trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
27.3.2008
Hồng Quốc Lộc
Chiến thắng bị bỏ lỡ hay chiến thắng được tưởng tượng? Một vài ghi chép về cuốn Triumph Forsaken của Mark Moyar
Ðông Hiến dịch
 1   2   3 
 
Dù sao chăng nữa, điều đó không thể lọt qua sự chú ý của Cha Trần Hữu Thanh, một linh mục Công giáo, đồng thời là một lý thuyết gia về học thuyết Nhân vị được Ngô Ðình Diệm và Ngô Đình Nhu áp dụng làm nền tảng tư tưởng của chế độ. [1] Vị linh mục này cho rằng, theo trích dẫn của tờ Informations Catholiques Internationales, sự trỗi dậy của những người theo Phật giáo trong chế độ Ngô Ðình Diệm có nguyên do một phần từ tâm lý chống Công giáo và chống Ngô Ðình Diệm. “Trong trào lưu mới của Phật giáo,” ông ta viết

có một sự hoà trộn giữa lòng chân thành của đám đông và ác tâm của các vị lãnh đạo, những người khai thác tất cả mọi dạng thức của chủ nghĩa dân tộc và mọi hằn thù đối với người Pháp và người Công giáo, đã toa rập với nhau để hình thành chế độ thực dân, và cả những nỗi bất mãn đối với một chính phủ nặng ảnh hưởng Công giáo. Họ dựa vào đó để tạo ra một vấn đề chính trị, đánh lạc hướng nguyện vọng chân chính về tôn giáo của dân chúng và như thế, chặn cửa Thiên chúa giáo. [2]

Sự bất mãn với chế độ mang nặng ảnh hưởng Công giáo của Ngô Ðình Diệm hình như đã lan rộng và sâu trong nhiều tầng lớp người miền Nam không theo Công giáo. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không e ngại gì mà không lợi dụng tâm lý bất mãn nói trên để đối phó với những người chống đối mình. Năm 1974, tức là mười năm sau khi chế độ Ngô Ðình Diệm sụp đổ, có nhiều sự việc khiến Nguyễn Văn Thiệu phải bận tâm, một trong số đó là phong trào Công giáo phản đối chính quyền, với lý do chống tham nhũng do Cha Trần Hữu Thanh khởi xướng. Đáp lại phong trào này, Nguyễn Văn Thiệu đã

ra lệnh cho cháu mình, là Bộ trưởng Thông tin Hoàng Đức Nhã làm suy yếu phong trào bằng cách hạ uy tín người khởi xướng. Nhã đã thuê các phóng viên, dùng bài viết trên các báo ở Sài Gòn đăng những tin đồn về các sai lầm của Cha Thanh, đồng thời nhắc dân chúng rằng chính ông là lý thuyết gia của chủ thuyết Nhân vị của Diệm và Nhu. Việc này khiến Cha Thanh và những cộng sự người Công giáo nổi giận. [3]

Dù cho Moyar không có tham khảo các nguồn tư liệu nói trên, nhưng ông ta hẳn phải biết về sự bất mãn của những người miền Nam không theo Công giáo nói chung và giới Phật tử nói riêng trong những năm trước khi xảy ra Biến cố Cờ Phật giáo, vì đó chính là một chủ đề được đề cập rõ ràng trong một tư liệu năm 1961 mà ông ta đã trích dẫn để củng cố cho kết luận của mình rằng “ngay từ đầu, Ngô Ðình Diệm đã cho phép giới Phật tử thực hiện nhiều hoạt động mà người Pháp đã từng cấm.” [4] Tuy nhiên, điều mà Moyar đã không kể với độc giả của mình là, trong chính tài liệu đó, có một đoạn trả lời phỏng vấn của một Phật tử. Ngoài việc khẳng định rằng “phản ứng với phía Công giáo” là nguyên nhân chính khiến “kể từ năm 1959 có một sự gia tăng rất lớn số lượng cư sĩ Phật giáo có đăng ký chính thức”, Phật tử này còn nêu ra chi tiết về một trường hợp kỳ thị tôn giáo tại một làng ở Quảng Ngãi - tỉnh miền Trung Việt Nam, mà nạn nhân là các Phật tử đồng đạo của ông ta. “Một ngôi chùa Phật giáo”, ông ta mở đầu,

đã được dựng trên một quả đồi từ rất lâu, và đất quanh chùa đã được dùng làm nghĩa địa cho dân làng. Chùa đã bị phá trong chiến tranh với Việt Minh và sau này, khi dân làng muốn phục dựng lại, sư trụ trì đã xin được giấy phép của Giáo hội trung ương cho phép tôn tạo. Họ cũng nộp đơn xin phép ông Tỉnh trưởng về việc phục dựng. Khi nghe được việc này, một linh mục Công giáo cũng lên gặp Tỉnh trưởng để xin giấy phép dựng một bức tượng Đức mẹ trên đồi. Ông Tỉnh trưởng thông qua. Thế là dân làng nổi giận và quyết định tự lo liệu lấy. Trong đêm, họ bí mật dựng lên một ngôi chùa sơ sài, trong khuôn viên có một bức tượng Phật, ngay trên đỉnh đồi. Để trả thù, vị Tỉnh trưởng nọ ra lệnh cho mọi người rời khỏi ngọn đồi và tuyên bố sẽ cắt hết thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho bất kỳ ai vẫn ở lại trên đồi. Một số nhà sư và dân làng quyết định sẽ ở lại trên đồi đến cùng và chấp nhận cái chết, nếu cần. Họ lập luận rằng ông Tỉnh trưởng không có quyền cấp đất trên đồi cho vị linh mục kia, vì đất đó là đất chung của làng. Hơn nữa, trên đó còn có mồ mả tổ tiên – có ý nghĩa thiêng liêng với dân làng. (…) Cuối cùng, Giáo hội Phật giáo trung ương ở Huế kiến nghị ông Tỉnh trưởng rút lại quyết định của mình và ông ta đã cho rút quân và để cho dân làng trở lại ngọn đồi. Tuy nhiên, những người dân làng vẫn sợ rằng, sẽ có một cuộc chiến phía trước đang đợi họ sau khi họ đã thắng một trận đó. Vị linh mục vẫn tiếp tục gây sức ép. Sự việc được đưa lên toà án xem xét, và những người Phật tử vẫn chưa yên lòng vì họ sợ bị trả thù, và họ cũng chưa xây lại được ngôi chùa cho kiên cố. [5]

