trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
19.2.2008
 
Nam Dao và tiểu thuyết lịch sử hiện đại Bể dâu
Cổ Ngư thực hiện
 
Nhà văn Nam Dao
Nhà văn Nam Dao
talawas: Tiếp sau Gió lửaĐất trời, Bể dâu là bộ tiểu thuyết lịch sử thứ ba của anh. Để có thể hoàn tất bộ tiểu thuyết với gần ngàn trang sách này, anh đã mất bao lâu để tìm tài liệu, tìm ý và… viết?

Nam Dao: Nói chuyện thời gian thì thật... vô cùng. Thời gian viết thì tôi biết, già ba năm. Còn phần thời gian bạn gọi là lấy tài liệu thì khó nói. Từ xưa tôi theo dõi những diễn biến lịch sử cận đại khá sát sao. Nhưng tôi chỉ hệ thống hoá các thông tin lịch sử vào khoảng cách dây 10 năm, sau khi có điều kiện đánh giá tính chính xác của một số sự kiện tôi cho là quan trọng. Nhưng vì là viết tiểu thuyết lịch sử nên có dùng là cái phần tổng hợp, còn lại thì phải cố quên chi tiết. Bởi nếu không thì nhà văn mất tiểu thuyết mà chỉ còn cái phần lịch sử, mà sử là nghề của sử gia, không phải nghề của "chàng"... Bể dâu lấy bối cảnh lịch sử cận đại nên sách vở tài liệu khá ngộp, và tài liệu thì phần lớn đều có định hướng "hắc - bạch", rồi lại phải chọn trong những biến cố những cái chính, cái phụ theo cách thế chủ quan của người viết trong ý hướng đẻ ra tiểu thuyết. Trọng tâm của tiểu thuyết, theo cách tôi nghĩ, là con người trong những biến cố lịch sử. Vì vậy, chỉ đọc tài liệu lịch sử không đủ. Tôi bỏ khá nhiều thời gian đọc văn đủ mọi khuynh hướng, của cả hai miền Nam Bắc, chắt lọc lấy những thân phận, chưng cất thành những nhân vật sống của tiểu thuyết... Bây giờ công việc đã xong, Bể dâu nằm trên kệ sách, bạn hỏi tôi mới thấy mình liều, đúng là điếc không sợ súng! Nếu chưa viết, và có ai đó bảo mình viết Bể dâu đi, có lẽ tôi sẽ nhất bộ nhất bái, đi giật lùi cho đến khi chạm cửa địa ngục...

talawas: Giữa thơ, truyện ngắn, kịch, ký và nhiều thể loại khác đã thử qua, vì sao anh quyết định chọn tiểu thuyết lịch sử để dồn tâm, dồn sức? Có phải đó là nơi anh có thể bày tỏ được những điều muốn nói, là mảnh đất đủ dài đủ rộng để những ý tưởng của anh có chỗ vẫy vùng?

Nam Dao: Nếu có một thể loại mà tôi có ý định dồn tâm sức vào thì đó là kịch nói. Nhưng kịch phải có sân khấu, có diễn viên, khán giả... mà ở hải ngoại thì bạn biết đấy, những người yêu bộ môn này đều "tài tử", làm sao mà phát triển được. Trừ cải lương, lưa thưa chắc được một, hai ban hát bên Cali, tôi chưa thấy có một gánh kịch nói nào ở hải ngoại. Vì thế, thích thì thích, nhưng cũng đành! Kịch là một thể loại tuyệt chiêu đấy, tôi mê từ nhỏ, và vẫn còn đắm đuối.

Truyện ngắn, hoặc ký, đối với tôi là những thể loại thích hợp khi tôi muốn đề cập đến những vấn đề có thể khoanh được vào một, hay nhiều là hai, yếu tính (văn chương). Thật mà nói, những tác phẩm thành công ở thể loại này cũng có cái khả năng vẫy vùng của tiểu thuyết trường thiên: có dịp, mời bạn đọc những tập truyện ngắn của Chekhov hay Hemingway hay Lỗ Tấn. Cho đến bây giờ, dẫu đã cắt 200 trang để Bể dâu mang cái bề "quá" dầy bạn thấy, tôi vẫn cứ ao ước còn cắt thêm được chừng 150 trang trong lần tái bản tới (nói đùa đấy, ở hải ngoại lấy đâu ra các cụ các bác người đọc mà tái bản).

Còn thơ, a cái Nàng Thơ khó tính (dạo này hình như lại trắc nết tí ti "hậu hiện đại"). Nàng vẫn hẹn, nhưng kiểu hẹn mà không đến, bắt tôi chờ, và chờ mà chẳng biết chờ gì, chờ ai... Tôi ao ước nàng sẽ ghé chân, dẫu một lần, dắt tay tôi dưới một bầu trời mới, thôi trầm mặc Đường thi, du dương lục bát, thôi thơ mới thơ cũ, thơ không vần, thơ xuống hàng ngắt câu lò cò, thơ ú ớ diễn ngôn kiểu gọi là lạ với những cũ xì sợ còn kém xa thể phú cả nghìn năm về trước... Nhưng tôi cứ thế, cắn bút trau dồi hồn thơ, rồi đợi. Và rất bực mình khi nhớ nhà thơ nào đó rên "em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé" nghe chao ôi mùi mẫn, nhưng tôi trệu trạo sắp được 6 câu, nước mắt vừa kịp chảy để môi má hoen lệ, và miệng mếu, xuống một ốc-ta thì thầm "ô hay ta đã làm chi đời ta!"... thì... hết chuyện!

Vậy quay về câu hỏi, có phải cần cả ngàn trang để vẫy vùng không thì tôi xin nói không. Còn ý tưởng, có cần cả ngàn trang không? Cũng không. Tôi nhớ câu đáp của nhà khoa học Einstein khi có một ai đó hỏi ông có quyển sổ tay mang bên mình để ghi lại những ý tưởng không thì ông bật cười, bảo "cả đời tôi liệu có thì một, hai ý tưởng, làm gì mà cần đến những một cuốn sổ tay!" Thế thì tại sao tiểu thuyết Bể dâu dài thế! Trước hết tiểu thuyết đâu chỉ là tập hợp những ý tưởng. Nếu nó dài, liệu có đủ dài hay không để đo cho đủ nỗi thống khổ của thân phận con người bị nghiền nát hầm nhừ ra trong lịch sử của mình, mình vừa là tác nhân và thật oái oăm, mình lại vừa là nạn nhân? Đó mới là câu hỏi phải trả lời. Tôi không biết, nhưng hy vọng là một trăm năm sau không ai phải viết lại Bể dâu. Và nếu không may mà phải lại kể chuyện dâu biển thì xin nó ngắn lại, một hai trăm trang thôi, đừng dài quá!

talawas: Sau khi hoàn thành hai bộ tiểu thuyết lịch sử Đất trời (lịch sử trung đại, thời Lê Lợi -Nguyễn Trãi) và Gió lửa (lịch sử cận đại, thời Nguyễn Huệ - Gia Long), anh cảm thấy thuận lợi hơn hay khó khăn hơn khi bắt tay vào viết bộ Bể dâu? "Việc thật" còn nóng hổi, "người thật" có khi còn sống sót qua cuộc bể dâu, điều đó có ngăn bước những ý tưởng của anh tung hoành trong chiều hướng muốn "tái chiếm hữu và tái tạo" lịch sử hay không?

Bìa bộ Bể dâu
Bìa bộ Bể dâu
Nam Dao: Khó hơn, vì sự tái chiếm hữu lịch sử đòi hỏi người viết đáp ứng với câu hỏi đầu là anh làm thế cho ai, và câu thứ hai là với tâm thế và ý thức nào. Trong Bể dâu, tầm nhìn là từ vị trí nạn nhân của sự xoay vần oái oăm và tàn bạo của lịch sử mà không cá nhân nào kiểm soát được. Điều này khác với Đất trờiGió lửa, trong đó những tác nhân của lịch sử đóng những vai trò chính, và động cơ của lịch sử rõ nét hơn qua những vấn đề văn hoá và xã hội, cũng như vị trí địa-chính (trị) đặc thù của nước Việt Nam ta. Với Bể dâu, con người cam chịu trước lịch sử như một định mệnh oan nghiệt chung, và có vùng vẫy thì cũng chẳng thể cứu được chính mình trong cái bối cảnh một cuộc chiến tranh tàn khốc chẳng phải chỉ mình quyết định. Tôi viết, với tâm thế không đặt trọng được - thua, thắng - bại... nhưng quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi làm sao khôi phục được "con người" sau dâu biển, và cố gắng biểu đạt ý thức chuyện khôi phục này là vấn đề sinh tử khi chúng ta đối mặt với tương lai. Còn "việc thật, người thật" như anh đề cập thì sao? Việc thì chắc chắn phải nhìn một cách trung thực và với công tâm. Nhưng người, dẫu thật, trong tiểu thuyết đều thành những nhân vật hư cấu. Những nhân vật này không chỉ là một, mà là tổng hợp của nhiều người, sống và hành xử "cứ như thật" để tiểu thuyết có khả năng thuyết phục người bỏ công ra đọc nó. Việc thật người thật chưa hề là bước cản sau khi tôi quyết định viết Bể dâu.

talawas: Thời gian của Bể dâu kéo dài khoảng 60 năm, từ những năm 30 đến những năm 90 của thế kỷ XX. Không gian của Bể dâu trải rộng khắp ba miền đất nước, vượt biển Đông qua đến tận đảo Galang của Nam Dương. Con người của Bể dâu có gần 200 nhân vật thuộc bốn thế hệ nối tiếp, có nhân vật lịch sử (Nguyễn Thái Học, Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Khái Hưng…), có nhân vật "bình thường" nhưng có thật (Dao Ánh, Dự-người tù vì tội dẫn gái cho chuyên gia ngoại quốc, vào tù nhưng vẫn tiếp tục tổ chức đường dây buôn thuốc phiện, hoặc người đàn bà điên trần truồng giữa đường phố Sài Gòn sau 1975…), có nhân vật giả tưởng, có cả… ma! Ngoài trí nhớ, anh có sử dụng phương pháp nào khác để không tự mình rơi vào cái mạng lưới rối rắm của những tình tiết và quan hệ do chính mình dựng nên?

Nam Dao: Cách tôi viết như thế này: tôi viết chương đầu, rồi sau đó viết chương kết (để biết đi về đâu, đến đâu trong tiểu thuyết) cho cả Bể dâu, rồi sau, cho từng quyển Chớp bể, Ba đàoBờ dâu. Vì thế, những nhân vật chủ chốt đều đã định hình, và tồn tại trong những tình thế được dự trù. Những chương ở giữa là để nhân vật "sống", với những nhân vật phụ góp phần tạo ra đời sống, cả mặt tâm linh lẫn xã hội. Cái khổ là tôi không thể viết liền một mạch, phải ngưng những thời gian dài đến vài tháng, và khi cầm bút viết tiếp thì bắt buộc phải đọc lại để tránh những bất cập, mâu thuẫn... Đọc lại cho phép tôi không rơi vào sự rối rắm của những tình tiết, quan hệ, tâm lý của những nhân vật, đơn giản là vậy.

talawas: Trong Bể dâu, các sự kiện có hoàn toàn diễn ra theo sự tịnh tiến của thời gian không? Có đoạn nào của tiểu thuyết được anh dùng thủ pháp đảo lộn thời gian để "bẻ ngoặt" dòng chảy của lịch sử không? Một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào thập niên 90 (bài "Sóng về đâu?" chẳng hạn) lại được các nhân vật trong truyện hát lên trước đó hơn 10 năm, có phải là sự cố ý?

Nam Dao: Thời gian vật lý của con người đo bằng chuyển động của cái kim đồng hồ, nhưng thời gian sinh-tâm lý thì khác, sau vẫn có thể ở phía trước, ngược lại cũng được, thậm chí có khả năng đồng hiện! Chính cái thời gian đó mới là yếu tố quyết định thế cách và hành xử của con người, và vì vậy nó cũng là thời gian của tiểu thuyết vì nói cho cùng, trọng tâm của tiểu thuyết là con người nhìn ở mức độ toàn diện như một tổng thể. Còn về dòng chảy của lịch sử, như những biến cố thì chúng tịnh tiến, nhưng soi rọi vào nguyên nhân và động cơ thì khác. Là sản phẩm của con người trong một bối cảnh văn hoá nhất định, lịch sử rồi cũng đèo bòng thời gian sinh-tâm lý của con người. Dòng chảy "bẻ ngoặt" của lịch sử tất phải tương ứng với những khúc gập ghềnh của kiếp người, chẳng cần "thủ pháp" nào để đề cập tới. Còn ca khúc "Sóng về đâu" của Trịnh Công Sơn, tôi được nghe đâu quãng năm 87, và nhân vật trong Bể dâu chắc cũng được nghe anh Sơn hát cùng một lúc với tôi, cũng thích, và thích mà buồn là hát, chẳng hề nghĩ đến cách "đảo lộn" thời gian làm gì. Trong truyện, khi thấy triều lên như biển sắp xoá ruộng dâu, nhân vật Dân què một chân lấy chân còn lại đạp vào sóng và hỏi ta xô mi lại, sóng về đâu... chứ nào có hát hò gì đâu. Nói thế cho vui, nhưng khi tôi viết thì mọi sự "bật" ra, không hề tính toán chi li gì cả!

talawas: Bể dâu gồm quyển thượng (hai phần đầu: Chớp bể, Ba đào) và quyển hạ (phần cuối: Bờ dâu), xin được tạm gọi như vậy. Ở quyển thượng, nhân vật trung tâm Nguyễn Trường Võ / Phan Thượng Chính sống qua những tang thương và hào hùng của thời chống Pháp, từ trước khi các liệt sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng bước lên đoạn đầu đài, qua nạn đói năm Ất Dậu, Cách mạng tháng Tám cho đến khi miền Bắc ổn định thể chế Dân chủ Cộng hoà, sau cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, đợt trừng trị nhóm trí thức Nhân văn-Giai phẩm và việc đàn áp những người thuộc phái ôn hoà trong Đảng Cộng sản. Ở quyển hạ, khởi đi từ ba năm cuối của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn - cụ thể hoá qua hình tượng hai anh em sinh đôi Phan Thượng Nhân, bác sĩ quân y miền Nam và Phan Thượng Dân, bộ đội chính quy miền Bắc – dòng truyện đẩy người đọc dạt qua vài tuần lễ hoảng loạn của một miền Nam hấp hối, trôi dọc theo những năm tháng đói nghèo trong thù hận, lừa lọc, phản bội, thất vọng của cả nước sau chiến tranh để rồi cuốn phăng một số thân phận nhỏ nhoi ra biển cả. Những người đọc ở lớp tuổi 50-60, đồng lứa với Nhân và Dân có nhận xét: quyển thượng "thật" hơn. Nhóm độc giả trẻ lại thấy quyển hạ sống động hơn, gần gũi hơn. Anh có ý kiến gì về những phản hồi ấy của độc giả?

