “Em quyết đi xây!”, anh Lê Công Thành nói: “Chưa xây được.”

Ðể chứng minh quyết tâm của mình, tôi viết 6 bài đăng trên Người Hà Nội và 2 bài trên tạp chí Quy họach xây dựng, nói về cấu trúc phong thủy, về dấu tích lịch sử hơn 2000 năm ở nơi đây…, tôi chứng chính nơi đây là nơi thờ hồn thiêng sông núi. Tôi không nghĩ có ai đó sẽ bác bỏ ý tưởng này, nhưng nếu vì chưa kịp đúc tượng thì đến năm 2010 vẫn cần đặt một cái lư hương thật to để thờ Ðức Thánh…

Một năm rưỡi trôi qua, trên trục không gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất, nơi chúng ta định làm Công viên Ðại Việt và đặt tượng Trần Hưng Ðạo thì người ta đã biến thành Công viên Seoul (xin xem tài liệu gửi) Sao lại như vậy? Các tờ báo và tài liệu này tôi đều đã gửi cho các đồng nghiệp ở Sở Quy họach Kiến trúc và Tổ Dự án Sông Hồng. Thật trớ trêu, bạn bè ta thì không quan tâm, thậm chí còn cho là nhảm nhí, nhưng nhóm nghiên cứu Hàn Quốc thì ngược lại, có thể họ đã đưa cả chuyên gia phong thủy sang đây kiểm chứng tài liệu của tôi, cho nên tại địa điểm mà chúng ta coi trọng, định xây những công trình linh thiêng thì bị họ biến thành đồ chơi của họ. Họ goi đây là nơi kỷ niệm tình hữu nghị Hà Nội - Seoul!

Thử hỏi, đó là tình hữu nghị gì?

Họ bỏ ra 4 triệu USD để thuê chuyên gia nước họ sang đây đi du lịch, rồi mời những ai đó đi du lịch thành phố Seoul… Họ ca ngợi lẫn nhau, rồi huyệt đạo nào linh thiêng họ đều tặng cho nhau hết! Bên cạnh Công viên Seoul này, còn một trọng tội nữa mà tôi cần thông báo với anh: Giải đất chật hẹp từ chen giữa Hồ Tây và Sông Hồng là các làng nghề hoa truyền thống như Tứ Liên, Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân đều bị họ xóa sạch trên bản đồ Hà Nội, họ xây ở đây trên 100 ngôi nhà tháp cao tầng và họ gọi là Trung tâm Phức hợp Quốc tế Công nghệ cao, họ có vẻ quan tâm truyền thống làng nghề, nhưng đất Bát Tràng không quý, họ cho dân Bát Tràng sống, đất Hồ Tây quý hơn, họ giết luôn mấy nghìn gia đình làm nghề hoa, đào và cây cảnh của Hồ Tây.

Thế là Long mạch bị triệt, truyền thống văn hóa bị xúc phạm. Thử hỏi dân ở đây mà bị dồn vào các căn hộ chung cư thì có khác gì bị giết?

Thế đấy, anh Quốc ạ, tượng Ðức Thánh Trần lúc này chưa thể xây được, nhưng Ðức Thánh đã ở đây rồi, Người đưa chúng ta đến đây để chúng ta quan tâm đến mảnh đất này và để chúng ta bảo vệ “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” đang bị người ngoài xâm phạm. Hôm đi lễ nhân ngày giỗ Người lần thứ 707 ở Phủ Thiên Trường và Ðền Bảo Lộc, tôi cảm nhận thấy đều đó.

Vậy theo anh, chúng ta có thể làm ngơ được không?

Hiển nhiên là không. Mỗi người đều biết cách khai thác thế mạnh của mình. Anh có nghị trường, anh có nơi bày tỏ chính kiến. Tôi có cách của tôi, đặc biệt lúc này không ai bưng bít được thông tin nữa. Tôi gửi anh bức thư tôi đã gửi đến Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Về hưu đã 15 năm, nhưng tôi tin tôi không bị quá lạc hậu với thời cuộc, chắc tôi nói vẫn có người nghe, nhưng tôi rất mong là anh sẽ nói ở những nơi có nhiều người nghe hơn.

Kính


*

Thư gửi ông Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Kính gửi: Ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

Tôi là Trần Thanh Vân, kiến trúc sư cảnh quan, ở 2B ngõ 399, đường Âu Cơ, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Hà Nội; sau thư trình lần thứ nhất gửi đến Chủ tịch ngày 30/8/200, hôm nay tôi xin gửi tới Chủ tịch một số ý kiến liên quan tới Dự án Quy hoạch Sông Hồng.