Nhân chứng Phật tử này sau đó bổ sung rằng “những sự cố kiểu như vậy xảy ra liên tục nhiều lần ở Quảng Ngãi và Bình Ðịnh, và giới Phật tử ở đó cảm thấy “luôn phải chịu sức ép vô hình từ phía chính quyền”. Ông ta cũng nói rằng nhiều Phật tử rất không bằng lòng với nội dung chống Phật giáo trong các bài giảng đạo của các cha cố và linh mục Công giáo Việt Nam.” [6]

Cuộc phỏng vấn đó mang một ý nghĩa rất dễ nhận thấy. Nếu coi những nội dung của nó là khả tín, thì cuộc phỏng vấn nói trên đã góp phần khẳng định những lời nhận xét về kỳ thị tôn giáo của giới Phật tử vào năm 1963. Vì cuộc phỏng vấn trên được thực hiện vào năm 1961, khi mà những sự kiện năm 1963 vẫn còn ngủ yên trong tương lai, và xét một thực tế là khi cuộc xung đột Phật giáo xảy ra, nó đã xảy ra ngay tại một thành phố miền Trung Việt Nam là Huế, không một sử gia hữu trách nào lại có thể bỏ qua cuộc phỏng vấn vào năm 1961. Nếu ông ta không tin những lời người trả lời phỏng vấn đã nói trong đó, thì ông ta cũng phải đề cập đến việc đó và giải thích vì sao mình không tin những lời đó. Chứ không thể lờ phắt nó đi như vậy.

Xét những kết luận của ông ta về cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, hiển nhiên là Moyar không thể lờ đi cuộc phỏng vấn này. [7] Nếu những dữ liệu trong đó là khả tín, thì nó không những đã phủ một đám mây nghi ngờ lên những kết luận của Moyar rằng “ở những vùng nông thôn (…), nơi đang có chiến tranh, không ai quan tâm đến cuộc khủng hoảng Phật giáo,” [8] mà còn bộc lộ sự thiếu ăn nhập trong kết luận của Moyar rằng chỉ có một số ít quan chức cao cấp trong chế độ Ngô Ðình Diệm là người Công giáo. Dưới chế độ đó, hình như là họ có khả năng tạo áp lực có sức quyết định đối với công việc nhà nước mà không cần phải giữ ghế trong chính phủ. Trong trường hợp tỉnh Quảng Ngãi và trong trường hợp mà Nguyễn Hiến Lê đã nêu ra, một cơ quan công quyền sẵn lòng đưa ra quyết định theo lời yêu cầu của một vị Linh mục Công giáo. [9]

Hơn thế nữa, nội dung cuộc phỏng vấn cũng thể hiện rằng giới Phật tử không thụ động như Moyar ngầm kết luận. Khi bàn về các cuộc biểu tình khởi phát tiếp nối sự kiện lá cờ Phật giáo, ông ta phát biểu rằng nhiều Phật tử tham gia biểu tình để “đòi chấm dứt cái mà họ được tuyên truyền là kỳ thị tôn giáo”. [10] Nhưng nếu chúng ta được phép tin những gì mà người Phật tử được phỏng vấn nói với những người Mỹ trong cuộc phỏng vấn năm 1961, thì chúng ta có thể suy luận một cách hợp lý rằng, những Phật tử tham gia phong trào, nhất là những người ở miền Trung, không cần ai rỉ tai họ về động cơ xuống đường để bày tỏ sự phản kháng đối với chính quyền do Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Với những trải nghiệm trực tiếp của cá nhân họ, những người Phật tử có lý do để coi đạo luật về lá cờ tôn giáo như một biểu hiện nữa của chính sách thiên vị Công giáo chứ không phải để nhằm bảo vệ uy tín chính quyền như Moyar nghĩ.

Khi biết nội dung cuộc phỏng vấn năm 1961 có thể tác động tiêu cực đến quan điểm “xét lại” để bênh vực Ngô Ðình Diệm của mình, lẽ ra Moyar nên phân tích kỹ về cuộc phỏng vấn này. Nhưng, không hiểu vì lý do gì mà ông ta quyết định thậm chí không buồn nhắc đến sự tồn tại của tư liệu này với độc giả. Dường như Moyar chỉ quan tâm đến nghi án về bàn tay Cộng sản bên trong phong trào Phật tử, cho đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Ngô Ðình Diệm. Dựa trên những tài liệu tịch thu được từ phía Cộng sản và một số cuốn sách do Cộng sản xuất bản những năm 1990 ông ta kết luận rằng, có sự thâm nhập của những cán bộ Cộng sản trong phong trào Phật tử xuống đường. “Không thể (...) phủ nhận rằng có một số lượng đáng kể những người tham gia biểu tình là người của Cộng sản, kể cả một số nhà sư,” Moyar viết.

Trước đó rất lâu, Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần đóng vai sư sãi và thâm nhập vào các tổ chức Phật giáo, một việc rất dễ làm vì bất kỳ người Việt Nam nào cũng có thể lập tức trở thành sư sau khi cạo đầu, khoác chiếc áo cà sa và thể hiện những hành vi từ bi. [11]

Khi đưa ra những ý kiến này, Moyar đã không chịu công nhận một thực tế là, cho dù thực sự có sự xâm nhập của Cộng sản như ông ta nghĩ, thì tính chính đáng của những yêu sách do giới Phật tử đưa ra cũng không vì thế mà giảm sút. Rốt cuộc, sự xâm nhập nói trên cũng không thể xoá đi những nỗi bất công mà giới Phật tử phải chịu trước sự lộng hành của bên Công giáo, do đó họ có lý do riêng để phản đối chính quyền Ngô Ðình Diệm. Hơn nữa, phong trào Phật tử không phải là đoàn thể duy nhất của miền Nam có khả năng đã bị Cộng sản xâm nhập. Để có cái nhìn toàn diện, lẽ ra Moyar nên bổ sung thêm rằng Cộng sản Việt Nam cũng rất lành nghề trong việc thâm nhập các tổ chức Công giáo cũng như chính quyền miền Nam, dưới vỏ bọc Công giáo. Ví dụ như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người Công giáo trên danh nghĩa, là một điệp viên kiểu như vậy. Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng là hai điệp viên “Công giáo” nổi tiếng khác mà Cộng sản đã cài được vào tận Dinh Tổng thống của miền Nam. [12] Do đó, khả năng bị Cộng sản xâm nhập không thể trở thành lý do duy nhất đủ thuyết phục để kết luận rằng những người Phật tử không có những yêu sách chính đáng khiến chính quyền Ngô Ðình Diệm cần lưu tâm giải quyết.

