trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
24.11.2003
Nguyễn Hưng Quốc
...và những thứ con khác
 
Về phương diện ngôn ngữ, hình như trên cơ thể con người chỗ nào cũng thoang thoảng mùi... các loài vật: thú vật, súc vật, côn trùng, chim cá, và cả các giống vật chỉ có trong huyền thoại. Này nhé, đầu thì có đầu hổ, đầu trâu, đầu chó, đầu rồng, đầu hươu, đầu rái cá, đầu voi, đầu rắn...; mặt thì có mặt chuột, mặt dơi, mặt khỉ, mặt ngựa, mặt gà mái; mắt thì có mắt lươn, mắt cú vọ, mắt phượng, mắt bồ câu, mắt nai, mắt ếch, mắt ốc bươu; mũi thì có mũi kéc, mũi trâu, mũi kỳ lân; râu thì có râu hùm, râu dê hay râu cá trê; miệng thì có miệng hùm, miệng cá ngao, miệng lằn (lưỡi mối); lưng thì có lưng ong, lưng tôm; chân thì có chân voi, chân le, chân vịt; còn trong nội tạng thì nào là phổi bò, gan sứa, gan thỏ hay gan cóc tía, nào là máu dê, ruột ngựa, dạ sói, lòng lang, v.v...

Sự xuất hiện của tên gọi các loài động vật trong các từ ghép kể trên không cho thấy quan niệm của người Việt Nam về con người nói chung mà chủ yếu cho thấy cách nhìn của họ về các loài động vật ấy: trong quá trình ẩn dụ hoá, động vật không còn là những con thú, những con vật cụ thể nữa mà đã trở thành những biểu tượng, những đặc điểm chung nhất có thể chia sẻ được với loài người. Từ chức năng định danh, chúng biến thành định tính. Sự chuyển hướng ấy không những làm mở rộng ý nghĩa của các danh từ chỉ động vật mà còn làm chuyển cả từ loại của chúng: từ danh từ biến thành tính từ, trạng từ hay động từ.

Ðiều thú vị là mức độ chuyển nghĩa và chuyển từ loại ở mỗi loài vật rất khác nhau. Không phải con thú nào được đặt nhiều tên cũng đều có khả năng chuyển nghĩa và chuyển từ loại rộng rãi. Như cọp, chẳng hạn. Trong rất nhiều tên gọi khác nhau của giống cọp, chỉ có hai tên hổ và hùm là được sử dụng như một hình dung từ, chỉ sự dữ và độc, trong các từ ghép: rắn hổ, nhện hắc hổ hay nhện hùm, v.v… Riêng chữ cọp, từ lâu, đã biến thành một ẩn dụ: cọp cái, chỉ những người đàn bà hung hãn. "Cọp", khi được dùng như một trạng từ, chỉ hành động xài bòn, lợi dụng, thiếu sòng phẳng. Trong Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, các ví dụ của chữ "cọp" này được nêu lên là: đi xe cọp, chơi cọp, hút cọp, đọc báo cọp, coi hát cọp. Theo sự hiểu biết của tôi, hình như chỉ có nhóm từ "đọc báo cọp" và "coi hát cọp" là phổ biến. Trong các trường hợp khác, hình như người Việt Nam thường dùng chữ "chùa" hơn là "cọp": ăn chùa, ở chùa, đi chơi chùa, hút thuốc lá chùa, v.v… Hơn nữa, chữ "cọp" này hình như ra đời khá muộn và chỉ thông dụng ở miền Nam: hầu hết các từ điển xuất bản ở miền Bắc đều không có từ này. Trong Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng chưa thấy có.

Kể ra, quá trình chuyển nghĩa từ một cái gì độc dữ hay hung hãn (rắn hổ / cọp cái) đến hình ảnh những kẻ xài bòn, chỉ thích đọc ké, đọc chùa, chứ không chịu mua và trả tiền đàng hoàng rõ ràng là một chuyển biến thú vị, ở đó, uy thế và hào quang của loài chúa tể sơn lâm dường như không còn nữa. Cọp bị truất ngôi.

Tương tự là trường hợp của con cò. Trong ca dao Việt Nam, con cò là một trong những con vật xuất hiện nhiều nhất, và nói chung, với nhiều ưu ái nhất. Cò được xem là hình ảnh của những người dân quê thật thà, chất phác, hay lam hay làm và chịu thương chịu khó, thỉnh thoảng, còn bị oan khuất nữa. Trong lãnh vực ngôn ngữ, cò là một trong những chữ có khả năng chuyển nghĩa rộng rãi và đa dạng nhất trong các từ chỉ động vật. Trước hết, cò có nhiều loại: cò bợ, cò dang, cò đen, cò đĩa, cò độc, cò hương, cò lửa, cò ma, cò ngà, cò trâu, cò quăm, v.v… Không phải cò nào cũng trắng nhưng dù sao màu trắng cũng là màu chủ đạo của giống cò; do đó, cò trở thành từ đồng nghĩa với trắng. Ở Nam Bộ, người ta gọi vịt trắng là vịt cò, chó trắng là chó cò, và trâu trắng cũng là trâu cò… Hình ảnh mảnh mai và gầy guộc của cò thâm nhập vào hình ảnh của con người với cổ cò và thân cò (nhớ hình ảnh bà vợ của Tú Xương: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng"). Hình ảnh có "cái cổ cong cong" và "cái cẳng cao cao" ấy cũng trở thành tên gọi của một số vật dụng: chiếc bẫy cò ke và cái cò trong các khẩu súng hiện đại. Ði lóm thóm, chúng ta nói: cò rò. Ðứng hay ngồi thu mình lại, chúng ta nói: co ro, hẳn là biến âm của chữ cò rò vừa kể. Tính cần cù, hiền lành và từ tốn của cò làm nảy ra các tính từ "cò con" và "cò rỉa" chỉ những việc làm có quy mô nho nhỏ, lợi lộc nho nhỏ, với những tính toán và những ước mơ nho nhỏ. Cò kè thì mang âm hưởng xấu hơn, không chừng do ảnh hưởng của Truyện Kiều với hình ảnh của Mã Giám Sinh, nhất là lúc mua Thuý Kiều "Cò kè bớt một thêm hai…" Dù sao, điều thấy rõ nhất là càng ngày chữ cò càng nghiêng về những hình ảnh tiêu cực. Ở Việt Nam hiện nay, chữ cò được sử dụng rất rộng rãi: cò đĩ điếm, cò bến xe, cò bệnh viện, cò nhà đất, cò thi cử, cò lao động xuất khẩu, v.v… Ở đâu cò cũng ám chỉ những người mối lái, mánh mung, chụp giật, chuyên làm những điều bất chính và bất hảo. [1] Từ hình ảnh những người lam lũ trong "cái cò đi đón cơn mưa" và những người chịu oan khuất trong "không, không, tôi đứng trên bờ / mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi", cò hiện đại lại là những kẻ đi lừa gạt người khác. Cũng là một thoái bộ. Y như cọp.

Hình như trong tiếng Việt, và từ đó, trong tâm thức người Việt, con heo chưa bao giờ là biểu tượng của cái gì tốt đẹp cả. Nghĩ đến heo, người ta thường nghĩ đến thói tham ăn, lười biếng, dơ dáy và ngu ngốc: lười như heo, dơ như heo, ngu như heo, v.v… Sau này, có lẽ do ảnh hưởng của phương Tây, heo còn tồi tệ hơn nữa: nó trở thành biểu tượng của nhục dục, thậm chí, dâm dục: con lợn lòng hay phim con heo, v.v…

Các con vật khác ít thay đổi hơn. Voi và trâu được xem là biểu tượng của sự to lớn, dềnh dàng, do đó, chúng ta có sâu voi, châu chấu voi, cá voi, chân voi... ruồi trâu, đỉa trâu, hổ trâu… Có thai quá ngày mà không sinh được, người ta gọi là chửa trâu hay nghén trâu... Ðể tả tính cách của con người, nói đến rùa là nói đến sự chậm chạp; nói đến gấu là nói đến sự dữ dằn; nói đến cáo hay rắn là nói đến những mưu mô thâm độc; nói đến ruột ngựa là nói đến sự ngay thẳng nhưng nói đến tính ngựa thì lại nói đến sự dâm đãng ở phụ nữ, tương tự như chữ dê xồm dành cho nam giới. Ngoài ra, một số tên động vật cũng trở thành hình dung từ miêu tả một trạng thái nào đó của con người hay liên hệ đến con người: bơi bướm, tin vịt, học vẹt, nảy đom đóm, ngủ gà (ngủ gật), chim chuột, nhảy (lò) cò, v.v…

Liên quan đến việc chuyển nghĩa và chuyển từ loại, có vài chữ thật thú vị. Như chữ khỉ, chẳng hạn.

Trong tiếng Việt có nhiều từ để chỉ khỉ: hầu, khỉ, khởi, khẹc, khọn, [2] tườu, nỡm, bú dù, đười ươi, vượn và nghề. [3] Mười một từ. Như vậy, số lượng từ vựng chỉ khỉ bằng, thậm chí, còn nhiều hơn cọp và chó. Mà kể cũng có lý. Ngày xưa, ruộng đồng còn gần rừng núi, khỉ hay xuất hiện phá hoa màu, do đó, người dân hay bị khỉ ám ảnh. Nghe kể, người ta tin là khỉ có thể hiểu được tiếng người cho nên mỗi lần nhắc đến chúng, nhất là để than thở hay oán trách, người ta thường gọi chệch tên chúng đi. Danh sách tên gọi của khỉ, do đó, cứ dài ra mãi. Nhưng có điều lạ là, dù bị phá hoại mùa màng, hình như người Việt Nam không sợ và cũng không ghét khỉ lắm. Trong tiếng Việt, chữ khỉ chỉ gợi lên ấn tượng về thói láu táu, phét lác, nghịch ngợm và phá phách. Những lời mắng liên quan đến khỉ khá nhiều nhưng hầu hết đều có ý nghĩa khá nhẹ, có khi chỉ là mắng yêu, và thường thì thoáng chút bỡn cợt: "Ðồ con tườu!", "Ðồ con khẹc!", "Ðồ nỡm!", "Ðồ bú dù!" hay "Ðồ khỉ gió!", "Ðồ khỉ đột, thấy mà ghét!", "Khỉ mốc, đừng tưởng bở!", "Chẳng ra cái khỉ khô gì cả!", v.v... Những chữ như khỉ cùi, khỉ độc, khỉ đột, khỉ gió, khỉ khô, khỉ mốc... nghe, thoạt tưởng nặng, ngẫm lại, thấy cứ nhẹ thênh thênh.

Những con vật khác thì không có âm hưởng nhẹ nhàng như thế. Ðồ cáo già, đồ rắn độc, đồ trâu bò, đồ đĩ ngựa, đồ dê xồm, đồ sâu mọt, đồ mèo mả gà đồng, v.v... đều nặng nề. Nhưng nặng nhất là những lời mắng có từ tố chó. Lời mắng với những con vật khác nhằm lên án một khía cạnh nào đó trong tính cách của người bị mắng: hoặc quỷ quyệt, hoặc độc ác, hoặc ngu xuẩn, hoặc dâm đãng, v.v... Còn lời mắng có từ tố chó, từ "chó" đến "chó má", "chó chết", 'chó ghẻ"... đều nhằm phủ nhận toàn bộ tư cách làm người của người đó. Một sự phủ định toàn diện và tuyệt đối.

Chữ 'cóc" cũng là một từ phủ định, nhưng ý hướng phủ định thì khác hẳn. Ðó là sự phủ định kèm theo hàm ý thách thức. Phủ định và thách thức. "Cóc cần" là không cần, hơn nữa, dù thế nào đi nữa cũng không cần. "Cóc ngán" là không ngán, hơn nữa, dù thế nào đi nữa thì cũng vẫn không ngán. Kết hợp phủ định với chữ "cóc", do đó, mạnh mẽ và dứt khoát hơn hẳn kết hợp phủ định với từ "không" hay "chẳng" hay "chả" quen thuộc.

Trong hầu hết các trường hợp, những chữ cóc mang ý nghĩa phủ định ấy đều có thể được thay thế bằng một trong ba chữ khác: nõ, đách và đếch:

cóc cần, nõ cần, [4] đách cần, đếch cần;
cóc thèm, nõ thèm, đách thèm, đếch thèm;
cóc sợ, nõ sợ, đách sợ, đếch sợ;
cóc ngán, nõ ngán, đách ngán, đếch ngán, v.v...

Nhưng nõ, đách hay đếch nghĩa là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân: "Nõ: Bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông"; [5] "Ðách: Cơ quan sinh dục của đàn bà". Trong Việt Nam Tự Ðiển, Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ giải thích chữ "đếch" ("đách") hơi khác: "Ðếch: Ðách, chất nhờn, dơ trong âm hộ." Ðịnh nghĩa này có vẻ gần với cách hiểu của Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt Bồ La: "Ðếch: tinh khí con người". Khác, hơi khác, nhưng dù sao nó cũng liên quan đến bộ phận sinh dục của phụ nữ. Và như vậy, thực chất của những cách nói quen thuộc như "nõ sợ", "đếch sợ" hay "đách sợ" là gì? Là, xin lỗi, nói một cách nôm na, "Sợ cái con c." hay "sợ cái l."

Tục tĩu quá chăng? Trước khi đánh giá, xin lưu ý bạn đọc một điều: Trong tiếng Anh hiện nay, chữ Testament sang trọng biết chừng nào. Nó là tên của thánh kinh đấy: Old Testament = Cựu Ước; New Testament = Tân Ước. Chữ Testament có động từ là testify có nghĩa là khai, tuyên thệ hay làm chứng. Nhưng từ nguyên của testify là gì? Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng một trong các giả thuyết ấy là: chữ testify bắt nguồn từ testis nghĩa là... hòn dái. Theo giả thuyết này, ngày xưa, dĩ nhiên là xưa lắm lắm, ở La Mã, mỗi lần ra trước toà án, người ta thường đặt tay lên bộ phận sinh dục của mình mà... thề. [6] Thì, có gì đáng ngạc nhiên đâu? Thời ấy, lâu rồi, với tín ngưỡng phồn thực, [7] người ta từng xem các bộ phận sinh dục là những vật linh thiêng. Người ta phong thần cho chúng. Người ta tạc tượng chúng. Người ta bày chúng ở những nơi trang trọng nhất để thờ. Thờ được thì dùng để thề cũng được, sao lại không?

Theo chỗ tôi biết, trong khi có vô số bằng chứng về sự hiện hữu của tín ngưỡng phồn thực tại Việt Nam, [8] chưa có bất cứ chứng cớ gì, dù xa dù gần, cho thấy người Việt Nam từng đặt tay lên bộ phận sinh dục để thề thốt cả. Thề, chúng ta chỉ tay lên trời hoặc xuống đất mà thề. Bộ phận sinh dục, chúng ta chỉ gọi tên hay vỗ vào đó khi cần chửi nhau mà thôi. Hồi nhỏ, ở Việt Nam, tôi đã từng thấy rất nhiều lần trong làng xóm hoặc những nơi tôi tình cờ đi qua, hình ảnh những phụ nữ đứng dạng chân, trước hằng trăm cặp mắt chăm chú ngó, vỗ tay đồm độp vào giữa háng của mình, đòi đối thủ phải bú, phải liếm hay nhét đầu vào đó. Tôi cứ nghĩ đó là cách hành xử của những người ít học. Mà hình như không hẳn thế. Cách đây mấy năm, đọc cuốn Ghi của Trần Dần, tôi bắt gặp một câu văn mà tôi rất thích. Trong một đoạn nhật ký viết rải rác từ ngày 20 tháng 9 đến ngày 1 tháng 10 năm 1954, nhân nhắc đến các chủ trương bắt mọi người phải học tập chính trị liên tục của chính quyền miền Bắc ngay sau hiệp định Geneva, Trần Dần viết:

"Tôi muốn tả được những chiến sĩ cố nông lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Và cũng người chiến sĩ cố nông chỉ muốn lấy thân mình làm túi cơm giá áo. Những người chiến sĩ xô vào lửa quên mình và những chiến sĩ sĩ chùn về sau xó bếp, cháy quần vì rang ngô. Người anh hùng và người dút dát. Người đang dút dát thành anh hùng. Người đang anh hùng tụt xuống dút dát. Người lấy súng bắn địch và người lại lấy súng tự thương. Những người chiến sĩ lầm lì và những người chiến sĩ ba hoa. Người thuần, người ngổ ngáo. Người chỉ biết phục tùng, người hay cãi bướng. Và đa số là ngại học tập, ngại nghe đả thông. Ngại nghe cán bộ nói nhiều. Ngại bị 'nắm tư tưởng'. Nắm, nắm con cặc." [9]

Tôi thích cái câu cuối cùng ấy. Nó hiên ngang. Nó hùng dũng. Nó đầy khí lực và khí thế. Và tôi tin là tôi hiểu được tại sao Trần Dần lại hạ bút viết như vậy. Cũng như tôi hiểu tại sao ngày xưa Nguyễn Công Trứ từng hạ bút làm thơ "Ðéo mẹ nhân tình đã biết rồi".

Sống trong một xã hội như xã hội Việt Nam, chỉ có thánh may ra mới không biết chửi tục.

Melbourne 20.11.2003
© 2003 talawas


[1]Ví dụ, trên báo Công An thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 1.12.1998, có một bài viết nhan đề là "Một loại cò... cao cấp" viết về những người tổ chức mua bán hàng lậu với các tàu hàng nước ngoài. Mở đầu bài viết, tác giả định nghĩa chữ cò mới này như sau:

"Trong nền kinh tế thị trường luôn xuất hiện một lớp người vô công rồi nghề làm ăn không chính đáng, chuyên đi rủ rê, thậm chí chụp giật mà chúng ta quen gọi là cò. Cò có đủ loại, đủ mọi thành phần tuổi tác, nghề nghiệp: cò bệnh viện, cò bến tàu, bến xe, cò ăn chơi mại dâm, cò nhà đất, v.v..."

[2]Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của nêu ví dụ: "Làm con khọn: làm chẳng nên sự gì (tiếng mắng).
[3]Trong Việt Nam Tự Ðiển, Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa "nghề" là: "Con khỉ: Bộ dạng như con nghề." (tr. 1056). Ngoài ra, Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ cũng ghi thêm một chữ nữa, chữ "may" với lời giải thích là: "Tiếng gọi khỉ: May! May!" (tr. 879). Tôi phân vân không biết có thể xem "may" là một tên gọi khác của khỉ hay không.
[4]Cách dùng chữ "nõ" như thế này hình như không còn thông dụng lắm thì phải. Tuy nhiên, nó cũng đã được ghi nhận trong từ điển. Các kết hợp với "nõ" được Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ nêu ra: nõ cần = đâu cần; nõ là = chẳng cứ là; nõ lo = không lo, chẳng cần lo. Huỳnh Tịnh Của cũng ghi nhận một số kết hợp tương tự trong phần chữ "nõ": nõ lo = chả lo, chẳng thèm lo; nõ sợ = chẳng sợ; nõ thèm = chả thèm.
[5]Cả Huỳnh Tịnh Của lẫn Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ đều không ghi nghĩa nõ là dương vật. Tuy nhiên, ý nghĩa ấy khá hiển nhiên, không có gì phải hoài nghi cả: trong lễ hội "nõ nường" ở Vĩnh Phú, nường là cái mo cau, tương trưng cho âm hộ và nõ là cái chày bằng gỗ vông tượng trưng cho dương vật.
[6]Xem, ví dụ, trong The American Heritage, Dictionary of the English Language, ấn bản lần thứ tư, 2000, mục từ "Testis", hay bài "Chín nẻo thuyền quyên" của Nguyễn Hoàng Văn trên tạp chí Việt số 4 (đầu năm 2000) (http://tienve.org)
[7]Hình thức tín ngưỡng dân gian, thờ sinh thực khí (bộ phận sinh dục) và hành vi tính giao.
[8]Xem Ðỗ Lai Thuý (1999), Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, Hà Nội: nxb Văn hoá Thông tin, tr. 55-104.
[9]Trần Dần (2001), Ghi (Phạm Thị Hoài biên tập và hiệu đính), Paris: td mémoire, tr. 47-8.