trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
29.5.2008
John McCain, Joseph Lieberman
Đổi mới chính sách của Mĩ ở châu Á
Phạm Minh Ngọc dịch
 
Sự trỗi dậy của châu Á là một trong những biến cố mang tính lịch sử trong thời đại của chúng ta. Sự hồi sinh không chỉ biến đổi bộ mặt của một khu vực rộng lớn mà còn tạo ra những cơ hội to lớn cho hàng tỉ người sống trên cả hai bờ Thái Bình Dương - cả người Mĩ cũng như người châu Á – trong việc tạo dựng một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn và tự do hơn.

David Gothard
Nhưng muốn nắm bắt cơ hội đó thì nước Mĩ phải giữ chặt quyền lãnh đạo và phải cam kết dứt khoát với châu Á, số phận của châu lục này ngày càng gắn bó mật thiết với số phận chúng ta. Nó đòi hỏi tinh thần quốc tế chứ không phải là chủ nghĩa biệt lập, đòi hỏi tự do thương mại chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ. Khi những người bạn và các đồng minh của chúng ta trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nghĩ về tương lai thì họ phải kì vọng nhiều hơn - chứ không phải ít hơn – vào sự quan tâm, đầu tư và hợp tác của chính phủ Mĩ.

Thật may là vị Tổng thống tương lai của nước Mĩ được thừa hưởng một cơ chế liên minh và quan hệ hữu hảo đã và đang hoạt động có hiệu quả ở châu Á. Lúc này, khi mà uy tín của Mĩ đang suy giảm tại nhiều khu vực thì châu Á là một trường hợp ngoại lệ. Các cuộc thăm dò ý kiến đã chứng tỏ rằng Mĩ được nhiều người Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ hơn là năm 2000. Liên minh nòng cốt của chúng ta với Nhật Bản, Nam Hàn và Úc chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Quan hệ của chúng ta với những người bạn cũ ở Đông Nam Á, như Singapore phải nói là tuyệt vời. Trong những năm gần đây đã thiết lập được các quan hệ đối tác có nhiều triển vọng với Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia.

Muốn tăng cường và làm cho các quan hệ đó trở thành sâu sắc thêm thì vị Tổng thống mới phải khuếch trương các thành quả này với một chương trình nghị sự tập trung hơn và có nhiều tham vọng hơn. Trước hết là quan hệ với các đồng minh của chúng ta và tăng cường quan hệ đối tác với những người bạn của chúng ta trong việc quản lí các vấn đề khu vực và toàn cầu là chìa khoá để giải quyết các thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong một châu Á đang thay đổi cũng như trong cái thế giới đang đổi thay này. Vì lí do đó, Mĩ phải tham gia một cách tích cực hơn vào các tổ chức khu vực ở châu Á.

Ngoài ra, Mĩ phải xây dựng mối quan hệ đúng đắn với Trung Quốc. Tốc độ phát triển với hai chữ số của Trung Quốc đã đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của các lân bang. Những mối quan tâm chung giữa Mĩ và Trung Quốc có thể tạo cơ sở cho quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Nhưng việc hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, tính vụ lợi trong hoạt động kinh tế của nó, việc thiếu tự do chính trị và quan hệ gần gũi của nước này với các chế độ như Sudan và Miến Điện đã làm suy yếu chính cái hệ thống quốc tế mà sự phát triển của nước này đang dựa vào. Vị Tổng thống mới của Mĩ phải dựa trên những mối quan tâm chung để mở rộng và củng cố, làm cho mối quan hệ giữa Mĩ và Trung Quốc ngày càng bền vững hơn. Việc đó đòi hỏi mối quan hệ liên minh vững chắc hơn với các nước châu Á khác, đồng thời ta cũng phải thảo luận một cách thẳng thắn với Bắc Kinh, nếu nước này không chịu hành động một cách có trách nhiệm.

Mĩ cũng cần giữ vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Chúng ta phải sử dụng các đòn bẩy trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, được thông qua sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân vào năm 2006. Các đòn bẩy này có thể giúp chúng ta buộc Bắc Triều Tiên tuyên bố chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn việc sử dụng vũ khí hạt nhân, dừng và tháo dỡ hoàn toàn các thiết bị hạt nhân một cách có thể kiểm chứng được, như chúng ta đã thoả thuận với các thành viên khác của Hội nghị Sáu bên. Chúng ta phải kích hoạt lại quá trình hợp tác ba bên với Nhật Bản và Nam Hàn. Chúng ta không được hứa hẹn rằng Tổng thống sẽ trực tiếp đàm phán với những kẻ độc tài, những kẻ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ chức tội phạm quốc tế, những kẻ che giấu chương trình vũ khí hạt nhân, những kẻ phải chịu trách nhiệm về hệ thống GULAG rộng khắp. Làm như thế là chúng ta lạm dụng lòng tin và sự kính trọng mà các đồng minh đã dành cho chức vụ cao nhất của chúng ta.

Các liên minh giữa Mĩ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương còn phụ thuộc vào việc giữ gìn hoà bình và ổn định trong các khu vực lân cận, có ảnh hưởng đến tình hình an ninh ở châu Á, đặc biệt là tại Trung Đông. Các nhà lãnh đạo hàng đầu ở châu Á đã khuyến cáo rằng việc Mĩ rút quân một cách vội vã khỏi Iraq sẽ làm cho Al Qaeda mạnh thêm và đe doạ đến vị trí của Mĩ ở châu Á. Chúng ta phải lắng nghe ý kiến của họ. Thắng lợi của Mĩ ở Iraq sẽ góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của Mĩ ở châu Á và tăng cường ổn định ở khu vực này. Mĩ thua và rút lui sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ khu vực.

Tổng thống mới của nước Mĩ còn phải làm cho quan hệ đối tác với các nước châu Á trong lĩnh vực kinh tế ngày càng sâu sắc thêm. Thương mại giữa Mĩ và châu Á đã tăng lên gấp 3 lần trong mười lăm năm qua, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người Mĩ và biến hàng triệu người châu Á thành những người tiêu dùng thuộc giai cấp trung lưu. Đáng tiếc là một số nhà chính trị Mĩ lại đang lạm dụng nỗi sợ hãi do sự phát triển năng động của châu Á tạo ra. Thay vì đầu tư vào những lĩnh vực mới và vào các xí nghiệp của Mĩ, họ lại kêu gọi dựng lên những bức tường bảo hộ. Làm như thế chỉ đưa nền kinh tế Mĩ đến tình trạng tồi tệ hơn mà thôi.

Đấy là việc làm rất thiếu trách nhiệm. Nước Mĩ chưa bao giờ giành được sự kính trọng và cũng chưa bao giờ tạo được thêm việc làm bằng cách từ bỏ tự do thương mại. Hôm nay chúng ta cũng không thể làm như thế.

*


Rút cục lại, các liên minh giữa Mĩ và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dẫn dắt bởi một cái gì đó lớn hơn là theo đuổi các quyền lợi nhất thời. Hơn nữa, quyền lãnh đạo của chúng ta trong khu vực được xây dựng trên các tiêu chuẩn và giá trị của chúng ta cũng như của các nền dân chủ vĩ đại trong khu vực.

Sáu mươi lăm năm trước, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ có hai nước dân chủ, đấy là Úc và New Zealand. Hiện nay, số người sống trong các chế độ dân chủ ở đây đã nhiều hơn bất kì khu vực nào khác trên thế giới. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã phát biểu rất hùng hồn về tầm quan trọng của dân chủ đối với châu Á. Thủ tướng Ấn Độ gọi dân chủ tự do là “trật tự tự nhiên trong tổ chức xã hội và chính trị trên thế giới ngày nay”.

Chúng tôi đồng ý như thế. Không quốc gia nào giữ độc quyền nhận thức rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và tạo hoá đã ban cho họ những quyền bất khả phân đó. Đấy không chỉ là những chân lí phổ quát mà còn là nền tảng cần thiết cho sự thịnh vượng và ổn định mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Đấy chính là lí do vì sao Mĩ và các nước đồng minh của mình phải làm việc cùng nhau, ngõ hầu đưa các tiêu chuẩn này vào trung tâm hệ thống quốc tế của chúng ta.

Chính nước Mĩ phải tỏ ra là một thành viên có trách nhiệm và một “công dân toàn cầu” tử tế trong hệ thống đó. Sức mạnh của Mĩ không có nghĩa là chúng ta có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn, bất cứ khi nào mình muốn. Ngược lại, địa vị của chúng ta tại châu Á đã trở thành mạnh mẽ nhất khi chúng ta chịu lắng nghe những người bạn của mình và khi chúng ta không chỉ thuyết phục họ rằng mình có lí mà còn sẵn sàng công nhận rằng họ có lí nữa. Chúng ta phải nghiêm túc nhận lãnh trách nhiệm của mình, thí dụ, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nếu chúng ta muốn thuyết phục người khác nghiêm túc nhận lãnh trách nhiệm của họ.

Tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau là cực kì quan trọng đối với tất cả các đồng minh và đối tác của chúng ta ở châu Á – tin cậy vào sự vững chắc của các cam kết của chúng ta trong lĩnh vực an ninh, tin cậy vào sự chân thành của những lời hứa của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế và tin cậy vào tính kiên định của các nguyên tắc của chúng ta. Việc đổi mới các cam kết đó có thể tạo ra cơ sở cho sự phồn vinh, an toàn và tự do cho cả Mĩ và châu Á trong thế kỉ mới.


McCain là Thượng nghị sĩ Cộng hoà bang Arizona. Lieberman là Thượng nghị sĩ Dân chủ độc lập bang Connecticut.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas