trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
19.3.2008
Friedrich Nietzsche
Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi!
Phạm Công Thiện dịch
 1   2   3 
 
Tại sao tôi lanh trí như thế
(Warum ich so klug bin)

I.

Tại sao tôi còn hiểu biết thêm đôi điều thấm thía hơn nữa? Tại sao tôi hoàn toàn lanh trí như thế? Tôi không bao giờ suy gẫm về những vấn đề mà thực sự không phải là những vấn đề suy ngẫm (Ich habe nie über Fragen nachgedacht, die keine sind) – tôi không bao giờ chịu hoang phí bản thân như vậy.

Chẳng hạn như những vấn nạn gian nan thực sự có tính cách tôn giáo, tôi không hề biết đến chúng bằng kinh nghiệm mình. Thế nào là bị "mang tội" thực sự hoàn toàn điều này vượt hẳn ra ngoài ý thức tôi. Cũng thế, tôi thiếu hẳn tiêu chuẩn đáng tin cậy để nhận ra sự cắn rứt lương tri: theo như những gì thiên hạ nghe nói về sự cắn rứt ấy, quả thực cắn rứt lương tri không hề có vẻ gì đáng kính trọng đối với tôi, tôi xem thường nó quá đi (Scheint mir ein Gewissensbiss nichts Achtbares)

Tôi không muốn bỏ một hành động trong cơ sự lúng túng sau đó, sau khi đã hành sự xong; tôi vẫn thích để cho mình loại trừ kết quả xấu, hậu quả ra khỏi vấn đề giá trị, coi như đó là vấn đề nguyên tắc. Phải chịu đối mặt với một kết quả xấu thì mình dễ đánh mất dễ dàng nhãn giới chính xác đối với những gì mình đã làm: đối với sự cắn rứt lương tri quả là một loại "xấu vía", "gai mắt". Cần giữ cho được vinh hiển hơn nữa điều thất bại trong lòng mình, chỉ vì nó thất bại – điều này thuận ứng với tinh thần đạo đức của tôi hơn (Etwas, das fehlschlägt, um so mehr bei sich in Ehren halten, weil es fehlschlug – das gehört eher schon zu meiner Moral).

"Thượng đế", "sự bất tử của linh hồn", "sự cứu rỗi", "cõi trên kia" – không cần ngoại trừ gì cả, đó là những ý niệm mà tôi không bao giờ bận tâm đến, không mất giờ để tìm hiểu chúng, ngay cả lúc tôi còn bé nhỏ thơ dại. Có lẽ tôi không từng bao giờ có đủ tính trẻ con để hiểu chúng?

Cũng không vì thế mà tôi biết đến thứ chủ nghĩa vô thần, biết đến như một hậu quả tất nhiên, ít nhất biết đến như một biến cố: vô thần là một việc tự nhiên đối với tôi, ngay từ bản năng. Tôi vốn có tính quá thâm sát, quá khả vấn, quá tràn lan cao ngạo phong phú để có thể chịu nổi bất cứ sự giải đáp thô thiển nào (Ich bin zu neugierig, zu fragwürdig, zu übermütig, um mir eine faustgrobe Antwort gefallen zu lassen). Thượng đế là một sự giải đáp thô thiển, một cử chỉ thô bỉ chống lại chúng ta, những tư tưởng gia (Gott ist eine faustgrobe Antwort, eine Undelikatesse gegen uns Denker) - tận nơi nền tảng, đó chỉ là sự cấm đoán thô thiển đối với chúng ta: cấm tư tưởng! (Im Grunde sogar bloss ein faustgrobes Verbot an uns: Ihr sollt nicht denken!...)

Thực ra có một vấn đề tôi chú tâm nhiều hơn cả, "sự cứu rỗi của nhân loại" lại tuỳ thuộc vào vấn đề ấy hơn thị hiếu cầu kỳ của bất cứ nhà thần học nào khác: đó là vấn đề dinh dưỡng. Theo lối sử dụng ngôn ngữ thông thường, mình có thể đặt phương thức như vầy: "làm thế nào các ngài, sống ở đời, phải ăn uống để có được tối đa sức khoẻ, đức tính tu my cao cường, virtù, theo điều thời Phục Hưng, đức tính mà không có thứ nọc đạo đức luân lý (von moralfreier Tugend)?"

Những kinh nghiệm của tôi trong vấn đề này quá là tệ hại khôn cùng, tôi rất ngạc nhiên rằng tôi biết được vấn đề này quá trễ nải, tôi học được "lý lẽ" quá muộn về những kinh nghiệm này. Chỉ có sự vô giá trị triệt để của nền giáo dục Đức quốc chúng ta – tính cách "duy tâm lý niệm" của nó – mới giải thích được cho tôi thấy rõ lý do tại sao ở điểm này tôi quá chậm tiến đến độ như thánh không bằng. "Nền giáo dục" này ngay từ đầu dạy mình bỏ quên những thực tại và theo đuổi những mục đích gọi là "lý tưởng" – một nền "giáo dục cổ điển" chẳng hạn – làm như là ngay từ đầu có thể kết hợp dễ dàng "cổ điển" và "Đức quốc" trong chỉ một ý niệm đơn độc thôi! Hơn thế nữa, thực là buồn cười: chỉ cần tưởng tượng hình dung một con người "được giáo dục theo đường lối cổ điển" với một giọng nói địa phương vùng Leipzig!

Thực thế, cho mãi đến khi trưởng thành thì tôi vẫn phải luôn luôn ăn uống một cách tệ hại: nói theo điệu luân lý thì một cách "phi nhân ngã", "vô vị kỷ", "vị tha" – nói thế để đẹp lòng những tay bếp và những kẻ Ki tô giáo khác.

