trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
1.11.2007
Ngô Thế Vinh
Mây bão
Tiểu thuyết
 1   2   3   4   5   6   7 
 
CHƯƠNG MƯỜI HAI

Khi tiếng còi tàu réo lên đàng xa, Quy có cảm giác kinh hoảng như tiếng la hét thất thanh trong tâm hồn mình. Đợi một lúc đoán chừng đoàn tàu đã qua đi, Quy quay sang bảo chồng vẻ lo lắng:

“Anh ấy có chắc lên thoát được không anh? Em lo quá.”

Kính trong bụng vẫn áy náy, phần vì số phận của bạn, phần vì lúng túng cho mình khi chút nữa đây bọn người kia kéo đến chàng sẽ ăn nói với họ ra sao. Nhìn sắc mặt xanh lợt của vợ dưới ánh đèn, chàng thấy lòng tràn đầy thương hại. Kính lấy giọng bình tĩnh nói cứng:

“Chắc chắn là anh ấy qua, bình yên sáng mai anh ấy ở trên tỉnh rồi, có sướng không?”

Tuy nói thế Kính thấy lòng vẫn e ngại. Chàng bước dọc theo căn phòng ngoài, tiếng guốc gõ trên sàn gạch rất nhẹ. Quy chỉ nghe tiếng mặt guốc đập lách tách vào gót chân mỗi lần Kính nhấc chân lên. Căn phòng sáng ấm cúng, hai vẻ mặt lo âu đè nén, ai cũng nghĩ là đêm tối bên ngoài đầy những hăm doạ và đầy nguy hiểm. Quy đang cố tưởng tượng cảnh Vũ ẩn náu trong rừng cây bên đường rầy, mệt quá ngồi ngủ gục và thiếp đi, chuyến tàu đêm đã chạy qua mà không hay và chàng vẫn ở đó ngồi chờ vô vọng cho tới sáng.

“Khuya rồi, đi ngủ đi em.”

Nghe chồng nói nhưng Quy vẫn ngồi yên trên ghế. Kính bảo vợ “đi ngủ” như một cái lệ mà đến đêm nay chàng vẫn muốn giữ để tỏ mình còn bình tĩnh. Trong đầu óc Kính hỗn loạn bao nhiêu câu hỏi bao nhiêu là ý nghĩ: Bọn kia mà trở lại thì sao? Chúng hỏi Vũ sẽ nói làm sao? Nếu chúng đập cửa, không mở - chúng phá cửa mà vào dễ dàng. Không thấy Vũ chúng để yên hay bắt chàng hoặc Quy làm con tin. Nếu bọn chúng xúc phạm tới Quy làm sao mà che chở cho vợ. Ý tưởng bất lực đó khiến Kính đau xót. Mỗi câu hỏi nảy ra, ý nghĩ phức tạp khó khăn vẫn y cũ, không có câu trả lời. Kính tự nhủ sớm muộn chàng cũng phải rời bỏ nơi đây, chịu đựng hôm nay còn ngày mai, một chuỗi ngày dài lê thê, khó thở và đầy đe doạ.

Lúc hai vợ chồng nằm yên trên giường, cả hai cùng cố giữ im lặng. Quy tưởng chồng có thể ngủ yên nên cố tránh những tiếng ngáp dài. Còn Kính đoán vợ đã thiếp đi khi thấy Quy nằm yên không cựa mình - thường ngày Quy cựa mình trằn trọc luôn khi còn tỉnh thức chờ đợi một giấc ngủ chậm tới. Thỉnh thoảng cả hai cùng nghe thấy của nhau những chuỗi thở dài nhè nhẹ rung trên mặt gối. Họ chờ đợi trong lo lắng và nghe ngóng. Tiếng động nhỏ của một con chuột dưới chạn thức ăn trong bếp, một tiếng mối rơi từ trên mái xuống mặt bàn đều làm Quy kinh hãi. Kính thì cố gắng nghe và phân tích tiếng động tự bên ngoài. Chàng cảm tưởng như có tiếng bước chân trên mặt đường đang tiến lại gần, bước chân dồn dập của nhiều người, không chỉ một người - nhưng lắng nghe kỹ Kính thấy rằng nhịp bước chân chỉ là nhịp tim đập trong lồng ngực mình. Nhịp tim đập nhanh như có âm vang rung theo các mạch máu khắp mình. Chàng biết mình đang lo lắng sợ và hồi hộp: bàn chân thò ra khỏi chăn bắt đầu thấy lạnh và gây cho chàng cảm tưởng ghê sợ về sự chết chóc. Bỗng có tiếng ai lay động ở cửa. Mạch máu chàng căng lên và như đông cứng lại, sao Kính chưa bao giờ thấy mình lại lo sợ đến thế. Có thể Vũ thất thểu trở về, cũng có thể bọn kia quay trở lại. Tiếng động làm cho chàng như bị liệt trên mặt giường và không cử động gì được nữa. Nhưng rồi tiếng động như không có thoáng qua rồi im đi. Chàng như hoàn hồn, hơi thở trở lại đều và ấm áp. Kính lại lảng vảng với ý nghĩ và dự định “sớm muộn cũng phải rời bỏ nơi đây”, rời bỏ đám học trò quê chất phác mà chàng rất mực thương yêu, chàng không nỡ bắt Quy vợ chàng vì mình mà phải quá đỗi hy sinh. Quy chọn lấy chàng tức là rời bỏ tất cả để ra đây sống, với ý nghĩ đó làm Kính cảm động và thấy có bổn phận phải che chở và đền đáp. Chàng quay lại nhìn qua bờ vai và chiếc gáy trắng của vợ lờ mờ trong bóng tối; Kính nằm sát lại kéo Quy vào lòng, với cảm tưởng cơn sóng gió như vừa qua đi và những đe doạ nặng trĩu thực ra không có nữa.


*



Mặt trăng khuyết mỏng treo chênh vênh về phía tây, những vì sao trên cao như càng xa thêm, nhỏ li ti chiếu sáng, ánh sáng nhẹ và yếu ớt chưa kịp thấy rõ đã tắt mất và Vũ nhận ra bên cạnh đó còn vô số những vì sao nhỏ li ti hơn thế nữa. Cả bầu trời xám ngả dần sang trắng đục. Đến bây giờ trời vẫn chưa muốn sáng. Chàng đưa bàn tay lạnh buốt lên vuốt mặt, vuốt những vết máu đã đọng khô cứng. Quần áo thấm đầy sương đêm ẩm ướt, toàn thân như tê liệt mỏi rần. Chàng lúc này mới biết mình đang nằm trên dải đất đầy đá vụn và lô nhô những thân cỏ gai khô cứng và ướt xũng. Cạnh sắc những viên đá dưới lưng như muốn đào móc sâu vào da thịt chàng. Vũ nằm yên trơ ra không còn muốn cựa quậy hay làm một cử động nhỏ nào nữa. Trong tối tăm vắng lặng, chàng nghe rõ hơi thở mình mệt phều phào, nhịp tim đập yếu ớt và nhanh trong lồng ngực bên trái. Vũ vẫn đưa tay mò mẫm từ mặt xuống thân mình, tìm kiếm những vết thương và chỗ máu đọng. Vết thương chỉ là những đường sây sát vấy máu và không sâu. Sờ nắn được tới vết thương nào Vũ mới cảm thấy chỗ đó bắt đầu đau nhức. Trong đầu óc chàng vẫn còn văng vẳng tiếng còi tàu phía xa, kinh hoảng hãi hùng. Chàng bỗng giật mình nhỏm dậy, tiếng chó sủa rộn phía trong xa rồi bặt yên tĩnh. Con đường sắt dài mất hút vào đám sương trắng đổ xuống mờ ảo. Chàng nghĩ và cố nhớ lại: mình đã ngất đi từ nửa đêm, bây giờ chắc khoảng bốn giờ sáng. Những sợ hãi về đe doạ đêm qua đối với nỗi chờ đợi đau đớn hiện tại không còn nghĩa lý gì nữa. Sáng nay chàng sẽ trở về bình thản với cái sẽ tới. Kính vẫn nghĩ rằng chàng đã đi thoát. Hôm qua sau khi lên quận làm chứng cho Tư Nên trở về vào buổi chiều, Kính bảo chàng có năm người lạ mặt tới kiếm. Không gặp Vũ họ hẹn sẽ trở lại và nhắn đừng có đi đâu. Kính bảo:

“Sắp có biến rồi, đêm nay thể nào tụi nó cũng trở lại, tôi chắc đó là bọn của thằng Vạn nó muốn thanh toán anh. Phải làm sao mà trốn đi đêm nay, không còn cách nào hơn. Pháp luật, pháp luật ở nơi làng xóm hẻo lánh này ư, muộn lắm, lúc đó tôi sợ anh chỉ còn là cái xác.”

Đe doạ đó thật hiển nhiên, ban đêm bọn đó có thể bắt chàng đi, lôi đến bìa rừng rồi đâm cho nát xác cũng không ai hay. Sống ở đây chàng thấy giá trị nhân phẩm chỉ tuỳ sức mạnh thô bạo, tính mạng như run dế. Kính bảo chuyến xe lửa suốt qua làng vào mỗi nửa đêm, tàu không dừng lại nhưng làm sao mà bám được lên tỉnh là chắc chắn thoát.

Chàng ẩn ngoài bụi rậm từ tối cho đến nửa đêm chờ đợi. Chuyến tàu đến đúng giờ, đen lùi lũi tiến trong bóng đêm. Tới nơi, chàng cắm đầu chạy ra, mấy toa tàu vút qua là những toa chở hàng đóng kín. Chàng cố sức chạy theo con tàu lùi dần, mạch máu căng hết lên, hơi thở như vỡ ra, chàng cố hít mạnh một hơi thở sâu, dùng toàn lực nhảy bám lên bục đứng của một toa chở khách, tay chới với bám lấy sợi xích vắt ngang. Một chân vừa đặt được lên bục đứng, đang loạng choạng, chàng bị mất thăng bằng bị giật văng về phía sau và ngã xuống. Toàn thân rơi đập mạnh xuống mặt sỏi đá. Vẫn không biết đau đớn, như một con vật bị thương say máu, bằng bản năng sinh tồn hung bạo tìm kiếm sự sống, chàng lại chồm dậy tiếp tục cắm đầu chạy tới. Con tàu dài thuỗn vẫn có những toa kéo lê đi. Cứ chạy gần tới chỗ đứng của một toa chưa đủ sức phóng lên, toa tàu đã lại bị kéo phăng đi. Mắt chàng hoa lên, toa tàu chót chạy qua trước mặt, chàng vẫn cắm đầu chạy tới vô vọng, trông theo bóng con tàu đen xa dần, đến lúc vấp phải mỏm đá ngã xấp mặt xuống và ngất đi... Chàng ngẫm nghĩ và thấy chua xót cho thân phận khi thấy mình phải lẩn trốn như một tên phạm pháp một kẻ sát nhân khát máu. Cảm giác bực bội bất lực của suốt đêm qua vẫn còn; cơ quan trên quận vẫn khư khư với định kiến cũ, không tin lời chàng là Tư Nên vô tội và ngộ sát trong lý do tự vệ chính đáng. Họ nghi kỵ, họ lại còn nhìn chàng dưới khía cạnh đồng loã của một âm mưu sát nhân. Chàng rủa thầm:

“Thật ngờ nghệch và ngu xuẩn.”

Giữa khoảng trống không cô quạnh, một bóng người ngồi gục mặt trên gối chờ đợi một buổi sáng. Mặt trăng khuyết vẫn trơ trẽn và lạnh nhạt phía đỉnh những lùm cây, các vì sao mờ đi vì những đám mây trắng bạc không biết tự đâu tới và từ lúc nào...

Vũ đứng dậy trở về nhà Kính buổi sáng sớm khi mặt trời chưa kịp mọc. Chàng không muốn người khác trông thấy mình với quần áo bị cứa rách và mặt mũi đầy thương tích. Vết máu khô bắt đầu co lại, Vũ cảm thấy như thế khi các khoảng lành lặn khác trên da mặt như bị kéo căng ra. Những mảnh đá sắc vụn cứa rách lòng bàn tay và lọt nằm yên bên trong gây cho chàng cảm giác sưng tấy nhức nhối khó chịu. Vũ thấy càng khó chịu hơn khi cứ nghĩ tới những mảnh đá răm đầy đất cát vẫn nằm yên trong da thịt chàng. Chàng tưởng tượng những mạch máu nhỏ bị dập vỡ, máu chan hoà cuốn theo những những đất bẩn thấm dần vào những mảnh thịt trong sâu . Chàng đinh ninh sau suốt một đêm nhiễm độc chàng có thể bị chết về uốn ván hay hoại thư. Ý nghĩ đó làm cho chàng gây gây như đang lên một cơn sốt. Hình ảnh một người con gái nhỏ gục mặt bên đầu giường khóc cạnh xác một người mẹ đang có chửa, hàm răng nhe ra xít lại, bắp thịt má nổi hằn lên như đang cười chua chát, toàn thân cong vút và cứng lại khi hấp hối, lại hiện rất rõ trong óc Vũ. Đó là hình ảnh kinh hoàng đầu tiên khi chàng bước vào năm đầu của trường thuốc.

“Không lẽ cuộc đời mình lại kết liễu thê thảm như thế!”

Mệt mỏi và lo lắng của một đêm thêm vào những cảm giác nhức nhối và đau đớn làm ý nghĩ Vũ chỉ lẩn quẩn quanh cái chết. Chàng có cảm tưởng như cái chết đó sắp tới và nảy ra ý nghĩ rất buông trôi:

“Giá đêm qua mình cứ ở nhà, bọn nó tới bắt đem đi có đâm chết cũng xong.”

Chính chàng cũng ngạc nhiên khi vừa có ý nghĩ đó. Đấu tranh dai dẳng với cái chết, với đói khát và chờ đợi khắc khoải tuyệt vọng, thoát về đây không lẽ chàng chịu nhận một cái chết tầm thường và dễ dãi như thế. Chàng sực nhớ đến đêm qua, lúc quơ tay với sợi xích sắt, chân vừa đặt lên bục thì mắt chàng hoa lên, các vòng tròn đỏ vàng da cam bật loé ra trước mắt như đứng trước một họng súng, tất cả vỡ dần, thân xác chàng rơi xuống và không biết gì nữa...

Bóng một người đàn bà choàng khăn đội thúng đi tới. Người đàn bà như không để ý đến xung quanh, là vừa có một người đàn ông thất thểu đi qua. Lúc này chàng thật sự thấy mình cô độc. Đó không phải là nỗi cô độc hiển nhiên trong rừng cây lạc lõng mà chính là nỗi dằn vặt cô đơn giữa đời sống. Quên nỗi thù hận hiện tại trong khoảnh khắc, chàng thấy mình đi giữa cuộc đời với thân phận bị lãng quên và thừa thãi. Vũ thấy mình không còn tha thiết với cuộc đời của chính mình nữa. Những tranh đấu những vùng lên bất chợt chỉ là ý nghĩa của một lòng kiêu hãnh vô ích. Vũ cũng biết thế. Chàng có cảm tưởng một lúc nào đó chàng có đủ bình tĩnh để tự chấm dứt đời sống mình mà không hối tiếc. Cái chết lúc đó cho chàng hiểu thế nào là tự do của thân phận mình không ai có quyền lấy đi hoặc xâm chiếm. Đến cổng nhà Kính, chiếc cửa gỗ thấp bên ngoài vẫn còn khoá, cửa bên trong đóng im ỉm. Chàng đoán sau một đêm lo âu, cả hai vợ chồng đều mỏi mệt ngủ muộn. Chàng nhìn dọc suốt con đường trước sau không một bóng người rồi trèo vào. Cánh cửa gỗ nhỏ mảnh mai lắc cắc như muốn gẫy. Vũ ngồi vào chiếc ghế dài đặt trước hiên, bụi cây leo phía ngoài che khuất một khoảng trời còn tối. Chàng co chân lên ghế ngồi gục đầu xuống gối, yên lặng như thế và tiếp tục theo đuổi ý nghĩ.

Khổ sở tự nó vô nghiã sau cái chết nhưng hình ảnh hiện tại gợi cho Vũ một ý nghĩ nhục nhã và đáng thương mà chính chàng không muốn thế. Sau này trở về, có thể chàng sẽ vào không quân hay hàng hải, lúc đắm tàu giữa biển cả chàng từ bỏ chiếc phao cũng như từ bỏ một “đời sống với” hay trong một lúc nào đó cảm thấy đời sống đã trả đủ hay thừa thãi, chàng sẽ lái một chiếc máy bay ra xa bờ Thái bình dương, nhoi lên cao trên cả các từng mây, giữa khoảng trời tím và mặt biển xanh bao la, chàng sẽ bình thản mà buông thả hết, để trở về với yên tĩnh của bể sâu, hoá thạch giữa những lớp địa từng mới gầy lên theo năm tháng... Tiếng một người đàn bà la hoảng lên:

“Ủa anh Vũ, làm sao thế kia?”

Kính chạy ra đứng sững trước mặt Vũ, ngơ ngác và không hiểu. “Mình sẽ phải nói làm sao đây?” Vũ tự hỏi mình như thế. Chàng ngồi yên cho Quy lấy bông thấm nước thuốc tím nóng hổi rửa những vết thương sây sát. Chàng mệt thẫn thờ và không còn muốn cất lên tiếng nói. Quy đứng sát trước mặt chàng một màu trắng toát tinh khiết, hương thơm từ người nàng toả ra ấm áp. Vũ như tỉnh táo dần và cảm giác dễ chịu. Còn Kính thì luống cuống xuống bếp sắp thức ăn sáng thay vợ. Mùi thơm từ chảo cơm rang bốc lên ngào ngạt, làm Vũ cảm thấy đói ngấu nghiến. Trước bàn ăn Kính tới tấp hỏi han. Vũ nhếch mép, vết sước bên môi bị kéo căng ra đau xót, chàng nói vắn tắt:

“Giữa đêm tàu chạy qua, tôi phóng người theo leo lên, có lẽ tàu chạy nhanh lắm mà hai tay tôi thì lạnh cóng, tôi tuột tay ngã sấp mặt xuống sỏi đá cạnh đó và mê đi tới gần sáng.”

“Thế mà chúng tôi cứ tưởng anh đã thoát đi từ đêm qua. Cũng may là bọn nó chưa trở lại, nhưng...”

Kính định nói nữa là “nhưng định tính sao cho đêm nay” nhưng khi thấy Vũ cúi gục xuống ăn chăm chú nên Kính lại im.

“Tôi tính cứ ở lại với anh chị, có ra sao thì ra. Sáng nay tôi với anh Kính tìm đường lên quận, trình bày sự thật và yêu cầu một biện pháp...”

Kính chăm chú nhìn Vũ, quay sang vợ, lắc đầu như thiếu tin cậy và e ngại:

“Ở đây cái gì cũng chậm lắm. Phải tự mình mà lo toan tính lấy thì hơn. Vả lại trên đó họ chưa biết anh ra sao, giấy tờ không có gì, lại đang rắc rối cái vụ thằng Vạn với Tư Nên, anh nói làm sao cho họ tin. Ngay đối với chúng tôi là chỗ quen biết nể vì mà chính tôi cũng chả tin cậy được gì nơi họ. Tôi đang bảo nhà tôi nói với thầy cho đổi vào trong đó chứ tình thế này không yên với tụi nó được đâu ! Trước đây khi anh chưa tới tụi nó cũng đã gửi thư nặc danh yêu sách, đe doạ hoài. Tôi cũng tường trình tất cả lên cơ quan nhưng cho có lệ vậy thôi chứ ăn thua gì đâu, sớm muộn tụi nó cũng gây cho chúng tôi lắm khó khăn. Anh nghe tôi, nên tự mình tính trước đi thì hơn. Chuyện anh ngang nhiên bỏ đi hay ở lại ban ngày là không được rồi; thể nào tụi nó cũng cắt người canh chừng, ngay trên quận họ cũng muốn giữ anh lại vì nhân chứng cho vụ thằng Vạn. Anh vẫn chỉ còn cách đi thoát bằng chuyến tàu ban đêm...”

Vũ chăm chú nghe, Kính chách miệng nói tiếp:

“Chỗ xa mặt trời cái gì cũng khó khăn lắm! Anh hãy chịu khó ở nhà suốt ngày hôm nay đi, đừng vác bộ mặt sước sưng húp ấy đi đâu. Đêm nay cũng có chuyến tàu qua, đoạn anh đón hôm qua thẳng băng nên nó chạy nhanh lắm, nhất là bây giờ anh lại còn yếu hơn hôm qua nhiều. Chuyện nhảy tàu ở đoạn đó không còn được nữa. Chỉ có cách là đêm nay anh đi ngược theo đường sắt, men theo bìa rừng tới một khúc quanh của đường rầy ngay lúc tàu leo dốc một chiếc cầu sắt, tàu lúc đó chạy chậm lắm, vì có đi rồi nên tôi biết, anh đợi ở đấy mà thoát lên có lẽ dễ hơn...”

Quy vẻ mặt buồn rầu và lo lắng khi nghe chồng nói. Vũ có thái độ chán nản rõ rệt. Kính an ủi:

"Thôi anh chịu khó một chút nữa, vượt qua bao nhiêu khó khăn rồi, không lẽ còn một bước cuối. Thoát được đây vào trong đó, cuộc đời lại thênh thang hứa hẹn bao nhiêu là tươi sáng."

Kính mặc quần áo trước gương cố lấy giọng bông đùa:

"Anh vào đó trước đi, vợ chồng tôi sớm muộn cũng gặp anh ở trong đó, gặp anh thay đổi chắc chúng tôi sẽ ngạc nhiên lắm."

Chàng nghe lời Kính đóng cửa ở nhà ngủ li bì suốt hôm đó và lên cơn sốt gây gây. Quy và Kính đều đi làm, cửa khoá bên ngoài như thường lệ không ai nghĩ trong nhà có một người đang trốn tránh xã hội như một tội phạm. Dằn vặt về ý nghĩ đó càng làm cho chàng thấy mặt bốc nóng ran, toàn thân hâm hấp, trán dấp dính mồ hôi như cơn sốt của người bệnh lao mỗi buổi chiều.



Phần ba

CHƯƠNG MỘT

Toà báo là một căn nhà hai tầng cũ kỹ nằm giữa một dãy phố chạy dài. Mặt trước nhà trông ra phố luôn luôn được trát thêm vào những nước vôi mới dầy cộm lở long ra từng đám, để lộ những vết lổ lang trắng hếu không hình thù rõ rệt. Căn kế bên trái là một cửa hàng tạp hoá hỗn tạp, còn căn bên mặt là một cửa hiệu ăn tàu kế ngay một ngã tư trông ra hai mặt phố. Phía bên kia đường là lưng nhà ga với một bức tường dài siêu vẹo và lên rêu mốc thếch. Đó là nơi để cho những bác xích lô, tài xế taxi, những kẻ thất nghiệp lang thang không nhà đi bộ hơn cả nửa ngày đứng đó thản nhiên làm một việc giải thoát tối cần về sinh lý: đi đái. Toà nhà văn hoá của ông chú Vũ nằm kẹt giữa một thế ngã ba đường như vậy.

Vào những buổi tối thanh tịnh - cũng chẳng làm gì có sự thanh tịnh nơi đây, chú Tôn vốn dễ tính mà cũng phải càu nhàu vì chiếc máy phóng thanh của rạp cải lương cùng phố. Thế đã yên đâu, về khuya tiếng xe gắn máy, tiếng cười nói la hét của đám đông tụ tập trước các “bar” làm cho chú Tôn phải nhức óc. Có một điều mỉa mai cho chú Tôn là hàng ngày ông viết báo châm biếm tranh đấu cho sự yên tịnh của các xóm nghèo lao động nhưng chính ông không được vui hưởng điều đó. Chú Tôn thuộc về lớp người của thế hệ già. Hơn năm mươi rồi còn gì nữa, chú thường phàn nàn:

"Người Tây phương bảy mươi vẫn còn là tráng niên chứ người mình năm mươi đã là già quá rồi."

