trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
15.1.2004
Trần Văn Hậu
Một lần nữa về Trần Ðình Hượu
 
Tôi không có ý tranh luận hay thảo luận với nhiều vị về Trần Ðình Hượu (TĐH). Vì nhiều lẽ. Tôi chỉ muốn nêu lên cách đọc TÐH để mọi người tham khảo chứ không có dụng ý bằng lý lẽ để thuyết phục mọi người phải đồng ý với mình. Với bài viết này, tôi cũng xin dừng lại không thảo luận nữa.



1.

TÐH có những hạn chế không tránh khỏi và không ai có thể chối cãi. Một trong các hạn chế hiển nhiên ấy là viết không trích dẫn. Những có một số lý do để hiểu tại sao ông làm vậy, nếu hiểu đúng ta sẽ dễ dàng thông cảm với ông.

Nghiên cứu Nho giáo hiện nay không còn là cái gì mới lạ nữa. Những phát hiện về Nho giáo của người Trung Quốc, người Nhật, người phương Tây trong thế kỷ XX là những gì cũng khó có ai đọc hết. Trung Quốc hiện có hẳn tạp chí Khổng Tử nghiên cứu thì ta đủ biết rồi đấy. Nhiều tri thức về Nho giáo được phát hiện với thời gian đã trở thành chân lý tầm thường như 2 với 2 là 4. Chả lẽ cứ mỗi nhận định về Nho giáo lại phải dẫn xem câu này được ai nói đầu tiên, ai nói cuối cùng? Thế thì nhiêu khê quá. Ngay nhận định của Trần Lai Khê ở cuối bài vừa rồi cũng không trích dẫn vì có thể ông không biết là từ năm 1962, Nguyễn Khắc Viện đã đăng trên tạp chí La Pensée bài viết Confucianisme et Marxisme au Vietnam và gần đây nhất, Nxb Hà Nội cho in tới lần thứ ba bản dịch ra tiếng Việt cuốn sách của John Lê Văn Hoá Cultural Foundation of Ho Chi Minh's Revolutionary Ideology (Michigan, USA, 1989), trong đó có chương viết về Nho giáo và tư tưởng HCM. Nhưng không ai bắt bẻ ông vì đây là một nhận định đã được quá nhiều người nói đến. Tri thức của bất kỳ ai cũng dựa trên tri thức của người khác. Chỉ có thể trích dẫn trong trường hợp người viết cảm thấy cần dựa vào uy tín học thuật của người khác làm chỗ dựa cho một luận điểm nào đó mà nếu đứng một mình nó tỏ ra chênh vênh. Kể cả những nhà khoa học thích trích dẫn thì cũng không thể trích dẫn hết được, và nếu bới lông tìm vết thì vẫn có thể chỉ ra lỗi không trích dẫn.

Có một lý do nữa thuộc về văn hoá trích dẫn. Trong bối cảnh nào đó, và đây thường là bối cảnh mà TÐH đã trải qua, việc trích dẫn là không thể hoặc không nên. Sống ở Việt Nam (chứ không phải ở Mỹ hay phương Tây), các vị sẽ hiểu được điều đó. Chẳng hạn, với các đồng nghiệp vẫn gặp gỡ hàng ngày nhưng trong học thuật lại không cùng quan điểm, TÐH chỉ phát biểu quan điểm đối lập với quan điểm của họ mà không trích dẫn cụ thể là ông phản đối quan điểm của ai, ở sách nào, trang nào, dòng nào. Chỉ có tác giả được tranh luận và số ít người đọc tinh tế mới hiểu ra điều ấy. Tôi xin các vị hãy so sánh những bài viết về Nguyễn Trãi của nhiều học giả như Vũ Khiêu, Ðinh Gia Khánh v.v. với bài của TÐH để nhận ra tính chất tranh luận kín đáo song khá mạnh mẽ của ông. Ðây không phải là chỗ kể lể dài dòng về các nội dung này vì như tôi đã nói, muốn khen chê TÐH, người viết hãy có tri thức về nhiều mặt hữu quan.

