trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
9.6.2008
 
Mặt tối của Đại hội Olympic
 
Thế vận hội là bài thi thử địa vị siêu cường của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể bị trượt trong lần thi này.

Ốc đảo trên con đường tơ lụa trước đây, Hòa Điền, nằm ở rìa sa mạc Taklimakan của Trung Quốc, một vùng hoang mạc sỏi cát chỉ có các bụi cây và đá. Thành phố này thậm chí xa xôi đối với người Trung Quốc - cách xa khoảng 5 múi giờ so với Bắc Kinh, nếu chế độ này cho phép có hơn một múi giờ chính thức ở Trung Quốc - nhưng các tin tức vẫn truyền đi. Tuần trước, tin tức nổi lên về cuộc phản kháng ngày 23/3 trong những người Duy Ngô Nhĩ [Uyghur] theo đạo Hồi của thành phố Hòa Điền, từ lâu cảm thấy phẫn nộ trước sự thống trị của người Hán Trung Quốc. Tuy nhiên khi được liên lạc qua điện thoại, 4 quan chức địa phương đã phủ nhận một cách cộc lốc những báo cáo về một cuộc phản kháng, những cuộc bắt giữ hay lệnh giới nghiêm. Một vị nói: "Mọi người không nên lan truyền các tin đồn! Ở đây vẫn bình yên". Các vị khác đã tuyên bố một cách đơn giản: "Không có các cuộc biểu tình?" hoặc gác máy. Điều này còn gây hoang mang hơn do website chính quyền thành phố Hòa Điền (người Duy Ngô Nhĩ gọi đó là Khotan) và một website chính thức khác tuyên bố rằng một vụ xô xát đã xảy ra vào ngày phiên chợ, khi có tới 100.000 người cùng đổ về khu chợ truyền thuyết của thành phố này. Một website nói rằng "một số rất nhỏ" những người đại diện cho các lực lượng của "chủ nghĩa li khai, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan" đã giương biểu ngữ "theo đường lối chia rẽ" ở khu chợ. Nó tiếp tục tuyên bố rằng cảnh sát đã đối phó lại cuộc xô xát được giải quyết "theo luật pháp" và không một ai bị thương.

Phải chăng đó thực sự là một thông điệp khó khăn để có thể chấp nhận? Trong những tuần gần đây Trung Quốc đã hành động giống một kẻ độc tài hạng bét hơn là giống một siêu cường bắt đầu nảy nở - nóng nảy, thích thuyết giáo, thách thức. Các khán giả toàn cầu đã nhìn thấy những hình ảnh cảnh sát chống bạo loạn sử dụng dùi cui, được đưa đến Lhasa và các khu vực khác thuộc Tây Tạng để dập tắt các cuộc phản kháng chống Bắc Kinh đã bắt đầu vào ngày 10/3. Các quan chức Trung Quốc nói về những âm mưu đen tối, các chương trình giáo dục lại, những "thành kiến" của phương tiện truyền thông phương Tây. Mỗi chính sách đối phó khẩn cấp mới - và những kiểu tuyên truyền ầm ĩ đi cùng với nó - dường như chắc chắn sẽ gây ra sự thù địch không chỉ của các dân tộc thiểu số người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ cứng đầu cứng cổ của Trung Quốc mà còn của các quốc gia có kế hoạch tham gia thi đấu tại Olympic ở Bắc Kinh vào tháng 8 này. Đây từ lâu đã là sự trao đổi của Bắc Kinh: duy trì lòng trung thành của đa số người Trung Quốc, đôi khi bằng việc chạy theo những thành kiến bài ngoại nhất của họ, có nguy cơ làm mất lòng phần còn lại của thế giới. Nếu Trung Quốc khao khát có được sự hợp pháp về mặt quốc tế, thì chế độ này còn lo sợ sự giận dữ của người dân theo chủ nghĩa dân tộc thậm chí còn nhiều hơn: Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình cũ có thể tồn tại qua suốt năm Olympic này không. Trong ít nhất là một năm, các nhà hoạt động về vấn đề Darfur gọi Thế vận hội mùa hè năm nay là "Olympic diệt chủng", hi vọng làm Trung Quốc xấu hổ tới mức giúp chấm dứt việc giết chóc tại miền Tây Sudan. Hiện nay, Thế vận hội đã gây ra một chuỗi những sự phản kháng. Những người biểu tình đã phá hoại việc thắp sáng ngọn đuốc Olympic ở Hi Lạp, các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ tìm cách làm gián đoạn lộ trình rước đuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước. Các kế hoạch đưa ngọn lửa Olympic lên núi Everest vào tháng 5 và đi qua Lhasa vào tháng 6 chắc chắn là sẽ gây ra những cuộc gây rối.

