trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
13.6.2008
Phan Xuân Sinh
Chuyến về quê nhà
 1   2   3   4 
 
IV. Trở lại Sài Gòn

Tối ngày 24-2-2008, bạn bè thân thích cũ rủ tôi đi uống café, đêm cuối cùng trước khi rời Đà Nẵng. Đêm nay họ hỏi tôi nhiều chuyện và cái thắc mắc quan trọng nhất là tôi chắc có dính líu đến chính trị nên không về được. Không nhớ quê sao mà 15 năm mới trở về? Tôi yên lặng để nghe họ suy luận đủ điều về trường hợp của tôi. Có một điều mà họ không nghĩ ra được là tôi rất bận rộn với công việc làm. Tôi phải trông coi một cửa hàng mua bán lẻ và chỉ có hai vợ chồng giúp nhau, các con đi làm xa. Không thể giao cho vợ cáng đáng một mình. Vì thế năm nầy qua năm khác cứ hẹn với gia đình, bạn bè mà không sao về được. Các chuyện đồn đải về tôi trong bạn bè đều trật, nhưng tôi cũng không biết những chuyện đó bắt nguồn từ đâu. Đà Nẵng của tôi đúng là nơi bày chuyện tầm phào để cải. Nhìn các bạn tôi một thời hoang đàng, bây giờ đứng tuổi, đứa nào cũng đạo mạo như ông cụ. Tội nghiệp, tuổi trẻ của chúng tôi đã bị đốt cháy trong chiến thanh, ngưng chiến thì tù tội, trở về thì gia đình phần đông tan nát, trôi giạt tứ tán. Mười hai giờ đêm, chúng tôi chia tay, từng đứa đến ôm tôi từ biệt.

Vài ba đứa bạn thân thiết tiễn tôi ra phi trường để vào Sài Gòn, chúng nó nói với tôi chừng một hai năm về một lần, đừng để mười lăm năm mới về thì chẳng còn thằng nào nữa đâu! Tự nhiên tôi cảm thấy buồn thật. Năm 75 chỉ mới hai mươi mấy tuổi đầu, thời gian nhanh quá, mới đó mà bây giờ đứa nào cũng trên 60 tuổi rồi. Máy bay cất cánh, tôi nhìn xuống Đà Nẵng của tôi lần cuối. Nơi nầy tôi đã sống những ngày thơ ấu êm đềm, trải qua mấy cuộc tình khi tuổi đời vừa chớm lớn, bị loại ra khỏi vòng chiến năm 1972 khi mới 24 tuổi đời với một bàn chân phải bỏ lại ngoài trận mạc. Buồn vui biết bao nhiêu kỷ niệm, không biết bao giờ tôi mới trở lại. Khi ngồi trên máy bay tôi mới thấy thấm mệt, những ngày ở quê nhà vui quá có bữa thức suốt đêm trong những cuộc gặp gỡ bạn bè. Nên tôi ngủ vùi khi máy bay tới Tân Sơn Nhứt.

Ngày hôm sau Hạ Đình Thao đến chở tôi đến thăm nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông, người Quảng Nam. Nguyễn Tịnh Đông trước 75 có khuynh hướng thân cộng, phản đối chính quyền miền Nam bằng cách từ chối vào quân đội, vì vậy anh phải trốn để khỏi bị bắt và nhờ bạn bè che chở. Sau 75 anh cũng không tham gia vào chính quyền mới, dẫn vợ con lên Phương Lâm làm rẩy, một cuộc sống an nhàn không hệ lụy tới ai. Anh đã sinh hoạt văn nghệ trong nhóm “Tương lai hướng về phía những người lao tác” và là thành viên cột trụ của nhóm nầy tại Đà Nẵng trước đây. Thơ của anh hay, có chiều sâu. Anh mang ra một lít đế bảo tôi có còn uống được thứ nầy không? Tôi gật đầu, thế là anh em uống cho đến say mềm. Vài ngày sau tôi mang xuống cho anh mấy quyển sách của tôi; trong nhà Nguyễn Tịnh Đông tôi gặp Nguyễn Miên Thảo, nhà thơ có bài đăng trên các tạp chí tại Sài Gòn trước đây. Nguyễn Miên Thảo người Huế, vui tính. Khi uống rượu kể những chuyện tiếu lâm rất thâm trầm. Nguyễn Tịnh Đông lại đem chai rượu đế ra, mặc dù tụi tôi có mang bia đến cho anh em uống chung rồi, thế mà anh cảm thấy chưa tới chỉ, nên bồi thêm mỗi người vài ly đế nữa, tất cả đều say. Nguyễn Miên Thảo chạy trước, tôi phải gọi taxi chạy sau vì không chịu nổi. Hạ Đình Thao ở lại tiếp tục uống với anh, rồi chìm xuồng tại bến.

Một số anh em thân thiết ở Sài Gòn, nhờ nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa mời một số anh em văn nghệ, dự đêm thơ của tôi tổ chức ở quán café Tượng Đá, ngay ngã ba Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Luôn tiện trình diện tập thơ “Khi Tình Đang Ru Đời” của tôi. Có sự hiện diện của nhà văn Lâm Chương (từ Mỹ về), cựu ký giả Văn Bia (từ Mỹ về), nhà văn Đào Hiếu, nhà văn Cung Tích Biền, nhà thơ Hà Nguyên Dũng, nhà thơ Lý Đợi, nhà thơ Lê văn Trung, nhà thơ Hạ Đình Thao, nhà thơ Phương Tấn, nhà thơ Hà Nguyên Thạch, nhà thơ Thiếu Khanh, nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông, nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy, vợ chồng nhà văn Nguyễn Hữu Thái (đúng hơn, anh viết về chính trị, anh là người của thời cuộc, còn chị hay viết bút ký), dịch thuật Trương Được. Đây là những người tôi quen thân, còn một số rất đông văn nghệ sĩ khác tại Sài Gòn mà tôi không nhớ tên (tôi có nhờ người bạn ghi tên giùm, nhưng khi trở lại Mỹ tôi không tìm ra danh sách nầy), có khoảng chừng 50 văn nghệ sĩ và hơn 70 người quen biết của anh chị em văn nghệ. Người điều khiển chương trình là nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa. Đêm thơ được tổ chức trong vườn cây của café Tượng Đá, anh em thật vui gặp lại nhau sau những năm tháng xa cách. Đây chỉ là cái cớ để anh em văn nghệ quen biết với tôi có cơ hội gặp nhau sau 33 năm đất nước hòa bình; thật ra sau năm 75 chúng tôi có gặp nhau, nhưng gặp người nầy lại không có người kia, đêm đó gặp nhau đông đủ nhất. Sau khi ra khỏi café Tượng Đá, anh em văn nghệ thân gặp nhau một quán ăn khác để dễ dàng nói chuyện và hỏi thăm nhau.

Hà Nguyên Thạch, Cung Tích Biền, Hạ Đình Thao, Hà Nguyên Dũng
Nhà văn Cung Tích Biền là dân Quảng Nam của tụi tôi, sức viết của anh mạnh mẽ và trường kỳ, đủ để khẳng định nội lực thâm hậu. Hầu hết các tờ báo văn nghệ trước năm 75 đều đăng bài của anh. Thế mà những năm sau nầy cũng chỉ được đăng vài bài lấy lệ trên các tờ báo trong nước. Trước đây anh có một kiosque bán Sơn Mài ở đường Nguyễn Huệ, đây cũng là nơi gặp gỡ các anh em văn nghệ ở miền Trung vào. Anh Hà Nguyên Thạch có một thời gian tối về đây ngủ lại. Tôi có gặp anh Cung Tích Biền một, hai lần ở nhà anh Nguyễn Thiện Nhiễu (bạn của anh), cách đây cũng gần 30 năm rồi, bây giờ mới gặp lại anh. Trên website Da Màu có làm một số đặc biệt về chủ đề Cung Tích Biền. Tôi thích nhất có hai cuộc phỏng vấn anh của Đặng Thơ Thơ và Lý Đợi. Tiếng nói của anh được xem như thay mặt anh em văn nghệ không nói ra được. Cái thâm sâu trong cách trả lời là cái u uất chung của anh em.

Nhà thơ Hà Nguyên Thạch, anh là dân Đà Nẵng với tôi. Trước năm 75 anh có xuất bản tập thơ Chân cầu sóng vỗ, là một nhà thơ quen mặt với các tạp chí văn nghệ Sài Gòn. Trước đây anh là Phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi đi học tập cải tạo về, vợ mang con đi Mỹ biệt tăm, gia đình vợ không muốn anh liên lạc sợ làm phiền. Anh vào Sài Gòn sống thất tha thất thểu làm những việc tầm thường để kiếm cơm. Những năm đó thấy anh thật tội nghiệp, bạn bè có giúp anh nhưng làm sao nuôi anh được vì chính bản thân họ cũng đã gặp khó khăn rồi. Anh và anh Phan Nhự Thức (nhà thơ, đã mất), thỉnh thoảng xuống nhà tôi và anh Đynh Trầm Ca chơi. Bình thường thì không sao, nhưng khi có rượu vào, anh chẳng biết sợ là gì. Cái thất chí đè nặng trên những u uất lâu ngày, không kềm hãm được đã bộc phát khi có men rượu làm trái tim anh bốc cháy. Anh em thông cảm và thương hoàn cảnh của anh hơn. Hiện giờ anh đã lập gia đình khác và sống tại Vũng Tàu. Khi anh nghe có cuộc gặp mặt giữa tôi và một số anh em, anh từ Vũng Tàu về Sài Gòn ngay. Hơn 20 năm sau mới gặp lại, anh em ôm nhau mừng vui biết chừng nào.

Nhà văn Đào Hiếu, anh là dân Bình Định, là một giáo sư trung học trước đây. Khác với những người làm văn nghệ cũ, anh là người của chế độ. Anh hoạt động trong những phong trào chống phá chính quyền miền Nam. Tôi nghe nói anh là đảng viên Đảng Cộng sản (không biết đúng hay sai). Anh làm việc tại nhà xuất bản Trẻ. Tôi quen với anh vào thập niên 80, ngoài công việc chính, anh làm thêm hãng kem đánh răng Cửu Long. Lúc đó tôi cũng làm kem đánh răng tại một hãng khác, nhưng anh em thường qua lại với nhau. Tôi biết anh từ đó. Sau khi qua Mỹ, tôi mới đọc được tác phẩm của anh, quyển Nổi loạn. Quyển sách nầy lúc đó gây sôi nổi bên ngoài và làm chính quyền trong nước điên đầu, gây khó khăn cho anh không ít. Gần đây anh mới xuất bản quyển Lạc đường, lại cũng xôn xao cho người đọc trong và ngoài nước, có nhiều tranh luận. Anh là người đứng đắn, đàng hoàng. Hơn 20 năm tôi mới gặp lại anh, tôi khâm phục cái tính thẳng thắn của anh trong cách viết và nhận định về con người, về sự việc v.v…

Nhà thơ Hà Nguyên Dũng, dân Quảng Nam, thuộc thế hệ của tôi. Anh là nhà thơ quen thuộc với các báo chí văn nghệ Sài Gòn trước đây. Anh đã xuất bản các tập thơ: Quê tình, Hạt muối bỏ sông v.v… Thơ anh hay, tôi rất thích.

Anh chị nhà văn Nguyễn Hữu Thái, kiến trúc sư, gốc dân Đà Nẵng. Nói đúng hơn, anh là nhà chính trị. Khoảng đầu thập niên 60 anh là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Anh là người trong thành phần thứ ba (cùng phe với Đại tướng Dương Văn Minh, chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc), Khi bộ đội miền Bắc chiếm Dinh Độc Lập, anh là người viết lời giới thiệu cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh hôm 30 tháng 4. 1974. Chuyện thời cuộc đúng hay sai lịch sử sau nầy sẽ phán xét hành động của anh. Sau này, tôi có quen biết anh khi anh tới Boston và chúng tôi nói chuyện với nhau trong tinh thần văn nghệ.

Trong thời gian về lại quê nhà, phần lớn tôi dành thời giờ cho gia đình tại Đà Nẵng, vì 34 năm sau tôi mới ăn Tết với gia đình. Vì vậy thời gian quá ít ỏi, nên có một số bạn bè văn nghệ khác mà tôi không đi thăm được. Tôi có đến thăm nhà thơ Tường Linh, cùng quê hương với tôi, năm nay anh đã 77 tuổi rồi. Anh là một nhà thơ kỳ cựu của Sài Gòn. Anh là con chim đầu đàn của những người làm thơ trong thế hệ của tôi hoặc trước tôi 5, 10 tuổi tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày xưa có dịp vào Sài Gòn bao giờ anh em tôi cũng đến thăm anh. Sau năm 1975, anh cùng làm trong hợp tác xã “Bột Trẻ em Đông Phương” với tôi gần 10 năm, nên tôi hiểu anh nhiều nhất. Anh bị anh em văn nghệ cũ của miền Nam lánh xa vì nghĩ rằng anh hoạt động cho phe bên kia cùng với Vũ Hạnh. Tờ báo Sài Gòn Giải phóng số đầu tiên đăng bài thơ “May cờ” của anh, đó là nguyên nhân sinh ra chuyện nghi kỵ nầy. Thật tình thì anh chẳng hoạt động gì cả, sau 75 gia đình cũng bi đát, không có việc làm, tụi tôi thấy vậy nên kéo anh vào làm ở Đông Phương để anh có cơ hội giúp gia đình. Tình trạng 10 năm (75 – 85) đất nước kiệt quệ, dân tình đói khổ nên vì cuộc sống, vì quá sợ những đòn thù, một số văn nghệ sĩ cũ giả dại qua ải, cúi đầu khuất phục, trong số đó có anh. Chứ quả thật anh không phải là người trong tổ chức cách mạng. Tôi nêu ý kiến về chuyện nầy có lẽ nhiều người không đồng ý, nhưng sự thật là như vậy. Những văn nghệ sĩ còn kẹt lại, không hoạt động gì cả vẫn bị ghép vào những tay “biệt kích văn hóa” ở tù mục gông, thì những người khác yếu bóng vía làm sao không khiếp sợ được. Chúng ta phải thông cảm và tha thứ cho họ. Anh Tường Linh bây giờ đang gom lại tất cả sự nghiệp thi ca của anh để in một tuyển tập, trước khi quy ẩn.

Tôi cũng có những buổi café ngồi nói chuyện với một số anh em văn nghệ cũ, họ cũng không còn nghĩ tới chuyện viết lách trở lại. Có lẽ vì ngưng nghỉ lâu quá, vì lý do tuổi tác, vì sợ đụng chạm, vì không có nơi xuất bản v.v…, và hàng trăm lý do khác mà họ không thể cầm bút trở lại. Họ mang trong lòng những u uất, những dằn vặt nên cái nhìn của họ khá bi quan với cuộc sống hiện tại. Khi ngồi nói chuyện, đụng tới chuyện văn chương là họ có dịp xổ ra tất cả những gì chất chứa từ lâu trong lòng, những phán xét của họ trong mọi lãnh vực đều mang cái ý nghĩ bất như ý, không hài lòng chút nào. Dĩ nhiên có cái đúng có cái sai, chúng ta cũng phải thông cảm cho những con người thấp cổ bé miệng.

Thành phần thứ hai mà tôi đã gặp và thành phần văn nghệ sĩ nầy không ảnh hưởng gì đến sự chi phối của chiến tranh, phần đông họ trưởng thành trong môi trường xã hội chủ nghĩa, họ thuộc lớp tuổi còn rất trẻ, có học thức, biết suy nghĩ và thích tìm hiểu. Họ tư nhận họ thuộc loại văn nghệ “ngoài luồng”. Cách suy nghĩ, cách viết, cách sống của họ hoàn toàn tự do, không theo một khuôn mẫu nào cả. Họ khinh bỉ những gì khép vào khuôn khổ của nhà nước như cơ quan kiểm duyệt. Họ đòi hỏi tự do báo chí, tự do xuất bản, tuy nhiên sự đòi hỏi của họ nhà nước xã hội chủ nghĩa không thể nào đáp ứng được. Bài vở của họ được đón tiếp và đăng tải trên các website và báo chí hải ngoại.

Ngoài ra, một thành phần khác, thuộc loại cũ, không tiếng tăm lắm, lại muốn ngồi trên ghế văn nghệ “chính thống” nên họ lăm le, quỳ lụy, bon chen để có chân trong Hội Nhà văn. Họ rất hãnh diện được đứng vào hàng ngũ nầy. Trong tác phẩm của họ bao giờ cũng có đề “Hội viên Hội Nhà văn…”, nếu không được đứng trong hàng ngũ nầy thì ít ra họ cũng đứng trong hàng ngũ “Hội viên Hội Văn nghệ…” tỉnh gì đó. Có lẽ tôi ở vào cái tuổi đã già, mệt mỏi trong những chuyện bon chen và hơn nữa, không là người trong nước, nên khi nhìn thấy những hình ảnh nầy cảm thấy thật tôi nghiệp cho những văn nghệ sĩ. Cần thiết đến mức độ mà phải hạ nhân cách để tìm một chỗ đứng như vậy sao? Nhìn thấy những vấn đề nầy, ta có thể hình dung ra được văn nghệ sĩ trong nước được phân chia rành rọt: Chiếu trên, chiếu dưới. Chiếu nhỏ, chiếu lớn. Chiếu trung ương, chiếu địa phương v.v… Một người bạn không thuộc giới văn nghệ, cho tôi biết sở dĩ có tình trạng nầy vì chính cái cơ chế nó như vậy, nên buộc lòng những người từ lớn tới nhỏ phải răm rắp tuân theo. Nếu không thì sẽ bị guồng máy nầy nghiền nát. Cũng tội nghiệp cho họ, cũng vì tha thiết với chữ nghĩa nên họ phải bám theo. Nếu được tự do viết, tự do xuất bản thì mấy cái “Hội” từ lớn tới nhỏ tự nhiên phải dẹp tiệm. Thật ra, văn học nghệ thuật đích thực là chỗ dành cho những người có tài, có khả năng thi thố tài năng và từ đó mới có các tác phẩm hay, giá trị và họ sẽ được mọi người biết đến và trân trọng, chứ không cần phải có một chổ dựa nào cả.

Đúng ra nếu có nhiều thời giờ tôi nên đi miền Bắc một chuyến, để thăm một vài anh em văn nghệ mà tôi có cơ hội gặp nhau ở Mỹ. Thế nhưng, thì giờ quá eo hẹp nên không đi được. Chuyến đi về quê nhà của tôi rất vui, gặp lại bạn bè, những người thân thuộc từ lâu lắm không gặp được. Tôi nhớ lại ngồi trên máy bay từ Seoul về Sài Gòn, một cậu ngồi bên tôi hỏi: “Không thấy cô đâu, chỉ một mình chú về à?” Tôi gật đầu. Cậu ấy cười cười rồi nói: “Sướng nhé”. Tự nhiên tôi thấy đau. Trong mắt mọi người, hình như người đàn ông nào về Việt Nam cũng tìm sex để làm thú vui hết hay sao? Vung tiền phủ đầu chiếm đoạt thân thể những người con gái đáng tuổi con cháu của mình. Nó trở thành như một sự bình thường, hiển nhiên mà ai ai cũng đều nghĩ như vậy chăng? Tội nghiệp cho một đất nước mang thêm một vết thương như thế.

Cám ơn quê nhà cho tôi sống lại những ngày buồn vui, nhìn thấy được những vươn lên của đất nước, dù trong muộn màng, trong khó khăn. Tôi không mong mọi người phải nhào ra biển sâu để bắt cá lớn. Mà chỉ cầu xin cho mọi người bắt được con tôm con tép, đủ no trong bửa cơm đạm bạc của mình, được sống trong căn nhà lành lặn, được ngủ trong chăn ấm. Mọi phù phiếm chỉ là một lớp vỏ che đậy được xấu xa bên trong, nhưng không thể ngăn được mùi thối rữa. Hãy để tự nhiên cho đất nước trở mình sống bằng chân thật. Chẳng cần phải thành rồng, thành rắn làm gì cho mệt, miễn sao cho người dân hạnh phúc, không còn cái cảnh đội đơn khiếu nại vì áp bức. Cám ơn các bạn bè tôi, các văn nghệ sĩ đã tiếp tôi trong tình thân, giúp tôi nhìn rỏ chân dung thật cuộc sống của quê nhà, để tôi không nhầm lẫn khi tiếp xúc. Bao giờ quê nhà cũng chiếm hầu hết những suy nghĩ của tôi khi tôi trở lại vùng quê cách khá xa thành phố Dallas, nơi tôi đang sống.

Hoa Kỳ, tháng 4-2008

© 2008 talawas