trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.10.2007
Ngô Thế Vinh
Mây bão
Tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Phần hai

CHƯƠNG MỘT

Cầm tờ “Sự vụ lệnh” trở về cư xá, Vũ thấy mình có cảm giác xa lạ với khung cảnh tưởng như vô cùng quen thuộc xung quanh. Vũ nghĩ đến chỗ mà chàng sắp phải tới phục vụ, một trung đoàn gần biên giới. Cách đây hai năm khi Dương phải đổi tới đó Vũ đã từng được nghe các bạn bàn tán: “Tới đó thì đời nó tàn rồi mày ạ, tao nghĩ thà ở đây ăn cháo còn hơn mò lên vùng khỉ ho cò gáy đó. Thi cười mai mỉa, tao nghĩ thằng Dương khó mà có ngày về lắm.” Dương trước những hôm ra đi bất mãn và lo lắng. Rồi bẵng đi ít lâu Vũ nhận được thư Dương. Hắn bảo hắn đã phải sống những ngày dài lê thê buồn như chấu cắn và đầy chán nản, xen lẫn với những ảo tưởng lo sợ và chờ đợi, tinh thần rất căng thẳng mà công việc thì tầm thường và dễ dãi, hắn muốn bỏ khung cảnh buồn chán ấy để tìm một cuộc sống mới. Sau đó Vũ được tin hắn tình nguyện ra nhập binh chủng Nhảy dù. Một năm sau tiểu đoàn Dù chiến thắng lừng lẫy trở về, Vũ gặp Dương trong đám người đó, da hắn sạm đen, cái bụng bự nhỏ săn hơn trước và vẻ mặt thì rắn rỏi kiêu hãnh. Thấy Vũ hắn bỏ cả hàng ngũ chạy lại vồn vã; qua mấy câu trao đổi ngắn Vũ biết là hắn đã chọn được một cuộc sống mới thích hợp. Vũ nghĩ ngợi xa xôi tới những ngày sắp tới.

Gặp Hiền đứng ở cửa, hắn giơ tay vẫy Vũ từ xa. Vũ tưởng tượng tới đôi tròng mắt cá chầy lúc nào cũng gợn đỏ của hắn. Hiền hỏi Vũ mà như đã biết rất rõ từ trước:

“Nghe nói mày vô phúc thế nào mà lại mò lên chỗ thằng Dương trước kia.”

“Vô phúc hay không chưa biết nhưng hiện tao muốn xa lánh nơi này ít lâu.”

“Lên đó mày sẽ thấy mình ngu dại khi nghĩ thế.”

Vũ cau mặt hỏi:

“Mày bảo sao?”

Hiền thấy Vũ tỏ vẻ khó chịu, trả lời cộc lốc:

“Không!”

Hiền đứng tránh một bên cửa, để Vũ bước vào phòng. Hiền nghĩ có lẽ Vũ lo lắng về chuyện sắp đi nên có vẻ buồn, hắn nói vọng vào:

“Vũ, vợ chồng tao muốn mời mày một bữa cơm trước khi mày đi.”

Vũ quay ra lắc đầu:

“Còn hai hôm nữa tao đi chắc phải lo thu xếp nhiều việc, thôi để khi khác; tao còn nhiều dịp trở về đây thi cử, lúc đó mày mời tao không chối.”

Hiền trở vào giọng thân mật như an ủi:

“Thôi mày chịu khó lên đó một hay hai năm, tụi dưới nó lên mày lại về đây chẳng bao lâu nữa.”

Vũ bực mình vứt tờ báo xuống giường nói xẵng:

“Đi và ở trên đó bao lâu không phải là điều làm tao suy nghĩ. Mày đừng tưởng tao đang lo lắng vì sắp phải xa một đời sống dễ dãi và thừa yên ổn này. Tao đang còn bận bịu những vấn đề khác. Thôi tao biết mày lo cho tao nhiều lắm nhưng vô ích vì chính tao không nghĩ thế. Mày đi về đi, trước khi đi có dịp tao sẽ ghé thăm không thì thôi cũng được...”

Hiền đi khỏi, tiếng xe mở máy chạy xa dần, trả lại Vũ bầu không khí yên tĩnh. Buổi sáng muộn, nắng bên ngoài vàng cả các ngọn cây, lá cây lao xao theo làn gió nhẹ. Vũ chống nạnh đứng nhìn gian phòng, chiếc vali đống quần áo và chồng sách vở bừa bãi trên giường. Chàng có ý định sẽ chỉ mang đi những thứ thật cần thiết. Chàng sẽ sống ở trên đó một đời giản dị mà Vũ nghĩ sẽ là dễ chịu. Chiếc vali khá lớn thế mà chỉ vài bộ quần áo và ít sách đã lại đầy ắp. Vũ tự cho mình là sắp vụng nên đổ bừa ra để xếp lại nhưng kết quả vẫn không gì hơn. Vũ cau mày tỏ vẻ bực tức nhưng rồi một ý nghĩ thoáng đến khiến chàng mỉm cười và tự nhủ, những lúc này có bàn tay người đàn bà thì vẫn hơn. Vũ lại chạnh nhớ tới Huyền và nghĩ tới một đứa con. Đã hai lần Vũ tới thăm Huyền khi được tin sắp đi nhưng đều không gặp. Vũ thấy hơi ân hận. Huyền vì một lý do nào đó, một kiêu ngạo vô lý hay những ám ảnh của một dĩ vãng tủi hờn, luôn luôn tìm cách tránh mặt và xa lánh Vũ. Thái độ đó càng làm Vũ khó chịu và đau xót. Thà rằng nó là một đứa con gái khốn nạn và tầm thường đi, câu chuyện ra như thế nó sẽ ôm lấy chân Vũ mà năn nỉ van xin hoặc lăng loàn ràng buộc với dẫy dụa chua ngoa, như thế Vũ có thể dứt bỏ tàn nhẫn hay cúi xuống với ân huệ và lòng thương hại. Dù thế nào tâm hồn Vũ còn được yên ổn. Đằng này Vũ thấy mình đang đứng trước một thứ trách nhiệm chơi vơi, chàng không ruồng bỏ nhưng cũng không có quyền gánh vác. Tình cảm Vũ không phải là sự dày vò mà là những cảm giác trơ vơ ray rứt. Chàng biết rằng mình không có quyền hành gì trên một đời sống khác bằng cưỡng ép hay áp đặt dưới bất cứ hình thức nào.

Mấy hôm trước đây, gặp Huyền, Vũ để ý tới vạt áo cánh ngắn đã đưa về phía trước và nâng cao: chàng thấy mình đang đứng trước một sự thật lớn dần trong bồng bột xen lẫn lo âu. Sáng qua Vũ lại tìm tới Huyền; bước qua chiếc cổng gỗ quét sơn trắng với những chấn song đan thưa, nơi hàng rậu thấp các cây leo nở to những bông hoa tím ngát. Vũ bâng khuâng nhìn cánh cửa xanh nhà trong khép kín, chia đôi với thế giới bên ngoài, để ấp ủ cái ấm cúng tươi vui đã qua hay che giấu nỗi tủi hổ vắng lặng hiện tại, kết qủa của một cuộc tình ái đam mê si dại của tuổi thanh xuân. Huyền đã dọn đi nơi khác và cố tránh gặp Vũ. Ngay buổi chiều Vũ tới nhà thương tìm Mai. Mai là bạn học cùng khoá, đậu thủ khoa và làm nội trú bệnh viện đã hai năm vẫn chưa chịu thi ra; anh muốn còn là một sinh viên để được học thêm nữa. Cách đây sáu năm chính Mai rủ Vũ cùng dọn vào ở cư xá sinh viên với người anh, chỉ khoảng vài tháng sau chính Mai là người đầu tiên rời bỏ cư xá vì không kham nổi khung cảnh sống xô bồ nơi đây. Đó là lần đầu tiên Mai xa gia đình và cũng là lần Mai lắc đầu bảo Vũ: “Thật kinh khủng! Vậy mà không hiểu tại sao cậu vẫn chịu đựng được cơ chứ!” Lúc đó nghe Mai nói Vũ chỉ cười, thế mà cũng đã sáu năm trôi qua cho tới ngày ra trường...

