trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
13.12.2002
Nguyễn Hoàng Sơn
Lớp trưởng gỉa mới và những tín điều văn chương
Nhân đọc tập "Phê bình văn học của tôi" của Nguyễn Thanh Sơn, NXB Trẻ, 2002
 
Trong mục Góc đọc-Giá»›i thiệu sách, ngày 13.11.2002 Talawas đã đăng bài Má»™t cuốn sách đáng đọc, má»™t nhà phê bình đáng chú ý của Nguyá»…n Quang Lập, và ngày 17.11.2002 bài Trao đổi về "Má»™t nhà phê bình đáng chú ý" của Tam Lệ về tác phẩm "Phê bình văn học của tôi" của Nguyá»…n Thanh SÆ¡n. Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây của Nguyá»…n Hoàng SÆ¡n trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Hà Ná»™i, tháng 11.2002, cÅ©ng về tác phẩm này.  Talawas
... Những luận điểm của Nguyễn Thanh Sơn thật khó nắm bắt, nó được rào đón, che đậy, như con dơi khéo che đậy bản chất thực của mình. Thanh Sơn kiêu ngạo vì... cái sự ít tuổi của mình, cái sự sinh sau đẻ muộn khiến anh đồng hành được với internet và vô số những tiện nghi hiện đại khác. Anh hợm hĩnh trước "Một thế hệ viết bằng bút bi ...lại lo lắng cho một thế hệ viết bằng máy tính", cười nhạo "một nhà văn già khóc vì thương thế hệ trẻ không chịu đọc Kant hay Niezstch", bởi vì anh biết bao nhiêu thứ còn cao siêu bằng mấy! Anh châm biếm một thế hệ người đọc "vừa ra trận địa vừa thổn thức về một Bình minh mưa", những người " nghiền ngẫm Nhà thờ Ðức bà Paris, sách Trích giảng Văn học lớp bảy hay Phương pháp gieo mạ với một sự cẩn trọng như nhau ".Thế hệ Thanh Sơn bây giờ "oai" hơn nhiều , họ có thể "rẽ vào những trạm bán sách điện tử, trả tiền để nạp bản mới nhất vào công cụ đọc sách điện tử..., hoặc tải thẳng chúng từ internet". Sợ chưa! Nhưng còn nữa "Người ta cũng phải quen (!) với việc họ thay đổi tuỳ thích màu nền của những trang sách điện tử, hay tự thiết kế hình ảnh của cuốn sách mà họ đang đọc". Thật y như một sân khấu nhạc rock, nơi nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn sẽ xuất hiện với cương vị "chủ soái", kè kè chiếc máy tính xách tay như anh hề không rời cây gậy và chóp mũi cà chua, rao giảng những điều thật tót vời. Anh không để cho ai nghi ngờ về sự trẻ trung, hiện đại, ưu tú của mình. Nhưng rất nhiều khi anh lại đóng vai một "ông cụ non" (chữ của Nguyễn Quang Lập, một người hâm mộ Thanh Sơn) vỗ về, dạy bảo, chăn dắt những người cùng lứa . Anh phán xét "vốn văn hoá của các cây bút trẻ quá mỏng", xoa đầu Vi Thuỳ Linh "Biết viết gì về một tập thơ của một nhà thơ khi đã được xuất bản. Viết rằng cô còn rất trẻ, và có vẻ vô cùng thông minh". Cái lối xoa đầu này khiến Vi Thuỳ Linh nổi khùng lên cũng là điều dễ hiểu! Tính cách dơi còn thấy rõ trong nhiều mối quan hệ khác. Thanh Sơn đứng trên những quan điểm thực dân để chê bai, khinh bỉ văn hoá dân tộc Việt nhưng lại dạy dỗ những người viết trẻ cần "Bao dung, độ lượng (!) với cả những cái cũ". Anh đóng vai nhà phê bình đối lập nhà văn , đòi hỏi "trả phê bình lại cho độc giả", rồi lại thèm muốn vinh quang của người sáng tác " nhà phê bình cũng phải đồng thời là một nhà văn"! Những lập luận nguỵ biện kiểu con dơi này được che đậy thêm bằng một lối viết màu mè, "mượn áo trăm nhà". Tuy nhiên, không phải không thể nắm được cái đuôi khỉ đã được nguỵ trang thành cây cột cờ giồng sau ngôi miếu giả sơn phết cầu kì. Một sự bóc tách tỉ mỉ sẽ cho thấy Thanh Sơn là " nhà phê bình sáng giá của tương lai...đau đáu với văn học nước nhà...bình tĩnh và công bằng...khúc chiết và lịch lãm..." (Nguyễn Quang Lập), hay chỉ là người phát ngôn cho một nhúm trưởng giả mới khiếp nhược trước những hào nhoáng của phương Tây, dè bỉu chê bai văn hoá dân tộc mình, với giọng điệu xấc xược đôi khi trở nên khiêu khích?


1. Kẻ khinh mạn dân tộc mình một cách không giấu giếm

Cuốn sách của Thanh Sơn có thể chia thành hai phần. Phần đầu là những bài mang tính "tuyên ngôn","lí luận chung". Phần sau là những bài thẩm định những tác giả cụ thể .Thanh Sơn không hề che dấu thái độ khinh bỉ của mình đối với văn hoá, văn học Việt, rõ nhất trong bài "Di sản và đổi mới văn chương Việt Nam". Trước khi lên giọng kẻ cả bảo ban các nhà văn trẻ nên tiếp nhận "những lỗ hổng của nền văn hoá dân tộc" bằng "một tấm lòng khoan hậu", "bao dung" (ghê chưa!), Thanh Sơn dùng tới hai phần ba bài viết để xỉ vả văn hoá Việt Nam . Nền văn hoá đó chỉ là "một thứ bánh vẽ mà cõi vô thức của dân tộc tự sản xuất để có thể tồn tại với những nền văn hoá láng giềng. Vì thế mới thưa thớt thế những giá trị văn hoá có thể nắm bằng tay day bằng mắt, mới nghèo nàn thế những áng văn chương bất hủ, mới nhọc nhằn thế khi đi tìm những huyền thoại thuần Việt" . Nói thế e còn chưa đủ "đô" nên Nguyễn Thanh Sơn bồi thêm "đơn giản vì những giá trị như vậy không còn tồn tại, hay không còn tồn tại theo nghĩa một hệ thống". Thanh Sơn khoái chá khi "bắt quả tang" chúng ta, "tất cả(?) đều ấp úng khi bị người ta hỏi thẳng bản sắc dân tộc đó thực sự là gì" . Cái "di sản văn hoá bánh vẽ" ấy làm Thanh Sơn "phát ngấy" và anh " khoan dung" -theo nghĩa là đồng tình- với những "con mắt mới" nhìn thấy chuyện nàng Tô Thị chỉ là "một câu chuyện loạn luân", huyền thoại Âu Cơ đích thị "một cuộc sinh nở quái thai", còn chuyện "Trí khôn" thì rõ ràng là "một bằng chứng cho tính khôn ngoan vặt và ưa lừa gạt của người Việt"! Sau khi khẳng định dõng dạc "Di sản văn hoá của chúng ta nghèo nàn", Nguyễn Thanh Sơn cho rằng chúng ta chỉ là "đứa con của một nền văn hoá tiểu nông, lạc hậu", bị một "thằng cha lịch sử nào đó...tống lên vai...một di sản văn hoá thưa thớt". Tôi chưa từng đọc một tác giả nước ngoài nào khinh bỉ văn hoá Việt Nam " được" như Thanh Sơn. Tôi không hiểu anh quan niệm văn hoá là thế nào? Phải chăng dưới mắt anh , văn hoá Việt Nam chỉ là "ba cái lặt vặt": "cây đàn tranh", trò "múa rối nước", "các lá bùa,phướn"? Ðấy là quá khứ, còn hiện tại? Chỉ có "chín trong số mười cô gái Huế...đều khoe ra bức ảnh diện áo dài màu tím đi trên cầu Trường Tiền,...tất thảy các bài thơ về Hà Nội đều xộc hương hoa sữa và ... người ta cứ xấn sổ tống vào tai ta truyền thuyết chàng Công nàng Cốc từ lúc bước vào cho đến khi rời khỏi Thái Nguyên". Sự khinh bỉ phì ra từ mỗi dòng chữ! Thảo nào Nguyễn Thanh Sơn tâm đắc đến thế với "nỗi phẫn nộ ngun ngút nung nấu (!)" của Phan Huyền Thư trong những câu thơ xỉ vả những "cô nàng chân cong váy ngắn/ loé xoé tiếng địa phương/ những nàng nhâm nhi văn chương/ khen nhau cố hớp giọng thị thành" (Xem bài phê bình " Phan Huyền Thư Nằm nghiêng" của NTS, báo TT&VH, 5/11/02). Sự giận dữ của nhà phê bình và nhà thơ, những người "Hà Nội gốc" (?) khi bị người ta xâm phạm đến "thương hiệu" này mới ghê gớm làm sao! Nhưng một "nhà phê bình" nói về "di sản văn chương" mà chẳng hề nhắc đến văn chương trong bảng liệt kê di sản ấy, tôi ngờ có lẽ anh chỉ đọc những "siêu tiểu thuyết" trên máy tính (tất nhiên!), chẳng đọc gì văn chương Việt ngoài mấy quyển sách của "các nhà văn mới" mà anh khen hết lời? NTS có bao giờ đọc một câu Kiều, một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, một tập thơ Hồ Xuân Hương không nhỉ? Rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh ... ? Từ thế kỉ 15, Nguyễn Trãi đã dõng dạc " Như nước Ðại Việt ta thuở trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Bấy giờ chúng ta còn chưa có Nguyễn Du, chưa có Truyện Kiều. Mà chỉ với Truyện Kiều, chúng