Từ ngày tới tuổi ngũ tuần, tự cho mình là già khiến chú muốn đứng trên và tách ra khỏi người khác. Mỗi lần tranh đấu cho sự sinh hoạt của một xóm nghèo thành công, người ta gửi thư tới để cám ơn chú: trong những lúc đó chú thấy mình khó tính và cô đơn hơn bao giờ hết. Buổi tối hôm đó, tiếng vọng cải lương từ một máy phóng thanh, tiếng la hét của bọn trẻ trong các “bar” và ngay cả tiếng tàu xe lửa rời bến cũng đều làm cho chú băn khoăn và khó chịu. Nếu cứ chịu khó phân tích mãi ra, thì đó là một thái độ ưu tư thoải mái về một lòng cao thượng được hy sinh miễn cưỡng cho hạnh phúc của đám người khác.

Mỗi khi tới gặp chú Tôn, phải đi qua phòng tiếp khách vào trong xưởng in, rồi leo lên một cầu thang hẹp dốc xoáy ốc và tối om. Trên sàn gỗ của căn gác tối tăm, chú Tôn bận chiếc quần ta trắng, một chiếc áo thung lót thoáng hơi, thoải mái nằm kềnh ngay trên sàn ván gỗ, mục kỉnh gọng đen gác trên sống mũi, hai chân vắt lên nhau và đạp lên thành tường, ống quần ta rộng trễ lên tới gối, để lộ một bắp chân khẳng khiu xanh rờn những đám lông khô quăn queo. Chú Tôn ngoài cái căn bản Tây học nửa vời còn được hấp thụ cái suy tàn của nền Hán học cũ. Trong bài báo, chú thường cố chêm vào ít câu chữ Nho. Làm như thế chú tin mình là tiêu biểu cho một lớp người Nho học thức thời, và có lẽ người ta cũng tin như thế. Bài báo do chú viết là đầy rẫy những công trình sắp đặt tiểu sảo, do chắp nhặt những chữ những âm lắt léo xếp vào vị trí đối nhau và cứ mỗi lần viết được một câu véo von như thế, chú quên cả sự già nua của mình, ngồi phắt dậy kéo cao gọng kính trên sống mũi, nắn nót viết lại và ngâm nga. Vũ không khi nào muốn có những ý nghĩ vẩn đục về ông chú. Mỗi lần trò chuyện, chú Tôn cũng chỉ toàn nói về những dự định và ước vọng cao xa. Vậy mà bọn làm báo khác cố tình gán cho chú bao nhiêu điều mất nết. Họ bảo chú thược về loại chuyên môn “bắn khỉ”; bắn khỉ hay “săn vịt giời” hay không Vũ đều không tin. Chàng vẫn nghĩ chú Tôn như một chiến sĩ tiền phong can đảm trong công cuộc bảo vệ luân lý và lành mạnh hoá xã hội. Trước những lời vu khống thoá mạ tới thanh danh chú, chàng bênh vực và cho rằng đó chính là những lời độc địa của những kẻ không ra gì và vô trách niệm. Nhưng khốn nỗi, nếu bình tâm mà xét cứ trông kỹ con người chú Tôn thì chàng thấy mình không còn đủ lý do để tự tin để bênh vực chú. Người chú Tôn gầy loèo khoèo, da chỗ nào cũng như ám khói xỉn xuống nhất là chỗ những đường rãnh nhăn nheo. Ngồi nói chuyện lâu với chú Tôn, người ta thường được chứng kiến những cái ngáp dài dàn dụa cả nước mắt như một người đói thuốc. Hơn nữa khi mà chú viết phóng sự về những nơi chốn “đi gió về mây” thì ai cũng phải chịu đó là ngòi bút của người kinh nghiệm sành điệu. Chú không mô tả với thái độ của một kẻ bươi móc, nhưng có mặt khắp nơi, từ chỗ ăn chơi đắt tiền sang trọng đến những nơi cùng khổ thối tha trong các ngõ hẻm không cả đèn điện không chút ánh sáng văn minh: dưới ngọn đèn dầu lạc lù mù, những bóng người mập mờ ủ rũ trong bóng tối, chờ được thuê chích chất ma tuý vào những mảng da dấp dính mồ hôi lẫn đất cát với một ống tiêm chuyền tay cáu bẩn cùng với mũi kim cùn duy nhất mà sở hữu là một gã ma cô khét tiếng lưu manh.

Dù cho ý nghĩ về chú thế nào, mỗi lần tới thăm chú Tôn, Vũ thấy mình như trở lại để chứng kiến một xã hội con con, nhỏ nhoi tối tăm, rẫy lên trong một thứ đấu tranh bất chợt, nhọc nhằn để bấu víu lấy sự sống đôi lúc cảm thấy rõ là thừa thãi không đâu. Cuộc sống cứ vẫn diễn ra như vậy bấy lâu nay dù có hay không có chàng trên cõi đời này.

Trời bắt đầu nắng lên, mùi khai bên kia đường bốc sang nồng nặc. Vỉa hè tráng xi măng bị lún và nước đọng vũng nhiều chỗ. Những chiếc xe chạy qua, những người đi bộ phía trước mặt, không ai để ý đến ai, tất cả vẻ mặt thản nhiên đến vô lý. Những bóng cây đứng yên. Trên cao những đám mây lững lờ trôi và tản mạn đi nhanh theo chiều mỗi cơn gió lốc. Một chiếc xích lô đậu trên vỉa hè chắn ngang lối đi. Anh phu xe nằm kềnh, gác chân vạm vỡ lên thành xe lim dim ngủ. Vũ đưa mắt nhìn vào phòng mạch vắng tanh, cô y tá cắn cán bút để ánh mắt chạy theo những ý nghĩ lơ mơ.

Phòng mạch bác sĩ Lương Anh Khoa
Cựu nội trú bệnh viện

Phòng khám bệnh tồi tàn, nằm bên một quán “bar” trang hoàng sặc sỡ. Tất cả như một thách đố và bị bỏ quên. Vũ nghĩ không có khách thì Khoa lại mở sách ra học, Khoa học rất giỏi nhưng sự học quá nhiều không giúp anh khôn ngoan hơn các đồng bạn. Khoa chuyên về bệnh mắt và có quan niệm “tri túc” trong cuộc sống. Nhìn mấy cô gái chiêu đãi mặt đầy phấn son và đám thiếu niên trong quán “bar”, chàng liên tưởng tới câu nói mỉa mai của Huệ:

"Lẽ ra Khoa nó không nên chọn chỗ đó, nếu như muốn ở khu đó thì tao nghĩ nó nên đi chuyên môn về 'da liễu' có lẽ sẽ đắt khách hơn..."

Đến trước cửa toà báo, Vũ đứng sững đọc tấm biển sơn đã mờ, bước qua một khung cửa sắt kéo sơn xanh chỉ hé mở, từ trong quầy là một cô gái lạ:

"Ông hỏi chi?”

Chàng ngạc nhiên vì người con gái ấy không phải là Hà. Chàng nhìn thẳng vào mặt cô gái hỏi:

“Cô mới tới làm?”

Người con gái hơi tỏ dáng khó chịu:

“Không, tôi làm đây từ lâu. Còn ông cần đăng quảng cáo, rao vặt, chia buồn?”

Thêm một người khách nữa dựng xe đạp ở cửa bước vào, người con gái đón chào dáng quen thuộc, cười để lộ chiếc răng nanh nhọn trông có duyên nhưng hơi dữ. Người con gái quay sang nói chuyện với gã kia. Cô gái cau mày khó chịu khi thấy Vũ vẫn đăm đăm nhìn mình. Khi người khách kia đi ra, người con gái quay sang Vũ:

“Dạ ông cần chi?”

Chàng yên lặng rồi nói chậm rãi:

“Tôi muốn gặp ông chủ nhiệm.”

Cô gái lắc đầu quay đi nói giọng đanh đá:

“Tôi có thể tiếp ông mọi chuyện, ông chủ nhiệm bận và không tiếp khách.”

Có tiếng chuông điện thoại, người con gái vội lại nhắc ống nghe. Vũ vẫn nói với:

“Nhưng tôi cần gặp ông chủ nhiệm có chuyện riêng.”

Cô gái lấy một tay che ống nghe, hất đầu nói ra:

“Tôi đã nói là không được, xin ông đừng bắt tôi phải giải thích thêm.”

Đặt ống điện thoại xuống, cô gái đi ra nở nụ cười chiêu đãi như một cố gắng:

“Dạ, thế ông muốn chi?”

Chàng yên lặng giở ví lấy tấm danh thiếp trao cho cô gái:

“Cô đưa lên ông chủ nhiệm và bảo tôi muốn gặp.”

Đợi một lúc người con gái nhanh nhẩu bước trở ra tươi cười, ánh mắt vui long lanh:

“Xin lỗi ông, tôi không được biết trước. Xin mời ông lên ngay, ông chủ nhiệm tôi đợi ông trên đó.”

Đi qua một đường hẹp, đến trước một cầu thang tối om. Phía trong, các máy in typo cũ kỹ đang chạy xọc xạch. Dưới ánh điện đỏ quệch ban ngày, mấy thợ phụ trẻ măng nhem nhuốc cúi nhặt từng tờ báo xếp thành chồng. Chàng đứng lại do dự thì một người thợ ngồi phía trong nói chõ ra:

“Cầu thang đó ông cứ lên.”

Chàng quay vào cười, trong ánh mắt người thợ nhìn ra phản chiếu ánh đèn điện chỉ còn là hai điểm sáng vàng long lanh. Cầu thang dốc và quanh co, bậc xi măng sứt mẻ xây cao và trông không rõ bước. Một lối đi từ trước tới giờ chưa biết ánh sáng. Chàng mò mẫm qua hai khúc rẽ và đứng trước ngưỡng cửa phòng toà soạn. Ánh sáng trắng bên ngoài cửa sổ chiếu vào lẫn với ánh sáng vàng của ngọn điện phía trong, bóng đầu người lố nhố và hỗn độn bên mấy chiếc bàn gỗ cao thấp ngổn ngang giấy bút, thư từ và bài vở là các bản in vỗ lem luốc.

Có người ngồi cả lên bàn, xúm xít quanh chỗ chú Tôn cười đùa nghiêng ngả. Giọng chú Tôn vẫn không khác xưa, khè khè và hơi khê nồng:

“Thế có giận không cơ chứ! Công trình giữ gìn bao nhiêu năm, rồi tự nhiên thằng thợ vô loại đó thừa lúc mình đang đọc báo sơ ý, đưa kéo cắt phăng đi, giận quá chừng mà không biết phải nói sao.”

Cả bọn kia thích chí cười ồ thì chú Tôn ngửng đầu trông thấy Vũ:

“Kìa cậu Vũ, vào đây lâu quá!”

Chàng nghiêng đầu chào mọi người, đưa mắt dò hỏi:

“Có gì mà vui thế chú?”

Chú Tôn xoè tay ra phân bua:

“Vui gì đâu! Chú thì bực thật sự mà họ cứ bảo chú đùa có tức không? Số là sáng sớm nay đi hớt tóc, chú ngồi đọc báo quên đi thì thằng thợ vô phúc lấy kéo cắt béng mất chùm râu hiếm chỗ nốt dưới cằm, thế có giận không cơ chứ!”

Chú vừa nói vừa đưa mấy ngón tay lên mân mê nốt ruồi nổi cục với mấy chân râu còn sót, mắt lơ đãng như tiếc nuối:

“Chú đã ráng giữ được mấy chục năm rồi chứ không đâu, lỡ cắt béng của người ta đi rồi nó cũng sợ cuống quýt, mình biết có làm gì đi nữa cũng không cứu vãn được... Chú tin mất chùm râu cấm đó là điềm xui lắm chứ không không!”

Thái độ nghiêm trọng của chú Tôn làm chàng có cảm tưởng chú đang thực sự hối tiếc một công nghiệp tốn bao công gây dựng khó khăn nay bỗng chốc tan ra mây khói.

Gã quản lý béo núc ních cất giọng cười hề hề:

“Cắt rồi lại mọc, cũng như tóc í, việc gì mà cụ lo...”

Chú Tôn quay sang gắt:

“Mọc là thế nào, cứ nhô ra được một chút thì cứng và sắc như kim ai mà giữ nữa...”

Xa cách bấy lâu bất chợt trở lại thăm chú Tôn, như phải bắt gặp lại một dĩ vãng loèo khoèo không mấy khoẻ mạnh và có phần yếu đuối hơn xưa. Chỉ bị mất mấy sợi râu cấm, chú Tôn có vẻ e ngại chân thành về một điềm không lành có thể làm thay đổi lớn lao cả đời mình. Mọi thay đổi dù thế nào cũng đều không hợp với sức vóc của chú Tôn ngày nay. Từ ngày xấp xỉ ngũ tuần, chú Tôn chỉ còn đủ sức để ôn lại một cách thiết tha những oanh liệt của thời quá vãng. Ai có dịp nói chuyện với chú Tôn mới hiểu được rằng chú đã từng có một thời trai trẻ cao xa, hơn xa bọn trẻ thời bây giờ. Ước vọng cao xa ấy được thể hiện bằng sự ngưỡng mộ những anh hùng cá nhân thời lịch sử. Chú nhắc lại các chiến thắng vẻ vang của Nã phá Luân như ôn lại những câu chuyện có liên hệ mật thiết tới đời mình. Mỗi lần mở miệng nhắc tới là một lời khen suýt xoa: “Trời gã hay quá, càng đọc và biết nhiều về “lui” càng không chê vào đâu được!” Ước mơ của chú là cả đời mình viết được một pho sách để đời nói về Nã phá Luân. Chú tin ở lòng thành của mình hơn là những rối rắm của sử liệu từ trước tới nay. Thêm nữa, cái thể xác gầy gò ốm o của chú tưởng như trói gà không chặt, vậy mà đã có lần trong đời đánh gục một lúc hai tên lính lê dương to cao và “say khướt”; chú còn có cả can đảm để tát một thằng Tây chủ sở để rồi sau đó bị thất nghiệp bao năm mới xoay ra nghiệp báo bổ ngày nay. Với sức sống như thế, ai cũng hy vọng chú Tôn thành công, ít ra ở những trang đầu của thiên anh hùng ca bất tận.

Rồi mọi người dãn ra, chú Tôn kéo Vũ về bàn nước. Chú hỏi thăm Vũ về những ngày qua với thái độ suýt xoa tầm thường đầy khuôn sáo. Đó là cái thay đổi đầu tiên mà chàng nhận thấy nơi chú. Chàng nghĩ thầm: chú Tôn lại đang giam mình vào những “cliché” định sẵn. Vũ định nhắc và hỏi chuyện Hà, em gái Tuân nhưng chú Tôn đã nhanh nhẩu nói ra trước:

“Chuyện cô Hà chắc anh chưa biết?”

“Dạ không mà sao?”

Chú đưa tay vân vê mấy chân râu ngắn, chép miệng nói:

“Chỉ tại chú tin anh nên nhận đưa cô ấy vào làm, ai ngờ xảy ra bao chuyện lôi thôi...”

Chàng yên lặng quan sát những nét thay đổi trên mặt chú Tôn, giọng chú vẫn đều đều:

“Cô ấy làm chưa được bao lâu thì phải, nửa năm sau, có lẽ hơn, lâu rồi còn gì, tôi cũng quên đi. Tôi không muốn nhắc tới dĩ vãng của cô ấy trước khi tới đây, điều mà chú đã giấu tôi. Nhưng nếu tôi biết trước...”

Chú lắc đầu ngao ngán tiếp:

“Cái ngữ ấy anh đừng mong gì đưa họ về một đời sống khác. Vẫn biết cô ấy gia đình dòng giõi gia thế nhưng một khi đã đi vào con đường đó không làm sao mà thoát ra nữa... Cô ấy được cái đẹp sắc sảo nhanh nhẩu nên mọi công việc giao cho tôi đều yên tâm. Nhưng khốn một nỗi đức hạnh cô ấy suy vi quá. Cô ấy phụ hết những lời hứa với anh và ngay cả lòng tin cậy của riêng tôi nữa.”

“Chú có biết cô ta đi đâu không?”

“Không, nửa năm sau, có thể hơn, tôi cũng không rõ vì một nguyên nhân gì đó, cô ấy xin thôi và bỏ đi.”

Hai bàn tay chú Tôn lúc đó như thừa thãi luống cuống, vớ ống điếu, vê tròn viên thuốc lào và ánh mắt thoáng chút bối rối. Một sự yên lặng thật nặng nề. Bao nhiêu câu hỏi chợt tới mà không qua đi. Chàng có ý định muốn gặp Hà và tìm Chi. Chú Tôn bảo Vũ qua làn khói thuốc lào thơm hắc:

“Chú khuyên anh đừng nên tìm kiếm mất công làm gì vô ích. Lòng tốt anh như thế là quá đủ rồi. Còn chú, thì câu chuyện đã được coi như quên đi.”

Vũ yên lặng không nghe lời chú Tôn nói. Sự nặng nề cũng qua đi khi chú quay sang bàn qua một vấn đề khác - câu chuyện về báo chí, chú ngỏ ý muốn rút lui từ nay:

“Anh nghĩ sao? Chú biết anh thích lại có ê-kíp bạn bè có khả năng, đây là cơ hội chú muốn giúp anh, anh nghĩ sao?”

Vũ đưa mắt nhìn đám người lô nhô trên những mặt bàn bừa bãi, góc kia một gã thiếu niên non nớt gục đầu trên cuốn Sélection cũ cặm cụi phiên dịch; gã thư ký trố mắt đọc bài hau háu như muốn nuốt một lúc cả đống thư; anh quản lý đang hì hục sửa chữa một bản vỗ cho tờ báo buổi chiều, trước mặt mấy bát chữ đã vơi: hình ảnh thu hẹp của một xã hội con con hỗn loạn vô tổ chức, mọi sự chỉ cần mong cho qua đi.

Chàng quay sang nhìn chú Tôn gọng kính đen thấp xuống sống mũi để lộ nguyên hai tròng mắt sâu và đen.

“Chú để cháu thu xếp gặp lại các bạn, nếu có thế nào xin gặp lại chú sau.”

Chàng có cảm tưởng trước mắt mình, tất cả những người kia như đang sửa soạn cắp túi ra đi, những chỗ ấy sẽ là chỗ ngồi của các bạn chàng những người trẻ tuổi hăng say, ao ước một điều gì mà nay sẽ là cơ hội thể hiện. Còn với Hà, Chi có thể đây là dịp trở về và giã từ hẳn cuộc đời bấp bênh sóng gió.

“Chú mệt, mệt đến vỡ cật, bao nhiêu năm rồi còn gì!”

Đó là câu nói cuối cùng của chú Tôn với chàng. Gã quản lý mặt béo tròn bóng nhậy, như chợt nhớ ra điều gì, xô ghế đứng phắt dậy, huỳnh huỵch chạy xuống cầu thang tối đen như đêm.

Giã từ chú Tôn, bước ra khỏi cầu thang, ánh sáng từ bên ngoài làm Vũ choáng váng. Người con gái đứng tiếp khách vẫn còn đó, gặp chàng đi qua cô ta cúi đầu chào và nhe đủ hai chiếc răng nanh nhọn vêu ra. Tiếng còi của chuyến tàu suốt mới tới ga, những luồng khói xám nhạt bay toả lên khỏi bức tường cao từ trong sân, loãng đi và tan ra. Tiếng rú của chiếc xe hồng thập tự có cắm cờ chạy vút qua. Khoa cũng vừa từ phòng mạch vắng khách đi ra, chiếc 2 CV con cóc cũ kỹ nhún nhảy trên bốn bánh trước khi chồm lên phía trước. Vũ đi ngược chiều khu phố để đến trạm xe buýt đầu tiên.


CHƯƠNG HAI

Ít lâu sau Vũ nhận được thư của Thế viết về Minh:

“Sau tai nạn chuyến bay qua khỏi hay sau một tai biến gì cho tâm hồn Minh, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết Minh nó buồn và chán nản . Cũng bởi yếu đau nó bỏ ra khỏi trường sống phóng túng và phiêu bạt. Những lời khuyên can không làm nó thay đổi gì hơn. Tôi nghĩ khó khăn của một tình yêu bất chắc có thể làm cho người ta vươn cao cũng có thể bắt đầu của một bước đường huỷ hoại. Minh rơi vào cas thứ hai. Một tai nạn suýt chết, cái chết của Vân Anh, sự ra đi của bà mẹ và thêm vào tin con Loan chửa hoang bỏ nhà ra đi: tất cả nguyên nhân đó đủ làm Minh nó điên đầu và đau khổ. Nó sống bây giờ bê tha không nghĩ ngợi luyến tiếc. Nó muốn dìm mình vào sự mòn mỏi huỷ diệt, đô thị Paris giúp nó điều đó. Có một thằng bạn như nó cũng buồn, nghĩ đến gia cảnh nó càng buồn hơn. Tôi không còn tâm sự được một câu với nó. Nó cố sống hời hợt và tục tĩu nhưng chiều sâu của ánh mắt nó vẫn nói lên được sự đau đớn. Hồi được tin anh mất nó kinh ngạc và hoang mang. Chỉ có anh là ảnh hưởng nhiều hơn trên nó. Hôm báo tin anh còn sống sót trở về, thái độ dửng dưng như không của nó làm tôi ngạc nhiên. Tôi biết với nó niềm vui chỉ là dịu nghẹ thoáng qua, chứ đau khổ thì trường cửu ray rứt. Thời gian, tôi tin đau buồn của nó cũng qua đi, nó lại biết mà trở về đời sống bình thường. Khoảng cách đó mong cũng không xa lắm...”

Vũ đi tìm gặp Hà với một tâm trạng tối đen như thế. Gã thư ký toà báo cho chàng biết nhiều chi tiết về Hà. Sau khi bỏ toà báo, Hà xoay ra làm vũ nữ, thêm vào đó Hà đi hát ít bài cho các phòng trà. Hà chỉ là nữ ca sĩ nhờ thân hình khêu gợi, dễ lôi cuốn trong chốc lát nhưng với giọng ca ấy suốt đời vẫn chỉ là trong bóng tối và vô danh. Thực sự Hà kiếm được nhiều tiền nhờ nghề gái nhảy. Ngày của Hà thực sự bắt đầu từ mười giờ tối tới ba bốn giờ sáng. Chưa tới mười giờ, khách bắt đầu tới thưa thớt, người con gái lạ đang đứng trước micro hát một bản nhạc Mỹ, chắc cả người hát và nghe cũng chẳng hiểu gì. Dàn nhạc chơi cầm chừng như để dưỡng sức cho suốt cả một đêm hôm nay. Thanh đã tới trước ngồi đó, quay sang Vũ:

“Hỏi mụ cai gà rồi, đặc biệt hôm nay có Hà của cậu.”

Rồi hắn quay sang Quý vỗ vai:

“Siu Lin sao chưa thấy tới.”

Siu Lin là cô vũ nữ Tàu lai, một khuôn mặt mới nổi tiếng là đẹp. Quý đưa mắt về hướng cửa vào nói:

“Có, lúc lên cầu thang tôi có gặp.”

Thanh con nhà giàu tay chơi sành sỏi, là sinh viên suốt đời của Đại học xá, cười khoái trí, như tự nói với mình :

“Hôm nay Siu Lin không làm sao mà thoát nữa...”

Bản nhạc slow tắt đèn qua đi, ánh sáng màu từ mấy chụp điện lại hắt ra. Giàn nhạc trỗi bản Tango bleu, Quý và Thanh đều ra sàn, duy Vũ còn ngồi sót lại đưa mắt quan sát. Chàng nhận ra sự có mặt của Khôi và người con gái lạ đêm nay. Khôi vẫn béo đen và thấp, hắn thường nhận là thế hệ sinh viên tranh đấu đàn anh từ những năm di cư trước kia. Hắn đã nhiều lần đăng đàn diễn thuyết, hăng hái kích động lớp người trẻ đang tới. Sự có mặt thường xuyên hay tình cờ của Khôi nơi đây gây cho Vũ sự ngạc nhiên về khoảng cách quá xa giữa đời sống thực tế và những khẩu hiệu tranh đấu. Nhìn kỹ chiếc đầu to, trán cao và hói, tóc chải hất về phía sau, Vũ thấy Khôi vẫn thế và chàng tin là mình không lầm khi ánh đèn ngả sang xanh biếc, Khôi cúi xuống người con gái hôn nhưng người con gái thì xô đẩy và quay đi. Vũ vẫn ngồi vân vê điếu thuốc chưa đốt trên tay, phía dàn nhạc một nhạc công đứng trơ ra hát không chút cảm xúc cùng với một ban nhạc chơi cầm chừng...