Vì ăn uống theo cách nấu ăn kiểu thành phố Leipzig, cho nên tôi đã phủ nhận "ý chí ham sống" (sinh ý) của tôi trong thời gian tôi đọc Schopenhauer vào lần đầu tiên (1865). Làm đảo lộn phiền rầy bao tử vì thiếu cách dinh dưỡng đúng mức – vấn đề này, đối với tôi, dường như đã được giải quyết tuyệt hảo nhờ lối nấu ăn đã kể trên. (Người ta cho rằng năm 1866 đã đem đến một sự biến đổi về mặt này) Nhưng cách nấu ăn người Đức đại khái (sao mà lương tâm họ không thấy khó chịu!) ăn soupe trước mỗi buổi ăn (ở thế kỷ XVI, những quyển sách nấu ăn ở Venise còn gọi món ấy là alla tedesca: "theo kiểu người Đức"); thịt nấu quá độ, rau cải luộc với mỡ và bột, bánh ngọt nặng như đồ đè giấy! Rồi lại gia thêm cái tật xấu uống rượu sau mỗi bữa - thế thì các ngài có thể hiểu được nguồn gốc căn cội của tinh thần Đức quốc - thứ tinh thần xuất phát từ bệnh đau ruột.

Tinh thần Đức quốc là thứ bệnh ăn không tiêu: thứ tinh thần này chẳng làm nên tích sự gì cả (Der deutsche Geist ist eine Indigestion, er wird mit nichts fertig).

Nhưng cái lối ăn uống của người Ăng lê – so với lối ăn Đức và ngay cả Pháp là một thứ "trở về thiên nhiên", nghĩa là: trở về ăn thịt người – hoàn toàn trái lộn với bản năng của tôi: đối với tôi, dường như lối ăn uống ấy chỉ đem những bước chân nặng nhọc cho tinh thần – cái loại khệnh chân của những mụ đàn bà Ăng lê.

Cách nấu ăn tốt nhất là lối nấu ăn của vùng Piedmont ở miền tây bắc nước Ý.

Rượu thì hại tôi lắm: chỉ cần một ly bia hoặc rượu vang mỗi ngày thôi thì cũng đủ biến đổi đời tôi thành ra một thung lũng khổ luỵ - cái hạng người ở Munich là hạng người đối nghịch hẳn với tôi. Tôi mới học được trong lúc gần đây thôi, trước kia khi còn bé tôi đã thực sự trải qua kinh nghiệm ấy. Khi còn trai trẻ, tôi ngỡ rằng uống rượu, giống như hút thuốc, thoạt đầu chỉ là cái lối vênh vênh của thanh niên, nhưng sau này đó quả là thói hư tật xấu. Có lẽ cái loại rượu vùng Naumburg đã khiến tôi kết án nghiêm khắc như vậy. Tưởng rằng rượu khả dĩ làm vui cuộc được thì tôi nên đâm đầu làm tín đồ Ki tô giáo cho rồi – vì ngỡ như vậy quả là vô lý quá đi thôi. Một điều kỳ dị là dù dễ nhạy với từng dúm rượu nhỏ loãng pha nước, nhưng tôi rất dạn rượu như một tên lính thuỷ mỗi khi uống nhiều rượu mạnh. Ngay cả lúc tôi còn trai trẻ, tôi đã tỏ ra cường khí về điểm này. Viết một bài luận La Tinh dài trong một đêm thôi, và chép lại sạch sẽ, muốn có cao vọng tranh tài với Sallust, danh sĩ gương mẫu của tôi, với lối hành văn nghiêm khắc và vén gọn của ông ta, và rót đôi phần rượu pha mạnh cỡ nặng vào trên bài La tinh ấy – ngay lúc tôi còn là học sinh ở trường Schulpforta khả kính, điều ấy cũng không trái nghịch gì với sinh lý của tôi hoặc với Sallust – dù nghịch hẳn với cái trường Schulpforta khả kính.

Sau này, vào khoảng trung niên, quả thực càng lúc tôi càng quyết liệt chống lại mọi thứ rượu: tôi, một đối thủ với việc ăn chay qua kinh nghiệm bản thân, cũng giống như Richard Wagner, người đã thuyết phục tôi cái việc ăn chay kia, khó có thể khuyên nhủ hạng người bén rượu bỏ hẳn việc uống rượu (Rất khó dịch đoạn này, vì Nietzsche chơi chữ "geistig" trong hai ý nghĩa "rượu" và "tâm linh" – "geistige Getränke"có nghĩa là "rượu" nhưng "geistigeren Naturen" vừa có nghĩa "những bản chất tâm linh" mà đồng thời có nghĩa "những bản chất rượu chè". Đọc qua nguyên tác chứ Đức thì dễ nhận hơn: "Später, gegen die Mitte des Lebens hin, entschied ich mich freilich immer strenger gegen jedwedes "geistige" Getränk: ich, ein Gegner des Vegetariertums aus Erfahrung, ganz wie Richard Wagner, der mich bekehrt hat, weiss nicht ernsthaft genug die unbedingte Enthaltung von Alcoholicis allen geistigeren naturen anzuraten). Nước lã là đủ rồi… (Wasser tut’s…)

Những nơi chốn tôi yêu thích là những chỗ mà tôi được chìa sẵn mọi dịp để múc nước tươi mát (như những thành phố Nice, Turin, Sils); một cái ly nhỏ đi theo tôi như một con chó (ein kleines Glas läuft mir nach wie ein Hund; câu này Alexandre Vialatte dịch thoát là: "un petit verre me harcèle comme un chien"; dịch nghĩa sát theo chữ Đức thì "một cái ly nhỏ chạy theo sau tôi như một con chó". Nietzsche chỉ muốn dùng một ảnh tượng để làm nổi lên sự thèm nước mát của ông).

In vino veritas (trong rượu có chân lý): dường như chính ở điểm này tôi gây hấn với mọi người thiên hạ về ý niệm "chân lý" – trong trường hợp tôi thì linh thể di động trên mặt nước (N. ám chỉ cựu ước Kinh Genesis 1.2)

Và đây xin đưa ra vài đề nghị đạo đức nữa. Một bữa ăn thịnh soạn thì dễ tiêu hơn là một bữa ăn nhẹ nhàng (Eine starke Mahlzeit ist leichter zu verdauen als eine zu kleine). Toàn thể bao tử phải làm việc, đó là tiền đề tiên khởi cho việc tiêu hoá dễ dàng. Mình phải biết kích thước của bao tử mình. Đồng thời cũng vì lý do vừa nêu, mình phải kiêng cữ những buổi ăn kéo dài mà tôi gọi là những cuộc tế lễ tử nạn dây dưa - những buổi ăn trật tự thứ lớp cố định, loại "table d’hote" (ăn đúng giờ, đúng chỗ).

