trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học Việt Nam
28.4.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Tại sao "thơ rác"?
Phỏng vấn nhà văn, nhà thơ, độc giả.
 1   2 
 
5. Nhà đau khổ vĩ đại

PV: Xin chào nhà thơ "Nữ hoàng của nỗi đau". Xin anh cho biết bí quyết của những bài thơ đã làm rung động hàng triệu con tim?

Nhà thơ 1 (NT1): Phải có một nỗi đau lớn: một nỗi đau đời, đau nhân tình thế thái. Chỉ một nỗi đau mới cảm được một nỗi đau và nhất là mới tạo thêm được nỗi đau mới. Tôi đau khổ, vậy là tôi tồn tại.

PV: Điều làm anh đau khổ nhất là gì?

NT1: Là không ai hiểu được nỗi đau của tôi, là nhân loại chưa biết đau khổ. Tôi không thể chịu được những kẻ mà người thân mới mất, vợ ốm, con nheo nhóc, tiền thì không có mà mặt vẫn nhơn nhơn, vẫn làm việc tỉnh bơ, thậm chí còn tươi hơn hớn, trông cực kỳ phản cảm. Mất hết cả hứng. Còn tôi á, chỉ cần vợ nói nặng một câu là bỏ cơm, bỏ cả đánh tennis lẫn chơi gôn, buồn cả tuần.

PV: Tôi chưa gặp được ai có phong độ tuyệt vời như anh. Có lần đến chơi, thấy anh đang say sưa đau khổ, tôi suýt nữa đánh động làm hỏng mất. May mà kịp dừng lại.

NT1: Vậy mà có ai biết đâu. Có lẽ phải viết sách hướng dẫn "làm thế nào để đau khổ", xuất bản song ngữ để nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng trong và ngoài nước.

PV: Đúng đấy. Hồi tôi bị mất việc, con bị sốt cao, tôi cũng thử buồn mấy ngày. Nhưng hết khóc rồi than thở, mãi vẫn chẳng thấy việc làm, con vẫn bệnh. Tôi nản chí, bỏ buồn, nghiến răng đứng dậy đi tìm việc. Bây giờ vẫn chưa biết đau khổ. Hẳn nào đọc thơ anh, tôi chẳng hiểu gì cả.

NT1: Thủ phạm của tình trạng mù đau khổ chính là bọn thành đạt. Chính chúng đã truyền bá chủ nghĩa tự tin và thái độ nhơn nhơn vô cảm trước nghịch cảnh. Càng ngày chúng càng đông. Còn những người nghèo, bất hạnh, thiếu tự tin, nguồn cảm hứng chính cho thơ ca, càng ngày càng vắng. Chúng ta phải bảo vệ lấy họ. Nếu không họ sẽ tuyệt chủng mất.

PV: Những kẻ thành đạt luôn gắn liền với tội ác?

NT1: Chúng chỉ gây thêm nhiều việc làm, khiến nhân dân làm việc è cổ. Chúng chỉ tạo ra lắm phát minh vớ vẩn, chẳng có ích gì cho văn chương cả: nào điện thoại, ti vi, ôtô, máy bay, máy vi tính, khiến thế giới ngày càng hỗn loạn. Chúng reo rắc của cải và tiền bạc, nguồn gốc của mọi xấu xa, dần dần biến những người nghèo thành những kẻ đáng ghét như chúng.

PV: Anh ghét nhất bọn họ ở điểm gì?

NT1: Điều không thể tha thứ được ở chúng, đó là chúng luôn luôn thành công và tự tin.

PV: Nụ cười của chúng lấy từ nước mắt những người nghèo khổ?

NT1: Chính những người nghèo khổ đã cho ta tất cả: cảm hứng, lòng thương cảm, v.v... còn bọn thành đạt chẳng cho ai cái gì tốt đẹp cả.

PV: Ngoài sự ghen tỵ?

NT1: Ghen tỵ không phải là bản chất của ta. Chính bọn thành đạt đã xô đẩy ta đến đó.

PV: Điểm dễ thương nhất của những người nghèo khổ là gì?

NT1: Đó là họ luôn luôn thiếu tự tin và thất bại. Họ cho ta sự tự tin.

PV: Vậy họ cũng biến ta thành những kẻ tự tin đáng ghét?

NT1: Kẻ tự tin, thành đạt chỉ đáng ghét, cũng như người nghèo chỉ dễ thương, khi họ không phải là ta.

PV: Nếu ta giàu có, thành đạt thì có thể đau khổ được không?

NT1: Đau khổ đòi hỏi một tài năng lớn. Chỉ có một tâm hồn vĩ đại, tinh tế, nhạy cảm và sáng tạo mới có thể biến một vết kiến đốt hay vết xước móng chân thành cả một niềm đau đớn khôn nguôi, tới mức rên lên thành những vần thơ tuyệt tác, khiến cả nhân loại đổ lệ.

PV: Tuyệt. Nhưng thành đạt và nhàn hạ như anh mà vẫn đau khổ được chắc phải vất vả lắm nhỉ?

NT1: Chứ sao. Tài năng không cũng chưa đủ. Đau khổ là loại lao động nghệ thuật cực nhọc nhất. Nếu người diễn viên chỉ cần đọc kỹ kịch bản, tưởng tượng tốt là nhập vai được, thì để đau khổ, người nghệ sĩ phải nhân nỗi đau lên hàng triệu lần, phải cào xé cho tim chảy máu ra, phải nhăn nhó, tủi thân, than thở, đấm ngực. Chính vì cực nhọc thế nên tất cả các ngôn ngữ đều dùng chữ "đau khổ" để chỉ khái niệm này.

PV: Có lần một anh bạn đi cùng tôi bị ngã xe. Thấy anh quằn quại, nét mặt thể hiện sự đau đớn tột cùng, tôi lo quá vội gọi cấp cứu. Khi xe cấp cứu đến nơi, hóa ra anh không sao, chỉ xước nhẹ đầu gối. Không ngờ bạn tôi lại có tài biểu cảm xuất sắc vậy. Sau này tôi mới phát hiện ra là hầu hết chúng ta đều có cái tài đó. Đó là tài bi kịch hóa mọi thứ, làm cho chúng trông bi thảm hơn nhiều so với thực trạng của chúng, nhờ đó mà chúng trở nên gợi cảm hơn, gây xúc động và ấn tượng hơn.

NT1: Cô phải giới thiệu anh bạn với tôi để chúng tôi có thể trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

PV: Nhất định rồi. Ngoài tài bi kịch hóa, tôi thấy anh còn có một cái tài nữa đặc trưng cho người Việt mình: tài tạo ra đau khổ mới cho mình và cho lẫn nhau. Đó thực sự là một biệt tài của người Việt. Nhưng để trình diễn một cách thật ấn tượng những đau khổ mà mình đã tưởng tượng ra thì chỉ có những nhà thơ như anh mới làm được. Còn những nỗi đau thật hình như không có khả năng tự trình diễn, chúng thường câm lặng, có lẽ vì quá đau nên không kêu được.

NT1: Chị quá khen.

PV: Thực ra, để có được một thái độ nhơn nhơn trước nghịch cảnh và vượt qua nó, những người bình thường như tôi phải tốn nhiều công sức và can đảm hơn nhiều so với việc có một bộ mặt đau khổ đầy gợi cảm. Có thể là vì chúng tôi không phải là nghệ sĩ.

NT1: Thật vậy ư?

PV: Rất may cho chúng ta là đau khổ/thất bại luôn gây ra nhiều xúc động hơn so với hạnh phúc, thành công. Vì vậy mới có ca nhạc não tình như hiện nay và mọi người thi nhau kêu "Không ai khổ bằng tôi". Tôi có nhiều đau khổ hơn anh, tức là tôi có nhiều cái đáng để nói hơn anh, tôi giá trị hơn anh. Tìm ra xem ai là người đau khổ nhất quả thực rất khó. Nhưng có lẽ các nhà thơ như anh là người có cách thể hiện ấn tượng hơn cả.

NT1: Trái tim người nghệ sĩ rất nhạy cảm với mọi nỗi đau,

PV: Và luôn luôn sẵn sàng để đau. Có hai câu hỏi mà nhiều người Việt hầu như không bao giờ đặt ra là: 1. Cái đó có đáng để đau khổ không? 2. Đau khổ để làm gì? (giải quyết được vấn đề gì?)

NT1: Vậy à? Đời là bể khổ mà. Mọi cái trên đời đều đáng để ta đau khổ. Còn đau khổ để làm gì ư? Để lấy cảm xúc làm thơ, viết văn.

PV: Điều kỳ lạ là hầu hết những người đau khổ ở ta không biết mình là nghệ sĩ có tài tưởng tượng. Trừ những nghệ sĩ chuyên nghiệp như anh, họ đều đau khổ rất thật, có lẽ là do tác động của tự kỷ ám thị. Đau khổ tưởng tượng quả xứng đáng là một trong những bi kịch lớn nhất của con người. Chúng ta có thể tự hào là đang được sở hữu cái bi kịch lớn đó.


6. Cái nghèo muôn năm

PV: Xin chào nhà văn, được biết anh là "hiệp sĩ của người nghèo", xin anh cho biết ý nghĩa của cái nghèo.

Nhà văn (NV): Cái nghèo là biểu tượng thiêng liêng và cao quý của dân tộc ta, đã gắn bó với người Việt hàng nghìn năm nay, đã thành máu thịt của dân tộc. Không thể hình dung nổi người Việt thiếu cái nghèo. Anh giàu hơn tôi nhưng mười lần anh cũng không nghèo bằng tôi.

PV: Vậy người nghèo có ý nghĩa gì?

NV: Người nghèo là hiện thân và biểu tượng bằng xương thịt của tinh thần Việt, là kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất của ngừoi Việt: nghèo là trong sạch, liêm khiết, đạo đức, là văn…

PV: Là văn minh?

NV: À không, là văn... văn... nhân văn. Tức là tính người ấy mà. Chính vì vậy mà người nghèo luôn giành được những tình cảm tốt đẹp nhất, thương yêu và ưu ái. Người nghèo luôn là nhân vật chính trong các tiểu thuyết và văn học ta. Cái nghèo (và những người anh em họ như đói, đau khổ, buồn bã, nuối tiếc, than thở) luôn là nguồn cảm hứng chính và cảm xúc chủ đạo của văn chương ta.

PV: Tình hình người nghèo ở ta hôm nay ra sao?

NV: Rất đáng lo ngại. Nếu trước đây chỉ khoảng hai chục năm thôi, đội ngũ người nghèo còn vô cùng đông đảo, hùng hậu, thì nay chỉ còn chưa đầy chục triệu. Hàng vạn người nghèo đang mất đi hàng năm. Nếu ta không có biện pháp gì bảo vệ người nghèo, họ sẽ tuyệt chủng mất.

PV: Kinh khủng quá nhỉ.

NV: Chiến tranh thì hết rồi. Nếu không còn đói nghèo, ta biết lấy gì để viết đây.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân khiến số người nghèo ngày càng suy giảm?

NV: Thủ phạm chính là bọn doanh nghiệp, tức là bọn tự biến mình thành kẻ có tiền, chứ không phải những người do hoàn cảnh xô đẩy thành giàu có như trúng vé số, thừa kế hay bán đất đâu.

PV: Vậy chúng đã phạm những tội gì?

NV: Chúng phạm ít nhất bốn tội. Tội thứ nhất là chúng đã biến những người nghèo lương thiện thành nhân viên của chúng, dần dần biến họ thành những kẻ có tiền. Biến những con người dễ thương gợi cảm đã cho tôi cảm hứng làm hàng trăm bài thơ thành những kẻ hãnh tiến nhâng nháo cực kỳ phản cảm. Thứ hai là tiền đóng thuế của chúng lại làm biến mất thêm vô số người nghèo khác. Tội thứ ba là doanh thu hay quy mô kinh doanh của chúng lại khiến các đối tác của chúng mở rộng kinh doanh, làm mất thêm những những người nghèo khác. Tội thứ tư là chúng nêu gương xấu cho bao nhiêu người nghèo khác về cái tính "buôn Tần bán Sở", tính tham lam, bon chen, phiêu lưu.

PV: Vậy tiền chúng kiếm được có ý nghĩa gì?

NV: Tiền đó là một loại giấy chứng nhận cho ba tính xấu. Thứ nhất là tính liều mạng mà một số kẻ gọi là cái gan. Thứ hai là tính làm việc hùng hục như đế quốc Mỹ, nguồn gốc của mọi sai phạm. Càng làm việc lắm càng sai trái nhiều. Không làm gì cả thì làm sao mắc sai phạm được. Tính xấu thứ ba là tội mà người Việt ta không bao giờ tha thứ: tội hơn người khác (láu cá hơn, ma mãnh hơn).

PV: Tức là giỏi hơn người khác?

NV: Thì muốn nói thế nào chẳng được.

PV: Trước sự hoành hành của bọn doanh nghiệp, liệu có cách gì bảo vệ người nghèo không?

NV: Văn học nghệ thuật ta luôn đứng về phía người nghèo và đặc biệt sáng tạo trong việc này.

PV: Sáng tạo thế nào?

NV: Tôi biết bọn giám đốc doanh nghiệp toàn là bọn thân làm tội đời: thức khuya dậy sớm, làm việc chảy máu mắt, toàn ăn mì gói cho nhanh, đến lúc ăn tiệc cũng không được nghỉ. Xe hơi xịn thì nhân viên đi là chính. Thư ký đẹp thì may ra thằng trợ lý nó chọc ghẹo là chính, chứ giám đốc mà dính vào thì ăn cám cả lũ. Nhưng nếu viết như vậy thì còn gì là sáng tạo, nghe chối tai lắm. Chính mình đọc cũng không ngửi được, nói gì đến độc giả. Đã gọi là giám đốc đương nhiên phải là rượu ngon gái đẹp, nhà hàng, khách sạn, bia ôm, mặt mũi phải hãnh tiến, hớn hở, xôi thịt, tính tình phải gian dối, lừa đảo, đểu cáng, hèn hạ. Ai không tin cứ bật ti vi lên biết ngay. Nói đến nhân vật chính diện là phải đẹp trai, tài hoa, cao thượng, thờ ơ với tiền bạc, vẻ mặt luôn ưu tư như đang trăn trở cho tương lai của nhân loại (thực ra là vì không có tiền) luôn được phụ nữ săn đuổi và đặc biệt là bao giờ cũng nghèo. Thế mới là văn chương chứ. Văn là phải đẹp. Văn chương đâu phải là báo chí.

PV: Sáng tạo thật. Anh thấy người nghèo có đóng góp gì cho xã hội?

NV: Nhiều lắm. Họ kích thích người khác động não, sáng tạo để xóa đói giảm nghèo. Họ kích thích lòng trắc ẩn và tình người phát triển. Còn bọn giàu chỉ kích thích lòng đố kỵ của con người và kích thích người khác moi tiền của chúng. Người nghèo còn góp phần tạo nên một bảo tàng sống về loài người ở ta. Nhiều khách nước ngoài vô cùng sửng sốt thán phục vì ta vẫn còn bảo tồn được rất nhiều cổ vật, ví dụ như những công cụ lao động mà họ chỉ có trong viện bảo tàng.

PV: Ồ!

NV: Cái nghèo của ta có cái hay là nó toàn diện và hoàn hảo hơn so với các dân tộc khác.

PV: Vậy là sao?

NV: Các nước khác mới chỉ đạt tới cái nghèo trên một lĩnh vực nào đó thôi. Ví dụ Ấn Độ hay Trung Quốc chỉ nghèo về vật chất. Phương Tây chỉ nghèo về cảm tính và quan hệ gia đình. Còn chúng ta nghèo toàn diện: vật chất, tinh thần, trí tuệ, ham muốn, khoa học, nghệ thuật... Văn chương ta rất thanh đạm, thuần khiết, trong sáng.

PV: Quá hay. Theo anh thì phải có những phẩm chất gì để thành một người nghèo?

NV: Nhiều lắm. Thứ nhất là phải có một tấm lòng tha thiết yêu sự nhàn hạ, coi nhàn hạ là hạnh phúc cao nhất. Phải thấm nhuần tư tưởng vô vi của đạo Lão. Phải tuyệt đối trung thành với bản năng tự nhiên của mình: thích ăn là ăn, thích ngủ là ngủ, thích chơi là chơi, tuyệt đối không làm trái bản năng. Phải tuyệt đối tránh mọi cố gắng, tránh liều. Phải loại bỏ mọi ham muốn, nguồn gốc của đau khổ và chống lại mọi cám dỗ của vật chất. Nếu ta làm đúng như vậy, chỉ sau một thời gian là nghèo tuyệt đối.


7. Chơi hay làm?

PV: Chào nhà thơ, hôm nay anh không đi làm à?

Nhà thơ 2 (NT2): Hôm nay là thứ bảy được nghỉ mà.

PV: Ngày nghỉ anh sẽ làm thơ chứ?

NT2: Tôi không làm thơ, mà tôi chơi thơ. Làm thơ là công việc của thợ chữ. Còn nghệ sĩ chỉ chơi thơ thôi.

PV: À ra vậy. Vậy làm và chơi khác nhau ở chỗ nào?

NT2: Làm là một gánh nặng, một nghĩa vụ, chẳng có gì thích thú cả. Còn chơi là phải có lạc thú.

PV: Làm là tạo ra sản phẩm, có quan hệ tới chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng. Vậy khi anh chơi thơ, anh có quan tâm tới chất lượng của những bài thơ mà anh sáng tác và việc thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ của người đọc không?

NT2: Sáng tác thơ mà còn nghĩ tới độc giả thì sáng tác thế quái nào được. Tôi đâu phải con buôn.

PV: Ý tôi là trước khi quyết định có in thơ hay không, anh có quan tâm tới chất lượng thơ và người đọc?

NT2: Đó là công việc của thợ chữ, không phải của nghệ sĩ. Nghệ sĩ chỉ làm việc theo cảm hứng. Còn thợ chữ mới phải tính toán này nọ.

PV: Anh nghĩ sao về tình trạng thơ rác hiện nay?

NT2: Rác hay không là tuỳ theo thị hiếu của mỗi người. Mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, có cách cảm riêng, có luật thẩm mỹ riêng. Anh ta có thể là độc giả duy nhất của chính mình. Anh ta viết riêng cho mình. Nếu người khác cảm được thì đó là may mắn của họ. Còn nếu họ không hiểu thì đó đâu phải là lỗi của nhà thơ?

PV: Nếu vậy sao lại đi công bố? Để riêng mình đọc thôi được không?

NT2: Như vậy là ích kỷ. Phải chia sẻ cái hay cho mọi người. Nhà thơ cũng còn có trách nhiệm nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật của công chúng. Để tôi đọc cho cô nghe một bài của tôi nhan đề Tôi buồn.

Hôm nay trời tạnh trăng cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận thiên tào
Ngọc Hoàng mới hỏi: đứa nào đốt rơm?

PV: Độc đáo đấy. Lại hỏi anh thêm: người viết có cần phải trả giá cho việc viết của mình không?

NT2: Đã chơi thì tội gì mà phải trả giá. Làm thơ chứ đâu phải đánh nhau. Tôi nhớ cái lần đi dã ngoại ở cùng đoàn nhà văn Việt Nam nhân dịp được mời sang giao lưu tại Pháp. Trong khi anh em Việt Nam chọn một chỗ bằng phẳng trải ny lông ngồi đánh tá lả, uống bia nhắm mực nướng, rung đùi ngắm cảnh làm thơ, thì cả lũ Tây gồm Đức, Ý, Tây Ban Nha, thêm mấy tay Tàu và Hàn Quốc, leo trèo ngó nghiêng, lùng sục khắp nơi, ghi ghi chép chép, lôi cả kính lúp ra soi, thở hổn hà hổn hển, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trông thật là thảm hại. Sao lại thân lừa ưa nặng thế nhỉ. Leo trèo hùng hục thế thì làm sao làm thơ được. Đi chơi mà cứ như lao động khổ sai. Còn người mình làm việc gì cũng như đang chơi. Sao họ không học tập mình nhỉ?

PV: Vì vậy nên họ không có nhiều nhà văn lớn như mình.

NT2: Chúng ta có trách nhiệm phải phổ biến văn hóa chơi cho thế giới, phải giáo dục cho họ thấy rõ những đức hạnh của lạc thú. Sống thiếu lạc thú là phi nhân tính và vì thế là thiếu đạo đức. Dân Tây mới chỉ biết làm việc, chưa biết chơi.

PV: Tây có cả một ngành giải trí khổng lồ đấy chứ.

NT2: Họ mới chỉ biết cách làm ra các trò giải trí, chưa biết cách tự giải trí. Giải trí như họ có nghĩa là tiếp tục tự hành hạ mình bằng cách làm một loại việc khác. Còn ta đã biết cách tự nghỉ ngơi ngay từ khi đang làm việc.

PV: Và đến lúc nghỉ thì đầu óc ta vẫn còn vướng những việc chưa xong. Anh có nghĩ là chỉ những ai thực sự biết làm mới biết chơi?

NT2: Phải nói là chỉ những ai thực sự biết chơi mới biết làm, và nhất là mới biết sống.

PV: Dân Tây coi làm việc hứng thú là cách nghỉ ngơi tốt nhất. Anh nghĩ sao?

NT2: Nghỉ ngơi ngay trong giờ làm việc theo kiểu người mình mới là cách nghỉ tốt nhất: vừa không phải làm, vừa được tính lương, vừa được sử dụng miễn phí các phương tiện của cơ quan như điện thoại và nhiều thứ khác. Trò chơi chính của dân Tây là công việc. Còn công việc chính của dân ta là chơi.

PV: Cách nghỉ của Tây vẫn tạo ra của cải. Anh thấy sao?

NT2: Thế giới vật chất là phù du, hư ảo, nó dìm con người vào tham lam vô tận và bế tắc, không đem lại hạnh phúc. Chỉ ai ngộ được điều đó mới đạt được Đạo chơi. Chơi là cả một triết lý sống và có lẽ sẽ là đỉnh cao cuối cùng của chủ nghĩa hậu nhân văn.

PV: Vậy là chúng ta đang đi trước phương Tây, ít nhất hàng thế kỷ?

NT2: Đúng vậy. Văn minh phương Đông đã từng đi trước phương Tây. Phương Tây mới chỉ tạm ngoi lên có khoảng nửa thiên niên kỷ nay. Nay phương Đông đang trở lại, và chúng ta đi đầu trong sự trở lại này.

PV: Kỳ diệu quá nhỉ. Vậy nên chơi thế nào?

NT2: Mấu chốt của chơi là lạc thú. Hãy cho tôi biết anh tìm thấy lạc thú như thế nào, tôi sẽ cho biết anh là người thế nào.

PV: Cái lạc thú đặc sản của người mình có lẽ là thú đau khổ, còn có tên là thú đau thương. Thú đau thương là ngồi gặm nhấm những nỗi đau ngọt ngào thi vị, thậm chí lừng danh mà mình tưởng tượng và sáng tạo ra, không chỉ cho mình mà cho lẫn nhau. Ví dụ như mẹ chồng con dâu cùng sáng tạo đau thương cho nhau, rồi cả hai cùng thưởng thức. Đây là cái thú bình dân, ít tốn kém, nên rất được người mình ưa chuộng.

Có lẽ sau đợt phỏng vấn này hiểu được thực trạng của vấn đề, tôi sẽ tha hồ hưởng thú đau thương, chỉ có điều không phải đau thương tưởng tượng mà là đau thương thật.

NT2: Văn minh phương Tây giờ đây đang bế tắc. Tứ đạo Nghèo-Khổ-Nhàn-Chơi, niềm hy vọng mới của nhân loại, mà người Việt ta là đại diện tiêu biểu, cũng là bạn đồng hành của văn chương. Vì vậy, văn chương có sứ mệnh bảo vệ tứ đạo đó trước sự xâm lăng của chủ nghĩa thực dụng vật chất, vì sự tồn tại của chính mình.


8.Thượng đế là ai?

(Trong một hiệu sách...)

PV: Chào anh, xin hỏi anh thích đọc những tác phẩm văn học như thế nào?

Độc giả (DG) 1: Tôi thích những tác phẩm đem lại cảm giác dễ chịu, khiến tôi thấy tự hào, lạc quan, yêu đời hơn, nhất là những cuốn mà tôi thấy đồng cảm, gần gũi, thân quen, tìm thấy mình trong đó.

PV: Anh có thích được đọc những điều mới lạ, giống như đi du lịch ý?

ĐG1: Tôi thích đi du lịch lắm. Hồi sang Pháp, việc đầu tiên là tôi tìm một quán phở, làm ngay một tô. Cô thích cái khách sạn này không? (chỉ vào bức ảnh quảng cáo một tour du lịch trong nước) Tôi rất thích câu này: "Bạn sẽ cảm thấy y như ở nhà mình".

PV: Hay thật. Đọc sách là để tìm cảm giác gần gũi, thân quen, cũng như bỏ tiền ra mua tour du lịch là để đổi lấy cảm giác như ở nhà. Thế anh không thích những tác phẩm thế nào?

ĐG1: Tôi ghét nhất là những loại sách lên mặt dạy dỗ người khác, thiếu khiêm tốn, hoặc đọc xong thấy nặng nề, bi quan. Gặp sách như thế thì thà đi massage xông hơi hay tẩm quất còn hơn.

PV: Xin hỏi anh làm nghề gì vậy?

ĐG1: Tôi đã từng viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Bây giờ chủ yếu là làm thơ.

PV: Chào bác, xin hỏi bác thích đọc những tác phẩm như thế nào ạ?

ĐG2: Tôi thích đọc những tác phẩm phản ánh trung thực sự thật, không bóp méo, không xuyên tạc. Tôi đã từng làm nghề báo mà.

PV: Còn bác ạ?

ĐG3: Tôi thích những tác phẩm biểu dương người tốt việc tốt, tăng cường đoàn kết nhất trí, góp phần vào sự ổn định và được dư luận đồng tình ủng hộ. Tôi làm tuyên huấn mãi hơn 30 năm, mới về hưu.

PV: Còn bác ạ?

ĐG4: Tôi đánh giá cao những tác phẩm truyền bá những đạo lý tốt đẹp, gần gũi dễ hiểu với độc giả đại chúng. Trong hơn 40 năm dạy học, tôi cũng viết được vài cuốn như vậy.

PV: Còn anh thích đọc sách thế nào ạ?

ĐG5: Tôi thích đọc những gì mới lạ, làm cho tôi sửng sốt, giật mình, xúc động, cười phá lên rồi trào nước mắt, khiến tôi chìm trong lạc thú hoặc đớn đau, sau đó ám ảnh tôi, khiến tôi suy nghĩ lại về mọi thứ và cuối cùng đi tới... hành động.

PV: Chắc anh là nhà văn hoặc nhà phê bình?

ĐG5: Rất tiếc không phải.

PV: Hay anh làm về báo chí hoặc khoa học xã hội?

ĐG5: Hoàn toàn không. Tôi làm nghề buôn bán.


9. Đường tắt tới Roma
(Gặp lại nhà phê bình số 4)

NPB4: Xin chào nhà báo. Hy vọng là cô đã hiểu vì sao nước ta là thiên đường của thơ rác?

PV: Tôi tổng kết thấy người Việt ta nói chung và người viết nói riêng thường đứng trước bảy cặp lựa chọn sau :

  1. Viết tác phẩm lớn hay làm "nhà văn lớn không tác phẩm".
  2. Tranh luận để tìm ra chân lý hay để giành phần thắng.
  3. Chú trọng những vấn đề học thuật hay cá nhân con người của tác giả.
  4. Dấn thân vào cuộc sống nhiều rủi ro để có cảm giác thật hay đứng ngoài an toàn với cảm giác tưởng tượng.
  5. Làm văn chương hay chơi văn chương.
  6. Vượt qua đau khổ để hạnh phúc hay bằng lòng với phần thưởng ảo mà đau khổ đem lại.
  7. Trở thành người thành đạt nhiều thách thức hay làm người ít thành đạt yên ổn.

Trong cả bảy cặp này, vế thứ hai luôn là con đường dễ dàng hơn, ít rủi ro hơn, ít cần cố gắng/can đảm hơn và vì thế cũng đem lại ít phần thưởng hơn. Nhưng vế này hay được chúng ta lựa chọn hơn, vì nó là đường tắt tới Roma, tới phần thưởng "ăn liền", dù đó là một thứ phần thưởng ảo.

Ở cặp thứ nhất, viết được một tác phẩm lớn luôn là một công việc vô cùng khó khăn và nhiều rủi ro. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng, lao động cật lực mà còn cả sự dấn thân, lòng can đảm, sẵn sàng chấp nhận trả giá đắt bằng nhiều đớn đau và mất mát. Và đương nhiên nó cần cả may mắn nữa. Làm một "nhà văn lớn không tác phẩm" tuy không thật dễ nhưng cũng có nhiều cơ hội hơn hẳn và phần thưởng lại có vẻ hấp dẫn hơn, ít ra là về mặt xã hội.

Ở cặp thứ hai và ba, tranh luận vì chân lý cũng là một việc không dễ. Nó đòi hỏi ta phải có ý tưởng, có cơ sở khoa học và lập luận chặt chẽ, có giải pháp và hiểu biết sâu sắc và một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật/học thuật đó. Tranh luận để giành phần thắng chỉ cần hiểu biết về cá nhân đối phương, nhiều căm ghét với anh ta và một tính hiếu thắng mạnh mẽ.

Ở cặp thứ tư, dấn thân để làm người trong cuộc thực sự là một thách thức. Nó đầy rủi ro và đòi hỏi phải trả giá. Người Việt, vốn có xu hướng bi kịch hóa mọi thứ, sẽ hình dung ra một cái giá phải trả khủng khiếp hơn nhiều so với cái giá thực tế. Điều này làm tăng nỗi sợ hãi, vốn đã được giáo dục và khuyến khích từ nhỏ, ngăn cản họ dấn thân. "Biết sợ" được coi là một phẩm chất tốt của một đứa trẻ. Vì vậy, đa số người viết ta (và cả người Việt nói chung) chọn cách làm kẻ ngoài cuộc, làm khán giả của cuộc đời, dạo chơi kiểu cưỡi ngựa xem hoa đi qua cuộc sống và ngắm nhìn cuộc sống trôi đi, không dám xuống ngựa để nhập cuộc. Họ thèm thuồng đứng ở cửa sổ nhìn bữa đại tiệc cuộc đời diễn ra bên trong nhưng không dám bước vào và bằng lòng với vài món đồ ăn thừa thỉnh thoảng có một vị thực khách thương tình ném ra cho.

NPB4: Và chính ở đây, lòng can đảm dám sống, dám hành động là một phẩm chất thậm chí còn quan trọng hơn cả tài năng. Những người làm được việc giá trị chưa hẳn là những người thông minh, tài giỏi nhất, nhưng chắc chắn là những người can đảm nhất.

Ở cặp thứ năm, rõ ràng là làm văn chương khó nhọc hơn chơi văn chương. Làm đòi hỏi chú trọng chất lượng sản phẩm, tính kỷ luật và chuyên nghiệp. Chỉ có thông qua làm việc, một nhu cầu giải quyết vấn đề (làm sao tạo ra tác phẩm chất lượng?) mới thực sự hình thành và dần dần trở thành một đam mê, cảm hứng, một nỗi ám ảnh và một động lực mạnh mẽ giúp người viết vượt qua mọi trở ngại. Đương nhiên làm là phải dấn thân và phải trả giá. Chơi văn chương chỉ chú trọng tới lạc thú được viết, dựa trên cảm xúc của người ngoài cuộc, không phải dấn thân, hay trả giá, đương nhiên là cách lựa chọn dễ dàng hơn nhiều.

Ở cặp thứ sáu và thứ bảy, nghèo bao giờ cũng dễ hơn là giàu; thất bại dễ hơn là thành công và đau khổ dễ hơn là hạnh phúc. Nhưng nghèo, đau khổ và thất bại lại gây xúc động và ấn tượng hơn. Vì vậy nó đã trở thành một giá trị của người Việt. Đau khổ, thất bại, dù không ai thích nhưng lại hay được lựa chọn hơn, với tư cách như là một cách sống, cách viết và chủ đề viết. Vì vậy, trừ một vài thời kỳ không thực sự đặc trưng, gam chủ đạo trong các tác phẩm văn chương Việt là nước mắt. Các sắc thái thường gặp là khóc lóc, than thở, ngậm ngùi, nuối tiếc... đặc biệt đậm đặc trong các "truyện cực ngắn".

Phần thưởng ảo, tuy là ảo nhưng lại dễ trúng, tỏ ra hấp dẫn hơn là giải thưởng độc đắc, tuy có thật, nhưng không dành cho số đông.

Ở đây, "thơ rác", loại thơ chơi, không đòi hỏi dấn thân và trả giá, rõ ràng là sự lựa chọn khôn ngoan hơn cả.

Trong văn chương, tứ đạo Nghèo-Khổ-Nhàn-Chơi sẽ cho ra đời sản phẩm có mười đặc tính đều bắt đầu bằng chữ n: nhạt-nông-nhái-ngắn-nghèo-nhỏ-nhẹ-nhát-nhược-nhầm. Cách lựa chọn đó có lẽ hợp với cái tạng và tầm của người Việt chăng? Phải chăng đó là quyền được nhỏ bé và tầm thường, một thứ quyền cũng chính đáng không kém gì quyền được tự do sống không cần tự do?

Có cần thay đổi cách lựa chọn đó không? Nếu có thì làm thế nào để thay đổi?


10. Giải pháp nào cho thơ rác?

PV: Nếu văn thơ rác quả thật là một vấn nạn cần giải quyết thì có thể tính tới các hướng sau:

  1. Làm sao để người viết thay đổi cách lựa chọn của mình, bỏ thói quen đi đường tắt và tìm kiếm thành công dễ dàng.
  2. Chuyển từ chơi văn chương thành làm văn chương.
  3. Dấn thân vào cuộc sống để làm người trong cuộc.
  4. Chuyển cái khát vọng chiến thắng vốn chỉ xuất hiện khi tranh cãi thành khát vọng chiến thắng cơn lười và nỗi sợ hãi của chính mình.
  5. "Văn chương hóa độc giả": tách tư cách độc giả văn chương ra khỏi các cách đọc khác như đọc kiểu quan chức, đọc kiểu nhà báo, đọc kiểu chính khách thậm chí đọc kiểu nhà giáo v.v. trong cách đọc tác phẩm.

NPB4: Nghe có vẻ hay đấy. Xem ra thực hiện được điều này cũng chỉ mất công như việc làm biến mất ruột thừa ở con người hay biến người vượn thành người.

Theo tôi thì không nên quá lo lắng. Khi hàng ế đem cho không bị tẩy chay, sẽ không ai dám sản xuất nữa. Mọi cái rồi sẽ phải tuân theo quy luật tự nhiên. Cái gì tồn tại là có giá trị riêng của nó. Cái gì không còn giá trị sẽ tự động biến mất.

Sài gòn 25-04-2004.


© 2004 talawas