trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
7.11.2003
Phùng Nguyễn
Dịch phiệt?
 
Tôi đã có thể đồng tình với Lê Ðình Khoa (LÐK) ở một số trích dẫn về nghĩa đen của từ tiếng Anh trong bài viết trịch thượng và hằn học một cách không cần thiết của tác giả này nếu-giả-như "My Last Tiger" là môt bản tin về tình hình chiến sự ở Iraq. Tất nhiên là sự đồng tình của tôi đã không có cơ hội xảy ra. "My Last Tiger" (và bản dịch đã khiến LÐK đánh mất sự hòa nhã [nếu có] trong tranh luận văn học) không phải chỉ là "một tác phẩm" theo cách nói mù mờ [vô tình?] của LÐK mà còn là một bài thơ. Ðiều này được ghi chú rõ ràng trong Hợp Lưu 73 ở cuối trang 139. "... từ bản Anh ngữ của Alexandre Coleman, Jorge Luis Borges Selected Poems, Alexandre Coleman biên tập, nhà xuất bản Penguin, ấn bản năm 2000 (sách song ngữ Anh/Tây Ban Nha)." Ngoài ra, Ban biên tập Hợp Lưu đã cẩn thận phân loại bài dịch này là "thơ" ở phần Mục lục (trang 2).

Nếu-giả-như thi sĩ Thường Quán (TQ) "biết" tiếng Tây Ban Nha theo nghĩa "nắm được tinh túy của" thì nhất định ông đã có cơ hội cảm nhận bài thơ của Borges một cách trực tiếp hơn. Bằng cách chọn dịch "My Last Tiger" không từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, TQ cho chúng ta biết mặt hạn chế của ông về thứ ngôn ngữ này và đồng thời đã mạo hiểm không chỉ một (dịch thơ) mà hai (từ một bài thơ dịch) lần để gởi đến độc giả cách đọc/cảm nhận độc đáo "My Last Tiger" của ông trong dạng tiếng Việt (cũng độc đáo không kém của TQ, tất nhiên rồi).

Làm thế nào để "dịch" một bài thơ, hơn nữa, dịch một cách chính xác? Hãy nói về "chính xác." Cái gì phải cần thiết chính xác? Những câu những chữ làm nên bài thơ hay sự cảm nhận về bài thơ mà người dịch có trong quá trình chuyển đổi ngôn ngữ? Ðiều này thuộc về sự lựa chọn của người dịch, và trong trường hợp "Mãnh cọp cuối cùng," TQ có vẻ như đã thiên về cái sau. Nhìn xa hơn, khái niệm "chính xác" trong việc làm/dịch thơ cũng là một điều có thể tranh cãi đến vô cùng. Không ai làm thơ dựa trên sự chính xác (ngay cả của những con chữ - một cách cứng nhắc như những lập luận về ngữ nghĩa của LÐK, mà chính là ở sự biến hóa của chúng), và những điều gói ghém trong thơ không cần thiết phải là những dữ kiện có thể kiểm chứng được như văn bằng của LÐK hay tựa những bài thơ sáng tác bởi TQ. Dịch thơ, do đó, là một nỗ lực thực hiện điều bất khả: mang whisky hòa trộn với rượu nếp ở trong chai ba xị đế của Việt Nam và muốn món cocktail này vẫn giữ được mùi vị nguyên thủy và, trong "trường hợp" LÐK, hình thể vuông vắn như khi còn nằm trong chai Johnnie Walker nhãn đen của Mỹ. Hãy tìm đọc Spring Essence của John Balaban để ... feel the pain, để thâm cảm nỗi niềm!

Bằng cách không để nghĩa đen của câu chữ từ bản tiếng Anh trói buộc, TQ đã mang vào bản dịch không chỉ cảm nhận độc đáo của mình mà cả cái dáng dấp/hình thể của nguyên bản: thơ. Và bởi vì "Mãnh cọp cuối cùng" chính là một bài thơ, sao nỡ đọc "nó" như đọc một bản tin xe cán chó? Với kiểu đọc thơ này, làm thế nào một người có thể chịu đựng nổi những bài thơ/văn vẫn thường xuyên xuất hiện trên Tạp Chí Thơ, Tiền Vệ, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, và nhiều tạp chí văn chương cả trong lẫn ngoài nước mà toàn bộ hay một phần cấu trúc là một không những chối bỏ mà còn đập phá quyết liệt nhiều nguyên tắc cơ bản của văn phạm Việt Nam hiện hành? Có cần thiết phải mời y sĩ Nguyễn Hưng Quốc chẩn (và nếu còn kịp, chữa) căn bệnh "đại chúng" cho người này hay không?