Trong thư trình trước tôi đã báo cáo: Cách đây hơn một năm, tôi và giáo sư tiến sĩ Vũ Ðình Cự cùng kiến nghị với nhà nước phục hồi tên Thăng Long cho thành phố thủ đô của chúng ta, tôi đã viết đơn thỉnh cầu và viết báo, đã gửi đến các vị lãnh đạo Ðảng, nhà nước và các vị lãnh đạo của Thành phố Hà Nội. Vừa rồi, tôi đã gửi đến Chủ tịch và một lần nữa gửi đến các Phó Chủ tịch. Riêng với Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, tôi đã gửi cho giám đốc Tô Anh Tuấn từ bài báo đầu tiên ra cách đây 18 tháng và gửi đến Tổ Dự án sông Hồng. Với lòng chân thành, không vì mục đích riêng tư, tôi muốn đóng góp ý kiến thật hữu ích cho Quy hoạch thành phố Thủ đô.

Hai tuần qua, sau khi xem triển lãm Quy hoạch Sông Hồng và thận trọng nghiên cứu tài liệu do Tổ Dự án cung cấp, đã xem xét từng chi tiết các bản vẽ, sơ đồ, thuyết minh của Dự án này và lúc này tôi đang rất nghiêm túc trình bày với Chủ tịch những vấn đề cần xem xét lại.


1. Dự án vi phạm nghiêm trọng luật phong thủy

Xin Chủ tịch nhìn vào vòng tròn trung tâm phong thủy: Tôi đã nhiều lần lưu ý mọi người rằng Hồ Tây và Sông Hồng xưa kia nối thông nhau, Vua Lý Thái Tổ đã từng chèo thuyền ngược dòng Sông Hồng đi vào Hồ Tây, cắm sào tại nơi ngày nay là Phủ Tây Hồ, nhìn thấy Long quyển thủy (một hiện tượng phong thủy rất quý), Người đã ban “Chiếu dời đô” về đây và đặt tên là Kinh đô Thăng Long. Trong các bài viết của mình, tôi luôn luôn nhấn mạnh không gian nơi đây phải giữ thông thoáng, bên trên không được xây nhà cao, nhà to (nơi đây không phải đất liền thổ) bên dưới phải tìm cách nối lại dòng lưu thủy. Cách đây ít lâu, khi tranh luận về cải tạo môi trường Hồ Tây, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu… đã có nhiều người đề nghị nối lại dòng lưu thủy này.

Tại Dự án này, Tổ Dự án đề xuất xây hơn 100 tòa nhà tháp cao tầng chạy dọc khu đất giữa Hồ Tây và Sông Hồng để vĩnh viễn xóa mạch ngầm nơi đây và tạo bức tường thành bê tông chắn gió, chặt Hồ Tây và Sông Hồng ra thành hai vùng riêng biệt. Ðặc biệt các ngôi nhà cao này chính là các cần ăng-ten làm thoát dương khí, khiến Long mạch bị triệt vĩnh viễn.

Trong bài đăng trên báo Người Hà Nội số 17 ngày 28/4/2006, tôi đã phân tích, không phải ngẫu nhiên mà ta có thủ đô như hôm nay. Một ngàn năm trước, đất nước ta còn nghèo nàn, thiền sư Vạn Hạnh đã dìu dắt người học trò nhỏ Lý Công Uẩn đi từ một làng quê ở Bắc Ninh, vượt qua hàng trăm dặm đường, ra mắt triều đình ở Kinh đô Hoa Lư Ninh Bình. Không cần gươm súng hay mưu mẹo tranh giành, người học trò nhỏ đó đã được quần thần tôn vinh lên làm vị vua đầu tiên của Triều Lý. Chỉ mấy tháng sau, vua Lý Thái Tổ đã ban “Chiếu dời đô”. Quyết định sáng suốt của Người liên quan đến vận mệnh đất nước một ngàn năm qua và liên quan đến vận mệnh mãi mãi sau này của Tổ quốc ta. Hành động vô ý thức làm triệt Long mạch của Dự án vừa đưa ra hôm nay là phản lại tổ tiên đi trước, phản lại con cháu mai sau.