Không gặp Mai, Vũ lên phòng nội trú viết giấy để lại cho biết ngày đi và nhắc Mai chuyện chăm sóc Huyền lúc chửa đẻ. Vũ viết mấy dòng chữ ngắn với tâm trạng khó khăn khi cố làm ra vẻ thản nhiên với Mai. Vũ nghĩ tới Minh đứa em đã đi Pháp được ít lâu. Chàng tự nhủ giá có Minh ở nhà có phải đi đâu xa cũng yên tâm. Vũ lắc đầu buồn nản, sự vắng lặng làm Vũ rùng mình với những nghĩ ngợi lan man về những ngày sắp tới. Dù bình tĩnh thế nào, đó vẫn cứ là bước đi vào chốn gian nan và thử thách của cả đời chàng. Các bạn cư xá vẫn nghĩ là Vũ thiếu khôn ngoan, rằng số phận của chàng là đáng thương và đen tối. Chỉ riêng Vũ thấy tâm trí vẫn yên ổn với những ngày sắp tới và chính Vũ lại thấy là đáng thương cho những cuộc đời buồn nản của bạn. Như Hiền chăm chỉ đến năm thứ năm trường thuốc, vào làm rể trong một gia đình giàu có, vợ cũng là dược sĩ, ngoài những giờ đi làm hắn nghĩ tới mọi cách kiếm thêm làm giàu. Có lần Hiền nhờ Vũ kiếm thêm cho một chỗ dạy học tối, Vũ bực bội bảo:

“Đậu bác sĩ như mày lại rúc vào một mỏ vàng nay định đi dạy học kiếm thêm mày định nhét tiền đâu cho hết.”

Hắn cười hềnh hệch nói điều mà Vũ khó tin là có thật:

“Nói vậy chứ có gia đình vợ con tốn kém lắm, vợ moa lại là đứa tiêu hoang, vả lại đã đến lúc này không thể sống luộm thuộm được như những ngày còn ở Đại học xá.”

Vũ thấy Hiền thay đổi với những học đòi kiểu cách, khác với lúc hai đứa còn sống chung, hắn xuất thân từ một gia đình rất nghèo, phải chật vật cố gắng lắm với một bà mẹ tần tảo hắn mới được như hôm nay. Hiền chắc không dễ quên nhưng lại muốn chối bỏ cái quá khứ nghèo nàn của mình, điều mà lẽ ra nó phải rất hãnh diện. Trong thâm tâm Vũ nảy ra những tình cảm chán ghét và rất muốn xa rời cảnh sống chung quanh hiện tại.

Còn hai hôm nữa, Vũ cũng chẳng cần sắm sửa gì ngoài tìm kiếm một số sách mà Vũ vẫn ước ao có thì giờ đọc. Một cảm tưởng rỗi rãi trong sự chờ đợi, chờ đợi một điều gì rất cao xa mà chính Vũ cũng không ý niệm rõ khi sắp bước chân vào một thứ đời sống mới.

Buổi sáng trong cư xá tĩnh lặng. Bên ngoài sân hai rặng liễu đứng rủ lá và như rất cô đơn. Những chùm hoa vàng chĩu xuống giữa đám lá thưa xanh có một vẻ đẹp đơn sơ và thanh thoát...


CHƯƠNG HAI

Trời bắt đầu tối. Trên cột ăng ten cao vút vươn lên khỏi lùm cây, hai ngọn đèn đỏ đã bắt đầu nhấp nháy. Một chiếc Jet với âm thanh xít xao đang xà thấp xuống về hướng phi trường với lập lòe dưới thân những tín hiệu xanh và vàng. Rồi khung cảnh trở lại yên tĩnh tịch mịch. Chiếc bánh xe bò lạch cạch nặng nhọc kéo lê trên đường cái. Qua cánh cửa phía sau nhìn ra bên ngoài là rừng cao su tối đen và âm u. Có lẽ đó là chuyến xe đò cuối cùng của hôm nay; bắt đầu về đêm con đường bị cấm ngặt. Nhìn đồng hồ dáng chờ đợi, Vũ lẩm bẩm – Còn sớm chán.

Các ngọn đèn rải rác trên thân cây cao toả ánh sáng vàng vọt, sương bắt đầu đổ xuống lạnh và trắng mờ mờ. Phía xa xa nơi đài phát tuyến trung ương là một dãy nhà ngang chạy dài, đèn thắp sáng choang, trên các khung cửa sổ không một bóng người. Vũ xách vali trên tay bước theo con đường đất chạy dài trước khi ra đến cổng. Vẫn hai ngọn đèn đỏ ẩn hiện sau các kẽ lá như đôi mắt rực lửa của một con quái vật nằm yên lặng, rộn rã rình chờ.

Nơi cổng một toán lính võ trang lố nhố từ trên xe ào ào nhảy xuống, nhanh chóng chạy tản mạn ra phía các cột đèn và gốc cây đàng xa, chĩa súng răm rắp rình chờ như theo một mật lệnh hành quân từ trước. Trong chòi canh vọng ra tiếng nói quen thuộc:

“Sao anh lại đi chuyến tàu đêm nay, đợi tới mai xem sao?”

Vũ nhận ra ngay giọng nói của Lực, người mà khi mới tới Vũ đã làm quen qua những buổi chơi vô-lây và đánh bun. Vũ xực nhớ ra ý nghĩa tình hình ngày hôm nay. Ngày tuyển cử rộn rịp ồn ào suốt buổi sáng và chiều, buổi tối trở đi không khí căng thẳng và im lặng trong chờ đợi. Lẽ ra cũng không gấp nhưng Vũ muốn đi hôm nay và rời bỏ đô thị ngay lúc này. Nói chào vài câu xã giao, Vũ lại bước ra chệnh choạng. Từ khoảng đèn sáng bước vào bóng tối chưa quen, Vũ thấy bước chân ngượng nghịu, có lẽ cũng bởi cái nhìn dò xét của bao cặp mắt bên thân cây hai bên vệ đường mà chàng trông không rõ. Ánh trăng khuyết và mờ nhạt nhưng cũng đủ cho Vũ nhận ra từng bóng người ôm súng yên lặng ngồi chờ. Rừng cao su phía trong xa đen và âm u, toả ra khí lạnh đến rùng mình. Vũ mơ hồ cảm thấy một nỗi lo âu không đâu, một cảm giác sờ sợ đến lạnh gáy. Vũ tưởng tượng một viên đạn nham hiểm đang rình chờ, bất chợt một lúc nào đó sẽ ghim vào lưng chàng. Chiếc vali lúc nãy như nặng trĩu xuống, kéo lệch cả một bên vai. Vũ đổi tay xách nhưng bước chân vẫn chập chững. Một cơn gió lạnh thổi vụt qua, Vũ cảm thấy mồ hôi ướt đầm lưng và dấp dính trên trán. Lúc này Vũ mới thấy nỗi lo sợ vừa rồi là vô lý. Những đe doạ trong bóng tối thực ra không có, Vũ đang đi giữa những người bạn mà có thể mai mốt đây họ sẽ đổi tới phục vụ cùng đơn vị với chàng. Qua khỏi khu cư xá đang xây cất dở dang là đến trường đua, đường vẫn vắng tanh không một bóng xe.

Phía đầu đường có ánh đèn xe đổ dài lại gần, Vũ chạy ra lề đường giơ tay đón. Chiếc xe dừng lại, bên trong xe tối om. Vũ cúi đầu qua cửa kính hỏi:

“Cho xe chạy lên ga, lên Sài Gòn.”

Người tài xế yên lặng đưa tay chậm rãi bật ngọn đèn vàng. Vũ ngạc nhiên: trong xe có một người con gái lạ. Người tài xế quay ra phía sau nhìn cô gái rồi quay sang Vũ:

“Giờ này có đợi đến khuya cũng không tìm được xe ở đây, cô này cũng lên Sài Gòn hay ông lên quá giang đi luôn...”