Một điểm nữa cũng phải thừa nhận: TÐH gần như đơn độc nghiên cứu Nho giáo ở miền Bắc trước đây. Có thời kỳ, Nho giáo bị lên án là hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến thống trị (nhìn theo quan điểm giai cấp), là tư tưởng duy tâm (theo đối lập duy tâm duy vật), thậm chí là tư tưởng của quân xâm lược phương Bắc (theo lập trường dân tộc chủ nghĩa). Do đó mà ở miền Bắc có một thời gian, kinh điển Nho giáo không được dịch, không có ai nghiên cứu một cách khoa học về Nho giáo, đã bàn tới Nho giáo là phê phán gay gắt. Riêng TÐH chủ trương nghiên cứu Nho giáo theo quan điểm văn hoá, mô tả Nho giáo như là một hệ thống văn hoá (Nguyễn Khắc Viện và một vài học giả khác cũng có quan điểm tương tự song không có ai đi sâu vào Nho giáo như TÐH). Riêng việc đó cũng là một thách thức với nhiều người, đã làm phiền cho chính ông rồi - ông từng bị phê phán là hữu khuynh. Nhiều bài viết của ông được công bố rất muộn là vì thế. Bằng vốn liếng chữ Hán được học từ nhỏ, với vốn Pháp văn và Nga văn ông đã vượt ra khỏi sự hạn chế về thông tin bằng tiếng Việt để nắm bắt thông tin thế giới. Một mình cô đơn thì làm được chừng ấy cũng là điều lạ. Những năm 90 trở đi, giới khoa học xã hội Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, việc nghiên cứu khách quan - khoa học Nho giáo và các tôn giáo khác ở Việt Nam trở thành công việc phổ biến nhưng cũng chưa có ai đi xa hơn TÐH. Mà việc thế hệ sau vượt thế hệ trước lại là điều cần thiết cho khoa học.



2.

Trần Ðình Hượu là nhà nghiên cứu tư tưởng. Những quan tâm của TÐH trước hết là quan tâm đến lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nhưng theo ông, không thể hiểu được tư tưởng Việt Nam nếu tách rời khỏi lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Điều này là hiển nhiên (2 với 2 là 4), song cũng lại rất có chuyện nếu chúng ta biết một chút về những luận điểm của không ít học giả Việt Nam về tư tưởng yêu nước như là tư tưởng đặc trưng của người Việt, về những âm dương ngũ hành là của người Việt Nam chứ không phải của người Hán hiện vẫn đang phổ biến ở trong nước (các nhà khoa học này vẫn trong mạch của chủ nghĩa dân tộc cực đoan về văn hoá). TÐH không nghĩ như vậy, ông có hướng đi riêng. Ông chủ trương nghiên cứu khách quan ảnh hưởng của Trung Quốc và những sáng tạo của Việt Nam chứ không có lối nghĩ một chiều, cực đoan. Ðiều quan trọng là tính thực tiễn trong các nghiên cứu của ông. Ông luôn muốn ứng dụng các hiểu biết về Nho giáo cho thực tiễn cuộc sống xã hội, cho một chính sách quản lý đúng đắn. Không muốn đi quá sâu vào vấn đề học thuật đòi hỏi chuyên môn sâu này, tôi xin dẫn một ý kiến của TÐH. Ông không chỉ phê phán cái sai của cải cách ruộng đất mà còn tìm hiểu nguyên nhân do vận dụng sai cách phân tích lịch sử xã hội thành 5 hình thái. Ông cho rằng ở Việt Nam "không có chuyện 5 phương thức sản xuất thay thế nhau: đầu tiên là cộng sản nguyên thuỷ; rồi cộng sản nguyên thuỷ tan rã từ bên trong đẻ ra chế độ chiếm hữu nô lệ; chiếm hữu nô lệ tan rã mà lập thành lãnh ấp, lãnh ấp bị xoá bỏ mà thành phong kiến tập trung. Rồi phong kiến bị lật đổ mà thành tư bản chủ nghĩa. Cứ mỗi đoạn như vậy lại đòi hỏi phải có cách mạng xã hội. Lịch sử nước ta không có cách mạng xã hội đâu. Xã hội ta phát triển theo kiểu cái này chồng lên cái kia mà tôi gọi là trầm tích (...) Kết luận của tôi là ở phương Ðông có một con đường phát triển khác, và Nho giáo là gắn với con đường đó chứ không nên nhìn nó theo kiểu 5 phương thức sản xuất" (TÐH, Các bài giảng về tư tưởng phương Ðông, Nxb Ðại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 234-235). Ðể hiểu được chiều sâu của ý tưởng này, cần liên hệ so sánh với học thuyết về 5 hình thái xã hội theo duy vật lịch sử, còn nếu những ai không hiểu được nó sâu sắc ở chỗ nào thì đành chịu vậy. Vì coi đây không phải là bài giảng về TÐH nên chúng tôi không mở quá rộng làm mệt mỏi quí vị.



3.

TÐH là nhà nghiên cứu văn học. Viết về các công trình của TÐH khảo cứu văn học Việt Nam mà chỉ vài dòng quả thật rất khó. Nhưng đành vậy. Ðể hiểu ông đã nghiên cứu văn học thế nào, cũng cần biết cách mà người Việt Nam (ở miền Bắc trước đây) đã nghiên cứu văn học ra sao. Tức là luôn luôn phải so sánh. Trước đây, để giải thích một tác giả văn học nào đó, người ta thường đứng trên quan điểm giai cấp, ví dụ như thế kỷ XVIII - XIX ở Việt Nam (thời Nguyễn Du) sở dĩ văn học phát triển vì, theo cách nhìn của các học giả theo quan điểm giai cấp, có một nhân tố là khởi nghĩa nông dân (giai cấp nông dân chống địa chủ phong kiến). Khái niệm "nhà nho tài tử" mà TÐH sử dụng là có mục đích trả lại cho đời sống văn học bộ mặt văn hoá của nó. Ông không trực tiếp bảo các học giả theo quan điểm giai cấp rằng "các anh sai rồi", mà ông lẳng lặng cắt nghĩa sự phát triển của văn học, gắn hiện tượng xuất hiện "Chinh phụ ngâm", "Truyện Kiều", Nguyễn Công Trứ với sự xuất hiện của "nhà nho tài tử". Sự thay đổi của mẫu hình nhà nho như là chủ thể quan trọng nhất của văn học nước ta thời cổ đã dẫn đến sự thay đổi của thực tế văn học. Như thế là TÐH phủ nhận lối giải thích xã hội học và đứng trên quan điểm văn hoá để giải thích văn học cho dù ông không tuyên ngôn về điều này. Hệ thống của ông như thế có căn cứ và gần sự thực hơn. Phải nói là ở Việt Nam, khái niệm "nhà nho tài tử" không phải do TÐH nêu lên lần đầu tiên. Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu đã viết rất hay về khái niệm này từ năm 1944. Nhưng ông đã nâng nó lên, dùng nó và các khái niệm đối lập với nó là nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật để mô tả toàn bộ lịch sử văn học cổ Việt Nam. Một hệ thống khá chặt chẽ. Các nhà nghiên cứu như Lại Nguyên Ân, Ðỗ Lai Thuý đều tỏ ra hứng thú nhưng cũng băn khoăn về tính khoa học của khái niệm này (xin miễn dẫn thư mục nghiên cứu) và tôi cũng không tin là hệ thống của ông đã hoàn toàn hợp lý. Nhưng phải nói ngay là cách nhìn của TÐH tuy có thể chưa thuyết phục nhưng hướng đi văn hoá đó đã và sẽ khích lệ các lớp sau đào sâu để tìm ra những cái mới, hoàn chỉnh hướng đi và hệ thống của ông. Cần nói thêm là những người dựng được một hệ thống nhất quán để đọc toàn bộ văn học Việt Nam như ông rất hiếm. Trước đây có Thanh Lãng chủ trương cách trình bày lịch sử văn học Việt Nam theo thế hệ, còn thì người ta trình bày văn học theo các triều đại hoặc theo chữ Hán, chữ Nôm... Ðiều quan trọng là ông thấy phải thoát ra khỏi cách nhìn chật hẹp cũ của quan điểm giai cấp. Không ai, kể cả học trò lại dám khẳng định thầy mình là chân lý toàn năng, song tôi nghĩ, kể cả những điểm bất cập của TÐH cũng có thể là bài học tốt cho chúng ta, cho hậu thế, bởi vì ông đã chọn một định hướng đúng.

TÐH là sản phẩm độc đáo của một thời đại đã qua trong lịch sử hiện đại của khoa học xã hội nhân văn Việt Nam. Ðể hiểu ông, cần có tri thức nhiều mặt. Chúng tôi không kêu gọi mọi người hãy đọc và yêu mến TÐH. Ðọc và thích là quyền của mỗi người. Nhưng chúng tôi mong rằng, nhất là những ai mang một định kiến, một thiên kiến phủ nhận bằng được TÐH mà chẳng có lý lẽ gì đáng kể, hãy dành lấy độ 6 tháng đọc hết sách báo mà ông viết và đọc lịch sử vấn đề nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam. Khi ấy, có thể chúng ta sẽ trở lại một cuộc thảo luận hay tranh luận thực sự khoa học chứ không phải chỉ đưa mấy câu phiếm luận hàm hồ cho sướng miệng.

© 2004 talawas