trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
14.4.2008
Nguyễn Học
Trăn trở từ một di sản
 

Tôi đã xung phong trong cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long là kì quan thế giới và cũng luôn tuyên truyền với bạn bè, người thân của mình để bình chọn cho Hạ Long - một di sản tôi hằng yêu thích, ngưỡng mộ và cũng từng “ăn nằm” với nó. Nhưng tôi cũng không thể cầm lòng khi phải chứng kiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” này…


Tôi về Hạ Long vào ngày đầu xuân, giữa ngày Vịnh Hạ Long xếp hạng thứ nhất trên bảng xếp hạng bình chọn kỳ quan thế giới do www.new7wonders.com tổ chức. Niềm vui nhân đôi khi được trở lại một vùng thiên nhiên kì thú hai lần được UNESCO công nhận mà từ lâu tôi vẫn tự hào. Cảng tàu Bãi Cháy vẫn trên bến dưới thuyền, tấp nập người đi lại chen chúc. Xuất hiện nhiều con thuyền hiện đại hơn, tiện nghi hơn, trang hoàng hơn để phục vụ nhu cầu tham quan biển ngày càng cao của các “thượng đế”. Cảnh vẫn thế, núi, biển vẫn thế. Hạ Long vào xuân, vẫn những dãy núi sừng sừng giữa biển từ xa nhìn như một đàn trâu khổng lồ đang nhao ra ngoài phía biển chìm trong mờ sương bàng bạc. Vẫn là sự tuyệt mĩ của sự hoà quyện giữa đá, nước và bầu trời như tôi đã miêu tả trong website chính thức của Ban quản lí Vịnh Hạ Long www.halong.org.vn

Thành phố Hạ Long xinh đẹp nằm bên bờ Vịnh vẫn đang bừng phát, để phát huy tối đa nguồn lực sẵn có để trở thành trung tâm kinh tế chính trị lớn không những của tỉnh Quảng Ninh mà còn của miền Bắc. Đồng thời với đó là những yếu tố tác động không mấy tích cực với môi trường Vịnh Hạ Long làm cho di sản này không khỏi bối rối… Thế nhưng niềm hạnh phúc của tôi như bị nghẽn lại kể từ khi tôi bắt đầu trong vai trò của một khách tham quan đến cảng tàu Bãi Cháy mua vé tham quan Vịnh. Mấy năm công tác ở Vịnh, chưa một lần tôi đi theo cách như thế. Chưa một lần mua vé tham quan, chưa một lần mua vé tàu. Ngày trước cũng được nghe, đọc nhiều ý kiến phàn nàn của khách thập phương về cách thức phục vụ, cách “chém ngọt” của các quầy hàng… Lần này, tôi là khách tham quan và cũng muốn xem tình hình có hơn xưa không. Dẫu sao, tôi xa Hạ Long cũng ngót 3 năm rồi…

Vừa bước chân vào cổng Cảng tàu, một chị dáng người nhỏ nhắn, đội chiếc mũ vải xinh xinh đon đả chào mời đi tham quan, xuống tàu.

“Em đi ghép tàu nhé, chỉ 50.000đ/người thôi. Hai người tròn 100.000đ.”

Thì đi tàu của chị ta, tôi quyết định. Tôi vào mua vé tham quan vịnh và đưa cho chị ta. Sau khi qua cửa kiểm soát xuống Vịnh, hai nhân viên của Cảng tàu vừa bấm xong lỗ vào vé thì chị ta phán ngay:

“Mỗi em nộp 100.000 vé tàu. Hai người hai trăm, nhanh lên để chị còn ghép tàu.”

Tôi chưa kịp hiểu tại sao lại thay đổi tăng giá nhanh đến thế thì đã có một thanh niên đen, cao chạy ngay đến thu tiền. Chưa kịp nói gì, anh ta thúc tôi, nhanh lên để xuống tàu, không có thời gian chờ đợi. Cực chẳng đã, tôi nghiến răng trả tiền cho anh ta và lặng lẽ lên tàu trong một tâm trạng... không vui. Trên con tàu PH hôm đó có một đoàn khách 13 người từ miền Nam, một người Pháp và 2 người giọng Bắc. Đoàn miền Nam cho biết, họ đã đặt tàu riêng với giá 800.000 cho tour 6 tiếng. Còn người giọng Bắc nói với tôi, họ đi ghép tàu, 3 người chỉ mất 200.000 tiền tàu.

Thế là tôi lại hiểu hơn về cái cách kinh doanh, dịch vụ ở đây. Tôi tự nghĩ, không biết có bao nhiêu người chịu cảnh như tôi? Và rằng, với những người lần đầu đến Hạ Long gặp tình huống ấy họ sẽ nghĩ gì về nơi đây? Liệu họ có trọn tình yêu và tình cảm cho di sản không?