Nam Dao: Tôi cũng nhận được những phản hồi của bạn đọc, ở nhiều lứa tuổi, cả Nam lẫn Bắc, người nhận là "quốc gia", kẻ coi mình là "cách mạng". Về quyển bạn gọi là quyển thượng, đúng là lứa tuổi trên 50 phản ứng khen chê nhiều hơn giới trẻ. Tại sao? Họ hoặc đã trưởng thành, hoặc lớn lên trong cuộc chiến kết thúc năm 1975. Phần lớn, khi chủ động nhưng thường thì bị động, họ buộc phải trực tiếp tham gia vào một giai đoạn lịch sử đầy xáo trộn với những dằn vặt hoang mang trước chân giả đúng sai, những giây phút hào hùng tưởng đổi được đời rồi những ê chề tuyệt vọng trước cái chết lên ngôi, trước chia cắt, tang thương mà đành bó tay phủ phục hứng chịu định mệnh. Với họ, tìm nguồn căn cho cái lịch sử khốn khổ đó là một nhu cầu mà quyển thượng phần nào đáp ứng [1] . Ở miền Bắc, một bạn thơ gửi e-meo, bảo không ngờ còn khóc được khi đọc chương nói về thời Cải cách ruộng đất. Một nhà văn hoá tên tuổi, qua trao đổi với một đệ tam nhân, nói ông thay đổi một số cách nhìn sau khi tiếp cận Bể dâu. Phê phán, có bạn than, chiến thắng Điện Biên oanh liệt thế, sao chỉ tôi đề cập thoáng qua, như thế là không "công bằng" với lịch sử. Nhân đây, xin đáp, đã có hàng trăm cuốn sách nói về Điện Biên. Và tôi không phải là sử gia. Viết tiểu thuyết, tôi không thấy cần phải nêu lên những gương anh dũng này nọ để công bằng. Sự công bằng, nếu phải có, là công bằng với những thân phận con người truân chuyên qua sự cố lịch sử mà dấu tang thương là điều nhà văn tự nguyện lấy trách nhiệm lưu giữ như chứng nhân.

Quyển hạ, bối cảnh lịch sử dàn trải từ 1972 đến 1990 [2] . Ở hai chiến tuyến, Nhân và Dân may mắn không phải giết nhau, mà cứu được nhau, trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Nhưng ở phía thắng hay bại, họ cũng chỉ là những nạn nhân bị thế cuộc nghiền ra trong vòng xoay của đủ thứ quyền lực, đôi khi thật vô lý, thường thì vô cảm, bất nhân. Bạn đọc nhận xét: cả hai phía đều có người tốt kẻ xấu; những nhân vật nạn nhân bị chà đạp tìm cách đứng dậy, nhưng không bao giờ găm căm hận vào lòng, và tội nghiệp nhất là thân phận nữ qua những Thắm, Huyền, Dao Ánh… Có người cho rằng tác giả không đề cao đầy đủ những con người tiếp tục giữ được nhân tính ngay cả khi phải lao vào cuộc chém giết tương tàn. Xin đáp: tôi nghĩ là có đấy chứ. Tình yêu luôn luôn hiện diện. Rồi tình đồng đội. Lòng thương xót đồng loại trước chết chóc, huỷ diệt… Quan trọng hơn, có những người lính chiến đấu khi cần, và khi không cần, phải chăng rất nhiều người trong số họ đã hạ súng để tránh thiệt hại cho dân cũng như quân. Sau này, tôi ước ao ngày 30-04-1975 này sẽ được tưởng nhớ đến như ngày thiết lập lại hoà bình sau một trận chém giết vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nội chiến.

Tiếc là thời ngay sau hậu chiến chẳng mấy tốt đẹp: chuyện học tập cải tạo, đổi tiền, đánh tư sản… đưa đến thảm cảnh vượt biên khiến vết nứt rạn trong tâm thế người Việt Nam càng sâu mà cho đến nay những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải vẫn cứ như gió thoảng qua tai. Cứ thế này, nghi kị giữa người trong nước và hải ngoại không khéo sẽ trở thành một thứ thuộc tính khó thay đổi, và cái tiềm lực của "khúc ruột ngàn dặm" chỉ còn, như cho đến nay, thể hiện qua những đồng đôla tươi cóp nhặt gửi về giúp người thân (thế mà cũng đến gần 6 tỉ) chứ không có tính rộng khắp và hệ thống để xây dựng và phát triển đất nước một cách xứng đáng.

Thời hậu chiến, chính quyền đối mặt với sự tan rã của khối XHCN cuối năm 1990, tức đã 17 năm nay. Những chuyện lèo lái ở Việt Nam sau biến cố cực kỳ quan trọng này không nằm trong Bể dâu. Thời đó, nhiều người mang hy vọng xã hội Việt Nam sẽ thực hiện tiêu chí in trên công văn, giấy tờ từ rất nhiều năm, là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Quốc gia thế là có độc lập chính trị rồi (dĩ nhiên ở cái thế tương quan với các nước khác trên thế giới). Còn tự do? Phải hiểu tự do là môi trường xã hội cho phép mọi cá nhân phát triển, và đó là điều kiện cần để mỗi người thực hiện hạnh phúc riêng tư trong một qui ước xã hội đồng thuận. Tự do đầu tiên là tự do tư duy, một yếu tính của con người (như cây sậy "biết nghĩ" theo cách nói của Blaise Pascal). Nó cũng như đôi cánh để chim bay, vì thế Dân đi mở tất cả những lồng chim trong sân một nhà thương tâm thần (tức cái xã hội không mấy bình thường muốn đưa tư duy vào những cái gông để kẹp lại), giải phóng để chim xổ lồng, bay lên, bay đi.

