trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoàiTư tưởngVăn hoá và phát triển
4.8.2003
Trần Doãn Nho
Trở lại với George Orwell
 
"Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng, nhưng một số con vật được bình đẳng hơn các con khác" (All animals are created equal, but some animals are more equal than others).
George Orwell



Ngày 25/6/2003 vừa qua là sinh nhật lần thứ 100 của George Orwell, một nhà văn có quan điểm độc lập mà hai tác phẩm "Animal Farm""1984" đã để lại một dấu ấn khó phai trong thế giới văn chương. Kỷ niệm một trăm năm ngày sinh và 53 năm ngày mất, tác phẩm và cuộc đời của George Orwell đã và đang được nhiều giới khác nhau (sử gia, phê bình văn học, nhà văn, nhà báo...) tuyên dương, đánh giá lại và thậm chí tranh cãi tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ và Anh Quốc. Tháng 5/2003, 300 học giả hội họp tại Wellesley 3 ngày liên tiếp trong một cuộc hội thảo có tiêu đề là "An Exploration of His Work and Legacy". Nhân dịp này, người ta phát hành hai cuốn tiểu sử mới viết về Orwell. Ðồng thời, để vinh danh, một tổ chức chẳng dính dáng gì đến văn chương, "The Royal Society of Chemistry" (Hiệp Hội Hóa Học Hoàng Gia), đánh dấu lễ kỷ niệm bằng cách công bố kỹ thuật chế biến trà, vốn là một trong những ám ảnh của Orwell và là chủ đề chính trong một bài tiểu luận ông viết vào năm 1946.

"Như là một trong những bậc thầy của nền văn xuôi Anh Quốc, George Orwell là một trường hợp gây bối rối, khó xử. Những người đương thời biết rằng ông có cái gì đặc biệt, nhưng lại khó giải thích tại sao. Việc mang ông ra thảo luận chẳng dễ dàng hơn chút nào theo thời gian. (The Economist, Anh, 12/6/03). "George Orwell là một nhà văn chính trị, một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ 20 (...) Một nhà văn chính trị là một nhà văn hết sức quan tâm đến từ ngữ công chính, khinh bỉ những thành quả lớn và không tự xem mình là anh hùng hay một nhà tiên tri. (Philippe Dagen, "Le monde" 3/7/03, "Orwell, au coeur de l'inhumanite"). Orwell là "một cây bút không hoàn hảo mà lại hấp dẫn" (...) "Và tên của Orwell đã trở thành tiếng tính từ tiêu chuẩn được sử dụng khi đo lường khoảng cách giữa ngôn ngữ chính trị và thực tế đạo đức" (Glenn Frankel, Washington Post, 25/6/03).

Washington Post, trong một bài viết khác, lại tố cáo là Orwell có tinh thần bài Do Thái và là một kẻ cô đơn không bè bạn thường khoác chiếc áo giai cấp thợ thuyền nhưng lại ăn nói theo kiểu giai cấp lớp trên - là người bị xâu xé giữa một bên là xã hội chủ nghĩa và bên kia là chống báng Liên Xô của Stalin" (theo Jeremy Lovell). Và mới đây, không lâu trước ngày kỷ niệm, một tài liệu chưa hề công bố cho biết, ít tháng trước khi chết, Orwell đã giao cho Sở Ngoại Vụ Anh một bản danh sách gồm 38 người Cộng Sản và những bạn hoạt động bí mật của ông. Danh sách sau đó đã được sử gia Timothy Garton Ash tiết lộ đầy đủ. Sự kiện đó đã khiến người ta nghi ngờ xu hướng xã hội chủ nghĩa và tinh thần chống độc tài của ông, đồng thời làm hoen ố danh tiếng mà ông có được từ cả hơn nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện với tờ Guardian (Anh), sử gia Norman Mackenzie - một trong số 38 người có tên trên bản danh sách, hiện còn sống - cho rằng khi bị bệnh lao, ông không còn kiểm soát được mình nữa. "Ðó là một danh sách không đáng tin cậy. Những bệnh nhân bị bệnh lao thường rất kỳ quặc vào giai đoạn cuối. Tôi là một người ngưỡng mộ Orwell, tôi đồng ý với ông về Liên Xô, nhưng tôi cho rằng ông đã phần nào trở nên lẩm cẩm rồi".

Về phương diện văn chương, một số nhà phê bình, như D. S. Salvage chẳng hạn, cho rằng Orwell không bao giờ có thể được sắp xếp vào hàng ngũ những nhà văn hàng đầu trên thế giới vì quan điểm chính trị của ông đã tước mất đi "tính chính trực của người nghệ sĩ thuần túy". Một số người khác không đồng ý như vậy. Theo họ, chẳng có tác phẩm nào là hoàn toàn không có thiên kiến chính trị và xem Orwell như là một trong những nhà văn quan trọng hàng đầu của văn chương thế kỷ thứ 20. Có lẽ Bernard Crick - giáo sư chính trị học tại đại học Birkbeck (Anh), tác giả của cuốn tiểu sử George Orwell: A Life - là người hết lòng bênh vực cho một Orwell/nhà văn. Crick đọc khá kỹ tiểu luận Why I Write của Orwell, qua đó, quan điểm viết lách của ông hiện ra rất rõ ràng. "Trong thời kỳ hòa bình, lẽ ra tôi phải viết những tác phẩm hoa mỹ hoặc những tác phẩm có tính cách gợi tả (descriptive) và đừng quan tâm gì đến những cam kết chính trị của mình. Ấy thế mà, trong tình thế này, tôi bị buộc phải trở thành một tay viết sách chuyên đề (pamphleteer)". Theo Crick, những lời lẽ này dường như thay thế cho một lời xin lỗi. Trong bài viết, Orwell không úp mở thú nhận rằng nếu không có một quan điểm chính trị mạnh mẽ, ông sẽ không bao giờ viết lách được gì. "Nhìn lại những gì tôi đã viết ra, tôi thấy rằng lúc nào cũng vậy, hễ thiếu đi một mục tiêu chính trị là tôi viết ra những tác phẩm vô hồn và trở thành dài dòng, rườm rà, câu kéo vô nghĩa, những tính từ hoa hòe và nói chung là xảo trá, bịp bợm (humbug)". Crick quả quyết Orwell là nhà văn đã biết sử dụng tài năng của mình để biến "những bài viết về chính trị thành nghệ thuật" (turned political writing into an art).

Thì thế, khen và chê. Cũng là chuyện thường tình. Nhưng dẫu khen hay chê, không ai có thể phủ nhận vị trí quan trọng hàng đầu của Orwell trong lịch sử văn chương thế kỷ 20.

George Orwell là bút hiệu của Eric Arthur Blair, sinh ngày 25 tháng 6/1903 tại Bengal (Ấn Ðộ), con thứ hai của một viên chức Anh làm việc tại sở buôn thuốc phiện, Ấn Ðộ. Ít tháng sau khi sinh, ông theo mẹ về lại Anh quốc và sống ở đó cho đến khi trưởng thành. Ông học hành không lấy gì xuất sắc, do đó, không được học bổng để vào đại học. Chán nản, năm 1922, ông đăng ký làm cảnh sát thuộc địa tại Burma (Miến Ðiện). Công việc này chẳng làm ông thú vị gì, nhưng giúp ông nhìn thấy rõ bản chất của chủ nghĩa thuộc địa và hình thành xu hướng xã hội chủ nghĩa của ông sau này. Trong thời gian phục vụ, ông bắt đầu viết lách lăng nhăng, nhưng không mấy thành công. Nhiều bài sau này in trong tuyển tập "Shooting an Elephant" (1950) đề cập đến cung cách làm việc của các viên chức thuộc địa. Một trong những bài viết nổi tiếng nhất là "A Hanging" kể chuyện một người Ấn bị treo cổ chết.

Sau năm năm làm việc, ông từ chức và trở về lại Âu Châu. Ông sống như một kẻ vô gia cư, làm những việc vặt vãnh ở cả Anh và Pháp, có lúc phải đi ăn xin. Ðể biết qua về kiếp tù đày, một lần, ông giả vờ say sưa để bị bắt nhốt. Kinh nghiệm sống đó cung cấp cho ông chất liệu độc đáo, dồi dào giúp ông hoàn tất truyện dài Down and Out in Paris and London (1933), diễn tả cuộc sống bi đát của những kẻ sống bên lề xã hội ở. Một vài nhân vật trong đó chẳng khác gì những nhân vật trong truyện của Charles Dickens. Sợ không thành công, ông không dám dùng tên thật mà lấy một tên khác làm bút hiệu: George Orwell. Trái với sự lo ngại của tác giả, tác phẩm được sự ca ngợi của giới phê bình, mặc dầu không tránh khỏi những nhược điểm tất nhiên của một tác phẩm đầu tay. Tên George Orwell, từ đó, được dùng làm tên chính thức cho tất cả các tác phẩm cũng như tiểu luận về sau của ông.

Bốn năm sau, một tác phẩm khác ra đời: The Road to Wigan's Pier (1937). Ðó là một ký sự (non-fiction), kết quả của hai tháng đi lang thang trong các hầm mỏ, bến tàu, những khu láng giềng tồi tàn, bẩn thỉu vùng Lancashire và Yorshire (Anh). Tác phẩm chấm dứt với lời thú nhận rằng ông tin ở chủ nghĩa xã hội và rằng các phong trào cánh tả là lực lượng duy nhất đủ sức chống lại cơn triều dâng của chủ nghĩa phát-xít đang hoành hành ở Châu Âu. Nhưng đồng thời tác giả không quên cảnh báo về nguy cơ của một xã hội theo chủ nghĩa toàn trị kiểu Stalin ở Liên Xô. "Chúng ta cần có chính sách tuyên truyền thông minh. Bớt đi những là "ý thức giai cấp", "trưng thu tài sản của những kẻ bóc lột", "ý thức hệ trưởng giả", "tình liên đới vô sản"...và thêm vào đó công lý, tự do và thực cảnh của những người thất nghiệp", Orwell viết.

Năm 1937, Orwell sang Tây Ban Nha, gia nhập tổ chức "Workers' Party of Marxist Unification" (POUM = Ðảng Công Nhân Mác-Xít), chiến đấu chống quân đội phát-xít. Sau một thời gian ông bỏ đảng, dù vẫn đứng trong hàng ngũ công nhân. Về Anh, ông lại gia nhập một đảng khác, "Independent Labour Party" (Lao Ðộng Ðộc Lập). Và rồi lại bỏ đảng vài tháng sau đó. Con người Orwell là như thế. Cam kết theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng lại không muốn lệ thuộc vào bất cứ một đảng phái chính trị nào. "Một nhà văn chỉ có thể giữ gìn sự ngay thẳng của mình nếu anh ta không chịu ảnh hưởng của bất cứ đảng phái nào", ông phát biểu. Những ngày tháng ở Tây Ban Nha, ông chứng kiến mật vụ Sô Viết đàn áp tàn bạo phong trào vô chính phủ, đồng thời dưới áp lực của Liên Xô, chính phủ Tây Ban Nha đàn áp phong trào của ông. Kết quả là sự ra đời của Homage to Calalonia (1938), phản ảnh bộ mặt của cuộc nội chiến Tây Ban Nha với tất cả những bi thương khủng khiếp của nó và là một bản tố cáo chính sách khao khát quyền thống trị của Stalin đối với các phong trào cánh tả trên toàn thế giới. Khác với hai tác phẩm trước đó, Homage to Catalonia không gây mấy tiếng vang, vì lúc đó, dư luận chung cho rằng tố cáo Stalin sẽ làm yếu đi phong trào chống phát-xít ở Châu Âu.

Thời đệ Nhị Thế Chiến, do yếu phổi và bị thương trong cuộc chiến Tây Ban Nha, ông được miễn nhập ngũ. Ông làm việc cho đài BBC, rồi sau làm chủ bút cho tờ báo cánh tả Tribune cho đến cuối chiến tranh. Lúc này, tài năng viết lách của ông đã đến độ chín toàn diện và tên tuổi của ông cũng đã nổi tiếng khắp châu Âu. Năm 1943, ông bắt đầu viết Animal Farm, một tác phẩm mà nội dung đã được thai nghén từ năm 1937 theo như ông cho biết. Tác phẩm gặp trắc trở lúc đầu. Có đến 4 nhà xuất bản từ chối in với một trong những lý do khá thuyết phục: tác phẩm có nội dung chống Stalin trong lúc Stalin đang là đồng minh của Anh Quốc và Hoa Kỳ chống Hitler. Mãi cho đến tháng 8/1945, vài ngày sau khi khi Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, tác phẩm mới lặng lẽ xuất hiện trên những kệ sách của các tiệm sách Luân Ðôn. Lúc này, Ðức và Nhật đã hoàn toàn bại trận. Một liên minh với Stalin không còn cần thiết nữa. Ðúng thời điểm, cuốn sách mỏng có tựa đề Animal Farm, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có tiếng vang lớn trong giới chính trị và văn chương Anh thời hậu chiến, trở thành bestseller và được giới phê bình xem là một kiệt tác. Nhờ thế, Orwell có tiền và tậu được một trang trại tại Hebrides, nơi ông hoàn thành tác phẩm kế tiếp, Nineteen Eighty-Four (sau này đổi cho gọn thành 1984), xuất bản năm 1949. Khác với Animal Farm, 1984 là một cái nhìn về tương lai. Theo các nhà phê bình, 1984 chứa đựng dấu vết của nhà viết truyện châm biếm Anh gốc Irish thế kỷ thứ 18 là Jonathan Swift và hai nhà văn đương thời: Aldous Huxley (Anh) và Yevgeni Zamyatin (Nga). Cần ghi nhận: tựa đề 1984 không chứa đựng bất cứ một tiên tri nào, mà đơn giản chỉ là cách nói ngược của năm 1948. Cùng với Animal Farm, 1984 là một kiệt tác của Orwell. Nhưng ông không sống lâu để hưởng thụ thành quả của mình. Cố gắng để hoàn tất 1984 trong ngôi nhà lộng gió và thiếu sưởi ấm đã khiến bệnh lao phổi của ông nặng thêm. Một hôm, kiệt sức, ông được đưa gấp đến viện điều dưỡng Gloucestershire. Bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Tám tháng sau, người ta chuyển ông qua bệnh viện Luân Ðôn và ông chết tại đó vào tháng 1/1950 sau một cơn xuất huyết.

