trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
15.11.2003
Nguyễn Hoàng Văn
Ngôn ngữ điên hay là ...
 
Thường, khi động đến chữ "hiếm" chúng ta ngụ ý cái gì đó ít ỏi, như "hiếm hoi", "hiếm khi", "hiếm có", "khan hiếm"; thế nhưng "hiếm mấy" lại là... nhiều. Tiếng Việt của chúng ta có... điên hay không?

Có người cho rằng nó không điên mà, thực ra, đầy... Phật tính. Liên quan đến Phật tính và cả cái sự nhiều, sử gia Trần Quốc Vượng, trong cuốn Trong Cõi, nói đến cụm từ "hằng hà sa số" hay, gọn hơn, "hằng sa số": chúng ta chỉ nghe, nói, và viết theo thói quen mà ít khi nghĩ đến gốc gác và những ý nghĩa sâu xa của nó.

Chữ "hằng" được viết thường nhưng, từ gốc gác, đó lại là Hằng, hay Hằng Hà, con sông vĩ đại và thiêng liêng của dân tộc Ấn, được nhắc tới trong kinh Lăng Nghiêm: "Khi ấy Bồ Tát Đại Huệ lại bạch đấng Thế Tôn: Trong kinh chép Đức Thế Tôn dạy rằng các đấng Như Lai, quá khứ, hiện tại và vị lai nhiều như cát sông Hằng..." "Hằng hà sa số" ngụ ý nhiều như cát sông Hằng, và như thế, sách Phật đã đi vào tiếng nói thường ngày của chúng ta.

Thế nhưng tấm áo cà sa không làm nên ông thầy tu và một điển cố vay mượn khó mà thể hiện đặc tính ở tiếng nói của một dân tộc. Nếu có cái gì đó gọi là "tính" của tiếng Việt, cái đó phải thể hiện ở những ý nghĩa thâm sâu hơn, mang tính triết học cao hơn, và ở một tầm mức mang tính khái quát hơn.

Aristotle từng nêu lên một tiền đề về luận lý học: đã là A thì không thể là phi-A trong khi sách Phật thì cho là sự đời sắc sắc không không, có đấy mà không đấy, không đấy mà có đấy, Như là hình ảnh của bóng trăng nơi đáy nước:

Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Tuồng như bóng nguyệt lòng sông
Nào ai mà biết có không bao giờ?

Tiếng Việt cơ hồ cũng sắc sắc không không như vậy. Cũng một thí dụ do sử gia Trần đưa ra: "bất" có nghĩa là không, nhưng chưa hẳn gắn "bất" vào từ ngữ nào cũng đều minh định sự.... không tồn tại của nó. Như, "bất thình lình" và "thình lình", chẳng hạn.

Bảo rằng một ứng cử viên "bất xứng" với sự tín nhiệm của cử tri, có nghĩa là kẻ đó không hề xứng đáng và chắc chắn sẽ không bao giờ đắc cử. Nói một cuộc khởi nghĩa "bất" thành, có nghĩa là cuộc khởi nghĩa đó đã bị thất bại, thất bại từ trong trứng nước hay chỉ sau mấy ngày đầu. Cứ thế: bất đồng ý kiến, nhân vật bất đồng chính kiến, luật bất thành văn, sự bất quá tam hay "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" v.v.. Thế thì tại sao "bất thình lình" lại y hệt "thình lình"?

Suy diễn rộng ra sẽ thấy rằng tiếng Việt có khá nhiều hiện tượng "sắc sắc không không" như thế. Như "ấm" và "lạnh", chẳng hạn. Vào muà Đông, để chống chọi với cái lạnh, chúng ta có thể mặc "áo ấm" hay "áo lạnh" tùy ý, áo nào cũng tốt cả và cùng một nghĩa như nhau cả. Và như thế, nếu áp dụng máy móc phương pháp loại suy của toán học sơ cấp, hai chữ trái nghĩa nhau này đều có cùng một nghĩa như nhau hay sao?

