trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
5.8.2008
Malalaï Joya
Mơ một ngày sẽ có một phụ nữ cầm đầu đất nước Afghanistan
Phạm Toàn dịch
 
Malalaï Joya (Ảnh : AFP/PIERRE-PHILIPPE MARCOU)
Tôi nhận được không biết cơ man nào là tiếng chửi rủa: con điếm, con điên, con phản đạo, con cộng sản... Cả một lô đe dọa: dọa hiếp, dọa bắt cóc, dọa ám sát... Một quả bom phát nổ giữa đám đông đang đợi tôi tới họp mặt; văn phòng của tôi bị dò xét, họ tìm cách gài bẫy những người cùng làm việc với tôi. Tôi tránh thoát bốn lần mưu sát. Nhưng quyết tâm của tôi không lung lay. Cuộc sống riêng của tôi hiển nhiên là gặp lắm chuyện phiền. Đêm nào tôi cũng phải đổi chỗ ngủ. Còn ban ngày, tôi chỉ có thể đi lại trong thủ đô Kabul bằng taxi, người ngụy trang kín trong áo burqa. Với gia đình tôi, với chồng tôi, thật khó sống. Nhưng tôi được nhân dân ủng hộ. Kiên trì và sục sôi. Đạn có thể giết chết tôi, nhưng không khiến tôi im tiếng, vì đó là tiếng nói của tất cả chị em phụ nữ Afghanistan. Ngắt bỏ một bông hoa thì được, nhưng không ai ngăn được mùa xuân.

Không phải tình cờ mà tôi lại có cái tên Malalaï Joya. Cha tôi chọn cho cô con gái đầu lòng, chị của mười người em cái tên đó để tưởng nhớ người nữ anh hùng trong lịch sử Afghanistan, Malalaï de Maiwand, người vào năm 1880 đã ra trận chiến đấu chống người Anh. Một người đàn bà mang trong người vô vàn giá trị, sẵn sàng hy sinh cho dân và cho các tư tưởng mình đeo đuổi. Tôi cảm thấy mình là học trò của bà. Còn cái tên Joya thì do chính tôi chọn. Thông thường, đàn bà nước tôi chỉ mang tên của cha rồi của chồng. Tôi đã chọn cho mình tên của một chiến sĩ đấu tranh cho Tự do đã bị hành quyết sau khi từ chối những nhượng bộ cuối cùng để đổi lấy cái đầu mình nguyên vẹn. Tôi tôn thờ người đàn ông đó và tôi nguyện tiếp nối con đường của ông. Tôi 30 tuổi, và tôi không muốn chết, nhưng cũng như ông, tôi sẵn sàng hy sinh đời mình.

Khi tôi sinh ra được 4 ngày thì chính quyền thân Liên Xô được thiết lập ở Kaboul, khi tôi lên 4 thì cả nhà trốn sang Iran, khi lên 8 thì cả gia đình đến một trại tị nạn ở Pakistan, và khi tôi 20 thì cả nhà lại cùng về sống ở Afghanistan dưới chế độ của bọn Taliban và tôi thì trở thành một nhà hoạt động xã hội. Đó là vào năm 1998. Rồi sau đó, tôi được bầu vào Nghị viện Afghanistan với tư cách đại biểu tỉnh Farah. Và cũng từ đó tôi bị khai trừ khỏi Nghị viện vì đã cả gan chỉ trích bọn trùm chiến tranh và ma túy, những kẻ chiếm tới 80 % cái Nghị viện ô uế đó. Biết đến bao giờ thì cộng đồng quốc tế sẽ nhận ra được cái cảnh hỗn mang mà đất nước tôi đang lún sâu vào? Biết đến bao giờ cộng đồng quốc tế sẽ nhận ra rằng những người lãnh đạo đất nước này chỉ là một lũ tội phạm đồi bại, những kẻ khinh bỉ người phụ nữ và chỉ nghĩ đến làm giầu?

Cha tôi, vốn là sinh viên y khoa, là một con người dân chủ, và ông đã gia nhập đội ngũ những người Moudjahidin chân thành nhằm đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của người Xôviết. Cha đã bị mất một chân trong cuộc chiến đó. Chúng tôi đành phải rời bỏ đất nước. Chỉ tới khi vào trại tị nạn ở Pakistan tôi mới được đi học, và chính là trong khi chia sẻ cuộc sống với những người tị nạn, được nghe kể mọi điều, được nghe tiếng khóc của họ, được biết đến những cơn ác mộng của họ, chỉ khi đó tôi mới hiểu những gì đã diễn ra ở Afghanistan dưới thời Liên Xô chiếm đóng, và chuyện gì sau khi những người Xôviết rút đi, trong thời gian nội chiến, khi những người Moudjahidin thống trị Kaboul bằng bàn tay khủng bố. Đó là một lũ tội phạm và man rợ thèm khát bạo lực và quyền lực, và thật kinh hoàng là những hồi ức tôi nghe được ở trại tị nạn của những chị em phụ nữ đã mất chồng và mất con hoặc đã bị tra tấn và hãm hiếp. Tôi vẫn tiếp tục đi học các buổi sáng, và tôi cũng sớm đứng ra dạy đọc dạy viết cho các bé gái ở trại và mẹ chúng, trong đó có cả mẹ đẻ của chính tôi nữa! Ngay từ đó tôi đã hiểu rằng cứu vãn chúng tôi là con đường giáo dục.

Tổ chức Tăng cường Năng lực Phụ nữ Afghanistan (Organization for Promoting Afghan Women's Capabilities - OPAWC) đã phát hiện ra tôi. Tổ chức phi chính phủ này chiêu mộ trong trại tị nạn những người hoạt động xã hội trẻ tuổi có khả năng hoạt động trong một hệ thống trường học bí mật cho các bé gái ở Afghanistan. Gia đình tôi chần chừ đắn đo một hồi, vì mẹ tôi vô cùng sợ bọn Taliban! Nếu tôi nhận lời hoạt động có nghĩa là cả gia đình sẽ phải trở về nước và riêng tôi thì dấn thân (có ăn lương) vào một công việc nguy hiểm. Nhưng tôi tin tưởng mình làm được. Cả gia đình chúng tôi vượt biên giới trở về, tôi lại mặc áo choàng burqa và bắt đầu hoạt động tại vùng Farah trong một hệ thống nhà trường bí mật cho các bé gái. Khi đó mọi người ai ai cũng sợ. Bọn Taliban có mật thám đi dò xét những nhóm bé gái nào cùng đi với nhau theo một hướng. Chúng tôi phải luôn luôn thay đổi địa điểm học. Và trên tay người nào cũng có cuốn kinh Coran để giả vờ là đang cầu nguyện một khi bị đánh úp.

Cuộc khủng bố (tòa tháp đôi ở Hoa Kỳ) ngày 11-9 đã gây ra cú sốc thực sự. Chúng tôi biết tin đó qua đài BBC, tuy bị bọn Taliban cấm nghe phát thanh nhưng đó vẫn là mối liên hệ duy nhất với thế giới bên ngoài. Chúng tôi thảo luận biết bao nhiêu điều khi đó! Và tình cảm mới pha trộn hỗn độn làm sao! Chúng tôi vừa lo sắp xảy ra cuộc chiến tranh, lại vừa hy vọng sẽ được người nước ngoài chìa tay giúp đỡ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi sẵn sàng tin tưởng vào người nước ngoài!

Tôi được bầu vào Loya Jirga, một nghị hội của 500 con người từ khắp đất nước Afghanistan, được triệu tập vào tháng Chạp năm 2003, để xem xét một dự thảo Hiến pháp. Tôi là người trẻ nhất nghị hội này. Nhưng ô hay, mắt tôi nhìn thấy những gì khi đặt chân tới Kaboul? Những tên tội phạm, những tên kẻ cướp, lũ kẻ cắp, bọn tra tấn mà mọi người đã kể cho tôi nghe về những điều nhơ bẩn của chúng từ khi tôi còn là thiếu niên, trong số đó có nhiều tên sống chui lủi như chuột dưới thời bọn Taliban – tôi thật không còn tin nổi vào mắt mình nữa – tất cả bọn chúng đang ở đó, lớn mồm hò hét, len lỏi vào mọi ủy ban này khác, sẵn sàng giành giật chính quyền và miệng thì leo lẻo những lời lẽ dân chủ! Thật không thể chịu đựng nổi! Tôi cần lật mặt nạ bọn chúng trước toàn thế giới thôi. Tôi xin được nói trong hai phút nhân danh thế hệ trẻ của đất nước. Và tôi nói, tôi lên án bọn thú dữ đó, những kẻ tuyệt đối chống phụ nữ đó, những kẻ đã đưa đất nước tới chỗ suy tàn và đáng bị đưa ra tòa xét xử. Cả hội trường lặng phắc. Rồi nhất loạt ào lên dữ dội. Tất cả các đại biểu đều đứng dậy, tay giơ cao nắm đấm, miệng la hét chửi rủa, yêu cầu tống cổ tôi ra khỏi nghị hội, yêu cầu tôi xin lỗi. Tôi thà chết chứ không xin lỗi!

Đông đảo nhân dân chờ tôi trở về địa phương. Họ hoan hô tôi và nói lời cảm ơn. Họ đem tặng tôi đất đai và nhẫn cưới. Họ bảo tôi hãy tiếp tục đấu tranh chống lại bọn tội phạm dù đã cạo nhẵn râu nhưng bản chất vẫn y nguyên như xưa. Và mọi người yêu cầu tôi ra ứng cử tiếp. Tôi không có quyền quẫy ra khỏi nghĩa vụ đó nữa.

Cận cảnh

Người phụ nữ ấy 30 tuổi. Bà bị săn đuổi. Bà không còn được sống nhẹ nhàng vô tư. Không có thời giờ. Không có quyền. Mặc kệ. Đã từ lâu bà đã dứt khoát lựa chọn. Bà nói đã sẵn sàng hy sinh đời mình. Nước Afghanistan chảy máu lâu quá rồi. Bà nói điều cấp bách bây giờ là những con người tiên phong và nổi loạn, những con người dũng cảm và không gì mua chuộc nổi, những con người đó hãy cùng nhau đứng lên tìm cách gạt bỏ bọm trùm chiến tranh và thuốc phiện để xây dựng một nền dân chủ đích thực. Là đại biểu trong Nghị viện ở Kaboul, nhưng lại bị khai trừ khỏi Nghị viện sau một nghị trình pháp lý đáng xấu hổ, bà không bao giờ ngủ hai đêm liền ở một địa điểm, vì bị đe dọa bởi những kẻ bị bà vạch mặt vì các tội ác, vì các vụ buôn lậu, vì sự hèn nhát và tham nhũng. Với tất cả những con người dân chủ và với chị em phụ nữ Afghanistan, tên của bà vang lên như một lời thách thức mọi quyền lực đã được dựng lên ở đất nước này, và như một niềm hy vọng: Malalaï Joya, "người phụ nữ dũng cảm nhất đất nước Afghanistan".

Lông mày nhíu lại và ánh mắt nghiêm trang, bà rộn ràng như con chim. Lời bà nói bị kìm nén lại, bà bực bội khi bị ngắt lời. Lúc nào bà cũng sợ thiếu thời gian. Biết bao điều cần kể lại, biết bao bất công và đau khổ cần phanh phui, biết bao lời kêu gọi cứu trợ cần gửi tới những nhà dân chủ trên toàn thế giới. Một giấc mơ chăng? Gương mặt bà rạng lên một giây và mắt bà đắm chìm vào xa xăm. Vâng, biết bao nhiêu là mơ ước...


Trong tâm thế đó, vào tháng Mười Một năm 2005 tôi bước chân vào Nghị viện mới của nước Afghanistan. Và chính ở chốn đó, sau khi tôi tố giác sự có mặt của bọn trùm chiến tranh và bọn tham nhũng thuốc phiện, ngay ở chốn đó bọn họ đã giở những trò tồi tệ nhất với tôi, họ cắt micro khi tôi đang nói và ngay giữa vòng bán nguyệt nghị trường họ dọa sẽ hiếp tôi, dọa sẽ giết tôi... "kể cả phải dùng một cuộc đánh bom liều chết"! Cuối cùng họ đã đạt được cuộc bỏ phiếu khai trừ tôi. Nhân dân tổ chức biểu tình ủng hộ tôi, rồi có những cuộc kêu gọi quốc tế lên tiếng, nhưng chẳng có hiệu quả gì hết.

Vâng, đúng vào cái lúc tôi đấu tranh để cải tổ cái nghị viện mà tôi là đại biểu hợp pháp, chính lúc đó tôi có một ước mơ. Nhiều ước mơ nữa. Tôi mơ trước hết chị em phụ nữ Afghanistan vùng lên, gỡ bỏ cái mạng che mặt đi và đòi mọi quyền họ có. Trong mọi cuộc chao đảo đau lòng của đất nước, chị em bao giờ cũng là những nạn nhân đầu tiên. Có tới 87% chị em chịu những đau khổ ngay từ trong gia đình; những cuộc hiếp đáp, mà phần lớn không bao giờ bị trừng trị, thật nhiều vô kể. Có tới 80% những cuộc hôn nhân là ép buộc và con gái được dùng làm đồng tiền đổi trao; con gái có thể bị gả bán cho những lão già, nhằm trả một món nợ đôi khi ngang giá một con chó. Nạn tự vẫn – treo cổ, thắt cổ, cắt cổ – với nhiều chị em là lựa chọn duy nhất thoát cảnh khốn cùng. Ôi, nếu bạn biết đã có bao nhiêu ca phụ nữ bị đốt cháy, mặt mày biến dạng tại bệnh viện tỉnh Herat! Còn giáo dục ư? Theo tổ chức OXFAM, chỉ có một trong số năm em gái được đi học tiểu học, chỉ một trong hai mươi em đến trường trung học! Và tình hình cứ như vậy chẳng tiến triển thêm. Tại các vùng do bọn Taliban kiểm soát, các em gái thường xuyên bị tấn công và bắt cóc trên đường đi học, và các trường học thì bị đốt. Y tế ư? Không có hoạt động y tế. Triển vọng sống của phụ nữ Afghanistan chỉ là 44 năm; cứ mỗi hai mươi tám phút trôi đi lại có một phụ nữ Afghanistan chết trên bàn đẻ...

Tôi ước mơ lật mặt nạ bọn tội phạm tham nhũng đang cai trị đất nước này và đang được vỗ béo bằng thuốc phiện và viện trợ của phương Tây trong lúc 70% dân chúng sống với dưới 2 đồng đô-la mỗi ngày và 98% dân chúng sống không có điện và cuộc sống thì lún ngập trong bất an ninh. Tôi ước mơ được tận mắt thấy cái bè lũ cỡ như bọn Hitler, Mussolini, Pinochet, Khomeiny phải bị ra tòa án quốc tế.

Tôi ước mơ mọi người hãy ngừng trộn đạo Hồi vào chính trị và nước Afghanistan sau khi thoát cảnh chiếm đóng của nước ngoài sẽ trở thành một nhà nước dân chủ to lớn phi thần quyền. Đạo Hồi nằm trong tim và trong đầu óc chúng tôi. Không được dùng đạo Hồi để thao túng dư luận.

Tôi ước mơ từng nẻo xa xôi nhất của nước Afghanistan cũng có một ngôi trường. Và có phương tiện vào mạng Internet.

Sau hết, tôi ước mơ một ngày nào đó sẽ có một người phụ nữ cầm đầu đất nước này và chứng tỏ cho thế giới thấy rằng khi có cơ hội trong tay chị em sẽ làm được những chuyện rạng rỡ.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas