trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
28.7.2008
Ngô Đức Thọ
Chí sĩ Ngô Đức Kế
(Kỉ niệm 130 năm ngày sinh của chí sĩ Ngô Đức Kế 1878 - 2008)
 1   2 
 
Lời tác giả: Tôi làm công tác nghiên cứu nhưng không phải là chuyên gia về giai đoạn này. Từ khi đi làm đi học rồi lại về cơ quan đi làm thì có chí hướng học hỏi nghiên cứu về những thời kỳ thật xa trong lịch sử dân tộc, riêng đối với thời cuối cận đại và hiện đại thì chỉ coi như tìm hiểu học hỏi mà thôi. Lý do là vì khởi từ hồi ấy thì mình còn trẻ mà mọi nhận định đánh giá thì thường phải thành thạo các vấn đề về quan điểm lập trường, nhiều khi cũng thấy khó. Bây giờ mới lấy làm tiếc, nghĩ lại thì hồi ấy quả còn không ít vị có quen biết ông nội tôi lúc sinh thời. Thời gian thoi đưa, nay các con tôi cũng có cháu là Tiến sĩ, Thạc sĩ trưởng thành cả rồi, cháu ngoại cũng có một đang du học ở Mỹ. Các cháu cũng biết sử sách cũng không quên đóng góp của cụ Ngô Đức Kế, nhiều tỉnh thành phố trong nước đường phố mang tên cụ. Nhưng cuộc đời và hoạt động cách mạng của cụ như thế nào thì các cháu cũng chưa hiểu rõ. Qua nhiều năm, cả trong Nam ngoài Bắc sách báo có nói về Ngô Đức Kế cũng có nhiều nhưng gia đình cũng không có điều kiện sưu tập được hết.

Tôi là hậu thế, lớn lên lại gặp lúc đại khó khăn, nay dù muộn cũng phải cố gắng tập hợp những điều nghe biết, cả những điều đọc được trên các sách báo cũng phải tập hợp, trích dẫn lại để cho con cháu đọc. Tôi chân thành cám ơn tác giả các công trình mà tôi đã tham khảo. Trong bài này tôi đặc biệt cảm tạ nhà văn Sơn Tùng với nhiều bài viết có nói đến ông nội tôi. Tôi cũng trân trọng cảm ơn bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) tác giả công trình nghiên cứu về Phan Châu Trinh, đặc biệt có công bố nhiều tài liệu bà sưu tầm được tại văn khố của Pháp, trong số đó có cả Hồ sơ Bản án Ngô Đức Kế, Thư Ngô Đức Kế gửi Phan Chu Trinh v.v…

Ngạn Xuyên Ngô Đức Thọ (PGS. TS Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
I. Vài nét về gia thế và thời trẻ

Ngô Đức Kế hiệu Tập Xuyên, xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học ở thôn Tập Phúc xã Trảo Nha, nay là thôn Nam Sơn thị trấn Nghèn huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ông nội là cử nhân Ngô Phùng (1805-1863), tự Nguyên Trọng, học giỏi nhưng đến năm 37 tuổi mới đậu Cử nhân khoa Thiệu Trị 1 (1841). Sau khi thi đỗ được ra làm Hậu bổ ở Hà Nội, lĩnh chức Đốc học Bắc Ninh rồi lại điều về Hà Nội. Năm Tự Đức 4 (1851) vua mở cuộc khảo hạch để chọn người sung chức Kinh diên giảng quan, tức thuộc nhóm các thầy giáo dạy học cho vua và các hoàng tử. Theo Đại Nam Liệt truyện, dự sát hạch lần ấy có 18 người, chỉ có bài của Ngô Phùng được vua phê là “ sảo thông” (khá thông) và bài của Nguyễn Địch Giản (sau đổi Tư Giản) được phê là “thứ thông”, được điều về kinh bổ chức nói trên; những người dự hạch khác đủ điểm cũng được bổ chức ở các bộ viện. Năm 1853 thăng hàm Trước tác, lĩnh chức Thị độc ở Viện Tập Hiền, chuyên đọc duyệt các bài thơ vịnh sử của vua. Năm Tự Đức 9 (1856) vì hay đau ốm, lại ở quê còn có mẹ già, vua chuẩn cho về làm Giáo thụ ở đạo Hà Tĩnh. Trong thời gian đó, bản thảo tập Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức hoàn chỉnh được đến đâu Sử quán trong kinh đều cho người chuyển ra Hà Tĩnh giao Ngô Phùng hiệu duyệt. Mỗi lần như vậy đều nhận được phúc đáp của vua ban thưởng. Năm thứ 15 (1862) lại có chiếu chỉ triệu về kinh bổ chức Thị độc, thăng hàm Quang lộc tự Thiếu khanh, sung Quốc sử quán Toản tu. Không bao lâu lại đau ốm phải xin nghỉ, rồi qua đời, thọ 59 tuổi [1] . Cụ Ngô Phùng sinh Ngô Huệ Liên và ba người con gái, trong đó có bà thứ hai thường gọi là bà Bang Kiều là mẹ cụ Võ Liêm Sơn).

