trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
12.5.2008
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Ngày 28 tháng 4 năm 1993

I. Phải giải quyết vấn đề chế độ sở hữu

Triệu nói: áp dụng chế độ cổ phần lấy chế độ công hữu làm chủ thể không giải quyết nổi việc cải tạo doanh nghiệp quốc hữu, bởi vì đều là chế độ công hữu, không khác gì trước đây. Chỉ cần vấn đề tự chịu lỗ lãi không giải quyết, chỉ giải quyết sự thay đổi cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh thôi thì cũng như không, nhất thiết phải giải quyết vấn đề sở hữu. Ông cho rằng áp dụng phương thức dân doanh quốc hữu, phương thức cho thuê cũng như hợp doanh với nước ngoài để bảo đảm giữ được giá trị của tài sản quốc hữu cũng như của hợp doanh với nước ngoài là tương đối thích hợp; đương nhiên những biện pháp, phương thức khác như khoán, bán đi và cổ phần hóa cúng như chia ra thành những đơn vị hạch toán nhỏ tiến hành hạch toán độc lập v.v… cũng có thể áp dụng. Nhưng bất kể như thế nào đều phải đẩy doanh nghiệp quốc doanh ra thị trường đề phải tự chịu lỗ lãi.

Thể hội [hiểu biết] của tôi là: sở dĩ Triệu luôn luôn nhấn mạnh không tiến hành mổ xẻ lớn với doanh nghiệp quốc doanh không được, không giải quyết chế độ sở hữu, làm minh bạch quan hệ quyền tài sản không được, là dựa trên một nhận thức rõ ràng chính xác của ông, tức là: chế độ sở hữu đều đã thất bại ở Đông Âu, Liên Xô; trước đây Trung quốc thực hiện trình độ công hữu hóa cũng đã vượt quá tiêu chuẩn phát triển sức sản xuất xã hội, phải lùi trở lại, thực hiện cải tạo triệt để. Thực hiện kinh tế thị trường phải xác định rõ quan hệ quyền tài sản.


II. Bi kịch của Stalin, Mao Trạch Đông là ở chỗ không được học bù về chủ nghĩa tư bản

Triệu nói: thực tiễn loại chủ nghĩa xã hội mà Đông Âu, Liên Xô và Trung Quốc tiến hành hơn nửa thế kỷ thuyết minh, ở những nước lạc hậu, tại các nước đang phát triển sau khi cách mạng giành được thắng lợi không thể thiết lập ngay lập tức chủ nghĩa xã hội mà phải học bù về chủ nghĩa tư bản. Ông cho rằng: ở những nước này điều kiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội còn chưa đầy đủ, càng không thể nói đến chuyện đã thành thục mà miễn cưỡng xây dựng chủ nghĩa xã hội tất sẽ phát triển dị dạng, làm cho chủ nghĩa xã hội biến hình. Đó là do con người thực hiện một cách nhân tạo, đông đảo quần chúng không đồng ý, áp dụng lãn công tiêu cực, thậm chí phản đối; thế là phải sử dụng thủ đoạn cưỡng bức, thực hiện chính sách áp lực cao, thậm chí không ngần ngại dùng biện pháp trấn áp, thế là tự nhiên phải nhấn mạnh chuyên chính, tăng cường thống trị, thực hiện độc tài cá nhân và sùng bái cá nhân; đồng thời dùng phê đấu hoặc trấn áp những người bất đồng chính kiến, cũng như vậy, cá nhân Stalin và Mao Trạch Đông đã đi vào bi kịch. Triệu cho rằng bất kể là Liên Xô cưỡng bức thực hiện tập thể hoá nông nghiệp hoặc ở Trung Quốc áp dụng lực quyền uy thực hiện chế độ công xã nhân dân “một là lớn, hai là công hữu” thì sự phá hoại của chúng đối với sức sản xuất cũng đều rất lớn; số người chết cũng cực nhiều! Vì thế Gorbachev nói: thí nghiệm tiến hành chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một “bài học đau đớn” còn Yeltsin nói là “một tai họa”. Tất cả là do chưa được học bù về chủ nghĩa tư bản tạo ra.

Triệu lại nói: tạo thành hậu quả nghiêm trọng này không thể đơn giản cho rằng là sai lầm của lý luận chuyên chính vô sản, cũng không thể đơn giản qui nạp là độc hại để lại của tư tưởng đế vương phong kiến mà thực tế là miễn cưỡng thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa kiểu “utopie” gây ra. Vì vậy xem ra lý luận của đệ nhị quốc tế [1] là tương đối thực tế. Đó là chủ nghĩa tư bản càng phát triển, sức sản xuất xã hội càng nâng cao, sản xuất vật chất càng dồi dào, cũng tức là xã hội càng giầu có thì thực thi chủ nghĩa xã hội càng dễ, càng ổn thỏa. Đó là chủ nghĩa tư bản càng phát triển, thành phần xã hội chủ nghĩa sẽ càng nhiều, tức cái gọi là “chủ nghĩa xã hội lớn lên một cách hoà bình”. Trên thực tế cũng là nguyên lý của Marx. Đó là chủ nghĩa xã hội chỉ có thể sản sinh trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển cao, ngược lại lý luận của đệ tam quốc tế [2] mới là “utopia”

Triệu còn nói: cần phải khôi phục nguyên lý này của Marx, phải học bù bài học chủ nghĩa tư bản, đó là quá trình phát triển tự nhiên của xã hội loài người, nhưng điều đó bị coi là khu cấm. Nếu nêu ra vấn đề này sẽ gặp nguy hiểm phản công lại của phái cực “tả” gọi là phục hồi chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, cần nói rõ là: nguyên lý này không khôi phục thì khó dùng chân lý thu phục người.

Nghe đoạn phân tích đó của Triệu tôi cảm thấy rất sâu sắc. Đại khái là vì ông đã căn cứ vào bài học đau đớn trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trong hơn nửa thế kỷ và thực tiễn hơn bốn mươi năm của Trung Quốc mà đưa ra lời kêu gọi đó. Cũng thuyết minh là ông đã thoát khỏi những trói buộc của chủ nghĩa giáo điều quốc tế, có lý luận, dũng khí tự chịu trách nhiệm.

Tóm lại, theo quan điểm của Triệu mà tôi hiểu được, thì trong giai đoạn hiện nay, muốn thực hiện chủ nghĩa dân chủ mới ở Trung Quốc, dưới điều kiện lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải phát triển chủ nghĩa tư bản một cách có điều kiện, có khống chế.


III. Đi con đường cải cách tiệm tiến có kết quả tốt, ca ngợi An Chí Văn

Triệu nói: cải cách của Trung Quốc đi con đường quá độ tiệm tiến, hiệu quả là tốt, là thành công; thực hiện chế độ hai giá là không thể tránh khỏi, cái gọi là con đường mở cửa giá cả, siết chặt tiền tệ, một bước làm xong là không được. Bởi vì cơ chế thị trường còn chưa hình thành, không có cạnh tranh, doanh nghiệp quốc doanh còn ở vào địa vị lũng đoạn, mở cửa giá cả chỉ có thể làm cho lạm phát, phát sinh chấn động xã hội, chịu thiệt vẫn là đông đảo nhân dân; chỉ có mở cửa ngoài kế hoạch, khống chế trong kế hoạch áp dụng chế độ hai giá mới có thể tránh được chấn động lớn. Điều này cũng giống như trong cùng một vùng, mở cửa vùng ven biển, khống chế trong nội địa. Trước tiên thực hiện chiến lược phát triển ven biển, sau đó từng bước thúc đẩy nội địa. Nếu không mở cửa toàn diện sẽ tạo thành hỗn loạn thậm chí không thể thu dọn được.

Triệu lại nói: thực hiện chế độ hai giá tất nhiên có người sẽ lợi dụng cơ hội chênh lệch giá giữa trong kế hoạch và ngoài kế hoạch để kiếm lời, sản sinh hủ bại, điều này chỉ có thể coi là cái giá phải trả và cũng không thể tránh được. Chỉ có thể từ trong động loạn tìm được trị an.

Nói đến đây, Triệu lại so sánh với Liên Xô, cải cách của Liên Xô thất bại. Một là, đã bắt đầu từ cải cách chính trị trước, chứ không bắt đầu từ cải cách kinh tế, một khi đã loạn về chính trị là không thể thu dọn được; hai là, sử dụng “liệu pháp sốc”, đó là hoàn toàn mở cửa giá cả một bước là đạt được dự định, gây ra lạm phát, nhân dân chịu đau khổ lớn, cái giá phải trả rất lớn,

Tôi nói xen vào: cải cách của Trung Quốc đi con đường tiệm tiến không phát sinh chấn động lớn là nhờ có tham mưu An Chí Văn. Trải qua một số năm tham gia hoạt động ở Uỷ ban cải cách thể chế cùng trao đổi tiếp xúc với An Chí Văn tôi cảm thấy tư tưởng của đồng chí ấy rất thực tế, rất thực sự cầu thị, cũng rất đáng tin cậy; ông không chỉ không làm qui hoạch mục tiêu, cũng không làm thiết kế mô hình, càng không nêu chủ trương kích tiến; gây cho tôi ấn tượng là “mò đá qua sông”, cách làm của ông là dễ trước khó sau, do đó bị quấy rối nhỏ nhất, từ nơi tương đối dễ đột phá tiến hành thí điểm cải cách thành thị, chọn Sa Thị của Hồ Bắc và Thường Châu của Giang Tô để làm mà không vi phạm qui định; về mặt lãnh đạo cần phải nắm lại từ doanh nghiệp đòi quyền tự chủ, nhấn mạnh bắt đầu trao quyền xuống dưới để phát huy tính tích cực của cơ sở, điều này đã thay đổi cách làm có tính hành chính đơn thuần trước đây, tránh được con đường cũ phân quyền giữa trung ương và địa phương. Có bước đi, lại xuất phát từ những lợi ích cấp bách nhất mà doanh nghiệp, quần chúng yêu cầu, đó là cái gọi là: trao quyền, nhường lợi. Về chính sách trước tiên thực hiện chiếu cố ưu đãi với kinh tế phi quốc hữu, với kinh tế cá thể, tập thể, tư nhân, doanh nghiệp hợp doanh và đặc khu, nhằm bồi dưỡng căn cứ và chỗ đặt chân của kinh tế hàng hóa; về phương thức bắt đầu áp dụng chế độ khoán mà quần chúng dễ tiếp nhận và cũng dễ hiển thị nhất lợi ích thực. Cộng thêm nhà nước trong mặt điều tiết và khống chế đã thực hiện chế độ hai giá, thực hiện chính sách cùng kết hợp cả “điều chỉnh”, “buông”, “quản”. Và như vậy đã làm cho cải cách của Trung Quốc đi vào con đường tương đối vững chắc tiệm tiến.

Triệu nói tiếp: An Chí Văn là người xử lý vấn đề rất thận trọng, lời nói của đồng chí ấy tương đối đáng tin. Sử dụng biện pháp tiệm tiến từng bước quá độ có thể làm cho thị trường phát dục lên. Tại đó, đồng chí ấy lại nhiều lần nhấn mạnh chỉ có mở cửa ngoài kế hoạch mới có thể làm cho kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân, xí nghiệp hương trấn và xí nghiệp ba loại vốn có được nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, làm cho bộ phận ngoài thể chế này phát triển được, mở rộng ra, hình thành cơ chế thị trường mới thuận tiện cho việc thúc đấy doanh nghiệp quốc hữu ra thị trường. Đồng thời đối với bộ phận trong thể chế, cũng thực hiện biện pháp buông quyền. nhường lợi, khoán, khiến cho doanh nghiệp cũng có chút quyền tự chủ, cũng nâng cao tính tích cực, cũng sống động lên.

Cuối cùng, Triệu phấn khởi nói: một khi làm được những điều đó, kinh tế sẽ tăng trưởng, đời sống nhân dân sẽ nâng cao mà lại tránh được động loạn.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Quốc tế [của các đảng] Xã hội (ND)
[2]Quốc tế Cộng sản (ND)
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tá»­ DÆ°Æ¡ng khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219