Orwell là một người khá bất thường. Giọng nói thì the thé, khó nghe, ăn mặc lúc nào cũng xoàng xĩnh, y như một tay nghèo túng kinh niên, nghiện thuốc nhưng chuyên môn hút thuốc tự mình vấn lấy. Người đầy cá tính, không mấy tin cậy người lạ mặt, và do đó, ít bạn bè. Có lẽ vì thế mà các nhân vật hư cấu của ông thường khô khan, cứng nhắc, thiếu tính thuyết phục. Các nhân vật nữ được phác họa sơ sài, thiếu nét hấp dẫn và thiện cảm khiến người ta ngờ rằng ông có tâm lý ghét phụ nữ (misogyny). Phải chăng vì ông là người ưa săn đuổi phụ nữ, nhưng không mấy thành công? Một đặc điểm khác: không thích ai đọc trước bài viết của mình và góp ý. "Tôi không cần ai (góp ý) cả. Bài viết luôn luôn toàn hảo. Kể cả những dấu chấm phết", ông khẳng định (Glenn Frankel, Washingtonpost 25/6/03). Lại mặc cảm tự ti. "Ngay từ lúc mới đầu, tham vọng văn chương của tôi thường lẫn lộn với cảm giác bị cô lập và bị coi thường", ông thú nhận về sau này. Ông xem cuộc đời riêng của ông là một phấn đấu không ngừng nghỉ để thoát ra khói cảm giác bị coi thường đó và nhiệt tình với chuyện viết lách. Trong một bài viết năm 1947, ông nhận xét: "Tất cả mọi nhà văn đều hão huyền, ích kỷ và lười biếng và ngay trong tận cùng động cơ viết lách của họ, vẫn tồn tại một điều bí ẩn. Viết một tác phẩm là một cuộc tranh đấu khủng khiếp, kiệt sức giống như trải qua một cơn bệnh đau đớn kéo dài. Người ta sẽ không bao giờ làm được một công việc như thế nếu không bị lôi kéo bởi loại quỷ quái nào đó mà người ta không cưỡng chống được mà cũng chẳng hiểu rõ" (All writers are vain, selfish, lazy, and at the very bottom of their motives there lies a mystery. Writing a book is a horrible, exhausting struggle, like a long bout of some painful illness. One would never undertake such a thing if one were not driven on by some demon whom one can neither resist nor understand). Một nhận xét độc đáo và khá chính xác!

*

Như đã nói ở trên, Animal Farm1984 là hai kiệt tác của Orwell.

Animal Farm là một câu chuyện hài hước cay đắng mô tả cuộc nổi loạn của một nhóm súc vật chống lại ông chủ người của chúng. Trước hết, đám súc vật đói khổ trong nông trại của ông Jones được con heo "lý thuyết gia" Old Major truyền bá tư tưởng: tất cả mọi đau khổ của kiếp súc vật là do sự thống trị của Con Người, một tạo vật lười biếng và độc đoán, bắt súc vật làm việc tối đa để phục vụ cho quyền lợi của họ. Ðể chấm dứt đau khổ, loài vật phải lật đổ ách thống trị của con người và xây dựng một xã hội, trong đó mọi con vật đều được bình đẳng. Sau khi Old Major chết, hai con heo Snowball và Napoleon, đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng với sự phụ tá của Squealer, một con heo khác có tài về tuyên truyền thuyết phục quần chúng. Lợi dụng lúc ông chủ say sưa, không quan tâm gì đến các con vật đang bị đói, đám súc vật nổi loạn, đuổi ông Jones đi. Cách mạng thành công, ba con heo thiết lập một hệ thống chính quyền mới dựa trên "Animalism" (thú vật chủ nghĩa) với 7 điều cam kết (the seven Commandments), đại loại như: "bất kỳ con vật nào đi bằng hai chân đều là kẻ thù", "không con vật nào giết con vật nào", vân vân. Ðiều cuối cùng là "Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng" (all animals are created equal). Cuộc cách mạng phát triển nhanh chóng tới các trại súc vật khác. Nông trại được đặt tên mới, mọi con vật hăng hái, phấn khởi làm việc trong niềm hy vọng ở một cuộc sống mới tự do, no ấm và bình đẳng. Nhưng một thời gian ngắn sau, mọi việc dần dà biến đổi. Hai con heo cầm quyền tranh chấp, kết quả là Snowball phải ra đi. Quyền hành thu tóm trong tay Napoleon. Với quyền hành đó, Napoleon bắt đầu dùng chính sách đàn áp và bỏ đói để cai trị. Hắn ta bắt đầu sống trong xa hoa, sa đọa. Bảy điều cam kết từ lúc bắt đầu cách mạng lần lượt được sửa đổi cho phù hợp với ý muốn của Napoleon. Quan trọng nhất là điều cuối cùng: "Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng" được đổi thành "Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng, nhưng một số con vật được bình đẳng hơn các con khác" (All animals are created equal, but some animals are more equal than others). Hình ảnh cuối cùng thật chua chát: Napoleon và đám đàn em cùng nhậu nhẹt say sưa với con người, kẻ thù cũ của chúng trong lúc tất cả đám súc vật đều đang thiếu đói.

