trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
21.7.2008
Tam Ích
Ý văn 1
 1   2   3   4   5   6 
 
Vấn đề kịch tiền phong

Những vấn đề văn nghệ Âu Mỹ thì nhiều lắm, nhưng vào giữa thế kỷ XX có hai vấn đề lớn trong một số vấn đề lớn khác: là vấn đề văn chương kịch tiền phong (littérature dramatique d’avant-garde) và vấn đề tiểu thuyết mới (nouveau roman). Tôi xin nói về vấn đề trên trước: nói nó là một vấn đề cũng được mà nói nó là một hiện tượng văn nghệ cũng được. Nó đương trưởng thành ở Âu Mỹ.

Nó phát sinh vất vả lắm. Nhưng tới lúc trưởng thành thì nó lại mau chóng… lớn: nó lớn vùn vụt, lớn ngang tầm nhận định và tầm thông minh của người Âu Mỹ, nhưng tốc lực trưởng thành của nó lại đi quá tầm thông minh và hiểu biết của người Việt Nam – nói trí thức giới Việt Nam thì đúng hơn. Nói vậy bởi vì thế nào rồi nó cũng… qua đây, cũng như ngày xưa những chủ nghĩa lãng mạn, tả chân… đã qua với ông bà chúng ta và cả chính chúng ta vậy. Hiện thời "hành trình" của nó qua Việt Nam đương dè dặt – có thể nói là chưa có hình bóng nó thì đúng hơn. Nhưng ở Đông Kinh bên Nhật Bản chẳng hạn thì nó đã nghênh ngang có vị trí rồi!

Lãnh tụ văn nghệ của phong trào văn nghệ kịch tiền phong ở Pháp là các kịch gia Ionesco, Adamov, Beckett, v.v. Những vở kịch điển hình của nó là: En attendant Godot của Samuel Beckett, La cantatrice chauve, Les chaises… của Eugène Ionesco, v.v. Cũng nên thêm Le balcon chẳng hạn của Jean Genêt là một kịch gia thi gia văn gia được Jean Paul Satre ngưỡng mộ. Cách đây chừng năm mười năm, khi Beckett và Ionesco… viết xong kịch của họ và đưa cho các nhà sản xuất các chủ rạp dựng… thì chúng khẩu đồng từ, đủ một trăm phần trăm các chủ rạp và sản xuất gia… từ chối – không những từ chối, lại còn xuống "sắc lệnh" rằng những kịch gia ấy, hoặc họ điên, hoặc họ khùng, hoặc họ đùa… dai, hoặc họ chọn sai lúc để mà ỡm ờ. Có người lại cho rằng kịch gia mà ỡm ờ với chủ rạp như vậy thì nên liệng bình mực vào mặt họ… và nhốt họ lại ít lâu cho tâm trí họ lấy lại thăng bằng…

Nhưng Ionesco và Beckett… là những văn thi sĩ rất cứng cổ – cứng cổ với chính mình và với người – và rất lỳ. Vừa lỳ vừa kiên tâm: như Beckett chẳng hạn, Beckett có đủ mười hai giờ trên mười hai giờ của một ngày có mặt trời để mà ngồi lỳ… lỳ, đăm đăm nhìn trước mặt mình… nhất định không nói nửa tiếng với bạn bên cạnh mình, kể cả là bạn tri âm. Họ đủ can đảm ngồi như vậy – lỳ lợm, phóng biếm (cynique), kiên tâm, khinh người, người Á Đông xưa của chúng ta thì gọi là khinh thế ngạo vật... Nhưng đến cách đây vài năm… bỗng nhiên những vở kịch En attendant Godot, Les chaises, Le cantatrice chauve, Rhino céros… lại diễn khắp châu Mỹ – diễn liên tiếp và thường trực hàng sáu tháng, chín tháng, một năm, hai ba năm…

Ionesco, Beckett, Genêt… bỗng nổi tiếng như cồn. Kịch phẩm in ra bán rất chạy – còn kịch thì dựng và diễn rất lâu, là lẽ dĩ nhiên rồi! Tác giả từ chỗ nghèo… đói trở nên giàu có – giàu có – giàu có nhưng tiền thì mặc kệ tiền, nếp sống vật chất thì vẫn lôi thôi như xưa, như khi chưa nên danh vọng vậy…

Rạp hát đông nghịt. Khán giả ngựa xe như nước áo quần như nêm…

Đầu đuôi như vậy!

Vậy chứ bên Âu Mỹ, sao lại có chuyện lạ như vậy? Lạ ở chỗ dám viết kịch không ai đọc, trừ tác giả. Lạ ở chỗ tác giả cứng đầu và cứng cổ… Lạ ở chỗ bỗng nhiên gió ngược chiều thổi lại… Văn nghệ từ chỗ đương là quái thai trở nên mang tính chất rất "nhân văn" (humaniste) – các nhà phê bình kịch đi từ một thái cực đến một thái cực: nghĩa là từ chỗ "liệng bốn sự thật" vào mặt tác giả đến chỗ trầm trồ tác giả – cách nhau chỉ mấy năm.

Nhưng còn khán giả? Đây mới là trường hợp chính yếu: từ chỗ rạp hát vắng như bãi tha ma, rạp hát trở nên đông như kiến. Khán giả đi xem kịch: họ không tới thì phong trào văn nghệ tiền phong là phong trào chết ngay trong trứng – mà họ tới đông thì phong trào lên cao – và được gọi là tiền phong (avant-garde). Xin nói lại: họ là khán giả, họ quan trọng – họ nắm quyền sinh sát văn nghệ.

Vậy chứ tâm lý họ là tâm lý gì và tại sao lại có chuyện biến chuyển tâm lý lạ như vậy – đột ngột đến cỡ ấy?

Thì ra khí hậu xã hội (climat social) đã đóng một vai chính trong vấn đề biến chuyển tâm lý ấy. Hai cuộc chiến tranh và viễn ảnh một cuộc tự sát chung đã làm họ không tin tưởng ở giá trị của thứ tự có sẵn – ordre établi – dù là thứ tự văn hóa. Họ tìm cái mới để tìm những giây phút lạ cho tâm hồn – lối thoát của một vài giờ cũng vẫn là lối thoát. Đồng thời tiềm thức của họ cũng phản ứng lại những giá trị văn nghệ (valeurs artistiques) truyền thống đã không làm đủ vai trò xã hội và lịch sử (mission sociale et historique) của văn nghệ. Tiềm thức họ nói với họ: tưởng đâu nghệ thuật truyền thống và cổ điển đã tham dự vào việc xây dựng một xã hội có công lý và thái bình! Nào ai có dè: ai cũng như ai… gì cũng như gì! Tiềm thức nói kín đáo quá nói nhỏ quá cho nên chủ quan không nghe hết lời "tâm sự" của tiềm thức. Một sớm, thói quen văn nghệ tiền phong thành một phong trào và đóng vai trò của nó: lôi cuốn. Thời trang (mode) và sự "a dua" (snobisme) can thiệp vào nữa… Đã vậy, sự khủng hoảng về tâm hồn, sự xao xuyến (angoisse metaphysique) nấp trong chỗ sâu nhất xa nhất của tâm hồn lại được những vở kịch tiền phong giải quyết cho một phần lớn.

Và đồng thời, một trong những phương diện tâm lý chủ quan cũng đã góp phần cho kịch tiền phong phi lý bí hiểm ấy nảy nở vùn vụt một cách dễ dàng. Những dân tộc Âu Mỹ là những dân tộc thừa thãi về… dân chủ, về văn minh… họ có dư không thời gian – nếu có thể nói vậy – và có dư cả tiềm lực nhân sinh – tiềm lực chìm cũng như tiềm lực nổi – để hưởng thụ, để thưởng ngoạn về nghệ thuật… Con người dư dật và thừa thãi… thường sắm đồ trang sức và xa xỉ phẩm: Francoise Sagan hay Ionesco… hay những bức tranh lập thể và phi hình dung (non figuratif), đối với họ có thể là những món đồ xa xỉ phẩm về văn nghệ: một cuốn Bonjour tristesse hay một vở kịch đầu voi đuôi chuột Les chaises của Ionesco chẳng hạn lấp những chỗ trống trong tâm hồn những kẻ dư ăn dư mặc ăn không ngồi rồi… Cũng nên hiểu là sự phong phú tràn trề, sự phèn phỡn, sự giàu sang quá giới hạn… cũng gây khủng hoảng cho tâm hồn. (Tâm lý này hiện đương diễn ra ở Âu Mỹ trong giới trí thức). Ấy là chưa nói rằng người Âu châu chẳng hạn có thể coi như là đã thuộc về những dân tộc đi gần hết giai đoạn trưởng thành biện chứng của lịch sử một quốc gia. Một trong những đặc tính của cái giai đoạn ấy sự trưởng thành, sự già lão, sự thừa thãi… triệu chứng của một sự sa đọa… nào đó sắp tới. Những dân tộc ấy, trong sự diễn tiến lịch sử, cần "ngoại hiện" những sự đòi hỏi, những nhu cầu kín đáo hay là bộc lộ. Tất cả những phát hiện của nghệ thuật phi lý có thể chỉ là sự thỏa mãn của những đòi hỏi ấy…

Ai công kích Hégel hay nói về biện chứng lịch sử thì cứ công kích, tôi thấy Hégel vẫn là một uy tín lớn về trí thức của lịch sử.

Trái lại người Á Đông là người còn thiếu… nhiều: thiếu những đòi hỏi căn bản về dân chủ trên phương diện chính trị – tôi trừ Trung cộng và Nhật Bản là hai trường hợp riêng – thiếu máy lạnh, máy vô tuyến truyền hình, thiếu những máy nguyên tử… thiếu nhiều lắm. Họ vội vàng hấp tấp lo lấp những chỗ trống… họ lo tìm cho đời họ, cho dân tộc họ, cho cá nhân họ… cái mà người ta có thừa thãi, cái mà chính họ chưa có. Công đâu, hơi đâu, thì giờ đâu, mà… sắm xa xỉ phẩm, hưởng thụ xa xỉ phẩm, thưởng ngoạn những đồ trang sức… trừ những kẻ đã giàu có trên lưng dân tộc rồi! Ionesco, Jean Genêt, v.v. mà có qua được đến đây cũng khó có đất đứng – ấy là chưa nói rằng người Á Phi chưa có một tâm lý "dư dật" để phù hợp với sự thưởng ngoạn nghệ phẩm phi lý… thì nghệ phẩm phi lý không thể có đất để trưởng thành…

Ở Việt Nam "gió" tiền phong ấy chưa "thổi" tới: thoại kịch thông thường ở đây mà còn chưa phát sinh được – huống là thoại kịch tiền phong!! Thật ra, kẻ viết bài này đã đọc nhiều kịch tiền phong, tin tưởng rằng giá có "truyền nhiễm được… đến đây, chúng cũng sẽ có số phận của một cái thai chưa thành hình đã… chết. Vì…

Vì không có gì cụ thể và chứng minh bằng diễn ra đây vài đoạn đối thoại của kịch tiền phong, độc giả sẽ tự tìm lấy câu trả lời của băn khoăn vậy.



Ông Martin: Bánh là một cái cây to trong khi mà bánh là một cây to, và một cây sên ẽ phát sinh từ một cây sên, sáng nào cũng vậy, vào buổi bình minh.
Bà Smith: Chú tôi sống ở nhà quê nhưng cái đó nào có ăn nhập gì đến bà mụ.
Ông Martin: Giấy để mà viết, còn con mèo là để bắt chuột cống. Miếng phó mát là để cào…
Bà Smith: Xe hơi đi lanh lắm, nhưng con sen nó ấu ăn ngon hơn.
Ông Smith Nào, đừng có làm mặt thộn thế kia, bà nên hôn cái anh chàng phiến loạn

Bà Smith:
Ồ, suối gì mà suối như vậy, suối gì mà suối như vậy, suối gì mà suối như vậy, suối gì mà suối như vậy, suối gì mà suối như vậy, suối gì mà suối như vậy kìa… thác nước gì mà…
  
Ông Martin:
Trời đất ơi, suối gì mà hàng dây suối như vậy – hàng dây suối như vậy, hàng dây suối như vậy – hàng dây suối như vậy, hàng dây suối như vậy – hàng dây suối như vậy – dài dằng dặc không biết cơ man nào là thác nước và suối…
  
Bà Smith:
Những con chó có bọ chó, những con chó có bọ chó.
  
...
 
  
Bà Smith:
Những con chuột có lông mày, những lông mà không có chuột.
  
Bà Martin:
Đừng đụng đến giày ký long của tôi.
  
Ông Martin:
Đừng có rục rịch giày ký long.
  
Ông Smith:
Rờ con ruồi đi, đừng cho sự rò mó nó hỉ mũi.
  
Bà Martin:
Con ruồi rục rịch.
  
Bà Smith:
Cái miệng của bà phải hỉ đi.
  
Ông Martin:
Để cho cái đập ruồi nó hỉ mũi, để cho cái đập ruồi nó hỉ mũi.
...

Những câu đối thoại ấy trích trong kịch phẩm La cantatrice chauve của Ionesco. Đầu voi đuôi chuột. Đầu ngô mình sở. Ngây ngây ngô ngô. Ngớ nga ngớ ngẩn. Nhân vật điên không ra điên, khùng không phải khùng… nói những câu như của người loạn trí, và nói với nhau như hai người đau thần kinh… đối thoại với nhau… Cái kiểu nói như vậy diễn trong hai giờ, ba giờ – khán giả Âu Mỹ cứ chịu khó… coi như thường. Coi kịch. Nghe kịch…Thưởng ngoạn kịch… Mô Phật!

Và kịch như thế, viết làm sao, dựng làm sao, diễn làm sao, rạp nào, khán giả đông hay thưa, phát sinh cách nào, trưởng thành ra sao – tôi đã trình bày ở trên rồi! Quả tình tôi viết bài này là để mời trí thức giới Việt Nam biết qua một câu chuyện văn nghệ ở Âu Mỹ hiện thời ra sao, thế nào, làm gì. Rồi bạn đọc của tôi sẽ phê phán, phán đoán lấy – và sẽ tìm hiểu coi là kịch tiền phong có qua đây như xưa kia trước kia văn thơ lãng mạn, văn thơ tả chân văn chương duy nhiên văn thơ tượng trưng, văn thơ siêu thực… đã hơn một lần theo làn sóng văn hóa Âu Mỹ qua đây - tạo ra Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Huy Cận, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, v.v. hay chăng! Ai tin được rằng văn thơ kịch Việt Nam sẽ tiến hóa đến… tiền phong thì cứ tin. Tôi – đứng trên cương vị một nhà văn nghệ – tôi xin phép quý bạn cho tôi lạm xưng như vậy – thì tôi không tin… một chút nào!

Huy Cận đã một lần tin… bậy như vậy nên mới viết Kinh cầu tự bằng một lối văn cầu kỳ bí hiểm phi hình dung rồi lớn tiếng nói rằng: "Tôi viết cuốn Kinh cầu tự là may một cái áo rộng thênh thang – độc giả của tôi sau này lớn lên… mặc là vừa!". Huy Cận có ý cho rằng ngày đó không ai hiểu cái bí hiểm của Huy Cận thì vài ba chục năm sau sẽ… hiểu Kinh cầu tự.

Không ngờ ngày nay Kinh cầu tự của Cận chết theo chất thơ tiền chiến của Cận – người ta quên mất và quên đứt Kinh cầu tự. Và… hoặc là lịch sử vượt lên trên sách Cận. Hoặc là lịch sử rẽ ngã khác…

Cận tính sai một nước cờ văn nghệ – sách Cận hoặc là làm trò cười, hoặc chỉ làm tài liệu… nghèo mà thôi. Hẳn Cận đã "giác" về nghệ thuật Kinh cầu tự của mình rồi chứ gì!

Có người gọi kịch tiền phong là kịch phi lý (théâtre de l’absurde). Riêng Ionesco thì gọi kịch của chàng là phi kịch (anti-pièce) nghĩa là kịch tiền phong không nói gì cả, không có nghĩa lý gì cả. Nhưng đồng thời "phi kịch" mà lại dùng hết tất cả kỹ thuật sân khấu – để lên sân khấu – nghĩa là để dựng, để ra đời…

Ý của kịch gia tiền phong là muốn đem những câu nói của chị Năm ngã ba chú Ía, của con sen, của bác phó rèn… của người đổ thùng… nói mỗi ngày, rời rạc, đầu voi đuôi chuột, cũng như… cuộc đời vậy… lên sân khấu. Đó là kịch, đối với họ.

Thực ra Ionesco còn muốn dùng kịch tiền phong để lên án giá trị của ngôn ngữ – vì ngôn ngữ là một lợi khí để chở ý tưởng, nhưng lại là một lợi khí rất thiếu giá trị và tác dụng – chỉ gây hiểu lầm giữa cá nhân và cá nhân, giữa tập thể và tập thể… giữa dân tộc và dân tộc – nhỏ là chuyện xung đột vặt, lớn là chiến tranh giết nhau, vừa giết người vừa học luân lý giáo khoa thư và đọc diễn văn "nhân bản"…!

Tôi nhớ như đâu đó đã có một kịch gia tiền phong viết câu này về kịch tiền phong: C’êtait une condamnation du langage, véhicule très imparfait de ce que nous voudrions exprimer" Ý câu Pháp văn ấy là kịch tiền phong lên án ngôn ngữ – vì ngôn ngữ chở ý tưởng người ta một cách… bất túc, một cách… xuyên tạc! Ấy vậy thì đối thoại kịch có đầu voi đuôi chuột – thì có gì là lạ… Nào!

Té ra kịch tiền phong lại là một lợi khí phản ứng của nhà văn hóa – nhà văn nghệ, và kịch gia… Phản ứng lại tác dụng tai hại của… ngôn ngữ trong lịch sử tiến hóa của loài người: tan vỡ cá nhân, tan vỡ tập thể… và đồng thời tan vỡ vì hiểu lầm, hiểu lầm nên tan vỡ. Chỉ vì ngôn ngữ…

Té ra ý Ionesco, Beckett, v.v. lại là ý cao, ý xa, ý cực vi, ý cực diệu – ý rất siêu hình… chẳng phải là chuyện… lập dị như thiên hạ tưởng một tí nào!

Ông Lão Đam, cái ngày ổng nói rằng đạo mà gọi được bằng tên – nghĩa là bằng ngôn ngữ – thì không phải là đạo nữa, là ổng đã đưa ngôn ngữ ra… tòa rồi!

Và Thái tử Tất Đạt Đa bao nhiêu năm tu hành không nói một câu nào là suốt bao nhiêu năm người đã đưa ngôn ngữ… ra vành móng ngựa rồi!

Mà nào phải chỉ có các bực thánh mới nhìn xéo giá trị của ngôn ngữ đâu! Bỏ hàng thánh hiền xuống hàng phàm phu, chúng ta có Jean Luc Godard, một nhà dàn cảnh điện ảnh Pháp tên tuổi vào bực nhất và thuộc loại "hiện đại" nhất… cũng đã thiếu… thiện cảm với ngôn ngữ, và thường nói bóng gió xa xôi về cái đẹp của... im lặng (như của thiền Phật giáo chẳng hạn). Jean Collet, nói về chàng Godard, một nghệ sĩ mà có kẻ cho là thiên tài và có kẻ lại cho là láo, một nghệ sĩ cho ra đời những nghệ phẩm điện ảnh gây sóng gió như ở Bataille d’Hermani ngày xưa… đã viết: "Et pourtant, on ne peut pas mieux montrer que les mots nous trahissent, que la vie ne peut se réduire au langage, que l’essentiel est ailleurs" – ý muốn nói rằng ngôn ngữ thường… phản phúc, đời sống không phải chỉ ở cái miệng… và người ta phải tìm cái cần yếu ở chỗ khác…

Tôi sực nhớ xưa kia đã đọc một cuốn sách, còn nhớ một câu ý nói: một vạn sự tan vỡ của nhân sinh đều do sự hiểu lầm – malentendu – mà phát sinh. Mà sở dĩ có hiểu lầm chỉ vì có ngôn ngữ.

Té ra Phật giáo Thiền tông thật đã đi trên con đường cao nhất – cực vi cực diệu – của Phật giáo, của hình nhi thượng của tất cả mọi hệ thống triết học siêu tại hay nội tại.

Họ ngồi… Tuyệt đối họ không nói.


Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân

Cuốn Bão rừng in rất đẹp hình như ra đời vào năm 1957. Tác giả của nó là Nguyễn Văn Xuân, một tác giả có một bút pháp rất vững – đối với những người trẻ tuổi viết văn vào thời ấy, cái thời ông Ngô Đình Diệm mới chấp chính được vài ba năm. Có thể nói là họ Nguyễn tham dự vào thế hệ bậc thầy, đó là tôi nói thật – ngày nay thì đã hơi khác, dĩ nhiên! Người đưa nó ra đời và đề tựa cho nó là nhà văn Lưu Nghi, người đã có vị trí trong văn giới, một người tinh đời và can đảm dám làm một việc không biết dẫn người bỏ tiền… in sách đi tới sự phá sản nào… Nói phá sản là nói đúng – vì văn chương hay, ở một hoàn cảnh lịch sử nào đó, gặp những tình thế văn hóa nào đó…, thường thiếu thị trường… Chuyện ấy lịch sử văn học đã để nhiều bài học – chẳng phải bây giờ mới có, hay là chuyện tôi bày đặt…

Ông Ngô Đình Diệm chỉ đi chơi không thôi cũng đã nằm trên trang nhất của tờ báo – cùng một lúc nữ ca sĩ cải lương tầm thường nhất đi ngoài đường gặp xe đạp làm trầy ngón chân út… cũng chiếm một hai cột lớn trên trang nhất bên cạnh cuộc kinh lý vụn của ông Tổng thống… Riêng cuốn Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân thì khi ra đời, vỏn vẹn chỉ có một vài hàng giới thiệu con con trong một xó tối tăm nhất của trang tư một tờ báo hằng ngày… Giữa lúc ấy thì có một số nhà văn nhà thơ đương giận chế độ và đương tủi thân – tủi chung, tủi riêng: trong đó có tôi. Chúng tôi không viết – thêm vào đó một trường hợp: tôi bệnh hoạn cho nên đã lười lại lười thêm. Cuốn Bão rừng bị thiệt thòi… đã thiệt thòi lại thiệt thòi thêm, ít người nói đến…

Sao mà nó buồn thế: khí hậu văn chương trong văn hóa tiêu sơ đến thế kia à!

Ngày nay, anh Vũ Hạnh cho mượn cuốn Bão rừng để tôi đọc lại. Đọc lại rồi và thấy sách của Nguyễn Văn Xuân vẫn có giá trị của nó. Bài này xin viết để nói về cái giá trị ấy…

Bão rừng là một cuốn tiểu thuyết phóng sự. Về phương diện tiểu thuyết thì không có gì là ghê gớm – nhưng về phóng sự thì quả tình nếu Vũ Trọng Phụng còn sống, Phụng cũng đã phải ngả nón trước giá trị một nghệ phẩm. Nói nghệ phẩm là dùng đúng danh từ: nó gây được hương vị tuyệt đối chua chát về nhân sinh, nó lột trần thực tại, nó không giấu giếm cái u ám của đời sống và không tô điểm cái nhớp nhúa của lòng người như cổ kim danh sĩ thường nắm lấy cớ là sáng tạo hay tái sáng tạo không thời gian và vạn vật: lột trần thực tại tức là dạy cho thiên hạ đừng nên dối mình và dối người… Đồng thời nó làm người ta nhớ tới những bức tranh ấn tượng – quả tình nếu có những cuốn sách tả chân gây được sự nôn mửa… về con người và về loài người, thì cuốn Bão rừng phải xếp vào hàng đầu những nghệ phẩm thành công… Thành công vì đã đạt đến mức gây được tác dụng của nghệ thuật: xếp sách lại, người đọc bàng hoàng và sợ… bão rừng: bão khắp chốn, bão mọi nơi, bão cùng hết từ trong ra ngoài từ ngoài vào trong, bão dài từ thuở lập địa khai thiên cho đến ngày con người ra trước tòa để nghe lời phán quyết cuối cùng – jugement dernier - … Chẳng hiểu tại sao Tam Ích hèn mọn này chẳng phải tín đồ Công giáo mà lại tin như vậy… Có đáng gì đâu mà cứ viết cả thiên kinh vạn quyển để đề cao cái con người – làm như con người thật tình quý hơn vạn vật vậy…! Mà quý ở đâu kia mới được chứ!

Nguyễn Văn Xuân là người thoát được cái "ngục" nhỏ đi trên con đường "Trung châu rộng chúng ta đi bao giờ cho hết" (trang 324) là Nguyễn Văn Xuân hai mươi tuổi. Tôi tưởng Nguyễn Văn Xuân viết lại một cuốn Bão rừng khác… để tỏ rằng đường "trung châu" không có rộng rãi gì đâu mà tấp tểnh chân thấp tấp tểnh chân cao.

Trong Bão rừng có một người xưng là tôi. Hãy giả tỉ như tôi đây là tác giả… Tôi ấy còn trẻ, một hôm tôi ấy đi kiếm ăn trên đồn điền cao su, làm thư ký cho bà chủ một đồn điền có một ông chồng người Pháp – một đứa con hoang ngu dốt đẻ vào những phút dại dột của xác thịt thực dân. Ấy thế là con người trí thức tiểu tư sản có một dung tích lớn chất văn nghệ trong dòng máu ấy được chứng kiến hết: tất cả những cái bỉ ổi của tâm hồn một số người, tất cả những cái nhớp nhúa của cái tính-bản-thiện-ôi-là-thiện của thầy Mạnh Tử, tất cả các bi đát thương tâm của những nạn nhân của chế độ đồn điền thực dân – bất kỳ ở hình thức nào, nấp dưới bất kỳ tĩnh từ tốt đẹp nào – tất cả một xã hội thối nát phiến thể, loạn thể, biến thể… được Nguyễn Văn Xuân dùng một bút pháp rất nhiều văn ảnh và văn nghệ tính, vẽ ra hết. Cố nhiên trong truyện cũng có một tấm tình – sao lại tấm nhỉ – giữa cái ông tôi ấy và một cô gái… nhưng mà rồi cũng chẳng đâu tới đâu… Tôi ấy phải tam khoanh tứ đốm bảy lọc năm lừa mới thoát được cái cõi nhớp nhúa ấy, về đến "trung châu" là… sẽ quên mối tình chứ gì! Ấy chẳng qua là tác giả cũng phải lồng vào đấy một chuyện tình cho có vẻ… tiểu thuyết một tí… Không lẽ không có một chút yêu đương!

Trên chỗ cao nhất của đồn điền có một ông Tây và bà vợ ông Tây có đồn điền và có tiền… có cả quyền vốn mua được bằng tiền. Ở chỗ nửa lưng chừng "hệ thống", có anh bếp chị bồi – và thêm vào đó người xưng tôi biết chữ Tây chữ ta, đã qua một chút sách thánh hiền, đã suy tưởng về đời sống… Trên thì mấy người biết chữ này phụng sự ông chủ bà chủ đồn điền, dưới thì họ "cai trị cả một xã hội phu phen ăn mặc như súc vật"! Cũng như ngày xưa, lớp sĩ phu trên thờ vua dưới cai trị dân. Cũng như bất kỳ ngày nào trong lịch sử… hỡi ôi!

Chúng sinh cứ nhân cái bức tranh ấy làm hai, làm ba, làm một nghìn lẻ… một, chúng sinh sẽ thấy đó là hình ảnh toàn diện các xã hội nhược tiểu, bán khai, hạ phát triển (sous-développé) sống dưới một chính thể nào đó, sống trên cái trái đất mênh mang này – chỗ nào có trồng tỉa được, chỗ nào có mỏ sắt mỏ than, chỗ nào nhà máy to lớn, chỗ nào có trên thì ông bà chủ, dưới có công nhân phu phen, giữa có trí thức tiểu tư sản phụng sự, chỗ nào có kẻ trên và người dưới, kẻ có tiền và kẻ đầu tắt mặt tối, kẻ cai trị và kẻ chịu một bề – và ở suốt giải lịch sử loài người từ ngày ăn lông ở lỗ cho đến ngày có nguyên tử lực?

Mà thật là khôi hài! Cái giai cấp trí thức tiểu tư sản này vác cái xác đi phụng sự kẻ có quyền và có tiền, nhưng lại hay phản ứng lắm! Người có tiền và có quyền thì họ có súng có ống để bảo vệ quyền lợi họ – người nghèo xác xơ thì họ có sức mạnh chung để phòng thủ chính họ trong lịch sử. Cái giai cấp… lưng chừng này – bị chê giống cục phân – chẳng có sức mạnh quái gì cả; họ chỉ có một lợi khí: là châm biếm, chửi đổng và báo thù vặt… Này nhá, Nguyễn Văn Xuân kể rằng:

"Anh bồi nhổ một bãi nước bọt vào cái đĩa, lấy ngón tay xoa cho mỏng ra, để anh bếp thản nhiên múc đồ ăn đổ vào. Rồi cũng mượn đúng cái bộ mặt lương thiện, nhanh nhẹn như hồi nào, kính cẩn bưng cái đĩa đồ ăn ấy lên cho vợ chồng lão chủ đang ngồi đợi. Vợ chồng lão chủ ăn ngay tức khắc là khen ngon đáo để… Vì cái món ăn ấy nấu bằng lứa bắp đầu mùa…".

Tôi coi đến đoạn này thấy bi đát một cách rất khôi hài, vừa buồn vừa giận – buồn giận đến chảy nước mắt… Chuyện nó nói thế thì tác giả kể ra như thế – nhưng nhờ giọng văn ý văn, từ văn, thể văn… và văn mạch của Nguyễn Văn Xuân, chuyện đã đi thẳng vào lòng người và đánh thức dậy hết cái mặc cảm bất lực của một số người không có khí giới – chỉ còn một lợi khí muôn thuở có chữ có nghĩa có mười năm kinh sử như Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Văn Xuân… thì dùng văn thơ mà mắng tạt vào mặt, đập xéo vào lục phủ ngũ tạng lũ hắn… còn không đi thì tam trường không học lớp đệ nhất, không qua Âu Mỹ du học… thì chỉ còn một cách là dở những ngón… vặt: chẳng làm cái thá gì ai, nhưng cũng vơi được một phút căm hờn… phải thế chăng?

Ngày xưa thì hẳn giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân có biên giới tinh thần rõ ràng… Ngày nay thì thế cờ luân lý đã lật ngược.

Vàng thau lẫn lộn đen trắng mập mờ, một số người đã bị dồn vào cái thế báo thù… vặt tránh sự dồn ép rất "Freudien"… Thôi, kẻ yếu thì dùng lợi khí của kẻ yếu vậy; biết đâu nó đã chẳng tham dự gần xa vào việc làm lịch sử… Nó trừu tượng và cực tế cực vi nên không ai… ý thức đó mà thôi.

Cuốn sách của họ Nguyễn đã làm thêm được một việc trừu tượng tố cái cái nhớp nhúa núp sau lầu son gác tía, vàng bạc kiêm cương… để áp đảo chúng sinh, để làm mặt ăn trên ngồi cao… Cái nhớp nhúa trong tâm hồn con người mới thật là cái nhớp nhúa – còn quần áo rách, cơm hẩm và mái nhà tranh, kể cả thân thế những người trẻ tuổi khủng hoảng ngày nay đi xe hơi hai trăm cây số một giờ, uống những ly rượu đắng để quên cái bi đát của đời sống, chửi đổng để phản ứng lại cái nhân sinh thiếu nhân nghĩa – đôi khi lại chứa những tâm hồn thẳng, trong trắng, nhân đạo… lành… đáng quý: cái trong sạch và đạo đức của tâm hồn mới thật là cái trong sạch theo nghĩa chính vậy.

Cuốn sách của họ Nguyễn còn làm một việc phụ nữa – phụ mà lại hóa ra chính. Là làm cho người ta nghĩ nhiều. Nhiều lắm.

Rừng của Nguyễn Văn Xuân là rừng cao su – rừng cao su làm ra cao su… Cũng như hầm đá nào đó là hầm đá từ đó phát sinh chất xi măng mầu nhiệm… cũng như mỏ sắt cho chất sắt… Bao nhiêu nguyên liệu của trời đất, con người khai thác để xây dựng ra bao nhiêu cái đẹp lớn cái đẹp nhỏ có cái tên gọi là nền văn minh để cho mỗi ngày mỗi người mỗi trầm trồ mỗi chiêm bái… Thì ra cái mà loài người gọi là nền văn minh – dùng chữ nền là đúng lắm! – vật chất của loài người chỉ là một cái đĩa cổ tráng men lóng lánh trên đó con người nhổ nhiều bãi máu và nước mắt – và vài giọt nước bọc – rồi "mượn đúng cái bộ mặt lương thiện, kính cẩn bưng cái đĩa ấy" lên ngang miệng… chính mình ăn rồi khen ngon đáo để! Vậy xin hỏi rằng cái Vạn lý trường thành của Tần Thủy Hoàng, một trong bảy kỳ quan của vũ trụ mà ngày sau loài người chiêm ngưỡng một trong những gia tài văn minh lịch sử, để lại cho ngàn đời sau, là cái gì nào? Là cái mồ chôn cả trăm cả ngàn "đống xương vô định " cao vun vút – cả trăm ngàn bãi xương máu bãi đau thương… chứ gì nữa! Ủa! Ấy thế mà người ngàn sau – kể cả xã hội học gia, tư tưởng gia, sử gia… - vẫn "mượn đúng cái bộ mặt lương thiện kính cẩn...". Ấy! Đối với người Âu Tây, người Á Đông chúng ta hãnh diện về cái Vạn lý trường thành to lớn ấy lắm đó…!

Thôi, ông bạn Nguyễn Văn Xuân cho phép tôi mượn văn ảnh chua chát trên, thêm vào một chút kích thước khác, tô thêm một chút màu sắc… khác, hình dung một luận cứ lịch sử và nhân sinh. Đa tạ. Tôi bạc đầu vẫn chưa hiểu nổi con người hơn vạn vật ở đâu, quý hơn vạn vật thế nào…

Thánh hiền cần phải viết lại mớ sách…

Anh Lưu Nghi nên tìm cách cho tái bản cuốn Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân. Giá trị tượng trưng của nó lớn lắm! Nó nên có vị trí xứng đáng của nó trong "lâu đài" văn hóa. Văn hóa đang ngổn ngang: thi hành ném tứ tung, cũng nên có người chịu khó sắp, chịu khó xếp – xếp cho chính mình ở chứ cho ai ở vào đấy… mà lười kia chứ hở trời!


Cô gái giang hồ

Tôi có cái may mắn được đọc gần hết sách của Jean Paul Satre. Riêng về sáng tác, tôi thích kịch của Sartre hơn tiểu thuyết. Kịch của tác giả L’être et le néant, chỉ có cuốn Les séquestrés d’Altona là tôi chưa đọc một chữ. Tại sao lại có chuyện thích và không thích ấy, đó lại là một chuyện hơi… phi lý: có lẽ là tại kịch của Sartre hấp dẫn và có tác dụng nghệ thuật đi thẳng vào lòng người và đánh thức hết tất cả những thực thể ngang trái còn tiềm ẩn trong cái tôi tế vi nhất của tâm hồn. Ý thuyết của một nghệ phẩm dù chỉ có tính chất phiến diện… cũng vẫn bám lấy một cõi riêng biệt nào đó của tâm hồn con người… Đối với tôi, cuốn La putain respectueuse là một vở kịch ngắn rất hay của Sartre.

Người ta thường phân loại sáng tác: có cả một ngàn lẽ… một loại: tâm lý, tả chân, duy nhiên, biểu hiện…

Rồi lại còn sáng tác có luận đề, không luận đề. Và thế này, và thế kia, và thế nọ… Quả tình, nghĩ cho kỹ, như vậy cũng hơn rắc rối và hay làm cho thiên hạ… cãi lộn! Tôi tưởng nên giản dị hơn để cho mọi người đỡ phân vân: về giá trị thì chỉ có sách hay và sách dở, và về nội dung thì chỉ có hai: một loại giải trí và mua vui đọc rồi nhân sinh thêm một mẩu màu hồng vì sách làm cho cười chúm chím cười ha ha… còn một loại, người ta đọc xong, người ta cũng… nhức đầu như đọc bất kỳ một cuốn sách nghị luận nào: nhức đầu vì suy nghĩ.

Trí thì suy nghĩ; nhưng lòng chia hai ngả: hoặc thấy đời sống có hẳn màu hồng gây can đảm mà sống: hoặc thấy đời sống nó… làm sao ấy – vì nó… làm sao làm sao ấy cho nên căm hờn… Có hai thứ người căm hờn: một thứ người không làm gì được ai thì chửi đổng và báo thù vặt… như cái ông xưng là tôi trong Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân; còn một thứ người thì vào một đảng cách mạng nào đó để làm cách nào cho chúng sinh của ngày sau khỏi phải căm hờn: không còn giả đạo đức; không còn bất công; không còn nhớp; không còn cảnh dùng tất cả những tĩnh từ bay bướm của ngôn ngữ để che cái xấu và cái dơ dáng dại hình của hạng người không có can đảm thú thật với người với mình thực chất dối trá của mình…

Chẳng hạn là vậy: chẳng hạn là vậy để cho thông minh con người dễ vạch biên giới… dễ tìm tiêu chuẩn, dễ định chuyện trắng đen… dễ nói chuyện nên và chăng… trong văn nghệ. Và trong vấn đề tác dụng của văn nghệ…

Cuốn La putain respectueuse của Sartre là một trong những vở kịch ngắn gây trong lòng người thứ chán chường ai oán – đượm một niềm căm giận cho những người dùng văn chương để lừa người, để cám dỗ người – đượm một niềm thương vay khóc mướn cho một hạng người hiện ra giữa đời sống lọt lòng mẹ thì đã mang một bản án chung thân là có… tội. Trăm dâu đổ đầu tằm: một thứ "bouc émissaire", một nơi cho người có nhiều tiền và có xe hơi… đổ lên đấy tất cả những tội lỗi những nhơ nhuốc họ đã làm trong tất cả những bóng tối kín đáo và u ám nhất của trời đất…

Chuyện xảy ra tại một thành phố miền Nam châu Mỹ – ở đây là Amérique Latine.

Trên một chuyến xe lửa nào đó có một số người. Một cô gái giang hồ nhưng cũng đẹp tên là Lizzie; hai ba hay bốn người thanh niên Nam Mỹ là Thomas, là Jonh – hay tên là gì gì đó cũng được; và hai người khác nữa có một cái tội lớn nhất là có một màu da là màu đen, đen lắm… Nói tóm lại: hai người da đen – da có màu.

Hai chàng phong lưu công tử dòng giống con nhà dở trò chọc ghẹo cô gái Lizzie. Chọc thì cứ chọc! Không! Đã chọc gái lại còn hành hạ – hành hạ bằng ngôn ngữ – hai người da đen… Sẵn súng mà lại say (say bí tỉ) thì hứng lên, hai chàng định liệng hai chàng da đen ra khỏi xe lửa! Liệng không xong – vì ai cũng phải tự vệ chứ – thì bắn. Bắn thì có chết: một người da đen chết. Còn người thứ hai nhảy xuống chạy mất – vì xe lửa đã tới ga rồi.

Bắn người thì bị bắt và bị nhốt, và sẽ ra tòa lãnh án sát nhân!

Chỉ có một cách cứu người có tội giết người là có một người chứng khai láo! Trên cái trái đất này chỉ có một người khai láo được là cái người có mặt tại chỗ có máu chảy: cô gái giang hồ tên là Lizzie. Nếu cô ả khai rằng gã đã đến định dở trò hiếp dâm người đàn bà da trắng… thì nhất cử sẽ lưỡng tiện: đã cứu được mạng kẻ sát nhân là Thomas, mà lại gây được một phong trào săn… cái anh chàng da đen còn sống kia: đổ dầu xăng lên mình nó và… đốt. Hình như ở bên Mỹ, người ta gọi việc đó là lynchage: có thể là tẩm dầu đốt; có thể là treo cổ; có thể là lột da; có thể là đánh cho đến chết mới thôi…

Thế là một âm mưu xảy ra. Trong cái thành phố Nam Mỹ ấy, có một ông sénateur và một người thanh niên tên là Fred, và hai ba người lính cảnh sát nữa… dàn cảnh đưa con đĩ Lizzie vào một đối tượng duy nhất: Lizzie sẽ ký vào bản văn kiện làm chứng láo… rằng cô ta bị hiếp… Dàn cảnh thì phải có lợi khí dàn cảnh: tiền, thế lực, hăm dọa, lời ngon ngọt… và nhất là… văn chương: Một thứ văn chương bóng bẩy có từ ngày lập địa khai thiên dùng hết tất cả những từ ngữ đẹp và những tĩnh từ hoa bướm nhất của những phần tử trí thức hay văn thi sĩ ưu tú nhất của loài người – và những hình ảnh văn chương và ý niệm văn hóa nhiều màu sắc nhất nhốt trong những bức tranh thần tượng và thần thoại học cao vun vút nhất có tác dụng áp đảo lớn nhất trong cõi hồn sâu xa nhất của con người… con người dùng nó ra để hăm dọa, để dỗ dành, để đánh vào chỗ yếu, để vuốt về những mặc cảm, để làm cho linh hồn con người quỳ xuống đất thấp… Và ký tên. Mô Phật!

Văn chương và ngôn ngữ đã thắng: con người Lizzie làm kẻ bại trận. Lizzie "thua" nghĩa là Lizzie bị khuất phục.

Lizzie tỉnh ngộ thì sự đã rồi! Dù sao, chàng sát nhân đã khỏi tội chết… và con điếm Lizzie có thêm một người yêu ôm Lizzie vào… lòng!
Và chàng Ferd, một trong mấy người dàn cảnh, nói: "Thôi nào, thế là đâu lại vào đấy! Có sao đâu! Tên tôi là Fred" (Allons, tout est rentré dans l’ordre. (Un temps). Je m’appelle Fred).

Sartre kết luận như vậy! Chứ còn kết luận làm sao nữa kia chứ hở trời! Cũng như thằng bé Carlos trong Les enfants de Guernica của Herman Kesten cũng đã nói: "Có làm sao đâu! Đâu lại vào đó! Chết đủ chín chục phần trăm, còn lại mười phần trăm… rồi ai nấy lại ăn ngon ngủ yên như thường… Con người ta sống như những kẻ… mù! U mê mãi sao! U mê mãi sao!".

(Les gens eurent tôt fait de se tranquilliser. Que s’engloutissent les neuf-dixièmes de la terre, les survivants reviendront vite au calme. Les hommes traversent le monde en dormeurs. N’y-a-t-il rien pour les réveiller?).

Nhưng có cái câu: "Tên tôi là Fred" (Je m’appelle Fred) là làm tôi nghĩ đến cái cực tế cực vi trong tâm hồn Sartre khi Sartre sáng tác, và trong nghệ thuật sáng tác của Sartre. Té ra khi đi lại trong đời sống, người ta nói như Nguyễn Văn Xuân nói "mượn đúng cái bộ mặt lương thiện" – rồi mãi khi xong đâu vào đó mới lọ chân tướng và… xưng danh!

Và cái bộ mặt thực hiện ra, với cái tên thực xưng ra…

À, ra bao nhiêu chính khách trên thế giới, trong lịch sử… cũng mãi khi ăn trên ngồi cao rồi mới xưng danh để mà… để danh trong "sử xanh" – bất kỳ là thứ danh gì!

Chuyện nó thế, người làm sách nói thế, tạo nhân vật ấy, nói ngôn ngữ ấy… chúng sinh chúng ta muốn hiểu ra sao đó thì hiểu! Ủa, hiểu không được thì ráng mà hiểu vậy! Ráng không được thì đừng hiểu nữa, vậy thay! Ôi buồn…

Tôi không muốn viết ra đây hết những ý tưởng cuốn La putain respectueuse đã gây trong trí trong lòng tôi. Chỉ xin mách: loại sách bỏ túi cũng rẻ: bà con ai mua được nên mua coi vở kịch. Để cho biết. Để mà nghĩ – nghĩ về nhân sinh. Tên sách là, xin nói lại: La Putain respectueuse (suivi de Morts sans sépulture); nhà Gallimard ấn hành; loại sách Livre de poche phổ biến.

Ý nghĩa sách còn là ý nghĩa tượng trưng nữa! Lezzie chẳng phải một Lizze lẻ loi – một trường hợp Lizzie riêng biệt. Lizzie là cả anh, cả tôi, cả nó – cả bá tánh chúng sinh, tự mình lừa gạt chính mình với một thứ bùa có một tính chất cám dỗ mầu nhiệm nhất do chính thông minh (gọi là intelligence humaine đấy!) của mình tiết ra – tiết ra cũng như cơ thể con người tiết ra chất hồ dị mộng (hormone).

Thưa là văn chương. Thưa là ý niệm (idéeconcept) mang màu sắc và âm thanh cám dỗ đến cả cảm giác con người lãnh đạm nhất trong đời sống… Thưa là tất cả những thực thể cụ thể và trừu tượng mang giá trị thần tượng (valeur mythique) làm say mê người như những hương vị say sưa nhất… từ ngày có trời đất.

Lizzie bị gạt. Chúng ta bị gạt. Và đời sống chỉ là một sự dàn cảnh lớn. Một con đĩ mà còn tự hỏi được rằng: chắc là mình bị lừa. Một thằng bé Carlos mà còn nói… xéo được người lớn. Và kẻ dàn cảnh đã gạt người, chẳng phải chỉ có cai ông Sénateur, cái chàng Fred, chàng Jonh… của cuốn La putain respectueuse, mà là cả cái nhân sinh to lớn này.

Cả cái nhân sinh to lớn có năm châu và năm đại dương! Cả chính mình!


Vấn đề khai thác…

Kích thước gia tài trí thức của tiền nhân, kể cả danh nhân văn học cận hiện đại, để cho người đời khai thác, thật không thể dùng thông minh của con người mà đo lường nổi. Bên Tây thì thời cổ La - Hy, đến thời La - Hy, đến thời Phục hưng… Bên Đông thời từ Ngũ Đế và Hạ Thương cho đến Khổng Khâu đời Xuân Thu trở về sau. Người cận đại và hiện đại chỉ còn khai thác và dùng kính vạn hoa soi vào gia tài ấy để phong phú hóa, nhất là để thừa hưởng. Cũng như con cháu khai thác đất sống của ông bà để lại… Nhưng chuyện đất đai thì còn giản dị, chuyện trí thức mới thật là rắc rối, phức tạp và oái oăm. Oái oăm thật chứ chẳng phải vừa: nhỏ thì có thể gây chuyện xung đột vặt, lớn có thể gây thành chiến tranh, máu và nước mắt chan hòa… Không trách mà đã có người lăm le đem cái lợi khí ghê gớm nhất (nghĩa tốt cũng như nghĩa xấu) của loài người là ngôn ngữ ra vành móng ngựa của lịch sử và lên án chung thân. Chẳng cách nào trừng trị nó bằng cách không dùng nó nữa: đó là việc làm của phái thiền tông của Phật giáo. Hai ba ngàn năm trước cũng đã có ông già Lão Đam thấy trước cái việc hai ba ngàn năm sau con cháu mới thấy rõ, trừ tín đồ chân chính của thiền tông… Ngôn ngữ gây xuyên tạc, gây hiểu lầm… và dẫn dắt theo nó tai họa nhân sinh không bao giờ dứt… và đếm không hết trong lịch sử!

Lời lẽ của thánh hiền để lại cho ngàn đời, thiên hạ hiểu mỗi người mỗi cách. Này nhé, có một chữ cách vật trong sách Đại học mà hơn bảy chục nhà nho lớn giải thích mỗi người mỗi cách… ấy là chưa kể ông Vương Dương Minh ngày xửa ngày xưa có một dạo tưởng đâu cách vật là sáng sáng ra đăm đăm nhìn thẳng vào cây cối coi chúng lớn làm sao và nảy nở thế nào…

Này nhé: phải duy vật biện chứng lật ngược lật xuôi cái biện chứng pháp của Hégel thế nào hết biết, rốt cục đã không đả phá hết được Hégel mà lại còn làm cho trí thức giới ngờ rằng: suy đến cực vi cực diệu cái hệ thống duy vật biện chứng thì cái thực thể vật chất của phái duy vật thật không khác gì cái ý niệm phổ biến và trừu tượng (Idée universelle et absstraite) của Hégel chứ chẳng phải cái vật chất của các nhà vật lý học vì chính cái vật chất này mới đối với cái tinh thần! Này nhé: Kierkegard, Hégel, Sartre – kể cả ông Vũ Đình Lưu hình như ký là Cô Liêu đã viết những bài khảo luận rất vững rất chững về văn học mà tôi đã được đọc và đã viết bài "Con người và thiên nhiên" trong Giữ thơm quê Mẹ số 6, ra tháng Chạp dương lịch 1966 mới rồi – mỗi người cho danh từ conscience malheureuse một nghĩa, nghĩa của họ ít nhiều khác nhau…

Này nhé: hai chữ trung dung của Đức Khổng Tử để lại… đã có người hiểu là không thái quá không bất cập và đã áp dụng vào đời sống để sống cho khỏi quá đáng – kể cả ông Lã Đông Lai là một bực đại nho Trung Quốc…, kể cả bực túc nho Việt Nam cận đại là ông Dương Quảng Hàm…

Này nhé: về cái yếu lý của Hégel: "Tout ce qui est réel est rationnel, tout ce qui est rationnel est réel" của Hégel, cũng mạnh ai nấy hiểu theo ý mình: Jean Guéhenno thì cho rằng cái gì có thực (réel) thì hợp lý (rationnel) – hiểu mỗi chữ của yếu lý theo nghĩa quán lệ; người thì nói một cách rất khó hiểu rằng thực tại nhân sinh bao giờ cũng hợp lý thiên nhiên. Thực ra thì yếu lý ấy phải hiểu như sau này: réel vốn là một tĩnh từ của Pháp ngữ réalité là thực tại, và rationnel vốn là tĩnh từ của Pháp ngữ raison là lý tính. Réalité đây là thực tại thường tịch bản thể của vũ trụ và raison đây là lý tính phổ biến, thực thể cứu cánh của cuộc "hành trình" của bản thể thường tịch trên con đường biện chứng của nó – nói một cách khác bản thể ấy (có tên là Ý tưởng tuyệt đối, là Idée absolue) đã tự nó trước kia mất nó, bây giờ tự nó, nó tìm được nó (à la recherche d’elle-même); cho nên trên con đường biện chứng dài dằng dặc dài mù mịt, trong cuộc "hành trình", vạn pháp (tôi mượn chữ nhà Phật mà tôi cho là ổn) vô thường chỉ là phản ảnh của Thực tại bản thể thường tịch, mang trong nó một "bóng dáng" của Thực tại tuyệt đối ấy, đồng thời biến thành "bóng dáng" của Lý tính phổ biến – một ngày kia thực tại bản thể sẽ đồng nhất với Lý tính phổ biến viết hoa ở điểm cùng cực của quá trình biện chứng của lịch sử. (Khi đã đồng nhất thì cái Một sẽ xuất hiện, mọi danh từ dùng để chỉ cái Một ấy mất và Ý niệm về Thượng Đế của Hégel xuất hiện. Vì Thượng Đế của Hégel là Thượng Đế đương sinh thành (Dieu en formation) chứ không như Thượng Đế của các hệ thống uyên nguyên khác dựng một Thượng Đế có trước và ngoài không thời gian vạn vật – cũng chính vì vậy mà Ludwig Feuerbach mới "phỏng" theo Hégel để nói là con người tạo Thượng Đế theo hình ảnh mình (L’homme crée Dieu à son image) ngược hẳn với Thiên Chúa giáo nói là Thượng Đế tạo con người theo hình ảnh của Người (Dieu crée l’homme à son image) – và đó là một trong những lý do mà Hégel và Feuerbach chẳng được Giáo Hội "thương" mà cũng bị luôn phái Mác-xít… "ghét"…

Xin trở lại yếu lý "Tout ce qui est réel…" chuyển qua Nho giáo thì "vạn vật các hữu thái cực", con người "minh minh đức" cho đến ngày thiên lý thực hiện vì vạn vật – nhất là con người – chứa mầm thái cực gọi là minh đức, cũng như vạn pháp đều chứa Réalité của Hégel và mầm Raison sẽ thăng hoa cho đến ngày hai thực thể siêu hình ấy đồng nhất; và chẳng qua Phật giáo thì con người có Phật tính, một ngày kia sẽ chùi sạch được vô minh và đạt đến Như có một tên khác là Niết Bàn… chẳng hạn…

Còn như Thiên Chúa giáo nói rằng Chúa tạo con người theo hình ảnh của Người (Dieu crée l’homme à son image) và con người đều hàm chứa "bóng dáng" của Tối Thiện (của Platon) – thì vạn pháp của Hégel chứa "bóng dáng" của thực tại tuyệt đối mang cái tên Lý tính phổ biến ở cứu cánh lịch sử – thì có gì là lạ!

Nhưng thôi bây giờ bỏ Hégel đi ngược lên Aristote để coi hậu thế "khai thác" gia tài trí thức của bậc tiền nhân ra sao! Đã có một học giả Tây phương viết về triết học Á Đông, khi viết về Phật giáo lại viết rằng Phật giáo giống Aristote vì Phật chủ trương vũ trụ vô thủy vô chung, còn với Aristote, vũ trụ không từng có bắt đầu và sẽ không có chấm dứt (Il – le monde – n’e pas commencé, il ne finira pas); và khi viết về Nho giáo thì cho cái trung dung của thầy Tử Tư soạn giống cái "trung dung" của Aristote… Mô Phật! Tôi tưởng so sánh vậy là lầm lớn: vì Phật giáo không đặt vấn đề Thượng Đế còn Aristote chủ trương có Thượng Đế và Thượng Đế của Aristote gọi là Acte pur; đồng thời cái vô thủy vô chung của Aristote khác hẳn của Phật – khác là vì, đối với Aristote, thời gian không lúc nào hết (s’epuiser) nghĩa là lúc nào cũng đương bắt đầu và đương ngưng (entrain de commencer et de finir), và dịch (mouvement) là một "thực thể" bất diệt và vô cùng (éternel); còn cái "trung dung" của Aristote tên gọi là "juste milieu" chỉ là một nguyên tắc về luân lý thông thường Ngài dạy cho bá tánh – một thái độ sống đừng thái quá đừng bất cập. Còn trung dung của Khổng Khâu là cứu cánh của vũ trụ, đối tượng của phần giải thoát luận của phần hình như thượng tức là phần cực vi của cái học tâm truyền (esotérique) mà tôi ngờ là trong bảy chục môn sinh cao cấp của Ngài chỉ có hai ông Tăng Điểm và Nhan Hồi là… tâm đắc trước hết – đó là đường đi tới Thiên lý rất tế rất vi rất uyên áo, và cũng con đường đó, Lão dạy đi tới Vô vi hay Đạo, Phật dạy đi tới Như…

Còn cả một ngàn lẻ một… yếu tố về triết học ở vào tình cảnh… mạnh ai nấy hiểu theo ý mình và lăm le chiếm độc quyền hiểu và biết – nói sao cho hết!

Lịch sử càng đi vào bề sâu bề xa thì cái tình trạng khai thác gia tài trí thức của thánh hiền mỗi người mỗi cách… càng trầm trọng: ai cũng chiếm độc quyền hiểu cổ nhân, ai cũng để vào sự hiểu cổ nhân một dung tích chủ quan lớn quá, ai cũng cho mình là đúng và kẻ khác đã lầm… Ấy là chưa nói đến một vấn đề khác – nói tình trạng thì đúng hơn – là tình trạng tam sao thất bản, kết quả càng ngày càng trầm trọng dài hàng hai ba ngàn năm của sự phần thư khanh nho của Tần Thủy Hoàng; tình trạng trí thức giới của lịch sử muốn giải thích thánh hiền cách nào cũng được: Nho giáo đứt đi vì nhà Tần, qua Hán, Đường, Tống – nhất là Tống - Thanh, cho đến cuối thế kỷ XIX thật đã đưa đầu cho bao nhiêu dao kéo, bao nhiêu dao thớt, bao nhiêu máy chém, bao nhiêu chân vẽ thêm cho rắn để cho sĩ phu làm mặt thông thái và khác đời…; tình trạng cố ý xuyên tạc cổ nhân để hướng về quyền lợi chính trị của mình…

Thật có cả một ngàn lẻ một… tình trạng, kể không hết!

Cái chuyện cuối cùng tôi mới nói đó, tôi xin kể chuyện bên Tây: thực ra cố ý xuyên tạc cổ nhân hay là giải thích cổ nhân theo ý chủ quan của mình… thì vậy!

Ai cũng biết Michelet là một sử gia lớn của Pháp. Mãi đến năm 51 tuổi, nhà làm sử ấy mới lấy bà Athenais Mialaret 23 tuổi.

Khi Michelet chết rồi thì bà vợ quý hóa ấy đã theo nhật ký và văn kiện rời rạc… Michelet để lại, xuyên tạc hẳn đi và viết cuốn Romes rồi ký tên Michelet …! Giá có ai lại dựa vào tài liệu ấy viết một số sách khác thì sai một ly, một vài thế kỷ sau, sai mãi sẽ đi… một dặm – tai hại kể làm sao hết và chân lý đã biến thể bao nhiêu lần…!

Nhưng trường hợp Michelet chưa nguy hiểm bằng Nietzsche! Người xuyên tạc nhà triết học ấy là bà em gái của chàng: bà Elisabeth Foerster, người có quyền giữ văn kiện của Nietzsche ở Weimar bên Đức… Bà ta đem văn kiện của ông anh ruột ra, xóa, bỏ, cắt, xén, thêm, bớt – và đã làm cho hệ thống trí thức của Nietzsche có một bộ mặt ý tưởng khác hẳn, nếu không phải là trái ngược! Trái ngược vì chính bà đã viết một cuốn sách phát minh ra cái tên Volonté de puissance – trong khi anh bà nằm tại một nhà thương dưỡng thần kinh… Và ai cũng đã biết: kết quả của cuốn Volonté de puissance là gã Hitler và mười năm quốc xã khủng khiếp! Tội nghiệp cho Nietzsche: bình sinh Nietzsche đã từng mắng chủ nghĩa quân phiệt của Bismarck và bênh vực các dân tộc Do Thái, Ả Rập…

Chứ có đâu lại chủ trương tàn sát dân Do Thái như Hitler… Té ra một phần lớn chỉ vì bà em gái quý hóa ấy mà chủ nghĩa phát xít ra đời – di hại đến ngày nay cũng còn chình ình ra đó ai cũng thấy…

Thánh hiền đã chết rồi: nói cho đúng, ngày nay giải thích sai thánh hiền một cách rất chủ quan, hay xuyên tạc thánh hiền, hay… đốt sách chôn học trò… thì cũng vậy: cái hại chỉ khác nhau ở trình độ mà thôi! Trên cao cái tội chém giết thánh hiền ở Tần Thủy Hoàng phần thư khanh nho… và dưới thấp nhất có bà vợ Michelet và bà em của Nietzsche – và ngồi bên cạnh cùng một chiếu có những nhà văn giỏi giết Thi Nại Am bằng cách viết thêm năm ba chương mới vào bộ Thủy Hử, làm cho chính kẻ viết bài này ngày xưa đã nghênh ngang cười vào mũi Tống Giang hơn một lần…

Qua bao nhiêu thế kỷ, những yếu lý của thánh hiền bị xuyên tạc bao nhiêu lần, biến thể đi bao nhiêu lần, thánh hiền còn để lại cho đời sau bao nhiêu là chất chân chính và xác thực?

Tình trạng đã thế, tại sao người ngàn đời sau lại có nhiều người cứ định rằng chỉ có một mình là độc quyền thánh hiền, hay hiểu danh nhân này danh nhân nọ?! Và mỗi sách đem ra tham khảo, chúng ta lại cứ nhất định rằng, chỉ có họ là đúng! Vấn đề chân lý – chân lý viết thường, không viết hoa – đặt làm sao cho chính xác – để cho một đời sau, hai đời sau, ngàn đời sau… khỏi bị lừa gạt! Thực ra, nói cho xác cho đúng, chỉ có riêng cá nhân thánh hiền là tự mình hiểu chính mình: họ chết rồi, đời sau, cái kính vạn hoa chiếu vào, ai có kính màu của người nấy… Và thực chất của chân lý thật là mù mù mịt mịt – vì nhà triết học và nhà khoa học chưa gặp nhau…

Einstein đứng chứng kiến một việc xảy ra: một người thợ đương làm việc ngoài công trường ngã từ trên cao xuống đất… Nhà thông thái đãng trí của chúng ta quên mất số phận của người công nhân, chẳng tìm hiểu coi người thợ có què có gãy hay không, chỉ tự hỏi mình: "Ủa, người thợ ngã từ trên cao xuống đất, hay là cái nhà từ dưới thấp bay lên cao… gặp người thợ?" (Nguyên văn: est ce le couvreur qui tombe ou la maison qui monte?). Ông đương tìm một định lý vật lý đấy! Nhưng như vậy là ông làm một việc đúng hay sai? Nếu định lý ngược định lý thông thường là định lý đúng… thì rồi mới làm sao đây? Chỉ có những nhà thông thái cỡ Einstein, Oppenheimer, Pontecorvo… mới rõ! Nhưng ít nhất cử chỉ của ông Einstein đã làm chúng ta ngờ – ngờ về hướng chân lý, bản chất chân lý… Một định lý vật lý có khác định lý triết học không, khác thì khác ra sao, đến trình độ nào…? Nhà khoa học đưa ra một định đề (postulat) rồi sẽ chứng nghiệm sau để chứng minh giá trị chân lý của định đề. Còn thầy Mạnh Tử chỉ nghiệm một cách phiến diện về một vài sự kiện rồi đưa ra định đề tính bản thiện – đến bây giờ vẫn chưa có ai chứng nghiệm một cách khoa học cái lý tuyệt đối của nó. Thầy Tuân Tử lại làm ngược lại và đưa ra một định đề ngược – cho đến bây giờ cũng mới chỉ có Lý Tư, Thương Ưởng ngày xưa… là chứng nghiệm mà kết quả cũng chỉ có máu và nước mắt chan hòa… Trừ Thiên Chúa giáo phải viện thế lực một đấng tối cao là Thượng Đế, chỉ có Phật giáo về nói vô ký tính của bản thể thường tịch, là hợp lý – chuyện siêu cực hóa (extrapolation), dù là trên bình diện tính chất của bản thể, chỉ là một chuyện còn để đấy, gác đấy…

Nói vậy, nói như tôi nói, thì rồi có bạn sẽ hỏi rằng nếu cứ ngờ vực bản chất của chân lý thánh hiền đã vạch ra, thì rồi tìm tiêu chuẩn ở đâu, và lấy gì làm tiêu chuẩn cho mọi hướng lập luận trong ý tưởng giới. Bao nhiêu thế hệ trí thức đến sau cần phải có bao nhiêu gia tài trí thức ấy để soi hướng tiến hóa đấy chứ! Thật ra, tôi tưởng cá nhân chỉ còn trông ở lẽ hợp lý hay phi lý – bắt nguồn từ sự sáng suốt của chính mình, phát sinh từ cái dung tích thông minh của chính mình cho phép mình phân biệt: mặt trận ý tưởng và trí thức đã sai biệt đến cực độ rồi. Lạc vào ý tưởng giới trí thức như lạc vào trận mê hồn: Làm sao ra? Sự nghi ngờ ngày nay chỉ là sản phẩm của những biến động lớn của lịch sử: hai trận thế chiến, mười năm quốc xã của Hitler, mười năm quân phiệt đại Đông Á, những trại tập trung Dachau, Buchenwald…, những lò "four crématoire" thiêu bao nhiêu triệu con người… đã làm cho con người hết tin tưởng rồi! Tin vào Thượng Đế thì Thượng Đế lãnh đạm, mà bỏ Thượng Đế thì cũng đến bơ vơ… dựa vào lịch sử – là quá khứ – tìm ở những giá trị truyền thống thì những giá trị đã tan vỡ, đồng thời thánh hiền không có mặt: mạnh ai nấy giải thích thánh hiền, mạnh ai nấy chiếm độc quyền tư tưởng vậy!

Chỉ còn một cách. Về phương diện những người ngày nay lập ngôn thì họ không được phép tự mình mâu thuẫn với mình để cho người trẻ tuổi biết đường mà dò, biết đường mà hướng, mà suy luận. Còn về phương diện những người khảo luận và san định mọi thành tố gia tài trí thức tiền nhân - kể cả danh nhân hiện đại – thì họ không được phép sai – chỉ được phép lầm.

Trừ phi là chúng ta loài người ngày nay còn có… quyền hy vọng: hy vọng rằng một ngày kia nhà khoa học và nhà triết học gặp nhau ở một cái "chất" bất nhị nào đó – vạch hẳn một hướng luân lý duy nhất cho cả loài người. Lúc ấy là lúc hai thực thể vật chất và tinh thần mà thường ngày thiên hạ vẫn cho là một cái thì cụ thể, một cái là trừu tượng… và hai thực thể "chủ" và "khách" hòa vào nhau biến thành một. Một. Một viết hoa: điểm cuối cùng của "hành trình" của bản thể thường tịch.

Chỉ có một điều đáng sợ: khoa học thì đi nhanh vùn vụt mà tốc lực của luân lý thì chậm. Khoa học gia thì đã đến nguyên tử lực rồi mà luân lý gia thì vẫn còn lẹt đẹt lại sao?

Một ngày kia triết gia theo kịp được nhà khoa học thì loài người đã tự sát mất rồi – mà sở dĩ tự sát – ôi khôi hài – cũng chỉ vì chính kết quả của khoa học: thuyết tương đối và nguyên tử lực chẳng phải làm điểm cao nhất (tuyệt đối chưa?) của khoa học vật lý toán học hay sao? Loài người tự sát và sẽ lôi cuốn luôn vào cõi chết nhà khoa học: lịch sử thường cho chúng ta thấy người nào phát minh chiến khí để giết và triệt lẽ hiếu sinh của trời đất sẽ bị chiến khí ấy quật lại mình trước – những ai đã quên chuyện khu vực Pennemde và chuyện chàng Guilotine?

Triết gia và luân lý gia, nếu có còn sống sót, sẽ "mồ côi’": ở đời chẳng ai chỉ đơn thương độc mã mà lại làm nên chuyện lớn bao giờ… Và con người ta thông minh lắm: cái gì rồi cũng tò mò biết được hết, làm được hết – kể cả đằng vân giá vũ, rắc đậu thành binh – duy chỉ có một điều nhất định không biết: ấy là chuyện sau cái ngày bom khinh khí làm cho trái đất thành bãi… tha ma, con người còn không, nếu còn thì còn ai, còn bao nhiêu mạng – hay là không có thể có gì mọc lên được trên mặt đất nữa và lẽ hiếu sinh tuyệt diệt một lần cuối cùng!

Trong toàn diện gia tài trí thức tiền nhân để lại cho loài người khai thác, cái tế vi cái gì cực diệu cũng đều đã có một tác giả nào tiên liệu – kể cả Jules Verne và các tác giả các sách "phong thần" – riêng có cái điều vừa ghê gớm vừa mầu nhiệm ấy – ôi mầu nhiệm – thắp đuốc mà tìm cũng không thấy dấu vết của một dự liệu (anticipation) nào của một lời… tiên tri nào!
Nguồn: Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in Đăng Quang, 734a Phan Thanh Giản – Sài Gòn. Giấy phép số 481 TBTTCH/BC3/XB Sài Gòn ngày 22 tháng 2 năm 1967, ngoài những bản thường in thêm 100 bản đẹp dành riêng cho tác giả, nhà xuất bản và thân hữu. ThÆ° từ, liên lạc về Nxb xin gá»­i cho Từ Mẫn, bÆ°u Ä‘iện xin đề tên cô Cao Ngọc Thanh. Giá 120 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.