trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
7.11.2003
Đỗ Kh.
Con ve của ông Vĩnh
 
Tôi có thể đồng ý với Lê Đình Khoa talawas 1.11.03 là bản dịch tiếng Việt của Thường Quán trên Hợp Lưu số 73 ("Mãnh cọp cuối cùng của tôi", Jorge Luis Borges) không chuyển tải đúng tinh thần và văn phong của bản dịch tiếng Anh hay tiếng Hán, tinh thần mật tông của bản dịch Tây Tạng hay là nguyên tác của nhà văn này bằng một thứ tiếng gì đó mà tôi không được biết! Bỏ qua một bên những vấn đề của dịch thuật mà bản thân tôi không dám lạm bàn, tuy hẳn nhiên là không phải nó không đáng bàn đến, tôi chỉ xin phép đề cập đến vấn đề tiếng Việt.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài việc là một người có công đầu với văn học nước nhà trong lãnh vực dịch thuật, có từng viết: "An Nam ta có thói lạ là gì cũng cười... Phải cũng cười mà quấy cũng cười... Cười một tiếng, mọi việc mất nghiêm trang." Đây là bài tôi đã phải học từ lớp 3 hay lớp 5 gì đó, đến nay vẫn còn nhớ, ít ra là nhớ đúng tinh thần (nếu có sai vài chữ, xin chịu xoè tay ra để Lê Đình Khoa đánh bằng thước kẻ). Nếu có một nơi chín suối ở thế giới bên kia (và nơi đó có internet) thì đọc bài của Lê Đình Khoa, ông Nguyễn Văn Vĩnh phải mãn nguyện mà... mỉm cười. Là một người sử dụng (tiêu dùng) tiếng Việt như Lê Đình Khoa, không hơn mà cũng chẳng kém (tôi đề nghị Thường Quán, là người sử dụng tiếng Việt có khuyết tật, khập khiễng và ngọng nghịu, như Lê Đình Khoa đã hai lần nhận xét, hãy ngồi im mà nghe những người bình thường như chúng tôi đây nói chuyện), là người sử dụng tiếng Việt bình thường (khoan, khoan, đừng đánh vội, và nếu muốn đánh tôi yêu cầu Lê Đình Khoa cởi cà vạt ra đã, tôi không đánh nhau với người đeo cà vạt) tôi xin (mở dấu ngoặc lần cuối, lòng thòng) có ý kiến đa nguyên và nhẹ dạ là tiếng Việt là của chung, chẳng có mẫu mực nào và không của riêng ai cả. Việc Lê Đình Khoa bức xúc, hình như chẳng phải là văn phong của Thường Quán phản bội trắng trợn đâm sau lưng một ông già mù Á Căn Đình nào đó mà y dám chà đạp cái tiếng Việt của một ông Lê Đình Khoa.

Tôi không có cái kiên nhẫn của Lê Đình Khoa để dẫn từng câu của ông nhưng loáng thoáng thôi, đã "nếu" còn thêm "giả như" thì-cũng-được-vậy-mà-cha-nội (đã "thì" lại còn "vậy mà", tôi xin lỗi, nhưng ở đây chữ "cha nội", tôi lại xin lỗi, dùng rất đúng, như trong "thôi đi cha nội"). "Mãnh cọp" thì việc gì mà Lê Đình Khoa phải gầm gừ, tới "không lâu sau" mà ông cũng phải "không lâu sau đó" nhe răng. Vả lại, cũng chẳng phải dài dòng, đã có văn Thường Quán

"Trải suốt đời tôi ôi bao nhiêu cọp"

thì lại có văn Lê Đình Khoa

"Trong đời tôi, tôi đã luôn luôn có những con cọp"

mặc ai nấy mà cảm nhận riêng. Ôi, đã có văn phong Bùi Giáng sao lại còn văn phong trời giáng ở đâu ra? (Chữ "Ôi" trên này là của tôi, không phải từ bản dịch Borges của Thường Quán). Điều mà tôi không thể chấp nhận khi Lê Đình Khoa nhảy xéo lên như bị giày mả tổ là mả tổ đó cũng của tôi và của mọi người sử dụng tiếng Việt đấy ông ạ. Gia tài chung, kẻ dè sẻn người hoang phí, mạnh ai nấy dùng.

Một học sinh cấp 3 phổ thông khi luận về câu "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng" đã giải thích như sau: "Tên khách họ Hoàng này là người đại ác, hắn đã hôn Kiều cho đã, lại còn bắt Kiều phải hôn lại hắn". Ở vị trí một học sinh làm bài nên ít ra em này còn có vận não chứ Lê Đình Khoa, ở vị trí Trưởng phòng hình sự tiếng mẹ đẻ và Chủ tịch ủy ban bảo tồn tiếng Việt ngắn gọn súc tích và trong sáng, đọc phải câu trên hẳn đã quát là láo! "Mai" thì phải là "sẽ mai", "mai sẽ" chứ làm gì có "mai đã", "đã mai" trong tiếng Việt! Chỉ có "hoàng hôn" thôi chứ "hôn hoàng" chẳng có nghĩa gì hết! May mà Du Nguyễn chỉ có vậy chứ lỡ viết là "vàng hôn" hay "hôn vàng" (như trong "Tôi đi giữa... vàng hôn" hay "Chiều rơi. Vàng tóc vàng da / Vàng cây vàng lá vàng ta vàng người") thì họ Lê cho đi theo luôn ông Quát B. Cao mà 3 hồi trống dục.

Trở lại Nguyễn văn Vĩnh, nếu con ve sầu của ông ta kêu ve ve thì con ve sầu của tôi kêu tò te tí te.

© 2003 talawas