Thân sinh Ngô Đức Kế là Ngô Huệ Liên, sinh năm Canh Tí (1840), 34 tuổi đậu Cử nhân khoa Quý Dậu Tự Đức 26 (1873) [2] , lưu ở Kinh làm Hậu bổ, rồi đi làm Đốc học Quảng Ngãi, sau về kinh sung Toản tu Quốc sử quán. Năm 1895 cụ làm quan Duyệt quyển – tức Phó chủ khảo trường thi Hội khoa Ất Mùi Thành Thái 7 (1895) [3] . Năm Thành Thái 12 (1900) thăng hàm Quang Lộc tự khanh, đứng tên thứ hai ban Toản tu chỉnh lý bản thảo cuối cùng của bộ Đại Nam thực lục chính biên, Đệ ngũ kỷ. Năm 1902 thăng Thị lang bộ Lễ, năm Thành Thái 16 lại làm quan Duyệt quyển thi Hội khoa Giáp Thìn (1904) [4] . Cuối năm Duy Tân 1 (1907), khi Ngô Đức Kế bị bắt, cụ Huệ Liên vì cớ có con bị giam chưa xét xử,làm đơn xin tạm nghỉ việc ở Bộ. Phủ phụ chính chấp thuận cho “lưu thự tĩnh hậu” (nghỉ chờ tại nhà) [5] . Sau khi Ngô Đức Kế bị đày đi Côn Đảo, Phủ phụ chính lại có tờ tâu xin xét cho cụ vô can: “Nay Đức Kế can khoản, viên ấy hiện sung Kinh chức lâu ngày nên “ không dạy dỗ đuợc” (sic), tình có chút đáng tha, và niên kỷ đã 67 tuổi. Vậy Thị lang Ngô Liên, nghĩ nên xét lưu bộ vụ làm việc, chờ đáo lệ sẽ cho hồi huu…” [6] . Cụ lại vào Kinh làm việc, ít lâu sau thăng Hữu Tham tri bộ Lễ, rồi về quê hưu trí, mấy năm sau thì mất (1912), thọ 73 tuổi.

Vợ cả của cụ Huệ Liên sinh 3 con trai là Ngô Đức Kế, Ngô Đức Thiệu (thân sinh cụ Ngô Đức Đệ, nguyên Viện trưởng Viện Huân chương Phủ Thủ tướng, lão thành CM) và Ngô Đức Vóc (chết trẻ). Bà có vào Quảng Ngãi với chồng một thời gian, nhưng khi cụ Huệ Liên về kinh thì bà xin về quê phụng dưỡng mẹ chồng. Vợ thứ là bà Nguyễn Thị Viễn, sinh 1 con gái là Ngô Thị Viện [7] .

Bà thứ hai (không rõ tên) là mẹ sinh ông Ngô Đức Diễn và bà Ngô Thị Ninh. Ông Ngô Đức Diễn sinh năm 1898, đỗ Diplome, làm giáo học ở Trường Quốc học Vinh, đồng sáng lập viên Hội Phục Việt, sau đổi là Tân Việt cách mạng đảng, rồi đổi Đảng Tân Việt (Ngô Đức Diễn là UV thường vụ), tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, tức Đảng ta hiện nay. Ông bị thực dân Pháp bắt tại Vinh, đưa vào giam ở nhà nhà lao Phủ Thừa (Huế), bị tra tấn, lâm bệnh chết trong nhà tù [8] . Bà Ngô Thị Ninh sau CM Tháng Tám 1945 hoạt động ở Hội Phụ nữ Hà Tĩnh, rồi công tác tại cơ quan văn phòng Tỉnh uỷ Hà Tĩnh,được công nhận Lão thành CM, mất năm 1992.

