trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
9.5.2004
Ngô Tự Lập
Ongtalawas?
 
Mặc dù là người rất hoan nghênh (không có nghĩa là hoàn toàn đồng ý) bài viết của Patrick Raszelenberg, tôi vẫn khuyên ông chấm dứt cuộc tranh luận. Không phải vì cao ngạo (đọc bài ông, tôi biết rằng ông không cao ngạo), không phải vì đuối lý (tôi thấy ông rất có lý), cũng không phải vì sẽ chẳng đi đến đâu (Tôi biết chắc rằng sẽ chẳng đi đến đâu), mà vì giáo sư Trần Đình Hượu. Tôi viết bài này cũng vì giáo sư Hượu. Chắc chắn giáo sư đang rất buồn phiền.

Là người am hiểu văn hoá phương Đông, chắc chắn Giáo sư Hượu phải đề cao sự chính danh. Chính danh thì ngôn mới thuận.Vậy chính danh của ông là gì? Là giáo sư.Vậy thôi. Ông có viết, có nghiên cứu, nhưng không phải là nhà nghiên cứu - Nói đúng hơn, ông có rất ít phẩm chất của một nhà nghiên cứu - và càng không phải là nhà Việt Nam học, thậm chí nhà Việt Nam học hàng đầu như người ta gán cho ông.

Là giáo sư, ông đọc Đông Tây Kim Cổ, đúng có sai có, có nguồn tốt có nguồn xấu, rồi ông thâu tóm, hệ thống lại trong một chừng mực nào đó để truyền đạt lại cho học trò, người chưa biết hoặc biết ít hơn ông. Thử đọc tác phẩm của ông mà xem. Cuốn Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (NXB văn hoá thông tin, Hà Nội 1995), chẳng hạn, là một cuốn sách giáo khoa không đến nỗi tồi, và có thể nói là có ích trong chừng mực nào đó đối với học trò. Nhưng rất khó có thể coi đó là một công trình khoa học, hiểu theo nghĩa là có đề tài riêng, phương pháp riêng, quan điểm, luận điểm và thậm chí tư tưởng riêng. Cuốn Đến hiện đại từ truyền thống thì tốt nhất nên gọi là "Một số cảm nghĩ tản mạn về văn hoá Việt Nam". Đã là cảm nghĩ thì chẳng cần phải có phương pháp hay luận giải gì. Dĩ nhiên, trong loại sách như thế đôi lúc tác giả cũng có biện giải đôi chút, nhưng đó là tuỳ theo ý thích chứ không phải là bắt buộc.

Thú thật, đọc sách của Trần Đình Hượu tôi vô cùng nản, không phải vì khó (ông có nói gì khó đâu?), không phải vì phức tạp (cũng nào có gì phức tạp?) mà vì không thấy có gì mới. Chẳng thà ông cực đoan hay quá đà thì còn đi một nhẽ. Đằng này tất cả những cái gọi là những "luận điểm" của ông dù đúng dù sai đều nhàn nhạt, chung chung, đều có thể tìm thấy ở vô số những quyển sách khác, tồi hơn hoặc thú vị hơn.

Ta hay thử lấy một đoạn bất kỳ: "Văn hoá theo nghĩa rộng nhất thì có từ xã hội nguyên thuỷ (Thế văn hoá theo nghĩa "rộng vừa" và nghĩa hẹp thì không có từ xã hội nguyên thuỷ hay sao?). Nhưng phải trải qua một thời gian lâu dài để bản lĩnh sáng tạo của con người được nâng cao, khi con người thoát khỏi cuộc sống mông muội, ý thức được ngoại cảnh, tích lũy được tri thức về nó, những kinh nghiệm chế ngự, tổ chức đấu tranh làm chủ nó, tạo ra sự khác biệt về thiên hướng và trình độ giữa các cộng đồng người, nhất là khi sự phân hoá dẫn đến hình thành các dân tộc, đủ sức định hình một hướng phát triển, khi có hệ tư tưởng, nền văn học, nghệ thuật, những nhân vật văn hoá, tức là khi tạo được một cái "vốn" văn hoá riêng cho cộng đồng người đó thì mới có thể bắt đầu nói đến đặc sắc dân tộc của văn hoá (Vâng, ai chẳng biết thế!). Văn hoá phát triển như một dòng sông chảy liên tục (Vâng, trừ khi nó bị diệt vong!). Trên lịch trình phát triển đó, có những thời kì sôi động và một thời kì trong đó những giá trị tiêu biểu của dân tộc được định hình, hoặc là tư tưởng, hoặc là văn học, nghệ thuật phát triển đến mức điển phạm: văn hoá dân tộc tìm ra hướng đi vững chắc cho tương lai (Vâng, sông có khúc, người có lúc). Ðặc sắc văn hoá dân tộc hình thành, bộc lộ rõ chính ở thời kì đó (Vâng). Càng về sau, sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc càng thường xuyên, càng nhiều mặt (Lại càng không có gì để nói). Cho đến thời cận, hiện đại, văn hoá phát triển có quy mô thế giới, văn hoá các dân tộc thâm nhập vào nhau (Văn hoá phát triển có quy mô thế giới nghĩa là thế nào? Trước kia văn hoá có thâm nhập lẫn nhau không?). Cho nên tìm dáng vẻ dân tộc trong văn hoá hiện đại không những là khó, và đồng thời ở một số mặt nào đó, nhiều khi sắc thái dân tộc không phải là cái nên đặc biệt hoan nghênh (Vâng, cái đó có gì mới đâu!)...

Tôi không muốn tra tấn bạn đọc thêm nữa, nhưng ai có đủ kiên nhẫn, xin tiếp tục. Hết trang này sang trang khác, bạn sẽ được dạy rằng "văn hoá là một khái niệm quá bao trùm, rộng và phức tạp", rằng "chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại", rằng "Phật giáo, Nho giáo, Ðạo giáo và sau này Gia tô giáo đều từ ngoài du nhập vào", rằng "cách tư duy Việt Nam có ưu điểm và nhược điểm"...

Sự nhạt nhẽo được thể hiện tập trung nhất ở cái tên tập sách Đến hiện đại từ truyền thống in sau khi ông mất. (Có quốc gia nào đến hiện đại không từ truyền thống, hả trời!). Tôi nhớ mình đã ứ tận cổ vì sự "biết rồi khổ lắm nói mãi" này, đến nỗi phải than thở với Phan Huyền Thư và Nguyễn Thanh Sơn trong một bữa ăn trưa, sau đó là với Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.
Sẽ có người phản bác rằng tôi thấy nhạt nhưng họ không thấy nhạt. Vâng, đấy là quyền của họ. Người ta có thể thấy một tác phẩm là thú vị vì nhiều lý do khác nhau: vì tình thân (gia đình, họ hàng), vì nghĩa (thầy trò, ơn huệ), vì chưa biết (nên thấy thú vị), hoặc đơn thuần vì a dua hoặc mê muội (thấy người khác khen thì cũng khen theo)...Tuy kính trọng ông, tôi không phải là học trò của Trần Đình Hượu, theo mọi nghĩa. Vì thế tôi chỉ muốn bàn về tính khoa học của nó.

Theo tôi, tác phẩm của Trần Đình Hượu chỉ đơn thuần là những kiến thức lượm lặt rải rác, cộng với một số suy nghĩ đầy cảm tính, được trình bày vừa thiếu thống nhất, vừa thiếu hệ thống. Hơn nữa, ông không hề đưa ra được một kiến giải gì mới. Kể cả cái khái niệm "Nhà Nho tài tử" mà Đỗ Lai Thuý cho rằng ông mượn của người khác cũng không có giá trị về khoa học. Nếu bảo loại nhà Nho như vậy là đặc thù cho Việt Nam thì hoàn toàn sai lầm: Nhà Nho ở Triều Tiên, chẳng hạn, cũng y như vậy. Còn nếu đồng ý rằng nó là hiện tượng chung cho khu vực chịu ảnh hưởng của văn hoá Tàu thì đâu là đóng góp của tác giả? Nếu nói về mặt biểu cảm, khái niệm này còn tồi hơn nhiều so với những cụm từ "Hủ Nho", "Đồ gàn", "Đồ dở", "Tiến sĩ giấy", "Trí thức nửa mùa" hay "Trí thức nửa vời"... mà người dân, ở từng thời khác nhau, hàng ngày vẫn nói. Tuy nhiên, ông không có lỗi vì phải là tác giả của nó. (Một dịp khác tôi sẽ nói đến một đam mê kỳ quặc ở các "nhà nghiên cứu" xứ ta là sáng tạo thuật ngữ mới để nói cái cũ, trong khi một thuật ngữ mới chỉ có lý do ra đời nếu có một nội dung mới đòi hỏi mà thôi).

