trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
5.6.2004
Trần Ngọc Vương
Mô hình Trung Quốc – nhìn từ cột mốc Ngũ tứ vận động
 
I. Nhận diện mô hình

  1. Nhìn xuyên suốt lịch sử nhân loại, cho đến nay, chưa một khu vực nào trên thế giới tạo lập ra và duy trì được một thiết chế chính trị - xã hội với quy mô đại thống nhất, đại tập trung tương đối ổn định và liên tục như mô hình Trung Quốc. Ở các thời kỳ khác nhau, thường là khuôn vào trong một hình thái kinh tế - xã hội cụ thể xác định, với những quy mô và vị trí địa lý khác nhau trên bề mặt địa cầu, cũng đã từng tồn tại những đế chế hùng mạnh, rồi lần lượt trở thành quá khứ huy hoàng nhưng cũng là quá khứ tuyệt đối ở một số không nhiều lắm các tộc người, các nhóm tộc người, mà thậm chí việc tranh chấp quyền thừa kế tinh thần đối với các "vầng hào quang quá khứ" giữa họ lắm lúc từng trở nên là nguyên nhân trực tiếp của những cảnh đầu rơi máu chảy cả sau khi các đế chế kia đã từ lâu trở thành "thiên cổ". Có thể tiên liệu ngay từ bây giờ rằng cái mô hình đại thống nhất, đại tập trung đó sẽ còn tiếp tục lâu dài trên đất Trung Quốc. Chưa bàn tới (mặc dù cũng thật cần bàn) tính tất yếu, và từ góc nhìn khác, tính hấp dẫn, của mô hình thiết chế này, trước hết cần khẳng định tính độc hữu mà người Trung Quốc đã đạt được.

  2. Về mặt lý thuyết, thì mô hình ấy, trên đại thể đại đồng tiểu dị, có mặt trong hầu hết các học thuyết triết học, chính trị - xã hội, đạo đức hay tôn giáo có thuộc tính xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa từ xưa tới nay, từ Tây sang Ðông. Tinh thần quốc tế vô sản trong nội dung lý thuyết của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - và ở nhiều thời điểm cũng từng là một thực tế - là sự đồng vọng của yếu tố lý thuyết ấy. Sự tương tự trong điểm hồi quy lý luận trở thành một sự phổ quát hóa trừu tượng, một thứ "ý niệm tuyệt đối" có mặt trong tất cả các lý thuyết và chủ nghĩa kia phải chăng đã tìm được một "sự tha hóa" - theo cách diễn đạt của Hêgel - thành "thực tại trần gian" đáng tin cậy, một khi cái thực tại ấy đã đạt tới một kỷ lục về sự trường thọ vài ngàn năm lịch sử?

  3. Khi khẳng định rằng cái thiết chế chính trị - xã hội mang quy mô và tính chất đại tập trung, đại thống nhất tồn tại vài ngàn năm nay trên đất Trung Hoa, dĩ nhiên người am hiểu lịch sử - vốn cực phong phú và phồn tạp - của quốc gia này, như một phản xạ tri thức, sẽ tự tái hiện trong đầu mình cơ man những thời loạn và những cuộc biến loạn, những trang sử rách nát và rời rạc, hậu quả của bao lần chia rẽ, cát cứ, phân ly, những biến cố gây tủi hổ bởi tay của những "Man, Di, Nhung, Ðịch", của những "tặc tử, loạn thần" - kẻ thù truyền kiếp cho những giấc mơ "đại đồng, đại khang" vốn đã thăng hoa lên từ viễn cổ. Vượt lên, hay bất chấp, hay kể cả khi đã khấu hao phần trị số âm của những gì tương tự đã kể, cái mô hình đại thống nhất, đại tập trung kia vẫn "chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình", vẫn mùa lại nối mùa cho thu hoạch.

Nhưng dĩ nhiên, mô hình đó, như mọi thứ nếu đã chấp nhận tồn tại, cũng phải "tùy thời biến dịch". Và lần "đại biến" quan trọng nhất của mô hình, theo ý riêng của người viết những dòng này, chính được khởi sự từ cuộc tiếp xúc - đụng độ - sinh khắc giữa phương Ðông với phương Tây, giữa chủ nghĩa tư bản đã tiến đến cung đường thực dân - đế quốc với một hóa thân lịch sử của chính cái mô hình kia, trong đó, một cơn kịch phát được thể hiện ra thành phong trào chính trị - văn hóa - xã hội có tên là "Ngũ Tứ vận động". Như đã biết, do chỗ từ xửa từ xưa, đối với người Trung Hoa, nghĩa thứ ba, mang tính hợp đề của Dịch bất dịch, là dĩ bất biến ứng vạn biến, nên giờ đây, mô hình này sẽ kinh qua sự tân tạo, tân trang, canh cải để rồi, tuy không vũ như cẩn, nhưng vẫn cứ là thuộc dòng chính thống, gốc cả rễ sâu, truy nguyên vẫn cứ con nhà tông, không chỉ giống lông, giống thay cả cánh!


II. Ðiều xảy ra đối với mô hình thời Ngũ Tứ vận động

  1. Ðã có nhiều công trình bàn tới sự đổi thay muôn mặt của xã hội Trung Quốc liên quan tới cuộc tiếp biến Trung - Tây thời cận sử. Tôi chỉ bàn tới ở đây những gì liên quan tới sự tồn tại và vận động, biến thiên của mô hình chính trị - xã hội đang được đề cập.

    Có lẽ không khó khăn lắm khi phải tìm bằng chứng để khẳng định rằng trong lịch sử tư duy chính trị của người Trung Hoa cho tới tận thời điểm có sự tiếp xúc toàn diện với phương Tây, thật quá ít chỗ để những tư tưởng về một mô hình chính trị dân chủ có thể được khẳng định và sinh sôi nảy nở. Trong các học thuyết có tham vọng hướng đích là trở thành lý thuyết chính trị - xã hội từng "mọc lên" trên đất Trung Hoa xưa, chủ yếu là vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc, chỉ có thể nói đến sự manh nha của những ý tưởng như vậy trong học thuyết của Mặc Ðịch. Do những nguyên nhân đến nay vẫn còn là bí ẩn, sau một thời gian ngắn phát triển và gây ảnh hưởng khá bồng bột, đến mức Mạnh Tử phải than thở, lo lắng, phái Mặc gia bỗng nhanh chóng lụi tàn, chuyển thành phái "biệt Mặc"một thời gian ngắn nữa, rồi cơ hồ mất hẳn, hoặc ít nhất, thôi tồn tại với tư cách là một học thuyết độc lập. Có thể có chỗ cho triết luận bất khả tri, hay cho tư tưởng vô chính phủ, nhưng khó lòng có chỗ cho tư tưởng dân chủ trong triết học Lão Trang. Hai trong số các học phái lớn nhất phát triển tới hạn, trở thành các học thuyết ý thức hệ và vì vậy, trở thành những kẻ tử thù chính trị truyền kiếp, "bất cộng đái thiên" của nhau, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Hoa là Nho giáo và phái Pháp trị thì đều là những học thuyết thù địch với tư tưởng dân chủ. Việc xác định pháp nhân sở hữu ở Trung Hoa xưa là công việc tối quan trọng, mang ý nghĩa sinh tử, và mọi ngả đường tìm kiếm đều có vectơ hướng thượng, dẫn tới quán tính thường trực là xác định chủ thể sở hữu đối với các thực thể tự nhiên bằng các thế lực siêu nhiên. Quyền lực thực tế được thừa nhận khi và chỉ khi nó đã được mạ lên một lớp sơn bí ẩn của thần quyền, của tha lực thiêng liêng. Thời đại đế chế hóa ở Trung Quốc cổ đại được đánh dấu nhận diện bởi sự tồn tại "ngoài mọi tầm kiểm soát" của ngôi vị Hoàng đế, và là Hoàng đế - Thiên tử, một ngôi vị "bất khả tư nghị". Từ đó trở đi, cái nguyên tắc lập pháp tối hậu "Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần" (khắp mọi nơi dưới gầm trời, không nơi nào không phải là đất của vua; từ mọi miền đất tới mọi bến nước, không ngưòi nào không phải là bề tôi của vua) trở thành "chân lý tuyệt đối, vĩnh cửu" cho mọi thời đại. Cần nói ngay ở đây rằng cái "chân lý" ấy hiện thời vẫn được khắc chữ to trên tấm bia lớn bằng đồng, dựng trên nền cũ của đền thờ thần Xã Tắc tọa lạc giữa công viên Trung Sơn cạnh Cố Cung! Mô hình đại thống nhất, đại tập trung trở thành mô hình duy nhất được thừa nhận phổ biến ở Trung Hoa là bắt đầu từ đó. Mô hình ấy đương nhiên phải được gắn với một thực tiễn đế chế và ngôi vị Hoàng đế - Thiên tử.

    Không phải mô hình ấy từ khi xuất hiện là mặc nhiên nhi nhiên tồn tại, chưa hề chịu đựng những thử thách. Ngược lại. Chỉ có điều mọi sự phản biện, phê phán, kể cả việc "thay thế vũ khí phê phán bởi sự phê phán bằng vũ khí" vẫn chưa (hoặc không) dẫn tới sự thay đổi mang tính đột biến cách mạng nào cho mãi tới gần đây. Vô số những cuộc xưng bá đồ vương, cát cứ nhằm tạo lập "những khoảng trời riêng" ở mọi thời chống đối hoặc xa lánh chính quyền Trung ương, vô số những cuộc "tụ nghĩa, phất cờ" mà một phần lớn trong số đó được gọi bằng một tên gọi khác là những cuộc "khởi nghĩa nông dân" chính là thực tiễn sinh động của những nghịch lưu ấy. Ðiều khá đặc biệt là kể cả những thời điểm quyền lực của Hoàng đế Trung Hoa, của chính quyền chuyên chế Trung Hoa yếu kém, các thế lực địa phương hoặc thế lực ngoại xâm trở nên lấn lướt, hay thậm chí cả lúc các thế lực này tranh cướp được địa vị của chính thể Trung ương, rõ rệt nhất là các vương triều có nguồn gốc ngoại nhập, như thồi Lục Triều, Ngũ đại -Thập quốc, Nguyên, Thanh... thì rồi dần dà, mô hình ấy vẫn trở lại là mô hình hấp dẫn, mô hình lý tưởng cho chính các thế lực xa lạ ấy. Rất khó chứng minh những nỗ lực thực sự nghiêm túc và cơ bản của các "tân triều" nhằm xóa bỏ hay cách tân triệt để đối với cái mô hình đại thống nhất, đại tập trung ấy. Lối mòn lịch sử đã dẫn dắt các lãnh tụ của các cuộc phiến động hay như người ta thường gọi, các cuộc "khởi nghĩa" kia, trong chừng mực có cơ hội thành công, thực hiện một bước đổi đời giản dị, từ đại ca trở thành đại vương. Vì thế mà có châm ngôn tổng kết "được làm vua, thua làm giặc". Có lẽ chỉ tới cuộc nổi dậy của phong trào "Thái Bình Thiên Quốc" mà từ nguồn gốc đã chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây Thiên chúa giáo, mới có thể nói đến những dấu hiệu - dù vẫn là bất thành, chưa thành, của một tư duy chính trị, tư duy về quyền lực theo lối khác.

  2. Có lẽ, điều kiện tiên quyết của một sự ổn định, ổn định đến mức bảo thủ, và bảo thủ đến mức mê muội trong lề thói tư duy chính trị của Trung Hoa tiền cận đại là cách hình dung của các chủ thể quyền lực ở đó về "thiên hạ". Ngay ông vua thực gần cuối triều Mãn Thanh là Quang Tự cùng với Từ Hy Thái hậu trong quốc thư giao dịch với các nguyên thủ của "liệt cường" đang xâu xé đế chế, vẫn hồn nhiên gọi họ bằng các danh xưng quá lắm là "ngang tầm" với các phiên vương của Thiên triều. Từ chỗ cảm nhận, đi dần tới chỗ nhận thức lý tính cho đầy đủ, cho toàn diện về sự tồn tại "đáng kể" của các "thiên hạ" khác, hiểu cho được cái điều "thiên ngoại hữu thiên" (ngoài trời có trời), các chủ thể quyền lực trên đất Trung Hoa thời cận - hiện đại mới từng bước thay đổi kiểu tư duy chính trị của mình. Và vì thế, nhờ thế, mô hình đại thống nhất, đại tập trung truyền thống, thứ mô hình duy nhất được thừa nhận và say đắm trước đây, mới được tân trang, chỉnh hình cho phù hợp với những điều kiện mới, hoàn cảnh mới.

  3. Ðổi thay quan trọng nhất liên quan đến mô hình thiết chế chính trị - xã hội mà phong trào Ngũ Tứ đưa lại, theo chúng tôi, là việc truyền bá vào trong nhận thức mang tính đại chúng rộng rãi tư tưởng dân chủ. Không so sánh đâu quá xa, chỉ cần đối chiếu với những gì diễn ra trong quãng thời gian trước sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) cũng rõ.

    Ai cũng biết, cuộc Cách mạng này được định danh là cuộc Cách mạng dân chủ tư sản. Lãnh tụ tối cao của cuộc cách mạng, bác sĩ Tôn Dật Tiên đã từ rất sớm đề xướng chủ nghĩa Tam dân, một học thuyết mà nội dung thể hiện rõ ràng những ảnh hưởng của hệ tư tưởng dân chủ tư sản có nguồn gốc Âu - Mỹ. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, những thắng lợi cục bộ mà cuộc Cách mạng này giành được lại không phải, đúng hơn, chưa phải là việc hiện thực hóa chủ nghĩa Tam dân vào thực tế. Những diễn biến tiếp theo, đặc biệt là những biến cố dẫn đến việc thúc ép Tôn Trung Sơn từ chức, đám quân phiệt ồ ạt ngóc đầu dậy khiến ta nhớ tới hiện tượng mang tính chu kỳ vào những khoảng khắc xã hội truyền thống Trung Quốc bước vào thời loạn: "Anh hùng hào kiệt bốn phương nổi lên như ong". Và một trong những tên quân phiệt - hào kiệt ấy đã đeo đẳng trở lại giấc mơ truyền thống của mô hình quyền lực. Việc Viên Thế Khải tái lập lại được địa vị Hoàng đế, cho dẫu lâm thời đã làm lộ ra sự mong manh của những tư tưởng dân chủ trong ý thức đại chúng, kể cả những phần tử được coi là yếu nhân của đảng cách mạng. Trên một phương diện quan trọng, tôi cho rằng phong trào Ngũ Tứ vận động vừa là sự tiếp tục cuộc cách mạng Tân Hợi, đưa nó phát triển vào chiều sâu, vượt lên khỏi những điểm dừng mà một trong những lực quán tính níu kéo nặng nề nhất chính là sức nặng của mô hình thiết chế chính trị - xã hội truyền thống, vừa là sự vượt qua đối với cuộc cách mạng đó. Tình hình ấy sẽ trở nên rõ ràng khi lưu mục kỹ hơn đến thực tế thành phần tham gia vào Ngũ Tứ vận động: không chỉ đóng khung trong khuôn khổ của một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nó lôi kéo được cả những lực lượng khác, trở thành một phong trào văn hóa hướng tới đại chúng, có sự tham gia đông đảo tích cực của đại chúng.

Sự đổi thay to lớn trong ý thức của hầu hết các tầng lớp cư dân Trung Quốc - trong chừng mực họ có sự quan tâm đến những vấn đề cơ bản của mô hình nhận thức về "thực tại trần gian", nghĩa là về diện mạo và cấu trúc của cõi người, về phương thức khả dĩ tổ chức và điều hành cái thực tại ấy - chính là ở chỗ, hóa ra, thiên hạ không phải, không còn chỉ là một đại lượng số ít, và cũng không còn, không thể chỉ còn là "đồ trong túi" của một dòng họ hay của một người, dù người đó nhân danh sự ủy thác tối cao, tự phán là riêng nhận được mandat celestre (thiên ý) từ nơi "thăm thẳm tầng trên". Không phải điều mà đối với những cái đầu duy lý, lành mạnh, có tri thức khách quan tối thiểu về thế giới thì là chuyện đương nhiên ấy lại không gây đau khổ cho vô khối những đấng bậc tự coi mình là kẻ "đến với thế gian này để mà cai quản nó", những dật dân "buông câu đợi thời", ngồi chốn lều cỏ "bất xuất kỳ môn" nhưng tự tin ngút ngàn vào khả năng "nắm việc thiên hạ trong lòng bàn tay". Hoàng đế Trung Quốc bị tước đoạt một cách khá "phũ phàng" cái quyền làm "bề trên tự nhiên", không những thế, còn nhiều phen liên tiếp bị biến thành "chúa Chổm" cả về tinh thần lẫn về vật chất của các thế lực vốn đến tận giờ đây hãy còn chưa ra thoát khỏi cái vòng kim cô của tâm lý sô vanh made in China là bọn Di Ðịch! Va đập với những tha lực khác nhau, sĩ dân Trung Hoa lần hồi nhận ra, như một thương gia nổi tiếng người Hàn Quốc sau này sẽ nói, rằng "thế giới thật là rộng lớn và còn nhiều việc phải làm". Cái trạng thái tâm lý uất ức, "ứ chịu" đó được Lỗ Tấn diễn tả "không thể hay hơn được nữa" qua cửa miệng của một chàng AQ vào chính cái thời điểm bị dẫn giải ra pháp trường nhận lấy hình phạt tột cùng cho một cái tội mà mình không phạm. Kẻ hảo hán mà AQ hứa hẹn rằng sẽ quay lại trên đời khoảng ba chục năm sau, kẻ mà AQ hàm ý là hậu thân của anh ta, hóa ra quay lại thực, tuy trong dạng thức ít ai nhận ra nổi.

Mô hình đại thống nhất, đại tập trung về cơ chế tổ chức và quản lý, điều hành xã hội - đúng hơn, trong hệ khái niệm của chính trị học Trung Hoa cổ truyền, phải diễn đạt là "trị thiên hạ" - hoàn hồn trong khoảng khắc với đợt tức vị ngắn ngày của một trong những tên quân phiệt điển hình "vận hành hết cơ số" là Viên Thế Khải. "Màn cuối cùng của một hình thái kinh tế xã hội là tấn hài kịch của nó" - như lời K. Marx - cũng tỏ ra ứng nghiệm trong trường hợp này: chính cuộc vận động dân chủ hóa quan trọng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã diễn ra trên cơ sở "nguồn cảm hứng trực tiếp" là chống lại Viên Thế Khải, cụ thể hơn, chống lại việc phục hồi hoàng quyền của y. Kết hợp với những nhu cầu canh tân, tiến hóa, cải cách khác, cuộc vận động đó triển khai thành một phong trào sâu rộng, lôi kéo, thu hút sự tham gia đông đảo của hầu hết các tầng lớp, các giai cấp, các địa bàn khác nhau trên lãnh thổ Trung Quốc. Một trong những sản phẩm - hệ quả của phong trào đó là sự ra đời của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng nhìn rộng ra, sản phẩm của phong trào cũng còn là - và nếu nhìn diễn biến trong tính liên tục cũng như trong một khoảng thời gian gần hơn thì còn quan trọng hơn, là - sự tồn tại thực thụ của một chính thể dù sao mặc lòng vẫn cứ là khác biệt về chất: chính thể "dân quốc" của Tôn Trung Sơn, được duy trì bởi nhiều yếu nhân khác tiếp theo của Quốc dân Ðảng.


III. Và "hậu Ngũ Tứ"

Nhưng sau tất cả những biến cố lịch sử phức tạp và vô cùng phong phú, về phương diện định hướng, mô hình thể chế đại thống nhất, đại tập trung đã không những không "tiêu biến, tan mòn" mà nó còn tìm kiếm - và tìm kiếm được - những cơ sở mới làm điều kiện "cần và đủ" cho sự tồn tại tiếp tục của nó. Trên những nét cơ bản và định hướng tổng thể, cả Mao Trạch Ðông lẫn Tưởng Giới Thạch và những người kế nhiệm họ, cả chính thể Quốc dân Ðảng lẫn chính thể Cộng sản trên đất Trung Quốc đều chưa bao giờ có ý định từ bỏ mục tiêu xây dựng một chế độ xã hội mang tầm cỡ vĩ mô, chí ít ra là ứng được với cái "thiên hạ"từng tồn tại trong khung khổ quyền lực của các đế chế trên vùng đất "cũ".

Ðiểm "mắc míu" trở thành nghịch lý của việc tái thiết mô hình đó ở Trung Quốc sau Ngũ Tứ vận động chính là việc chấp nhận những nhu cầu dân chủ hóa một cách toàn diện cho mọi thành viên thuộc cộng đồng hữu quan. Trên bình diện nhận thức về những vấn đề quan trọng hàng đầu của triết học lịch sử, những nội dung "dân chủ, cộng hòa" chỉ có thể trở thành những nội dung của nền chính trị hiện thực khi và chỉ khi những thế lực cầm quyền thừa nhận sự tồn tại toàn vẹn của mọi cá nhân tự do. Không phải là tiền đề duy nhất, nhưng cá nhân tự do lại chỉ tồn tại được trên cơ sở sự độc lập về sở hữu, hiểu theo nghĩa rộng là sở hữu toàn diện mọi thứ thuộc về mình và chỉ thuộc về mình, dĩ nhiên trong đó có sở hữu tài sản. Ngũ Tứ vận động là một phong trào xã hội, nhưng xuất phát điểm của nó lại là những vấn đề bức thiết của vận mệnh dân tộc, vận mệnh quốc gia, phong trào được dấy lên và mở rộng trong tình huống "bức bối trăm chiều" ,không chỉ bị "thù trong" mà còn bị cả "giặc ngoài" chống lại một cách quyết liệt, thậm chí "giặc ngoài" lại là kẻ thù nguy hại nhất. Giải pháp truyền thống đã trở thành kinh điển để chống lại "giặc ngoài" hữu hiệu là các thành viên của cộng đồng từ bên trong thường phải tự nguyện chấp nhận quên đi những quyền lợi của cá nhân, mang màu sắc cá nhân, để cho lợi ích quốc gia- dân tộc được đề lên thành những mục tiêu hàng đầu. Với sự hiện diện của "liệt cường" khi phong trào này nổ ra, không khó hình dung rằng những mục tiêu tối hậu của một phong trào vận động dân chủ chỉ có thể đạt tới những kết quả cục bộ.

"Vương thổ" được thay thế bằng quyền lợi và niềm tự hào dân tộc, "thần dân" được hình dung bằng hình ảnh "quốc dân" nhưng vẫn chưa phải là người "công dân", "Hoàng đế" thôi tồn tại nhưng sự thiêng liêng của đế vị đã được thay thế hữu hiệu bằng sự sùng bái lãnh tụ. Không chỉ Mao Trạch Ðông mới được sùng bái, mà các lãnh tụ Quốc dân Ðảng cũng được đòi hỏi sùng bái không kém. Và những cơn sùng bái mang dáng dấp của những cơn sang chấn thần kinh tập thể đối với "lãnh tụ tối cao", như từng chứng kiến vào thời được gọi là "Ðại Cách mạng văn hóa vô sản" đã dẫn tới những thảm họa thế nào, ai cũng rõ.

Ẩn sau những ba động của các sự kiện, mối quan hệ giữa cộng đồng và các/mọi cá nhân thành viên vẫn chưa có những đổi thay đáng kể về chất, cho đến tận sau cái chết của Mao Trạch Ðông.

Mô hình chính trị - xã hội đại thống nhất, đại tập trung theo kiểu cũ được thiết định trên cơ sở xác lập và duy trì những mối quan hệ đặc biệt giữa vương triều - quyền lực Hoàng đế tối cao - với các cộng đồng công xã có quy mô làng họ. Tính chất huyết thống đậm đặc, mở rộng và kéo dài "không biên giới" làm thành nét đặc sắc của các cộng đồng vi mô này, và phả sức sống của nó ngược lên tận cơ chế của chính quyền Trung ương. Vương hữu vừa bị nhận dạng là tư hữu trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chẳng hạn như khi gọi chính thể đó là phong kiến, lại vừa được hiểu và tuyên truyền công khai trong nhiều tình huống khác, là công hữu. Chẳng thế mà không ai ngạc nhiên, không ai thắc mắc khi bức hoành phi trên công đường, ngay sau / phía trên chỗ Bao Công và những ông quan tương tự ngồi "thực thi công vụ" đề lồ lộ bốn chữ "Thiên hạ vi công"! Ðến vua Thiên tử cũng không là chủ sở hữu đích thực. Chủ nhân ông đích thực của vạn sự trong thiên hạ là Trời - Thiên phụ kia! Mà đã thế, "gẫm hay muôn sự tại Trời", mọi "thực tồn" đều là tạm bợ, là "gửi", thì đòi chi cái quyền "ảo trong ảo"? Không ít đấng quân vương vẫn than thở về tuồng ảo hóa của cõi nhân sinh là vì thế. Mặc cảm được mô tả là mang tính chất hư vô chủ nghĩa ("đi dưới bóng của cái ô thủng") mà Edgar Snow hình dung về những năm tháng cuối đời của Mao Trạch Ðông cũng có nguồn gốc sâu xa từ đó. Sự thảng thốt bất an của con người tưởng như có quyền hành vô biên ấy chẳng cũng là sự bất ổn của cái mô hình thể chế mà ông dốc trọn tâm lực một đời - một cuộc đời dù sao chăng nữa cũng không hề tầm thường - để theo đuổi?

Sau một phần tư thế kỷ tiến hành cải cách, không chỉ khắc phục những hậu quả của cách mạng văn hóa, mà thực sự còn là đối diện trực tiếp với những vấn đề hiện đại hóa mang ý nghĩa sống còn của một quốc gia đặc biệt - không thể nói rằng Trung Quốc không phải là quốc gia như thế khi nó gồm 1/5 nhân loại - ban lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm vừa đưa ra để quốc hội thông qua những thay đổi, điều chỉnh và bổ sung quan trọng đối với Hiến pháp. Bổ sung quan trọng nhất, không phải theo nghĩa liên quan đến vấn đề mà chúng ta bàn tới ở đây, mà theo nghĩa đột biến nền tảng cơ bản của một xã hội có một lịch sử thành văn 5000 năm liên tục, chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng chính trị quyền tư hữu được chính thức xác lập như là nguyên tắc pháp định tối cao.

Chắc chắn rằng sự thay đổi to lớn ấy trong hiến pháp Trung Quốc sẽ khiến cho mối quan hệ, cung cách điều hành quản lý xã hội của tầng lớp cầm quyền với cư dân sẽ có những đổi thay mang tính hệ quả đột biến. Duy trì mô hình thể chế xã hội đại thống nhất, đại tập trung trong trường hợp này theo cách nào hẳn sẽ là một vấn đề mang tính thời sự mà cũng mang tính cơ bản, tính nguyên tắc lâu dài. Hãy chờ xem, và hãy vận động tư duy cùng họ!

Hà Nội đầu tháng 5/2004

(Viết nhân 85 năm Ngũ Tứ vận động)


PGS. TS. Trần Ngọc Vương,
Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội

© 2004 talawas