trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
5.12.2003
Tam Lệ
Chuyện về anh hùng rơm, tiến sĩ giấy
 
Hai ý chính, "một là phản ảnh xu hướng lý tưởng hóa nhược điểm của mình, hai là thảo luận về phương pháp thiếu tính phê bình mà người ta nhận thấy trong các đoạn viết của Trần Đình Hượu" của Patrick Raszelenberg (mặc dù ông chỉ nắm bắt được cái bề ngoài, những câu chữ và những sai sót chứ không chủ trương tìm kiếm những chủ kiến của ông Hượu mà nhiều người cho rằng nó có giá trị thực sự trong đời sống nghiên cứu thời gian gần đây ở Việt nam), chẳng nghi ngờ gì nữa, là những nhát dao mổ các ung nhọt trong sự nghiệp của người được gọi là uyên bác. Đương nhiên, thực là khó có một cái gì giá trị và hoàn thiện được "đột khởi" trong một nền tri thức nhiều lỗ hổng và không được xây dựng nghiêm túc. Ông Hượu, cũng như những người có tâm huyết khác, sẽ liên tục gặp phải những vấn đề mà rút cục ông phải bằng những cái mẹo của mình để bỏ qua hoặc chứng minh một cách khôn khéo. Phần ưu tú nhất của ông Hượu là tự mình đã vượt lên những suy nghĩ và lý thuyết cũ mòn, nhàm chán, vô tích sự, để đi trên một con đường lý luận có mục đích, đấy là giải phóng con người. Điểm khác biệt của ông Hượu với những nghiên cứu cùng thời được sưởi ấm bằng ngọn lửa khác biệt đó. Nói như thế không có nghĩa là thỏa mãn với những sai sót của ông trong quá trình "hành xử", dù cho ông là một trong những người có công khai mở hướng nghiên cứu nhắm về những kẻ lao khổ, những cái mầm non, bào thai trong một thế giới đã tràn ngập sự chết chóc xơ cứng và những diễn văn hết sức khó hiểu. Phần lớn những gì Patrick Raszelenberg đã viết là sự thật hiển nhiên. Và tôi nghĩ rằng nếu còn ở thế giới bên này chắc chắn ông Hượu và Patrick Raszelenberg sẽ giao hảo với nhau.

Nhân đây tôi cũng muốn lưu ý ông Patrick Raszelenberg là xu hướng lý tưởng hóa nhược điểm của mình chỉ là một xu hướng mà thôi. Phần lớn những người thuộc diện "hạ đẳng" thì chẳng mấy ai lại cả tin vào những điều như thế. Những trí thức tiêu biểu cũng không đến nỗi ngốc nghếch hơn đám kia.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay trong những câu chuyện được xem như huyền thoại thì những đấng khai sinh ra người Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ đã chẳng "kết thúc có hậu" như phim truyền hình bây giờ và các tác phẩm văn học minh họa trước đây, mà "tan đàn sẻ nghé". Vua Hùng ít nhất cũng đã một lần đày đứa con tinh thần của nông dân là chàng An Tiêm cùng vợ chàng ra nơi đầu sóng ngọn gió. Còn vua Thục Phán chẳng là một kẻ mà theo ngôn ngữ hiện đại bây giờ là "ăn chơi sa đọa", để mất nước đến nỗi cha phải chém cả con hay sao?

Những tiếng thở dài trong dân gian bao giờ cũng khác những bài văn bia và và những bài văn bia thì chẳng phải khi nào cũng giống như sử sách. Chắc là người ta chưa quên những chuyện chẳng ra gì trong các đời vua, như chuyện hôn nhân của Trần Hưng Đạo, đã được sử chép rõ ràng mười mươi.

Ngoài những thứ văn thơ vô bổ "phản ảnh xu hướng lý tưởng hóa nhược điểm của mình" người ta cũng có thể tìm thấy ở Việt Nam một xu hướng không đến nỗi ấu trĩ như thế. Ví dụ như Truyện Kiều, nó được sáng tác trên một cảm hứng khá tỉnh táo.

Nhân nói về Truyện Kiều tôi cũng muốn lưu ý rằng không phải lúc nào, không phải ai cũng luôn tìm mọi cách đối trọng với Trung Quốc. Người Việt Nam mất khá nhiều thời gian, sức người, sức của để chống lại các đội quân của Trung Quốc nhưng Văn Miếu vẫn thờ Khổng Tử, người thầy của giới trí thức Việt Nam là cụ Chu Văn An - theo các cụ ở thôn quê Chu Văn An cho biết thì bố cụ là một người Tàu đi bán thuốc dạo. Mặc dù nàng Kiều mang quốc tịch không phải Việt Nam nhưng vẫn là nhân vật được yêu quý ở Việt Nam, xưa nay chưa thấy ai băn khoăn về chuyện này.

"Xu hướng lý tưởng hóa nhược điểm của mình" là có thực, nhưng không phải độc tôn.

© 2003 talawas