Vũ giơ tay nhìn đồng hồ, cố trấn tĩnh khi nhìn thẳng vào mặt người con gái phấn son diêm dúa; không chút tỏ dáng khó chịu cô ả nheo mắt mỉm cười. Vũ ưng thuận vứt hành lý lên phía trước mở cửa xe bước vào. Chiếc taxi rống lên chuyển động với vận tốc đều đều. Tâm trạng Vũ băn khoăn và lo nghĩ vẩn vơ, Vũ cũng biết người con gái trong bóng tối đang đăm đăm nhìn mình... Tới trước ga vắng tanh, Vũ bước xuống xe trả luôn tiền taxi chạy từ nãy, cúi đầu chào cô gái rồi bước vội vào sân ga. Qua các bức tường xám đen và thấp buồn nản, các đèn màu quảng cáo bên ngoài vẫn chuyển động và nhấp nháy. Lúc này cảm giác gì cũng xa lạ và giả tạo. Đúng giờ, Vũ bước lên toa xe hạng ba của chuyến tàu chợ. Đáng lẽ chuyến tàu bị hoãn đêm nay, song xin được hai toa blindé đầy nhóc lính và súng ống nên được đi. Cả chuyến tàu đêm nay chỉ vỏn vẹn có ba toa hạng ba bẩn thỉu, hôi hám; thêm bốn toa chở hàng và trước sau hai toa blindé hộ tống. Vũ ngồi từ của sổ tàu nhìn ra, những người lính lam lũ khệ nệ khiêng từng thùng đạn lên tàu. Họ ăn mặc hỗn loạn, áo đen áo nâu, giày vải dép nhật và cả đi chân không, người đầu trần kẻ đội mũ, súng đeo lỏng trên vai, dao và lựu đạn quanh người. Một thanh niên dáng nhanh nhẹn mặc bộ treilli bó chẽn, có lẽ là sĩ quan chỉ huy, chạy đi chạy lại tung tăng, chiếc transitor đeo trước ngực vẫn ngân nga một điệu nhạc mới. Trong toa dưới ánh sáng vàng lờ mờ, túm tụm xì xào mấy người đàn bà chạy hàng xách, cạnh đó lầm lì mấy gã đàn ông dáng dấp dữ tợn. Chỉ mấy phút trước giờ tàu chạy, đùng đùng một đám hiến binh, quân nhân và nhân viên hoả xa tràn lên tàu khám xét, hỏi giấy tờ và lục soát từng gói hành lý, từng khe sàn, khe vách và kẽ ghế. Phía toa bên đang ồn ào tiếng mắng mỏ và van xin thiết tha:

“Đi tàu chứ đâu phải đi đưa thư mà mang mấy chục cái thư đi?”

“Dạ dạ, đã lâu cháu mới có dịp về quê, họ hàng trong này thì đông ai cũng muốn gửi lời về thăm hỏi nhắn tin... Thật cháu có làm gì đâu nên tội...”

Giọng người lính soát rè rè gay gắt;

“Không được, thư sao không gửi bưu điện mà lại bắt ông cầm tay?”

“Dạ, bẩm ở xa về thư cầm tay nó mới quý... bẩm cháu nghĩ...”

Vẫn giọng người lính soát gay gắt cắt ngang:

“Không quý hoá gì hết, tôi tịch thu hết chỗ thư này, bây giờ đưa giấy coi.”

“Dạ bẩm... dạ bẩm...”

Sau đó Vũ nghe tiếng lôi kéo lệt xệt người đàn ông và quang gánh xuống khỏi tàu, xen lẫn những tiếng như khóc lóc van lơn... Một gã an ninh to béo và đen đủi đứng dọi đèn, ánh mắt nghi kỵ và soi mói; trong khi người hiến binh trẻ tuổi cúi xuống lục xét chiếc vali của Vũ. Hắn cho tay lần mò từng góc, chừng vớ được một vật cứng, mắt và trán hắn cau lại, môi mím chặt đến mỏng ra, hắn rút nhanh ra coi chỉ là một hộp kính nên nhét vội vào, dáng hơi ngượng về sự lầm lẫn. Hắn khép chiếc vali lại, gài cẩn thận rồi đứng dậy lễ phép đòi xét giấy. Vũ đưa thẻ sĩ quan và tờ sự vụ lệnh, mắt anh ta sáng lên và cười dịu nhẹ tỏ cảm tình. Gã to béo vẫn chiếu đèn vào mặt Vũ chói quá khiến chàng phải quay đi. Họ chào Vũ theo lối nhà binh rồi cùng mấy người nữa lục tục kéo sang toa bên kia.

Rồi mọi chuyện cũng xong và im đi cho đến lúc tàu chuyển bánh chậm hơn hai mươi phút. Sân ga hẹp mà vẫn có vẻ hoang vắng, chiếc tàu rú lên hồi còi đầu nghẹn ngào như tắc nghẽn, âm thanh tiếng còi Diesel vô duyên và nhạt nhẽo. Người cai ga cầm cây đèn dầu và chiếc cờ đỏ đứng trên sân nhỏ dần về phía sau. Con tàu uốn khúc trên đường sắt chạy giữa những dãy nhà tối tăm lụp xụp và bẩn thỉu.

Vũ nôn nao bước ra cửa khoang tàu nhìn vào đêm tối mênh mông của đồng ruộng. Đứng đó là một quân nhân trẻ tuổi như chàng và một người đàn ông nữa mà Vũ không nhìn rõ mặt. Người lính trẻ đội chiếc mũ rừng và mặc một bộ rằn ri hơi rộng. Anh nói chuyện với người đàn ông giọng Bắc đều đều như thoảng trong gió. Thỉnh thoảng anh đưa cặp mắt xa lạ nhìn sang Vũ dáng nghi kỵ. Vũ cố giữ bộ mặt tươi và đơn giản để tạo cảm tình song thái độ anh ta vẫn e ngại và giữ dè hơn.

Xa hẳn thành phố, con tàu bắt đầu lao nhanh trong đêm tối, gió đồng ruộng thổi phần phật vào mặt mang theo những hạt sương nhỏ ướt và rất lạnh. Bất giác người lính trẻ xoay lại nhìn Vũ vẫn ánh mắt nghi kỵ, cùng một lúc đứng xoay mình dựa lưng vào thành cửa tàu, một tay kia nắm chặt sợi xích sắt chăng ngang. Vũ hiểu ý, quay trở vào bước sang toa bên cố tránh cho anh ta những e ngại thận trọng. Chỉ cần một cú chân đạp hay một co tay nhẹ là thân thể anh văng ra, lăn xuống ruộng hay gầm tàu, chết lịm đi trong đêm tối. Vũ cảm giác hơi bực bội về một sự nghi kỵ không đâu. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm làm người ta thân trọng nhưng cũng dễ dàng biến bạn ra thù dù chỉ trong trí tưởng tượng và ngăn cách.

Mấy người đàn ông khác chừng đã bàn tán chán về chuyện người nhà quê bị lôi đi hồi nãy, nay bắt đầu mở miệng “nói dại nói quở”, mấy người đàn bà ngồi bên thì thầm như thế.

Một người giọng Trung lơ lớ ra vẻ thành thạo:

“Chưa, đoạn này đã ăn thua chi! Chạy qua thêm mấy chặng ga xép nữa tê, nguy lắm... nhất là hôm ni.”

Gã ta đưa mắt nhìn mấy người đàn bà ngồi bên dáng chừng muốn tìm thấy ở họ vẻ sợ hãi. Những người đàn bà mà đời sống đã gắn liền với con tàu, vẻ mặt họ vẫn bình thản, và nếu có chỉ là dáng tư lự như đang lo nghĩ tính toán về lời lãi của một chuyến buôn hàng xách.

Một người đàn ông khác chêm vào tiếng Bắc đã pha:

“Có lẽ rồi phải nằm lì ở một ga xép đêm nay, khi chiều nghe nói chuyến tàu chợ vô bị lật, ít ra là đến trưa mai sửa chữa mới xong...”

