trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
17.5.2008
Phan Cẩm Thượng
Trăm kiểu thành kính
 
Người thiên thu không nói
Phật thiên thu vẫn ngồi
Những cụ già không hỏi
Dâng hoa và dâng xôi.

Ngồi Thiền thời gian đầu, người ta không thích đến chỗ đông người và nơi quá ồn ào. Thính giác như nhạy hơn, đến mức có thể nghe được tiếng ti vi nhỏ từ hàng trăm mét. Ngồi Thiền năm bảy năm trở ra, người ta bỗng thấy như bão hòa, dẫu có vặn đài bên cạnh cũng như không, nhưng nếu muốn nghe thì rõ mồn một. Hóa ra tinh thần dẫu ai cũng có ở một mức độ nhất định, nhưng nếu không rèn luyện nó trở nên thụ động với ngoại quan kể cả những người thông tuệ. Ban đầu, nghe những cụ già cầu kinh, tôi chỉ thấy khác đôi chút so với nhà sư, dần dà thấy không ai giống ai và tiếng cầu kinh gõ mõ thể hiện rất rõ tâm hồn con người. Sư cụ trụ trì nơi chùa làng tôi, thường chỉ tụng Kinh Kim cương, người tụng rất chậm, rõ từng câu từng chữ, lòng thanh thản vô cùng, nhưng cũng buồn vô cùng. Nằm ở chùa Mía, bốn rưỡi sáng, sư thầy dậy tụng kinh bằng một giọng rất cổ xưa như tiếng Mường, thanh âm nối liền vào nhau như một bài dân ca trong trẻo mà khê nồng, nhưng rất đỗi ấm áp. Tiếng tụng kinh dẫn ta vào một bể dâu mà chính người tu hành trải qua, dần dà lắng xuống những thất tình và tham sân si, cho đến một ngày không còn gì cả, không còn một chút sắc thái tình cảm nào trong lời tụng. Gọi là cầu kinh, nhưng mà thực vô cầu, y như tiếng vọng vô hình trong thanh không vậy.

Từng thấy một đoàn các cụ từ Thăng Long ầm ầm vào chùa làng, tụng kinh rất to như hát đồng ca và tiếng mõ nghe như tiếng giã giò. Lại thấy những vị pháp sư, thầy cúng lấy việc bấm độn, viết sớ, gieo quẻ, tụng niệm làm nghề độ nhật, khi tụng kinh thường trôi chảy gấp gáp như muốn cho qua chuyện và bớt xén rất nhiều đoạn. Nhiều vị thầy cúng toàn tụng bằng chữ Nho, khi kinh quá dài, các vị đó thường lật vài trang một. Các tín chủ vốn chẳng hiểu một chữ nào, nên có bớt đi vài đoạn kinh cũng chẳng sao. Tôi từng nghe người Việt, người Thái, người Hoa, người Tạng, người Tày và những nhà sư khất thực ở miền Nam tụng kinh bằng tiếng Phạn. Có tiếng hiểu được và phần lớn không hiểu gì nhưng tôi không quan tâm lắm đến ngữ nghĩa, mà cố gắng cảm xem cái lòng trần gột nhẹ được đến đâu. Đó là việc quả không dễ trên con đường nội tâm tịch diệt, tức là lắng xuống và dứt bỏ. Âm thanh thể hiện lòng người, có tiếng trong, tiếng đục, có âm trầm, âm bổng, có thanh vui, thanh buồn... Nghe lâu thì biết người ta đang nghĩ gì, đau khổ hay sung sướng, còn người tu hành thì dứt bỏ cả hai. Bài thỉnh chuông có câu:

Văn chung thanh phiền não khinh
Trí tuệ trưởng bồ đề sinh.

Nghĩa là:

Nghe tiếng chuông, mọi phiền não đều nhẹ cả
Trí tuệ trưởng thành, cái tâm giác ngộ sinh sôi.

Chiều đến chú tiểu lên gác chuông, thong thả đánh từng tiếng một và khấn bài kinh này, đưa cả tiếng chuông lẫn lời của Phật vào thinh không.

Nhiều năm gần đây, nhiều người thu kinh Phật vào băng rồi mở cả ngày. Những băng này đều có thể mua được ở vài chùa thành phố có tiếng. Nếu sống ở những khu tập thể, thế nào chúng ta cũng nghe được băng phát tụng kinh, đến mức ta phải nghi ngờ giá trị của kinh kệ. Rồi nữa, một đoạn nào đó trong kinh được phổ nhạc và hát bằng một giọng não nề rất sến bởi một giọng ca vô thần nào đó và được phát cả ngày trong nhiều ngôi chùa mùa lễ hội. Khi đến du ngoạn một danh lam, nhạc sĩ Dương Thụ vô cùng bức xúc khi nghe Phật ca này, cố kiềm chế, ông nói với nhà sư rằng cứ cho đây là nhạc cổ điển đi chăng nữa thì cũng không đúng chỗ.

Có một thời thiền viện, chùa chiền là nơi tu tập, người ta cốt sống cho đơn giản, thanh tịnh, không hương, không sắc, không hỗn thanh hay trọc thanh, tất cả để hướng đến cái hư không, hay chí ít giản lược mọi phương tiện bên ngoài hướng vào cái bên trong và xóa dần vọng tưởng. Nhà sư mặc áo nội tử ghép từ trăm miếng vá, ngày chỉ ăn một bữa bằng bát cơm khất thực, không ngủ hai tối ở một gốc cây. Có thời đó hình như xa lắm rồi không thể trở lại. Thời đại công nghiệp, không thể bắt con người ăn cà chấm tương mãi, cũng như không điện thoại, đài đóm ti vi, xe cộ. Phương tiện giúp người ta đi nhanh hơn đến nhiều cái đích trong cuộc sống, dù có thể làm cho người ta tách xa hơn với những chân lý tôn giáo. Và có ai chứng minh được rằng tự mình gõ mõ cầu kinh thì tốt hơn hay không tốt hơn nằm khểnh nhấm lạc rang và nghe băng tụng kinh.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa cuối tuần số 14 (4-10/4/08), Mục “Văn hóa sống”, tr. 62