2. Vi phạm sự tôn nghiêm của truyền thống dân tộc

Tôi xin gửi Chủ tịch bài viết “Phong thủy kinh đô và vận nước” để nhắc lại rằng mỗi cá nhân chúng ta đều có một ngôi nhà, cổng ngõ, cửa ra vào, bàn thờ, gian bếp… đều liên quan đến may rủi, thịnh suy, của mỗi gia đình chúng ta. Ngôi nhà chung của cả dân tộc ta là con thuyền rẽ sóng, tay lái của con thuyền có vững hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nghiêm ngặt chuẩn xác trong bố cục phong thủy tại vòng tròn tâm điểm này. Trong các bài phân tích của tôi, trục không gian từ Hồ Tây đến Cổ Loa, mọi người quen gọi là trục thần lộ, chính là nơi ta đặt ban thờ để thờ tổ tiên của dân tộc ta. Tại đây, chúng tôi đề nghị xây Công viên Ðại Việt và xây tượng Trần Hưng Ðạo. Tổ Dự án Sông Hồng cũng quam tâm đến trục này, gọi đây là trục không gian Cảnh quan Văn hóa Lịch sử, nhưng họ đề xuất xây Công viên Seoul. Như vậy là họ đã lẫn lộn giữa vị thế của chủ và khách.

Tại Hội thảo Khoa học Vương triều Trần với Kinh đô Thăng Long tổ chức ngày 23/4/2005, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã đọc tham luận, lúc đó với tư cách là trưởng ban tổ chức lễ hội 1000 năm Thăng Long, ông trịnh trọng đề nghị nhà nước cho xây dựng Khu Di tích Lịch sử thời Trần tại Hà Nội, còn Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thì gửi thư đến đề nghị “Cần xây dựng tượng Ðức Thánh Trần cho tương xứng ở thủ đô ”.

Ðể giúp UBND Thành phố Hà Nội xúc tiến việc nghiên cứu xây dựng tượng đài, chúng tôi gồm các nhà chuyên môn có tâm huyết, trong đó có nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà báo lão thành Phí Văn Bái và nhà văn Sơn Tùng đã cùng nghiên cứu lịch sử, văn hóa, quy hoạch thành phố, đã chọn địa điểm xây dựng Tượng Trần Hưng Ðạo tại ô đất số 28 thuộc bản quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ (phường Tứ Liên). Ngày 2/3/2006, hòa thượng Thích Thanh Tứ và nhà sử học Dương Trung Quốc đã đại diện cho chúng tôi, ký bộ hồ sơ nói trên, gửi đến các cơ quản quản lý nhà nước. UBND thành phố đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Văn hóa Thông tin tổ chức hội thảo về tượng đài, dự kiến vào tháng 7/2006. Nhưng đúng lúc đó, UBND Thành phố Hà Nội ký với chính quyền thành phố Seoul văn bản hợp tác nghiên cứu quy hoạch Sông Hồng, việc xây dựng tượng đài phải dừng lại.

Bản thân tôi được phân công viết tham luận cho hội thảo này. Trong tham luận đã gửi đến ban tổ chức hội thảo, tôi đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của địa điểm được chúng tôi chọn là nơi thờ hồn thiêng sông núi, nếu trong trường hợp gấp quá chưa kịp nghiên cứu thành công một bức tượng xứng tầm, thì chỉ xây dựng quảng trường Ðại Việt phục vụ hội hoa xuân và xây một bệ đá cao, trang trọng, rồi đặt môt lư hương thật lớn cũng đủ. Còn nếu nơi đây thành Công viên Seoul thì vị anh hùng dân tộc của chúng ta phải đi đâu?


3. Ði ngược lòng dân và quyền lợi người dân

Một bài học hết sức sơ đẳng mà mọi nhà quy hoạch phải thuộc lòng là trước khi đặt bút vẽ quy hoạch cho vùng đất nào, không những phải hiểu thiên nhiên, khí hậu, môi trường, chính sách phát triển của quốc gia đối với nơi đó, mà còn phải hiểu người dân nơi đó đã sống, đang sống và sẽ sống ra sao sau khi quy hoạch được thực hiện? Hiển nhiên, có quy hoạch là có dịch chuyển lớn, có xáo trộn lớn, nhưng về nguyên tắc, quy hoạch phải mang lại lợi ích cho tuyệt đại đa số nhân dân chứ không thể ngược lại, chỉ mang lại lợi ích cho số ít mà thiệt hại cho số đông.