“Không đâu, mau lắm, tui chắc hổng sao đâu mà lo chi cho mệt.”

Một người đàn ông nữa nói thêm:

“Hè, chừ tàu đang chạy mà bị tấn công sao hè?”

Ông giọng Trung làm vẻ kinh nghiệm:

“Nhảy ngay, nhảy ngay ra khi tiếng súng đầu tiên chứ còn sao nữa. Ra ngay cửa, lăn mình xuống bên đường rày rồi núp ngay xuống bờ ruộng là không sao hết trọi hà...”

Một người khác giọng phản đối bực tức:

“Đâu có được, ưng chết hay sao mà lăn ra, khi nào bắn tụi nó cũng nhắm vào cửa tàu, cứ thấy bóng đen là hắn lia ngay, lúc đó chun đầu ra đâu có được...”

Chữ “đâu có được” cuối cùng như dằn mạnh, âm vang như một đắc thắng, chứng tỏ lòng tin chắc chắn của ông ta.

Ông giọng Trung cãi lại:

“Rứa tui hỏi nằm trên tàu mà chờ chết hả, súng bắn vô toa thì cứ gọi là chết hết chọi, nếu tụi hắn giật mìn thì nguyên gánh hàng nó đè cũng đủ chết nữa là...”

Chừng thấy đối phương cũng có lý, ông kia dịu lại: – không có “dzậy” đâu, rứa mấy toa blindé đầy nhóc lính thì để làm chi? Đêm thì đêm chứ tụi hắn biết tàu chợ thì ăn nhằm chi mà bắn với cướp. Còn như gặp lính mấy lần tụi hắn cũng ngán hoả lực của ta quá xá rồi.

Câu chuyện cứ tiếp tục kéo lê thê theo một điệu như thế, ai cũng tranh giành kể những kinh nghiệm sống lâu đời mình. Một lát, chán nhau cả rồi, họ dải chiếu hoặc lăn ra ghế ngủ. Có người trèo lên chỗ để hành trang trên nóc ngủ khì. Vũ ra quầy uống một ly cà phê nhạt nhẽo và lợm những mủn để thức suốt đêm nay. Lúc trở về toa người quân nhân trẻ đã biến đâu mất. Vũ có ý nghĩ về cuộc hành trình đầy căng thăng và đe doạ nhưng thừa yên ổn. Đúng hai giờ đêm, trên một ga xép, chiếc tàu dừng lại, trên sân ga bóng dáng một đôi tình nhân co ro khoác chung trong một chiếc áo tơi đen, tiễn đưa nhau giữa đêm hôm đầy sương sa và gió lạnh. Người con trai vừa bước lên toa, con tàu đã lại chuyển bánh, vẫn chiếc còi tàu Diesel nhạt nhẽo rú lên man rợ; trên sân ga bóng người con gái mất hút trong gió mưa và bóng tối đêm khuya...

Tới chặng đường cuối, trời bắt đầu hừng sáng. Mấy toa bọc sắt được bỏ dừng lại ở một ga xép. Đoàn tàu lại nhẹ nhõm chạy băng băng trên những đồng cỏ, lác đác hai bên đường những bóng cây khô rụng hết lá. Phía xa, một bên là ruộng lúa xanh rờn, một bên phía gần chân núi rải rác và ẩn hiện những trang trại, những túp nhà lá mái xám. Một thiếu niên dáng chừng còn là học sinh ở toa bên, lại gần làm quen với Vũ. Anh giả giọng Bắc chưa quen nên còn ngượng nghịu và lầm lẫn những dấu hỏi và ngã. Nét mặt đen sạm vì nhiều nắng gió nhưng vẫn giữ một vẻ trẻ con ngây thơ; ánh mắt còn vẻ lơ đãng và chậm chạp qua một giấc ngủ chập chờn. Anh đội chiếc mũ dạ hướng đạo, áo lam nhạt quần vải xanh, chân đi đôi dép lốp cao su đen. Anh giơ tay chỉ ruộng lúa và bắt đầu tự nhận đây là quê hương mình. Đêm qua ở đây chắc là vừa có trận mưa to, trên triền núi cao xuất hiện một dải suối trắng xoá chạy dài và lấp ngay vào đám cây xanh. Dòng suối trông như một dải lụa trắng vắt giữa một tấm thảm xanh. Theo tầm tay chỉ của gã thiếu niên, Vũ chăm chú nghe:

“Những ngọn suối kia ngày thường thì khô queo đến lúc mưa lại có. Quê tôi cứ vào mùa mưa, nước lớn đêm ngày chỉ nghe tiếng suối đổ ào ào. Đồng ruộng ngập nước, dân làng không bận cấy lúa thì đi đánh cá mò tôm, thiệt vui quá sức...”

Vũ dáng tư lự nghe anh ta kể, thấp thoáng những ý nghĩ vui vui về sự an thái dễ dãi của đồng quê thôn bản. Vũ quay sang hỏi:

“Ở đây mùa này đang mưa?”

“Không, có lẽ là trận mưa bất thường nhưng khá to, cứ coi ruộng ngập nước thì rõ.”

Bầu trời lúc này trong xanh và sáng dịu nhẹ, mặt trăng méo xếch còn chênh vênh nhạt nhẽo về hướng tây. Anh ta kể tiếp giọng đều đều:

“Mùa này đang có trăng, mọi năm hồi còn ở nhà cứ đến đêm rằm sáng trăng là thày tôi và các ông bạn ‘nhà Nho’ đi săn với nhau...”

Anh ta ngừng lại, yên lặng một lúc rồi tiếp:

“Các cụ ‘nhà Nho’ ta đi săn chỉ là cái cớ tìm chỗ thanh vắng lắm trăng sao để mà ngâm vịnh với nhau chứ đâu có lo lắng gì...”

Đến lúc này Vũ vẫn không rõ được là đang có các “nhà Nho ta” sống ở đây, vui thú ẩn dật giữa thiên nhiên hoang vắng và không giấu vẻ nghèo nàn này. Anh kia kể tiếp, vẻ mặt đăm chiêu sống bằng hồi tưởng:

“Không, ấy vậy mà đêm nào về cũng được mấy “con thõ” để đánh chén hôm sau. Trời! chó vùng tôi hay quá sức, đuổi cắn kỳ được con mồi mới thôi...”

Hai mắt anh ta nhấp nháy, vẻ mặt xỉu buồn, giọng thấp và đều đều, qua cái lắc đầu nhẹ và chán nản:

“Ấy từ ngày ông đồ Tâm bạn thày tôi chết đi thì không còn ai nghĩ tới vô núi đi săn làm chi nữa.”

“Thế cụ đồ chết ra sao?”

Anh lại lắc đầu chỉ tay về phía chân núi nói khẽ:

“Ông đồ Tâm một hôm đang xông xáo thì trúng mìn Tây nó đặt từ lâu, tan xác chết ngay, từ đó không ai dám đi vô đó nữa.”

Vũ thắc mắc:

“Làm sao lại có mìn ở đây?”

“Chả trước, thày tôi biểu, Tây nó đóng ở trên lưng núi, tụi nó đặt cả một hàng rào mìn phía dưới, lúc rút đi cứ để y nguyên, không để bản đồ lại, không ai biết đâu mà tháo gỡ. Đã có lần dân làng có ý định cho đàn trâu vào xéo nát vùng đất đó, có trúng mìn thì chỉ chết trâu thôi, rồi sau đó yên trí mà làm ăn, nhưng rồi không ai dám đưa trâu ra - chả giấu gì, dân làng tôi cũng nghèo, con trâu miếng đất là lẽ sống, chẳng may trâu chết thì lấy gì cày bừa mà sống, nên ý định đó cũng lại thôi...”

Con tàu chạy chậm lại, các nóc nhà ngói đỏ chen giữa những mái tranh xám sau bụi tre, hiện rõ ra và gần hơn.Lúc tàu chưa ngừng hẳn thì gã thiếu niên sửa soạn bước xuống, anh ta còn quay lại:

“Thôi chào anh, xuống đây rồi tôi còn phải đi bộ trở lại năm cây số đường nữa mới tới kia lựng...”

Vũ nghiêng đầu chào và đi về phía toa trước. Bên đường rày, nhóm phu hoả xa co ro trong những chiếc áo vải sơn đen, khệ nệ khiêng từng bó xẻng cuốc và những thanh sắt nặng chuyển lên toa xe. Mấy người khác xách đèn dầu ôm nón lá cũng lục tục bước lên; họ làm việc và sửa chữa đoạn đường suốt đêm qua, tuy vẻ nhọc mệt nhưng mỗi người một câu nói huyên thuyên, giọng nói họ rất nặng nghe không rõ. Đám người mang theo lên toa mùi thuốc lá cẩm lệ hắc sặc và ấm cúng. Một ông già hom hem tóc bạc, như một thói quen đưa tay dính điếu thuốc còn ướt đang hút dở lên vách tàu, xong lại khươi túi giở gói thuốc bọc trong miếng mo cau tiếp tục vê một điếu khác.

Chiếc cột ăng ten cao vút sơn trắng giữa ruộng báo hiệu đã tới thành phố. Một đài phát thanh trơ vơ giữa một khoảng ruộng bỏ hoang chưa cấy. Lúc tàu chạy qua Vũ nhô mình ra khỏi cửa tàu gọi lớn, khung cửa gỗ vẫn vắng tanh không ai nghe thấy tiếng, Vũ buông mình mạnh xuống ghế, kéo hành lý ra và yên lặng ngồi chờ.

Nhà ga buổi sáng mát và vui nhộn nhịp, như sửa soạn đón chuyến tàu suốt từ Huế vô. Vũ xách vali ra khỏi ga, ngơ ngác, xa lạ. Trên bảng thông tin trước ga đã có dán một bảng giấy viết bằng mực xanh nghệch ngoạc kết quả tạm cuộc bầu cử trong tỉnh hôm qua. Nơi phía trước công viên, mấy cô gái áo dài trắng tóc thề xoã ngang vai, cười nói đi lại. Vũ thuê xe đến một nhà quen, tính ở lại đó một hôm trước khi ra đi vào trưa hôm sau...

Nghỉ một hôm trong một thành phố lạ, Vũ ra bến xe từ buổi sáng sớm. Chuyến xe toàn những người đi buôn và lấy vé trước nên khởi hành sớm. Câu trách móc của bà mẹ Đông hôm qua làm Vũ cũng hơi băn khoăn. Vũ có cảm tưởng như nếu có chuyện gì không may xảy ra cho hai người con của bà thì chàng phải lãnh phần trách nhiệm tinh thần trong vụ này. Đông sắp bị gọi tái ngũ dù còn lại bà mẹ và hai đứa em nhỏ; còn Khôi em Đông sắp cưới vợ trước khi tốt nghiệp trường sĩ quan Hải quân. Mỗi cuộc đời một hướng đi bỗng chốc đoàn tụ rồi lại phân ly mỗi đứa một phương. Buổi chiều ngoài bãi biển ba đứa chụp chung ít tấm ảnh đem về, gặp phải mẹ Đông tồn cổ câu nệ và cả dị đoan nữa, khi biết chuyện chụp ảnh ba đứa thì bà cụ dãy nảy lên như gặp điều xui xẻo. Bà đinh ninh và tin chắc về một điềm không lành cho con bà và tỏ vẻ giận buồn, cho dù bà coi Vũ như con. Nghĩ về hiện tình, trí tưởng tượng lúc nào cũng đưa Vũ về những tương lai không hứa hẹn và có thể là thảm khốc. Điều đó cũng chẳng xảy ra với riêng chàng nhưng điều thắc mắc băn khoăn là một thứ trách nhiệm vẩn vơ về tương lai của những cuộc đời khác.

Xe chạy băng băng, cảnh đồng quê hai bên đường giống nhau một cách quen thuộc và buồn nản. Chỉ là những đồng cỏ rộng bao la úa nắng, thỉnh thoảng nhấp nhô những lùm cây xanh của những thôn xóm nhỏ rải rác trơ trụi. Chuyến đi này gợi lại hình ảnh của chuyến đi đầu tiên tám năm trước kia. Hình ảnh một quê hương vẫn nghèo nàn xơ xác trong bất an của những năm xưa, không có dấu hiệu gì hứa hẹn một tương lai sắp tươi sáng. Khách thường dân buôn và mọi ngành hoạt động vẫn khắc khoải nối tiếp lê thê của những con người thiết tha cố bấu víu đời sống...

Chừng được nửa khoảng đường, chiếc xe phải dừng lại, nối đuôi hàng trăm những xe khác suốt dọc con đường dài. Hành khách, tài xế, lơ xe nằm ngồi ngổn ngang trên mui xe và cả trên mặt đường. Phía xa từng tốp quân nhân võ trang đi lại. Xe tắt máy, mọi người tản mạn về phía trước hỏi han dò la tin tức. Một quân nhân trẻ quần áo lấm lết đầy bụi cát, vẻ mặt mỏi mệt mất ngủ nhưng cũng cố làm ra tươi tỉnh:

“Cầu mới bị giật xập sáng sớm hôm nay khi đoàn công-voa sắp qua, hư hại nhiều lắm, phải chờ đoàn công binh đến xem sao?”

Vũ đi lại phía những bác tài xế đang túm tụm bàn tán, người Bắc kẻ Nam giọng Trung pha trộn, mỗi người một câu hỗn loạn. Một người dáng cao lớn ngồi giữa cười nhe cả hàm răng vàng rực như lửa, đầu quấn tấm khăn bông, trên lưng vắt ngang một tấm vải carô trắng đen, phía dưới là chiếc quần kaki vàng lạt ngắn ngủn và bó trẽn, gã đưa mắt nhìn quanh rồi chỉ tay về phía trước, nói gạt ngang:

“Không đâu có phải “dzậy”!”

Ý chừng anh đang phản đối câu nói của mấy người trước, anh giơ tay vỗ mạnh vào ngực trổ chàm xanh, cả cánh tay cũng chằng chịt những vết xâm, giọng anh oang oang như kể lể phân bua:

“Không ‘qua’ chạy đường này từ hồi mới tiếp thu kia lựng, ‘qua’ biết rõ lắm mà. Hồi đầu sau chiến tranh cầu hư hết trọi vì Tây nó bỏ bom nó phá. Đến khi về tay chánh phủ mới cho lập ngay những bến xà lan chạy đỡ, sau xe đông quá mà xây cầu thì chưa kịp, công binh họ mới dựng tạm cây cầu nổi cho xe nhỏ dưới năm tấn, còn xe lớn thì phải tăng-bo mới được qua. Thế rồi có một hôm cha canh điếm ăn hối lộ sao đó để cho một xe cam nhông nặng quá tám tấn chạy ẩu qua, đến giữa cầu nặng quá... đứt ra làm đôi, chiếc xe cam nhông thì chìm nghỉm. Sau người ta vẫn phải chữa tạm chiếc cầu nổi trong khi bắt đầu công trình xây cất cầu bê tông mới... Trời, cây cầu mới xây xong chạy ngon quá sức đi khỏi phải chờ đợi chi hết trọi. Có ai phải từng chờ xà lan, tăng-bo qua cầu nổi rồi mới biết cực thế nào, có “dzậy” mới biết được cây cầu mới xây ngon ra làm sao.”

Anh ta ngưng một lúc, nhổ một bãi nước miếng, văng một câu rất tục rồi tiếp:

“Thiệt bọn đó ngu thấy mẹ đi! Giật cầu thì ăn cái giải gì cơ chứ... Bộ này không biết chờ đến bao lâu mới xong.”

Con buôn thì cơm nắm nằm chờ lo hàng thối hàng thiu, mỗi người một tâm trạng trông mong. Đến buổi chiều công binh mới thiết lập tạm xong một bến xà lan, đoàn công voa chờ từ khi sáng được ưu tiên sang trước, trước những con mắt thèm muốn chờ đợi của đám hành khách với hàng trăm chiếc xe nằm dài. Vũ chạy lại ban chỉ huy đoàn công voa xin nhập bọn. Xem xong giấy tờ họ vui vẻ cho Vũ đi cùng chuyến xe Jeep trên đường tới trung tâm.

Gần bốn giờ đồng hồ sau đoàn công voa mới qua được hết bên kia và bắt đầu di chuyển. Tin nhận được cuối cùng tại chỗ là đoàn tuần tiễu lùng giết được mười hai tên; vị sĩ quan chỉ huy bụng to mặt đen và đanh thép kể lại tin đó với một niềm vui rõ rệt. Sau đó trên suốt đoạn đường trường họ thản nhiên hỏi han nói chuyện với Vũ như trước đó không có chuyện gì xảy ra...

Qua một buổi chiều mệt nhọc và một đêm ngủ xa lạ với đầu óc căng thẳng, Vũ trở dậy từ sáng sớm sửa soạn chờ đợi tới trình diện Trung tá chỉ huy trưởng đơn vị. Trung tá giới thiệu Vũ với viên Đại uý tiểu đoàn trưởng vẻ trịnh trọng nhưng không kém thân ái:

“Đây trung uý Lâm Thiện Vũ, y sĩ trưởng mới đổi về phục vụ đơn vị ta...”

Sau những cái bắt tay chặt chẽ, câu chuyện hàn huyên thân mật, Vũ đứng dậy cáo từ. Trung tá bắt tay Vũ rồi quay sang viên Đại uý nhấn mạnh:

“Đại uý nhớ cho đây không phải chỉ là một Trung uý y sĩ mà là một Y sĩ trung uý...”

Viên Đại uý nhướng cặp mắt dài và sắc nhìn Vũ cười, gật đầu lia lịa trong khi chính Vũ cũng không rõ giữa danh xưng Trung uý y sĩ và Y sĩ trung uý khác nhau những gì đến nỗi viên Trung tá phải nhắc lại và nhấn mạnh có vẻ quan trọng đến thế. Sau lần tiếp xúc đầu tiên lòng Vũ tràn ngập niềm vui vô cớ.


CHƯƠNG BA

Tiếng gót giày đinh nện mạnh trên sàn nhà nghe rõ dần, bước chân như dừng lại trước cửa buồng. Vũ đặt bút xuống hướng ra phía cửa lắng nghe. Quả đấm bằng sứ xoay vừa một vòng, cánh cửa hé mở, Đại tươi cười bước vào, hất đầu hỏi Vũ dáng thân mật:

“Thế nào Trung uý, sửa soạn xong hết chưa?”

Vũ kéo ghế đứng dậy khẽ gật đầu trả lời:

“Coi như xong cả rồi, còn mấy thứ phụ tôi đã dặn trung sĩ Lực phải sắp đủ trước chiều nay.”

Đại ngẫm nghĩ một lát rồi quay sang bảo Vũ:

“Thế là chu đáo rồi, kể ra cũng không cần gì nhiều vì anh cũng không làm gì được hơn giữa mặt trận. Dù sao có anh đi theo tiểu đoàn cũng là mối an tâm cho nhiều người. Chắc anh không biết cách đây gần một năm trong cuộc hành quân tháng mười, một sĩ quan trợ y chết oan cũng vì không có y sĩ. Lúc đó trung uý Dương vừa được biệt phái qua Nhảy dù, tiểu đoàn chỉ còn lại mỗi sĩ quan trợ y, chuẩn uý Huy và mấy y tá. Lẽ ra Huy phải đi theo bộ chỉ huy tiểu đoàn thì không sao, đằng này anh ấy tận tâm xông xáo đến những cứ điểm chưa có an ninh thành ra... Anh ấy bị trúng đạn vào đùi, đứt mạch máu lớn, y tá thì không biết nên anh ấy bị chết vì hết máu trước khi về đến căn cứ.”

Nói đến đây nét mặt Đại nhăn lại dáng kìm hãm, như một cố gắng anh mỉm cười bảo Vũ:

“Đi trận lần đầu chắc anh cũng chưa quen, can đảm có thể anh có nhưng cũng chả nên quá xông xáo; cứ việc đi theo xát bộ chỉ huy chúng tôi, cũng nên nhớ anh còn có bổn phận với cả tiểu đoàn chứ không với riêng ai, bởi thế cần tránh hy sinh trong những trường hợp xét ra vô ích.”

Đại đứng dậy quay ra, giơ tay nhìn đồng hồ nói:

“Chỉ còn từ giờ đến sáng mai, tối nay sang dùng bữa với tôi, hẹn anh bảy rưỡi tối.”

Không đợi Vũ trả lời, anh quay ra thản nhiên khép cửa lại. Vũ trở lại bàn, trước mặt là lá thư chàng đang viết dở cho Mai hỏi thăm tin Huyền. Đại tới đã tránh cho Vũ những ý nghĩ khó khăn, khi Đại bỏ đi chàng không còn muốn viết tiếp nữa. Sự yên lặng trong căn buồng như ngưng đọng lại. Qua những ô kính vuông, ánh nắng chiều còn sót lại màu vàng đục, những hàng rào dây kẽm gai đan dày và chạy dài trên một khoảng đất khô cằn...

Từ ngày đổi về đây, Vũ sống những ngày dài bình thản. Công việc mỗi ngày chả có gì nặng nhọc, buổi sáng làm việc nơi bệnh xá , khám bệnh và phát thuốc cho mươi người lính với những căn bệnh thông thường. Buổi chiều và tối nếu không đọc sách để sửa soạn kỳ thi bệnh lý trong tháng tới thì chàng lại ngồi viết nốt tập luận án mới viết xong một phần ba.

Vũ đưa tay với quyển Procès mà Đại vừa cho mượn hôm qua, giở vài trang đầu ra đọc. Qua hết một trang mà tâm trí Vũ vẫn để đâu đâu. Vũ nghĩ tới cuộc hành quân ngày mai, nhớ những lời căn dặn của Đại như giọng của một người anh, bất giác chàng lắc đầu tự mỉm cười: với Vũ, Đại vừa là cấp chỉ huy, một người bạn và cũng là con bệnh kinh niên của chàng. Đại bị đau dạ dày lại thêm chứng yếu gan nên cách ăn uống của anh rất khó khăn. Vũ vẫn bảo đùa:

“Anh tập cho được cái tính vô tâm thì bệnh gì nơi anh cũng hết.”

Nghe Vũ nói thế Đại chỉ nheo mắt cười. Hình dung nét mặt Đại Vũ thấy như đã từng quen. Vầng trán Đại cao tóc thưa và hói, cặp mắt anh sáng quắc lúc ngước lên nhưng bình thường khuôn mặt đượm vẻ tư lự u tối, với đôi mắt sỉu buồn dưới hàng lông mày lúc nào cũng hơi nheo lại như vật vã với ý nghĩ rầy xé suy tư. Nhưng khi cười, nụ cười anh thật cởi mở dễ dãi, mọi nỗi ưu tư như tiêu tan, mỗi lần Đại cười Vũ thấy chính mình cũng có cảm tưởng nhẹ nhõm. Đại là hình ảnh của sự nghiêm nghị đăm chiêu của thứ thầy tu khổ hạnh. Có lần Đại bắt tay Vũ giây lâu, trong một cử chỉ đơn giản, mắt anh sáng lên khi nhìn sâu vào mắt Vũ:

“Không hiểu tại sao gặp anh lần đầu tôi thấy mến và tin ở anh ngay. Sau này ngoài nhiệm vụ tôi tin chúng ta sẽ là những người bạn thân thiết.”

Đại nói giọng Bắc hơi nặng như thứ tiếng của vùng Bùi Chu Phát Diệm, thường uốn lưỡi đầu chữ “S” cong lưỡi ở vần “R” thành ra âm thanh phát ra có vẻ sắc cạnh và sít sao đến khó khăn. Hình như Đại lúc nào cũng mang nặng một đời sống tâm tư phức tạp và thầm kín không hề được thổ lộ. Vũ đến là một cơ hội để anh được nói ra. Sự quen biết giữa Vũ và anh đã vượt ra ngoài thông lệ của thời gian, đó là sự gặp gỡ khác thường của một thứ lòng tin “sét đánh”.

