trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày 30 tháng TÆ° của tôi
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
22.5.2004
Phan Thị Trọng Tuyến
Một ngày rất khác với mọi ngày
 



1.

30 tháng Tư năm 1975, buổi sáng, trong gian nhà thuê ba phòng, tầng thứ tám một cao ốc ở ngoại ô bình dân một tỉnh lớn vùng đông bắc Pháp, tôi đang cho con ăn bột. Hoặc đang thay tã lót cho nó. Hoặc đang học bài thi cho năm cuối đại học. Trong khi chờ đợi đến giờ có tin tức thế giới. Không thể làm gì khác hơn.

Trời đất chắc chắn là tuyệt đẹp, nắng vàng tươi, khô ráo, ấm áp. Đời bắt đầu rực rỡ từ cuối tháng 3. Hoa đào Nhật hồng đặc cả cây cành hai bên đường từ phố chính về nhà, hoa cỏ khác chắc cũng nở tưng bừng ở mọi góc đường và nhất là ở công viên ngay phía sau cao ốc. Từ cửa sổ phòng khách, tôi chỉ nhìn được một khoảng trời xanh với mảng mây trắng im lìm giữa hai ba cao ốc xấu xí. Quá cao và quá xấu. Hai mươi năm nữa, những niềm hãnh diện của những thập niên 50 và 60 này sẽ bị san bằng. Nhưng đó là chuyện về sau.


2.

Ngày thứ ba của tuần. Tôi đang lo. Tháng tới bắt đâu kì thi tốt nghiệp, phần thực tập vừa xong, tôi không nhớ mình làm cách nào thi và đã qua được; coursfac chưa xong hết, Monique, con nhỏ bạn người xứ Mã-đảo, gốc Ấn Độ cứ vài ngày đem bài qua cho tôi mượn chép. Dù sao tôi liên tục trốn học phần lí thuyết từ hơn nửa năm nay rồi. Bước đầu trốn học nhiều nặng nhọc khó khăn, bước một triệu đã là bước thinh không. Con nít dễ thương, và cần mẹ hơn mấy ông thầy già cần học trò, nói chi thứ học trò lười. Monique viết chữ đẹp như nữ sinh trường Việt; khi cầm xấp cours Monique, tôi sung sướng như chú tiểu được thầy cho phép đổi ba mươi gánh nước gập ghềnh (từ suối lên chùa) ra ba trang kinh chép tay. Monique không biết hát tiếng Ấn, chỉ biết nói tiếng Pháp, lõm bõm vài tiếng Việt (nem, một, hai, ba, bốn, chào ông bà, chào cô, cám ơn) thích nấu cà ry nị đem cho bạn (là tôi) và mê con nít (của tôi). Lạ lùng chưa, tôi vẫn nghi rằng nó nhớ đứa con chưa bao giờ sinh của nó.

Buổi sáng đó, tôi lo âu chờ đợi bồn chồn. Không giải pháp diệt lo nào khác hiệu quả hơn việc vừa lao động tay chân vừa nghe nhạc. Không phải vì con hay Monique. Tắm rửa, cho ăn, thay tã con xong, nếu Monique ghé qua với nụ cười ca vũ nhạc thần thoại thì tôi cho Monique mượn con đem ra công viên hóng nắng. Có thể tôi đang xúc rửa các bình sữa rồi nấu nước khử trùng, ngày đó không có bình nhựa chỉ xài một lần rồi vứt. Có thể tôi vừa ủi đồ, vừa hét theo Khánh Ly trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèoNgựa buông vó, người đi chùn chân đã bao lần… hoặc theo Joan Baez on a wagon bound for the market, there is a calf with a mournful eyes… Thỉnh thoảng nhào ra cửa sổ, bẻ cổ nhìn xuống, hi vọng trong mảng công viên lọt được vào tầm mắt, lấp ló dáng Monique và nhất là chiếc xe đẩy trẻ. Mươi năm sau, báo đăng tin một bà Monique nào đó vào nhà hộ sinh trộm trẻ, trùng tên ngẫu nhiên nhưng tôi chợt nhớ đến thoáng lo âu hôm ấy, khi từ giã Monique nơi thang máy. Một giây thôi, giữa tỉ tỉ triệu triệu phút giây ngổn ngang vui mừng và bâng khuâng khác, nhưng đó là chuyện về sau, ngay sau đó.


3.

Lo vì tôi viết mãi không xong vài bức thư nhà. Cái thư thứ nhất bắt đầu cả tuần mãi chưa đến phần con xin tạm ngưng, hẹn thư sau. Thư năm ngoái má tôi dặn mua một chiếc Peugeot gởi về. Mua giùm cho bác Năm, bác Bảy nào đó, bạn của ba má tôi. Sau này tôi biết đây là một kế của quân sư. Ba má tôi sợ chị em tôi sẽ đói nếu tôi thi rớt. Và công việc ba má cũng không còn khấm khá vì chiến trận lan tràn, moi tiền đâu ra chuyển ngân cho lũ con. Mấy chị em tôi chưa đứa nào tốt nghiệp, thậm chí có đứa vừa sang năm ngoái. Bận bịu con cái như vậy, coi bộ tôi không chút hi vọng thi đậu cuối năm.

Thời đó tại Sài Gòn nhập xe ngoại quốc kiểu này phải trả tiền thuế bằng với giá xe, nhưng vẫn có người mua. Lời to. Tôi quên nói rõ, xe Peugeot 404, ô tô bốn bánh thời thượng Paris và Sài Gòn chứ không phải xe đạp hay xe gắn máy như tôi mua làm chân chạy đi học hồi mới qua hay mua gửi về nước sau 1975.

"Lộn xộn kiểu này chắc tiền lâu tới, con rút tiền trương mục tiết kiệm mua trước gởi về cũng được". Tôi chưa kịp đi hỏi giá xe thì đài truyền hình báo tin Bình Long mất. Có cái gì đó nói với tôi rằng tôi có thể cãi lời má. Nhưng cãi ra làm sao? Việc mua xe hay không này thật ra chẳng quan trọng vì tôi biết mình vô phương cách.

Rồi Ban Mê Thuột thất thủ. Tổng thống Thiệu tuyên bố di tản chiến thuật Cao Nguyên. Dồn dập những tin tức, địa danh quen và lạ, Pleiku, Tuy Hoà…

Trong suốt thời niên thiếu, những địa danh xa xôi như những ánh đèn thắp lên soi về cổ sử êm đềm Nghệ An, Sơn Tây, Nam Định, Hải Dương… những quê quán Nguyễn Du, Tú Xương, Tản Đà, Khái Hưng, Phạm Quỳnh… Êm đềm những giờ học cổ văn, kim văn. Mà nơi chốn gần như An Giang, Cà Mau, Quảng Trị lại xa xôi những bom mìn, thuốc khai quang, mô đắp. Thì thử hỏi đặt An Lộc, Xuân Lộc, Bình Long, Phước Long, Long Khánh nơi nào trên tấm bản đồ cũ nát nhầu? Khi đài truyền hình Pháp về đến Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Định Quán thì tôi chợt rùng mình nhận diện nỗi lo của mình. Thư từ chữ nghĩa quá đơn sơ và chậm chạp. Hai mẹ con không thấy cùng một mảng mây bất động bên trên thành phố mình đang sống và nhất là không xem cùng một thứ phim ảnh truyền hình.

Dường như, tôi cũng đã dò hỏi giá xe, cước phí, xem kĩ hai sổ tiết kiệm của hai chị em thì tính ra có thể gửi về được… một phần năm chiếc xe. "Con xong thủ tục mua, gửi xe đi thì tiền má gởi cũng sẽ kịp tới nơi." Dự đoán của má tôi chắc như đinh đóng cột. Kiểm điểm tất cả các nghề chính phụ xưa nay ba má làm, và kết quả, tôi thấy chuyện buôn bán chưa bao giờ là nghề giỏi của hai người. Tôi nghi rằng bác Năm và nhất là bác Bảy nào đó đã không tin rằng cỡ ba má tôi có thể cho tới mấy đứa con đi du học, nên bà tự ái; xe hơi về cho bà có dịp khoe con, khoe của, một công đôi ba chuyện.

Nhưng chưa kịp khoe mà người ta vẫn biết: không lâu lắm sau đó, ba tôi phải vất vả lên xuống "làm việc" với "cách mạng phường" về các "con tin" ở ngoại quốc. Hỏi bà con xa gần, có ngườì giải thích con tin = gián điệp, y như thời 1945. Mấy chị em chúng tôi cứ thắc mắc. Con tin hay gián điệp? Một đàng bị thế mạng một đằng là sứ mạng. Bị động và chủ động. Chỉ giống nhau ở số phận (thường là bi thảm) sau cùng. Thằng em ưa tiếu lâm của tôi về sau tuyên bố đã hiểu nguồn cơn: phường bắt ba má mình làm con tin đến khi nào bọn mình ở ngoại quốc đồng ý làm gián điệp cho… phường: đi dò xét đồng bào, theo dõi, ăn cắp các công trình của con cháu các ông De Gaulle và Roosevelt vân vân! Tôi nghĩ chỉ giản dị vì những gói quà gửi về và những hồ sơ xin đi. Nhưng đó là chuyện về sau.


4.

"Má tụi con mà làm kinh tế thì… thôi!" Trong nhiều năm tháng ba tôi thường mở đầu hoặc kết luận như vậy mỗi lần nhắc chuyện đời xưa. Tiền bạc của cải vất vả làm ra má tôi thường hay nghe lời quân sư quạt mo, kì này đem đầu tư hết vào những thứ chỉ trong vòng vài hôm vài tuần bỗng tan biến không ngờ. Thật ra, mất lập tức, một hai chiếc xe hơi, đôi căn nhà lá, một mảnh đất nhỏ đã mua (làm trại chăn nuôi và theo dự tính của ba tôi sẽ là nơi dưỡng già!), trong cơn sợ hãi và đảo điên tập thể như thế có lẽ dễ khiến chấp nhận định mệnh hơn là phải sống và ý thức chuyện bản thân mình đang rơi chậm xuống một vực thẳm hôn mê.

"Bảy năm, tám tháng, mười ngày." Khoảng đời "mất trắng". Má tôi vẫn hằn học trưng ra phần thời gian mất này như một kinh nghiệm sống giá trị nhất đời bà mà tuyệt nhiên không nhắc đến phần thiệt hại của cải. Một lần nữa tôi thấy ba má tôi bắt đầu trở lại từ con số không sau mỗi khúc quành lịch sử.