ta đã có thể ngẩng cao đầu trong khu vực và trên thế giới. Một nhân vật Tây học đầu thế kỉ trước là Phạm Quỳnh, hợp tác với Pháp và Nam triều, hiểu biết và hâm mộ văn hoá phương Tây mà vẫn hết sức tự hào về Truyện Kiều, về văn hoá Việt Nam. Những lời xưng tụng Truyện Kiều, xưng tụng văn học Việt Nam của Phạm, tuy có thiên vị theo lẽ thường tình, nhưng không phải là không có hạt nhân hợp lí "Không thể so sánh với văn chương khắp các nước, ta hẵng so sánh với văn chương hai nước có liên tiếp quan hệ với ta, là văn chương Tàu và văn chương Pháp. Văn chương Tàu thật là mông mênh bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều... Gốc truyện tuy do một bộ tiểu thuyết Tàu mà ra, nhưng vào tay cụ Tiên Ðiền ta biến hoá hẳn, siêu việt ra ngoài cả lề lối văn chương Tàu, đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác vậy...Truyện Kiều có thể sánh với những áng thi văn kiệt tác của quý quốc ( nước Pháp-TG)...Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như Truyện Kiều, vì Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Ðặc sắc ấy là sự "phổ thông"..."

(trích Bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh tại Hội Khai trí tiến đức, 8/9/1924- sách "Nguyễn Du- Về Tác gia và Tác Phẩm, NXB Giáo Dục, 1998). Tôi phải trích dẫn hơi dài những ý kiến của Phạm Quỳnh, một nhân vật "có vấn đề" theo quan niệm chính thống , để thấy hết sự vô lối, sự bất thường, sự khiêu khích trong những luận điểm của Nguyễn Thanh Sơn rêu rao về sự "nghèo nàn", "tiểu nông, thuộc địa" của "di sản văn hoá bánh vẽ", tức là văn hoá Việt Nam! Ở đâu nảy nòi ra một kẻ ngang nhiên phỉ báng dân tộc mình thế nhỉ? Tôi nghe nói Thanh Sơn năm nay khoảng 30 tuổi, từng đi học ở Nga, ở Mỹ, nay đương làm đại lí cho một công ty buôn bò nào đó của bang Oclahoma Hoa Kỳ, có một cuộc sống trưởng giả, thời thượng. Những người như Thanh Sơn bây giờ nhan nhản, đến các quán "Cơm trưa văn phòng" hạng sang là có thể gặp họ. Tôi không tin tất cả những người trẻ ấy đều nghĩ về văn hoá Việt, về dân tộc mình như Nguyễn Thanh Sơn ? Nếu ngược lại, thì thật đau lòng. Chúng ta làm sao tiến lên hiện đại hoá, sánh vai với các nước tiên tiến được nếu mang theo tâm lí tự ti, tâm lí nô lệ, sùng ngoại đến thế? Thanh Sơn nhắc đến Azit Nexin, đến Bá Dương rồi Lỗ Tấn, hàm ý so sánh mình với những người ấy (!), những người "dám" nhìn thẳng vào cái xấu, cái kém của dân tộc mình. Khẩu hiệu này đương là cái mốt của một số người lúc nào cũng coi mình là tinh tuý của cộng đồng. Nhưng Lỗ Tấn (cũng như Nêxin của Thổ ) là một chuyên gia lớn và luôn luôn tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc Trung Hoa, vì niềm tự hào ấy mà ông càng căm hận bọn thống trị phản động đã đẩy đất nước đến cảnh yếu hèn, nhân dân phải sống tối tăm, cùng khổ . Sự phẫn nộ của Lỗ Tấn bắt nguồn từ một tình yêu lớn, nói như Nguyễn Ðình Chiểu của chúng ta "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương". Còn sự dè bỉu của Thanh Sơn đối với văn hoá Việt lại xuất phát từ sự kém hiểu biết, sự khiếp nhược, loá mắt trước những giá trị tinh thần phương Tây, đôi khi chỉ là một thứ tiện nghi nào đó, như cái máy tính có nối mạng mà anh luôn luôn mang ra hù doạ. Chỉ nói Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Truyện Kiều...chắc anh sẽ nhăn mặt "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", vậy xin nói chuyện văn học Quốc ngữ. Ngoài sách tây, sách Mỹ , không hiểu anh có bao giờ "mó" đến Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử... không nhỉ? Mới đây, tại cuộc hội thảo nhân 90 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng, một nhà nghiên