Ngô Đức Kế là con trưởng của cụ Ngô Huệ Liên. Khi nhỏ học ở quê nhà, từ 12 tuổi cha đem vào Huế để kèm học. Cuối năm Ất Mùi (1895) vào học Trường Giám (Huế). Thời gian này một làn sóng ngầm yêu nước chống Pháp lan truyền sâu rộng ngay ở kinh đô Huế. Cụ Phan Đình Phùng vừa qua đời ở Vụ Quang, nhưng ngoài Bắc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám vẫn đang đương đầu với giặc ở Yên Thế. Ai cũng biết vua Thành Thái ghét Pháp ra mặt. Bề ngoài vua giả dạng như người ngây, nhưng ở trong cung thường bí mật đọc Tân thư Trung Quốc. Cụ Cao Xuân Dục (Phó tổng tài Quốc sử quán) có thư viện Long Cương đã rất nhiều tân thư, nhưng có cuốn hiếm cụ còn phải xin mượn ở kho sách ngự của vua Thành Thái. Cụ Huệ Liên làm Toản tu cùng viện với cụ Cao, không nhiều sách bằng cụ Cao, nhưng cụ có dạy ở Quốc Tử Giám, nên cũng nhiều sĩ tử các nơi lấy cớ đến học luyện thi để được đọc tân thư.

Xong khoá học 2 năm ở trường Giám (1894-1896) Ngô Đức Kế thi Hương ở trường Thừa Thiên, đỗ ngay Cử nhân khoa Đinh Dậu Thành Thái 9 (1897) [9] . Ngô Đức Kế về quê nhà ít lâu giúp cụ thân sinh sưu tập tư liệu làm gia phả, tu sửa từ đường v.v…, rồi lại vào Huế đọc sách và ôn luyện văn bài để đi thi Tiến sĩ.
Đúng khoa thi Hội tiếp sau là khoa Tân Sửu Thành Thái thứ 13 (1901), Ngô Đức Kế đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, thứ hạng xếp thứ hai sau Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân người Bắc Giang [10] . Khoa ấy tất cả có 22 người đỗ, trong đó có Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc, 41 tuổi) và Phan Chu Trinh (30 tuổi) đỗ Phó bảng là hai bạn đồng khoa sau này có quan hệ mật thiết với Ngô Đức Kế.

Hồi bấy giờ tiếng vang của Tân thư rất mạnh. Tầng lớp thanh niên trí thức Nho học sục sôi khát vọng duy tân, đòi hỏi vua quan Nam triều phải thay đổi đường lối trị nước, noi gương cải cách của Nhật Bản, Trung Hoa để đất nước phú cường, thoát ách nô lệ của thực dân Pháp. Tuy vậy về chính trị nói chung còn ít nhiều kỳ vọng “khuông phù đế thất”. Đối với khoa cử kiểu cũ, tuy họ biết đã khá lạc hậu, nhưng phần đông vẫn quan niệm “có học có thi”. Vì thế các sĩ phu có danh tiếng hồi này lần lượt đều có dự Bảng vàng đăng khoa cả. Tâm trạng đó một phần cũng có thể thấy qua bài thơ “Cảm tác” của Ngô Đức Kế làm sau khi đi xem yết bảng trở về:

看 榜 時 感 作
聖 主 恩 求 士
吾 親 又 望 兒
此 生 思 報 補
回 首 感 推 移

Phiên âm:

Khán bảng thời cảm tác

Thánh chúa ân cầu sĩ,
Ngô thân hựu vọng nhi.
Thử sinh tư báo bổ,
Hồi thủ cảm suy di. [11]

Dịch nghĩa:

Cảm tưởng khi xem yết bảng

Vua thánh ơn tìm kẻ sĩ,
Cha ta lại mong ta thi đỗ.
Thân này lo sao báo đáp,
Ngoái đầu lại, cảm khái về sự đổi dời.

Dịch thơ:

Vua thánh kén kẻ sĩ,
Lòng cha mẹ thương con.
Thân này lo đền đáp,
Ngoái lại, chạnh mất còn.
(Đào Duy Anh) [12]

Sau bài thơ này, chỉ trong vòng mấy tháng đã diễn ra một sự đổi thay rất quyết liệt trong nhận thức và tình cảm của người thanh niên Ngô Đức Kế lúc ấy mới 24 tuổi: Sau lễ vinh quy khá trọng thể trong tháng 5-1901, Ngô Đức Kế không vào Huế nhận thẻ “Hậu bổ” như lệ định. Theo lệ, các Tiến sĩ tân khoa được nghỉ ngơi hai tháng, sau đó về kinh đến bộ Lễ hầu trực đợi bổ nhiệm. Chỉ đến sau này, khi Ngô Đức Kế bị bắt (11-1907), qua tờ tâu của Phủ phụ chính - nay đã được công bố - chúng ta mới biết đích xác lý do ngắn gọn mà Ngô Đức Kế báo với bộ Lễ là “xin ở lại quê quán để học tập, đến 30 tuổi sẽ ra tòng chính!”. Đó lời lẽ lịch sự mà ông tân khoa Tiến sĩ đưa ra để từ chối làm quan với Nam triều.

Thi đỗ Tiến sĩ và không ra làm quan là hai sự kiện lớn trong cuộc đời của Ngô Đức Kế. Tầng lớp trí thức Nho học hồi ấy phần nhiều còn gắn việc học việc thi với việc báo đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ, như câu : “Ngô thân hựu vọng nhi, Thử thân tư báo bổ ” ở bài Cảm tác đã dẫn trên. Quyết định không ra làm quan của vị tân khoa Tiến sĩ tất phải bắt nguồn sớm từ nỗi đau mất nước, “ Dân cu li vua cũng cu li !” như câu nói của vua Thành Thái được lan truyền, khiến cho tầng lớp thanh niên Nho học trẻ tuổi sục sôi căm thù giặc Pháp cướp nước. Những thôn xóm tường vách cháy đen, vườn tược bị thiêu sẹm từ thời Cần vương hiện lên trên mỗi góc trời quê hương Can Lộc, đọng mãi trong đôi mắt sáng như sao của người thanh niên Nho học trẻ tuổi Ngô Đức Kế. Hành động lương tâm mạnh mẽ đúng lúc mà Ngô Đức Kế đã lựa chọn là từ chối ra làm quan Nam triều lương cao bổng hậu để dấn thân cho “đại sự” - như chính lời các chí sĩ yêu nước hồi ấy vẫn nói – tức sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Ở lại quê nhà,. Ngô Đức Kế mở một hiệu thuốc Đông y ở phố Nghèn và một Thư viện. Hiệu thuốc thì mời ông Võ Tịnh [13] ngồi bốc thuốc, cho em là ông Ngô Đức Thiệu giúp các công việc. Thư viện đặt tại ngôi nhà hai tầng mới xây sau khi Ngô Đức Kế đỗ thi Hương (1897). Nhà rất nhiều sách, trước hết là các sách cụ Huệ Liên ở Huế chuyển về. Chỉ riêng bộ Đại Nam thực lục, Tiền biên, Chính biên đã đựng chật cả hai dãy tủ dài. Nhưng phải giữ bí mật nhất là các sách chép chuyền tay các bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, bài Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch – có thể coi là tiếng nói của những trí thức nước ta thức tỉnh đầu tiên trong đêm trường tối đen của đất nước đang chìm đắm trong bế quan toả cảng, hầu như không hay biết những chuyển biến lớn lao trên trường quốc tế. Đáng quý nữa là các Tân thư Trung Quốc - món ăn tinh thần được các trí thức Nho học bấy giờ hết sức ham chuộng. Đó là các tác phẩm như Vạn ngôn thư của Khang Hữu Vi và Lương Khi Siêu (1888); các cuốn như Trung Quốc hồn, Trung ngoại kỷ văn, các loại báo chí như Thanh nghị báo, Tân Dân tùng báo, Thời vụ báo của Lương Khải Siêu v.v… Bằng những áng văn hùng hồn sục sôi nhiệt huyết, Khang - Lương phê phán chế độ quan lại bảo thủ giáo điều, đề xuất cải cách quân chủ lập hiến, chủ trương học tập văn minh Tây phương để nước nhà thoát nghèo hèn lạc hậu. Ngoài ra còn có các sách nói về cải cách duy tân của Nhật bản, như các cuốn Nhật Bản duy tân tam thập niên sử của Takayma Rinio, Đông Trung chiến kỷ của Young Allen (người Mỹ) giới thiệu thành tựu của công cuộc Duy tân thời vua Minh Trị, đưa Nhật Bản lên địa vị một quốc gia phú cường v.v...

Nhà gần đường quốc lộ, nhiều danh sĩ là bạn đồng chí quen biết Ngô Đức Kế từ khi ở Huế như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh v.v…. mỗi khi vào nam ra bắc phần nhiều đều ghé vào nghỉ cùng bàn luận đại sự với Ngô Đức Kế. Năm 1905, trước khi lên đường đi Nhật Bản, Phan Bội Châu bí mật gặp Đốc học Nghệ An Đặng Nguyên Cẩn, cụ Đặng nói với cụ Phan: “Anh phải đi ngay, còn việc cần kíp trong nước là mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thì tôi với ông Tập Xuyên đảm nhận” [14] . Một câu hồi ký ấy của cụ Phan đã ghi nhận Ngô Đức Kế là chí sĩ yêu nước, trợ thủ tin cậy của lãnh tụ Phan Bôi Châu, có vai trò chủ chốt trong công cuộc tuyên truyền vận động Duy Tân cứu nước đầu thế kỷ XX.



II. Ngô Đức Kế trong phong trào Duy Tân

Mồng một Tết Tân Mùi (1991) cả nhà tôi vui mừng xúc động chuyền tay nhau đọc đi đọc lại bài báo của nhà văn Sơn Tùng đăng trên tờ An ninh Thủ đô số Xuân năm ấy vừa ra. Trong bài tác giả kể nhiều câu chuyện về Hồ Chủ tịch trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám. Không chỉ những chuyện năm 1945, tác giả còn ghi lại nhiều hồi ức của các vị thân nhân tôn kính của Cụ Hồ. Những ghi chép của Sơn Tùng có một giá trị đặc biệt: từ tình cảm yêu kính lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay từ lúc mới ngoài hai mươi tuổi Sơn Tùng đã chú ý học hỏi tìm hiểu thân thế Bác Hồ một cách cẩn thận tỷ mỉ, vì thế thời gian ủng hộ anh: anh may mắn còn gặp được anh trai Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Khiêm và chị gái Bác Hồ là cụ Nguyễn Thị Thanh - những người trong cuộc và chứng nhân mà về sau không ai thay thế được nữa. Chính nhờ bài báo của Sơn Tùng mà chúng tôi may mắn được biết mấy đoạn hồi ức vô cùng trân quý của cụ Nguyễn Sinh Khiêm cho biết một sự kiện rất đáng ghi nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông nội tôi là chí sĩ Ngô Đức Kế. Cụ Khiêm kể: “Năm 1903 ông cụ tôi (cụ Nguyễn Sinh Sắc) đưa hai anh em tôi (tức cụ Cả Khiêm và Bác Hồ) ra làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu. Chúng tôi ở lại nhà cụ Hồ Sĩ Tự. Ông cụ tôi đi cùng ông nghè Ngô Đức Kế ra Hà Nội để yết kiến cụ Cử Can. Ông nghè Ngô Đức Kế ít hơn cha tôi cả chục tuổi, nhưng cùng đỗ một khoa Tân Sửu. Sau chuyến đi này về, ông cụ tôi thường nói đến cuộc gặp gỡ tại nhà 32 Hàng Ngang…” [15]

Trước, người trong gia đình chúng tôi cũng nghe biết sơ qua là sau khi đỗ Tiến sĩ Ngô Đức Kế có chuyến đi ra Hà Nội. Nhưng cả sau khi sưu tầm được bài Thanh Hoá đạo trung Ngô Đức Kế làm khi lần đầu tiên qua Khe nước lạnh buớc vào địa giới tỉnh Thanh, biết đó là thơ làm trong chuyến đi này, nhưng cũng chưa biết rõ là năm nào.


Không làm quan, ở nhà đọc Tân thư

Trở lại hai năm trước, sau khi đỗ Thi Hội Ngô Đức Kế cũng được hưởng ân điển vinh quy bái tổ như thông lệ. Bao nhiêu đời trước thì vợ chồng tân khoa tiến sĩ được ngồi kiệu, tức là loại cáng có khung mái che, do bốn người phu khiêng cáng. Nhưng từ đời Đồng Khánh, vua cho quan viên văn võ từ tứ phẩm trở lên được mua loại xe kéo hai bánh của Tàu.

Cho nên từ Huế ra về, cụ Ngô Huệ Liên về trước mấy ngày. Tân khoa Tiến sĩ Ngô Đức Kế và người vợ trẻ là bà Nguyễn Thị Huề đội nón quai thao ngồi trên cỗ xe ngựa do các thân hữu chung tiền mua giúp, bên tay vịn có buộc lá cờ thêu: “Sắc tứ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân”. Đại diện họ Ngô Trảo Nha có ông Ngô Hảo và mấy người nữa, họ Võ bên Phù Minh có cha con ông Vũ Kiều Sơn và mấy người nữa, mỗi tốp đều có các gia nhân gánh tráp quảy quả đi theo. Một đoàn đông vui ngày đi đêm nghỉ, hết tỉnh Thừa Thiên, qua Quảng Trị, Quảng Bình. Khi qua sông Gianh, Tập Xuyên có cảm tác một bài thơ, nhưng không thấy ông có ấn tượng gì mấy về đoàn vinh quy rầm rộ ấy. Có một tâm sự nào đó đã khiến cho tâm hồn ông phiêu diêu những đâu rất xa, như một thư sinh đang rong ruổi vó ngựa đường trường:



Phiên âm:

Độ Linh Giang

Tằng thượng Bồng Lai kỷ vạn trình,
Thiên phong xuy ngã mã đề khinh.
Kim triêu độ khẩu cô phàm khứ,
Bất tá đông phong nhất nhật hành.

Dịch nghĩa:

Qua Sông Gianh

Từng đến chốn Bồng Lai, xa mấy vạn dặm,
Gió trời thổi sau lưng, nhẹ lâng vó ngựa.
Sáng nay một cánh buồm lẻ loi đưa ta qua bến,
Tiếc không mượn gió đông mà đi một ngày đường.

Dịch thơ:

Bồng Lai [16] nhớm bước mấy ngàn trùng,
Gót ngựa bon nhanh nhẹ nhẹ không.
Hôm nay một cánh buồm qua bến,
Không mượn cho ta trận gió đông.

(Ngô Đức Mậu) [17]

Lễ lạt vinh quy chuyến này âu cũng là giọt “mưa móc” cuối cùng, bởi vì khi ấy ông đã quyết chí, và sau đó không một lần ký tên vào sổ lĩnh gạo lĩnh lương và triều đình sẽ phải gặp ông lần cuối trong một bản án.

Cỗ xe vinh quy cùng đoàn tháp tùng lên Đèo Ngang, xuống Voi (Kỳ Anh), Kim Nặc (Cẩm Xuyên), qua đạo thành Hà Tĩnh rồi về đến Nghèn. Đến nơi thì làng họ đã tụ họp rất đông, từ ngoài đường quan đến tận sân nhà. Lán sạp dựng san sát từ trong ngõ ra. Làng trên xã dưới cũng từng đoàn từng tốp trẻ con người lớn băng đường tắt qua các cánh đồng đến mừng hội vinh quy của ông Nghè Tập Phúc.

Họ Ngô Trảo Nha nổi tiếng là dòng võ tướng, nhưng xuất thân khoa bảng thì khởi từ cụ Ngô Phúc Lâm (chi 9)Tiến sĩ khoa Cảnh Hưng (1866) là vị khai khoa, sang thời Nguyễn mới chỉ có cụ Ngô Đức Bình (chi 5) đỗ Hoàng giáp khoa Nhã sĩ năm Tự Đức 18 (1865), rồi đến Ngô Đức Kế (chi 9). Vì thế việc NĐK đỗ Tiến sĩ không những cả họ vui mừng mà nhân sĩ thân hào các nơi trong huyện trong tỉnh nghe tin đến chúc mừng rất đông. Sau này cụ bà thường kể: “Lễ vinh quy có nơi làm hai ba ngày, nhưng ông nhà ta chỉ cho làm đúng một ngày thôi. Ông cháu chơi thân với cụ Cử Bá, ngay hôm sau đã đi cùng với cụ cử Bá vào chới trong Phất Não. [18] Hàng tổng biếu bò lợn và ba chục quan tiền nhưng ông không nhận, nói mãi mới cho nhận một con lợn để thêm lễ tế trên đền Linh Nha”. Cụ Võ Liêm Sơn là em con cô của Ngô Đức Kế nói cuộc lễ ấy rượu nhiều vô kể, hũ không khuân bày gần khắp cả vườn. Cụ Võ cũng kể lại rằng chính trong cuộc lễ mừng ấy, anh Kế đã nói với cha cụ là: “Làm đám cho cha mẹ cháu vui thôi, còn cháu thì thưa với dượng là chưa chắc đã đi làm quan!”

Ngô Đức Kế ở quê một thời gian đi thăm họ hàng và các nhân sĩ bậc trên quen biết. Bạn quen từ trước có Lê Văn Huân người làng Trung Lễ huyện Đức Thọ hồi này thường hay đến đọc sách bàn luận văn chương thời sự. Lê Văn Huân có hồi là bạn học với Ngô Đức Kế ở trường của thầy Nguyễn Đức Đạt, nhưng Văn Huân bỏ mấy khoa không thi, đến khoa Thành Thái Bính Ngọ (1906) về quê dự thi Hương, đỗ đầu (Giải nguyên) trường Nghệ. Sách vở tại nhà Ngô Đức Kế từ cụ Ngô Phùng, Ngô Huệ Liên nhiều năm tích luỹ có lẽ thuộc loại nhiều - cụ Phan Chu Trinh gọi hẳn là “Thư viện” (“ông nghè Ngô ở nhà mở một Thư viện”) - Mất mát nhiều, nhưng khi tôi lớn lên còn thấy các tủ sách - loại tủ mà sau này xem ảnh thấy hệt kiểu các tủ sách ở Quốc sử quán.

Ngoài việc đọc sách, tiếp khách văn tại nhà, Ngô Đức Kế còn ra ngoài cửa hiệu thuốc bắc ở phố Nghèn. Ngô Đức Kế cũng có đọc sách y, nhưng việc chẩn bệnh bốc thuốc thì từ đầu ông đã mời ông lang Võ Tịnh quê xã Khánh Lộc gần Nghèn trông coi, giao cho em là Ngô Đức Thiệu ra giúp các việc với ông Võ Tịnh. Ngoài việc bán thuốc, cửa hàng là nơi để khách xa đến tiện liên hệ. Thời kỳ này Ngô Đức Kế đang rất quan tâm mối liên hệ với các thân hữu cùng chí hướng. Trên đường vào Nam ra Bắc, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vốn quen biết Ngô Đức Kế ở Huế, hồi này cũng vài lần ghé nghỉ nhà Ngô Đức Kế ở Trảo Nha. Bàn luận của các cụ vẫn không ngoài “đại cuộc” của nước nhà: Chí sĩ nhất kiến đàm hung ức (Người cùng chí hướng hễ gặp nhau là nói chuyện tim phổi).

(Còn 1 kì)