Phía cầu thang máy, một khung chữ nhật sáng khi cánh cửa vừa bật mở, Thầm dắt theo một người đàn bà khác bước vào. Vẫn cặp mắt quằm quặm như sâu róm, vẫn cái dáng vội vã lưng đi cong về phía trước. Hắn đã thực sự ra luật sư chưa không ai biết rõ. Chỉ biết khi vừa đỗ luật năm thứ ba hắn đã đem khoe một lô hình với mũ áo thẩm phán luật sư. Người đàn bà đi bên hắn phải trên ba mươi, dáng đẫy và to ngang. Dưới ánh đèn, phấn sáp và nữ trang khiến bà ta lộng lẫy quyến rũ hơn. Vẻ mặt người đàn bà tuy quen mà không nhớ rõ. Thầm chọn chỗ ngồi gần giàn nhạc phía góc trái. Hai người dắt nhau ra sàn nhảy uốn éo cuốn vào nhau như hai con rắn; người đàn bà đẫy đà nhưng bước chân nhẹ nhõm trong khi Thầm thì với những bước chân ngượng ngập như bị cuốn theo. Đại học xá là nơi quy tụ đủ mọi hạng người, bạn Vũ từng bảo đùa đó là chốn của “những Nam hải Dị nhân”, Thầm có thể được kể là một trong đám dị nhân ấy. Hồi thi trượt keo thứ tư, có thể bị gọi nhập ngũ, Thầm trở về cư xá với một tâm trạng như điên. Ai cũng lo cho hắn.Trưa hôm đó Thầm một mình thề thốt, đập đầu rầm rầm chuyển cả tường rồi than khóc: vậy mà chính hắn tối hôm trước đó đã dắt về phòng một mụ đàn bà bệ rạc và bẩn thỉu như một con đĩ để vật lộn hú hí, suốt nửa đêm cả dãy nghe tiếng cuời nấc lên của hai đứa - trời nóng, mùi hôi bốc nồng nặc sang phòng bên như mùi lông thú... Giữa những liên hệ hiện tại và dĩ vãng không đâu, chàng tìm gặp lại Hà. Vũ cũng không nhận ra Hà. Hà giơ tay bắt tay Vũ. Chàng nắm bàn tay nhỏ mềm mại và mát trong lòng tay một giây lâu rồi buông ra. Chàng không thấy rõ được nét mặt Hà lúc đó. Hà của dĩ vãng và hôm nay chồng chất thành những nét nhoè đi.

Thanh nheo mắt nháy Vũ đùa:

“Anh Thiện mới nghe tiếng Hà đã mê ngay, ghê không?”

Người con gái cong môi nhún vai:

“Em không cho ai ‘si’ hết đấy!”

Lúc đi chơi theo thói quen Thanh gọi bạn bằng tên đệm. Lẽ ra chàng sẽ gọi Thanh là Tấn. Trong Đại học xá, Thanh có tiếng là quỷ quái, có lần lấy nguyên tên vị giám đốc cư xá gốc nhà giáo khả kính khiến mấy cô gái đến tìm Thanh lại được đưa lên phòng cụ giám đốc. Giai thoại cười ra nước mắt ấy vẫn được các bạn nhắc mãi. Vũ vẫn ngồi yên, mím môi nuốt nước miếng để làm mềm chỗ cổ họng khô và đau thắt lại. Chàng suy tính lấy đủ can đảm và sự trầm tĩnh để đóng trọn vở kịch. Vũ không muốn nói với Hà điều gì trong lúc này vì biết rằng nói ra Vũ không còn giữ được sự bình tĩnh. Đèn phụt tắt cùng với khởi đầu một điệu nhạc, Hà kéo Vũ ra sàn với một bản Slow đầu tiên. Cả tấm thân người con gái như dựa vào người chàng. Vũ cảm thấy qua lần vải mỏng bộ ngực căng và no tròn của Hà. Chiếc áo mỏng mỡ gà ngả theo ánh đèn chuyển sang màu đỏ, cằm Hà đặt trên vai Vũ, da má mịn mát và mơn man, những sợi tóc dài mềm vờn bên thái dương. Cả lưng áo ướt mồ hôi và rạo rực ấm của thân thể Hà toát ra hương thơm nồng nàn của da thịt phấn và nước hoa.

“Nhảy nhiều Hà mệt?”

“Cũng quen đi.”

Vũ miên man với ý nghĩ quên cả nhịp bước, vấp vào chân Hà. Hà nheo mắt cười tình tứ rồi dùng chân dìu Vũ bước đi.

“Hà sống một mình?”

“Có gia đình nhưng thích tự lập, tự do hơn...”

“Gia đình làm gì?”

“Bố mẹ ở lại Bắc, ông anh sĩ quan. Nhưng anh hỏi làm gì?”

“Không.”

Yên lặng, chàng tiếp:

“Hà trẻ đẹp, ai cũng nói thế. Hà có tương lai.”

Tấm thân người vũ nữ như nhẹ đi, Hà đẩy chàng ra:

"Về chỗ ngồi đi anh, mệt quá!"

Bàn tay người con gái đan vào tay chàng ấm dịu, Hà hất đầu hỏi:

"Anh là bạn của hai anh kia?"

"Mà sao?"

"Không."

"Anh đến thăm Hà được không, ở đâu?"

"Còn lâu, không ai biết chỗ ở của em hết."

"Anh sẽ tìm ra."

"Cũng còn lâu!"

Lại thêm một bản nhạc trỗi lên, nhịp trống nhanh và giật. Hà hỏi Vũ:

"Nhảy tuýt anh?"

Vũ im lặng, người con gái quay sang Thanh:

"Anh Tấn?"

Hai người lại ra sàn cùng mấy cặp khác. Tà áo người con gái bay lượn theo từng nhịp vặn người và nhạc giật. Hà duỗi đưa chân ngã dần người, Thanh vẫn đu đưa theo một chân và ngả sấp người theo trong một thế khêu gợi tục tĩu. Dưới ánh sáng vàng, với chiếc áo dài mỡ gà bó sát và chiếc quần trắng mỏng: hình ảnh Hà hiện ra trần truồng, đã lắm chán chường mỏi mệt nhưng còn cố giữ vẻ đam mê hăng say. Hình ảnh Hà hôm nay, dĩ vãng một gia đình bề thế thời thơ ấu, chốc lát trở về không ăn nhập gì với hiện tại. Chàng tự hỏi nếu Hà không được về toà báo chú Tôn thì có lẽ vẫn một nếp sống như thế nơi suối Lồ trong thô bạo và nghèo nàn của mấy chị em.

Với một cốc cà phê đặc sánh và đắng: làm gì cho qua một đêm nay. Chàng tự nhủ: lẽ ra mình không nên trở lại tìm Hà lúc này thì hơn. Ý nghĩ hiện ra như thế nhưng trong đầu óc chàng vẫn đầy rẫy những tính toán là làm thế nào để gặp Hà trong ngày mai. Hình ảnh nhỏ nhắn và tươi cười của Tuân, nếp sống nết na và cần mẫn của Chi, nỗi đau đớn thê thảm của Hà khi vào thăm xác người anh mới chết. Tất cả như sống lại mới mẻ với những ràng buộc rõ rệt của hôm qua... Xác chết nhỏ khô xanh của Tuân vì mất máu, cơ thể Vân Anh trên băng ca, đời sống truỵ lạc của Minh hiện tại, khoảng thời gian bị giam cầm cô độc và xa vắng vừa qua của chính mình: chàng tưởng rằng mình sẽ trở về một đời sống đơn sơ hiền hoà, nhưng điều ước mơ đó thật xa lắc. Chàng thấy mình đang trở về sống với những lê thê của các người thân yêu khác. Thái độ bình thản của chàng lúc gặp lại Ngân với cái nhìn của người con gái với đầy vẻ ân hận và oán trách. Ý nghĩ những ngày trở về như để chuốc lấy những cảm giác tiếc nuối về những ngày êm đẹp của quá vãng mà cho đến hôm nay không lấy mấy làm vui... Hơi thở Vũ như tức nghẹn, chàng xẽ thở dài chậm chậm, lồng ngực như nhẹ tênh đi, hai mi mắt nặng trĩu xuống, nơi đuôi mắt có cảm giác rát buốt: chàng thấy riềm mi như dầy ra nóng và khô khi vừa chớp mắt xuống. Các màu sắc các hình thái xung quanh như mờ đi. Vũ muốn được ngủ một giấc ngay lúc này, không còn phải đi đâu để nhớ tới những ngày cùng cực, lạc lõng để gặp lại nghịch cảnh của những người thân. Tiếng nhạc êm êm, chàng thấy mình ngồi không cách xa chỗ Ngà bên chiếc đàn dương cầm thánh thót nhỏ giọt như những hạt mưa rơi trên vũng nước đầy bong bóng rung động, trôi chậm chậm những đám mây và thỉnh thoảng vỡ tan ra. Nhịp đàn ba tiếng như ngưng lại, e ngại và ngập ngừng. Một tiếng nổ dữ dội! Chàng thấy Ngà và Huống cùng bị chết một lúc, cạnh đó là hình ảnh Ngân xót xa, Minh ủ rũ, còn chàng cảm thấy lạnh vì máu trên vai Huống chảy thấm cả xuống lưng. Âm thanh hỗn độn của một tay trống say sưa điên cuồng : Vũ bừng tỉnh dậy, mở to mắt, các khe cuối mắt như bị nứt ra đau xót, bàn tay Hà vừa đặt lên vai chàng - chỗ máu đang rỉ ra và thấm lạnh. Vũ bàng hoàng tỉnh táo trở lại, tâm hồn bỗng chốc yên tĩnh lạ, tất cả các tiếng động và âm thanh như nghe từ xa, chàng nhớ rõ cũng dưới ánh đèn đỏ hồng, trên ghế dựa khi nghe Ngà đàn chàng bị ru vào một giấc ngủ chập chờn... Lúc này Vũ mất ý niệm về không gian, chàng mím môi trên ống hút, chiếc ống mềm bẹp dí đi và tắc nghẽn. Chàng cố hút mạnh nhưng không một giọt nước cam dâng lên, chàng có cảm tưởng chỉ cần vài giọt nước thấm ướt cổ họng, chỗ cục hạch thắt lại đau đớn thì cơ thể chàng sẽ dễ chịu ngay. Vũ vứt mạnh chiếc ống hút dưới đất và lấy mũi giày di mạnh đi. Trong bóng tối dưới mép bàn, bàn tay Thanh đang vuốt nhẹ trên đùi Hà và đưa dần lên cao. Nét mặt và thân thể Hà yên lặng thản nhiên, vô lý: người con gái hơi nghiêng người vắt chân qua, bàn tay Thanh vẫn nằm yên ở đấy. Siu Lin đã sang bàn bên kia. Nơi đây đầy bóng tối đồng loã và khiêu khích; phía góc trong một đôi trai gái còn rất trẻ đang nghiêng mặt hôn sâu lên môi nhau.

Vũ nâng cốc nước cam uống một hơi, bàn tay vẫn nắm chắc khư khư lấy thành cốc đẫm lạnh hơi nước mát. Ban nhạc trỗi bản Espanacani, Hà nắm tay chàng kéo ra:

"Ra anh! Ngồi với ông Tấn đểu bỏ mẹ đi."

Vũ theo Hà ra sàn, giữa đám đông, chàng như đứng yên.

"Không nhảy anh?"

"Không... Hà! "

"Gì anh? "

"Em có học."

Yên lặng Hà ngước mắt nhìn Vũ:

"Sao anh biết?"

"Tại nghe em nói chuyện."

"Mà sao, ô hay!"

Chàng nghĩ tới cử chỉ và lối sống không đẹp của Hà, là bạn thân của Tuân, Hà cũng như đứa em gái của chàng - yên lặng một lúc:

"Sao Hà không đi làm?"

"Bây giờ bộ anh tưởng Hà chơi sao?"

"Không làm một nghề gì khác, dùng tới cái học của em kìa."

Hà nói cộc lốc:

“Không.”

“Tại sao?”

“Không tại sao hết, sao anh hỏi vặn nhiều quá!”

Người con gái lại im lặng, bàn tay đặt trong tay Vũ ĩu và lạnh đi, Hà nói một câu bất chợt:

“Người ta vẫn phục đứa con gái làm đĩ dưới bóng một người đàn bà nết na!”

“Ô hay, em nói sao?”

Hà kéo Vũ đi theo điệu nhạc. Vũ cúi xuống mặt Hà: một vẻ đẹp buồn, mệt mỏi với những đường nét bạc bẽo đáng thương.

“Thôi vào đi anh.”

Lần thứ hai Hà đòi về bàn ngồi với một bản nhạc dở dang, cả hai cùng ngồi yên không ai muốn nói.

Hai giờ khuya, chỉ còn lại mấy người Mỹ, mấy Vũ nữ tập sự được các bạn gái đem ra sàn tập đi mấy bước. Vũ bước theo Hà ra chỗ cầu thang máy:

“Anh theo Hà cùng về?”

Chàng ngước mắt dò hỏi. Hà ngẫm nghĩ, chớp chớp mắt, nét mặt bình thản lại, nhún vai:

“Cũng được nhưng không phải đêm nay.”

Hai người bước vào thang đi xuống. Hà yên lặng tránh nhìn Vũ, nghĩ tới Huệ ghen tuông đang đợi nàng về, nghĩ đến cuộc tình duyên thầm lén trốn tránh Tohio bấy lâu: một ý tưởng thoáng tới bật ra, Hà giơ vòng tay kéo cổ Vũ xuống và hôn rất lâu. Hai tay thừa thãi, Vũ kéo sát Hà lại, áp má lên tóc thơm vương của người con gái, yên lặng mắt đăm đăm nhìn vào tấm gương.

Xuống đến đường Hà bước lên xe taxi đã đợi sẵn. Vũ đứng nhìn chiếc xe chạy khuất trong bóng đêm rồi quay gót đi bộ về một hướng khác, cảm giác tội lỗi trống vắng và lạc lõng.

Bên một vũng nước và đống rác bẩn, tiếng dế và cóc kêu lê thê. Đàng xa công viên bên kia những tiếng kêu nhỏ hơn vọng lại. Dưới ánh đèn vàng nhợt, mấy người đàn bà nghèo rách rưới ngồi đợi với một dãy thùng sắt tây trống rỗng chờ hứng cho được vài đôi nước. Mặt trăng thượng tuần khuyết yếu ớt lấp vào bóng mây. Những luồng pha đèn quét gần tới đuổi dần một bóng người cô độc trên bức tường cũ chạy dài về phía sau. Từ một ga-ra, bác taxi cất xe ra về, uể oải đẩy khép cánh cửa to và nặng, tiếng xích khoá leng keng nghe lạnh và khô. Rồi bóng dáng anh ta thất thểu chạy dài trên hè đường trước khi đi khuất vào một ngõ tối và hẹp. Trường Mù lạnh vắng và im. Bên kia đường một người lính gác bỏ chòi canh ra ngoài, ôm súng đứng dựa vào gốc cây như lim dim ngủ.

Về đến cư xá tưởng như vắng teo, mập mờ trong bóng tối chỗ cột cờ có vài bóng người ngồi nói chuyện thì thầm. Tất cả hầu như yên lặng. Nóc nhà thờ bên kia vài con chim lợn vỗ cánh bay tới và cất lên vài tiếng kêu nghe thê lương và chết chóc. Vũ rẽ xà vào một phòng khác, đèn còn thắp sáng và chắc rằng sẽ thức suốt đêm đó cho đến ngày hôm sau.
Nguồn: Mây bão, tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề trình bày. Sông Mã xuất bản. Sài Gòn 1963. (Giấy phép xuất bản số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB ngày 5-11-63). Bản Ä‘iện tá»­ do tác giả cung cấp.