trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
7.6.2004
Đỗ Quý Doãn
Điều quan trọng nhất là giáo dục thẩm mĩ và ý thức của con người
Báo Văn Nghệ phỏng vấn Thứ trưởng Bộ VHTT Đỗ Quý Doãn về việc quản lý internet
 
Trong bài phỏng vấn dưới đây, phóng viên báo Văn Nghệ hỏi ý kiến của Thứ trưởng Bộ VHTT về việc ứng xử với những trang web “của những người Việt sống ở hải ngoại” “không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá với Chính phủ trong nước”, mà talawas là ví dụ được nêu đích danh. Phát biểu của ông Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn tuy có một số điểm không rõ ràng hoặc có phần mâu thuẫn, nhưng chủ yếu khẳng định rằng Việt Nam không thể hoặc không nên ngăn chặn những trang web như vậy, mà phải tìm cách “đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai” và qua đó “cái xấu sẽ phải tự mất đi”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng, các cơ quan quản lí văn hoá Việt Nam không thể và không nên ngăn chặn những quan điểm không giống mình. Qua đối thoại công khai và cọ sát thực sự giữa các quan điểm khác nhau, thậm chí đối ngược nhau, cái đúng mới dần được nhận thức, bởi lẽ không ai, kể cả một chính phủ -bất cứ chính phủ nào- có thể độc quyền cái đúng. Và cũng như vậy, cái xấu có thể nằm trong mỗi chúng ta, chứ không phải là đặc sản chỉ có ở kẻ khác.

talawas
Khi Internet ra đời, một đại lộ thông tin đã mở ra xuyên qua thế giới. Con người đã xoá đi được nhiều khoảng cách về không gian và thời gian để nhanh chóng tiếp cận với các nền văn hoá, khoa học, xây dựng những nhịp cầu của hữu nghị và hoà bình. Nhưng cũng có những thế lực lợi dụng đại lộ thông tin này để chuyên trở những Cái ác và sự Thù hận đến với con người. Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên và Thứ trưởng Bộ VHTT Đỗ Quý Doãn về một số vấn đề liên quan.

PV: Thưa ông, mấy năm qua, công nghệ thông tin điện tử đã đưa người Việt Nam vào một đời sống mới thật sống động, nhưng nó cũng bắt đầu xuất hiện những thách thức mới bởi những trang Web, ông có cảm nhận thấy sự thách thức nguy hiểm đó không?

Đ.Q.D: Để đánh giá thông tin trên mạng Internet, ta phải có một cách phân loại cụ thể. Một loại thông tin đưa lên và một loại thông tin lấy từ trên mạng. Thông tin đưa lên ta cơ bản là hoàn toàn chủ động. Mức độ chưa có những sai phạm lớn. Nhưng có những cá nhân có ý đồ phục vụ động cơ cá nhân, họ thông qua những máy chủ ở nước ngoài đưa lên những thông tin, những quan điểm của họ. Điều này nằm ngoài sự quản lý của ta. Còn thông tin từ mạng, ngoài những thông tin cần thiết phục vụ cho chuyên môn thì có một mảng phát sinh do những cá nhân ngồi trước máy của họ hoặc ở những dịch vụ Internet công cộng, họ hoàn toàn tự do truy cập. Và những vấn đề tiêu cực phát sinh từ đây.

Với nước ta thời gian hoà mạng mới từ ngày 19-11-1997. Khoảng thời gian đó đối với công nghệ tin học thì Việt Nam phát triển rất nhanh. Chúng ta có gần 4 triệu người xử dụng, truy cập Internet. Số này so với tỷ lệ dân số không phải là lớn. Đặc biệt từ năm 2000 tốc độ phát triển rất nhanh. Việc khai thác thông tin trên Internet ngày càng trở nên cần thiết đối với cá nhân và các tổ chức, việc xuất hiện báo điện tử năm 2002 có nghị định 55 của CP về việc kết nối truy cập Internet. Internet là một phương tiện cung cấp thông tin lớn nhất và sinh động nhất không hạn chế về không gian và thời gian. Chính thế nó có tác động rất lớn vào sự phát triển của đất nước. Nhưng thách thức cũng không ít. Tại các điểm Internet công cộng. Người kinh doanh quá ít hiểu biết về công nghệ và nội dung thông tin. Đối với họ, khách hàng càng khai thác nhiều thời gian càng tốt, còn khai thác cái gì có hại hay lợi họ không cần biết. Đối tượng chính là thanh niên sinh viên. Trên Internet có tất cả mọi thông tin. Nếu không có quản lý tốt thì họ khai thác thông tin xấu. Có thể gọi đó là Internet đen. Hiện nay chế tài để quản lý ví dụ như đưa thông tin lên mạng. Hoặc chế tài để giảm bớt việc truy cập vào những thông tin kích dâm hay kích động bạo lực. Những cá nhân hiện nay có thể dễ dàng truy cập những thông tin này một cách dễ dàng nếu các cơ sở dịch vụ Internet không có những biện pháp quản lý rõ ràng và chặt chẽ.

PV: Mọi người Việt Nam hiện nay đều hoàn toàn tự do truy cập tất cả các trang Web. Họ có thể biết tất cả mọi thứ tốt xấu, thật giả từ một bàn phím bé nhỏ. Có hàng nghìn trang Web sẵn sàng cung cấp tất cả những gì người truy cập muốn. Báo chí trong nước có thể kiểm tra thông tin và quan điểm, nhưng chúng ta không thể quản lý được các trang Web. Có phải như vậy vô hình dung sự quản lý và kiểm soát thông tin trên báo chí lại đang trở nên ít tác dụng, vậy biện pháp hữu hiệu của chúng ta là gì?

Đ.Q.D: Đúng là ở trên Internet có tất cả mọi thứ. Quốc gia nào cũng đau đầu trong việc quản lý. Trung Quốc mới đây đã đóng cửa hàng nghìn quán Cà phê Internet. Singapore cũng có những biện pháp quản lý rất cứng rắn. Mỹ cũng rất đau đầu về chuyện này. Có người hỏi tôi nhà ông có Internet thì khi ông ngủ ở phòng ông, con ông vào Internet ông có biết không? Tôi trả lời là không. Tôi không biết và mọi người cũng không biết. Như vậy chúng ta chưa quản lý được một đứa con của chúng ta. Vậy làm sao chúng ta quản lý được Internet của cả đất nước. Internet là sản phẩm trí tuệ của con người. Con người đã sáng tạo ra nó thì cũng sẽ có cách để khống chế nó. Nhưng chúng ta phải có thời gian. Tất nhiên chúng ta cũng không thể tuyệt đối hoá sự khống chế được. Người ta tạo ra bức tường lửa thì có những người đi qua được bức tường lửa. Vậy thì để quản lý ta phải tiến hành đồng bộ các biện pháp như xây dựng đầy đủ các văn bản để có những chế tài trong việc quản lý hệ thống này. Trung Quốc quy định lứa tuổi nào mới được vào Cà phê Internet ví dụ như trên mười sáu tuổi. Nhưng ở ta mới thử kiểm tra thì báo chí ầm ĩ cả lên. Chủ của những Cà phê Internet phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin khách hàng khai thác. Một điều nữa là chúng ta không nên coi thường biện pháp kỹ thuật. Nếu ta làm chu đáo cũng sẽ ngăn chặn được một phần lớn đối với những trang Web quá xấu. Nhưng điều quan trọng nhất chính là chúng ta giáo dục ý thức và thẩm mỹ của con người. Để chính mỗi con người có thể lựa chọn đúng nhất việc làm của họ.

PV: Thưa ông, hiện nay có khá nhiều trang Web của những người Việt sống ở hải ngoại, những trang Web này thực chất là những tờ báo không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá với Chính phủ trong nước ví dụ như Talawas… ông suy ngẫm thế nào về vấn đề này?

Đ.Q.D: Mạng Internet là mạng toàn cầu. Mọi người đều tự do truy cập các trang Web và tiếp cận tất cả mọi thông tin. Nhưng việc xử dụng thông tin đó như thế nào lại thuộc về ý thức của từng người. Hiện nay có rất nhiều mạng có nhiều quan điểm khác với ta, có mạng chống đối ta và có mạng cực kỳ xấu. Ta không thể ngăn chặn mà ta phải đưa ra quan điểm của ta có tính thuyết phục cao. Ta phải chứng minh được cái xấu, cái cực đoan hay sự thù địch ở một trang Web nào đấy để người dân hiểu. Ví dụ như Talawas từ Đức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi. Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu sẽ tự phải mất đi.

PV: Một số trang Web ở hải ngoại chuyên sâu về văn hoá văn nghệ và thực tế số người Việt trong nước truy cập vào những trang Web này khá đông. Có những người truy cập để biết, để tham khảo, nhưng cũng có những người truy cập và đăng tải bài trong đó để trao đổi về những vấn đề xã hội hay văn học nghệ thuật. Phải chăng do những trang Web hay một số tờ báo của chúng ta chưa thực sự trở thành diễn đàn lớn cho người dân trong nước mà họ phải tạm thời mượn một diễn đàn khác?

Đ.Q.D: Tôi chỉ nói riêng đến những tờ báo điện tử trong nước. Đó là những trang Web của một số tờ báo đã có và các tờ báo điện tử thuần tuý. Những tờ báo điện tử này đã bắt đầu mở ra những cuộc tranh luận trực tuyến về một vấn đề. Nhưng thực tế là chưa đủ độ. Không phải là chúng ta hạn chế trong tranh luận về các vấn đề của đất nước. Nhưng tôi phải nói rằng thực tế những người cầm càng những cuộc tranh luận trực tuyến này chưa vững. Chúng ta cần phải có những người vững về bản lĩnh và nghề nghiệp thì mới chủ trì được những đối thoại trực tuyến cần trí tuệ. Nhiều cuộc tranh luận đã được mở ra là những vấn đề rất bức xúc trong đời sống xã hội kể cả những vấn đề văn học nghệ thuật. Nếu chúng ta trao đổi một cách trung thực, công bằng, khách quan có tinh thần xây dựng và vì sự phồn vinh của dân tộc thì chắc chắn sẽ làm cho những ý kiến, những quan điểm đi ngược lại lợi ích dân tộc sẽ bị lu mờ.

PV: Nhưng thưa ông, người Việt ở trong nước không thiếu những người tài, tại sao những diễn đàn của chúng ta lại ít được những người truy cập quan tâm? Phải chăng Nhà nước hay Bộ VHTT chưa thực sự quan tâm đào tạo con người để đầu tư cho một công việc hết sức quan trọng, đó là truyền bá tư tưởng và giáo dục thẩm mỹ?

Đ.Q.D: Thực chất Internet mới xuất hiện ở nước ta hơn sáu năm nay. Ngay cả những khái niệm chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ này có cái chúng ta cũng chưa rõ ràng. Báo điện tử lại còn mới hơn nữa với chúng ta. Những chuyên mục như trao đổi bàn tròn hay trực tuyến cũng mới mở ra. Chúng ta chưa có một đội ngũ mạnh những người quản lý và cả phóng viên của các tờ báo điện tử. Nhưng tôi tin trong một thời gian không xa, báo điện tử sẽ hội đủ những yếu tố như kỹ thuật công nghệ báo điện tử và trình độ báo chí.

PV: Có một số trang Web đang tồn tại và không ít người Việt trong nước đang tự do truy cập. Đó là những trang Web hoàn toàn chính trị với mục đích chống đối lại Nhà nước XHCN. Không ít những người truy cập những trang Web này phải giật mình kinh hãi kêu lên về những vấn đề ví dụ như tham nhũng hay đấu đá nội bộ: “Có những chuyện như thế ở trong nước ư?". Vậy Nhà nước và các cơ quan liên quan đã và đang làm gì với vấn đề này?

Đ.Q.D: Cuộc đấu tranh tư tưởng này rất gay go và phức tạp. Trong trận địa này nếu ta không chiếm lĩnh và không có giải pháp thì các lực lượng thù địch bên ngoài sẽ chiếm lĩnh. Theo tôi, biện pháp tốt nhất là đưa nhiều thông tin của ta lên. Thế giới đang tồn tại đầy mâu thuẫn với những hệ tư tưởng xung đột. Cho nên việc tồn tại các sản phẩm trái ngược nhau của những hệ tư tưởng đó là điều bình thường. Sứ mệnh của chúng ta là bằng nhiều cách minh chứng tính đúng đắn và bản chất nhân văn của tư tưởng chúng ta.

PV: Một thực tế cho thấy là hiện nay số người Việt trong nước truy cập một số trang Web của nước ngoài (tiếng Việt và một số ngoại ngữ khác) nhiều hơn là đọc nhiều tờ báo trong nước. Phải chăng họ là những người thích tò mò hay vì những trang Web kia hấp dẫn hơn, đáp ứng tâm tư nguyện vọng và quyền lợi của người dân hơn?

Đ.Q.D: Phải nói rằng phương thức cung cấp thông tin của nhiều trang Web, tờ báo hay những hãng thông tấn nước ngoài là rất giỏi. Trong một sản phẩm thông tin thì lượng thông tin của họ rất lớn. Họ biết đưa ra những vấn đề mà công chúng quan tâm nhất. Nếu tôi đọc hay truy cập vào một trang Web hay một tờ báo đến ba lần mà không thấy thông tin gì mới và không có gì đáng quan tâm thì tôi sẽ đi tìm nguồn cung cấp thông tin khác. Chính vì thế mà chúng ta chủ trương cải tiến cách đưa tin, giảm bớt những thông tin lễ tân.

PV: Xin cám ơn ông.
Nguồn: Báo Văn Nghệ số 23, 05.6.2004, http://vanhoagiaitri.vnn.vn/sacmauvanhoa/Trongnuoc-c.asp?PostID=2523