Nói đến phản hồi của bạn đọc, tôi lạm lời xin kể ra hai. Một sinh viên trẻ đang du học tại Pháp gửi e-meo, viết: "Lẽ ra thế hệ cha anh phải cho chúng em biết, nhưng chắc họ sợ, lơ đi hoặc ‘banaliser’ những thảm cảnh sau ngày 30-04, tiếp tục cứ ‘ngụy’ với ‘ta’, đâu có biết thế ra ‘ta’ mới ngụy ở cái thế ‘ta’ có thể hành xử nhân ái hơn mà không làm…". Một bạn khác, bên Mỹ, thì: "… em cầu nguyện cho không bao giờ nước ta lâm vào nội chiến tương tàn, mãi mãi hoà bình, và gột bỏ được mọi hận thù quá khứ…" Nếu viết Bể dâu để có được những thông cảm như vừa kể, tôi nghĩ là cũng đáng công, nhất là với thế hệ trẻ.

talawas: Để xây dựng các nhân vật trung tâm: Phan Thượng Chính, Huyền, Nhân, Dân, anh có dựa vào những mẫu người nào của đời sống thực không? Có lúc nào anh tự "đồng hoá" với một trong những nhân vật của mình không?

Nam Dao: Chuyện xây dựng nhân vật, tôi đã nói sơ trong phần trả lời trên: nhân vật hư cấu là tổng hợp những mảnh thật của những con người có thật mà tác giả có cái duyên may gặp gỡ. Về vế thứ hai, tôi thiết nghĩ người viết nào chẳng "nhập vai" những nhân vật của mình, cả chính cũng như phụ? Tôi không là một ngoại lệ. Nhưng hoá thân sống bằng tâm thế những nhân vật bạn vừa kể tên "gay" lắm, nhiều khi muốn phát điên lên được. Viết như vậy chẳng khác gì "trút nghiệp", như Phó Đức Chính lấy roi tự quất vào mình trong chương 2… Đau vô cùng, nhưng khi đã thành được "lời" thì tâm nhẹ nhõm. Đó là phần thưởng tôi nhận được ngay trước cả lúc sách in ra, rồi sau là khen chê, bình phẩm, phê phán… Cho đến nay, phản hồi trên Bể dâu thường vẫn nhấn mạnh mặt nhận thức chính trị, trong khi tôi lại viết văn! Cơ khổ… Ấy, tiểu thuyết lịch sử với một giai đoạn còn hằn dấu vết ân oán tang thương tất phải vậy mà thôi. Biết trước thế, mà tôi vẫn cứ phải làm…

talawas: Các nhân vật "nhà thơ", "bà lão áo vàng", "đứa cháu áo trắng và con chim chào mào" lúc ẩn lúc hiện trong suốt ngàn trang sách của Bể dâu. Qua họ, anh muốn gửi những thông điệp gì đến người đọc? Hình tượng "nhà thơ" khiến độc giả liên tưởng đến Bùi Giáng. Nhưng đó có phải là "tiền thân" của Dân, nhân vật đã biến mất ở cuối truyện, sau khi sống một thời gian dài trong nhà thương điên? Có phải ý anh muốn Dân sẽ tiếp tục sứ mạng của nhà thơ trong những bể dâu sắp tới của đất nước, đi khắp nơi để cảnh giác và đánh thức lương tri người Việt Nam?

Nam Dao: Bà lão áo vàng, đứa bé áo trắng và con chim chào mào thể hiện thế giới tâm linh song song tồn hữu với cái thực tại nhìn thấy, nghe thấy, sờ được… của thế giới vật chất hiện tượng. Thế giới tâm linh kia phi thời gian, gộp một lúc cả quá khứ, hiện tại và tương lai… Bạn để ý, cứ một khi thế giới vật chất gãy đổ thì thế giới tâm linh kia xuất hiện, khi như một cảnh báo, khi như một lời than! Còn những nhà thơ. Qua kinh nghiệm tiếp xúc riêng, tôi thấy họ là những người hồn nhiên và trong sáng, có khả năng linh cảm tương lai rất nhậy bén. Trong những tiểu thuyết tôi đã viết, họ lúc nào cũng có mặt, giữa hư và thực, giữa minh triết và rồ dại, mỗi khi lương tri cần được đánh thức từ những cơn mộng mị cướp đi nhân tính giữa những con người với nhau. Nhà thơ vô danh đi vòng bờ hồ, là nhà thơ. Bùi Giáng huýt còi chỉ đường xe chạy, là nhà thơ. Và Dân, cũng là nhà thơ, với cái sứ mệnh đánh thức lương tri như tôi vừa nói. Phần Dân, như cánh những con chim bay ra từ những chiếc lồng chính anh bẻ gãy cửa, anh bay, có lẽ đã xa, đến được đâu và đến khi nào… thì tôi không biết. Bay là chức năng của chim xổ lồng, như tư duy tự do, là chức năng của chúng ta, những con người còn biết thèm một cánh chim bay.