"Tin" hoàn toàn trái nghĩa với "nghi"/"ngờ". Thế nhưng nếu hôm thứ Năm một cựu chính khách trả lời phỏng vấn: "Tôi tin rằng Tổng thống Bush sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004!" thì ông ta cũng chẳng hề mâu thuẫn với mình khi, ngay từ hôm thứ Hai, đã dõng dạc tuyên bố: "Tôi nghi là Tổng thống Bush sẽ thất bại trong cuộc tranh cử năm 2004!.". Cũng máy móc áp dụng phương pháp loại suy thì, ở đây, "tin" và "nghi" lại cùng một nghĩa như nhau chăng?

Và nếu lội ngược thời gian một chút, vị chính khách trên cũng chẳng hề bất nhất khi, trong hai lần trả lời phỏng vấn, khi thì nói năm 2000 ông Bush đã "đánh thắng ông AlGore", khi thì nói "đánh bại ông AlGore": "thắng" và "bại", vốn ngược nhau như nước với lửa thì, ở ngay thí dụ này, lại cùng một nghĩa như nhau.

Tố Hữu viết: Ai vô đó với đồng bào đồng chí / Nói với nửa Việt Nam yêu quý và khi một người từ bắc đi vào nam, họ đã "vào trong Nam", còn khi đi theo hướng ngược lại thì lại là "ra ngoài Bắc" cho dù ông ta chẳng vượt qua ải Nam Quan hay cửa khẩu ở Móng Cáy để "ra bên ngoài Bắc bộ". Tương tự, một người có thể "vào trong Sài Gòn" và "ra ngoài Hà Nội", cho dù, trên thực tế thì "trong Sài Gòn" anh ta cũng có thể rong chơi ở Bến Lức, Biên Hoà và khi "ra ngoài Hà Nội" anh ta chỉ quanh quẩn ở mấy phố nội thành, Hồ Gươm hay đền Trấn Vũ chứ chẳng buồn đặt chân đến Việt Trì, Vĩnh Phú, những địa danh ở "ngoài Hà Nội". "Trong" và "ngoài", rồi "ra" và "vào/vô" như thế, áp dụng phép loại suy máy móc của toán học sơ cấp, cũng cùng một nghĩa như nhau: tiếng Việt sắc sắc không không quá đi chứ?

Nhưng, như đã nói, tấm áo cà sa không thể làm nên ông thầy tu và một số thí dụ như thế - dĩ nhiên sẽ còn nhiều, nhiều hơn nữa - khó mà nói lên... Phật tính của tiếng Việt. Nếu thế thì hẳn là thứ thổ ngữ ở ngay quê hương Thái tử Tất Đạt Đa cũng đầy... Phật tính, cũng sắc sắc không không với những cặp từ tưởng là trái nghĩa kiểu tin/nghi, bại/thắng, thình lình/bất-thình lình nhưng lại có cùng một nghĩa như nhau chăng?

Những thổ ngữ trên đất Ấn thì ít ai trong chúng ta biết. Nhưng tiếng Anh, ngôn ngữ thứ hai của đất nước này, thì khác. Đó là thứ ngoại ngữ mà, chắc chắn, người Việt biết nhiều nhất và, trên thực tế, cộng đồng Việt Nam lưu vong sử dụng nhiều nhất, có lẽ cũng gần một triệu rưởi người. Thứ tiếng nói đó có... điên hay đầy Phật tính hay không?

Trong "English, a crazy language", đăng trên tờ Bangkok Post (6/12/1996), người phụ trách mục "Insider" đã than phiền về sự điên loạn của tiếng Anh:

"Hãy xem chừng nó, cái thứ ngôn ngữ điên loạn của người Ăng-lê. Trong eggplant (cà tím) không hề có egg, và dĩ nhiên không hề có ham (thịt heo đùi) trong hamburger, cũng như không thể có apple hay pine (thông) trong pineapple (dưá, khóm).

English Muffin (một loại bánh ngọt) không phải là sản phẩm của người Ăng-lê và French fries (chip khoai tây) không phải là sáng tạo của người Pháp-lang-sa. Nghĩ thật là quái lạ: sweetmeat là kẹo trong khi sweetbread lại là thịt.

Chúng ta sử dụng Anh ngữ như một ngôn ngữ sẵn có, phải chấp nhận. Tuy vậy, nếu cất công mày mò thì mới thấy rằng quicksand (quick: nhanh, sand: cát, quick sand: cát ướt) có thể làm chúng ta chậm lại; boxing ring thì có hình vuông trong khi guinea pig (một giống thú cưng) thì không phải một giống lợn đem về từ Guinea.

Bạn sẽ ngạc nhiên tại khi thấy writers write trong khi finger (ngón tay) không fing, grocers (người bán ngũ cốc) không grocehammer (cái búa) không ham?

Nếu số nhiều của toothteeth thì tại sao số nhiều của booth (lều, buồng che tạm thời) lại không thể là beeth? Rồi một con ngỗng là one goose nhưng hai con lại là two geese? Nhưng với một giống nai thì khác, one hay two gì thì cũng là moose tất tật!

Thật là điên khùng khi chúng ta có thể make amends (thay đổi, thu chỉnh) nhưng không thể amend được; khi có thể comb through annals of history (lục lọi, tìm kiếm trong những bộ biên niên sử) mà không thể nào comb through a single annal! (Comb: cái lược/ chải tóc, comb through: sục sạo, kiếm tìm).

Nếu chúng ta có một mớ lặt vặt -- a bunch of odds and ends -- và muốn ném tất cả vào sọt rác trừ một thứ, biết gọi nó là gì đây? là end hay là odd? Nếu teachers teach được thì tại sao giáo sĩ cầu nguyện không thể là preachers preach? Và nếu người ăn chay ăn rau là vegeterian eats vegetable thì humanitarian (lòng nhân đạo) sẽ ăn cái gì đây?

Nếu hôm qua chúng ta viết một lá thư: wrote a letter thì tại sao cùng một ngày ấy mà không thể... bote cái lưỡi của mình? (write -wrote - writen & cắn: bite -bite-biten)

Đôi lúc tôi cứ nghĩ vẩn vơ rằng chúng ta nên tống cổ hết bọn người nói tiếng Anh và dưỡng trí viện cho chừa cái tật khẩu cuồng (verbally insane). Ngôn ngữ gì mà ở đó họ recite at a play (recite: ngâm,vịnh, đọc) mà lại còn play at a recital (trình tấu nhạc thính phòng)? Rồi ship by truck (vận chuyển hàng bàng xe tải) nhưng lại send a cargo by ship (chuyển hàng bằng tàu thủy). Có lỗ mũi nào lại "chạy" (nose run: chảy mũi) trong khi chân lại "ngửi" (feet smell: chân bốc mùi hôi) chứ? Giống người gì mà đậu xe trong lối chạy - park in driveway - nhưng lại cắc cớ chạy trong lối đậu xe - drive in park way?

Làm sao fat chance lại có thể đồng nghĩa với slim chance (fat: béo, mập & slim: gầy, còm & fat chance # slim chance: không có cơ hội nào cả) trong khi wise man lại trái nghĩa với wise guy? (người khôn ngoan & người không biết gì nhưng ưa làm khôn)

Làm sao overlookoversee lại phản nghĩa nhau (lướt qua, sơ suất, lơ là - giám sát, giám thị) trong khi quite a lotquite a few lại giống hệt như nhau? Làm sao mà mùa trời mùa hè nóng như địa ngục, hot as hell, để rồi đông sau lại "lạnh" cũng cold as hell?

Chúng ta sửng sốt với sự điên loạn đầy... nhất quán của một thứ ngôn ngữ mà ở đó căn nhà của chúng ta burn up khi nó burn down (cháy bùng lên & hủy diệt bằng lửa); ở đó chúng ta phải điền một cái đơn, fill in a form, bằng cách filling it out; hoặc cái đồng hồ lại goes off bằng cách going on.

Anh ngữ là sản phẩm của con người chứ không phải của máy computer và nó thể hiện tính sáng tạo của nhân loại (dĩ nhiên, không phải của duy nhất một chủng tộc). Đó là lý do tại sao khi stars are out (những vì sao xuất hiện) chúng ta có thể nhìn thấy nhưng khi lights are out (đèn tắt) rồi chúng ta lại không thấy chi cả.

Và đó cũng là lý do mà khi tôi wind up my watch ấy là tôi lên dây để khởi động cái đồng hồ, còn khi tôi wind up my essay ấy là tôi chấm dứt bài luận văn này.

*

Tính chất gọi là "điên loạn" đó, xem ra, cũng mơ hồ sắc sắc không không với nóng/lạnh as hell, với inout, với lotfew v.v... mà, qua những phép loại suy máy móc, lại có cùng một nghĩa như nhau. Thế nên, khi bảo rằng vì "hồn Việt" đầy "Phật tâm" nên tiếng Việt ngồn ngộn "Phật tính", chúng ta cũng chỉ nói để tự thoả mãn mình, để hâm nóng tinh thần tự tôn của một dân tộc nhược tiểu thế thôi.

Ngôn ngữ chẳng bao giờ... điên loạn. Như là một phương tiện biểu đạt và diễn đạt, đồng thời là sản phẩm của con người qua nhiều thời đại, qua những va chạm hay giao tiếp chủng tộc, những yếu tố bất hợp lý như thế của nó đã được bình thường hoá và khả dụng hoá theo những quy ước chung gọi là ngữ pháp. Trong những quy ước như thế, nếu người Anh hiểu rằng "a few" là "ít" nhưng "quite a few" là "nhiều" thì người Việt cũng hiểu rằng "hiếm" là "ít" trong khi "hiếm mấy" là "nhiều". Tương tự, nếu công năng của một cái áo là "giữ độ ấm" và "chống lại cái lạnh" thì việc gọi là "áo ấm" hay "áo lạnh" cũng chẳng có gì mâu thuẫn, cũng như khi người Anh ví von rằng "nóng" ... as hell mà "lạnh" cũng... as hell: cả hai điều kiện thời tiết ấy, quá lạnh và quá nóng, đều bức bối, không thể chịu đựng được.

Điều lạ là, trong khi ngay ngáy tuân thủ những quy ước nghiêm nhặt của bất cứ ngoại ngữ nào, chúng ta lại khinh khi, coi rẻ những quy ước trong chính tiếng nói của mình, thậm chí có người "hồn nhiên" khẳng định rằng viết cho người Việt đọc thì không cần phải cẩn thận và đàng hoàng như viết cho người Anh hay người Mỹ. Cũng như bất cứ ngôn ngữ nào khác, dù hàm chứa những yếu tố bất hợp lý hay... điên điên, nếu có thể gọi thế; tiếng Việt còn có những quy ước hợp lý để "hợp lý hoá" và kết hợp chúng theo những nguyên tắc thành văn hay bất thành văn. Thế nhưng, trong khi cần mẫn như những tên nô lệ đầy khiếp nhược trước môn học ngoại ngữ thì không ít người trong chúng lại tự biến thành những ông chủ vô trách nhiệm hay những công tử làm tán gia bại sản với chính món gia tài ngôn ngữ của mình. Một cách khá là... điên điên, họ nhân danh sự bất hợp lý hay "điên loạn" của một vài đơn vị nhỏ để đặt mình lên trên tính hợp lý, đã được thừa nhận của cái toàn thể.

Chính vì thế mới có những cuộc tranh cãi dằng dai về ngôn ngữ và dịch thuật, cãi về những cái không đáng để cãi và một cách không đáng để... lưu tâm. Những cuộc tranh cãi ở đó hiếm khi người ta thẳng thắn đề cập đến những điều đã bày ra trên giấy trắng mực đen hay những quy ước của ngôn ngữ, là những yếu tố tối quan trọng. Họ thích nói những điều cao xa nhưng toàn là những điều khơi khơi, hoàn toàn tách ra xa văn bản. Như thể loại và phương pháp, chẳng hạn. Như một vài tác giả hay tác phẩm nào đó, tuy nổi tiếng nhưng chẳng trực tiếp quan hệ đến vấn đề, chẳng hạn. Thậm chí, có khi còn thấp thoáng nói đến những điều như Phật tính hay Phật tâm, cái "tính" của con người chứ không phải là của ngôn ngữ.

Và cũng chính vì những điều như thế nên nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo mới không ngớt than phiền về tình trạng xuống dốc, về sự lâm nạn của tiếng Việt! [1]

© 2003 talawas

[1] Xem các bài viết và phỏng vấn của GS Cao Xuân Hạo trên talawas.