Tác phẩm cho thấy tiến hóa của một cuộc cách mạng, khởi đầu từ một nhóm người ưu tú đi đến chỗ một cá nhân thâu tóm mọi quyền hành, độc quyền lãnh đạo, qua đó, ta có thể tìm thấy đầy đủ các khuôn mặt cũng như những biến cố chính đã xảy ra ở Liên Xô: từ Lenin, Stalin, Trosky đến cuộc nổi loạn Kronstadt, chính sách tuyên truyền chính trị, kiểm duyệt, thiếu đói, kế hoạch ngũ niên, tập thể hóa cưỡng bức, nạn đói năm 1932 ở Ukraina, đồng minh tiền chiến tranh Hitler-Stalin, hiệp định Molotov-Ribbentrop, vân vân. Trong Why I Write, Orwell cho biết kinh nghiệm trong thời nội chiến Tây Ban Nha đã có ảnh hưởng lớn lên tư tưởng chính trị của ông và tác phẩm. "Mỗi một giòng trong tác phẩm nghiêm túc mà tôi đã viết, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều nhằm chống lại chế độ độc tài toàn trị và hỗ trợ cho một chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ. (...) Trại Súc Vật là tác phẩm đầu tiên trong đó tôi cố gắng với đầy đủ ý thức về những gì tôi đã làm, kết hợp mục đích chính trị và cùng đích nghệ thuật vào trong một toàn thể".

Orwell không dấu giếm tư tưởng chính là nhằm phê phán cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, nhưng trong một lá thư viết cho Dwight MacDonald, chủ bút tạp chí Politics (New York), ông cho biết Animal Farm còn nhắm lên án "những cuộc cách mạng bạo động có tính cách âm mưu" (violent conspirational revolutions) được lãnh đạo bởi những kẻ khao khát quyền hành một cách vô ý thức". Ðiều đó, theo Orwell, chỉ "dẫn đến sự thay ngôi đổi chủ" chứ không thay đổi số phận của xã hội. Nhà viết tiểu sử Barnard Crick cho rằng Animal Farm là "lời than khóc cho một cuộc cách mạng bị thất bại, than khóc cho sự phá hủy tự do diễn đạt nghệ thuật và tất cả những hy vọng gắn liền với thời kỳ đầu của cuộc cách mạng. Tóm lại, đó là lời than khóc cay đắng về sự hư hỏng của lý tưởng do quyền lực gây nên".

1984 mô tả một thế giới bị chi phối bởi ba siêu cường quốc: Eurasia, Eastasia và Oceania. Oceania luôn luôn sống trong tình trạng chiến tranh với hai siêu cường kia, đẩy toàn thế giới ở trong một tình trạng thù hận, cô lập và sợ hãi. Winston Smith, 39 tuổi, là một nhân viên làm việc cho Bộ Sự Thật, trú sở tại London, thuộc siêu cường Oceania. Xứ sở được cai trị bởi Ðảng và nhà lãnh tụ nắm giữ quyền hành tuyệt đối có tên là Big Brother, mà khuôn mặt của ông ta hiện diện khắp nơi trên các tấm biển với giòng chữ "Big Brother Is Watching You" (Big Brother đang theo dõi bạn). Nhà độc tài kiểm soát đất nước bằng 4 bộ: Hoà Bình, Tình Yêu, Thịnh Vượng và Sự Thật. Chức năng của 4 bộ này là một nghịch lý: bộ Hoà Bình thì đảm nhiệm chiến tranh, bộ Tình Yêu thì phụ trách chuyện hành hạ, bộ Thịnh Vượng thì chuyên lo về bỏ đói và bộ Sự Thật thì đảm trách chuyện nói láo. Ðảng lo tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống cá nhân, từ ăn, mặc cho đến các sinh hoạt khác. Chiến tranh và thù hận bao trùm đất nước. Ðảng theo dõi sát từng cử chỉ và tư tưởng của mỗi một cá nhân bằng những màn ảnh viễn vọng, những máy ghi âm dấu kín và gián điệp ở khắp mọi nơi. Cảnh Sát Tư Tưởng, bộ phận bí mật của Big Brother, có nhiệm vụ phát hiện bất kỳ một âm mưu nổi loạn chống nhà nước nào.