Các hang động Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt… đang được khai thác trên Vịnh vẫn thế. Ban quản lí Vịnh vẫn duy trì công tác bảo tồn, phát huy triệt để giá trị ngoại hạng của Vịnh nói chung, các hang động nói riêng. Hang động được bảo tồn nguyên vẹn, không có sự can thiệp thô bạo của con người vào cảnh quan di sản. Đó cũng là một sự khẳng định thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết về bảo tồn di sản với UNESCO của địa phương này. Chẳng biết có phải vì vậy mà ngay cả những chữ viết bằng nhiều màu mực nguệch ngoạc, các vết đục, trạm vào đá của nhưng người đã từng vào hang như muốn đặt dấu ấn khẳng định với lịch sử của các anh Văn Kèo, Văn Cột nào đó trải dọc các hang động từ Thiên Cung đến Đầu Gỗ, Sửng Sốt… mà không hề được xoá đi, làm sạch đi. Phải chăng đó cũng là một giá trị của Vịnh mà người ta thấy cần phải giữa lại? Hay là vì, nó chỉ là trò nghịch dấm dớ của một số người đã viết từ trước khi Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới (năm 1994) để lại nên người ta không chú ý tới. Về phần mình, tôi thấy khó có thể chấp nhận khi trên một di sản tầm cỡ thế giới, lại đang dẫn đầu trong cuộc bình chọn kì quan thế giới lại đầy rẫy những chữ, kí hiệu viết bừa bãi trên hang động quý giá được. Trách nhiệm của cơ quan quản lí ở đâu? Diện mạo đô thị của thủ đô Hà Nội đã bị ảnh hưởng khi phải đổi mặt với những dòng số, chữ quảng cáo khoan cắt bê tông, thông hút bể phốt… trên khắp các bức tường ngoài phố, trong ngõ cũng chẳng là bài học đáng quý lắm sao?

Hang Đầu Gỗ - hang đá chứa đầy giá trị thẩm mĩ cũng các giá trị lịch sử lẫn các huyền thoại lịch sử còn chịu một nỗi đau cơ thể do những người từ nhiều năm trước để lại. Tấm bia đá có từ thời vua Khải Định cho khắc ngoài cửa hang đã không còn nguyên vẹn. Trên mặt bia, trán bia, người ta đục khắc vô số những dòng chữ khó hiểu, khó đọc đè lên cả những chữ thánh hiền tổ tiên để lại khắc trên mặt bia, trên cả quả cầu lửa ở trán bia… làm bộ mặt của tấm bia nham nhở, như một người con gái xinh đẹp mà trên mặt chất chứa vô số những vết rạch chằng chịt… Được biết rằng, mấy năm trước, Ban quản lí Vịnh có cho trùm bạt lên tấm bia và chỉ có một biển chú dẫn về lịch sử, nội dung tấm bia đặt bên cạnh để khách tham quan biết, nhưng nay, bạt được tháo dỡ, bia đá được trình ra, và cả những nét nguệch ngoạc cũng được trình ra…

Cụ Nguyễn Văn Nuôi, ngư dân làng chài Cửa Vạn - người đã tham gia kéo bia đặt tại cửa hang có kể lại cho tôi biết chuyện kéo bia và tôi cũng đã viết trên báo Quảng Ninh ngày 11.4.2004 rằng: Chuyện kéo bia diễn ra vào khoảng trước năm 1945, Pháp bắt dân phu phải đi kéo bia lên hang Đầu Gỗ. Việc kéo bia phải huy động tới 200 thanh niên trai tráng khoẻ mạnh, Ngày ấy, dân phu phải đem theo cơm nắm để ăn chứ không được chi trả đồng nào. Trên bia đá ghi rõ “Khải Định tam niên” (Khải Định năm thứ 3 – 1918). Thuyền lớn chở bia cập sát chân hang Đầu Gỗ và cánh dân phu có nhiệm vụ phải kéo bia vào hang, chỗ cửa hang có độ cao 27m so với mặt nước biển, sườn núi lại gập ghềnh, lởm chởm đá vôi. Ngày đầu, do bia quá nặng không thể kéo lên nổi sang ngày hôm sau mới kéo được. Đầu tiên người ta dùng dây dứa, nhưng bị đứt sạch. Sau đó dùng dây cáp mới chịu nổi. Thân bia được chuyển lên trước, 40 người ở bên trên hang kéo, còn một số ở dưới đẩy lên. 200 người thay phiên nhau để chuyển bia…

Bây giờ, tấm bia mang thương tích chằng chịt trên mình, chẳng biết các nhà quản lí, các nhà văn hoá sẽ ứng xử với tấm bia như thế nào hay cứ vẫn để đó trơ gan cùng tuế nguyệt giữa biển cả mênh mông. Nghe chuyện xưa, xem thực tại thấy đau lòng…

Nâng niu, trân trọng các giá trị truyền thống chẳng phải bằng những mĩ từ mà cần bằng việc làm thiết thực. Tôi e rằng, khi Vịnh Hạ Long càng được tôn vinh, khi khách du lịch trong nước, quốc tế đến Hạ Long ngày càng nhiều thì các vết vẽ, đục trên hang, cả tấm bia thương tích kia nữa – sẽ làm giảm giá trị văn hoá của di sản thiên nhiên này, đồng thời cũng làm giảm đi sự ngưỡng mộ tính truyền thống quý báu của dân tộc.

Thấy rằng, để cuộc vận động bình chọn Vịnh Hạ Long sẽ thu được kết quả viên mãn hơn nữa không phỉ chỉ ở công tác vận động, tuyên truyền… mà ở chính thái độ, hành vi của những người dân bản địa, ở hoạt động quản lí, bảo tồn Vịnh Hạ Long của các cơ quan quản lí di sản này. Đó cũng là sự vận động lớn nhất, ý nghĩa nhất, có giá trị hơn và sẽ thu được nhiều số phiếu bầu chọn hơn cả. Bởi vì, để là kì quan thế giới, không chỉ ở số phiếu bầu chọn mà là ở tâm thức của mỗi người với kì quan ấy./.

Hạ Long – Hà Nội, đầu xuân 2008

Nguồn: Tạp chí Biển Việt Nam, số tháng 3 năm 2008