trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
2.6.2004
Đức Kôn
Xem “Ký ức Điện Biên”: bị tra tấn từ đầu đến cuối!
 
Kẻ bảo 13 tỉ người cho 16 tỉ, nhưng gì thì gì có thể khẳng định Ký Ức Ðiện Biên là bộ phim truyện "đắt giá" nhất (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) cho đến nay của điện ảnh Việt Nam, được trông đợi là bộ phim xứng đáng với tầm vóc kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ của cả nước. Nhưng sự thật thì sao?


Thiếu vắng những "tầm vóc" đã làm nên lịch sử!

Trước hết, đây là một bộ phim về đề tài lịch sử - cách mạng, cụ thể là về chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Làm phim về lịch sử - cách mạng có nhiều cách, "ký ức" cũng có thể không ai giống ai. Nhưng cách nào thì cách, và "ký ức" nào thì cũng vậy, một trong những đòi hỏi hàng đầu và khó khăn nhất là làm sao để có thể phản ánh và thể hiện một cách trung thực và sinh động nhất tầm vóc và linh hồn của "hiện tượng lịch sử cụ thể" - ở đây là chiến dịch Ðiện Biên Phủ - mà tầm vóc và linh hồn của nó trước hết phụ thuộc vào việc khắc họa và thể hiện "hình tượng con người" - từ binh lính đến tướng tá - với tất cả chiều sâu về tính nhân văn - "văn học là nhân học" - về tài cán, về chiến lược, chiến thuật... của nó, chứ không đơn giản chỉ là sự phô trương súng đạn và sự chết chóc... Ðó cũng chính là sức hấp dẫn chủ yếu của nghệ thuật, đồng thời là thước đo tầm vóc của tác giả và đạo diễn...

Người ta đã từng biết đến không ít bộ phim về đề tài chiến tranh nói chung, về các trận đánh nói riêng. Phàm những bộ phim nào được coi là có tầm vóc, đều không xa lạ với những đòi hỏi trên. Chẳng hạn, tầm vóc của bộ phim Chiến Tranh Và Hòa Bình của Bônđatrúc dựng theo tiểu thuyết cùng tên của L.Tônstôi đâu chỉ bằng vào những đại cảnh chiến trường hoành tráng với súng đạn, lửa cháy và xác chết ngổn ngang, cảnh hàng vạn tên Pháp thất trận tháo chạy... mà trước hết Bônđatrúc đã có khả năng thể hiện một cách tuyệt vời bức tranh chiến thắng với đủ cung bậc và sắc thái của những số phận, từ binh sĩ đến tướng lĩnh, cả của người thắng trận và kẻ bại trận, bộc lộ một cách tinh tế, sắc sảo mọi vùng sáng, tối trong thế giới nội tâm của con người... Và cũng chính từ đó, không những chỉ cho người xem thấy được sự tan nát, đau thương do chiến tranh gây nên, mà quan trọng hơn còn vang lên thông điệp "cái gọi là sức mạnh phi thường không phải bởi sự bắn giết nhau, mà là ở chỗ cần phải biết chia sẻ, cứu vớt và xót thương đồng loại"...

Những tính cách và "phẩm chất người" đã làm nên tầm vóc cho hàng loạt bộ phim về chiến tranh nói chung và chiến trận nói riêng khác như Oateclô, Mười Ngày Rung Chuyển Thế Giới, Họ Chiến Ðấu Vì Tổ Quốc v.v.

Và cũng chỉ có những nghệ sĩ có tầm vóc mới có thể phản ánh và thể hiện được tầm vóc của con người và hiện thực mà nó vốn có và cần phải có...

Như đã biết, một học sinh phổ thông cũng đã được dạy rằng, đại loại: "Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, xứng đáng được coi như một Bạch Ðằng, một Chi Lăng, một Ðống Ða của thế kỷ 20"; là "Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới" (Hồ Chí Minh); Chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" v.v. và v.v.

Trên phim Ký Ức... thì sao? Nếu thừa nhận rằng, con người và tính cách đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo nên cả tầm vóc và sức hấp dẫn, thì những "chiến sĩ Ðiện Biên" ở đây, từ binh sĩ đến dù chỉ vài ba cán bộ chỉ huy cấp thấp lèo tèo... cũng mới chỉ là những hình ảnh hoàn toàn mờ nhạt, không hơn không kém. Nổi lên chút đỉnh có lẽ là sự khua khoắng, pha trò của anh đầu bếp nuôi quân! "Tầm vóc" của chiến thắng Ðiện Biên đó sao?! Và tôi bỗng sực nhớ đến bộ phận đầu não của chiến dịch Ðiện Biên Phủ, nhớ đến hàng trăm tướng tá mưu lược, nhớ đến cả một Phan Ðình Giót, một Bế Văn Ðàn, một Tô Vĩnh Diện... bất diệt! v.v.

Với đòi hỏi và mong muốn sự thật về những con người, những nhân vật lịch sử này, bằng cách này hay cách khác, cần phải được tái tạo và hiện hình trong tác phẩm, nhưng tiếc thay, hầu như tất cả vẫn nằm ngoài, chẳng có liên quan gì đến Ký Ức Ðiện Biên?! Do quan niệm hay vì "Lực bất tòng tâm" nên đành phải lẩn tránh?!


Thừa thãi những cảnh khói lửa ngột ngạt, nhàm chán!

Thay vào đó là gì đây? Có người khen um lên rằng, tỉ như: "Ấn tượng đầu tiên và cũng là ấn tượng đọng lại lâu nhất khi xem Ký Ức Ðiện Biên là những cảnh chiến tranh được dàn dựng kỹ lưỡng, hiệu quả khói lửa tốt. Hơn 400 kg quả nổ đã thực sự làm "nóng' khuôn hình bởi những cảnh "mưa đạn", những tiếng nổ xé tai và lửa khói trùm khắp khuôn hình... Sự khốc liệt của chiến tranh còn được tái hiện thông qua những hào công sự ngang dọc lầy lội bùn, nước, máu và xác người... Người xem ngộp thở bởi cảm giác chết chóc bao phủ.."; rồi "Phim mở đầu đầy âm thanh và hình ảnh chiến trường ấn tượng kiểu "Giải cứu binh nhì Ryan": máy bay ném bom, pháo cao xạ đan lưới đỏ đầy trời, khói sặc sụa và bùn lầy lội trong những căn hầm cứu thương, bác sĩ cưa ken két những cẳng chân lính Pháp, tiếng rên la thê thảm..." v.v.và v.v.

Vâng, bom đạn, lửa khói, chết chóc, máy bay gầm rú... đinh tai nhức óc đến ngột ngạt, nhàm chán suốt từ đầu đến cuối phim. Ðể làm gì vậy?! Vả lại, chiến trận nào mà chẳng thế, đâu chỉ là chiến dịch Ðiện Biên?! Xem phim, có cảm giác bị tra tấn hơn là thưởng thức nghệ thuật! Ấy thế mà, đây lại là "mảng" xem ra bày tỏ rõ ràng và nổi bật hơn cả sự say mê, nỗ lực, kể cả công lao và "tài năng" của đạo diễn?! Và đây hẳn cũng chính là "mảng" phóng tay đốt "tiền chùa" một cách bạo tay và uổng phí nhất?! Khốn khổ thay, thế mà vẫn cứ "giả": Người xem dễ dàng nhận ra những chiếc máy bay "kỹ xảo" bay lượn trên màn hình! Rồi xác lính Pháp ngổn ngang trên chiến hào và sườn đồi cũng chỉ là những hình nhân bằng composite! Súng ống, thuyền bè nhiều thứ cũng "giả" nốt!


Những nhân vật bịa đặt, lơ phơ...

Có lẽ Ðỗ Minh Tuấn cũng tự cảm nhận được công lao tạo dựng quá dư thừa những ảnh "chiến tranh khốc liệt và hoành tráng" mà không đi tới đâu cả, thậm chí nhàm chán đến mức như tra tấn người xem, hóa cho nên mới nói lảng thế này chăng: "Ký Ức Ðiện Biên là một phim tâm lý, chiến tranh chỉ là không gian phim, là cái nền hiện thực cho tâm lý nhân vật phát triển" [1] . Cái gọi là "phim tâm lý" phải chăng bắt nguồn từ cái tựa phim Người Hàng Binh lúc đầu? Và đây là "mảng" thứ hai - "mảng" xem ra nghiêng hẳn về hơi hướng của nữ sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngát - đan xen với "mảng" "bom đạn..." của Ðỗ Minh Tuấn. Lý tất là "mảng" nào mà chả có ý đồ của tác giả. Ở "mảng" "người hàng binh" với tư cách là cốt truyện của phim này, có lẽ các tác giả định gửi gắm nhiều điều nhân văn, nhân bản cao xa lắm, lờ mờ ví như "chính" có thể cảm hóa được "tà" (anh lính Bernard quy hàng), tinh thần nhân đạo của ta, rồi cả tình người vượt biên giới, tình hữu nghị Pháp - Việt đề huề nữa chứ v.v. Có điều, muốn nói gì thì nói, đòi hỏi trước hết của nghệ thuật là tính chân thực hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất của khái niệm này, và cần phải có năng lực tạo nên "xương thịt" và linh hồn cho hình tượng, xóa đi hết thảy dấu vết của sự hư cấu, hư cấu một cách gò gẫm, đầy tính chất ngẫu nhiên... Khi ấy người xem mới có thể đồng cảm được. "Mảng" tạm gọi là "người hàng binh" có thể nói còn khá xa lạ với những đòi hỏi trên. Ta hãy quay lại với thời kỳ lịch sử khi mà đế quốc Pháp đang cai trị dân ta như chính thời kỳ mà phim phản ánh - cụ thể là trước chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Thời ấy, rõ ràng ta với Pháp còn là hai kẻ thù không đội trời chung của nhau, và tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta đã làm nên Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Ấy thế mà giữa chiến trận lại nảy nòi một anh lính Pháp thật đáng yêu, bảo là anh ta "giác ngộ" bởi được chứng kiến "tinh thần nhân đạo trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta"?! Rồi Tây và Ta thời ấy nhìn thấy nhau đã phát khiếp, chưa kể tới sự căm thù, ấy thế mà chỉ nhầm lẫn, loanh quanh, vòng vèo qua mấy đoạn đường rừng dẫn độ, anh lính Tây và chị y tá ta đã có thể mơ hồ nảy nở... yêu đương, khiến Bạo - anh bộ đội của cái thời ấy cũng nổi cơn ghen bóng gió với Tây, để rồi cấp trên phải điều cô y tá Mây đi làm nhiệm vụ khác, tách khỏi anh lính Tây, để Bạo yên tâm chiến đấu... Lãng mạn vượt thời đại một cách vớ vẩn và ngô nghê đến thế là cùng! Không thế, có gì nữa để mà xem?... Rồi anh lính Tây còn vẽ bản đồ "giúp quân ta" đánh đồi A1 nữa chứ!?
Về mặt nghệ thuật, cụ thể là kết cấu của phim, sự gắn kết giữa "mảng" "bom đạn..." và "mảng" "người hàng binh" xem ra vừa quá quen quen, vừa gò gẫm, chắp vá, rời rạc, chẳng ăn nhập gì với nhau cả!


Những "sáng tạo" ấu trĩ, lỗ mỗ và sống sít

Chưa hết. Qua "mảng" thứ ba- tạm gọi là "mảng ký ức... của các cựu chiến binh". Sau 50 năm, người ta "sắp xếp" cho Bạo và Bernard - giờ đã thành ông cả - gặp lại nhau. Vui vẻ quá! Và đương nhiên, người xem hiểu ra ngay "ý tưởng" của các tác giả, có lẽ đại thể là thế này: Giờ đây cần phải gạt bỏ quá khứ sang một bên, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai...? Thế nhưng, thật tình mà nói, sao mà nặng chất thông tấn lộ liễu, nhàm tẻ và nhạt nhẽo đến vậy! Và ở "mảng" này càng góp phần làm nổi bật sự chắp vá, sắp đặt chung. Mây (khi đã là bà) chẳng hiểu vì sao đã "cần phải chết". Ðứa cháu gái thì bị cố tình "đẩy vào" hoàn cảnh bi kịch một cách hết sức ngẫu nhiên và hi hữu: Chỉ vì với lượm bó hoa cúng bà, bị té mà lâm bệnh hiểm nghèo?! Thế mới có chuyện sau đó Bernard đưa cô gái sang Paris chữa bệnh để "ơn trả, nghĩa đền", thắt chặt thêm tình hữu nghị!? Rồi cứ như trong cổ tích, cô ở lại Paris học múa, nhoáng một cái dựng tiết mục tốt nghiệp cũng có cái tên Ký Ức Ðiện Biên, thành công xuất sắc?! Và trên màn hình, cùng với những cảnh ông Bạo dạo bước trên đường phố Paris thăm viện bảo tàng, ngắm dòng sông xanh, gặp gỡ các cựu chiến binh Pháp ngày xưa... xem ra khá vô duyên, đưa vào những cảnh "múa hiện đại" nhại theo Ea Sola, cảnh "hồi tưởng" Bernard và Mây kéo khẩu pháo "tượng trưng" trên sông Seine "dỏm", cũng như những cảnh đại loại chim bồ câu trắng bay trong lửa đạn, cảnh múa hát chèo trên bãi xác lính Pháp v.v lại một lần nữa "nâng cấp" cho sự nhộn nhạo của phim và lòi ra cái gọi là "phong cách" và dấu ấn lỗ mỗ của Ðỗ Minh Tuấn.

Có lẽ cũng nên nói thêm sự... ấu trĩ khác: Cả diễn viên đóng vai Bạo và Bernard thời trẻ hoàn toàn khác "lốt" với diễn viên đóng họ lúc về già, khiến cảm giác chân thực hoàn toàn bị phá vỡ! Và diễn viên vào vai Bernard - già cứ như "khúc gỗ"! Còn diễn viên đóng vai Mây khi chuyển thành cháu của Mây thì rõ là "cưa sừng làm nghé". Diễn viên như thế càng góp phần tô đậm thêm cho sự lỗ mỗ và sống sít của phim.


Lại thêm một sự lãng phí khó hiểu!

Còn có thể kể ra không ít hạt sạn to, nhỏ khác trong Ký Ức Ðiện Biên. Bao trùm là sự nặng nề, xem phim không khác nào bị tra tấn, đan xen là sự hư cấu chơi vơi, bịa tạc nếu không muốn nói là bất chấp hiện thực, gắn liền với sự chắp vá từ cốt truyện đến các "mảng", các cảnh và khuôn hình. Vì thế mà phim hoàn toàn xa lạ với sự xúc động. Và lại một lần nữa thật đáng kinh ngạc và khó hiểu: Ðành rằng "gà nào, trứng nấy" nhưng từ một kịch bản lơ phơ, thậm chí vớ vẩn như thế, lẽ nào không nhận ra để rồi ai đó lại có thể moi được hàng chục tỉ đồng tài trợ để dựng một bộ phim... khó xem đến như vậy?! Rồi ai sẽ là người trả lời và chịu trách nhiệm về sự uổng phí tệ hại này?!


Ðức Kôn là tiến sĩ nghệ thuật học


Bài đăng trên tạp chí Điện Ảnh Thành Phố Hồ Chí Minh, số 106, ra ngày 24.5.2004


Các bài về phim Kí ức Điện Biên trên talawas:

talawas phỏng vấn đạo diễn Đặng Nhật Minh, 07.5.2004
talawas phỏng vấn đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, 26.5.2004


[1]Báo Người Lao Động, 04.5.2004