Trong khoảng nhìn có được của tôi, lịch sử lại quành hơi nhiều. Toàn những khúc quành gắt gao, rối rắm. Một đời người ngắn ngủi và bình thường cho phép khởi hành được bao lần? Và ôm "cua" kiểu nào cho không bị ngã hay bị hất ra khỏi đường đời?

Tôi bắt đầu sôi nổi tiến đến phút trở về trong khi má đếm từng ngày chờ lúc ra đi. Con tin thật sự và gián điệp khả dĩ còn phải đợi chờ "bảy năm, tám tháng, mười ngày". Và tôi nghe như một lời than van: má đếm từng ngày, còn mày, mày đã làm gì trong suốt thời gian đó hả con?

Hơn một lần, chân đã bước xuống thuyền, má tôi quyết định quay lui. Cơn hôn mê kéo dài đã làm chùn chân, hao mòn ý muốn vượt biên hay vì tôi ích kỉ cứ viết thư van nài ba má ở lại, nhất là từ khi thấy được chứng từ hình ảnh những chuyến đi gian nan kinh khủng của người tị nạn? Nhưng đó là chuyện về sau.


5.

Thư thứ nhì phải viết là thư chia buồn với gia đình người bác ruột. Không biết bắt đầu ra sao. Và buổi tối, viết xong, tôi khám phá ra mình không có địa chỉ của bác! Trước đó không lâu, ba tôi báo tin muộn: anh T. con bác đã tử trận ở Hoàng Sa. Đầu năm 1974, quân Trung cộng tấn công bất ngờ. Một số lính hải quân VNCH đang phòng ngự quần đảo bị bắt, một số khác hy sinh. Nước Việt Nam Cộng Hoà mất chùm đảo Hoàng Sa.

Bọn sinh viên chúng tôi lúc ấy đã xôn xao, tức tối, lục lọi tài liệu, giở bản đồ ra xem, càng tức tối khi thấy chòm đảo xa lắc xa lơ đối với lục địa Tàu. Và cãi nhau ra trò khi biết miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không phản đối việc xâm chiếm này. Dường như chuyện Hoàng Sa của Nguỵ vào tay Trung Quốc, thì có gì dính dáng đến họ! Vả lại vào tay Mao thì càng tốt, có vào tay Tưởng đâu mà lo! Thật là lầm lẫn tai hại. Vì sau đó, đầu những năm 80, chúng tôi lại hoảng lên: nước to thích dạy hơn là học và khi con cháu Mao hoà với con cháu Tưởng để biến Đông Hải thành Nam Hải và đổi Hoàng Sa với Trường Sa ra Nam Sa với Tây Sa thì có ngày chúng ta thành bạn đồng cảnh ngộ với đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Nhưng đây là chuyện về sau.


6.

Mãi đến lúc bấy giờ tôi mới hay tin anh T. chết trong lần mất đảo ấy. Má tôi kị bên chồng nên đám con cháu đôi bên ít gặp nhau. Tôi thấy bác tôi chắc khó (chịu) như lời má tôi, nhưng anh T. và cô em gái là chị H., lớn hơn tôi một hai tuổi, rất dễ (thương và) chịu khó tới lui làm quen với tụi tôi. Tôi nhớ anh dáng cao cao, ốm người, mặc đồ lính thuỷ trắng, "ghé thăm chú thím và mấy em trước khi lên đường", anh lúng túng, ngượng ngịu. Mà khi đó, tôi lại nghĩ anh ngượng vì mấy mụt mụn đo đỏ trên đôi má trắng xanh của anh hơn là vì vẻ lạnh lùng của má tôi. Ở nhà không nói rõ chi tiết về cái chết của anh, nên tôi cứ thắc mắc. Có lẽ không ai biết được khi đó; ba mươi năm sau, tôi đọc nhiều tài liệu, mới hình dung phần nào những ngày cuối của anh và bạn đồng hành. Bây giờ, biển có lẽ còn ôm giữ hồn anh, nước Việt Nam thống nhất không những chưa lấy lại được Hoàng Sa mà còn mất thêm một số đảo của Trường Sa! Bây giờ cả Đại Lục cùng đoàn kết với Đài Loan thì sức nào chúng ta cãi giành với họ?

Anh T. tôi chết trong tàu hay trên bờ? Chết vì đại bác, bom pháo hay bọn lính Mao bắt được, tra khảo đánh giết? Anh chết sớm nên trên bàn thờ nhà bác tôi, hình anh trẻ nhất. Và bây giờ các em anh, tụi tôi đều già và xấu hơn anh. Mai kia, trên bàn thờ, chúng tôi càng già và xấu hơn nữa. Nhưng đây là chuyện về sau.


7.

Tóm lại, trong những ngày tháng Tư, tôi đang chờ đợi nhiều thứ. Cho nên ngày 30, buổi trưa đó, buổi chiều đó, chắc chắn là tôi phải đang nóng nảy, hồi hộp chờ đợi. Từ giữa tháng Ba, tôi bận rộn một cách thật kì cục. Từ nhà bếp chạy ra phòng khách, từ phòng khách chạy vào phòng ngủ, xem con bé con có còn thở đều đặn trong nôi hay không, chạy ra chạy vào mà cơm khét chẳng hay, ngỏng cổ ra cửa sổ nhìn xuống xem có hay chưa chiếc xe đạp bưu điện đầy nhóc thư từ dựng trước một trong hai cửa ra vào cao ốc, trưa chiều ngồi chờ ti vi phát phần tin tức về Việt Nam.

Xem diễn biến chiến sự, như xem phim truyện, từng ngày, chẳng khác gì tin tức về Iraq hiện nay, trừ đi cái chờ đợi, ngóng trông và gan ruột cồn cào. Bây giờ tha hồ bấm nút đổi đài. Không biết vì kì thị chủng tộc hay vì trái tim đã theo thời gian bay hết hơi tình cảm, sức giận đã cạn khô, màu buồn đã héo hắt.

Ngày ấy chẳng cần, chẳng thể đổi vì chỉ có… hai đài, và cả hai đều mua hình ảnh chiến sự Việt Nam. Số tử vong đôi ba bên, những cuộc di tản, những trận tử thủ. Tin tức to phồng lên, dồn dập. Hình ảnh chạy loạn kinh hoàng. Rồi đột nhiên hôm ấy, trên màn ảnh không còn đám đông cuống cuồng, đường phố chẳng còn đen nghẹt người xe, không còn ai chen lấn nhau leo, bám những song sắt cửa cổng toà đại sứ Mỹ, chỉ còn một vài đám nhỏ hí hửng vác ghế, vác nệm, máy móc, mang của ăn cắp ra khỏi những ngôi nhà vắng chủ. Hôm ấy, những nhóm người hai bên đường như sững lại. Đoàn xe xanh màu lính chạy vụt qua. Những cánh tay vẫy xuống, những bàn tay giơ lên đáp lại, vui vẻ có, mà vương vất một chút ngập ngừng cũng có.

Bây giờ, chỉ nhớ được cái cảm giác nhẹ hẫng, trống rỗng, vừa hào hứng vừa bất an lạ lùng. Đêm đó tôi lại nằm mơ thấy ông ngoại tôi, như mọi lần với tiếng cười sấm vỡ: chờ một chút nữa thôi nghe con, gần tới nhà rồi! Chút nhéo nữa thôi! Và tôi biết ngoại nói thật. Thức giấc nửa đêm, nghe thênh thang thong dong, khá hơn mấy kì mơ trước.

Quả tạ cột cổ độ đôi kí lô, từ gần tháng nay lớn lên hoá núi ngũ hành nghìn cân, tôi sắp sửa tắc thở thì ô, buổi chiều hôm ấy, tôi là con khỉ được thầy Tam Tạng giải thoát bất ngờ. Chẳng phải là Tôn Ngộ Không đã thách thức đấng trên cao, không phải vì ưu thời mẫn thế hay là "trí thức yêu nước": tất cả bạn bè quanh tôi lúc ấy chắc chắn đều nhẹ nhõm như thế cả. Kì lạ như thế và thật là như thế. Chắc chắn như thế.

Buổi trưa hai đứa tôi vác thúng đựng con bỏ vào xe, chạy ra quán ăn sinh viên. Bạn bè gặp hôm ấy đông hơn mọi khi và tôi thấy đứa nào cũng vui mừng pha lẫn lo âu, ngỡ ngàng. Có cả anh chị A., những người bạn khá thân của chúng tôi, thành thật, dễ thương, rất tốt với bạn bè, có chân trong Hội Liên Hiệp Việt Kiều (tổ chức công nhân, trí thức và sinh viên Việt Nam yêu nước tại Pháp) lâu lắm không ra quán ăn sinh viên vì anh chị đã đi làm, không được phép ăn theo giá sinh viên nữa. Có anh B., thành phần quốc gia, anh cũng thật thà, tốt bụng, vui tính, có chị H., nhỏ D., em N., cùng hỏi tụi tôi có ý định đi Paris xin gia hạn thông hành không. Anh B. có chân trong hội Ái Hữu địa phương ngày trước (hình như anh là hội phó và tôi là thư kí!), hội do anh hô hào vận động thành lập vào năm đầu tiên tôi đến, khi anh thấy anh chị A. và vài anh chị sinh viên thân Cộng khác là C. và Đ. đến làm quen, giúp đỡ đám sinh viên lính mới chúng tôi vừa đổ bộ xuống thành phố này. Hội Ái Hữu xin được toà lãnh sự (VNCH) một ít báo chí phim ảnh, tiền bạc (tổ chức ăn Tết, đi dự đại hội thể thao do Tổng hội sinh viên Việt Nam ở Paris tổ chức v.v…), Hội chúng tôi tí teo với năm ba mống hội viên, ngày nào cũng gặp nhau ở trường hay quán ăn, cuối tuần họp nhau ca hát, nấu ăn chung, chỉ biết tán dóc chuyện trên trời dưới đất, thiếu nhiệt thành từ hội viên đến chủ tịch, thiếu mục đích chính xác hữu cơ hơn nên hội hoàn toàn tan rã không kèn trống hai năm sau đó. N. có bố là dân biểu quốc hội hay thượng nghĩ sĩ nên rất lo sợ, nửa đùa nửa thật: em sợ họ bắt ba em đi bộ ra tới Hà Nội chị ơi! Tôi cười: bậy nà, ai bắt làm chuyện bất nhơn như vậy hả em!

Lúc đó có lẽ các bạn tôi cũng không nghĩ đến tị nạn chính trị, mà chỉ muốn có giấy tờ hợp lệ để ở lại tiếp tục việc học. Tôi không nhớ hết những trả lời cho mình và cho bạn và như thế nào, năm phút sau quên mất chuyện giấy tờ. Bạn tây đầm nhào tới bắt tay, hôn hít lia lịa, chia vui, chúc mừng. Không chỉ những đứa ưa biểu tình phản chiến. Đứa nào cũng phơi phới, hân hoan, cảm động. Thấy rất dễ thương.

Các bác và anh chị thiên Cộng khác không còn ra quán ăn sinh viên từ lâu lắm, nên tôi không biết rõ nhưng tôi chắc chắn họ vui hơn cả đám chúng tôi nhiều. Cho đến hôm đó, nơi tỉnh này, tất cả chúng tôi, hay tuyệt đại đa số trong đám bạn bè cùng tuổi hoặc chênh lệch nhau năm bảy tuổi, tự túc hay có học bổng, gốc Bắc, Trung hay Nam, thậm chí có cả bạn gốc Việt sinh ra ở Lào hay Cam Bốt, đều đi từ Sài Gòn và thân thiết với nhau từng nhóm nhỏ hai ba đứa. Hễ gặp gỡ chung thì vui như một ngày chúa nhật hoặc vui như Tết. Đến nhà anh chị A., anh chị C. thì nghe họ hát Quảng Bình quê ta ơi hoặc Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Ở cư xá tụi tôi thì hát Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già, lã chã, đầm đìa hay Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu; một trăm năm đô hộ giặc Tây. Trong năm năm đó, không hề có chuyện gây gổ hay hiềm khích lớn nhỏ nào xảy ra giữa chúng tôi. Chuyện khó tin nhưng xin cam đoan có thật. Chỉ một lần anh C. chê: nhạc vàng uỷ mị; tôi cãi ngay: vậy đó nhưng vẫn hay hơn bài Quảng Bình hay bài Kết Đoàn của anh, nghe y chang như nhạc Tàu! Anh C. chỉ cười trừ vì tôi hung hăng và đầy vẻ kì thị.

Chúng tôi chỉ cãi nhau đến mức đó mà thôi. Những người có thể cãi xa hơn, kĩ hơn thì khi gặp nhau chỉ lễ phép chào hỏi và lạnh lùng nói chuyện nắng mưa. Tất cả đều mong hết đánh nhau bên Việt Nam, tôi chắc chắn điều đó. Ngưng chiến bằng bất cứ cách nào đôi bên có thể chấp nhận. Và "cách nào đó" này, thật vô phương tưởng tượng được. Tôi còn chắc chắn một điều khác nữa. Niềm vui ngày hoà bình này mang khá nhiều ngỡ ngàng, bất an cho nhiều đứa chúng tôi. Một nỗi bất an mà tôi chối từ chấp nhận tầm quan trọng đúng mức kể từ ngay lúc đó cho đến nhiều năm về sau. Thì hẵng chỉ nói về niềm vui trước đã. Dù năm, mười năm, hai mươi rồi ba mươi năm sau tôi lần lượt thấy mình đã chắc chắn nhiều điều một cách sai bét. Và đó là chuyện về sau.


8.

Hết chiến tranh! Cứ như ông, bà Trời nào đó, ở tận đâu đâu, chợt hôm nay tỉnh giấc, gật gù đắc ý, ra điều ta đây trừng phạt chúng mày như thế là vừa đủ; rồi bà vung đũa thần, ông phe phẩy hai, ba ngón tay. Vung, phẩy một cái: hết bom đạn, không còn đánh nhau. Trời đất, dễ dàng như vậy mà ông bà trời ấy lại không chịu vung, phẩy sớm hơn. Dù từ lúc mới sang, năm, sáu, hay chín mười năm về trước, chúng tôi nhìn về Việt Nam bằng con mắt các phóng viên đài truyền hình Pháp và sàng lọc tin tức, hình ảnh qua quá khứ riêng tư sẵn có. Chiến tranh Việt Nam chỉ còn trong giấc mơ và trên màn ảnh nhỏ. Và tôi, tưởng mình có toàn quyền quyết định về sự hiện hữu của chúng: hôm nào xuống tinh thần quá vì nhận được thư nhà báo tin chết chóc thì khoá cửa phòng, rũ sáo, trùm chăn… "Diện trần nhà" hay dẫn nhau về quê bạn bè bản xứ, liền tù tì luôn mấy ngày, không bén mảng, đếm xỉa đến cái khối vuông đầy vui buồn và thảm kịch ấy.

Từ chiếc máy truyền hình đen trắng đầu tiên trong cư xá sinh viên đầu tiên, trong những ngày đầu tiên của năm học thứ nhất, đến máy truyền hình màu đầu tiên trong cư xá sinh viên thứ nhì, qua cái máy đầu tiên nơi gian nhà trọ bắt đầu cuộc đời đa thân. "Quyền" quyết định? Nói cho oai, chứ sự thật giản dị như đóng lại một cánh cửa. Chui đầu xuống một hố cát.

Hôm ấy, tôi thầm thì với đứa con gái cưng bốn tháng: con gái ơi, con sẽ không bao giờ sờ chạm được những thứ hãi hùng mà ông bà, cha mẹ con đã từng trải qua. Tôi còn nhớ một điều nữa của những ngày tháng ấy, tôi chưa biết xưng hô thế nào với… con. Và tôi hỏi (đáp) ba của nó bằng lời đường mật: mình sẽ trở về, phải không anh?!

Monique cùng chồng chạy qua chúc mừng hoà bình và khen ngợi chiến thắng, cho một món ăn vàng đỏ thơm mùi nị mùi sả rồi mượn con xách ra công viên dạo mát.

Chiều hôm ấy, 30 tháng Tư, ở nhà chúng tôi có bác G., chú E. đến chơi; thuộc thành phần thứ ba, người từng kháng chiến trong bưng với Việt Minh ngày xưa, ra thành lại bị ông Diệm rượt, người chạy thẳng từ Hà Nội sau hiệp định Genève. Cả hai cùng lắc đầu buồn rầu: Họ sẽ thanh toán và trả thù. Thế nào cũng có biển máu! Niềm vui ngập tràn và cứ nghe mình nói không, không với mọi người. Không, tụi em không vào hội Liên Hiệp. Chị A. nói: sao vậy, cùng dựng xây đất nước mà em! Chị ơi, sao em vui vì hoà bình chứ không vui vì chiến thắng. Em thuộc phe bị thua te tua và em vẫn thấy "Quảng Bình, quê ta ơi" là một bài hát đầy âm điệu Tàu. Câu trả lời lạc đề mà anh chị vẫn cười xoà, hẹn mai lại đến chơi.

Không, anh/bồ/ mày cứ đi xin gia hạn thông hành một mình, biết sẽ ra sao mà tính ở lại hay không ở lại nơi này, ví dù được gia hạn… 100 năm, rồi thì sao, cũng phải về chứ! Mày quên vụ Mậu Thân rồi hả? À, vụ Mậu Thân…

Không, Mặt Trận bù nhìn thì đã sao thưa bác, thưa chú, còn ai để giải phóng hoặc đấu tranh nữa đâu, thì cần gì mặt trận với chẳng mặt trận? Một đảng duy nhất là tự do và dân chủ sẽ chết, cháu không hiểu ư? Thế giới đang nhìn vào, không thể có chuyện trả thù đâu bác ơi, mấy mươi năm rồi, trả thù cả miền Nam ư? Không, vô lí!

Không, N. ơi, bắt đi bộ ra Bắc, ép con gái cưới thương binh, ai lại buộc làm chuyện… kì cục vậy. Chắc không sao đâu.

Monique ơi! Mày nhớ hôm qua, ba má tao có mặt trong đám người trước toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vân vân và vân vân. Nhưng nước bạn dứt chiến tranh, đó là điều chính, đúng không? Đúng ơi là đúng!

Dường như đó là những câu trả lời nhằm trấn an chính mình và hi vọng nó sẽ là sự thật.

Năm đó chúng tôi vừa có con đầu lòng, ngày đó hai đứa tôi chập đôi tuổi lại chưa được năm mươi. Ở tuổi tiếng nói cũng là tiếng đập của tim. Hôm ấy buổi tối, xem tin tức truyền hình thấy ngay anh B. trong đám người thật đông đang chen lấn nhau trước cửa toà lãnh sự VNCH để xin gia hạn thông hành; thông thường chúng tôi lúc bấy giờ mỗi năm phải mỗi xin gia hạn visa với giấy tờ kết quả kì thi cuối năm. Lần này chưa thi, chưa có kết quả mà được gia hạn ngay. Thích nhé.

Người nhân viên tốt bụng, nhẫn nại, chật vật giao từng quyển thông hành vừa gia hạn cho từng cánh tay chới với. (Hình như được gia hạn đến những 10 năm! Một quyển sổ thông hành như thế, một kỉ niệm tinh thần quý báu - chẳng khác tờ căn cước cũ của thi sĩ Cao Tần - nhưng ai đó lại bảo vô giá trị về mặt pháp lí…)

Kí giả truyền hình phỏng vấn đúng ngay anh bạn B. Tôi nhớ mãi lời nói buồn rầu của anh B. cũng như tất cả nét hoang mang, lạc lõng trên ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ của những người bạn trẻ cùng cảnh ngộ với tôi hôm đó: C'est foutu! (Hỏng bét! Tiêu tùng!)

Tôi cũng không thể quên hình ảnh người công chức tận tâm, nhân viên của toà lãnh sự Sài Gòn trong những ngày gian nan ấy. Bây giờ họ ra sao? Theo tôi biết về sau này, họ cũng đã bàn giao nhiệm sở đàng hoàng cho phe thắng trận. Trong những năm tháng ngắn ngủi trước năm 1975, qua đôi lần liên lạc lo chuyện thủ tục giấy tờ, chuyển ngân - chúng tôi đã kí giấy cưới nhau chính thức ở đấy năm ngoái - chưa bao giờ tôi bị đối đãi vô lễ hay tệ bạc hoặc nghe tai tiếng xấu xa về họ. Khác hẳn với những lời đồn đại về những toà đại sứ về sau này, nhất là từ những năm Đông Âu sụp đổ cho đến gần đây (không biết bênh vực, che chở kiều bào, ăn hối lộ, buôn lậu, ổ công an, vân vân). Nhưng đây lại là chuyện về sau.


9.

Bác G. với chú E. về rồi, tôi suy nghĩ và thừ người tưởng tượng ra nỗi kinh hoàng, hoang mang của cha mẹ tôi. Cả hai, cựu kháng chiến ra thành hồi 1954, rất ghét Việt Cộng tuy trong nhà chuyên môn chứa người trốn lính, đôi khi chứa cả du kích hoặc Việt Cộng lớn nhỏ thứ thiệt là các ông dượng, bà dì, anh chị em họ ở nhà quê lên chơi. Và tôi không quên những trận cãi kịch liệt giữa má tôi với họ. Tôi cũng nhớ tới anh T. cùng vài ông anh họ xa khác đã chết tại nhà quê bên má tôi, nhớ đến những ngày tháng không khí gia đình khi hay tin dữ. Những cái chết không một chi tiết hay hình ảnh chứng nhận. Mà bây giờ, hình ảnh quá nhiều. Đến bội thực.

Cái khối vuông kì diệu, nối liền tôi với cuộc đời bên ngoài, trong đôi phút phù du, mỗi ngày đưa tôi ra khỏi được thành phố mù mịt băng giá sáu tháng mùa đông này, cho thấy được quê nhà. Từ khi mới sang Pháp, tiếng Pháp nghe chỉ hiểu lõm bõm nhưng tôi khám phá ra tin tức liên quan đến Việt Nam hầu như có mỗi ngày trên đài Truyền hình Pháp. Tha hồ xem. Bệnh ghiền đeo mang từ ngày ấy: đến giờ là lọ mọ bò xuống phòng truyền hình cư xá sinh viên khi còn độc thân; rồi lúc lập gia đình, chưa mua nồi niêu xoong chảo đã khênh về cái ti vi to kềnh đặt giữa nhà, tới giờ tin tức là bếp núc dang dở cũng bỏ mặc. Con bé con đã biết đôi nét về Việt Nam kể từ lúc còn trong bụng mẹ.

Ngày 30 ấy, tôi nhớ đến những phóng viên kí giả đã sống chết hay mang thương tật vì cuộc chiến tranh trên đất nước mình, Sean Flynn, Laurent, Nachtwey… J'ai regardé mon ennemi et je m'y suis vu

Trong những năm ấy, người Việt sống tại Pháp gồm nhiều nhóm, nhiều phe. Nhiều màu nhưng tựu trung chỉ có hai: "quốc gia và cộng sản" còn thành phần thứ ba, tuy ở giữa, nhưng vì chống chiến tranh, tức là chống sự can thiệp bằng vũ khí của Mỹ, chống những đối xử bất công với tù chính trị của chính phủ Sài Gòn nên bị phe quốc gia "nhét" vào phe cộng sản. Phe cộng sản, khi cần thì "níu" lấy, làm đồng minh, nhưng nói cho cùng cũng chẳng ưa những câu hỏi của phe thứ ba này về thảm sát Mậu Thân, về chuyện Nga, Tàu giúp vũ khí, về vai trò (có vẻ bù nhìn) của các Mặt Trận, về những đối xử dã man của đảng với nhân dân trong vấn đề cải cách ruộng đất, với trí thức trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, về cái rập khuôn Mao trong đường lối chính trị, văn hoá vân vân.

Các phe nhóm đều tìm cách lôi kéo sinh viên trẻ về phía họ, bằng những buổi nói chuyện, chiếu phim, thảo luận văn nghệ, và cả bằng tình cảm riêng tư hay trò chơi, thú vui riêng. Trong một thời gian ngắn, vào lúc hoà đàm Paris, miền Nam huỷ bỏ du học tự túc ở Pháp, vì chính quyền VNCH sợ không giữ được sinh viên. Và để giữ sinh viên, Tòa lãnh sự (Sài Gòn) tại Pháp hăm doạ (và thi hành) cúp học bổng hay chuyển ngân những ai nghiêng về phía cộng sản. Kết quả: sinh viên thiên tả hay chưa (kịp) thiên tả bị cúp chuyển ngân sau đó đều theo hẳn phe thiên cộng và ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ. Phe này nhiều chi hội ở tỉnh, lực lượng hùng hậu, vì kế thừa tổ chức lâu đời Liên Hiệp Việt Kiều, gồm nhiều trí thức khoa bảng, công nhân, thợ thuyền, cựu quân nhân Việt Nam, đã thành hình từ trước chiến tranh quốc-cộng, hội lại có hậu thuẫn người Pháp.

Một lần, cuối thập niên 60 hay đầu 1970, bà Nguyễn Cao Kỳ (Tuyết Mai) sang Pháp, được nhiều báo chí phỏng vấn. Năm sau, tôi tình cờ xem tờ Paris Match cũ, thấy nhiều ảnh bà với những kiểu áo tây ta tuyệt đẹp. Bà trẻ trung, duyên dáng, quý phái, lịch sự, rất mốt, trả lời phóng viên lưu loát; tôi thấy hình bà đẹp hơn cả bà hoàng Soraya, đẹp hơn vô số các bà công chúa, hoàng hậu khác thời ấy và cả thời bây giờ. Bạn bè đứa trầm trồ hãnh diện, đứa chỉ trích, mỉa mai. Nhất là mấy người thiên cộng. Dĩ nhiên, với họ, cũng như với dư luận người Pháp lúc bấy giờ, cán cân tình cảm nghiêng hẳn về bà Bình. Cho dù đến tận năm 1973, đại diện cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nhan sắc tầm thường, không điểm trang, thường xuất hiện trên TV Pháp áo dài cắt xấu, bới tóc "củ gừng" như một bà già nhà quê, xách bóp đầm tay chân dáng vẻ cứng ngắc, tuy nụ cười thật tươi nhưng ngôn ngữ khá lưỡi gỗ (Bà tuyên bố không có lính Bắc Việt tại miền Nam, rằng MTGP không giết người ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968; và vào tháng 3 năm 1975, sở dĩ dân chúng ùn ùn bỏ Cao Nguyên, bỏ thành phố khi quân giải phóng đến là vì họ bị… ép buộc phải chạy theo lính VNCH!) Bà thường được thu hình, được báo chí Pháp phỏng vấn nhiều hơn những "đồng nghiệp" nam giới, "bộ trưởng" Xuân Thủy, hoặc trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa Phạm Đăng Lâm. Chỉ vì bà mang hình ảnh kẻ yếu bị (Mỹ) ăn hiếp, dễ làm động lòng trắc ẩn những người sống trong thanh bình no ấm; và dễ gây kinh ngạc, thán phục. Vì kẻ yếu ấy can trường chống đỡ bằng tấm lòng yêu nước và những phương tiện thô sơ (người ta "ấn tượng" vì súng trường và không để ý đến hoả tiễn Sam). Thuở đó trên thế giới và nhất là trong giới trẻ Pháp, trong tả phái, rất nhiều người ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng, cũng như họ đã từng ủng hộ các phong trào chống áp bức ở Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ… Đó là tiếng nói của phần tốt, phần nhân bản nơi con người, tôi nghĩ không ai có thể nói gì được.

Tôi nhớ đến anh T., tôi nhớ đến ông ngoại đã chết vì bom B52 vùi, đến cậu Năm T., đến dượng Sáu N. bị bên này và bên kia chặt đầu, đến anh L., ông cậu C. và anh bé B. bị trực thăng bắn chết, những người quen hàng xóm bạn bè anh P., anh H. anh C.... Những tân binh, tân sĩ quan VNCH tử trận.

Những người đã sống qua biến cố Mậu Thân tại Việt Nam cũng không thể quên những khổ đau, nghiệt ngã đã đến với gia đình họ hay người láng giềng. Vì một quyết định của nhóm đầu não lúc tạm chiếm Huế (?), mà cho đến nay vẫn chưa có công nhận chính thức nào. Nhóm người này đã từng bắt giam, đày ải chính những bạn đồng chí của suốt một thời chiến đấu gian khổ, chỉ vì những người này có ý kiến khác với họ. Thì việc những người bị coi là địch hay cộng tác với địch bị đối xử thẳng tay, tàn nhẫn, là chuyện dĩ nhiên. Nhưng đó là những chuyện biết sau này. Lúc đó tôi không rõ, chỉ mơ hồ linh cảm điều ghê gớm vẫn có thể xảy ra. Nhưng linh cảm ấy sẽ tiêu tán vì những lời kêu gọi và hứa hẹn: hoà giải, hoà hợp dân tộc để xây dựng một đất nước đổ nát. Quên đi mất mát để hàn gắn chữa lành thương tích. Hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nghe có lí lắm. Còn quyền lợi, ngu dốt và tham vọng riêng tư? Nhưng đó là chuyện vài tháng sau.


10.

Ngày hoà bình đầu tiên ấy, tất cả chúng tôi đều nhẹ nhõm. Có lẽ vì ích kỉ, vui vì biết rằng sẽ không còn một tai biến bom đạn nào có thể xảy đến cho gia đình chúng tôi, cho họ hàng, bạn bè, cho bất kì ai khác ở Việt Nam kể từ lúc ấy. Hơn nữa, trước khi đi Pháp, thường đọc sách báo, tác phẩm văn chương tại Sài Gòn, tôi vẫn thấy bên cạnh những tin tức sinh hoạt chính trị xã hội, tin chiến sự, vẫn có rất nhiều kêu gọi, ước ao hoà bình. Sinh viên, Phật tử biểu tình đòi hoà bình. Nói chung văn thơ đều ít nhiều ngao ngán, bứt rứt vì chiến tranh hơn là những căm thù, đốc thúc, hô hào chiến thắng. Thì Hoà Bình đến không phải như một điều ước được thực hiện bất ngờ hay sao? Dù hôm ấy tôi rùng mình khi thấy những chiến xa tông sập cửa sắt xông vào nơi kẻ chiến bại đang nghiêm trọng đợi chờ "giao" quyền bính. Mãi về sau, mọi người mới "nghe" được lời khinh miệt của kẻ chiến thắng thốt ra khi đó: "Chính quyền ta đã lấy rồi, các người có gì mà giao!". Nếu nghe được ngay câu này, có lẽ chúng tôi ở đây sẽ điên lên vì lo lắng.

Dân tộc nào cũng có lời khuyên rộng lượng, khôn ngoan: không nên đánh kẻ đã thất thế, ngã ngựa. Than ôi, dân tộc nào cũng có một Nguyễn Du để nói rằng: thịt da ai cũng là người. Nhưng đó cũng là chuyện về sau.

29.04.2004



Phan Thị Trọng Tuyến sinh năm 1951 tại Bến Tre. Lớn lên ở Gia Định. Đi Pháp du học cuối năm 1969, hiện sống tại Pháp.

Tác phẩm đã xuất bản: Mùa hè một nơi khác (Văn Nghệ, Ca, USA. 1984), Một trang đời (Thanh Văn, Ca, USA. 1987), Mùa xuân và những con dã tràng (An Tiêm, Paris, Pháp. 1991)


© 2004 talawas