trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
19.7.2008
 
Trận động đất ở Tứ Xuyên và công cuộc cải tổ của Trung Quốc
 
Về mặt lâu dài, nạn nhân quan trọng nhất của trận động đất tại Tứ Xuyên, làm gần 70.000 người bị thiệt mạng, có thể là chương trình cải tổ lúc mạnh lúc yếu của Trung Quốc. Sau khi những hình ảnh về những cha mẹ khóc than con cái của mình bị vùi dập dưới đống đổ nát của những ngôi trường xây kém chất lượng bị phai mờ khỏi trí nhớ, năm 2008 có thể được nhớ đến trên góc độ là thời điểm mà ban lãnh đạo Trung Quốc, dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ngưng trệ cải tổ vì sự "ổn định" và có lợi cho chính trị. Sự thụt lùi này đối với cải cách cũng ảnh hưởng tới các cơ hội đưa ra những vấn đề mới của những ngôi sao đang lên thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, như Tập Cận Bình và Lý Khắc cường, khi họ lên nắm quyền vào năm 2012.

Động đất Tứ Xuyên, trận động đất lớn nhất kể từ trận động đất ở Đường Sơn xảy ra vào đêm trước khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, đã trở thành sự kiện nóng trên tất cả các sự kiện đặc biệt khác xảy ra trong 5 tháng qua: trận bão tuyết lớn nhất trong nửa thập kỷ qua làm tê liệt phần lớn khu vực ở miền Nam và miền Đông Trung Quốc trong tháng Một và tháng Hai 2008; bạo loạn nổ ra không chỉ ở Tây Tạng mà còn ở cả bốn tỉnh lân cận; và sự bùng nổ chủ nghĩa dân tộc chống lại những chính trị gia phương Tây "đánh vào Trung Quốc" và giới báo chí huỷ hoại sự hoành tráng của bữa tiệc Olympic do ĐCS tổ chức. Đối mặt với những thách thức không lường trước, phản ứng của ban lãnh đạo ĐCS là sự khởi đầu của một loạt cuộc vận động chính trị theo kiểu Mao nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa yêu nước và sự cố kết dân tộc, và đặc biệt là để tập hợp 1,3 tỷ dân Trung Quốc xung quanh "ban lãnh đạo Trung ương Đảng với đồng chí Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư". Đây là một truyền thống kiểu cũ mà "Người cầm lái vĩ đại" gọi là "biến một điều xấu thành một điều tốt". Câu châm ngôn của Mao có nghĩa là ĐCS phải biến thiên tai và thảm họa do con người gây ra thành những cơ hội để chứng tỏ khả năng vô địch của mình trong việc huy động các nguồn lực và tập hợp nhiệt huyết của quần chúng để thực hiện sự chỉ đạo từ cấp cao. Hơn nữa, Bắc Kinh cần tập trung hoá quyền lực cho các mệnh lệnh, trong đó có việc tái xây dựng Tứ Xuyên, chấm dứt âm mưu của các phần tử "ly khai" người Tạng và Duy Ngô Nhĩ, cũng như ngăn chặn các "thế lực thù địch, chống Trung Quốc ở phương Tây" gây ra tai họa hơn nữa cho tiến trình tiến tới sự kiện Olympic quan trọng.

Kể từ khi thảm họa tấn công vào Tứ Xuyên ngày 12/5, báo chí Trung Quốc đã bị trùm kín bởi những lời kêu gói của các ông Hồ - Ôn, cũng như từ các vị lãnh đạo chóp bu khác, nhằm thúc giục mọi người cố gắng cho việc tái xây dựng Tứ Xuyên, và làm sống lại "vầng hào quang của người Trung Hoa", qua việc thực hiện các chỉ thị của ĐCS. Người ta đã phát động việc phát huy câu thần chú mà ông Hồ đưa ra khi đi thăm khu vực Tứ Xuyên bị đổ nát: "Không có khó khăn nào có thể đánh bại người Trung Quốc anh hùng". Vị lãnh đạo Đảng và tổng tư lệnh này cũng hối thúc mọi người dân Trung Quốc tham gia nỗ lực cứu trợ nhằm "thực hiện triệt để các đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc vụ Viện và Quân ủy Trung ương". Lời kêu gọi của ông Hồ đã phản ánh hai sự kiện gần đây nhất chứng kiến sự thể hiện của chủ nghĩa yêu nước: "Cuộc chiến tranh nhân dân" do ĐCS phát động vào giữa tháng Ba để chống lại cái mà báo chí nhà nước gọi là "sự ủng hộ độc lập do bè lũ Dalai Lama khuấy động"; và sự trừng phạt, biểu tình chống lại các chính trị gia, doanh nhân và giới báo chí ở Mỹ và châu Âu, những người hoặc ủng hộ người Tây Tạng, hoặc đe doạ tẩy chay Olympic.

