trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
13.5.2004
Lý Ma
Chỉ tại con tắc kè
 
1.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường gần cuối đời mới cho in một tập tiểu luận nhỏ Chỉ tại con chích chòe [1] . Ông viết rằng ai là người đầu tiên gọi con chim chích chòe là… chích chòe thì người ấy đích thực là thi sĩ. Bài này ông viết ở Mỹ và nghe đâu được chính ông dịch thẳng ra tiếng Mỹ và đọc ở một trường Đại học trong chuyến tham quan ở Mỹ. Tôi cảm thấy là lạ. Mới đọc thì thấy tưởng chừng có lý. Nhưng đọc đi đọc lại thì thấy rõ ràng là không ổn. Một lần ngồi bù khú trong quán rượu rắn, tôi nhìn thấy hũ rượu tắc kè và cũng cảm thấy nó rất hay. Rõ ràng là ai là người đầu tiên gọi tắc kè là… tắc kè người ấy cũng thi sĩ không kém (!). Cũng vậy với chìa vôi, hổ mang, cá sấu, ba ba, vú dê, ngọc dương... Cái nhảm của ông Tường chính là chỗ đó. Tại sao chích chòe là thi sĩ mà tắc kè lại là không? Gọi cái này là thơ, còn cái khác thì không thơ chứng tỏ Dương Tường và các nhà thơ cùng thế hệ ông chỉ chọn một thái độ, một hệ thống mỹ học. Các ông không hay rằng hệ thống mỹ học ấy đang thay đổi trong thơ trẻ.


2.

Cũng chuyện ông Dương Tường. Tập Thơ ngoài lời [2] của ông chỉ toàn là tranh. Những bức tranh mà theo ông phát biểu trên báo Thể thao văn hóa là chủ đề về đàn. Nói như nhiều họa sĩ nhận xét, nếu là vẽ thì Đàn chứng tỏ là một họa sĩ tồi. Vẽ ba lăng nhăng, không một nét cơ bản để bức tranh có thể đứng được. Còn nhận xét về thơ thì các nhà thơ bảo sao? Cũng là… tồi nốt vì không có một chữ nào cả! (Thơ ngoài lời mà!). Thế thì lấy cái gì để bảo chứng cho tập thơ này? Vậy mà nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh lại viết một bài về tập thơ này trên Tiền Vệ. Đúng sai, hay dở tôi không bàn trong bài viết này. Tôi chỉ nói rằng qua bài viết đó mà tôi hiểu được Thơ ngoài lời của Dương Tường ít nhiều. Dương Tường và Nguyễn Hữu Hồng Minh là hai thế hệ làm thơ cách xa nhau gần 50 năm. Như thế chứng tỏ những nhà thơ trẻ hôm nay hiểu được những cách tân, thể nghiệm thơ của các nhà thơ trước chứ không phải đạp đổ quá khứ hay hoàn toàn không biết gì đến truyền thống như các nhà phê bình gần đây chỉ trích.


3.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh không chỉ viết về Dương Tường mà còn viết về Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Giáng, Lê Đạt… - những nhà thơ có những thể nghiệm thơ quan trọng trong nước. Nhà thơ trẻ Lý Đợi gần đây trên tờ eVăn đã thực hiện, dịch và viết về các nhà thơ Việt Hải ngoại như Đinh Linh, Nguyễn Hoa, Mộng Lan… giới thiệu những thể nghiệm thơ đáng chú ý từ bên ngoài. Điều này chứng minh các nhà thơ trẻ chuẩn bị khá kĩ lưỡng khi tiếp thu cái mới đã hiểu được các giá trị thơ cũ.


4.

Trần Wũ Khang cũng chỉ là một con… chích chòe nếu như ông chỉ ngồi ở núi Xám mà ba hoa phán định thi ca theo những chủ quan và sở thích của ông. Bởi bàn về thơ trước hết không phải "có mới nới cũ" mà phải đặt định trên cấu trúc và ngôn ngữ. Ví dụ tréo ngoe như ông Khang phủ nhận hiện tượng thơ của nhà thơ Vi Thùy Linh trong khi rõ ràng những ai quan tâm đến tình hình thơ Việt ở trong và ngoài nước đều không thể không biết nhân vật này. Lại nữa, ông lại đề cao thơ của một cái tên lạ hoắc Nguyễn Vĩnh Nguyên mà dăm ba bài xuất hiện trên Tiền Vệ ai cũng thấy là thơ mực tím, hình tượng câu chữ ngô nghê, sai chính tả và chưa sạch nước cản. Lại nữa, ông lại phủ nhận thơ của nhà thơ Inrasara. Cho rằng thơ Inrasara là "phát nguyên từ không gian thẩm mỹ khác, văn hóa Chămpa, góp vào nền thơ Việt" hay "Thành tựu của Tháp nắng (tên một tập thơ của tác giả) vẫn là một thành tựu trong dòng truyền thống". Theo tôi, tập Tháp nắng và tập Lễ Tẩy trần tháng Tư của Inrasara rất hiện đại chứ không phải truyền thống. Tuy là người Chăm nhưng, nhận xét như nhà báo Nguyễn Hoàng Sơn, anh là "một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay" trong thơ hiện đại Việt Nam. Ông Khang không thể dùng "dân tộc thiểu số" để "chia cắt" như vậy. Bởi đơn giản nhà thơ Inrasara sử dụng tiếng Việt để làm thơ chứ không phải tiếng Chăm (tôi nhấn mạnh - Lý Ma) và những nhà phê bình sẽ phải căn cứ vào đó để thẩm định.


5.

Một lẽ nữa Trần Wũ Khang thiếu nhất quán. Hãy xem ông nhận xét thơ Phan Huyền Thư "ảnh hưởng trực tiếp từ Lê Đạt và phần nào từ Hoàng Hưng". Chưa hết, ông Khang còn tiếp: "có lẽ cũng nhờ tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ thơ Việt Hải ngoại mà thơ cô có giọng riêng". Phan Huyền Thư vừa ảnh hưởng trực tiếp từ Lê Đạt, qua Hoàng Hưng, qua thơ Việt hải ngoại thì lấy đâu ra "giọng riêng", thưa ông?

Dẫn chứng này và nhiều dẫn chứng khác cho thấy nhiều nhà thơ trẻ chỉ "lặp" lại cái mới từ những nhà thơ đi trước. Như thế, Trần Wũ Khang loại bỏ thành tựu của các nhà thơ đi trước chỉ đơn giản với lí do họ là U 60, U 70 thì thật là thiếu thuyết phục. Chính lối viết "chặt ngang" thiếu suy nghĩ như vậy dẫn đến những nhận định sai lệch.


6.

Ông Khang còn cho rằng sau khi dùng phương pháp loại bỏ của nhà văn Phạm Thị Hoài theo ông còn lại khoảng 20 nhà thơ là "nòi thi sĩ chính tông" và đúng là "mới" đang "đẩy cỗ xe thi ca Việt lăn tới". Theo tôi thì cái mới đâu có nhiều như vậy. Không nên lẫn lộn giữa thi pháp và phong cách. Cái mới trong Thơ Mới chỉ một dòng hai chữ Thơ Mới. Còn lại Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Chế Lan Viên… là những phong cách thơ. Cái mới trong nhóm thơ "Dạ Đài" đỉnh cao là thơ bậc thang. Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường… là những phong cách tiêu biểu. Cũng vậy cái mới của "Sáng Tạo" là thơ tự do. Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế… là những phong cách.

Có những nhà thơ cả đời mới thành, mới đóng góp vào thơ Việt một thành tựu nhỏ như Lê Đạt hoặc chết rồi vẫn lấp lửng những thành bại, những nhận định mơ hồ gió thoảng mây trôi như Trần Dần. Vì thế theo bài viết của ông Khang "chém ngang" họ chỉ vì "tuổi tác" thì đúng thật là ..."cướp đường thơ".

Mà tôi thấy các nhà thơ trẻ hôm nay qua bài viết Trần Wũ Khang còn nhiều người bị "ảnh hưởng" lắm. Phan Huyền Thư thì đã rõ. Mai Văn Phấn thì "chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của thơ tự do miền Nam tới anh từ ngôn từ cho đến giọng điệu". Bây giờ là năm 2004 mà Mai Văn Phấn lại ảnh hưởng thơ tự do miền Nam của nhóm Sáng Tạo của năm 1954 cách đây 50 năm mà ông Khang vẫn cho là mới (!), là phong cách thì quá "thương nhau như thế bằng mười phụ nhau". Nguyễn Hữu Hồng Minh thì "mới đụng sơ sơ đến chính trị vội quay lưng lại với đứa con do chính mình đẻ ra". Nguyễn Quốc Chánh thì "dẫm lên dấu chân người khác, chẳng hạn Đinh Linh", Nguyễn Quyến thì "mang dấu ấn Nguyễn Quang Thiều", Nguyễn Quang Thiều thì "ảnh hưởng thơ Mỹ hay Mỹ Latinh, cụ thể là J.Brodsky". Một nhà thơ sáng tạo thơ mà bạn đọc tinh ý như ông Khang phải ngả mũ chào người quen liên tục như vậy thì "đẩy cỗ xe thơ Việt" ra làm sao nhỉ?


7.

Còn nữa. Như Lý Đợi thì "tôi rất buồn nôn khi cứ nghe nhắc đến thơ trẻ là các sĩ phu Bắc Hà, những kẻ cầm cán bút phê bình lại lải nhải Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh…". Sao lại quá nôn nóng để phải "buồn nôn" nhỉ? Không phải là các bạn cùng thế hệ Thơ Trẻ sao? Thơ thực sự cần có thời gian để kịp đổi thay cùng thời đại và mong muốn "luyện công" của chính nhà thơ. Nếu phủ nhận những cố gắng của kẻ khác, dầu anh có nhận được vòng nguyệt quế trên đỉnh Olympe, vòng nguyệt quế đó cũng vô giá trị.

Rốt cuộc, cũng chỉ tại con tắc kè!

© 2004 talawas


[1]Dương Tường, Chỉ tại con chích chòe, NXB Hải Phòng, 2003.
[2]Dương Tường, Thơ ngoài lờI, NXB Trẻ 2003