talawas: Trong hàng trăm nhân vật của Bể dâu, người ta thấy có Việt Quốc, Việt Cách, Việt Minh, bộ đội miền Bắc, lính tráng miền Nam, du kích, công an, nằm vùng, "ba mươi tháng Tư", sĩ quan Nhật, tướng lãnh Pháp, quân Tưởng, nhưng lại thiếu vắng hình bóng người Mỹ. Vì sao, thưa anh?

Nam Dao: Đây là một điều khiến tôi xé đi hơn trăm trang của tập bản thảo Bể dâu, trong đó có những nhân vật người Mỹ. Một cậu non choẹt học Đại học Kansas bị bắt lính, ngỡ ngàng khi hiểu ra mình chẳng sang Việt Nam để "bảo vệ" thế giới tự do mà là giết người, viết thư cho cậu em khiến cậu này phản chiến, biểu tình rồi bị bắn chết. Trung úy Caley, kẻ châm lửa đốt nhà ở Mỹ Lai, mang hoang tưởng trở thành Satan để, ở mặt phản diện, đứng ngang hàng Thượng đế định đoạt sống chết… Viết xong, tôi mới tự hỏi viết thế để làm gì, và nhất là viết cho ai? Để kết tội đế quốc xâm lăng, vạch mặt cuộc chiến tranh "lạnh" giữa những siêu cường hai phe, và… biết bao nhiêu điều người ta đã viết, kẻ đi biện minh, người thì bác bỏ tính chính nghĩa - chính danh, sự phi nhân, cuồng bạo… của cuộc chiến Việt Nam? Chuyện này, hàng trăm người đã làm! Tôi tự thấy mình quá ôm đồm với những nhân vật người Mỹ. Thậm chí, tôi có thể làm lạc mất cái hướng tôi muốn đi: cảnh báo sự nhẹ dạ, tính bốc đồng, và cách hành xử thuần bản năng "anh hùng" rất dễ bị kích động, để làm sao người Việt Nam chúng ta bình tĩnh tìm lại được nhau, và cùng nhau tạo dựng một nền cộng hoà, nghĩa là một xã hội hài hoà đồng thuận trên nền tảng đạo lý giữa người với người, nhất là những con người sau một cơn dâu bể kinh hoàng. Đấy, lý do hình bóng người Mỹ chỉ lưa thưa trong Bể dâu là thế!

talawas: Sau Bể dâu, anh có chuẩn bị giới thiệu đến độc giả tác phẩm mới nào nữa không? Sẽ có thêm tiểu thuyết lịch sử của Nam Dao trong thời gian sắp tới, hay anh sẽ chuyển hướng viết sang một thể loại khác?

Nam Dao: Tôi vừa viết xong Trăng nguyên sơ, một tiểu thuyết kết hợp thể kịch, phóng sự và cả chưởng Kim Dung, tức là lẩu "hậu hậu hiện đại" với những bước ngoe nguẩy rồi nhảy vọt của thời gian, kèm vào những không gian phi tuyến tính cực kỳ "bác học"… Tôi sẽ không bao giờ viết tiểu thuyết lịch sử nữa.

talawas: Xin cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn của talawas và mong sẽ được đọc thêm nhiều tác phẩm có giá trị của anh trong thời gian sắp tới.

