trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
26.8.2008
Lê Điều

Đọc ông Trần Văn Tích, tôi có cảm tưởng rằng lẽ đúng – sai, thiện – ác trên đời này… ngon lành lắm. Cứ cộng sản là xấu tuốt, ai theo cộng sản thì nếu không ác cũng mù hoặc ngu hết. Và ai không ác, không mù, không ngu thì sớm muộn cũng giác ngộ mà trở về với chính nghĩa… chống cộng!

Tôi không phản đối ác cảm mạnh mẽ của ông Trần Văn Tích với chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi e rằng cách tiếp cận chủ nghĩa cộng sản của ông có phần quá sơ lược và có thể gọi là giáo điều. Hãy lấy ngay ví dụ về sự “giác ngộ” mà ông Tích đưa ra của triết gia Jean-Paul Sartre, một người không ác, không mù và cũng không ngu.

Theo ông Tích, về cuối đời thì Sartre đã “sám hối và rời bỏ cộng sản”. Theo những gì tôi được biết, trường hợp Sartre quá phức tạp để có thể phán ngon lành như vậy. Chỉ cần đọc bài "Sau Budapest 1956, Sartre lên tiếng" (Dương Tường dịch), ta đã thấy quan hệ của Sartre với phe cộng sản không đơn giản là kết án và quay lưng lại. Quan hệ này được xác định bởi tuyên bố của ông trong bài phỏng vấn: “Con đường của cánh tả rất là khó, có lẽ gần như không đi được, nhưng đó là hi vọng cuối cùng.” Điều đó giải thích vì sao ông phê phán chủ nghĩa Stalin, nhưng vẫn bênh vực Liên Xô dưới thời Stalin, vì sao ông phản đối Liên Xô đưa xe tăng vào Budapest và Praha, nhưng vẫn hăng hái “hướng đạo” cho phong trào Mao-ít tại Pháp sau 1968. Cho đến cuối đời, như khá nhiều trí thức phương Tây khác, Sartre vẫn kiên trì ở vị thế cánh tả “thân cộng” này. Ông phê phán một số hiện tượng trong phe cộng sản, nhưng ông không phủ nhận cộng sản. Sự dấn thân của ông trong chiến dịch “Một con thuyền cho Việt Nam” năm 1979 được ông coi như một nghĩa cử của lòng nhân đạo dành cho các thuyền nhân Việt Nam, chứ không phải một hành vi chính trị chống lại nhà cầm quyền Hà Nội hay một cử chỉ đoạn tuyệt với lý tưởng cộng sản.

Cuối cùng, mời ông Trần Văn Tích đọc lời của Sartre trong bài đã dẫn: “Theo tôi, dân chủ hóa không nhất thiết phải là trở lại đa đảng: sự xuất hiện trở lại của những đảng bảo thủ ở Hungary đã khiến sự hiện diện (chứ không phải là sự can thiệp thô bạo) của Nga trở nên cần thiết. Nhưng có thể trở lại một sự dân chủ hóa tập trung trong nội bộ Đảng…” Những lời này hẳn rất hợp tai các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại.

Sự kém hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản thì ông Tích và nhiều người nữa đã trình bày quá nhiều. Phải chăng đã đến lúc cần tìm hiểu kĩ hơn về sự hấp dẫn của chủ nghĩa này. Nếu không, làm sao có thể hiểu được một trường hợp như Sartre? Mà chúng ta nên tìm cách hiểu, hay chỉ nên tìm cách ca ngợi hoặc phê phán?