Không ăn gì giữa những bữa ăn, không uống cà phê: cà phê làm lan rộng nỗi âm u, tăm tối (keinen Kaffee: Kaffee verdüstert). Trà đem lại sức khoẻ vào buổi sáng. Uống một dúm thôi, nhưng đậm: không nên uống trà loãng nhẹ, dù uống ít đi nữa thì nó tác hại suốt trọn ngày. Mỗi người đều có tiêu chuẩn của mình, thường khi giữa những giới hạn nhỏ nhiệm tế nhị nhất. Trong một miền thời tiết quá bực bội, uể oải thì không nên uống trà, nên uống một tách ca cao đậm tẩy dầu.

Nên ngồi càng ít càng tốt (so wenig als moeglich setzen). Đừng tin cậy vào bất cứ tư tưởng nào mà không phát sinh ở ngoài trời lúc mình di động thoải mái - Đừng tin cậy bất cứ tư tưởng nào mà không nhập lễ với sự vận động của những bắp thịt (keinem Gedanken Glauben schenken, der nicht im Freien geboren ist und bei freier Bewegung in dem nicht auch die Muskeln ein Fest feiern). Tất cả những thành kiến đều phát xuất từ ruột (Alle Vorurteile kommen aus den Eingeweiden) (chú ý: bản chữ Đức do Karl Schlechta san nhuận đã in sai chữ "Vorurteile" (thành kiến) thành ra "Vorteile" (lợi điểm).

Cái lối sống ngồi ì ra đấy, tôi đã nói một lần rồi, đó là tội lỗi thực sự xúc phạm đến thánh thể (Das Sitzfleisch – ich sagte es schon einmal – die eigentliche Sünde wider den heiligen Geist).


II.

Vấn đề chỗ ởkhí hậu rất liên hệ mật thiết với vấn đề dinh dưỡng. Không ai có thể hoàn toàn tự do sống ở đâu cũng được, và kẻ nào cần giải quyết những vấn đề vĩ đại đòi hỏi việc thách thức trọn vẹn sức lực hắn thì lại càng chỉ có được một sự lựa chọn rất giới hạn trong vấn đề này. Ảnh hưởng của khí hậu đối với sự chuyển biến trong cơ thể, sự tác động chậm tiến, sự gia tốc của nó có thể gây ảnh hưởng sâu xa đến nỗi việc chọn sai chỗ ở và khí hậu chẳng những khiến cho mình xa lạ ly cách với bổn phận sứ mạng của mình mà còn có thể ngăn giữ không để cho mình biết tới gì nữa: mình không còn bao giờ nhìn thấy sứ mạng bổn phận mình nữa. Khí lực nội động của mình không bao giờ đủ sức lớn mạnh để mình đạt tới được niềm tự do đổ tràn vào những cõi vùng tâm linh cao cả nhất và để cho mình nhận ra: điều này, chỉ có điều này tôi mới có thể làm được. (Der animalische vigor ist nie gross genug bei ihm geworden, dass jene ins Geistigste überströmende Freiheit erreicht wird, wo jemand erkennt: das kann ich allein…).

Chỉ cần để cho ruột bị mệt mệt lười lười một tí, lúc chuyện ấy trở thành một thói quen tật xấu, thì nội việc ấy cũng đủ biến một thiên tài thành ra một cái gì tầm thường, một cái gì "có tính cách Đức quốc". (Eine zur schlechten Gewohnheit gewordene noch so kleine Eingeweide – Trägheit genügt vollständig um aus einem Genie etwas Mittelmässiges, etwas "Deutsches" zu machen). Khí hậu Đức quốc thôi cũng đủ làm bại hứng những bộ ruột mạnh khoẻ, bẩm sinh hùng cường. Biến nhịp của sự biến thể trong cơ thể có tính cách hoàn toàn tương ứng với sự linh động nhanh nhẹn hoặc sự cứng nhắc què quặt của những bước chân tâm linh; "tâm linh" thực ra chỉ là một dạng thái của sự tác dụng biến thể nầy. Hãy cử ra những nơi chốn mà hạng người linh hoạt sinh sống, ở đó sự nhanh trí, tế nhị và tinh nghịch lệ thuộc vào cơn hạnh phúc yêu đời, ở đó thiên tài tìm thấy được quê nhà mình một cách dễ dàng gần như chuyện tất yếu: tất cả những nơi chốn ấy đều có được không khí khô ráo tuyệt vời. Chẳng hạn như Paris, Provence, Florence, Jerusalem, Athens - tất cả những tên thành phố này đều nói lên một cái gì, chứng minh một cái gì dễ thấy: thiên tài tuỳ thuộc vào không khí khô ráo, vào những phương trời trong trẻo – nghĩa là tuỳ thuộc vào sự tác dụng biến thể nhanh chóng của cơ thể, tuỳ vào khả năng rút kéo liên tục bao nhiêu sức mạnh vô hạn. Tôi có biết được một trường hợp của một tâm hồn lớn lao được sinh ra cho việc vĩ đại ở đời thế mà vì hắn đánh mất bản năng tế nhị tìm kiếm cho ra khí hậu thích ứng của mình, cho nên hắn chỉ trở thành hẹp hòi, teo tóp, một thứ học giả chuyên nghiệp gắt gỏng càu nhàu. Và chính tôi cũng thế, sau cùng rồi tôi cũng có thể trở thành y hệt như hắn nếu cơn đau bệnh ngặt nghèo của tôi không bức bách tôi, khiến tôi sáng mắt để nghĩ đến cái lý tính ở trong thực tại (zum Nachdenken über die Vernunft in der Realität). Bây giờ thì mọi sự quá rõ rồi, hậu quả của khí hậu và thời tiết đã quá quen thuộc đối với tôi, được biết từ kinh nghiệm lâu dài của chính bản thân tôi và tôi có thể đọc chính bản thân tôi như đọc một khí cụ tin cậy vi tế - và ngay cả một chuyến du hành ngắn, ví dụ như từ Turin cho đến Milan mà cơ thể tôi cũng ghi được sự biến động thay đổi về khí hậu ẩm ướt – tôi nghĩ lại sự kiện thảm khốc này mà phát sợ kinh hoàng, chỉ trừ ra năm mười năm cuối cùng này khi mà đời sống tôi bị hiểm nguy kịch liệt, còn trọn đời tôi, tôi chỉ toàn sống tại những nơi chốn bậy bạ, nhưng nơi tối kỵ đối với tôi. Như thành phố Naumburg, Schulpforta, tỉnh thành Thuringia nói chung, thành Leipzig, Basel, Venise – bao nhiêu nơi chốn tai hại tàn phá cơ thể sinh lý tôi.