© 2008 talawas



[1]Sau mỗi phần của Bể dâu, tôi có tóm gọn những sự cố lịch sử, xin trình bầy lại một cách cô đọng ở đây hầu độc giả:
Đầu thế kỷ trước, giành độc lập từ chế độ thực dân Pháp đúng với truyền thống yêu nước cùa người Việt là một điều gần như tự nhiên. Hai con đường chính, một là dùng sách lược quân sự bạo động theo chủ trương của cụ Phan Bội Châu, và hai là sách lược cải cách chính trị ôn hoà theo chủ trương của cụ Phan Chu Trinh. Sách lược quân sự, định dựa vào ngoại bang, cụ thể Nhật Bản và Trung Quốc, thật mà nói là thất bại (với khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng, và với Xô-viết Nghệ Tĩnh của Thanh niên, tiền thân Đảng Cộng sản Đông Dương). Sách lược cải cách chính trị cũng không đi đến đâu, thực dân Pháp đóng cửa Đông kinh Nghĩa thục, thời những năm 20 không cho phép Nguyễn Thái Học mở những lớp truyền bá Quốc ngữ, thậm chí cấm cả việc tổ chức câu lạc bộ thể thao, đẩy những người yêu nước không có con đường nào khác là dùng bạo lực, với ý thức bi tráng rằng "không thành công thì thành nhân". Phải chờ đến Thế chiến 2, vận hội cho cuộc giải phóng dân tộc, giành chủ quyền quốc gia mới khai mở. Ông Hồ Chí Minh, một người cộng sản, đã khôn ngoan nắm bắt thời cơ, tuyên bố độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) ngay khi chiến tranh kết thúc, nhưng gặp lực cản đến từ thỏa thuận phân chia địa giới chính trị giữa những cường quốc ăn chia sau khi chiến thắng phát-xít Đức - Nhật. Không hề có sự hỗ trợ nào, chính phủ VNDCCH cuối cùng phải lên chiến khu kháng chiến, tiếp tục sách lược quân sự vì bất khả kháng, và cũng chẳng có được một sự trợ lực nào từ Đệ tam Quốc tế. Thắng lợi của Mao cuối năm 1949 đã tạo ra một bước ngoặt cho phép lực lượng kháng chiến đoạt thời cơ giành thế thượng phong về mặt quân sự sau chiến dịch biên giới, và cuối cùng đưa đến chiến thắng Điện Biên. Nhưng giá phải trả là gì? Là VNDCCH xoay theo vòng quay của Trung Quốc, bị áp đặt một mô hình xã hội và chính trị kiểu Mao-ít, với "Cải cách ruộng đất" (CCRĐ) và "Chỉnh quân chỉnh huấn" ngay sau năm 52. Tôi cho rằng chính CCRĐ (chứ không phải cuộc cụ Huỳnh Thúc Kháng gọi là "đảng tranh" năm 46) nhằm tiêu huỷ xã hội làng xã truyền thống đã khiến rạn nứt giữa những người quốc gia và những người cộng sản trở thành khó hàn gắn được. Hiện tượng di cư ồ ạt từ Bắc vào Nam năm 1954 là một hậu quả!
Mặc dầu VNDCCH chiến thắng về mặt quân sự, những thế lực quốc tế đã chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc. Mỗi miền, có thể chế và nhà nước riêng, đẩy rạn nứt nói trên trở thành một phức hợp tạp nhạp có ý thức hệ, có quyền lực, và quyền lợi ở mức độ cả quốc gia lẫn quốc tế. Ở miền Bắc, mô hình Mao-ít cũng "Trăm hoa đua nở" sau khi Khrushchev kế vị Stalin ở Liên Xô, đưa đến cuộc đàn áp bịt miệng trí thức và văn nghệ sĩ Nhân văn-Giai phẩm, và cuối cùng là thiết lập một hệ thống toàn trị. Thật ra, để củng cố hệ thống này, những người làm chính trị không chỉ dựa vào ý thức đấu tranh giai cấp để "chuyên chính vô sản" mà lại, quan trọng hơn, là dựa trên truyền thống yêu nước và tinh thần độc lập mà người Việt Nam đã kinh qua trong chiều dài của lịch sử kể từ thời Ngô, Tiền Lê. Để làm thế, công cuộc có tên là "Giải phóng miền Nam" được tung ra, trong một bối cảnh cực kỳ phức tạp. Một mặt, đế quốc Mỹ đâu có phải chì là một con hổ "giấy" mà có tiền và kỹ thuật và công nghệ chiến tranh. Mặt khác, hai nước đàn anh trong "phe ta" là Trung Quốc và Liên Xô cành cựa, kẻ hô chung sống hoà bình, kẻ đòi đánh nhau với đế quốc Mỹ đến người (Việt Nam?) cuối cùng.
Ở miền Nam, cũng phức tạp chẳng kém. Chống lại miền Bắc, miền Nam dựa vào Mỹ, không thể nêu lên hai chữ giải phóng dân tộc đã được triệt để "lạm dụng" bởi đối phương, đành đưa ra ý thức hệ "thế giới tự do", và ngay hai chữ "tự do" cũng được hiểu rất mù mờ như đối sách với, tức phản ứng chống lại, "gông xiềng" cộng sản mà chưa đẩy đến ý thức tự do như điều kiện cho mỗi một cá nhân có quyền, và có môi trường phát triển, trong một xã hội cộng hoà ở nghĩa ít nhất là đồng thuận tuân thủ một qui ước xã hội xác quyết trong hiến pháp. Thế là chỉ dăm năm sau, đủ thứ hiện tượng của một xã hội phong kiến từ lâu đời "tái xuất giang hồ", nào là "gia đình trị", khủng hoảng vì biệt đãi một tôn giáo, v.v… để đối phương khôn ngoan tận dụng làm khí giới đấu tranh. Đến khi lính Mỹ ào ạt xéo lên miền Nam thì cái khẩu hiệu miền Bắc hô ban đầu là "Giải phóng miền Nam" thành máu thành thịt, trở nên một thứ hiện thực khó bác bỏ. Lớp đặc tuyển chính trị miền Nam dưới tay "cơ", từ đó xoay trở rất khó khăn trên mặt trận truyền thông, cả trong cũng như ngoài nước!