Winston không chịu đựng được không khí ngột ngạt đó, nuôi ý đồ chống lại Big Brother. Anh bí mật mua cuốn sổ nhật ký và ghi vào đó câu "Hạ bệ Big Brother". Ðồng thời anh âm thầm tìm hiểu các bí mật của xã hội, nhất là thời kỳ trước cách mạng mà nhà nước tìm cách xóa bỏ. Anh cũng tìm cách nhớ lại những biến cố và người vào thời tuổi trẻ của anh. Quan điểm anh được vài người chia xẻ, trong đó có Julia, người yêu vụng trộm của anh, ông Charrington, người bán cho anh cuốn nhật ký và O'Brien, người làm cùng sở với anh. Họ gặp nhau và thảo luận về việc gia nhập tổ chức bí mật "Brotherhood" có mục đích lật đổ nhà độc tài. O'Brien cho Winston biết anh ta là người của nhóm bí mật và tuyển anh và Julia vào nhóm.

Nhưng hóa ra, Charrington là cảnh sát tư tưởng còn O'brien thành viên cao cấp của Ðảng. Winston và Julia bị bắt và cả hai trải qua một quá trình tẩy não. Lúc đầu Winston tỏ ra kiên cường, không chịu khuất phục. Nhưng dần dà, do hành hạ, tra tấn, anh đành chịu thua, phản bội cả người tình và tất nhiên cả lý tưởng của anh. Khi được tạm thả sau khi bị tẩy não, anh chạy đi tìm Julia. Nàng thú nhận rằng nàng cũng đã phản bội anh. Anh cảm thấy không còn ham muốn nàng nữa và thay vì ở với nàng, anh đi kiếm một chỗ trong quán cà phê. Lúc đó, màn ảnh viễn vọng loan báo tin về chiến thắng cuối cùng của Big Brother trong cuộc chiến tranh, anh khóc lên vì sung sướng: Ðảng đã hoàn toàn kiểm soát được anh. Cuối cùng "Anh đã yêu Big Brother" (He Loved Big Brother).

Câu chuyện của 1984 tương đối giản dị, ít biến cố và không đầy kịch tính như trong Animal Farm. Nhưng trong lúc Animal Farm chỉ mô tả lại những gì vốn đã diễn ra trong thực tế bằng cách dựng lại một khung cảnh khác, 1984 đẩy cuộc cách mạng và nhà nước độc tài tiến xa hơn, đưa ta đi sâu vào bản chất của sự toàn trị, bản chất con người và đặc biệt ảnh hưởng của ngôn ngữ và ý niệm chính trị lên cuộc sống cá nhân. Orwell đã sáng tạo ra nhiều từ mới, mà một số đã trở thành ngôn ngữ chính thức được ghi vào tự điển Anh như: Big Brother, Hate Week, Thought Police, doublethink...Một trong những phương cách thống trị quần chúng của Ðảng là sáng tạo ra một hệ thống ngôn ngữ mới gọi là "Newspeak" và bắt buộc tất cả mọi người đều phải sử dụng. Newspeak được cấu thành bởi các chữ viết tắt (abbreviations) và từ tập hợp các chữ cái đầu tiên của một nhóm chữ (acronyms). Mục đích của việc tạo ra thứ chữ mới là giới hạn "tầm tư tưởng" (range of thought) của con người và đồng thời còn nhằm mục đích xóa bỏ tất cả các ký ức về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nhân vật Syme, một tay ngôn ngữ học, giải thích với Winston "Tôi dám quả quyết rằng anh nghĩ công việc chính của chúng ta là tạo ra chữ mới. Không phải đâu. Chúng ta đang phá hủy chữ...Anh không hiểu thấu cái đẹp khi ta phá hủy chữ đâu" (...) "Anh không thấy rằng toàn thể mục đích của Newspeak là thu hẹp tầm tư tưởng đó sao? Cuối cùng, chúng ta sẽ khiến cho người ta không còn có thể phạm tội tư tưởng được nữa, bởi vì người ta chẳng còn chữ để diễn tả chúng".

Quy luật của Ðảng là giữ tất cả vào trong một lý tưởng chung. Ðảng viên không có quyền phạm một sai lệch nào, dù nhỏ nhặt nhất. Tất cả mọi biến cố, quá khứ, hiện tại và tương lai đều phải diễn ra theo cách mà Ðảng muốn. Do đó, phải sắp xếp lại quá khứ, hay nếu cần, xóa sạch quá khứ. Ðó là cách mà Ðảng khống chế hiện thực (reality control). Trong Newspeak, từ ngữ để chỉ ý niệm này là doublethink. Doublethink có nghĩa là năng lực giữ hai niềm tin mâu thuẫn nhau trong tinh thần của một ai đó đồng thời và thừa nhận cả hai. Với biện pháp này, Ðảng có thể bác bỏ hay chấp nhận bất cứ hiện thực nào hay lối lý luận nào mà Ðảng thấy có lợi cho mình. Nói khác đi, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong. Hôm nay Ðảng gọi cái này là con bò, nhưng ngày mai Ðảng có thể gọi nó là con ngựa hay bất cứ một con gì khác cũng không sao. Tóm lại, Ðảng phá vỡ tính nhất quán của ngôn ngữ và tư tưởng, tiến đến phá vỡ luôn sự suy tưởng. Tên của các bộ trong chính phủ là một nghịch lý: bộ Hòa Bình chuyên lo về chiến tranh hay bộ Tình Yêu đảm trách công tác hành hạ. Nghịch lý và phi lý trở thành ý thức hệ của nhà cầm quyền: 2 + 2 = 5/ War = Peace/ Freedom = Slavery, vân vân và vân vân. Ðó là phương pháp mà người phụ trách tẩy não của Ðảng, O'Brien, thực hiện để thay đổi bản chất con người của Winston. Bằng thuyết phục và bằng hành hạ, Winston đi từ chỗ chỉ chấp nhận khái niệm 2 + 2 = 4 đến chỗ phải chấp nhận 2 + 2 = 5 một cách tự nguyện.