Trí thức Bắc Kinh cho rằng ưu tiên cao nhất mà ĐCS đặt vào sự trung thành chính trị và chủ nghĩa yêu nước mù quáng đã đi ngược lại tinh thần cải cách và tự do hoá tư tưởng mà Chủ tịch Hồ đã nhấn mạnh trong Đại hội Đảng lần thứ 17 vào tháng 10/2007. Vị lãnh đạo tối cao của thế hệ lãnh đạo thứ tư đã kêu gọi một bước tiến lớn trong vấn đề "dân chủ trong nội bộ Đảng", cũng như trong việc cải tổ dần dần những khía cạnh khác cửa thể chế chính trị. Hơn nữa, ông Hồ đầu năm nay còn nhấn mạnh việc ông ủng hộ "làn sóng tự do hoá tư tưởng lần thứ ba" trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc bắt đầu chính sách mở cửa do Đặng Tiểu Bình phát động tháng 12/1978. Tuy nhiên, sau trận động đất Tứ Xuyên, làn gió lạnh của chủ nghĩa bảo thủ đã vùi dập đời sống chính trị, và việc cải tổ trên các mặt đã bị đóng băng trong thời gian tới. Ví dụ, việc tự do hoá trong những lĩnh vực như báo chí, các cơ quan Đảng và nhà nước, và "tự do hoá tư tưởng" toàn bộ đã bị bỏ xó. Trong những ngày đầu tiên sau động đất, ban lãnh đạo Hồ - Ôn đã nhận được sự ca ngợi từ cả báo chí phương Tây về việc cho phép giới báo chí đưa tin về thảm họa này hơn mức bình thường. Tuy nhiên, vào cuối tuần đầu tiên, Ủy ban Thông tin của ĐCS đã đưa ra chỉ thị của ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lý Trường Xuân, người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, về việc cấm đưa các "tin tiêu cực". Với rất ít ngoại tệ, mọi cơ quan báo chí, truyền hình và mạng điện tử phải quay trở lại vị trí là cơ quan tuyên truyền của ĐCS. Điều này có nghĩa là ngoài việc nhắc lại những chỉ dẫn của những vị lãnh đạo tối cao, các đơn vị thông tin phải nhấn mạnh về chủ nghĩa anh hùng của những người cứu hộ, đặc biệt là các quan chức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Cảnh sát Vũ trang (PAP). Các bài viết về sai lầm của các quan chức trung ương hoặc địa phương mà có thể làm tăng những tổn hại của động đất, đã không còn thấy nữa. Ví dụ, trong khi báo chí Hongkong đưa rất nhiều tin về cái gọi là "dự án đậu phụ", đặc biệt là các trường học và ký túc xá sinh viên xây dựng kém chất lượng, là nguyên nhân dẫn tới cái chết của hàng nghìn giáo viên và học sinh, thì báo chí đại lục (Trung Quốc) đã im lặng trước vụ bê bối này. Một việc tương tự là những tin tức về việc những nhà địa chất học nổi tiếng của Trung Quốc, như Geng Qingguo (耿慶國/Cảnh Khánh Quốc) vào cuối tháng Tư đã đưa ra cảnh báo khẩn cho ủy ban kiểm soát động đất quốc gia về khả năng xảy ra động đất ở khu vực Tứ Xuyên.

Theo một biên. tập viên tại Quảng Châu, ban lãnh đạo ĐCS đã tái áp đặt sự trói buộc đối với báo chí để tránh bộc lộ những yếu kém của cả ban lãnh đạo trung ương và địa phương ở Tứ Xuyên. Biên tập viên yêu cầu giấu tên này cho hay ở Trung Quốc, thường có truyền thống là gắn sự "phẫn nộ của thượng đế, như thể hiện trong trận động đất vừa qua, với tham nhũng và sự điều hành kém cỏi của chế độ". Công tác kiểm duyệt sẽ được thắt chặt trong thời gian trước và sau Thế vận hội Olympic, vì ban lãnh đạo Hồ - Ôn cho rằng những thách thức lớn đối với chế độ sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Biên tập viên này bổ sung thêm rằng ban lãnh đạo ĐCS cũng rất lo ngại về hoạt động cứu trợ của các tổ chức phi chính phủ đang lan rộng hiện nay. Việc tái thiết lại Tứ Xuyên, Bắc Kinh lo ngại rằng họ sẽ dẫn đầu xã hội dân sự đang tăng trưởng mạnh hiện nay nhằm vào trình trạng tham nhũng tràn lan trong chính quyền, và sẽ làm suy giảm quyền lực của Đảng. Sau hàng loạt cuộc "cách mạng màu" tấn công vào các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Gruzia và Kirgistan, ông Hồ đã nhiều lần yêu cầu các cờ quan an ninh quốc gia phải chú ý tới hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc, đặc biệt là những tổ chức nhận được hỗ trợ tài chính từ nước ngoài.

