trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
10.6.2008
Nguyễn Hoà Mai, Lê Duy Khoa

Đâu phải dễ để “vu cáo, phỉ báng” người khác?


Đọc ý kiến ngắn của Dương Phẩm, chúng tôi thấy có một sai lầm quá hiển nhiên về mặt tài liệu: Lữ Phương không phải là “đồng tác giả” cuốn Những tên biệt kích cầm bút, trong đó “nhiều tác giả cũ như Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Duyên Anh, Nhã Ca v.v… bị lên án nặng nề”. Ông Dương Phẩm dựa vào nguồn nào để đưa ra khẳng định hoàn toàn thiếu thận trọng đó?

Chúng tôi cũng thấy cái cách mà ông Dương Phẩm nhập cả hai vấn đề liên hệ đến ông Lữ Phương: một với tư cách là người được “được giao nhiệm vụ phân loại văn hoá phẩm của Việt Nam Cộng hoà” và một với tư cách là một người cầm bút viết về tình hình văn hoá miền Nam trước 1975, rồi quy cả hai vào chủ trương của chính quyền cộng sản mà ông gọi là “mạt sát, vu cáo, phỉ báng” “hầu hết những tác giả ở miền Nam trước 1975”, là không thoả đáng.

Ở đây không nói tổng quát, nhưng đọc cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chúng tôi thấy Lữ Phương đã dùng tài liệu để chứng minh cho một điều hết sức hiển nhiên: không phải ai cũng là người theo chủ nghĩa chống cộng, nhưng những tác giả chống cộng thì đúng là những tác giả như vậy, điều mà chính những người ấy đã thừa nhận (và nhiều khi tự hào) trong thực tế, không có gì là “bịa đặt” cả.

Ông Lữ Phương đã đưa ra các tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau (công khai lẫn bí mật, Việt Nam lẫn Mỹ), để nói về khuynh hướng tư tưởng đó một cách có căn cứ, chẳng cần phải “mạt sát”. Thí dụ như nói về Mai Thảo, cuốn sách của ông chỉ dẫn một tài liệu chứng minh vai trò chủ bút tờ Sáng tạo của nhà văn này là không đúng: ông chủ đích thực nhưng không ra mặt của tờ Sáng tạo này chính là Giám đốc Sở thông tin Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Có nhiều tổ chức, hội đoàn văn hoá,tạp chí khác cũng có một nguồn gốc như vậy, dưới nhiều mức độ khác nhau trong màng lưới xâm nhập, tác động, thao túng về mặt văn hoá của Mỹ trong suốt quá trình can thiệp vào Việt Nam bằng cuộc chiến tranh chống cộng, chẳng cần phải bịa ra để “phỉ báng”.

Còn về điều gọi là “nhiệm vụ phân loại văn hoá phẩm” mà ông Lữ Phương được giao cho thì cũng không thể căn cứ vào đó kết cho ông điều gọi là “khủng bố mang tính chất nhà nước” với trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng hoà như ông Dương Phẩm đã nương theo Nguyễn Văn Trung để bàn luận theo cách của ông.

Trong chúng tôi có người được mời tham gia vào cái nhóm “đọc và phân loại” sách xuất bản dưới chế độ cũ ngay sau ngày 30 tháng 4-1975 (nhóm này gồm vài ba chục anh em em, hầu hết là nhà giáo, trí thức, văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều người đã ra nước ngoài) chúng tôi cho rằng sự khẳng định như trên mới chính là một sự vu cáo, phỉ báng đúng nghĩa.

Chúng tôi nhớ thật rõ trong một buổi trình bày trước khi công việc bắt đầu tại Thư viện Quốc gia, ông Lữ Phương đã phân ra 5 năm xu hướng về nội dung trong sách báo ở miền Nam và đề nghị chỉ coi là bị cấm lưu hành hai loại sau đây: A) loại chống cộng trực tiếp (ông không dùng chữ “phản động” nói chung), và B) loại kích dâm (ông cũng không dùng chữ “đồi truỵ”).

Ông chỉ đề ra và giải thích những tiêu chuẩn ấy, sau đó lâu lâu đến thăm anh em, còn công việc thực hiện giao hết cho một cán bộ tên Bùi Phúc (hay Nguyễn Phúc, tôi quên mất). Chúng tôi đã căn cứ vào những tiêu chuẩn ấy phân công nhau đọc từng cuốn, một cuốn một phiếu, ghi sơ lược nhận xét và phân loại. Bản danh sách các loại A và B công bố bấy giờ là do Lưu Hữu Phước ký.

Theo nhận xét của chúng tôi thì công việc ở đây đã được quy định rõ ràng là đọc và phân loại theo những chuẩn mực nhất định, không thể muốn làm gì thì làm, muốn “khủng bố” ai cũng được. Tất cả công việc của ông Lữ Phương, theo chỗ chúng tôi biết chỉ là như vậy. Và ai cũng thấy việc làm ấy của ông chỉ diễn ra vào thời mà chiến tranh vừa chấm dứt, khi ông vẫn còn là đảng viên cộng sản, không giống với ngày nay.

Theo chỗ nhận xét của chúng tôi, để nhìn lại quá khứ với một cái nhìn văn hoá thì nhân cách của con người nên được xem là quan trọng. Không phải hễ là người cộng sản thì đồng nghĩa với “vu cáo”, “khủng bố”, còn hễ là người chống cộng thì không biết “phỉ báng”, không biết “khủng bố”. Đề nghị ông Dương Phẩm đọc kỹ lại cái tư liệu ông đã đọc để xét xem cái cách mà một người chưa từng là cộng sản đã kết án một người từng là cộng sản có đúng như vậy hay không.

Chúng tôi cũng đề nghị ông Lữ Phương, nếu có thể, nên nói rõ hơn về mấy sự kiện trên đây để những người đọc ông giai đoạn sau này hiểu rõ hơn về cái thời gian đã qua đó.