trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
25.10.2007
Kay Johnson
Sự bùng bổ nhiên liệu than tại Việt Nam
Lã Việt dịch
 
Đào Duy Đăng nhớ lại cái đêm năm 1963 khi những ngọn đèn điện sáng lên ở Uông Bí. "Mọi người đều vô cùng phấn khởi," người chủ quán chè 70 tuổi nói, ông nhắc lại niềm vui sướng lan toả khắp nơi trên thị xã miền bắc Việt Nam sau khi nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của đất nước bước vào hoạt động. "Họ mơ ước cả đời để được có điện." Nên cẩn thận những gì mình mơ ước. Ngay sau khi nhà máy hoạt động, người vợ của Đặng mắc phải chứng ho do đám khói đen đặc lơ lửng trên thành phố từ nhà máy điện. Những người con của ông bị chứng chảy nước mũi hầu như kinh niên và những người hàng xóm than phiền về những căn bệnh dai dẳng khác. Khi chính phủ Việt Nam thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy điện than thứ hai vào năm 2005, những người dân làng không còn phấn khích. "Mọi người đều than phiền," Đặng nói.

Không chỉ các cư dân tại Uông Bí bị vướng vào tình thế khó xử này. Khắp nơi ở Việt Nam - đúng ra là ở hầu hết các nước đang phát triển - nhu cầu điện giá rẻ đang tăng nhanh. Nhưng khi các quốc gia xoay qua chọn nguồn than dồi dào để làm nguyên liệu cho năng lượng, nhiều người lo lắng về một thảm hoạ môi trường đang hình thành. Trong khi cả thế giới đang đang vật lộn với những giải pháp chống nạn hâm nóng địa cầu, Việt Nam đã xây thêm tám nhà máy nhiệt điện than trong năm năm vừa qua và dự định đến năm 2012 sẽ khai trương ít nhất khoảng mười hai nhà máy nữa. Năm ngoái, Việt Nam chỉ có 19% nguồn điện từ than, phần còn lại chủ yếu dựa trên thuỷ điện và nhiệt điện khí đốt với khí thải thấp. Đến năm 2020, chính phủ dự tính than sẽ là nguồn nhiên liệu hàng đầu cho điện năng với 34%.

Xu hướng này làm Jasper Inventor, một nhà hoạt động về khí hậu và năng lượng của tổ chức môi trường Hoà bình Xanh (Greenpeace), lo lắng. Những nhà máy nhiệt điện dùng than tạo ra 36% lượng khí thải được cho là nguyên nhân của việc hâm nóng địa cầu - cao hơn rất nhiều so với lượng khí thải gây ra bởi giao thông, chiếm 17% lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới, căn cứ theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency). Inventor lo ngại rằng khi đổ dồn vào than, những quốc gia như Việt Nam đang phạm phải một sai lầm khó, nếu không muốn nói là không thể sửa chữa được. "Về lâu dài, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một kế hoạch thất bại cho Việt Nam", Inventor nói.

Nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng họ gần như không còn chọn lựa nào khác. Để giữ tốc độ phát triển kinh tế hàng năm ở khoảng 8%, đến năm 2010, Điện lực Việt Nam (Electricity of Vietnam - EVN), một công ty điện năng nhà nước, cần tăng gấp đôi công suất, dự tính là khoảng 26 nghìn megawatt. Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam đã gần như kiệt quệ - Đập thuỷ điện Sơn La với công suất 26 nghìn megawatt hiện đang xây dựng là dự án quan trọng cuối cùng có thể thực thi, Nguyễn Đức Long, người phát ngôn của EVN cho biết. Giá khí đốt tự nhiên, một nguồn nhiên liệu khác cho các nhà máy điện, tăng 15-20% trong năm vừa qua, và nguồn tài nguyên khí đốt trong nước thì quá ít để đáp ứng được với nhu cầu. Việt nam đang dự định xây những nhà máy điện hạt nhân, nhưng nhà máy đầu tiên sẽ chưa sẵn sàng hoạt động cho đến năm 2020. Trong khi đó than thì luôn có sẵn. Ở phía bắc, khu vực châu thổ sông Hồng có trữ lượng than khoảng 30 tỉ tấn - đủ cho việc sản xuất điện trong 100 năm. "Nếu chúng tôi có thể giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường - thì đương nhiên, chúng tôi sẽ chọn hướng đi ấy," Long nói. "Nhưng không có con đường nào khác ngoài than."

Đó cũng là kết luận mà những quốc gia đang phát triển đã rút ra được. Trong thời gian từ 2001 - 2006, lượng than được dùng để sản xuất điện trên thế giới tăng đến 30%, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn ba phần tư con số tăng trưởng, căn cứ theo WWF (World Wildlife Fund - Quĩ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới) chuyên theo dõi hiện tượng hâm nóng địa cầu. Thái Lan và Malaysia vừa chuyển sang dùng các nhà máy nhiệt điện khí đốt trong những năm qua nay đã quay lại dùng than. Các vốn đầu tư thì không hề thiếu. Bất chấp những phản đối từ những tổ chức bảo vệ môi trường, Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) tháng trước đã chấp thuận cung cấp số vốn trị giá 1 tỉ đô-la cho công trình điện than Mông Dương với công xuất 2.200 megawatt ở miền bắc Việt Nam. Tổ chức Hoà bình Xanh đã kêu gọi ADB thay vì thế nên đầu tư vào những công trình điện sử dụng nhiên liệu sạch. Nhưng những công nghệ như sản xuất điện bằng sức gió thì chưa đủ tiến bộ để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, theo Woo Chong Um, giám đốc năng lượng cho phát triển bền vững của ADB. "Chúng tôi đang cố gắng giữ Việt Nam sạch ở mức có thể trong mọi hoàn cảnh", Um nói. "Nhưng trong lúc ấy, quốc gia này phải tự thắp sáng cho mình."

Các quan chức Việt Nam nói rằng họ đang cố gắng để giảm thiểu vấn đề ảnh hưởng môi trường của điện than bằng cách áp dụng công nghệ đốt than sạch và bằng cách khuyến khích tiết kiệm năng lượng. EVN đã tung ra một chiến dịch khuyến mãi cổ vũ việc dùng bóng đèn huỳnh quang để tiết kiệm điện. Việt Nam vừa thông qua đạo luật không khí sạch bắt buộc những nhà máy điện than mới xây lắp đặt hệ thống lọc những chất độc như sulfur dioxide và khí ni-tơ. Tại Uông Bí, EVN đã lắp đặt những hệ thống lọc cho các ống khói của các máy phát điện mới - một biện pháp mà ông Đặng, chủ tiệm bán [nước] chè, nói rằng đã giảm bớt lượng khói đen. Nhưng ngay cả những kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thể cắt giảm được mấy lượng khí thải CO2. Cô lập CO2 - một phương pháp được đề xuất để chống việc hâm hóng địa cầu bằng cách hút khí thải carbon dioxide rồi bơm xuống lòng đất - cần ít nhất khoảng mười năm nữa để có thể sử dụng đại trà. "Than sạch là chuyện hoang tưởng", Inventor nói.

Nhưng nghèo đói thì không, và ông Long nói rằng ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phát triển kinh tế - và việc này đòi hỏi nguồn điện năng dồi dào cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu của giai cấp trung lưu đang phát triển. "Nếu chúng tôi không dùng điện than thì chúng tôi sẽ có một môi trường sạch đẹp nhưng vô cùng nghèo khó," Long nói. "Chúng tôi phải chọn lựa." Việt Nam đã quyết định bật sáng đèn trước và đối phó với việc khí hậu thay đổi sau.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas