trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
19.12.2003
Ngô Tự Lập
P/S: Ongtalawas
 
Bài viết của Phạm Xuân Thạch buộc tôi phải đọc đi đọc lại bài viết của mình. Tôi không quan tâm lắm đến những từ ngữ nặng nề, nhưng có một số điểm tôi muốn làm rõ, nhất là đối với những ai không theo dõi đầy đủ cuộc tranh luận.


1.

Bài viết của tôi chỉ là sự nối tiếp cuộc tranh luận khởi đầu bằng bài viết của Patrick Raszelenberg, phê bình một số nhược điểm của Giáo sư Trần Đình Hượu. Những ý kiến sau đó chia thành hai nhóm, một rất ca ngợi Trần Đình Hượu, số khác tiếp tục phê phán ông về "sự không chính xác, không hệ thống, không nhất quán", "không chính xác", "chung chung" (những từ của Norman L. Wang), hoặc "vô vị và rỗng nghĩa" (từ của Patrick Razselenberg)... Dù không đồng tình với một số từ ngữ nặng nề của họ (vì thế tôi khuyên Patrick Razselenberg không nên giận dữ), tôi cũng có nhiều cảm nhận tương tự.

Theo tôi, dù đúng hai sai, cả hai nhóm đều có quyền chính đáng.


2.

Vì bài của Norman L. Wang viết khá chi tiết và cụ thể rồi, tôi không có ý định lặp lại, mà chỉ muốn đưa ra một cách lý giải về những điều mà Patrick Raszelenberg, Norman L. Wang và một số người khác chỉ ra. Nếu tôi không nhầm thì trước đó đã có người lý giải sự thiếu thống nhất, thiếu phân tích khoa học trong các bài viết của Trần Đình Hượu là do thời cuộc (phải viết sao cho cấp trên hiểu được). Tôi cho rằng ý kiến này đáng chú ý, nhưng không thoả đáng lắm, bởi lẽ nếu viết chặt chẽ, nhất quán và chính xác thì sẽ càng dễ hiểu hơn mới đúng.
Cá nhân tôi đưa ra một cách lý giải khác, chính là nội dung bài "Ongtalawas". Theo tôi, Trần Đình Hượu "là và chỉ muốn là" nhà giáo (giáo sư), ông viết sách để dạy học, vì thế sách của ông là sách giáo khoa (thử xem xét các tác phẩm của ông, chúng phần lớn là sách giáo khoa). Trừ một số trường hợp đặc biệt, sách giáo khoa nói chung là sách phổ biến khoa học chứ không phải là công trình khoa học, nội dung của nó chủ yếu là kiến thức, thường là những điều hiển nhiên (Những ví dụ tôi dẫn ra là để nói rằng nó đúng một cách hiển nhiên, không mới, chứ không phải là để nói nó sai). Đúng sai tôi không bàn thêm, nhưng cho rằng nó có ích. Và vì thế tôi khuyên Patrick Raszelenberg "không nên đòi hỏi quá nhiều" về tính khoa học. Một giáo sư không nhất thiết phải là nhà nghiên cứu mới đáng kính (trong bài tôi lấy ví dụ giáo sư Văn Như Cương: dù ông là nhà toán học hay đơn thuần chỉ là người dạy toán tôi vẫn kính trọng ông như thế).

Cách lý giải của tôi có thể đúng hoặc sai, nhưng có thể coi là một cách nhìn.


3.

Nhân bàn đến những khái niệm như "khoa học", "đúng sai", tôi nghĩ rằng lối viết "khoa học" không cao thượng hơn mà cũng chẳng đúng đắn hơn so với lối viết cảm tính. Thậm chí còn ngược lại. Những cuốn sách lớn nhất của của những tác giả lớn nhất lịch sử nhân loại, từ Đức Phật Thích Ca, Jesus, Khổng Tử, Lão Tử đến Socrates, Platon... chẳng phải là những cuốn sách cảm tính đó sao? Trong khi hàng triệu cuốn sách khoa học đã bị lãng quên thì những cuốn sách cảm tính ấy vẫn cứ sừng sững như những trái núi. Cũng tương tự như thế, đúng không đồng nghĩa với khoa học và đúng cũng không đồng nghĩa với có ích. Thậm chí có thể nói lịch sử khoa học là lịch sử của những sai lầm. Thậm chí, trong thời kỳ chiến tranh, một tác phẩm ít nhiều xa rời khoa học thuần tuý để tuyên truyền phục vụ cho mục đích cao cả của dân tộc thì vô cùng có ích, và cũng có gì là đáng xấu hổ?

Tuy nhiên, đây không phải lúc để bàn về đề tài này. Tôi chỉ muốn nói rằng sách của Trần Đình Hượu là loại khác, có ích theo kiểu khác, phụ thuộc vào người đọc, và không nên bắt buộc nó phải là công trình nghiên cứu khoa học.

Cả luận điểm này nữa, có thể đúng hoặc sai, nhưng một người đọc bình thường cũng có quyền đưa ra, bất kể anh ta có phải là nhà khoa học hay không.


4.

Vấn đề ở đây là khả năng nghe những ý kiến khác mình. Những tác giả uyên bác chắc chắn rất bình tĩnh nghe những lời phê phán. Thử hỏi, là người viết, có ai không hạnh phúc khi có người đọc, suy ngẫm rồi bình phẩm về sách của mình. Còn đúng hay sai, hay hay dở, cá nhân tôi không cho là quá quan trọng.


5.

Cuối cùng, xin nói một điều thật ra không tiện nói. Sau khi viết bài này, tôi đã hỏi ý kiến nhiều bạn bè. Tôi nói rõ rằng tuy muốn trình bày cảm nhận thật của mình, tôi không muốn có bất cứ thái độ khiếm nhã nào.

Bây giờ đọc lại, thật tình tôi vẫn không thấy một từ, một câu nào coi thể coi là xúc phạm, càng không hề hàm ý "sỉ nhục" Giáo sư Trần Đình Hượu. Xin mời các bạn hãy đọc lại văn bản. Thật tình tôi cũng chỉ có thời gian để phê bình những ai tôi kính trọng mà thôi.

Tuy nhiên, tôi cũng ngẫm nghĩ về lối viết của mình. Phải chăng hình ảnh cuốn sách hướng dẫn du lịch văn hoá khiến người đọc hiểu nhầm? Nhưng đó thực sự là liên tưởng của tôi: cuốn sách giáo khoa nào chẳng là sách hướng dẫn du lịch vào thế giới tri thức?

Dù sao, nếu nó vẫn cứ gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc ấy thì tôi cũng rất ân hận - không phải với Phạm Xuân Thạch, mà với Giáo sư Trần Đình Hượu và các bạn tôi.

© 2003 talawas