Cách thức Moyar sử dụng các nguồn tư liệu để chứng minh sự hiện hữu của Việt cộng trong phong trào Phật tử cũng khiến ta cần xem xét lại. “Một vài tài liệu của Cộng sản mà người Mỹ và chính quyền Miền Nam nắm được trong tay cho thấy sự tham gia của Cộng sản trong phong trào Phật tử,” ông ta nói. [13]

Một tài liệu của Cộng sản, đề ngày 27/7/1963 và bị tịch thu sau đó vài tuần, đã nói rằng ở một vài nơi, cán bộ Cộng sản “đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị thông qua việc khởi xướng các cuộc biểu tình chống đàn áp Phật giáo ở tỉnh và các quận.” [14]

Tuy nhiên, một tài liệu của CIA, ngày 16/9/1963, lại thể hiện cách đánh giá chi tiết hơn về vai trò Cộng sản trong cuộc khủng hoảng Phật giáo so với Moyar. Tài liệu đó kết luận:

Chi nhánh CIA ở Sài Gòn nói không có bằng chứng rõ ràng về sự xâm nhập ở mức đáng quan tâm, hay vai trò lãnh đạo của Việt Cộng trong phong trào Phật tử và sinh viên miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, chi nhánh cũng tin rằng có khả năng một số ít lãnh đạo Phật tử và sinh viên là Việt Cộng, hoặc có nhận chỉ thị hay sự hỗ trợ của Việt Cộng, hoặc ít nhất là cũng thiên Cộng hoặc thân Hà Nội. Có những báo cáo cho thấy Việt Cộng đang tìm cách lợi dụng phong trào phản kháng của Phật tử và sinh viên, và chi nhánh cho rằng có nhiều khả năng một số lãnh đạo các nhóm chống đối có đầu óc cơ hội sẽ tiếp nhận hỗ trợ từ bất cứ phía nào.

Một bản báo cáo ngày 17 tháng Tám do [tên bị xoá] viết cho Diệm ghi nhận rằng “các tài liệu thu được từ phía Việt Cộng không đề cập đến vai trò khuấy động của Việt Cộng đối với bất kỳ một biến cố nào, mà chỉ nói đến kế hoạch tận dụng triệt để cơ hội khi có tình huống từ những sự kiện do Mỹ hoặc phe đối lập tạo ra.”
Vào ngày 15/9 [tên bị xoá] báo cáo với một nhân viên của chi nhánh rằng mình vẫn chưa thu thập được bằng chứng cụ thể nào về bàn tay của Việt Cộng trong các vụ biến cố, nhưng chống chế rằng “Bằng chứng mà làm gì? Chúng ta biết những người này mà.” [15]

Xét những lời chính bản thân Moyar nói về sự xâm nhập của Cộng sản trong phần trích nói trên, độc giả có thể sẽ thắc mắc muốn biết ông ta nói như thế nào về tài liệu đó của CIA. Đáng tiếc là không có chỗ nào trong cuốn sách Chiến thắng bị bỏ lỡ, Moyar phân tích sâu hơn về tài liệu đó.

Thay vì bàn rõ và phê phán các thông tin có thể làm lay chuyển quan điểm của mình, thì ông ta lại chỉ dựa vào các tác phẩm nói về cuộc khủng hoảng Phật giáo do Cộng sản xuất bản từ những năm 1990 để chứng minh cho ý kiến của mình. Nhưng một điều dễ thấy là các tác phẩm đó đều mắc phải một vấn đề là chung là tất cả đều đã được hậu kiểm, có nghĩa là nội dung có thể được nắn chỉnh lại sau khi kết cục của những sự kiện lịch sử đã trở nên rõ ràng. [16] Lẽ ra không thể bỏ qua vấn đề trên, nhưng Moyar lại không hề giải thích cho độc giả tại sao họ vẫn nên tin vào những kết luận trong các tác phẩm đó về vai trò của Cộng sản trong phong trào Phật tử.

Tuy nhiên, nhận định về cách sử dụng các nguồn tư liệu của Moyar không phải là phản biện lớn nhất đối với biện luận “xét lại” của ông ta về cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963. Bởi vì ngay cả khi chúng ta, để rộng đường bàn luận, sẵn sàng chấp nhận rằng cách thức vận dụng tư liệu của Moyar là chính đáng, thì kết luận của ông ta cho rằng phong trào phản kháng của Phật tử chống lại Ngô Ðình Diệm cơ bản là do Việt Cộng xách động và lãnh đạo vẫn rất khó thuyết phục. Bởi vì kết luận này không giải thích được sự bất mãn của Phật tử miền Nam đã từng được ghi nhận từ trước khi biến cố cờ Phật giáo xảy ra vào tháng Năm năm 1963. Muốn làm cho quan điểm “xét lại” của mình có tính thuyết phục hơn, thì Moyar cần phải phản biện hoặc giải thích cho xuôi “những bằng chứng về sự bất mãn của Phật tử đối với chính quyền có nhiều biểu hiện thân Công giáo của Ngô Ðình Diệm trước năm 1963 – một số bằng chứng được nêu ngay trong số ra ngày 15/3/ 1963 của tạp chí Informations Catholiques Internationales,” một thách thức quan trọng mà ông ta không giải quyết được. [17]