Đại để tôi không có kỷ niệm đáng quí nào từ suốt thời trẻ thơ và trai tráng, nhưng quả thực là điên dại kéo dài lôi ra đây một mớ lý lẽ "luân lý" để giải thích, chẳng hạn như cắt nghĩa rằng thiếu hẳn tình bạn tương xứng: vì lúc nào thì tôi vẫn thiếu thốn như vậy, ngay lúc này cũng thế, nhưng như thế không có nghĩa là tôi mất đi lòng vui sướng táo bạo. Nhưng đúng hơn chính vì ngu dốt về sinh lý học - sự ngu dốt này quả là một thứ "chủ nghĩa lý tưởng" đáng chửi rủa – đó là thiên tài đại họa thực sự cho đời sống tôi, một đời sống hoàn toàn thừa thãi, ngu xuẩn, không có gì ra hồn thoát ra được từ đó, không cái gì bù trừ cân xứng được. Hậu quả của cái "chủ nghĩa lý tưởng" này cung cấp cho tôi giải thích được tất cả mọi lỗi lầm, tất cả mọi tán thất mê loạn và những thứ "cử chỉ hạ mình khiêm tốn" khiến tôi xa lìa hẳn bổn phận sứ mệnh của đời tôi như cái việc tôi trở thành một tên học giả về ngôn ngữ học – ít nhất đi nữa tại sao không đi làm y sĩ hoặc một cái gì khác khả dĩ mở mắt mình?

Trong thời gian làm giáo sư ngôn ngữ học cổ điển tại đại học đường Basel, trọn vẹn thức ăn tinh thần của tôi, kể cả cách tôi phân chia ngày giờ của tôi, quả là một sự lạm dụng ngu xuẩn tất cả mọi tài nguyên phi thường, mà không tiếp liệu bù đắp gì được lối tiêu xài năng lực phung phí ấy, mà cũng chẳng nghĩ gì tới việc phung phí huỷ họai kia và việc tiếp liệu bù đắp lại. Tôi đã đánh mất hết mọi ưu tư tế nhị về bản thân, mọi phòng vệ tuân phục theo bản năng chỉ đạo nào; tôi đã dễ dãi tự đặt mình ngang hàng với bất cứ tên vô lại nào; đó quả là một thứ "vị tha", bỏ quên đánh mất hết mọi khoảng cách giữa tôi và những kẻ khác, tôi không thể nào tự tha thứ mình ngu dại lầm lẫn như vậy. Khi tôi đã gần kề đường cùng, vì tôi đã gần cùng mạt rồi thì tôi mới bắt đầu suy nghĩ về sự thất trí trầm trọng căn đế của đời sống mình – cái thứ "chủ nghĩa lý tưởng" mọi rợ kia. Chỉ có cơn đau bệnh gần đây tôi mới vỡ lẽ cho tôi thấy.


III.

Lựa chọn thức ăn, lựa chọn khí hậu và nơi chốn: điểm thứ ba mà mình không nên phạm lỗi lầm dù bất cứ giá nào, đó là chọn lựa sự tiêu khiển giải trí nghỉ ngơi thích hợp với mình. Điểm này cũng tuỳ thuộc vào trình độc độ đáo của tâm linh mình, giới hạn của những gì dành riêng cho mình, có lợi cho mình, hoàn toàn được hạn chế. Trong trường hợp tôi, mọi sự đọc sách thuộc những điều giải phóng tôi ra khỏi chính tôi, đưa tôi lang thang vào những khoa học kỳ lạ và những tâm hồn kỳ lạ mà tôi không còn xem trọng. Đọc sách chính là sự giải trí của tôi ra ngoài sự trang trọng nghiêm nghị của chính tôi. Trong những thời gian tôi làm việc viết lách dồi dào siêng năng thì người ta không thấy tôi bị những quyển sách vây bọc nữa: tôi giữ gìn, thận trọng, canh phòng không để cho bất cứ ai đến gần tôi kể cả nói chuyện hoặc rề rà suy nghĩ gì hết (In tief arbeitsamen Zeiten sieht man keine Bücher bei mir: ich würde mich hüten, jemanden in meiner Nähe reden oder gar denken zu lassen). Và đọc sách có ý nghĩa rề rà là thế.

Không biết người ta có để ý rằng trong lúc tâm thần căng thẳng mãnh liệt mà sự thai nghén đã hành phạt tâm linh và hành phạt tận căn để trọn vẹn cơ thể phải chịu trạng huống khẩn trương ấy thì mọi sự việc bất ngờ ngẫu nhiên và mọi loại kích thích bên ngoài đều tác động quá kịch liệt, đánh vào như sấm sét, quá hung hăng, quá sâu thẳm? (Hat man eigentlich beobachtet, dass in jener tiefen Spannung, zu der die Schwangerschaft den Geist und im Grunde den ganzen Organismus verurteilt, der Zufall, jede Art Reiz von aussen her zu vehement wirkt, zu tief "einschlägt"?)

Mình hãy tránh hết sự bất ngờ ngẫu nhiên và những kích thích bên ngoài, càng tránh nhiều chừng nào tốt chừng nấy: tự đóng nhốt mình lại trong bốn vách tường là một trong những biện pháp đề phòng tự nhiên nhất trong thời kỳ cưu mang thai nghén của tâm linh. Tôi có nên để cho một tư tưởng ngoại lai leo trèo qua vách để đột nhập kín đáo vào thế giới mình? Và đọc sách có nghĩa là phải chịu như thế.

Những thời gian viết lách làm việc, sinh sôi nẩy nở liền được tiếp đuôi theo sau là những thời gian giải trí nghỉ ngơi: lúc ấy, những quyển sách tươi vui thông minh hãy mò tìm tới tôi!

Có phải đó là những quyển sách của nước Đức không?

Tôi phải lùi lại nửa năm qua mới bất chợt thấy mình có một quyển sách trong tay – Đó là quyển gì? Một tác phẩm nghiên cứu của Victor Brochard, nhan đề là Les Sceptiques Grecs mà trong quyển sách ấy những thiên khảo cứu của tôi về Diogenes Leartius (Laertiana) được sử dụng tích cực. Những triết gia hoài nghi, loại triết gia đáng trọng vọng duy nhất giữa bọn triết gia ăn nói ngôn ngữ từ hai nghĩa cho đến năm nghĩa! (Die Skeptiker, der einzige ehrenwerte Typus unter dem so zwei – bis fünfdeutigen Volk der Philosophen!...)

Nếu không thế thì tôi gần như vẫn luôn luôn tìm nơi trú ẩn với một số sách quen thuộc, đọc đi đọc lại, thực ra, chỉ một số ít thôi - những quyển sách chứng nghĩa riêng cho tôi (Sonst nehme ich meine Zuflucht fast immer zu denselben Büchern, einer kleinen Zahl im Grunde, den gerade für mich bewiesenen Büchern). Có lẽ tôi không có tính chịu đọc sách nhiều hoặc đọc đủ loại: một phòng đọc sách luôn luôn làm tôi phát bệnh (Es liegt vielleicht nicht in meiner Art, viel und vierlerlei zu lesen: ein Lesezimmer macht mich krank). Tâm tính tôi cũng không ưa việc yêu nhiều hoặc yêu đủ loại (Es liegt auch nicht in meiner Art, viel und vierlerlei zu lieben). Cẩn thận đề phòng, và cả lòng ác cảm chống lại những quyển sách mới lạ, những điều này thích hợp với bản năng của tôi hơn là "bao dung" "rộng lượng" và "tình người nhân hậu".


Chú thích của dịch giả: Khi cho in quyển này, Nietzsche đã chữa lỗi in của ấn cáo cho tới đoạn này và cho phép chạy máy đến đây thì Nietzsche bị bệnh, té ngất quị ngoài đường, rồi từ đó im lặng, hoàn toàn im lặng, "tịch nhiên bất động" cho đến mười năm, rồi chết trong nỗi bí mật của thiên thượng địa hạ…


(Sau đây tôi xin chừa một trang trắng để tưởng niệm ngày linh thiêng Nietzche đi vào sự Im Lặng Hố Thẳm).

Có một số ít sách của những cụ tác giả người Pháp mà tôi vẫn đọc đi đọc lại nhiều lần: tôi chỉ tin tưởng nền văn hoá Pháp và coi tất cả mọi sự khác ở Âu châu ngày nay được gọi là "văn hoá" thực ra chỉ là một sự ngộ nhận thôi – đó là chưa nói đến cái gọi là văn hoá Đức.

Vài trường hợp hiếm hoi nói lên văn hoá cao lớn mà tôi đã được gặp gỡ ở nước Đức này đều có nguồn gốc ở Pháp, đặc biệt như trường hợp của bà Cosima Wagner, đó là tiếng nói hàng đầu đối với những vấn đề văn phong mỹ khiếu mà tôi đã từng được nghe.

Cái việc tôi yêu Pascal, chứ không phải chỉ đọc, như một nạn nhân dạy mình nhiều nhất về Ki-tô giáo, kẻ bị sát hại dần hồi, thoạt đầu bị sát hại về phương diện tâm lý – trọn vẹn luận lý học về hình thể ghê rợn nhất của sự tàn bạo vô nhân đạo này (Dass ich Pascal nicht lese, sondern liebe, als das lehrreichste Opfer des Christentums, langsam hingemordet. Erst leiblich, dann psychologisch, die ganze Logik dieser schauderhaftesten Form unmenschlicher Grausamkeit). Trong tinh thần tôi, tôi lại có – ai ngờ? – có lẽ cũng có cả trong cơ thể - cái chất khinh khoái hăng hái mạnh khoẻ của Montaigne; năng khiếu cảm nhận của con người nghệ sĩ trong tôi đã bào chữa bênh vực những tên tuổi của Molière, Corneille và Racine, bênh vực, không tránh được thịnh nộ, chống lại thiên tài man dại như Shakespeare – tất cả những điều ấy không phải khiến tôi bớt nhận thấy rằng ngay cả đối với những tác giả Pháp gần đây nhất tôi vẫn cảm thấy họ hấp dẫn khi sống chung với tập thể họ. Tôi không thấy thế kỷ nào ở quá khứ mà mình có thể vớt lên được bao nhiêu nhà tâm lý vừa thẩm thấu vừa tế nhị như ở Paris hiện nay: xin đề nghị một số tên ra đây - số tên ấy không phải là ít – xin kể tên quí ông Paul Bourget, Pierre Loti, Gyp, Meilhac, Anatole France, Jules Lemaitre, hoặc xin đơn cử ra đây một tên trong chủng loại hùng cường ấy, một hạng người La Tinh chân thật mà tôi đặc biệt mở lòng, đặc biệt đón nhận, đó là Guy de Maupassant. Thú thực nói riêng với nhau tôi thích yêu thế hệ văn sĩ này hơn cả những bậc thầy của họ, vì tất cả những bậc thầy này, không loại trừ ai hết, đều bị triết lý Đức quốc làm hư hỏng hết cả (chẳng hạn như Taine đã bị Hegel làm hư hỏng đi, Taine ngộ nhận những vĩ nhân và những thời đại vì chịu ảnh hưởng sai lầm của Hegel). Nước Đức lan rộng đến đâu thì nó phá hư nền văn hoá ở đó (Soweit Deutschland reicht, verdirbt es die Kultur). Chỉ có chiến tranh mới "giải toả" tinh thần ở Pháp.

Stendhal, một trong những sự tình cờ đẹp nhất trong đời tôi – vì bất cứ cái gì đánh dấu một biến cố quan trọng trong tôi đều xuất hiện một cách ngẫu nhiên bất ngờ, chứ không do ai suy tiến cả - (Denn Alles, was in ihm Epoche macht, hat der Zufall, niemals eine Empfehlung mir zugetrieben). Stendhal thực là vô giá, cái nhìn tâm lý dự tri của ông, cái tài khéo soi thấu những sự kiện dễ làm ta nhớ đến con người vĩ đại nhất trong những con người hiện thực (ex ungue Napoleonem: từ dấu chân mà mình có thể biết đó là Nã Phá Luân), và điều sau cùng không phải không đáng nói nhất, Stendhal là một vô thần trung thực - một loại người rất hiếm thấy ở Pháp và gần như không thể tìm thấy được - ở đây cũng cần cất nón chào Prosper Mérimée.

Có lẽ tôi cũng đố kỵ cả Stendhal? Ông ấy đã tước mất khỏi tôi lời khôi hài vô thần tuyệt diệu nhất mà đáng lẽ tôi phải nói thế: "cái cớ biện chữa duy nhất của chính Thượng đế là ông ta không có hiện hữu" (Die einzige Entschuldigung Gottes ist, dass er nicht existiert). Đâu đây chính tôi cũng đã nói: điều phản đối lớn nhất cho cuộc hiện hữu từ trước đến giờ là điều gì? Đó là Thượng Đế (Ich selbst habe irgendwo gesagt: was war der grösste Einwand gegen das Dasein bisher? Gott!…)


IV.

Heinrich Heine đã cho tôi ý niệm cao cả nhất về thi sĩ trữ tình. Tôi không tìm đâu ra thứ nhạc điệu say đắm dịu dàng như vậy trong tất cả mọi lãnh vực của lịch sử. Heine có được đức dữ dằn tinh nghịch thần thánh mà thiếu mất đức tính ấy thì tôi không thể nào hình dung nổi sự tận thiện tận mỹ (Er besass jene göttliche Bosheit, ohne die ich mir das Vollkommne nicht zu denken vermag): Tôi đánh giá loài người, chủng tộc, tuỳ theo điều tất yếu mà họ chịu bắt buộc không thể làm gì khác hơn là không thể nào quan niệm thần thánh tách rời ra hạng quỉ thần mình người chân dê (Ich schätze den Wert von Menschen, von Rassen danach ab, wie notwendig sie den Gott nicht abgetrennt vom Satyr zu verstehen wissen)

Và Heine sử dụng tiếng Đức hay tuyệt làm sao! Một ngày nào trong tương lai đây người đời sẽ nói rằng Heine và tôi là những nghệ sĩ thượng đẳng sử dụng tiếng Đức tài ba nhất - vượt xa vô số lên trên hẳn tất cả những gì mà dân Đức thuần tuý đã làm được với tiếng Đức từ trước đến nay (C.T.D.G.: Nietzsche ám chỉ Heine là người Đức gốc Do Thái, còn hạng người Đức thuần tuý thì không làm gì ra hồn cả! Lời tiên tri của Nietzsche đã đúng với sự thật, vì năm 1908, đại văn hào Đức Thomas Mann trong một bài viết về Heine, cũng nhận rằng không có văn chương Đức nào viết hay tuyệt như Heine và Nietzsche. Thomas Mann, Rede und Antwort, 1922, trang 382)

Tôi phải có nhiều huyết thống liên hệ mật thiết với tác phẩm Manfred của Byron TẤT CẢ MỌI HỐ THẲM NÀY, TÔI ĐÃ TÌM THẤY CHÚNG TRONG NGƯỜI TÔI (ICH FAND ALLE DIESE ABGRÜNDE IN MIR), lúc mới mười ba tuổi thôi, tôi cũng đủ chín muồi để hiểu tác phẩm này. Tôi không nói gì cả mà chỉ ném đi một cái nhìn từ cao xuống, cho những kẻ nào dám đọc tiếng "Faust" trước sự có mặt của Manfred (C.T.D.G: Nietzsche so sánh nhân vật Manfred của Byron và nhân vật Faust của Goethe; Nietzsche kính phục Goethe nhưng không phải vì say mê tác phẩm chính của Goethe là vở kịch Faust). Dân Đức không có khả năng có được ý niệm gì về sự cao cả vĩ đại (Die Deutschen sind unfähig jedes Begriffs von Grösse). Bằng chứng: Schumann. Chỉ vì nổi giận với tên Saxon đường mật này mà tôi sáng tác phản tự khúc cho Manfred mà Hans von Buelow nói rằng ông ta chưa bao giờ thấy được sáng tác phẩm nào như vậy được viết trên mặt giấy; ông ấy gọi đó là sự hiếp dâm của nữ nhạc thần Euterpe (C.T.D.G.: Buelow là dương cầm gia và nhạc trưởng, chồng của Cosima Liszt, sau Cosima bỏ chồng mà lấy Richard Wagner).

Khi tôi tìm kiếm phương trình tối thượng của tôi để hình dung Shakespeare thì tôi vẫn luôn thấy điều này: ông ấy đã tạo ra được mẫu người César. Người ta không thể đoán mò được cái loại ấy: hoặc mình là thế hoặc không là thế. Nhà thơ vĩ đại chỉ múc, vớt, lấy lên từ ngay thực tại bản thân (Dergleichen errät man nicht – man ist es oder man ist es nicht. Der grosse Dichter schöpft nur ausseiner Realität) cho đến độ sau đó thi sĩ không còn thể chịu đựng nổi tác phẩm của mình nữa (bis zu dem Grade, dass er hinterdrein sein Werk nicht mehr aushält…).

Khi tôi nhìn lại tác phẩm Zarathustra của tôi thì tôi bước đi bước lại trong phòng tôi cả nửa giờ đồng hồ và không còn có thể dằn được tiếng khóc nức nở quá sức chịu đựng (Wenn ich einen Blick in meinen Zarathustra geworfen habe, gehe ich eine halbe Stunde im Zimmer auf und ab, unfähig, über einen unerträglichen Krampf von Schluchzen Herr zu werden).

Tôi không biết có gì xé nát tim mình cho bằng đọc Shakespeare: một con người đã phải chịu đau khổ biết bao đến nỗi phải cần làm hề như vậy (Ich kenne keine herzzerreissendere Lektüre als Shakespeare: was muss ein Mensch gelitten haben, um dergestalt es nötig zu haben, Hanswurst zu sein!).

Có ai hiểu được Hamlet không? Không phải sự nghi ngờ mà chính điều chắc chắn xác thực đã xô đẩy người ta đến chỗ điên loạn (Nicht der Zweifel, die Gewissheit ist das, was wahnsinnig macht…). NHƯNG MÌNH PHẢI LÀ SÂU THẲM, PHẢI LÀ MỘT HỐ THẲM, MỘT TRIẾT GIA, THÌ MỚI CẢM ĐƯỢC NHƯ VẬY (ABER DAZU MUSS MAN TIEF, ABGRUND, PHILOSOPH SEIN, UM SO ZU FÜHLEN…).

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU SỢ SỰ THẬT (WIR FÜRCHTEN UNS ALLE VOR DER WAHRHEIT…).

Và hãy để tôi thú thực: tôi cảm thấy chắc chắn ngay tận bản năng rằng Lord Bacon chính là kẻ sáng tạo ra loại văn chương quái dị nhất này và cũng là kẻ tự hành hạ mình trong loại văn ấy: cái thứ ba hoa nhảm nhí đáng thương hại của mấy bộ óc nhạt nhẽo ngù ngờ người Mỹ có nghĩa gì đâu đối với tôi? (C.T.D.G: Ý của Nietzsche, chứ chẳng có dính dáng gì với những học giả Mỹ, lý thuyết gia chủ trương Shakespeare chính là Bacon).

Song kiến lực để nhìn thấy thực tại mạnh mẽ nhất chẳng những là tương hợp với mãnh lực cao cường nhất để hành động, để làm việc quỉ quái, để làm việc tội lỗi – mà điều ấy còn là điều kiện tiền lập cho việc ấy (Aber die Kraft zur maechtigsten Realitaet der Vision ist nicht nur vertraeglich mit der maechtigsten Kraft zur Tat, zum Ungeheuren der Tat, zum Verbrechen – sie setzt sie selbst voraus…).

Chúng ta hãy còn chưa hiểu nổi đầy đủ về Lord Bacon, con người hiện thực đầu tiên trong mọi ý nghĩa cao cả, kẻ biết tất cả mọi sự mình đã làm, đã muốn và đã thể nghiệm cho chính bản thân.

Ô hô, xin cút mất đi, hỡi những nhà phê bình thân mến của tôi.

Giá như tôi đã xuất bản tác phẩm Zarathustra dưới một tên khác – chẳng hạn, như tên của Richard Wagner – thì sự sáng trí minh mẫn của hai ngàn năm cũng không đủ để cho người ta đoán rằng tác giả quyển "Menschliches, Allzumenschliches" là kiến giả của tác phẩm Zarathustra.


V.

Nói đến những sự giải trí tiêu khiển của đời tôi, tôi phải nói đôi điều ở đây để tạ ơn đối với cái được coi như sự tiêu khiển sâu thẳm nhất và tâm ngộ nhất của đời tôi. Nhất định rồi, đó là sự giao thiệp thân mật với Richard Wagner. Đối với tất cả sự giao thiệp đi lại của tôi với những người khác, tôi đều coi rẻ, nhưng tôi không hề muốn đổi mất những ngày thơ mộng sống ở Tribschen cùng với gia đình Wagner, dù bất cứ giá nào – đó là những ngày tin cậy, vui đời, đầy những sự việc bất ngờ cao siêu xảy đến, ôi những giây phút sâu thẳm.

Tôi không biết những kẻ khác đã có những kinh nghiệm nào đối với Wagner: đối với tôi, bầu trời giữa Wagner và tôi không bao giờ bị vẩn tối bởi một gợn mây đơn độc nào.

Đề cập đến đây, tôi lại trở lại nước Pháp một lần nữa – Tôi không có lý do nào nữa ngoài sự khinh miệt ở khoé môi, đối với lũ đồ đệ của Wagner, et hoc genus omne (và cả đám chúng), những hạng người cho rằng họ suy tôn Wagner bằng cách tìm thấy ông ấy giống hệt như bọn họ.

Cái lối ăn ở của tôi, hoàn toàn xa lạ hẳn, trong tận bản năng sâu thẳm nhất, đối với tất cả những gì thuộc Đức quốc, xa lạ đến nỗi mỗi khi chỉ trờ tới gần một người Đức là bộ máy tiêu hoá tôi phải bị trệ lại (So wie ich bin, in meinen tiefsten Instinkten allem, was deutsch ist, fremd, so dass schon die Nähe eines Deutschen meine Verdauung verzögert) nhưng lần đầu gặp gỡ Wagner thì đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi, tôi được thở khoẻ khoắn sâu đậm; tôi có kinh nghiệm rõ rệt, có lòng trọng vọng ông ấy như là một miền đất lạ, như một thứ phản đề, một sự chống đối hiện thân nghịch lại hẳn tất cả "những đức tính Đức quốc".

Chúng ta, những đứa con lớn lên trong không khí đầm lầy của những năm từ 1850 cho đến 1860, tất nhiên nhất định phải là những kẻ bi quan đối với ý niệm "Đức quốc tính"; chúng ta không thể làm gì khác hơn là làm những nhà cách mạng – chúng tôi không chịu đựng nổi bất cứ sự trạng nào mà kẻ giả đạo đức lăng xăng lại leo lên đầu thiên hạ. Tôi hoàn toàn lãnh đạm về việc ngày hôm nay hắn có mặc y áo tạp sắc, ăn vận đỏ loè, đồng phục của một tên khinh kỵ binh (C.T.D.G: ám chỉ Đức hoàng Wilhelm II, lên ngôi năm 1888, đồng thời cũng ám chỉ Đế quốc Đức mà Wagner đã trở thành một thứ "anh hùng dân tộc"!)

Những thuở ấy thì Wagner vẫn còn là những nhà cách mạng – ông ta chạy thoát khỏi những người Đức (C.T.D.G: lúc Nietzsche giao du với Wagner thì Wagner sống ở Thuỵ Sĩ).

Mang một tâm hồn nghệ sĩ thì mình không có quê hương nào khác ở cái đất Âu châu này, ngoại trừ sống ở Paris (Als Artist hat man keine Heimat in Europa ausser in Paris), ở Paris: nghệ thuật của Wagner được tiền lập trong điệu tịnh nhuệ trong tất cả năm giác quan thẩm mỹ, những ngón tay thần tình rờ mó ra những khoé cạnh tinh tế vi diệu, tính phong nhu tâm lý, tất cả những điệu lòng này chỉ có thể tìm được ở Paris (die délicatesse in allen fuenf Kunstsinnen, die Wagners Kunst voraussetzt, die Finger für nuances, die psychologische Morbiditaet, findet sich nur in Paris). Không nơi nào khác ở thế gian nầy mà mình thấy được lòng say mê đắm đuối với những vấn đề hình thức, lòng trang trọng đối với việc dàn cảnh – một thứ trang trọng rất mực Paris. Ở nước Đức người ta thiếu mất hẳn mọi ý niệm về lòng xa vọng dị thường sôi động trong tâm hồn của một con người nghệ sĩ ở Paris (Man hat in Deutschland gar keinen Begriff von der ungeheuren Ambition, die in der Seele eines Pariser Künstlers lebt). Những người Đức họ tốt quá, thực thà quá; Wagner không hề như vậy.

Nhưng từ lâu tôi đã nói đầy đủ (trong quyển Vượt qua thiện và ác, Jenseits von Gut und Böse, II, 724f) về việc phải đặt để Wagner vào đâu và những kẻ đồng loại với ông ấy là ai: những nghệ sĩ cao bay ngây ngất như Delacroix, như Berlioz, với căn cơ hay bệnh hoạn, bất trị từ bản chất (von Unheilbarkeit im Wesen), tất cả đều là những kẻ cuồng tín của đạo phát biểu, những bậc kỳ tài diệu thủ từ đầu đến chân…

Kẻ nào là đồ đảng đầu tiên thông minh của Wagner? Đó là Charles Baudelaire, nhà thơ này cũng là kẻ đầu tiên hiểu được Delacroix – tên nghệ sĩ sa đọa kiểu mẫu ấy mà cả một lũ nghệ sĩ đã tự nhận hình bóng họ ở đó – và có lẽ tên ấy cũng là tên cuối cùng (C.T.D.G: tên cuối cùng, đồ đảng thông minh cuối cùng của Wagner).

Tôi không bao giờ tha thứ Wagner. Về việc gì? Về việc ông ta hạ mình với những người Đức – việc ông ta trở thành đồng hóa với cơ đồ của tân Đế quốc Đức (dass er reichsdeutsch wurde…).

Nơi nào nước Đức lan tràn tới thì nước Đức phá hoại văn hoá ở nơi đó (So weit Deutchland reicht, verdirbt es die Kultur).


VI.

Xét cho cùng, tôi không thể chịu đựng được nổi tuổi trẻ của tôi nếu không có nhạc của Wagner. Vì lúc bấy giờ tôi bị đày đọa sống với những người Đức. Nếu mình muốn giải toả khỏi sức đè nặng không thể chịu đựng nổi thì cần phải có thuốc say haschisch. Lúc ấy, tôi phải cần Wagner. Wagner là một thứ giải độc chống trị lại tất cả mọi sự việc Đức quốc – một thứ trị độc, một thứ thuốc độc nữa, tôi không phủ nhận điều ấy.

Từ lúc nghe được một nhạc phổ liên hợp đàn dương cầm cả tác phẩm Tristan – xin gửi lòng chúc từ cho ông von Buelow – thì tôi trở thành tín đồ của Wagner. Những tác phẩm cuối cùng của Wagner thì tôi coi quá thấp dưới tôi – quá tầm thường, quá "Đức quốc tính".

Song cho mãi đến nay tôi vẫn còn đang tìm kiếm một sáng tác phẩm ngang hàng với sự quyến rũ nguy hiểm và sự vô hạn ghê rợn dịu dàng của tác phẩm Tristan – mà vẫn không thể tìm được trong tất cả ngành nghệ thuật. Tất cả những sự kỳ dị bí ẩn của Leonardo da Vinci đã được tước lột ra ngoài sức ma hoặc ở ngay nốt nhạc đầu tiên của Tristan. Tác phẩm này đích thị là tác phẩm rất mực Wagner, với những tác phẩm như MeistersängerRing thì ông ấy chỉ lấy lại từ Tristan. Trở nên mạnh khoẻ hơn nữa, đó là sự thụt lùi đối với bản chất như Wagner (Gesünder werden – das ist ein Rückschritt bei einer Natur wie Wagner).

Tôi cho rằng mình đã được vận may thượng đẳng đã sống đúng lúc giữa những người Đức, đủ chín muồi để thưởng thức tác phẩm vĩ đại này của Wagner: sức thẩm sát tâm lý đã được thể hiện sâu thẳm biết bao trong trường hợp tôi. Thế giới vẫn nghèo nàn đối với bất cứ kẻ nào chưa từng bao giờ đủ bệnh hoạn để được "sự mê ly khoái lạc của hoả ngục" (Die Weil ist arm für den, der niemals krank genug für diese "Wollust der Hölle" gewesen ist): ở đây mình gần như bắt buộc phải dùng để thức ngôn ngữ của hạng đạo sĩ thần bí.

Tôi nghĩ rằng tôi biết rõ hơn bất cứ kẻ nào khác về những sự việc khủng khiếp mà Wagner có khả năng làm nổi – năm mươi thế giới của những cơn xuất thần xa lạ mà không ai có được những cánh bay, trừ ra Wagner, và hiện thể của bản chất tôi, tôi kẻ đủ sức mạnh để biến đổi ngay cả những gì khả vấn nhất và nguy hiểm nhất trở thành lợi lộc cho tôi và như vậy trở nên mạnh mẽ hơn nữa, cho nên tôi gọi Wagner là kẻ ân nhân vĩ đại của đời tôi. Cái việc chúng tôi liên hệ giao du mật thiết nhau, cái việc chúng tôi đã đau khổ quá sâu thẳm, cũng đã đau khổ phiền luỵ với nhau, đau đớn hơn cả khả năng đau khổ của những con người ở thế kỷ này – những sự việc ấy sẽ nối kết tên tuổi chúng tôi với nhau mãi mãi, thiên thu, điều này nhất định chắc chắn như cái việc Wagner chỉ là một sự ngộ nhận giữa những người Đức, cũng như tôi vẫn mãi mãi luôn sẽ bị ngộ nhận như vậy (und so gewiss Wagner unter Deutschen bloss ein Missverständnis ist, so gewiss bin ich’s und werde es immer sein).

Hỡi những người Đức kiêu hãnh, hai thế kỷ của kỷ luật nghệ thuật và tâm lý phải đến trước đã! Song người ta không bắt kịp được điều ấy đâu.
Nguồn: Bản dịch từ nguyên tác tiếng Đức của Phạm Công Thiện. Nhà xuất bản Phạm Hoàng 1969. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.