trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
24.2.2003
Mai Chi
Thế hệ A còng
 
Thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay là thế hệ đầu tiên sau 50 năm lại thực sự được sống tuổi trẻ của mình. Một thế hệ không phải tiêu huỷ những năm tháng son trẻ trong rừng, dưới hầm hay trên bệ pháo. Một thế hệ cũng không bị cạo đầu khi để tóc dài, không bị rạch quần ống rộng, hay bị kiểm điểm khi hôn nhau. Ít nhất là ở thành phố, lần đầu tiên họ không phải mặc lại áo của mẹ hay chị, họ có son trên môi, có đồ lót mềm trên người và đủ chất đạm trong dạ dầy. Giống như đầu thế kỷ trước, con cháu của tầng lớp trung lưu Việt Nam lại thu xếp vali. Mỗi năm, hàng nghìn thanh niên đặt chân tới Mỹ, Úc hay Âu châu, chuyên chở trong mình sự mong đợi của bố mẹ và bản thân vào một tương lai rạng rỡ qua những mảnh bằng của những trường đại học với những cái tên đầy cám dỗ. Hương vị của thế giới văn minh xa xôi hàng tuần toả về quê hương qua Hotmail, Webcam và Yahoo Messenger. Sinh viên và thanh niên thành thị Việt Nam ngày nay là ai, họ nghĩ gì, ước mơ gì? Họ thiết kế cuộc sống của mình như thế nào? Cảm giác gì đặc trưng và liên kết thế hệ của họ?
Có lẽ sự thay đổi sâu sắc nhất là thay đổi trong quan hệ giữa lớp trẻ và thế hệ ông cha mình. "The only substitute for experience is being 20". Và quả thực, chưa bao giờ tuổi trẻ lại có thể thay thế kinh nghiệm một cách đương nhiên như thế. Bạn có cảm giác gì nếu như phần lớn những kinh nghiệm sống của ông bà với bạn đều không còn giá trị, bởi khác với cách đây nửa thế kỷ, họ không thể hiểu được công việc bạn làm, không nói được ngôn ngữ bạn nói, và không có một tí hình dung gì về những phương trời mà bạn đã đến. Bạn có cảm giác gì nếu như hai năm sau khi tốt nghiệp đại học lương của bạn gấp mười lần lương bố bạn hay thầy giáo cũ của bạn. Có lẽ điều quan trọng nhất của thanh niên trong 10, 15 năm tới sẽ là xác định lại chỗ đứng của mình trong chuỗi xích thế hệ, định nghĩa lại bản chất mình trong một xã hội Khổng giáo - công nghệ - tư bản - xã hội chủ nghĩa.
Cách đây 80 năm, Phan Khôi phê phán tầng lớp thanh niên Việt Nam có học và du học thời đó chỉ mải mê cơm áo mà không nghĩ đến câu hỏi "Làm gì để có ích cho xã hội?". Lời phê bình này dường như tới nay không mảy may mất tính thời sự. Tiếng Anh, tin học, quản trị kinh doanh: ba con át chủ bài này sẽ đem bạn tới phòng làm việc gắn máy lạnh của một cao ốc trong down town Hà Nội hay Sài Gòn. Và một ngày bạn sẽ chỉ nhiều nhất là hai lần nghĩ tới hay tiếp xúc với "nhân dân", một lần khi bạn đóng tiền cứu trợ lũ lụt, và một lần khi bạn dừng lại mua mít dọc đường. Kể cả trong môi trường học tập của phương Tây, dường như các sinh viên Việt Nam cũng tìm mọi cách để ở lì trong ký túc xá, bếp và thư viện. Nếu bạn đang hay đã học ở nước ngoài tôi cá rằng bạn chưa từng có một đứa bạn Việt Nam nào chơi trong dàn nhạc giao hưởng sinh viên của trường, hay tham gia câu lạc bộ chụp ảnh, hay xuống đường biểu tình chống chiến tranh, hay viết bài cho Greenpeace.
Trong khi những thanh niên 20 tuổi của giảng đường sẵn sàng sống một cuộc sống rành mạch và rõ ràng của những người 50 tuổi và đã từ lâu thay ảnh của John Lennon trên tường phòng ký túc xá bằng chân dung Bill Gates thì sự nổi loạn xẩy ra vào đêm, khi những lời huấn thị của những vị tóc bạc trên TV đã tắt từ lâu. "Văn hoá tốc độ" là vũ khí của những tay đua đêm, trong đầu đầy thuốc lắc, và đằng sau là bạn gái tóc nhuộm hung áo thun tụt trần tới thắt lưng. Họ là những đại diện đầu tiên của "con người hưởng thụ" ở Việt Nam, những người đầu tiên có sự tự chủ với đầu tóc, quần áo, thân thể và cuộc sống tình dục của mình. Họ có một đống thời gian, không ít tiền và những hình dung không rõ ràng cho tương lai. Chính trị và các đề tài xã hội đối với họ cũng lạ lẫm như phía bên kia của mặt trăng, và thế giới vẫn yên ổn chừng nào ông bố vẫn tiếp tục khuân tiền về nhà. Trớ trêu thay, sự nổi loạn của họ không có mảy may có hy vọng. Bởi trên thực tế, "sống gấp" đã trở thành một cuộc chạy đua của hai thế hệ đang cùng say sưa trong giấc mơ tiêu thụ. Party on! Lần đầu tiên hai thế hệ cùng hội hè. Sau những năm dài đói khát, những bậc phụ huynh đang săn tìm lại tuổi trẻ của mình. Những ông bố kín lịch với tennis, bồ nhí và bàn nhậu. Những bà mẹ bận rộn với trang trại, Osin thứ hai và du lịch Bắc Kinh. Tầng trên hát Karaoke, tầng dưới nhảy Disco. Chưa khi nào nào mà thanh thiếu niên sinh hoạt một mình nhiều như ngày nay. Xe A còng, giầy Nike, điện thoại Nokia, chúng chỉ là những bấu víu chống lại sự cô đơn trong một thế giới đang mất dần đi sự ấm áp.
Phải chăng Thế hệ A còng là sự cộng hưởng của Thế hệ Thực dụng, Thế hệ Thờ ơ và Thế hệ Bạo lực? Những thanh niên hoặc ngã xuống mặt đường nhựa đêm để tìm cảm giác, hoặc ngã xuống ghế marketing manager của một công ty nước ngoài cho một cuộc sống đẹp như trong quảng cáo. Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng giới trẻ hôm nay sẽ làm Việt Nam trở thành một chốn tốt đẹp hơn để sống? Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng sẽ có thể nghe những giọng nói của chính giới trẻ trên diễn đàn này?

© 2003 talawas