Trận động đất này, cùng với cuộc vận động chính trị liên quan tới Olympic nhằm tăng cường chủ nghĩa yêu nước, đã gạt sang bên nỗ lực của những quan chức có tư tưởng tương đối tự do, mà dẫn đầu là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương (汪洋), nhằm đưa ra một hình mẫu dân chủ nhỏ để đánh dấu việc kỷ niệm 30 năm ngày bắt đầu cải tổ của Trung Quốc. Ông Uông, một ủy viên BCT mới có mối quan hệ gần gũi với ông Hồ Cẩm Đào, bắt đầu phát động một đợt cải tổ mạnh mẽ hơn kể từ khi lên nắm vị trí lãnh đạo tối cao của tỉnh Quảng Đông vào mùa đông năm ngoái. Ông đã đưa ra nhiều bài phát biểu về chính sách, kêu gọi sự đổi mới tư tưởng nhanh hơn và về phương hướng mới cho sự điều hành. Ví dụ, tại một hội nghị của các quan chức tỉnh Quảng Đông vào mùa xuân vừa qua, ông Uông cho hay "chúng ta phải đạt được một bước nhảy vọt về lịch sử và khôi phục sự khuyến khích trong thời kỳ đầu cải cách để đưa ra một dòng máu mới cho tỉnh Quảng Đông". Vào tháng Tư 2008, vị bí thư này đi tiên phong trong việc "đánh giá mở cửa" đối với quan chức chính phủ: các quan chức cấp cơ sở phải thường kỳ báo cáo về công tác của họ cho cấp trên và cho công luận, trước máy thu hình của truyền hình. Đầu tháng Năm, ông Uông và những người cộng sự của ông đã nói về việc đưa ra "bầu cử cạnh tranh" khi hội đồng nhân dân địa phương ở thành phố Thâm Quyến và các thành phố lớn khác họp để bầu ra lãnh đạo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng hiểu được rằng Bộ Chính trị đứng đầu là các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sau trận động đất vừa qua đã yêu cầu ông Uông Dương tạm thời ngưng lại các ý kiến cải tổ của mình. Điều này đi ngược lại một thực tế rằng do vị trí nổi bật của ông Uông trong phái "Đoàn thanh niên" của ông Hồ, người ta dự đoán rằng lời kêu gọi của ông Uông về "làn sóng tự do hoá tư tưởng lần thứ ba" cũng xuất phát từ ý tưởng của ông Hồ Cẩm Đào. Bản thân ông Hồ cũng gác lại những cải tổ về chính trị mà ông nêu ra tại Đại hội Đảng lần thứ 17. Ví dụ, vị Tổng Bí thư này khi kết thúc Đại hội đã phát biểu trên tư cách cá nhân rằng hơn 2.000 đại biểu Đại hội có thể tổ chức hội nghị thường kỳ để để giám sát công tác của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại tất cả các đại hội trước đây, trách nhiệm của đại biểu sẽ chấm dứt và trở về với công việc thường ngày của mình sau khi bầu xong ban chấp hành trung ương mới. Đầu năm nay, việc thử nghiệm trao quyền cho các đại biểu tham gia đại hội Đảng ở địa phương đã được tiến hành ở một số quận huyện ở tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, một số nguồn tin chính trị ở Bắc Kinh cho hay ông Hồ và các cố vấn của mình đã quyết định tạm ngưng tất cả các sáng kiến cải tổ có thể dẫn đến sự bất ổn định tiềm tàng.

Thay vì đưa ra những cơ cấu và cơ chế có thể làm tăng thêm quyền chính trị của đảng viên và công dân, ban lãnh đạo Hồ - Ôn đã tăng cường khả năng của Đảng trong việc giương cao "chuyên chính vô sản". Bộ Chính trị đã trao quyền mới cho hai cơ quan hoàn toàn không minh bạch của ĐCS, đó là Ủy ban Chính trị và Luật pháp Trung ương (CPLAC) và Ủy ban Trung ương Điều chỉnh Tổng thể về Luật pháp và Trật tự Xã hội (CCCRSLO), để trấn áp tội phạm, những phần tử "ly khai", người bất đồng chính kiến và những phần tử được cho là có thể làm yếu đi quyền lực của ĐCS. Tại một hội nghị gần đây về các quan chức thực thi pháp luật, ủy viên của CPLAC Chu Vĩnh Khang, người lãnh đạo CPLAC và CCCRSLO, đã kêu gọi quần chúng nâng cao cảnh giác chống lại "các thế lực gây bất ổn định" trong xã hội. Nhân vật cứng rắn này đã yêu cầu người dân hợp tác với cảnh sát để làm thất bại mọi nỗ lực hòng phá hỏng Thế vận hội Olympic. Ông Chu nhấn mạnh rằng "chúng ta phải hình thành một hệ thống kiểm soát và ngăn chặn mang tính luật pháp và trật tự dựa trên nguyên tắc phòng thủ chung của cảnh sát và nhân dân". Ông Chu nhắc lại lời nói của Hồ Cẩm Đào gần đây rằng "duy trì ổn định là trách nhiệm không thể lay chuyển của chúng ta và là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta". Trong sự tụt lùi nghiêm trọng của việc cải tổ luật pháp và tư pháp, cả CPLAC và CCCRSLO được trao quyền kiểm soát đối với hai cơ quan luật pháp nhà nước là Viện Kiểm sát và Tòa án.

Xu hướng bảo thủ cũng tấn công vào việc cải tổ kinh tế, thông thường được cho là ít tranh cãi hơn là thay đổi về chính trị. Trong khi các thảm họa thiên nhiên như trận bão tuyết vào tháng 1/2008 và trận động đất Tứ Xuyên không được cho là tạo ra thay đổi đáng kể đối với tăng trưởng của GDP, đa số người dân Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát, mà nhiều người cho rằng còn tồi tệ hơn là con số chính thức 8%. Sự suy giảm của thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến kể từ mùa Đông năm ngoái có nghĩa là khoảng 120 triệu người tham gia mua cổ phiếu đã bị mất tiền. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải bị giảm mất 34% trong quý I năm nay. Để duy trì sự ổn định chính trị xã hội, Quốc vụ Viện đã tái áp dụng việc kiểm soát giá cả đối với một số hàng hoá chính kể từ tháng 1/2008. Trong nỗ lực nhằm tránh một sự hỗn loạn trước khi diễn ra Olympic, nội các của ông Ôn Gia Bảo vào cuối tháng Tư đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán. Ví dụ, giảm thuế chuyển nhượng cổ phiếu từ 0,3% xuống còn 0,1%. Nhà chức trách cũng ngưng lại việc đưa các cổ phiếu không giao dịch vào thị trường, do lo ngại những cổ phiếu không giao dịch trị giá hàng tỷ NDT này có thể làm giảm giá cố phiếu hơn nữa. Những chính sách chống lại thị trường này dường như sẽ được tiếp tục một khi Bắc Kinh đặt sự ổn định chính trị lên trên tiến triển có trật tự của việc tự do hoá kinh tế.

Sự thụt lùi về cải tổ đã làm giới trí thức tự do ở Trung Quốc rất thất vọng, vì có nhiều dự đoán rằng năm 2008 sẽ trở thành năm ngọn cờ của cải cách. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu của nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai cửa ban lãnh đạo Hồ - Ôn. Hơn nữa, Thế vận hội Olympic Bắc Kinh được coi là dịp để đảng mở cửa hơn, một nước Trung Quốc trong thế kỷ 21 đa nguyên hơn. Tuy nhiên, những sự việc diễn ra vừa qua là sự không ngừng xác nhận lại quyền lực của Đảng và nhà nước lên mọi khía cạnh của cuộc sống ở Trung Quốc. Sự xuất hiện chủ nghĩa dân tộc bài ngoại đã buộc Hồng y Joseph Zen (陳日君/Trần Nhật Quân) ở Hongkong bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể hướng tới chủ nghĩa phát xít một kiểu "độc tài với đặc tính chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ".

Trong khi những độc giả lạc quan về thể chế chính trị của Trung Quốc có thể coi viễn cảnh về một "chủ nghĩa phát xít Trung Quốc" còn xa vời, nhưng có thể nói rằng động lực cho việc cải tổ đã bị ngưng trệ, và có thể mất một vài năm bị tụt lùi. Hai vị lãnh đạo then chốt của thế hệ lãnh đạo thứ năm, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng thường trực Lý Khắc Cường, được coi là những người coi trọng an toàn hơn là theo đuổi cải tổ. Với chấn thương năm 2008 bị đốt cháy bởi sự lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị, dường như không thể xảy ra khả năng sau khi lên lãnh đạo Ủy ban Thường vụ ựô Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2012, các ông Tập, Lý và cộng sự của mình có thể đặt ưu tiên tối cao vào việc làm khuấy động lại nhiệt huyết và sự tưởng tượng phong phú dẫn tới việc cải tổ Đảng do ông Đặng lãnh đạo 30 năm trước đây.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Viá»…n Đông, tháng 6/2008. Bản tiếng Việt của Thông tấn Xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt số 154-TTX, thứ Hai ngày 7/7/08, tr. 18-23.