trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
26.5.2004
Lê Hồng Lâm
Liên hoan phim Cannes 57 - Chân dung những người thắng cuộc
 
LHP Quốc tế Cannes đã khép lại sau 12 ngày sôi động với 19 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng được liên tục trình chiếu dưới sự thẩm định của các thành viên BGK và công luận. Điện ảnh Mỹ lại chiến thắng với giải cao nhất Cành cọ vàng cho bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11 của đạo diễn Michael Moore (năm ngoái một đạo diễn Mỹ khác cũng đoạt giải Cành cọ vàng là Gus Van Sant với bộ phim Elephant). Trong lịch sử 57 lần diễn ra LHP Quốc tế Cannes, điện ảnh Mỹ chiếm kỷ lục về số lượng giải thưởng Cành cọ vàng, vượt qua nước chủ nhà Pháp và điện ảnh Italia, vốn phát triển rất mạnh trong những thập niên 40 - 70. Điều đó cho thấy hai nền điện ảnh lớn, đại diện cho hai khuynh hướng khác nhau này hoàn toàn không hề mâu thuẫn nhau như công luận nhận định.

Ngoài điện ảnh Mỹ, gần đây châu Á cũng khẳng định vị thế quan trọng của mình trên trường quốc tế khi có đến 6 bộ phim lọt vào vòng chung kết tranh giải và đoạt 4 giải quan trọng là Giải thưởng lớn (Grand Prize) cho bộ phim Old Boy - đạo diễn Park Chan Wook của điện ảnh Hàn Quốc. Nam diễn viên xuất sắc nhất cho cậu bé 14 tuổi Yuuya Yagira, người Nhật, trong bộ phim Nobody Knows của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Nữ diễn viên chính xuất sắc là Trương Mạn Ngọc (Maggie Cheung), một trong hai tài năng lớn của điện ảnh Trung Quốc bên cạnh Củng Lợi với vai diễn trong bộ phim Clean của đạo diễn Pháp Olivier Assayas - chồng cũ của cô. Thái Lan lần đầu tiên có phim tham dự là Tropical Malady của đạo diễn trẻ Apichapong Weerasetha đã đoạt ngay giải thưởng của BGK. Đáng tiếc là bộ phim được chờ đợi 2046 của đạo diễn Vương Gia Vệ với dàn diễn viên sáng giá Lương Triều Vỹ, Củng Lợi, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di, Vương Tịnh Văn, Lưu Gia Linh... không đoạt một giải thưởng nào theo như dự đoán của giới phê bình.

Điện ảnh Pháp dù vẫn bị vuột mất hai giải thưởng hàng đầu nhưng cũng vớt vát lại danh dự của nước chủ nhà khi ba bộ phim dự thi của họ đều mang về giải thưởng. Đạo diễn Tony Gatlif với bộ phim Exiles dành giải đạo diễn xuất sắc nhất. Look at Me của nữ đạo diễn Agnes Jaoui dành giải biên kịch xuất sắc nhất còn Clean của đạo diễn Olivier Assayas đem về giải nữ diễn viên xuất sắc cho nữ diễn viên Trung Quốc Trương Mạn Ngọc (phim của Olivier Assayas quy tụ nhiều diễn viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau).

Ba chân dung thắng giải tiêu biểu tại LHP Cannes 57'