Ít có quan chức cao cấp nước ngoài đã cam kết sẽ tẩy chay lễ khai mạc, và sự phản ứng dữ dội của người tiêu dùng chống lại các nhà tài trợ Olympic vẫn chưa xảy ra. Nhưng với hàng trăm triệu US$ được đầu tư vào Thế vận hội, các công ty có lý do để lo lắng. Các nhà tài trợ lớn, kể cả Coca Cola, GE và USP, đang cố gắng né tránh sự chỉ trích bằng việc hướng đến những sự cam kết hỗ trợ họ đã hứa giúp đỡ những người tị nạn ở Darfur - hơn 5 triệu US$ trong trường hợp của Coke.

Trở lại năm 2001 khi Bắc Kinh được trao cho quyền tổ chức Thế vận hội, người ta hy vọng rằng sự kiện sẽ buộc Trung Quốc phải mở cửa. Trong một bức thư ngày 2/4 gửi cho Chiến dịch Tự do Tây Tạng, mà một bản sao của nó Newsweek đã có được, Giám đốc điều hành của Coca Cola E. Neville Isdell đã dùng lí lẽ tương tự để bảo vệ sự đỡ đầu của công ty cho cuộc chạy rước đuốc: "Chúng tôi tin rằng... việc sử dụng sự kiện này để gây áp lực về chính trị lên Trung Quốc sẽ làm xói mòn khả năng của Olympic đóng góp vào sự thay đổi bền vững ở Trung Quốc và mối quan hệ của nước này với phần còn lại của thế giới".

Nhưng chính xác là bởi vì Bắc Kinh đang quyết tâm tổ chức một Olympic với hình ảnh hoàn hảo, chính quyền tuyên bố chiến tranh với bất cứ ai gây ra vấn đề. Các mục tiêu đều không xa vời như người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng; tuần trước toà án Bắc Kinh đã tuyên án Hu Jia [胡佳/Hồ Giai], nhà hoạt động xã hội 34 tuổi, ngồi tù 3 năm rưỡi vì tội "xúi giục lật đổ quyền lực nhà nước". Tổ chức Dui Hua [Đối thoại] Foundation đóng tại San Francisco, vận động hành lang cho việc thả các tù chính trị ở Trung Quốc, dự đoán con số của họ năm nay sẽ vượt quá con số năm ngoái (742) do dự tính số những người Tây Tạng vào tù và những người chống đối trên mạng tăng lên.

Mỗi cuộc phản kháng mới thôi thúc những cuộc khác. Rắc rối bùng nổ ở Lhasa vào 10/3, ngày kỷ niệm cuộc nổi dậy thất bại của Tây Tạng vào năm 1959, và tình trạng rối loạn còn tồi tệ hơn khi các nhà chức trách bắt đầu khoá cửa các tu viện của thành phố này. Ngay cả khi quân đội dẹp yên tình trạng bạo lực ở thủ phủ Tây Tạng, sự bùng nổ vẫn tiếp tục diễn ra ở các tỉnh xung quanh cho tới ít nhất là ngày 3/4. Trước khi Tây Tạng bùng nổ, Bắc Kinh đã có một hành động tương đối uyển chuyến trong việc đối phó với những chỉ trích của thế giới. Vấn đề chủ yếu đối với các cuộc phản đối Olympic là việc Trung Quốc từ chối tác động mạnh hơn đến bạn bè của họ ở Khartoum để chấm dứt sự thanh trừng dân tộc được chính phủ hậu thuẫn của Sudan ở Darfur. Khi Steven Spielberg từ chối làm cố vấn sáng tạo cho Thế vận hội vào tháng 3 vì vấn đề Darfur, Bắc Kinh đã phản ứng trước quyết định này bằng một thái độ khá bình thản. Mới hôm 7/3 đây thôi chính phủ đã sắp xếp để đặc phái viên của mình ở Darfur có thể tham dự cuộc họp với các nhà tài trợ Olympic.

Nhưng vấn đề Tây Tạng, hay thực chất là bất cứ khu vực nào có dân tộc thiểu số bất trị của Trung Quốc, đụng chạm đến những nỗi lo sợ tồi tệ nhất của Bắc Kinh về sự chia rẽ dân tộc. Tại buổi hòa nhạc vào ngày 2/3 ở Thượng Hải, ca sĩ người Iceland Bjork đã làm các thính giả của cô giật mình khi kết thúc bài hát cuối cùng của cô, "Tuyên bố độc lập", bằng những tiếng hô "Tây Tạng! Tây Tạng!". Sau đó, một nhà ngoại giao đóng tại Bắc Kinh không được phép phát ngôn chính thúc nói rằng các quan chức Trung Quốc "bắt đầu nổi cáu". Các dự án sáng tạo liên quan đến người nước ngoài đã đột ngột phải được nội các Trung Quốc thông qua.

Kể từ sau các cuộc phản kháng Lhasa, các đại sứ nước ngoài ở Bắc Kinh đã được mời đến Bộ Ngoại giao vào mọi thời điểm - thậm chí là cả vào ngày Chủ nhật Phục sinh. Họ được giảng giải về cách nhìn nhận của Trung Quốc đối với các sự kiện đó; trình chiếu cuốn băng video dài lê thê về "sự kiện ẩu đả, cướp bóc, đốt cháy vào ngày 14/3"; bị quở trách gay gắt khi các nhà lãnh đạo chính phủ của họ ở trong nước đề cập đến khả năng tẩy chay Olympic, và bị gây sức ép buộc phải công khai tuyên bố ủng hộ phản ứng "có kiềm chế" của Trung Quốc trước các cuộc bạo loạn của Tây Tạng. Đại sứ của Ấn Độ, Nirupama Rao, đã khoác vội quần áo, đi tìm người lái xe của sứ quán và vội vã đi đến Bộ Ngoại giao vào lúc 2 giờ một buổi sáng để nghe các mối lo ngại về an ninh Trung Quốc sau khi những người phản kháng của Tây Tạng chọc thủng bức tường của Sứ quán Trung Quốc tại New Dehli. (Các quan chức Trung Quốc khăng khăng rằng bà Rao đã được đối xử "một cách rất tôn trọng"). Có lúc các đại sứ của Liên đoàn Arab được mời đến và được yêu cầu tán thành cuộc "đàn áp thẳng tay" ở Tây Tạng "như những người bạn của chúng ta ở Sudan đã làm". Một đại sứ đã bị gọi đến một vài lần trong nhiều ngày nói: "Hiện nay chúng tôi xem hành vi của Trung Quốc như là một siêu cường. Chúng tôi nhận ra cái giá phải trả dành cho những người đã ký tất cả những hợp đồng lớn với Trung Quốc hay đã chấp nhận sự hỗ trợ về kinh tế của Bắc Kinh".

Một số hành động trong số đó là vụng về rõ rệt. Nhưng chế độ này cũng hiểu rằng hành động cứng rắn sẽ có ích trong việc đối xử với những người Trung Quốc trẻ tuổi, những người có cảm xúc không thể dự đoán trước được. Thông tin có thể đến với phần lớn những người thuộc thế hệ này bị hạn chế một cách khắt khe bởi cơ quan kiểm duyệt và sự kiểm soát tinh vi trên mạng. Họ hiểu biết rất ít về Đạt Lai Đạt Ma, người đã chạy khỏi Lhasa vào năm 1959 sau cuộc nổi dậy thất bại - và do đó hoàn toàn tin tưởng vào sự mô tả của Bắc Kinh về ông như là "kẻ chia rẽ" hung ác. Khi xảy ra các vấn đề liên quan đến lãnh thổ của Trung Quốc, thế hệ người Trung Quốc này thúc giục chính phủ chống lại các thế lực và các nhà hoạt động chống đối của nước ngoài.

Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc bạo động này cũng tác động đến tình trạng căng thẳng đáng sợ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đối với nhiều người Trung Quốc dân tộc Hán, những người nhìn thấy tương lai của họ hết sức được cải thiện trong 30 năm qua, thì những dân tộc thiểu số bất mãn như người Tây Tạng có vẻ giống như những kẻ bất mãn lạc hậu. Có những dấu hiệu cho thấy ít nhất một số quan chức Trung Quốc công nhận chế độ này đang tự gây khó dễ cho mình bằng cách đối xử của họ. Phương tiện thông tin đại chúng trong nước bắt đầu nhấn mạnh hơn nữa vào thông điệp nói rằng cả người Tây Tạng và người Trung Quốc đều chịu tổn thất do vụ bạo loạn ở Lhasa, thay vì tập trung riêng vào những nạn nhân người Trung Quốc dân tộc Hán. Các nhân viên chính phủ đưa một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài đến Lhasa vào cuối tháng 3 đã nhẩn mạnh luận điệu tương tự. Một chuyên viên PR đóng tại Bắc Kinh nói: "Trung Quốc... nên dành ít thời gian hơn vào việc loại bỏ các đối thủ chính trị và nhiều thời gian hơn vào việc kể những câu chuyện tích cực về việc họ sẽ giải quyết những vấn đề ở đất nước như thế nào, họ sẽ giúp các nạn nhân của vụ bạo loạn ở Tây Tạng ra sao mà không quan tâm đến họ thuộc dân tộc nào. Cái giá của việc toàn cầu hoá ... là tìm cách giữ cân bằng giữa các thính giả trong và ngoài nước". Nếu Trung Quốc muốn cho thấy nước này đã sẵn sàng hoàn tất khoá học, thì đó là một bài học mà chắc chắn là chế độ này cần phải học"./.
Nguồn: Bản tiếng Anh: Newsweek, 14/4/2008. Bản tiếng Việt của Thông tấn Xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 128-TTX, thứ Sáu, ngày 6/6/2008, tr. 21-25