© 2008 talawas




[1]Tiểu sử của cụ Ngô Phùng có chép trong Đại Nam Liệt truyện Chính biên Nhị tập, Q.34. Bản dịch. Nxb Thuận Hoá, 1993. T. 4, tr. 215.
[2]Xem: Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục. Bản dịch: Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm, Nxb.TP Hồ Chí Minh,1993. tr.417. Họ tên ghi trong khoa lục là Ngô Liên.
[3]Xem: Cao Xuân Dục,Quốc triều khoa bảng lục, Q. 4, tờ 1a
[4]Xem: Cao Xuân Dục,Quốc triều khoa bảng lục, Q. 4, tờ 8b.
[5]Cục văn thư và lưu trữ nhà nước: Tờ tâu của Phủ phụ chính ngày 12 tháng 11 năm Duy Tân 1 (16-12-1907). Châu bản triều Duy Tân, Tập III, tờ 66.
[6]Cục văn thư và lưu trữ nhà nước:Tờ tâu của Phủ phụ chính ngày 18 –10 năm Duy Tân 2 (11-11-1908). Châu bản triều Duy Tân, Tập XV, tờ 115. Nguyễn Thế Anh dịch. Trong: Nguyễn Thế Anh, Phong trào chống thuế miền Trung năm 1908. [S.,], 1973; tr.136.
[7]Bà Viện lấy chồng người thôn Yên Vinh cùng xã, có 2 con trai là Trần Đoá (ĐV 30, Liệt sĩ), Trần Đại Quả (ĐV 30), một con gái là bà Trần Thị Sáu (chồng là Nghiêm Thưởng người làng Nghĩa Yên, huyện Đức Thọ).
[8]Hiện vẫn chưa được truy tặng Liệt sĩ.
[9]Quốc triều Hương khoa lục,Bản dịch, Sdd, tr.538.
[10]Quốc triều khoa bảng lục, ,Sđd., Q. 4, tờ 6a.
[11]Suy di: dời đổi, thay đổi.
[12]Đào Duy Anh (1904-1988): học giả lớn của nước ta. Hồi còn trẻ Đào Duy Anh đã từng quen biết, cộng tác với Ngô Đức Kế, nhất là khong 1925-1928 khi ông làm Thư ký toà soạn báo Tiếng Dân, mấy lần cụ Ngô Đức Kế vào Huế thăm, bàn bạc bài vở với cụ Huỳnh Thúc Kháng đều cùng ở một nhà với Đào Duy Anh. Bài này cụ Đào Duy Anh đã ghi sổ tay và đã cung cấp cho gia đình cả nguyên văn và bản dịch để đưa vào sưu tập thơ văn của Ngô Đức Kế. Trân trong tri ân bác Đào kính mến đã quá cố.
[13]Ông Võ Tịnh người xã Khánh Lộc, năm 1908 cũng bị bắt đày Côn Đảo cùng một chuyến với Ngô Đức Kế.
[14]Phan Bội Châu, “Tự phê phán”. Nguyên văn chữ Hán. Bản dịch của Tôn Quang Phiệt. Ban NC Văn Sử Địa xbản, 1955. tr. 57.
[15]Xem: Sơn Tùng, Bác Hồ những ngày sau Cách mạng tháng Tám. An ninh Thủ Đô, Xuân Tân Mùi 1991, tr.2
[16]Bồng Lai: Cõi Tiên, ở đây chỉ kinh đô Huế
[17]Ngô Đức Mậu: (1908-1987) Đỗ Diplome, ra làm Giáo viên trường Tiểu học Thạch Thành và Hà Trung, Thanh Hoá. Đảng viên Đảng Tân Việt sau chuyển thành ĐCSĐD. Năm 1930 là Tỉnh uỷ viên Đảng bộ Thanh Hoá. Năm 1931 bị thực dân Pháp bắt kết án khổ sai chung thân, đày đi Lao Bảo, năm 1936 được giảm án trả tự do. Năm 1945 tham gia lãnh đạo khởi nghĩa rồi phụ trách Ban quân sự UB lâm thời huyện Can Lộc, sau phụ trách tuyên truyền báo chí của tỉnh uỷ Hà Tĩnh và Liên khu uỷ LK IV, chủ nhiệm báo Cứu quốc Liên khu IV. Sau hoà bình làm Chủ nhiệm Báo ảnh Việt Nam, Cục trưởng Cục xuất bản, Phó Hội trưởng Hội nhà báo Việt Nam.
[18]Cử Bá tức cụ Đặng Văn Bá, quê xã Phất Não huyện Thạch Hà (con cụ Thám hoa Đặng Văn Kiều), đậu Cử nhân khoa Canh Tý (1900).Đồng chí của Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, năm 1908 cũng bị bắt đày Côn Lôn (cùng chuyến với Ngô Đức Kê, Đặng Nguyên Cẩn v.v…)