Michael Moore: Cành cọ vàng cho người chống G. Bush - Michael Moore trở thành một huyền thoại trong giới làm phim tài liệu của điện ảnh thế giới khi bộ phim mới nhất của ông giành giải thưởng cao nhất tại LHP Cannes và trở thành bộ phim tài liệu thứ 2 trong suốt lịch sử 57 năm của Cannes đoạt giải thưởng này (năm 1956, Cành cọ vàng được trao cho bộ phim tài liệu Le Monde du Silence của đạo diễn Jacques Cousteau). Ngay từ khi Fahrenheit 9/11 lọt vào vòng chung kết tranh giải Cannes 57', dư luận lại bắt đầu xôn xao xung quanh bộ phim này như đã từng xảy ra với bộ phim tài liệu xuất sắc của Moore hai năm trước là Bowling for Columbine. Dầu lại đổ thêm vào lửa khi hãng phim Miramax (hãng con của Walt Disney) quyết định không phát hành bộ phim này tại thị trường Mỹ vì sợ liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được quyết tâm của Moore bằng mọi giá phải đưa bộ phim này ra công luận để vạch trần những chính sách dối trá của tổng thống Bush trong cuộc chiến chống Iraq và những mối quan hệ mờ ám giữa gia đình Bush và gia đình trùm khủng bố Osama Bin Laden trước khi diễn ra vụ tấn công đẫm máu vào nước Mỹ ngày 11/ 9. Và giờ đây, với giải thưởng Cành cọ vàng, bộ phim của Moore tạo một tiếng vang lớn khắp thế giới cho dù nhiều người cho rằng giải thưởng cho bộ phim này mang màu sắc chính trị nhiều hơn nghệ thuật. Đạo diễn Quentin Tarantino, chủ tịch BGK thì phát biểu một cách ngắn gọn "Chúng tôi quyết định trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim của Michael Moore vì đơn giản đó là một bộ phim xuất sắc".

Michael Moore sinh năm 1954 tại Mỹ, là một nhà biên kịch, đạo diễn và là một nhà văn, nhà báo danh tiếng của Mỹ trong suốt 10 năm trở lại đây. Bộ phim đầu tay Roger and Me (1988) của ông ngay từ khi mới ra đời đã thể hiện một khuynh hướng nghệ thuật mà Moore quyết tâm theo đuổi - nói thẳng sự thật bằng điện ảnh tài liệu và thích đi vào những đề tài chính trị nhạy cảm. Phim này đoạt giải phim tài liệu hay nhất do các nhà phê bình phim của New York bình chọn năm 1989. Năm 2001, Moore tung ra cuốn sách Stupid White Men và chĩa mũi dùi phê bình và châm biếm của mình vào tổng thống G.Bush. Cuốn sách trở thành best-seller và đứng số 1 trong năm do báo New York Times bình chọn. Năm 2002, Bowling for Columbine của Michael Moore tạo một tiếng vang lớn khi đề cập đến nạn bạo lực súng đạn trong nước Mỹ, đặc biệt là qua thảm hoạ ở trường trung học Columbine khi hai học sinh nổ súng bắn chết 12 học sinh và thầy cô của mình. Bộ phim này đã đoạt giải đặc biệt nhân kỷ niệm Cannes lần thứ 55 (2002), đoạt giải Oscar phim tài liệu hay nhất năm 2003 và thu đến 120 triệu USD khắp thế giới - một kỷ lục doanh thu của điện ảnh tài liệu. Và giờ đây, Moore lại đưa tên tuổi của ông lên vị thế cao nhất của điện ảnh tài liệu thế giới với giải Cành cọ vàng năm nay. Michael Moore hy vọng bộ phim của ông sẽ được phát hành rộng rãi tại Mỹ vào tháng 7 này và đấy được coi là một sự bất lợi lớn đối với G.Bush trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Park Chan Wook: Giải thưởng lớn cho điện ảnh Hàn Quốc- Điện ảnh Trung Quốc, điện ảnh Iran gây bất ngờ tại các LHP Quốc tế Cannes, Venise, Berlin trong thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng từ đầu năm 2000 đến nay, điện ảnh Hàn Quốc mới là phát hiện lớn đối với điện ảnh phương Tây. Sau ba giải đạo diễn tại ba LHP Quốc tế lớn kể trên trong suốt ba năm 2002, 2003, 2004 cho Lee Chan Dong (phim Oasis), Im Won Taek (Chihwaseon) và Kim Ki Duk (Samarian Girl), giải phim hay nhất tại LHP Châu Á Deauville tại Pháp cho đạo diễn Im Sang-soo (A Good Lawyer's Wife) và tại LHP Cannes năm nay, điện ảnh Hàn lại bước lên một tầm cao mới với giải thưởng lớn cho bộ phim Old Boy của Park Chan Wook.