Moyar cũng nên đưa ra những lời giải thích về vai trò tích cực của Thượng tọa Thích Tâm Châu trong phong trào Phật tử, một vị lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng trong cộng đồng di dân gốc Bắc. Khi bàn về kế hoạch vận động công luận của các nhà sư ở Huế sau sự kiện Lá cờ, Dennis Duncanson lập luận: “[C]ùng với Tăng đoàn ở Sài Gòn, do Thích Tâm Châu lãnh đạo, họ gửi một thỉnh nguyện thư về ‘nhân quyền’ lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc.” [18] Khi cuộc đấu tranh của Phật tử tiếp diễn, “Tâm Châu,” vẫn theo Duncanson,

tạo liên minh qua việc thành lập một Ủy ban Liên tôn với các nhóm Tiểu thừa ở Sài Gòn và một số nhóm Hoà Hảo và Cao Ðài, là những nhóm mà Tăng đoàn Phật giáo trước đây không công nhận là những dòng tu Phật giáo nhưng lại có những ân oán mà họ muốn thanh toán với chính quyền. [19]

Phải chăng vai trò lãnh đạo mà nhân vật “chống Cộng quyết liệt” [20] này đã đóng ngay từ buổi đầu của phong trào Phật tử là biểu hiện cho thấy sự bất mãn của giới Phật tử đối với chính quyền Ngô Ðình Diệm đã đến mức rất sâu rộng?

Thực ra, vì hầu như chỉ chú ý vào sự xâm nhập của Cộng sản mà có vẻ Moyar đã không nhận thấy được rằng phong trào Phật tử xuống đường cũng nhận được sự ủng hộ đáng kể của các lực lượng đối lập phi Cộng sản. “Vào đầu năm 1963,” Nguyễn Thế Anh viết,

gần như ai ai cũng mất lòng tin đối với một chính quyền độc tài và tham nhũng. Để bịt miệng dư luận đang đòi hỏi công bằng xã hội, chính quyền không ngần ngại dùng cảnh sát để đàn áp. Thực vậy, chính quyền Ngô Đình Diệm không lượng thứ với bất cứ cuộc tranh chấp nào, và đặt ra ngoài vòng pháp luật bất cứ ai có thái độ thách thức đối với chính quyền. Hình như không có giải pháp nào khác được nhận biết. Bởi vì nhóm đối lập vũ trang bất hợp pháp của Mặt trận giải phóng dân tộc miền nam Việt Nam - kiểm soát rộng khắp vùng nông thôn, nhưng rõ ràng càng lúc càng bị những nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội chi phối - không gây được chú ý nơi các phe phái chính trị Nam Việt Nam. Họ co cụm lại trong thái độ chờ đợi, càng hơn thế nữa khi chính quyền Mỹ, dù lúng túng vì cách hành xử độc đoán của chính quyền Ngô Đình Diệm, vẫn quyết định tiếp tục sự ủng hộ hào phóng vốn có từ năm 1955, và dù sao đi nữa, có vẻ cũng không dự kiến cho một cuộc chính biến nào cả. [21]

Vì vậy, khi giới Phật tử bắt đầu xuống đường phản đối chế độ Ngô Ðình Diệm,

ngay từ đầu, họ có thể kết hợp được cả một trào lưu chung những bất mãn và tập hợp được dưới trướng nhiều lực lượng đối lập với chính phủ, kể cả những người, đứng ngoài mọi mối bận tâm về tôn giáo, đang tìm kiếm một giải pháp phi cộng sản để chống lại chế độ gia đình trị của họ Ngô. [22]

Nếu những thông tin Nguyễn Thế Anh đưa ra là khả tín, thì những thông tin đó đã có tác dụng củng cố ý kiến cho rằng sự xâm nhập của Cộng sản, nếu có, thì cũng không ảnh hưởng mấy tới tính chính đáng của phong trào đấu tranh của Phật tử. Những thông tin ông ta đưa ra đã cho thấy, không chỉ riêng giới Phật tử, mà nhiều người dân miền Nam không theo đạo Công giáo khác cũng có động cơ riêng để chống lại chính quyền của Tổng thống Ngô Ðình Diệm, [23] bất kể phía Cộng sản hành động như thế nào chăng nữa. [24] Sự bất mãn của dân chúng miền Nam đối với chính phủ Ngô Ðình Diệm đã lên cao đến mức họ nắm lấy phong trào Phật tử làm cơ hội để bày tỏ thái độ phản đối chính quyền một cách phi Cộng sản. [25] Như vậy, ý nghĩa chính trị của phong trào Phật tử,

không phải ở chỗ nó đã tạo ra sự phản kháng, dù trên thực tế có như vậy, mà chính là nó đã tạo nên một môi trường vận động cho rất nhiều lực lượng bất đồng chính kiến ngầm có thể liên kết lại. [26]

Nếu mà một độc giả bình thường có khả năng lượng định mức khả tín của một sử gia chuyên nghiệp, thì hẳn là, riêng về sự kiện phong trào Phật tử, cho đến giờ phút này Nguyễn Thế Anh đã tạo được ấn tượng rằng ông ta là một sử gia đáng tin hơn Moyar rất nhiều. Lý do chính cho phép chúng ta đánh giá các nhận định của ông Anh cao hơn của Moyar là ở chỗ ông Anh đã rất nhất quán với các nguồn tư liệu đã có từ (khá lâu) trước khi xảy biến cố cờ Phật giáo, mở đầu cho phong trào Phật giáo đấu tranh vào tháng Năm năm 1963. Chính vì nội dung các tư liệu đó không hề bị tô vẽ hay chỉnh sửa theo kiểu hậu kiểm, nên chúng có thể được xem là có độ tin cậy khá cao. Những nguồn tư liệu đáng tin cậy đó đã khiến cho các ý kiến của Anh có vẻ có trọng lượng hơn của Moyar.

Ngược lại với tuyên bố của mình, sử gia “xét lại” của chúng ta đã không đánh đổ được quan điểm “chính thống” cho rằng Phật tử miền Nam đã phải chịu sự kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Ðình Diệm. Muốn đạt được mục đích đó, ít nhất ông ta cũng phải cố phản biện những thông tin được nêu trong các nguồn tư liệu được hình thành từ trước Biến cố cờ Phật Giáo như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, trong cuốn sách Chiến thắng bị bỏ lỡ, Moyar thậm chí còn không nhắc đến chúng, dù chỉ là gián tiếp.

Những thông tin không bị phản biện nói trên cho phép chúng ta suy đoán rằng sự bất mãn của giới Phật tử là chính đáng, từ đó khiến chúng ta băn khoăn không biết liệu Ngô Ðình Diệm có giữ được chính quyền hay không, nếu ông ta giải quyết được cuộc khủng hoảng Phật giáo theo cách tương tự như chính quyền Bắc Việt đã áp dụng năm 1956 để hạ nhiệt phản ứng của dân chúng trước hậu quả tai hại của chương trình Cải cách ruộng đất. “Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản,” Moyar viết,

đã thừa nhận chương trình cải cách ruộng đất có “trừng phạt cả những người vô tội”, trong khi ông Hồ và ông Giáp đích thân đến nhiều làng để diễn thuyết nhằm an ủi dân chúng và thuyết phục họ không tham gia các phong trào phản kháng. [27]

Năm 1963, Ngô Ðình Diệm từ chối đáp ứng các yêu sách “chẳng có gì quá đáng” do giới Phật tử đưa ra, [28] vì, theo lập luận của Moyar, nếu làm như vậy, ngoài nhiều hậu quả khác, ông ta sẽ “tạo nên một ấn tượng về sự nhu nhược.” [29] Nhưng khi đối phó với cuộc khủng hoảng Phật giáo theo cách mà ông ta đã thực hiện, vị Tổng thống Công giáo này dường như đã bỏ lỡ cơ hội giành được chiến thắng, một chiến thắng mà theo Moyar đã sắp nằm trong tầm tay trên chiến trường miền Nam.


3. Cơ hội bị lãng phí

Vấn đề liệu có phải Cộng sản đang chịu tổn thất lớn trong những năm cuối của Ngô Ðình Diệm là một câu hỏi mang nhiều tính chất quân sự, và cần phải được giải quyết riêng rẽ. Tất cả những ý kiến tôi nêu trên đều không có ý quy kết rằng kế hoạch chống bạo loạn nhằm trấn áp Việt Cộng đã thất bại. Ngay cả trong trường hợp chúng ta được phép kết luận rằng chương trình cải cách điền địa của ông ta đã đại bại, và giới Phật tử miền Nam phải chịu sự kỳ thị trong những năm ông ta cầm quyền, chúng ta vẫn không thể loại bỏ khả năng Ngô Ðình Diệm là một người thành công trong vai trò người lãnh đạo cuộc chiến. [30] Giá mà Moyar chỉ tập trung vào việc phân tích thành tích quân sự của chế độ Ngô Ðình Diệm, thì hẳn ông ta đã gây được ấn tượng đáng tin cậy đối với khối độc giả trung bình, những người thường không có khả năng để kiểm chứng những lập luận chuyên môn của ngành quân sử.

Với tình thế hiện tại, Moyar dường như đã lãng phí cơ hội đó. Xét cách lập luận đầy tính thiên vị và chủ quan của Moyar về chương trình cải cách điền địa của Ngô Ðình Diệm và nguồn gốc của phong trào Phật tử, bên cạnh nhiều vấn đề khác, ta không khỏi nghi ngờ rằng những phân tích của tác giả về các vấn đề quân sự cũng chủ quan không kém. Tất nhiên, tuy có nhiều lý do hiển nhiên để nghi ngại, ta vẫn không thể lấy đó làm cớ để bác bỏ giả định rằng cách viết quân sử của Moyar có thể là khách quan và hợp lý.

Việc đánh giá xem giả định trên có đúng hay không, và nếu có, thì đúng đến mức nào là một việc mà chúng ta phải giành cho các sử gia chuyên nghiệp. Họ mới thực là những người vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có khả năng tiếp cận các tư liệu cần thiết để đánh giá đúng chất lượng của những phân tích quân sự được nêu ra trong cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ. Vì Moyar đã kết luận một cách vơ đũa cả nắm rằng sự gắn bó chặt chẽ với tư tưởng chính thống của nhiều sử gia trong các trường đại học Mỹ là nguyên nhân gây ra các “lỗ hổng và khiếm khuyết trong việc nghiên cứu (…) chiến tranh Việt Nam”, [31] nên những độc giả quan tâm đến vấn đề này có thể tìm đọc bài phê bình cuốn Chiến thắng bị bỏ lỡ của John Carland, một học giả đã từng làm việc cho Trung tâm Quân sử của Lục Quân Hoa Kỳ và hiện đang làm tại Ban nghiên cứu sử thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. [32]