Tóm gọn, cho cả hai miền Nam lẫn Bắc, phần tự quyết không nhiều so với ảnh hưởng phụ thuộc vào những thế lực ngoại bang trong tiến trình của lịch sử cận đại. Cứ mỗi lần bị động như thế, xã hội Việt Nam bị tách khỏi diễn biến có tính tiến hoá từ một xã hội truyền thống, bị đẩy văng vào những quĩ đạo như những con bông vụ, chẳng khác gì "người nhà quê ra tỉnh". Cứ "lành" như người Lào, "nhũn" (nhưng láu cá) như người Thái, bớt "nhẹ dạ" và "anh hùng" (như người Việt), lắm khi lại đỡ khổ hơn là "đa đoan". Ngày nay, Việt Nam tiếp tục đánh đu giữa Mỹ-Tây Âu và Trung Quốc. Mỹ "vũ như cẩn" sa lầy với Iraq, Tây Âu chưa đủ mạnh, nội tình còn rối rắm, trọng lượng kinh tế-chính trị chưa thể biết ra sao trên bàn cờ thế giới. Và Trung Quốc, với thuộc tính bành trướng bá quyền còn hằn dấu vết trong lịch sử những nước nhỏ cận kề, đang bán cái ảo vọng trên đường trở thành một quyền lực quốc tế, từng bước lấn chiếm biển Đông ở châu Á, thâm nhập châu Phi và châu Mỹ Latinh, chắc chắn sẽ chẳng để ai yên. Việt Nam phải có một chính sách đối ngoại thế nào đây? Nếu rập khuôn mô hình Trung Quốc của Đặng và những người kế thừa, thành mèo đen và trắng đi bắt chuột, thì Việt Nam tự nguyện quay về thời quận huyện Giao Châu? Nếu không, liệu Việt Nam có con đường nào khác là tách dần ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc để đến gần một thế giới văn minh hơn, dân chủ hơn?
[2]Một vài bạn đọc chê tôi "bỏ qua" biến cố Mậu Thân, một bước ngoặt của cuộc chiến. Thật ra, nào tôi có "bỏ qua" đâu, tôi chỉ đề cập gián tiếp qua phản ứng của những nhân vật và dân chúng sau biến cố đó. Đến nay, đã khá rõ là cuộc "Tổng công kích và Nổi dậy" năm 68 là một thất bại quân sự-chính trị tại Việt Nam, nhưng ngay "bộ sậu" miền Bắc cũng không ngờ rằng nó tạo ra một chiến thắng "ngoại giao" quan trọng khiến Tổng thống Mỹ Johnson thời đó chấp nhận hoà đàm, hứa rút quân… Chiến trường là Việt Nam, nhưng chiến thắng thì gặt hái được trong campus những đại học như Berkeley, Harvard… và trên phố phường Washington, New York, Boston (điều này tôi cũng nêu rõ trong Phụ lục của tập Ba đào). Lại có người phê, tôi chẳng đề cập đến những cố gắng của chính quyền non trẻ miền Nam trong việc xây dựng một thể chế dân chủ tự do. Thưa rằng, những chính quyền này chưa gì đã mắc vào vòng "gia đình trị", sai lầm rất ấu trĩ với chuyện đàn áp Phật giáo, và nền Đệ nhị Cộng hoà thì "ăn ảnh" với một vị lãnh đạo xuất thân từ một ông tướng có râu, đeo súng lục, hô "Bắc tiến" và lái máy bay trinh sát ra Bắc. Đến khi nửa triệu quân Mỹ và đồng minh ồ vào phía Nam vĩ tuyến 17 thì, ôi thôi, thể chế là chuyện hạ hồi, chiến tranh hẳn phải là chuyện ưu tiên. Tôi đề cập như vậy, chỉ thêm một lời phê phán chẳng mới lạ gì, liệu có cần không?
Bạn đọc miền Bắc thì kêu, vai trò quân Mỹ xâm lược không được khai triển đầy đủ. Xin thưa, có, nhưng tôi lặp lại làm gì hàng trăm cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt…? Có bạn lại cằn nhằn, phải phân biệt chiến tranh giải phóng chống đế quốc, chiến tranh "chuyển nhượng" (by procuration) với một cuộc nội chiến. Vâng, điều này đúng: không có Mỹ và Tây Âu, miền Nam lấy gì để lao vào chiến tranh? Và không có khối những nước XHCN "anh em", miền Bắc lấy gì để đi giải phóng miền Nam? Nhưng sau khi Nixon "Việt Nam hóa" chiến tranh (Pignon thời Pháp từng làm), sau sự rạn nứt khó hàn gắn nêu lên trong cước chú 1 thời điểm "di cư" năm 54, thì dù võ khí được chế tạo bất cứ đâu (Nga, Tiệp, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp…), người Việt Nam, và chỉ người Việt Nam thôi, cũng đã bắn vào nhau ở mặt trận Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris ký kết! Khốn thay, đây chẳng phải lần đầu. Từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh 5 thế kỷ trước, người Việt Nam đã chém giết lẫn nhau. Nội chiến thời chưa có tên lửa, B52… tổn thất còn ít, nhưng ngày nay, khó mà tưởng tượng được nó sẽ thế nào. Cái ám ảnh nội chiến khiến tôi viết Gió lửa. Xin thú thật: ám ảnh đó tiếp tục với những biến cố trong chiến tranh Việt Nam vừa qua. Và ngay sau khi thiết lập lại hòa bình năm 75, có những thời điểm nền hòa bình đó khá mỏng mảnh!