Không có gì đáng ngạc nhiên sẽ có người thích bài thơ dịch của TQ. Sẽ có người không thích, tất nhiên rồi! Nhưng sẽ có rất hiếm người gán cho TQ và nỗ lực của ông những điều vô cùng tồi tệ như LÐK đã làm. Tôi e rằng sự giận dữ của LÐK không chỉ đến từ cái khoảng cách không thể vượt qua được giữa ông và nhà thơ Thường Quán về cung cách và khả năng tiếp cận "The Last Tiger" mà còn vì TQ đã bướng bỉnh không chịu nghe lời khuyến cáo/răn dạy của ông về đường lối dịch thuật.

Tôi cho là một điều may mắn TQ đã không ngoan ngoãn như LĐK trông đợi. Nếu không, thay vì "Mãnh cọp cuối cùng" sẽ là "Con cọp cuối cùng" LÐK-style. LÐK-style? Vâng, bạn đọc cứ thử đọc liên tục những đoạn chữ nghiêng bắt đầu với "LDK:" trong bài viết "Văn chương của Borges biến thành 'rap' nói ngọng?" của tác giả này trên talawas ngày 01.11.03 thì sẽ có ngay môt bản ... liệt kê khá đầy đủ và khá chính xác về những câu chữ xuất hiện trong bản tiếng Anh của "My last tiger." Một cách công bằng, chúng ta có thể ví "Con cọp cuối cùng" LÐK-style như một bức ảnh chụp bẹp dí (2 chiều) hoặc giỏi lắm một replica đờ đẫn (3 chiều) của con cọp nhiều chiều kích của Borges trong khi "Mãnh cọp cuối cùng" chính là hình bóng sống động nhưng đã ít nhiều biến dạng của con cọp này qua lăng kính cảm quan của TQ. Ðây là hệ quả tất nhiên của công việc dịch thuật các tác phẩm nghệ thuật, ở đó người làm công việc chuyển ngữ luôn luôn mang vào tác phẩm nguyên thủy những chất liệu có liên quan đến quan niệm mỹ học và kinh nghiệm của chính mình. Bằng cách như vậy, một dịch phẩm mới có hy vọng là một tác phẩm văn chương trong một ngôn ngữ mới/khác. Nếu không, chúng ta chỉ cần có mỗi LÐK hoặc những cái máy dịch (translation engine) hiện đang bắt đầu mọc ra như nấm trên liên mạng. Và tất nhiên là sẽ không thiếu những bản tin "chính xác" về tình hình chiến sự ở Iraq.

Tác giả Lê Ðình Khoa đã nhấn mạnh rằng ông không phải là dịch giả, cũng không phải là nhà văn. Tôi có phần tin tưởng ở lời phát biểu của ông và trong cùng một lúc cảm thấy may mắn. Bất kể LÐK là ai, ông tiếp cận "Mãnh cọp cuối cùng" ở vị trí một độc giả, cũng như tôi và nhiều người khác nữa. Là độc giả, người ta có quyền (hoặc tự cho mình quyền) sử dụng những từ ngữ cay độc, tồi tệ, hoặc ngay cả hoa hòe hoa sói một cách không cần thiết để bêu riếu một tác giả nào đó dựa trên một cách nhìn, một cách lập luận nhiều phần mang tính chủ quan nào đó như LÐK đã làm. Nhưng người ta chỉ có thể làm những điều này (và ngay cả những điều tử tế hơn) nhân danh chính mình và chỉ chính mình mà thôi. Một độc giả, bất kể là ai, không thể áp đặt nhãn quan của mình lên người sáng tác và lên các độc giả khác hoặc tệ hơn nữa, tự khoác lên mình chiếc áo của một tập thể. Cho nên, không nên nói "...đó là cuộc triển lãm lộng lẫy của một thứ tiếng Việt ngọng nghịu khiến người Việt phải xấu hổ."

Thực ra, chỉ có mỗi tác giả Lê Ðình Khoa phải xấu hổ.

05.11.2003

© 2003 talawas