Buổi tối sau khi dùng cơm riêng với Đại, hai người cùng trở về phòng lúc trời bên ngoài đã tối hẳn. Mỗi người ngả lưng trên chiếc ghế mây kê gần chiếc bàn con dựa vào bức tường vôi trắng cạnh cửa buồng. Cả phòng chỉ thắp một ngọn đèn dầu nhỏ treo lơ lửng và toả sáng. Đại ngồi nghiêng trong một góc thiếu ánh sáng , nước da đen xỉn lại càng sậm xuống như chì của người có bệnh sốt rét kinh niên. Trong tranh tối tranh sáng Vũ thấy rõ cả những nét xương xương nhô lên và cả hõm đen trũng sâu xuống má anh.

Như một thói quen trước khi mở miệng nói hàm răng anh xiết lại làm nổi hằn bắp thịt trên má và những đường gân bên thái dương. Môi anh mím lại và mỏng ra khiến vẻ mặt anh càng co sắt lại, khô khan như một thứ tượng gỗ. Mỗi ý nghĩ anh nói ra vẫn như từ một sự đắn đo do dự; bắt đầu câu nói anh tặc lưỡi “chách” miệng một tiếng:

“Mười lăm năm về trước tôi cũng chạc tuổi chú, chú cho phép tôi coi chú như em, nhưng tôi không có được một dĩ vãng tự do như chú. Thầy mẹ tôi người Nam Định, có lẽ bây giờ không còn nữa, nhưng tôi lại được đẻ ở Phát Diệm. Câu chuyện kể ra cũng hơi phức tạp, tôi sẽ kể không theo thứ tự mà theo trí nhớ của tôi. Đã lâu lắm rồi còn gì...”

Đại cúi đầu châm một điếu thuốc hút, chấm lửa đỏ loé lên rồi lu dần, sau cái tặc lưỡi anh lại kể giọng đều đều:

“Sau này tôi mới biết rằng thầy mẹ tôi trước kia không có đạo. Nhưng do vụ xáo trộn trong tỉnh thì thầy tôi, hồi đó còn trẻ bị tình nghi và bắt giam. Mẹ tôi lo lắng chạy chọt ròng rã bao lâu mà thầy tôi vẫn không được tha. Sau đó mẹ tôi được chỉ tới một ông cố đạo người Pháp để nhờ can thiệp và quả nhiên thầy tôi được thả ra sau hai năm bị giam giữ.”

Đại ngưng một lúc, rít một hơi thuốc dài, quay sang nhìn Vũ lại “chách” miệng nói tiếp:

“Tôi không ngờ câu chuyện đến đó lại ảnh hưởng tới cả cuộc đời tôi sau này. Theo lời khuyên ông cố đạo, gia đình tôi dọn hết về Phát Diệm làm ăn, cũng như đi lánh nạn và gần chỗ được che chở. Rồi đúng như sức mạnh lòng tin của những kẻ mới trở về, thầy mẹ tôi ngoan đạo và tin tưởng mãnh liệt. Kết quả mà chắc chú không thể ngờ được là cả nhà ba anh em con thầy mẹ tôi đều được gửi đi tu...”

Chừng cái công việc khơi móc lại cả một dĩ vãng bị chôn sâu làm anh cảm động, nên Vũ để ý thấy giọng anh thấp xuống và hơi run run. Anh khẽ xoay mình trên ghế, đưa một bên lưng về phía Vũ rồi nói qua hơi thuốc dày đặc hắc và ấm:

“Người anh cả và chị tôi đã theo được đúng như ước nguyện sâu xa của thầy mẹ tôi. Chị ở lại sau vụ di cư và tiếp tục sống trong một tu viện ngoài Bắc, còn anh tôi thì di cư vào Nam sống một đời linh mục bình lặng và ngày hai buổi lái xe đi dậy học. Đã lâu lắm tôi không được tin gì của anh tôi, nhưng chắc cuộc đời bao nhiêu năm sau của anh tôi vẫn thế chả có gì thay đổi.”

Ý tưởng đầy vẻ chua chát, giọng anh trở lại đều đều và bình thản:

“Thầy mẹ tôi chắc chắn sẽ hoàn toàn toại nguyện nhắm mắt nếu không có một thằng con như tôi... Ít lâu sau khi được gửi vào tu viện, ở cái tuổi mười hai chưa hề biết lo nghĩ và hiểu biết, tôi luôn luôn bị cảnh cáo về “tính nết khác thường” của tôi. Để chiều lòng thầy mẹ và cha bề trên tôi cũng tỏ ra cố gắng. Và cũng nhờ sự giáo dục kiên nhẫn và đều đặn tôi nghĩ mọi khó khăn cũng sẽ qua đi, rồi có lúc tôi được sống yên ổn trong sự an thái của một đời sống mới.”

Rồi chừng như thấy rõ được sự ngạc nhiên trên nét mặt Vũ, Đại quay sang khẽ mỉm cười:

“Chắc chú thấy tôi đang kể những điều không liên quan gì đến đời sống của tôi hôm nay.”

Yên lặng một lúc, không đợi Vũ trả lời, Đại kể tiếp:

“Nhưng rồi càng được dạy dỗ mở mang tôi càng ý thức rõ rệt được sự chán nản đến cùng độ. Thì ra tôi hèn nhát lắm, cũng bởi lúc đó bao nhiêu ràng buộc chặt chẽ và khắt khe quá khiến tôi không đủ sức mà ruồng bỏ hết được. Và rồi kết quả bề ngoài theo năm tháng tôi đến dần chỗ trưởng thành song song với bao sứt mẻ và đổ nát bên trong. Học xong ban trung học, trong lúc các bạn khác đồng lứa với tôi ham mê triết học thần học siêu hình và văn chương thì tôi lại say mê môn toán pháp, cũng từ đó tôi mới ý thức được rõ hơn tính nết khác thường của tôi trong cảnh sống như thế. Tu viện thiếu người dạy về khoa học, tôi đặc biệt được phép gửi sang học trường Khoa học. Có thể nói tuổi thanh niên của cuộc đời tôi trải qua một khúc rẽ quan trọng từ đấy...”

Anh lại ngừng, vứt điếu thuốc dở tắt dụi trên tay, mặt anh mất vẻ bình thản và hơi cau lên, anh “chách” miệng một tiếng nét mặt dịu xuống rồi tiếp:

“Tôi lạc lõng trong một thế giới sôi động của tuổi trẻ nhiệt thành, bộ áo thụng đen tự làm tôi ngăn cách với tất cả. Tôi cảm thấy mất tự do và khó chịu về mọi hình thức mà tôi đang bấu víu. Ít hôm sau tôi trút bỏ bộ áo đen và ăn mặc bình thường tới trường. Tôi muốn hoà mình vào cuộc tranh đấu bình thường của đời sống. Càng ngày tôi thấy mọi nề nếp suy tư của tôi không khác họ, ngay từ một quan niệm sống căn bản. Những người bạn thân họ ngạc nhiên hỏi tôi; ‘Sao lại đi tu nhất là một người như anh’. Nhưng nền giáo dục khắt khe bấy lâu đã ăn sâu vào tâm trí tôi, bám chặt từ đầu lưỡi tới kẽ răng, lúc nào tôi cũng hùng hồn bênh vực trả lời như một cái máy. Tôi dùng đến những danh từ khó hiểu siêu hình, tôi hùng biện cho một điều mà chính tôi chưa thật biết và hoàn toàn tin tưởng. Tôi nhắc đến sự phước hạnh của ‘ơn kêu gọi’, của ‘mạc khải’ trỗi dậy trong tâm hồn tôi, nhiều nữa... Có một điều mà tôi ý thức chắc chắn được rằng, năm mà tôi là một đứa bé mới mười hai tuổi thì những danh từ đó đối với tôi cũng như sự huyền hoặc của sấm sét, sự xa lạ của các danh từ chuyên môn đại học với một đứa bé mới lớn. Chính tôi cảm thấy ân hận về sự giả tạo của mình, về những hùng biện cho những cảm xúc mà thực ra tôi không có. Điều đó làm cho tôi đau khổ và càng suy giảm lòng tin, một lòng tin mà cho đến bao giờ tôi cũng cảm thấy sâu xa là cần thiết. Lại một sự kiện quan trọng nữa trong hai năm học giở dang ở Khoa học, một người con gái đã ngỏ lời yêu tôi. Và tôi tránh được sa ngã đó nhờ thôi học và đúng lúc tôi được thụ phong. Phải nói rõ là tôi cũng yêu mến đến khát khao người con gái kia. Sau đó tôi sống trong hình thức một đời sống với hai bộ mặt. Tôi sống đầy đủ và thật trọn vẹn đời sống bên ngoài trong vòng ba năm ở nhà thờ xứ của một vùng mới được định cư xa xôi. Rồi bi thảm đã tới trong một buổi lễ cuối năm do tôi đứng chủ lễ. Đúng vào một ngày mưa to gió lớn bất thường như bão rớt từ đâu xa ... thì nhà thờ bị một cơn lốc thổi tốc mái và xập xuống. Trước mắt tôi là cái chết thê thảm của mấy giáo dân ngoan đạo, cũng may lúc đó mọi người tản mạn ra về gần hết, duy tôi còn sống sót. Nhắc đến đó hiện tại tôi xúc động. Tôi thấy mình bất lực và trơ trẽn... Tôi không còn nhớ lại được gì nữa, chỉ biết ít lâu sau khi nhà thờ được xây cất lại, chính tôi cũng không hiểu vì những lý do mạnh mẽ nào mà tôi từ bỏ áo thầy tu... Tôi tranh đấu trong sự dè bĩu của quyến thuộc và đầy gian nan, tôi quay trở lại học thuốc cho đến năm thứ ba. Tôi tìm gặp lại người con gái trước kia và cưới nàng làm vợ. Tôi vừa đi dạy vừa đi học và ít lâu sau chúng tôi có được một đứa con. Vợ tôi cũng có đạo nhưng tư tưởng có phần tự do phóng khoáng, chúng tôi sống hoà hợp và dự định bồng bột những tương lai sắp tới. Có một điều rất lạ là học thuốc nhưng tôi lại rất khiếp sợ máu và xác chết. Vượt xong mấy năm đầu tôi thấy đó như một thử thách lớn lao...”

Đại quay người trở lại hướng về phía Vũ, mắt long lanh:

“Chắc chú cũng ngạc nhiên là ‘tính sợ máu và xác chết’ lại đưa tôi tới đây?”

Đầu anh ta hơi cúi về phía trước, hất lên theo hơi thở như có một tiếng nấc, giọng anh lại không đều và ngắt quãng:

“Thế rồi... thật khốn nạn, đứa con yêu quý độc nhất của chúng tôi bị chết, chết trong một trường hợp thê thảm. Buổi sáng tôi đưa nhà tôi và đứa con tới bể bơi, tôi và nhà tôi tắm xong lên bờ ngồi đọc sách phơi nắng và nói chuyện, trong khi người ta rút nước bể bơi bất thường, đứa con tôi vẫn ngụp lặn tung tăng, nó còn nhỏ mà đã bơi khá lắm, nhưng sức nước chảy rút mạnh quá nó bị hút đầu vào ống tháo, người ta phải đập phá vỡ cống đi mới rút được đầu nó ra...”

Đầu anh gục về phía trước, anh nấc lên một tiếng và xoay lưng dựa vào thành ghế bên kia:

“Sau đó nhà tôi mê sảng và khóc lóc như điên. Rồi quá thương con, nàng đổ diệt hết tội lỗi lên đầu tôi, nào là tôi không thương con để nó phải như thế, nhà tôi lại còn đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn về một hình phạt của Chúa do tội lỗi tôi gây ra mà nàng và đứa con phải gánh chịu. Tất cả lời buộc tội đó làm cho tôi đau đớn quá sức. Rồi nhà tôi bỏ đi, sự học của tôi cũng dở dang, rồi số phận, cho đến bây giờ tôi tin là số phận đưa đẩy tôi, một người sợ máu và xác chết tới chỗ đứng ngày hôm nay... Lúc đó tôi không còn thiết tha một điều gì nữa, ngay chính cả đời sống bản thân tôi. Lẽ sống sau này với tôi đồng nghĩa với danh dự và cũng chính bởi quan niệm đó , đời tôi lại trải qua thử thách nghiêm trọng một lần nữa. Lúc đó đơn vị tôi đang đồn trú ở biên giới miền tây, đột nhiên chúng tôi bị gọi về thủ đô với vũ khí chiến đấu. Về đến nơi chưa kịp trở súng thì đã bị bao vây và bị uy hiếp phải đầu hàng. Tại sao người ta lại bắt chúng tôi phải đầu hàng? Trong chúng tôi ngay từ thời còn tại ngũ thời Pháp, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện có thể giơ tay đầu hàng dù là những phút hiểm nghèo nguy biến nhất... Chú cũng biết đã chọn một cuộc đời quân nhân chúng tôi luôn luôn đứng trước hai tình huống: danh dự và đầu hàng. Đứng trước sự kiện thứ hai chúng tôi sẵn sàng chọn cái chết, khi mà trong cái chết chúng tôi tìm được ý nghĩa của hy sinh và toàn vẹn danh dự. Chúng tôi được gọi về chiến đấu nhân danh bảo vệ chính nghĩa, dù cho đã bị lừa dối, sự hy sinh của chúng tôi đã bị lợi dụng, nhưng trước dân tộc chúng tôi vẫn chỉ là thuần tuý những quân nhân thiết tha với tương lai và vận mệnh của tổ quốc. Chúng tôi có thể trở về với chính nghĩa từ bỏ bước sai lầm nhưng chúng tôi nghĩ không thể trở về với ý nghĩa của sự đầu hàng... Bởi thế không thiếu các bạn đồng đội , dù ý thức được nghịch cảnh nhưng vẫn phải bước sâu vào sự lầm lẫn để nhận cái chết hết sức là phi lý. Nhưng nếu cứ nghĩ lại, là một quân nhân chân chính, yếu tố tâm lý đưa tới chấp nhận sự đầu hàng dù với hình thức nào cũng đều làm cho đối tượng đời sống họ mất hết ý nghĩa. Thật có một phép lạ mà tôi còn có thể sống và còn ngồi nơi đây. Tại sao chúng tôi có thể thoát chết khi đã dứt khoát có một chọn lựa trong một hoàn cảnh cực đoan như thế... Có lẽ người ta đã hiểu chúng tôi nên đã không có những đổ máu thêm vô ích...”

Đại yên lặng một lúc lâu, như sống lại y nguyên cảm xúc của dĩ vãng, những nét xúc động và đau dớn cũng dịu hẳn xuống, anh khẽ “chách” miệng tiếp:

“Tôi càng lăn vào sự đau khổ, tôi càng tìm thấy được thứ lòng tin đã mất, càng dấn mình vào cao độ của hy sinh của sự chết tôi càng tìm được ý nghĩa sâu xa của các danh từ xa lạ với tôi trước kia... Tất cả những đau thương của dĩ vãng mà tôi phải gánh chịu, tôi không cho đó là những hình phạt mà tôi nghĩ chính Chúa đã giúp tôi đi tìm được lòng tin mà tôi hằng thiếu thốn khát khao...”

Đại nói nhiều đến một lòng tin lớn mạnh trong đời sống anh. Vũ vẫn chăm chú nghe không còn biết đến bên ngoài mưa đang đổ nặng hạt và đã về khuya lắm...
Nguồn: Mây bão, tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề trình bày. Sông Mã xuất bản. Sài Gòn 1963. (Giấy phép xuất bản số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB ngày 5-11-63). Bản Ä‘iện tá»­ do tác giả cung cấp.