Ðoạn Sông Hồng đi qua Hà Nội khá dài. Một số khu đông dân hiện nay như các khu Phúc Xá, An Dương, Chương Dương, Bạch Ðằng… phần đông là dân ngụ cư, họ đã từng sống trong các nhà cấp 4 lụp xụp hoặc trong các khu tập thể của các cơ quan xi nghiệp. Phần đông họ không thật gắn bó với nơi họ đang sống. Ða số họ sẵn sàng ra đi nếu họ được đền bù một căn hộ thỏa đáng hoặc một số tiền đủ để họ tìm một nơi ở mới.

Ngược lại, trên dải đất dài hơn 3 Km chen giữa Hồ Tây và Sông Hồng thì không như vậy. Từ dốc Ðường Thanh Niên lên đến ngã ba đường Âu Cơ - Lạc Long Quân là các làng cổ cuối cùng còn sót lại của kinh đô Thăng Long xưa, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với truyền thống và niềm tự hào của kinh đô ngàn năm văn hiến: Ðó là làng quất Quảng Bá, làng đào Nhật Tân, làng cây hoa, cây cảnh, cá cảnh của Tứ Liên, Yên Phụ và Nghi Tàm. Ðô thị hóa những năm qua khiến vườn cây của họ bị thu hẹp lại, nhưng họ không bỏ nghề, họ không quảng canh nữa, họ đi vào thâm canh. Họ ra bãi sông Hồng trồng đào thế. Vụ Tết vừa qua có nhà chỉ bán một cây đào được 50 triệu đồng. Tính cả vụ, có nhà thu hoạch 500 triệu đồng. Những cây sanh uốn thế lớn bán cho khách sạn hoặc cho công sở, có cây giá đến vài trăm triệu đồng. Họ là nông dân và cũng là nghệ nhân, họ không giầu sang nhưng cuộc sống của họ lành mạnh và sung túc. Cuộc sống nhiều đời của họ gắn bó với đất bãi sồng Hồng. Nay Dự án định đuổi họ đi để họ rơi vào cảnh thất nghiệp, rồi sau đó xây một Khu phức hợp Quốc tế Công nghệ cao (sơ đồ Quy hoạch của Dự án) cho một thiểu số nhà tài phiệt ở nơi khác tới buôn bán sát phạt nhau. Liệu như thế có phù hợp với chính sách của Nhà nước ta không?


4. Không tôn trọng truyền thống Lịch sử và Văn hóa dân gian

Mô hình Công viên ven sông của Dự án Sông Hồng (ảnh VietNamNet)
Dân các làng ven sông này còn có một tục lệ truyền thống nữa là bền bỉ duy trì lễ hội hàng năm để ghi công các vị anh hùng dân tộc. Năm 791, Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng đã đánh thắng quân nhà Ðường trên Sông Hồng, nay đang được nhân dân làng Quảng Bá thờ và rước ra sông tế lễ hàng năm. Năm 1284, Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại vương lập tổng hành dinh chỉ huy đánh quân Nguyên tại khúc sông này, đọc “Hịch tướng sĩ” và duyệt binh tại đây, lễ xuất quân tại đây, thu quân về và mở tiệc mừng chiến thắng tại đây. Hơn 700 năm qua, dân các làng Yên Phụ và Nhật Tân vẫn thờ Ðức thánh Trần Linh Lang và mở tiệc khao quân bên bờ sông. Là kiến trúc sư cảnh quan, trong bản đề xuất xây dựng tượng Trần Hưng Ðạo tại xóm bãi Tứ Liên, tôi đề nghị xây công viên Ðại Việt kết hợp du lịch làng nghề, chợ hoa và quảng trường tổ chức lễ hội.

Vậy nếu tại chính địa điểm này, vẫn thuộc phường Tứ Liên, hôm nay Tổ Dự án vẫn đề xuất làm một công viên, nhưng lai là Công viên Seoul, thì lễ hội truyền thống đã tồn tại ở nơi đây nhiều thế kỷ qua sẽ bị xóa sạch. Như thế có được không? Thăng Long ngàn năm văn hiến có còn không?

Thủ đô của chúng ta đang phát triển, dân số đang gia tăng, việc xây dựng thêm nhiều khu đô thị mới, với nhiều công trình cao, to, hoành tráng là việc nhất thiết phải làm. Tuy vậy, tại vùng trung tâm lịch sử quan trọng bên bờ sông này thì phải hết sức thận trọng. Những phán quyết vội vã, thiếu cân nhắc sẽ mang lại nhiều tai hoạ khôn lường.

Tôi mong Chủ tịch hết sức quan tâm ý kiến này.

Tôi xin chân thành cám ơn.

Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân
Ðiện thoại: 04.7197782


© 2007 talawas