Không, tôi không tin rằng nếu tôi lấy cuốn sách của giáo sư Văn Như Cương và tham khảo một số cuốn sách khác rồi viết một cuốn sách, chẳng hạn "Quy tắc tam suất đơn nghịch", là tôi có thể trở thành nhà toán học. Ngay cả giáo sư Văn Như Cương, nếu ông không có một định lý, một phép tính nào đóng góp cho toán học thì với những cuốn sách của mình ông cũng chỉ là một giáo sư, truyền đạt lại những điều có sẵn. (Tôi xin lỗi nếu giáo sư Văn Như Cương có công trình mà tôi không biết. Nhưng dù vậy thì tôi vẫn luôn kính trọng giáo sư - tôi từng làm phiên dịch bất đắc dĩ cho ông, từng vài lần đèo ông bằng xe máy về nhà sau tiệc rượu. Điều này xin ông chứng giám!)

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi: Vậy tác phẩm của Trần Đình Hượu có ích hay không? Có chứ, mặc dù mức độ có ích tuỳ thuộc vào từng người. Sách của ông rất giống những cuốn hướng dẫn du lịch. Ta có thể gọi nó là sách du lịch văn hoá. Nó rất có ích cho những ai chưa biết, nhất là những nhà du lịch văn hoá kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Ai chưa đến Berlin mà được biết rằng ở đó vẫn còn chiếc tháp truyền hình xây từ thời mồ ma Đông Đức thì thú vị quá đi chứ! Cũng vậy, với tôi, một cuốn sách hướng dẫn du lịch nước Đức dở nhất mà Patrick Raszelenberg sẵn sàng ném vào sọt rác chắc chắn vẫn thú vị và có ích.

Tuy nhiên, xin chớ đòi hỏi quá nhiều.

Nếu như tôi viết một cuốn sách hướng dẫn du lịch, trong đó lưu ý rằng phở là đặc sản của Hà Nội và bạn nên đến thưởng thức ở Ngã Tư Sở, thì cũng giống như bạn đọc thấy trong cuốn sách của Trần Đình Hượu những đoạn như: "Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải". Rồi sau này, nếu bạn đến Hà Nội và thấy người ta ưa nhốn nháo, chuộng loè loẹt, quen ứng xử bất lịch sự thì cũng tương tự như bạn đến Ngã Tư Sở chỉ thấy những hàng phở khiến bạn ngao ngán lắc đầu: đó chỉ là những nhận xét thuần tuý cảm tính mà thôi.

Hãy hình dung cơn giận dữ của Nguyễn Tuân khi ông đọc đoạn hướng dẫn về phở trong cuốn sách hướng dẫn du lịch của tôi, bạn sẽ cảm thông với thái độ của Patrick Raszelenberg.
Tuy vậy, tôi vẫn cho rằng cả Nguyễn Tuân lẫn Patrick Raszelenberg không nên giận dữ. Những nhận xét cảm tính dù có thể đúng hoặc sai, và chúng ta có thể đồng tình hay phản bác, vẫn đáng được trân trọng. Cuối cùng, nếu cảm thấy chán, thấy nhạt, chúng ta vẫn có quyền quyết định tối cao, đó là không đọc. Chỉ xin nhớ rằng chớ nên đòi hỏi nó phải lô gích, hệ thống hay khoa học.

Vậy mà Patrick Raszelenberg đã đòi hỏi. Lỗi của ông là ở chỗ trước khi phê phán không đặt ra câu hỏi: Ongtalawas [1] ?

Vậy Ongtalawas?

Tôi đã nói ngay từ đầu, Trần Đình Hượu và chắc chắn chỉ muốn là một nhà giáo. Chẳng lẽ danh hiệu đó chưa đủ cao quí hay sao mà còn bắt ông phải gánh thêm một cái danh hão nữa?

© 2003 talawas


[1]Chú thích của talawas: Nhân dịp này, chúng tôi xin giải phép giải thích từ "talawas". Nó được cấu tạo từ ba chữ: ta+là+was, trong đó "ta" và "là" là tiếng Việt, "was" là tiếng Đức = "gì?", "cái gì?"