trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
23.8.2008
Trần Thị Trường
Tiếc thương Hoàng Phúc Thắng
 
Kiến trúc sư, nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng (1951 –2008)
Hôm 13.8.2008 hồi 8 giờ, lễ tiễn Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng đã diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng với sự có mặt của đông đảo gia quyến, thân nhân, đồng nghiệp, bè bạn và người hâm mộ. Điếu văn do KTS Hoàng Đạo Kính đọc khiến giây phút ấy càng thêm xúc động sâu sắc: “Giờ phút này chúng ta tụ họp nơi đây để tiễn đưa vào cõi vô biên, vĩnh hằng một người thân yêu, một người bạn, một đồng nghiệp. Để ghi khắc từ đây và mãi mãi ký ức về một con người mà sự lìa đời không đồng nghĩa với sự kết thúc, về một tên tuổi mà sự cống hiến cho nền kiến trúc đương đại nước nhà cần phải được công nhận…”

KTS Hoàng Phúc Thắng từ biệt chúng ta lúc 1 giờ 20 phút 11.8.2008 (11.7. Mậu Tý) sau một thời gian lâm bệnh nặng. Những người thường có mặt bên anh trong những tháng ngày cuối kể rằng, anh bình thản đón nhận những tin xấu về tình trạng của bệnh, anh coi sống chết là lẽ thường ở đời, không bao giờ thấy anh phiền muộn, trò chuyện vẫn lạc quan, vẫn theo dõi những tin tức thời sự liên quan đến thẩm mỹ kiến trúc của mình và không ít giờ những thôi thúc phản biện vẫn khiến anh cầm bút, những ý tưởng sáng tạo và nghiên cứu trong anh vẫn đầy ắp… Có lẽ anh nghĩ còn một giờ, còn làm việc để mang đến sự thiện, sự hoàn hảo hơn cho thế giới con người.

Sinh ngày 01.01.1951 tại Ninh Bình, sống ở Hà Nội, năm 1975 Hoàng Phúc Thắng tốt nghiệp loại giỏi khoa kiến trúc, Đại học xây dựng Hà Nội (sơ tán tại Hương Canh). Từng là giáo viên khoa kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 1988 tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Kiến trúc Weimar, Đức. Về nước anh tiếp tục làm công tác giảng dạy. Trong những học trò của anh có người đã là KTS trẻ nổi tiếng (Hoàng Thúc Hào…).

Anh là người năng động, nhạy cảm, nắm bắt và vượt lên, đi trước những xu thế thời đại với tư tưởng tích cực. Nếu nền kinh tế thị trường ở nước ta những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước chỉ mới là những khái niệm mông lung thì Hoàng Phúc Thắng ngay từ 1989 đã sáng lập và làm giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết kế và Tư vấn Xây dựng. Không chỉ chủ trì và tham gia thực hiện nhiều công trình kiến trúc độc đáo và có tầm cỡ, trong đó có nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ với bố cục không gian và sự phối hợp ngôn ngữ kiến trúc với điêu khắc là một phong cách hoàn toàn mới trong số các công trình tưởng niệm ở thời đại ta (chữ của KTS Hoàng Đạo Kính), nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo; cải tạo nâng cấp Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội; đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì; toà Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội; các công trình công nghiệp ở các khu Nomura ở Hải Phòng, Toyota ở Vĩnh Phúc, Lever – Haso ở Hà Nội v.v…, mà còn chủ trì nghiên cứu “Cải tạo khu phố cổ Hà Nội”, “Cải tạo khu phố kiến trúc Pháp tại Hà Nội”, “Cải tạo các khu tập thể cũ tại Hà Nội”… Nghiên cứu và sản xuất thành công vật liệu bê tông siêu nhẹ. Xây dựng nhà máy HPT, sản xuất vật liệu này tại khu công nghệ cao Hoà Lạc. Những vật liệu đó thay thế vật liệu ngoại nhập từ Nhật, Đức…, với công thức riêng của Hoàng Phúc Thắng, có cùng tính chất cơ lý hoá mà giá thành lại rẻ một nửa. Loại vật liệu kiểu này hiện đang được các nhà thiết kế sử dụng trong xây dựng kiến trúc hiện đại.

Còn nhớ, đầu những năm 90, ai cũng thấy các khu phố cũ của Hà Nội đã không tương thích với nhịp độ phát triển, cần phải có thay đổi, nhưng thay đổi thế nào để vẫn giữ được cái hồn của một thành phố gần ngàn năm tuổi là một vấn đề nan giải lớn. KTS Hoàng Phúc Thắng đã đưa ra giải pháp “Phố cổ Hà Nội: Bảo tồn cải tạo bằng phát triển” hay: “Cải tạo khu phố kiến trúc Pháp bằng phương án xử lý tại chỗ”.

Mặc dù đến nay các nghiên cứu đó vẫn chưa được triển khai, song chúng cho ta thấy một Hoàng Phúc Thắng theo đuổi nghiên cứu vì sự thôi thúc của tri thức, của lương tâm chứ không vì những điều gì khác, thường thấy qua các dự án liên quan đến đất đai nhà cửa…

Là kiến trúc sư, nhưng ngay từ tuổi sinh viên đã cầm ghi-ta hát những sáng tác của chính mình, ca khúc của Hoàng Phúc Thắng vượt ra khỏi biên độ của sáng tác nghiệp dư ngay cả khi viết về đề tài hay địa chỉ cụ thể. Từ “Mùa thu Hương Canh”, “Ta bước đi trên đường phố xưa” đến “Hà Nội đêm mùa đông”, hay “Truyền thuyết Hồ Gươm”… đều là những bài hát có đẳng cấp chuyên nghiệp. Sinh thời ca sĩ Ngọc Tân vẫn thích hát những bài hát của Hoàng Phúc Thắng, không chỉ bởi tình bạn của những người lớn lên trong lòng thành phố Hà Nội, có cùng thẩm mỹ đời sống mà bởi âm nhạc và ca từ của Hoàng Phúc Thắng sâu lắng, thanh cao.

Bài hát làm xao xuyến lòng người, xứng đáng là một trong những bài hát hay về Hà Nội: “Truyền rằng, nơi đây Hồ Gươm nước biếc xanh vì trời xanh. Truyền rằng nơi đây vua Lê đã trả lại gươm báu để giã từ chiến tranh. Truyền rằng, đêm đêm cây bút đá đã viết lên trời cao những khát vọng ngàn đời của người dân Hà Nội… Hồ Gươm ơi! Long lanh như giọt nước mắt đọng lại từ ngàn năm giữa lòng thành phố hạnh phúc vơi đầy… Hồ Gươm ơi…”. Giai điệu của bài đó đã vang lên sau bản nhạc thiều, lúc người người thêm một lần vòng qua linh cữu, tiễn anh trong nhà tang lễ.

Giai điệu ấy như nhắc nhớ đến một nghệ sĩ tài hoa, hiền hậu trước bè bạn, trước cộng sự và người thân nhưng cũng rất quyết liệt sâu sắc với những gì anh muốn phản bác. (Mới đây nhất là bài phản biện việc sáp nhập Hà Tây về với Hà Nội trên VietNamNet ngày 9/5/2008)

Hai giọng ca xuất sắc là Ngọc Tân và Trọng Tấn đều đã chọn bài hát này để thêm một lần tự hào về sự xuất sắc của mình.

Là một Tiến sĩ, Kiến trúc sư, hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tên tuổi Hoàng Phúc Thắng được biết đến không chỉ bởi những chức vụ đã từng giữ: Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Kiến trúc cho Thủ tướng Chính phủ, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… mà còn bởi nhiều hoạt động mang tính nhân văn khác như: hỗ trợ cho các biểu diễn âm nhạc, thể thao, nghiên cứu kiến trúc…

Những người có mặt tiễn đưa Hoàng Phúc Thắng hôm nay một lần nữa lại không cầm lòng khi điếu văn đọc đến chỗ:

Vào giờ phút chia ly xót xa này, chúng ta nhìn nhận những đóng góp của Hoàng Phúc Thắng cho đời. Anh là người luôn luôn sản sinh những ý tưởng mới, luôn luôn tiên phong trong nhận thức, trong tiếp cận và trong đề xuất, từ vấn đề bảo tồn di sản văn hoá, đến các vấn đề kiến trúc và đô thị hiện đại, hành nghề của kiến trúc sư. Anh là một nhà phản biện xã hội tinh nhạy và sắc sảo, phát hiện và lý giải, đưa ra những luận cứ mới mẻ và chắc chắn trong phương pháp luận. Anh là con người của hành động, suốt đời lăn lộn với việc tổ chức, việc điều hành, tìm ra những cách khắc phục rào cản để làm cho được những việc mình đeo đuổi... Phải có bản lĩnh đến thế nào mới từ bỏ lối nghĩ và những quyền lợi cũ, để tập hợp anh em trẻ vào việc, góp phần hình thành thị trường tự do hành nghề kiến trúc… Trên hết cả Hoàng Phúc Thắng chính là Anh. Ít giống ai. Thông minh, đa tài, sắc sảo, thẳng thắn đến thách thức, quyết liệt đến cùng kiệt, yêu ghét rõ ràng, không chấp nhận những gì là cũ, là quán tính, háo hức đến với cái mới, cái tiên tiến, đã làm là không bỏ, can đảm đối mặt và can đảm phát ngôn… Hoàng Phúc Thắng mang nặng trên vai mình, đi suốt cuộc đời ngót 60 năm, cái gánh nặng của tài sản mà anh sở hữu - tài năng và tính cách của anh…”

Những người đưa tiễn thương tiếc bao nhiêu với Hoàng Phúc Thắng thì bấy nhiêu cảm động với Nguyễn Hạnh Dung, vợ anh, giảng viên Khoa tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, bởi những tận tuỵ chăm sóc chồng những tháng ngày đau ốm, giờ đây đang gắng gượng làm theo những lời dặn cuối của chồng.

Thể theo ý tưởng được hoá thân trở về với tro bụi của anh, mọi người thêm một lần xao xuyến phút chia ly vĩnh viễn tại đài hoá thân hoàn vũ Hà Nội lúc 12 giờ cùng ngày.

Xin chia sẻ với gia đình anh sự đau thương không gì bù đắp nổi này, xin như một nén nhang thắp lên tưởng nhớ anh, Tiến sĩ Kiến trúc sư, Nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng.

© 2008 talawas