trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
12.1.2004
Trần Văn Hậu
Để hiểu đúng Trần Đình Hượu
 
Theo dõi một số bài viết khác nhau trên talawas về GS Trần Ðình Hượu (TĐH), tôi cảm thấy cần tăng cường tính học thuật hơn nữa cho các bài loại này. Cần phải đặt TÐH vào một số tương quan khác nhau để hiểu hết những đặc điểm, những đóng góp của ông cho khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam.


1.

TÐH là một nhà khoa học của Việt Nam mà sự nghiệp nghiên cứu chủ yếu được tiến hành trong những năm 60 đến đầu những năm 80, cụ thể hơn phải nói là từ 1975 trở về trước, ông nghiên cứu giảng dạy ở miền Bắc Việt Nam (chứ không phải ở Ðức, ở Mỹ, ở Pháp hay ở một nước nào khác, cho dù ông có du học ở Liên Xô một thời gian hồi đầu những năm 60). Vậy mà những người viết về TÐH đã có mấy ai biết rõ tình hình của khoa học xã hội Việt Nam khi đó, quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu thời đó đối với nho giáo, liệu có mấy vị đã đọc những sách báo mà giới nghiên cứu khoa học xã hội hồi đó bàn về nho giáo đại loại như các bài mang nội dung tranh luận về nho giáo trong các năm 1973 và 1978 đã được sưu tập trong sách "Nho giáo tại Việt Nam" ( Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1994), mấy ai đã đọc các bản dịch sách của các học giả Trung Quốc về nho giáo in hồi những năm 60 trong đó một mực lên án nho giáo là công cụ của giai cấp địa chủ phong kiến (ví dụ Lã Trấn Vũ, Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc, bản dịch, Nxb Sự thật, Hà Nội 1964)? Liệu có ai để ý tìm hiểu vì sao thời TÐH, không có một bản dịch mới nào của Luận ngữ hay Mạnh tử được công bố? v.v. Thiếu những hiểu biết cặn kẽ các vấn đề này, không thể hiểu hết TÐH với nhãn quan khoa học xa rộng, sự uyên bác, nhân cách khoa học đáng kính của ông. Thiếu những hiểu biết đó, mọi khen (hay chê) dành cho TÐH là thiếu sức thuyết phục. Thiết nghĩ, các tác giả nên trang bị một phần nào các tri thức ấy trước khi đặt bút viết về các công trình của GS TÐH.


2.

Một phần lớn các nghiên cứu của GS TÐH dành cho nho giáo. Ðể đánh giá mặt cống hiến và cả hạn chế của ông, người viết cũng cần phải có kiến thức về bản thân nho giáo gần được như ông. Những ai chưa đọc một lần Tứ thư hay Ngũ kinh hay chưa đọc sách nghiên cứu về nho giáo, nên trang bị cho mình tri thức về nho giáo bằng một cách nào đó trước khi bàn về TÐH. Tất nhiên ở đây nói đến sự tìm hiểu nho giáo một cách khoa học, không tán dương hay phê phán cực đoan như một có một vài người đã làm. Khi ấy, chắc hẳn ta sẽ đánh giá đúng hơn về TÐH trong tư cách một nhà chuyên môn.


3.

Một tương quan nữa cũng cần được tính đến để hiểu đúng những đóng góp hay những hạn chế của TÐH là nắm bắt được lịch sử nghiên cứu nho giáo trên một phạm vi rộng. Các nhà nghiên cứu Việt Nam trước đây đã viết gì về nho giáo? Ở miền Nam trước 1975, Nguyễn Ðăng Thục, Kim Ðịnh đã viết gì về nho giáo, nhằm mục đích gì? Các học giả Trung Quốc viết về nho giáo trong thế kỷ XX như thế nào? (Hiện nay, ở Trung Quốc, việc tổng kết lịch sử nghiên cứu nho giáo của người Trung Quốc trong thế kỷ XX được làm rất tốt). Rồi Nhật Bản, Hàn Quốc đã nghiên cứu nho giáo ra sao? Rồi thì các học giả Âu Mỹ nghiên cứu nho giáo ra sao? Không rõ có bao nhiêu người đọc TÐH biết đến những cuốn sách của các học giả châu Âu có ảnh hưởng đến cách nhìn nho giáo trong thế kỷ XX đại loại như của M. Weber "The Religion of China" (bản Anh văn, 1964) hay của người Mỹ gốc Hoa Tu Wei ming "Toward a Third Epoch of Confucian Humanism..." (1986).

Tất nhiên, chính TÐH chưa chắc đã đọc hết các tài liệu ấy, nhưng nếu không có cái nhìn so sánh, sự đánh giá của chúng ta về ông sẽ chơi vơi, thiếu căn cứ. Tôi xin đơn cử một ví dụ nho nhỏ: gần đây tạp chí Asian Survey (University of California, vol. XLIII, N. 3, May-June 2003) có đăng bài của học giả Hàn Quốc Seong Hwan Cha nhan đề "Myth and Reality in the Discourse of Confucian Capitalism in Korea", tạm dịch"Huyền thoại và hiện thực trong việc bàn luận về chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Khổng giáo ở Hàn Quốc". Ðọc bài này và đọc hết các tài liệu liên quan do tác giả giới thiệu, ta sẽ hình dung rõ hơn bối cảnh học thuật có ý nghĩa quốc tế của những vấn đề mà TÐH đã từng viết.

Ðể kết luận, tôi muốn nói rằng, sẽ là phi lí nếu tước bỏ quyền đọc và tranh luận về một công trình khoa học hay một tác phẩm văn học nào đó. Nhưng để thẩm định một công trình khoa học, nhất là công trình khoa học có giá trị, cần có đủ thẩm quyền khoa học. Thẩm quyền ở đây không phải là do học vị hay bằng cấp đem lại mà là do kiến thức, do sự hiểu biết của người thẩm định về đối tượng. Nếu một người không đủ sức đọc thì nhiều người, mỗi người đứng từ góc độ hiểu biết của mình sẽ góp phần để hoàn chỉnh bức tranh học thuật trong đó chí ít các tương quan như trên được tính đến. Là một học trò của TÐH, tôi đã và đang đi theo hướng này để đọc ông thật khách quan. Nhưng đó sẽ là một hướng đi cần có thời gian, không thể cẩu thả được.

© 2004 talawas