Từ doublethink đi đến doublespeak. Hãy nghe Winston diễn tả doublespeak: "Biết hoặc là không biết, ý thức rõ sự thật một cách hoàn toàn trong lúc vẫn nói những điều bịa đặt một cách cẩn thận, giữ đồng thời hai ý kiến trái ngược hẳn nhau, biết chúng là mâu thuẫn và vẫn tin tưởng ở cả hai, dùng luận lý để chống luận lý" (To know and not to know, to be conscious of complete truthfulness while telling carefully constructed lies, to hold simultaneously two opinions which cancelled out, knowing them to be contradictory and believing in both of them, to use logic against logic)

Từ khái niệm căn bản đó, Newspeak khai sinh ra một số từ mới khác như:
  • unperson: một người bị xóa hoàn toàn ra khỏi lịch sử, nghĩa là không còn hiện hữu nữa vì tất cả hồ sơ cá nhân bị tiêu hủy
  • duckspeak: nói mà không suy nghĩ; nói như con vịt kêu quạc quạc; nói như vẹt
  • blackwhite: khả năng thừa nhận bất cứ những gì mà Ðảng nói với anh. Khái niệm này được Orwell diễn tả "tự ý nói đen là trắng khi kỷ luật đảng đòi hỏi như thế. Nó cũng có nghĩa là khả năng tin rằng đen là trắng, và hơn thế nữa, biết đen là trắng, và quên đi rằng người ta đã từng có lần tin ở cái ngược lại (nghĩa là đen là đen, trắng là trắng) "
vân vân.

Cũng như Animal Farm, 1984 là một cuộc tấn công toàn diện vào hệ thống chính quyền kiểu Sô Viết. O'Brien giải thích cho Winston: "Ðảng tìm quyền hành hoàn toàn chỉ vì chính mình. Chúng ta không cần phải quan tâm đến phúc lợi của người khác, chúng ta chỉ quan tâm đến chuyện nắm quyền. Nước Ðức Quốc Xã và nước Nga Cộng Sản rất gần gũi với chúng ta trong phương pháp, nhưng họ không bao giờ can đảm thừa nhận những động cơ riêng của họ. Ðối tượng của khủng bố là khủng bố. Ðối tượng của hành hạ là hành hạ. Ðối tượng của quyền hành là quyền hành". Tuy vậy trước sau, Orwell cho rằng Animal Farm hay 1984 không là một phủ nhận chủ nghĩa xã hội. Cho đến trước khi chết, ông vẫn khẳng định lòng trung thành của mình đối với chủ nghĩa xã hội. Tác phẩm không chỉ nhằm chống lại chính quyền Cộng Sản mà tấn công vào sự đe dọa của chủ nghĩa toàn trị ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Theo ông, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít là hai hình thức nhà nước đã làm hư hỏng hình ảnh đẹp đẽ của chủ nghĩa xã hội chân chính. Bernard Crick nhận định "Trong 1984, cách mạng xảy ra nhưng trở thành hoàn toàn chua chát. Ðảng nắm được chính quyền để rồi hoàn toàn bị hư hỏng vì quyền lực". Cũng theo Crick, 1984 không phải là một tác phẩm tiên tri. Mà là "một pha trộn giữa châm biếm và cảnh báo (...) Ðó là một thành quả nghệ thuật của chủ nghĩa bi quan, và rất giống với Gulliver's Travels của Jonathan Swift, là hình ảnh của một nhân loại xuống cấp".

*

Tuy không cho rằng những gì Orwell nói là tiên tri, nhưng những lời cảnh báo của ông đã hoàn toàn lỗi thời chưa?