Old Boy (phim này đã có DVD tại Hà Nội) là một bộ phim hình sự - gangster mang hơi hướng từ một số bộ phim của Alfred Hitchcock và Roman Polanski, hai đạo diễn lớn của thế giới mà Park ngưỡng mộ. Bộ phim kể về cuộc trả thù của Oh Dae Su (Choi Min Shik đóng), một người đàn ông bị kết án tù 15 năm mà không biết nguyên do, với những kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời ông... Phim này đã phát hành vào dịp cuối năm ngoái ở Hàn Quốc và thu được thành công lớn cả về nghệ thuật lẫn doanh thu (thu hơn 3,2 triệu lượt người xem, đứng thứ 5 trong 10 phim có doanh thu cao nhất).

Park Chan Wook (sinh năm 1963) là một trong những đạo diễn giàu sức sáng tạo nhất của điện ảnh HQ hiện nay cùng với Kim Ki Duk, Kang Je Gyu, Lee Chang Dong... Park mới đạo diễn (kiêm biên kịch) được 4 phim và đều thu được những thành công tại Hàn Quốc, thậm chí ngay từ bộ phim đầu tay Joint Security Area (Vùng phi quân sự - một phim hình sự rất hay đã có DVD phụ đề tiếng Việt ở Việt Nam). Và sau giải thưởng lớn tại Cannes năm nay Park Chan Wook đã khẳng định vị thế của ông ở ngoài biên giới Hàn.

Trương Mạn Ngọc: Nữ diễn viên chính xuất sắc - Là một trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, nữ diễn viên tài năng nhất của điện ảnh nước này cùng với Củng Lợi, nên giải nữ diễn viên xuất sắc tại Cannes 57' không gây nhiều bất ngờ mà chỉ khẳng định thêm tài năng của Trương Mạn Ngọc. Nữ diễn viên sinh năm 1964 này sinh ra tại Hồng Kông, theo gia đình chuyển sang Anh từ năm 8 tuổi và trở lại quê nhà vào năm 19 tuổi khi đoạt giải Hoa hậu Hồng Kông năm 1983. Từ đó, Trương Mạn Ngọc gia nhập vào làng giải trí của Hồng Kông và trở thành nữ diễn viên nổi tiếng nhất tại đặc khu này. Tài năng của Trương Mạn Ngọc đã được khẳng định với gần 10 giải Nữ diễn viên xuất sắc của giải thưởng điện ảnh Kim Tượng (Hồng Kông), Kim Mã (Đài Loan) và giải Nữ DVXS tại LHP Berlin năm 1992 với phim The Actress. Tính đến năm 2004 này, cô đã đóng 80 bộ phim kể cả 2 bộ phim mới nhất đều tham dự tại LHP Cannes năm nay là Clean của đạo diễn Olivier Assayas và 2046 của Vương Gia Vệ.

Nhận giải Nữ diễn viên tại Cannes năm nay, Trương Mạn Ngọc xúc động nói "Đây là thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi xin cám ơn các thành viên BGK. Bộ phim Clean rất khó khăn để thực hiện, tôi cũng xin cám ơn các nhà sản xuất và đạo diễn Assayas". Quả vậy, đạo diễn Olivier khá mạo hiểm và táo bạo khi thực hiện bộ phim bi kịch khá nặng nề này. Để làm bộ phim này, ông đã quyết tâm mời Trương Mạn Ngọc vào vai chính dù hai người đã ly dị nhau 3 năm trước đó, mời nam diễn viên kỳ cựu của Mỹ Nick Nolte và nhiều diễn viên từ nhiều quốc gia khác. Phim kể về một người mẹ độc thân (Trương Mạn Ngọc) sống trong ám ảnh và lo sợ đứa con trai duy nhất dính vào con đường nghiện ngập ma tuý như người chồng của cô - một ngôi sao nhạc rock (N.Nolte đóng) chết vì ma tuý...
Nguồn: Báo Sinh Viên Việt Nam, số 21, ra ngày 26.5.2004