trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
3.6.2004
Quách Hoàng Lân
Sự phát triển trong quan niệm về khách thể (Object) từ Leibniz đến Kant
 
Lời người viết: Bài viết này được thực hiện sau những buổi nghe bài giảng của Dr.Gregor Nickel ở Trường đại học Tübingen. Tôi xin chân thành cảm ơn Dr. Nickel đã cho phép tôi sử dụng các ý tưởng của ông trong bài viết này.


Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng đưa ra một tổng quan về những phản ánh triết học của thuyết quyết định (determinism) nảy sinh từ sự phát triển của khoa học hiện đại. Những phản ánh này được diễn tả trong các tác phẩm của Leibniz, Hume, và Kant. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến sự thay đổi trong quan niệm về khách thể (object) và người quan sát (observer) và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Từ rất lâu, trong tác phẩm của Leibniz, người ta đã có thể tìm thấy một "tinh thần thế giới" toàn năng. Leibniz khẳng định rằng:

Mọi vật đều diễn tiến một cách toán học, nghĩa là chúng khởi đầu trong một thế giới toàn thể rộng lớn và lớn dần đến một quy mô mà nếu một người nào có thể nhìn thấu được sự vận động bên trong của sự vật và có đủ trí nhớ và sự thông minh để xem xét và tính toán mọi tình huống thì anh ta sẽ là nhà tiên tri, và anh ta sẽ nhìn thấy tương lai ngay trong hiện tại [4, tr. 571].

Cơ sở của "bức tranh" này là sự duy nhất, sự hiểu biết toàn năng của một Thượng Đế siêu hình (metaphysical God). Thượng Đế siêu hình đó đứng tách khỏi thế giới, nhưng quan sát một cách thông suốt cái toàn thể.

Ngay sau cuộc tranh luận của Leibniz với Clarke, cái thế giới được sắp đặt hài hoà đó của Leibnitz, trong đó kiến thức và sự tồn tại cùng với nhận thức và khách thể đều phù hợp với một thiết kế có sẵn, đã bị lung lay tận gốc dưới sức nặng của những hoài nghi của David Hume (1711-1776). Trong tác phẩm An Enquiry Concerning Human Understanding (Một Câu Hỏi về Hiểu Biết Của Con Người), Hume đã liên tục cảnh báo chống lại việc mở rộng những nghiên cứu triết học đối với những câu hỏi "nằm hoàn toàn bên ngoài phạm vi của kinh nghiệm " [2, tr. 358]. Khi nghiên cứu câu hỏi về mối quan hệ nhân quả, Hume đã đưa ra một quyết định cho khởi điểm của mình: Ông đã chống lại khẳng định của Leibniz về một thế giới có sẵn từ trước (preexisting world) bao gồm những vật chất đơn giản, tồn tại ổn định không phụ thuộc vào nhận thức. Đối với Hume, hiện thực bao gồm những "nhận thức" (perceptions) và kinh nghiệm (experience). Ở đó kinh nghiệm chính là ký ức của nhận thức trong quá khứ. Do đó, những hiểu biết cá nhân của mỗi một người quan sát (observer) sẽ chuẩn bị một điểm khởi đầu cho tất cả những việc nghiên cứu tiếp theo.
Với những điều kiện đó, sẽ không có một lập luận logic cho bất kỳ một loại quan hệ nhân quả giữa các nhận thức:

Cái việc mặt trời không mọc vào ngày mai thì cũng là một mệnh đề dễ hiểu, và không đưa đến mâu thuẫn hơn là việc khẳng định rằng nó sẽ mọc lên vào ngày mai [2, tr. 332]

Như vậy, con người không thể phân chia ra một bên là những triển vọng được tạo ra bởi những quan hệ nhân quả của tự nhiên và một bên là những triển vọng nảy sinh từ tác động của con người:

Một người vào một buổi chiều đặt cái hầu bao đựng đầy vàng của ông ta lên vỉa hè gần ngã tư, có thể hy vọng hoặc là nó sẽ bay đi mất giống như là chiếc lông, hoặc là anh ta sẽ tìm thấy nó không bị đụng đến một giờ đồng hồ sau đó [2, tr. 372].

Đến đoạn cuối của sự phân tích này, người ta thấy vẫn còn lại một niềm tin thông thường trong mối quan hệ nhân quả của các sự kiện. Niềm tin đó được sinh ra bởi sức mạnh của thói quen. Niềm tin đó cũng không thể được chứng minh là đúng bằng lý trí mà nó dựa đơn thuần trên cảm giác. Hệ quả của điều đó là: toán học đã bị khước từ làm phương tiện để thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện. Theo Hume, sự chắc chắn của những suy diễn toán học không hoán chuyển được sang phạm vi của nhận thức:

Hình Học, khi được đem vào để trợ giúp triết học tự nhiên, không bao giờ có thể (...) dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về nguyên nhân cơ bản (...). Mỗi thành tố của toán học phức hợp diễn tiến dựa trên những giả thiết rằng các quy tắc đã được thiết lập bởi tự nhiên trong các phép toán của nó (...) tuy nhiên sự phát hiện ra quy tắc tự nó cũng dựa đơn thuần vào kinh nghiệm, và tất cả những lý luận trừu tượng trên thế giới sẽ chẳng bao giờ dẫn chúng ta một bước đến sự hiểu biết về nó [2, tr. 327].

Với sự phân tích hoài nghi về lý tính triết học của mình, Hume đã đặt một tiêu chuẩn cho sự phản ánh làm tiêu tan tất cả những ý định sử dụng thiếu phê phán những ý tưởng siêu hình - thậm chí cả quan niệm cơ bản và rõ ràng đến trong suốt về quan hệ nhân quả. Tuy vậy, việc áp dụng cụ thể những kết quả hoài nghi của Hume đã làm cho sự thành công trong mô hình toán học của các quá trình vật lý được xây dựng trong cơ học Newton có ảnh hưởng sâu rộng, trở thành không thể nào lĩnh hội được. Hơn nữa, vấn đề về tự do của con người vẫn chưa được phát triển đầy đủ trong các tác phẩm của Hume.

Chính tại thời điểm đó, cuộc cách mạng phê phán của Kant xảy ra. Một mặt, Kant không những khẳng định trên một quy mô rộng lớn hơn những phân tích hoài nghi của Hume, mà ông còn đẩy các lập luận đi xa hơn nữa. Ông cho rằng, chẳng có bất kỳ một khả năng nào để cho lý trí có thể tạo ra những luận điểm có cơ sở về quan hệ nhân quả của các khách thể. Mặt khác, nếu lý trí không muốn là mồi ngon cho chủ nghĩa hoài nghi phổ biến và nếu người ta muốn hiểu sự thành công của một phương hướng tiếp cận tự nhiên mang tính toán học, thì tiêu điểm của các vấn đề triết học cần phải thay đổi. Vì vậy, "một câu hỏi mang tính phê phán phải được hướng không phải ngay lập tức đến sự vật mà phải được hướng trước tiên đến tri thức " [1, tr. 17]. Nguyên lý của mối quan hệ nhân quả lúc bấy giờ không diễn tả gì khác ngoài một mô hình của quan hệ giữa khách thể và chủ thể nhận thức.

"Thuyết quyết định mang tính phê phán" (critical determinism) của Kant chính là "một nguyên lý hình thành của những nhận thức theo lối kinh nghiệm, một khẳng định và một sắc lệnh về cái điều là chúng ta nên nắm vững và hình thành những nhận thức kinh nghiệm của chúng ta như thế nào để chúng có thể thực thi những nhiệm vụ của chúng - nhiệm vụ khách thể hoá (Objektivierung) các vấn đề " [1, tr. 19]. Điều đó đã đặt ra câu hỏi về tự do theo một cách hoàn toàn mới. Hành vi của loài người bây giờ có thể được xem xét từ hai góc độ khác nhau được hình thành một cách chặt chẽ thông qua các phân tích về mặt tri thức. Như là Kant đã phát biểu, một sinh vật có lý trí có thể nhìn nhận chính mình thông qua hai quan điểm: Trong quan điểm thứ nhất thì, giống như mọi thứ thuộc về khách thể theo lối kinh nghiệm, sinh vật đó phụ thuộc vào một thuyết quyết định toàn năng (universal determinism). Trong quan điểm thứ hai, loài người có thể được thừa nhận như là các thực thể trong chính họ và do đó được thừa nhận như là một thực thể tự do. Dựa trên bức tranh này, Ernst Cassirer đã đi đến nhận định sau:

Bằng học thuyết của mình, Kant cùng một lúc vừa là một quyết định gia theo lối kinh nghiệm (empirical determinist) theo đúng nghĩa, vừa khẳng định rằng chính sự quyết định theo lối kinh nghiệm đó mở đường cho một quyết định khác hẳn về nguyên lý, mà ông gọi là cái quyết định thông qua quy luật của tinh thần hay là thông qua tự do ý chí thuần tuý. Hai yếu tố đó không hề phủ định lẫn nhau trong hệ thống của Kant, mà trái lại chúng hỗ trợ cho nhau và phụ thuộc lẫn nhau (...) [1, tr. 202].

Đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên cũng vì thế mà được thay đổi một cách cơ bản. Và Kant đã xác nhận những thay đổi đó trong khi tiếp cận nghiên cứu những thực tế lịch sử của khoa học tự nhiên thông qua toán học và thực nghiệm:

Họ [những môn đệ của tự nhiên] nhận ra rằng lý trí chỉ hiểu thấu được những gì mà nó sản xuất ra sau một kế hoạch do chính nó sắp đặt. Lý trí, một mặt vốn có những nguyên lý mà theo đó mỗi sự hiện diện độc lập hợp lý có thể được thừa nhận như là một sự tương đương với các quy luật, và mặt khác lại có những thực nghiệm do nó tiến hành phù hợp với các nguyên lý đó , cần phải tiếp cận với tự nhiên để được dạy bảo bởi tự nhiên. Tuy nhiên, nó (lý trí) cần phải làm việc đó không phải theo cách của một cậu học trò ngồi thụ động nghe tất cả những gì được ông thầy lựa chọn để giảng cho, mà phải theo cách của một quan toà được chỉ định ra để bắt buộc những nhân chứng trả lời những câu hỏi do chính mình đặt ra [3, B XIIIf, tr. 20].

Cuộc tranh luận về thuyết quyết định vẫn còn tiếp diễn, tuy nhiên nó diễn ra ở một mức độ thấp hơn những gì đã được thể hiện bởi Leibniz và Clarke hay là Bohr và Einstein. Một điểm chính thường bị bỏ qua, mặc dầu nó đã được những phân tích của Kant làm sáng tỏ, đó là: Người quan sát và góc độ quan sát của anh ta cần phải được tính đến. Cassier đã diễn tả điều đó rất chính xác bằng đoạn văn sau:

Sau những thành tựu quyết định đạt được bởi Hume và Kant trong việc phân tích các vấn đề về quan hệ nhân quả, khả năng xem xét quan hệ nhân quả như là một mối liên hệ đơn giản giữa các thực thể là không còn nữa, cũng không còn cả khả năng chứng minh hay phản bác nó theo nghĩa đó [1, tr. 20].


4.5.2004


Tài liệu tham khảo:
  1. Ernst Cassier, Determinism and Indeterminism in Modern Physics. Yale University Press, New Haven 1956.
  2. David Hume, An enquiry concerning human understanding. In: The Empiricists, Anchor Books Edition, Garten City, New York 1974.
  3. Immanuel Kant, Critique of Pure Reason. St. Martin's Press, New York 1965. Translated by Normal Kemp Smith.
  4. Gottfried Wilhelm Leibniz, Selection. Charles Scribner's Sons, New York 1951. Edited by Philip T. Wiener.



© 2004 talawas