21/9/2007

Ghi chú: Cho dù tôi rất biết ơn các vị đã đọc và góp ý về bản thảo của bài này, cá nhân tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lỗi lầm vẫn còn nằm trong bài viết này.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Nguyen Ngoc Huy, “Vietnamese History From 1939 To 1975”, trong: Nguyen Ngoc Huy & Stephen B. Young, Understanding Vietnam, the DPC Information Service, Bussum, 1982, tr. 162.
[2]Informations Catholiques Internationales, 15/3/1963, tr. 21.
[3]Huy (1982), tr. 162. Là một chính trị gia khôn ngoan, Tổng thống Thiệu cũng không ngần ngại giúp đỡ những tàn dư của Đảng Cần lao, khi thấy có lợi cho mình. Ngữ (1979), tr. 67: “Để gây thêm thế lực, Nguyễn-Văn-Thiệu đã móc nối với dư-đảng Cần lao Nhân- vị Cách-mạng đảng của Ngô-Đình-Diệm cũ. Ông đã giúp bọn này tiền bạc để họ tổ chức lễ truy-điệu anh em Ngô-Đình-Diệm, Ngô-Đình-Nhu tại Nghĩa-trang Mạc-Đĩnh-Chi. Người đứng ra lo vụ này là Ngô- Khắc-Tỉnh, Tổng- trưởng Văn- Hoá-Giáo-dục và Thanh-Niên và cũng là bà con thân-tín của Nguyễn-Văn-Thiệu.”
[4]Moyar (2006), tr. 216. Tài liệu được dẫn là: “The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government” (“Phong trào Phật giáo Việt Nam và những khó khăn với chính quyền hiện tại”). Để biết thêm chi tiết, xem: Moyar (2006), tr. 457, chú thích 47. Tài liệu này có thể được tải về từ trang: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive. Lưu ý rằng phần một của tài liệu này, được Moyar trích dẫn, cũng gồm có 3 đoạn: “Chính quyền tỉnh quy định điều kiện tiến hành các hoạt động đó. Chính quyền Sài Gòn, đơn cử, thường tỏ ra cứng nhắc hơn các tỉnh khác trong việc để Phật giáo tự do hành đạo, và thường chỉ cho phép tổ chức các lễ hội chẳng hạn, vào những phút cuối”.
[5]“The Buddhist Movement in Vietnam and its Difficulties with the Present Government” (“Phong trào Phật giáo Việt Nam và những khó khăn với chính quyền hiện tại”). Tài liệu này cũng gồm đoạn sau: “Và, sau cùng, nhân chứng nói rằng quyền tự do tín ngưỡng quy định trong Hiến pháp đã bị vi phạm bởi hành động này (ở đây ông ta dường như đã mâu thuẫn với ý kiến trước của chính mình, khi phát biểu rằng Phật tử vẫn đang cố gây sức ép với chính phủ về tự do tôn giáo và thể chế hoá điều này trong Hiến pháp Việt Nam.” Nhân chứng Phật tử này, chắc hẳn đang nói về nỗ lực yêu cầu sửa đổi Nghị định 10, một văn bản pháp luật bị các Phật tử coi là mang tính kỳ thị. Một trong những yêu sách giới Phật tử đưa ra với Ngô Ðình Diệm vào năm 1963 là phải sửa đổi lại văn bản nói trên. Xem: Chính Đạo (2004), tr. 251: “Ngày 10/5, trong cuộc biểu tình qui tụ khoảng 5,000-6,000 Phật tử, tăng ni tại chùa Từ Đàm, Trí Quang đọc diễn văn, kêu gọi bất bạo động và Phật tử tiếp tục treo cờ. Sau đó, đại diện Ủy ban tranh đấu trao cho Thị trưởng Đẳng một Thông Bạch [Manifesto], đòi hỏi 5 điều tương đối ôn hoà: tự do treo cờ; Phật giáo được hưởng quyền dành cho Ki-tô giáo như qui định trong Dụ số 10 [ngày 6/8/1950]; ngưng bắt giữ và khủng bố Phật tử; tự do tín ngưỡng; bồi thường cho nạn nhân ngày 8/5 và trừng trị những người có trách nhiệm. Năm người đứng ký tên là Thượng tọa Tường Vân, Mật Nguyện, Mật Hiền, Trí Quang, và Thiện Siêu. Với đại đa số Phật tử, ‘Dụ số 10 nêu trong Thông Bạch ngày 10/5/1963 có vẻ xa lạ. Dụ này do Bảo Đại ban hành ngày 6/8/1950 liên quan đến qui chế các hiệp hội, đảng phái. Gồm 5 chương, 45 điều. Điều thứ 44 ghi nhận: ‘Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô, và các Hoa kiều lý sự hội sẽ ấn định sau.’ (…) Điều này có nghĩa các tổ chức tôn giáo như Phật giáo, Hoà Hảo, Cao Đài, Islam v.v... đều chỉ được phép hoạt động nếu có sự đồng ý của chính phủ.” (Không dẫn những ghi chú trong bài). Nhưng xem thêm: Dennis J. Duncanson, Government and Revolution in Vietnam, Oxford University Press, 1968, tr. 332. Về những yêu sách của giới Phật tử liên quan đến Nghị định 10, Duncanson phát biểu rằng “trước năm 1963, không hề có một yêu cần sửa đổi nào nhân danh giới Phật tử”. Những thiếu sót của Nghị định số 10, tác giả bổ sung, đã bị sử dụng như một cái cớ để “bọn người xấu lên án chính sách của Chính phủ đàn áp giới Phật tử “người địa phương” nhằm đề cao những công trình phúc lợi, lòng bao dung quảng nạp và đoàn kết chính trị của Nhà thờ ‘đồng minh’ và giới đạo hữu.”
[6]“Phong trào Phật tử Việt Nam và những khó khăn với Chính quyền đương thời”.
[7]Độc giả nên so sánh nội dung của cuộc phỏng vấn trên với những kết luận trong sách của Moyar (2006), tr. 216: “Trong số 4,766 chùa ở miền Nam Việt Nam, 1,275 ngôi được xây dựng trong thời Diệm nắm quyền, rất nhiều ngôi chùa được nhận tài trợ của chính phủ. Chính quyền Diệm cũng cấp ngân sách cho nhiều trường học, lễ hội và các hoạt động khác của Phật giáo. (Không dẫn những chú thích trong sách). Xét nội dung trả lời phỏng vấn, ta có thể thắc mắc không biết việc xây dựng chùa chiền dưới thời Diệm là phải bất chấp sự phản đối hay được nhờ sự ủng hộ của giới chức. Khoản tài trợ bên Phật giáo nhận được thì thật khiêm tốn so với Nhà thờ Công giáo. Những lý lẽ trên cũng không gây được ấn tượng gì với những sử gia như Nguyễn Thế Anh. Xem: Anh (1990), tr. 113-114: “Thật vậy, [Tổng hội Phật giáo Việt Nam] cũng đồng thời chú ý đến các vấn đề giáo dục và cứu trợ xã hội bằng cách xây dựng các trường trung, tiểu học, các nơi chuyên lo công việc từ thiện như trạm xá và cô nhi viện. Nhưng để làm được những việc ấy, giáo hội Phật giáo chỉ có thể trông cậy vào thiện ý của dân chúng, chứ không mong gì đến sự giúp đỡ tài chính của nhà cầm quyền. Việc trùng tu chùa Xá Lợi Sài Gòn năm 1961 - được xem như trung tâm nghiên cứu Phật giáo – đã nhận được sự giúp đỡ của chính quyền chỉ vì hội trưởng Hội nghiên cứu Phật giáo Nam Việt Nam, ông Mai Thọ Truyền, giữ một vị trí quan trọng trong chính phủ.” Moyar phát biểu ngay trong cùng trang sách đó rằng “nguyên nhân người Công giáo chiếm số đông [trong một số cơ quan chính phủ] (…) không phải là do kỳ thị mà là do người Công giáo chiếm tỷ lệ lớn trong tầng lớp có trình độ học vấn cao, một di sản của thời thực dân.” Đáng lẽ ra, để tỏ ra chi tiết hơn, Moyar cần chỉ ra rằng những người chống đối Ngô Ðình Diệm có cơ sở để phát biểu rằng chế độ Ngô Ðình Diệm muốn duy trì lợi thế về trình độ học vấn cho giới Công giáo thông qua tài trợ cho Đại học Công giáo Đà Lạt, là trường đại học tôn giáo duy nhất được mở ở miền Nam dưới thời Ngô Ðình Diệm.
[8]Moyar (2006), tr. 216. Nhưng xem thêm: Moyar (2006), tr. 253. Khi đề cập đến nhận xét của CIA về kết luận của phóng viên David Halberstam của tờ New York Times, ông ta viết: “CIA nhận xét, có rất nhiều bằng chứng chống lại kết luận của Halberstam rằng cuộc khủng hoảng Phật giáo đã làm cho dân chúng và quân đội quay lưng lại với gia đình họ Ngô.” Lẽ ra Moyar nên lấy tài liệu đánh giá này của CIA làm cơ sở để bàn về nội dung cuộc phỏng vấn 1961.
[9]So sánh: Moyar (2006), tr. 457, cước chú 50: “Diệm(...) kịch liệt chống lại những nỗ lực tạo ảnh hưởng lên chính quyền của các cha cố Công giáo.” Ông ta dẫn chứng: Piero Gheddo, The Cross and the Bo Tree: Catholics and Buddhists in Viet-Nam, Sheed and Ward, New York, 1970, tr. 143-145. Xem bài điểm sách: Adam Roberts, “Review: Piero Gheddo, The Cross and the Bo Tree: Catholics and Buddhists in Viet-Nam”, 43 Pacific Affairs, số 4, tr.632- 633 (1970).
[10]Moyar (2006), tr. 217 (những chỗ in đậm do người viết thêm vào).
[11]Moyar (2006), tr. 217 (không dẫn những chú thích trong bài). Cần lưu ý vào mùa hè năm 1963, chính quyền Ngô Ðình Diệm đã từng cố phá uy tín của phong trào Phật giáo, nhưng không thành, bằng cách sử dụng các sư giả. “‘Sư giả’ là sáng chế của họ Ngô–mùa Hè 1963, người ta thấy xuất hiện trên đường phố, rạp hát, tiệm ăn nhiều thanh niên cạo đầu trọc, mặc áo tu sĩ Phật Giáo, chửi thề, ăn nói tục tĩu. Ai cũng biết đây là sáng kiến của nha trảo họ Ngô,” Nguyên Vũ [Vũ Ngự Chiêu] viết trong: Ngàn Năm Soi Mặt, Văn Hóa, Houston, 2002, tr. 37.
[12]Nguyễn Khắc Ngữ, Đại cương về các đảng-phái chính-trị Việt-Nam, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam, Montreal, 1989, tr. 83.
[13]Moyar (2006), tr. 217.
[14]Moyar (2006), tr. 217.
[15]CIA, “The Situation in South Vietnam, 9/16/1963”. Tài liệu này có thể được tải về từ trang:
[16]Xem: Stanley Karnow, Vietnam: A History: Revised and Updated Edition, Pinguin Books, New York, 1991, tr. 557. Khi bàn về nhận định của tướng Võ Nguyên Giáp năm 1990, phát biểu rằng “cuộc tấn công Tết Mậu thân nhằm chứng minh rằng lực lượng Việt Cộng không phải đang kiệt sức hay sắp bị đánh bại như lời tướng,” Karnow viết: “Kết luận của tướng Giáp là có sự hỗ trợ của hậu kiểm, sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ.”
[17]Roberts (1970), tr. 633.
[18]Duncanson (1968), tr. 332.
[19]Duncanson (1968), tr. 333; Chính Đạo (2004), tr. 252: “Tại Sài Gòn, dù chưa trở thành mắt bão, Phật tử biểu tình liên tiếp trong hai ngày 7 và 8/5 để chống lệnh cấm treo cờ và đòi bình quyền tôn giáo. Ngày 9/5, Thượng tọa Tâm Châu, Phó Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo—quyết ‘Tử Vì Đạo.’ Ủy ban này qui tụ 11 Hội đoàn. ( …) Tâm Châu được cử làm Chủ tịch; với Mai Thọ Truyền, Tổng thư ký. Văn phòng đặt tại chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan.” (Internal note omitted).
[20]Karnow (1991), tr. 355.
[21]Anh (1990), tr. 115 (không dẫn các chú thích trong bài).
[22]Anh (1990), tr. 115-116.
[23]Miller (2004a), tr. 258-259. Về các bên ký kết Tuyên cáo chung Caravelle được công bố năm 1960, Miller viết: “Các đại diện ký kết đều là các tay bảo thủ và chống Cộng kiên quyết, thành viên của các nhóm vốn được cho là ủng hộ Diệm. Thực ra, trừ Phan Huy Quát là trường hợp ngoại lệ, hầu hết những người ký trước đây đều là những người ủng hộ Tổng thống, trong đó có sáu người từng làm việc trong nội các đầu tiên của Diệm từ tháng Bảy năm 1954 – một nội các (…) lúc đó được coi là tập trung toàn những người tận trung với Diệm. Nếu Diệm đã đánh mất sự ủng hộ của những thành phần bảo thủ như thế, thì sự bất mãn với chế độ của ông ta hẳn đã lên rất cao.” So sánh với: Moyar (2006), tr. 105: “Bảy trong số mười tám [người ký] là bác sĩ, và đa số những người còn lại đã từng giữ các chức vụ cao trong thời thuộc địa. Tất cả đều là những trí thức Sài Gòn điển hình, thấm đẫm các tư tưởng Tây học và xa rời đại chúng.”
[24]Một bằng chứng xác thực ý kiến của Nguyễn Thế Anh có thể được tìm thấy trong bản báo cáo của Đại sứ Pháp tại Sài Gòn gửi về Paris ngày 10/3/1962, trước khi có sự kiện Lá cờ. Trong báo cáo đó, ông đại sứ viết rằng, ngoài phe Cộng sản, chế độ Diệm cũng phải đối mặt với sự chống đối đang gia tăng từ nhiều người dân miền Nam không theo Công giáo, những người này đang mong đợi một sự thay đổi chế độ. Bản báo cáo này được Vũ Ngự Chiêu tìm thấy và dịch sang tiếng Việt. Xem: Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], Việt Nam Niên Biểu 1939-1975, Tập I-C: 1955-1963, Văn Hóa, Houston, 2000, tr. 248-250. Tài liệu này cần được xem xét cùng với báo cáo năm 1961 của người Mỹ có tiêu đề “Phong trào Phật tử ở Việt Nam và những khó khăn với chính quyền đương thời”, mà chính Moyar cũng đã dẫn.
[25]Chính Đạo (2000), tr. 248: “10/3/1962: Sài-Gòn: Đại sứ Lalouette báo cáo về Paris rằng vấn đề Việt Nam gai góc hàng đầu tại Đông Nam Á (...) ‘Cuộc đánh bom Dinh Độc Lập ngày 27/2/1962 phá vỡ mọi vẽ bình lặng ngoài mặt.
Ngoài Cộng Sản, những lực lượng đối lập không CS gia tăng chống đối Diệm. Cuộc chống đối này, dưới những dạng thức khác nhau, có mẫu số chung là sự oán hờn (la rancoeur) chống lại một thế lực tổng thống độc tài (...). Lực lượng chống đối tập họp những người ái quốc cấp tiến, giới trưởng giả Nam kỳ bị gạt bỏ khỏi những việc công ích bởi những phần tử từ Bắc hay Trung vào tị nạn, những giáo phái bị giải giới và bị nghi ngờ và, một cách tổng quát, tất cả những người không Ki-tô chống lại thiểu số Ki-tô (10 % dân số) đã đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo.
Họ không đòi hỏi sự thay đổi trong chế độ, mà là thay đổi cả một chế độ.’”
[26]Câu này tôi mượn của sử gia Robert Maddox khi ông viết về những sự phản kháng đối với Tổng thống Franklin Roosevelt về kế hoạch thâu tóm Tối Cao Pháp Viện Liên bang: “Ý nghĩa chính trị của trận chiến về Tối Cao Pháp Viện không hẳn là ở chỗ nó đã tạo ra đối lập, dù trên thực tế nó có tạo ra, mà nằm ở chỗ nó đã hình thành một môi trường vận động để rất nhiều lực lượng đối lập ngầm có thể liên kết lại.” Đã được dẫn trong: William E. Leuchtenburg, The Supreme Court Reborn: The Constitutional Revolution in the Age of Roosevelt, Oxford University Press, 1995, tr. 156.
[27]Moyar (2006), tr. 62 (không dẫn chú thích trong bài).
[28]Dù sao đó cũng là ý kiến của Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Đại học Huế năm 1963, một thành viên trong nhóm thân tín của Ngô Ðình Diệm. Ông nói có thể Ngô Ðình Diệm cách chức ông vì đã bao che cho những sinh viên tham gia phong trào Phật tử. “Những nguyện vọng của họ thì ai cũng biết, chẳng có gì quá đáng. Ít ra là lúc bây giờ, đại để là hủy bỏ nghị định cấm treo cờ Phật giáo, trừng phạt thủ phạm gây ra cảnh đổ máu ở đài phát thanh, chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo nếu quả thực chính quyền có chủ trương đó,” ông viết trong: L.M. Cao Văn Luận, Bên Giòng Lịch Sử Việt Nam, 1940-1975, TanTu Research, Sacramento, California, 1983, tr. 236 (tôi tự nhấn mạnh ở những chỗ in nghiêng). Xem thêm: Huy (1982), tr. 94: “Trong khi Diệm cố tìm cách giải quyết vấn đề một cách ôn hoà, ông Thục, ông Nhu và bà Nhu thiên về đối sách mạnh tay với Phật tử. Khiến Phật tử buộc phải gia tăng sự phản đối chính quyền. Ngày 11/6/1963, nhà sư Quảng Đức tự thiêu.” Cũng nên biết rằng, giáo sư Huy, từng là đảng viên Đảng Đại Việt, và phải lưu vong ở Pháp trong thời gian Ngô Ðình Diệm nắm quyền.
[29]Moyar (2006), tr. 213. Moyar cũng nêu ra ngay trong trang sách đó những nguyên nhân khác khiến Ngô Ðình Diệm không chấp thuận các yêu sách của Phật tử. “Hàng loạt các phe phái và nhóm thiểu số khác có thể sẽ đổ xô đến với không biết bao nhiêu yêu sách mới mà chính phủ không thể nào đáp ứng được. Và nếu thoả mãn các yêu sách của Phật tử, Diệm sẽ tự làm yếu đi khả năng tự vệ trước các lực lượng chống đối khác và Việt Cộng – nếu cảnh sát không được phép bắt những người biểu tình tự xưng là Phật tử, chính quyền sẽ không ngăn ngừa được bạo loạn, kéo theo sự giảm sút thể diện quốc gia.”
[30]Moyar phát biểu rằng Philip Catton đã sai lầm “khi chấp nhận quan điểm chung cho rằng Diệm không có khả năng điều hành cuộc chiến một cách hữu hiệu.” Xem: Mark Moyar, “The Current State of Military History”, 50 The Historical Journal, No. I, tr. 233 (2007).
[31]Moyar (2006), tr. xii. Một trong số các sử gia bị công kích đã có ý kiến “phản hồi”. Xem: Seth Jacobs, “Review: Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965”, 94 Journal of American History, No. 1, tr. 332-333 (2007).
[32]John M. Carland, “Review: Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965”, 71 Journal of Military History, No. 2, tr. 591-594 (2007). Xem thêm: Thư của Moyar phê bình bài điểm sách này và bài phản hồi của Carland trong: 71 Journal of Military History, No. 3, tr. 903-907 (2007).