"Ngày nay, thông điệp của ông (Orwell) vẫn còn thích hợp cho một quốc gia đang tranh đấu để tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ công dân Hoa Kỳ chống lại chủ nghĩa khủng bố và bảo đảm quyền tự do cá nhân" ("Big Brother 2003", USA Today, 22/6/03). Theo tờ báo, nhiều nhà hoạt động cho quyền tự do dân sự, những học giả chuyên môn về hiến pháp sợ rằng nhà nước (Mỹ) đang lấy đi những tự do nền tảng của công dân. Sau đây là một vài "lo âu kiểu Orwell" (Orwellian concerns): chương trình "Total Information Awareness Program" của Ngũ Giác Ðài cho phép nhà cầm quyền dùng máy vi tính để kiểm tra các hồ sơ tài chánh, điện thoại và các thứ khác để tìm ra âm mưu khủng bố; hệ thống dò xét "Transportation Security Administration" cho phép nhà cầm quyền bí mật kiểm tra hành lý của hành khách; đạo luật "Patriot Act" cho phép FBI bí mật kiểm tra hồ sơ thư viện và tiệm sách để theo dõi người đọa sách và mua sách.

Trong một bài phóng sự nhan đề Orwell's 1984 stirs debate in 2003 (25/6/2003), thông tín viên hãng CNN cho biết một nhóm hoạt động nhân quyền ở Anh lên tiếng báo động về việc "Quyền riêng tư đang bị tiêu diệt một cách có hệ thống". Ông Simon Davies, giám đốc tổ chức "Privacy International" cho biết "Sự theo dõi đang trở thành một dịch bệnh" (Surveillance has become an epidemic). Ðược lãnh đạo bởi Hoa Kỳ và Anh Quốc, các nước vừa được khích lệ vừa bị dọa dẫm để chấp nhận thiết lập một số lớn những biện pháp nghiêm ngặt nhằm tăng cường tối đa tất cả các mức độ theo dõi". Ông cho biết hiện nay ở Anh, hàng năm chính phủ tiêu hơn 450 triệu đô la vào kỹ nghệ theo dõi với việc thiết trí chừng 300 ngàn ống kính thu hình tại các chợ búa, nhà ở, công viên, bãi đậu xe và các tiện nghi công cộng khác. Theo đề nghị mới đây của Sở Nội Chính Anh (UK Home Office), những viên chức nhà nước còn có thể theo dõi khi người ta vào Internet, gửi email hay tìm biết người ta hay vào những "website" nào. Ngoài ra, cơ quan "UK Transport Secretary Alistair Darling" còn đề nghị mỗi một chiếc xe hơi phải được gắn một thiết bị gọi là "Global Positioning System" (GPS = hệ thống định vị toàn cầu) nhằm xác định vị trí của một chiếc xe trong vòng 5 hay 10 mét. Mỗi một chiếc xe sẽ chuyển thông tin vị trí của nó về một máy vi tính trung ương, xuyên qua hệ thống điện thoại di động.

Cornelius Thomas, qua bài viết How to own people (The Natal Witness Features, 25/6/03, South Africa) nhận xét rằng khẩu hiệu "Big Brother Is Watching You" trong 1984 vẫn còn đó. Ở Trung Quốc, hình ảnh Mao vẫn còn đe dọa nghiêm trọng khắp nơi. Hình ảnh của Castro ở Cuba, của Kim Jong Il ở Bắc Triều Tiên y chang như "Big Brother Is Watching You" trong 1984. Ở Saudi Arabia, các bức chân dung cao bằng tòa nhà 3 tầng của vua Fahd vẫn chằm chằm giám sát người dân. Cho đến gần đây, hình ảnh của Saddam Hussein soi mói nhìn người Iraq ban ngày và lính của ông ta giết họ vào ban đêm. Rồi còn có một "Big Brother" lớn hơn nữa: George Bush. Chỉ có điều là "Brother" Bush này không cau mày nhìn từ các tấm biển quảng cáo. Thay vào đó, các đài truyền hình truyền đi những lời đe dọa của ông 24 giờ một ngày. Và "Big Brother" lớn nhất chính là các tổ hợp toàn cầu, những tổ hợp đang điều khiển cả thế giới". Theo Thomas, trong 1984, Orwell đã sáng chế ra ý niệm về Newspeak, sử dụng ngôn ngữ và câu kéo để đạt những mục tiêu chính trị. "Ngày nay, một thứ ngôn ngữ mới đã phát triển ở xứ sở này (Nam Phi) trong thập niên vừa qua và ta không biết thứ ngôn ngữ đó nhằm làm cho mọi việc được sáng tỏ thêm hay làm mơ hồ thêm".

Cornelius Thomas kết luận: "Giống như những nhân vật khác, vị lãnh tụ văn chương Orwell chết sớm, lúc mới có 46 tuổi đời. Nhưng những lời tiên báo của ông vẫn còn tác dụng ngày nay. Cái nhìn thấu suốt của ông vào bản chất của quyền hành, do đó, nên được nhắc nhở lại để kích thích chúng ta cạo sạch cái vỏ bên ngoài của ngôn ngữ nhằm tìm ra thực chất và hiệu quả của chúng".

7/2003
Nguồn: Tạp chí Văn Học, California, số tháng Tám 2003