cứu Mỹ đã đánh giá "Vũ Trọng Phụng không thua kém bất cứ nhà văn lớn nào trên thế giới", không hiểu nhận xét ấy có khiến NTS... phẫn nộ? Chỉ cần nhớ lại : trong khoảng 20 năm, từ khi tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời (1925), đến năm 1945, chúng ta đã có cả một nền tiểu thuyết trưởng thành, một nền thơ hiện đại "diễn lại trong mười năm cái lịch sử một trăm năm của thơ Pháp" (Hoài Thanh), với những tên tuổi lớn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu..., chắc không ai có thể đồng tình với mặc cảm tự ti của Thanh Sơn? Không ai đánh giá một nền văn hoá (tức là tâm hồn cả một dân tộc) hoặc so sánh giữa các nền văn hoá chỉ bằng cái việc tính đếm những gì "nắm bằng tay, day bằng mắt" , nhưng ngay cả cái việc tính đếm ấy Nguyễn Thanh Sơn cũng không biết làm hoặc đúng hơn là làm một cách gian lận. "Những giá trị văn hoá có thể nắm bằng tay, day bằng mắt" mà Thanh Sơn cố tình không nhìn thấy thì cả thế giới đã nhìn thấy rồi. Ðó là những di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Hạ Long); là những danh nhân văn hoá thế giới với những kiệt tác của họ (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh). Khi TT Mỹ Bill Clinton lảy một câu Kiều, một câu thơ Nguyễn Trãi trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam (năm 2000), tất cả chúng ta đều ồ lên thích thú, càng thích thú hơn khi ông thông báo rằng một tập thơ của Hồ Xuân Hương dịch ra tiếng Anh đang được bán rất chạy ở Mỹ. Ai cũng hiểu rằng đây là động thái ngoại giao khôn khéo của ngài TT Hợp chúng quốc, nhưng trong đó hàm chứa một sự ngưỡng mộ thành thực khiến mỗi người Việt Nam yêu nước đều có quyền tự hào. So với cả sự khách khí của ông Bill thì "nhà phê bình văn học" Nguyễn Thanh Sơn vẫn xứng đáng là một ví dụ về một người Việt Nam Mỹ hơn cả những người Mỹ thực dân nhất. Thái độ này chỉ có thể tìm thấy ở những đầu óc vong bản tồi tệ nhất đầu thế kỉ trước, những "ông Tây An Nam" mà Tú Mỡ đã điển hình hoá " Tiếng Tây ông nói làu làu/ Hỏi văn Quốc ngữ lắc đầu rằng "nôông"! Ðọc Thanh Sơn, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến một truyện ngắn của Nam Cao, truyện "Tư cách mõ". Cái câu anh mõ thốt ra cuối truyện, thật là cười ra nước mắt " Mẹ nó chứ, bẩn cả với mõ!" Nếu anh mõ chỉ nghèo, chỉ khổ thôi, anh ta vẫn là một con người. Nhưng anh ta lại tự khinh mình đến thế thì, hỡi ôi! Một dân tộc cũng vậy, nếu chỉ nghèo, khổ, chậm phát triển nhưng còn tự trọng thì còn có cơ vươn lên, nhưng khi những đứa con của dân tộc ấy bắt đầu khinh bỉ cái cộng đồng đã sản sinh ra nó, dung dưỡng nó, thì tình thế có cơ tuyệt vọng. Một người cầm bút trong tâm thế như vậy liệu có thể nói được điều gì đáng gía đây?


2. Không hiểu nghề văn và tiến trình văn học

Ngay với văn học Việt Nam đương đại, Thanh Sơn cũng có rất nhiều ý kiến hồ đồ, võ đoán . Trong bài viết "Nếu còn có ngày mai" anh đặt câu hỏi "liệu có hay không một ngày mai cho văn học Việt Nam"? và vẽ nên một bức tranh thật ảm đạm . Theo anh, văn đàn trong những năm cuối thế kỉ trước tràn ngập "những tác phẩm rẻ tiền, những best seller...tồn tại ít nhất trong một phần tư những người biết đọc biết viết". Nhận định này đúng, thậm chí còn nương nhẹ. Hiện nay xuất bản là lĩnh vực "loạn" nhất, các con buôn sách dám in bất cứ cuốn sách nhảm nhí nào, cốt để hốt bạc, với sự đồng loã của các quan chức có quyền cấp phép. Nhưng nói rằng "Văn học Việt Nam thời gian vừa qua...không xác định được độc giả của mình và thiếu đi niềm tin..." là nói trùm lợp, thiếu trách nhiệm. Thời nào cũng có sách rẻ tiền và những cây bút rẻ tiền, thậm chí bồi bút, nhưng nói trùm lợp như thế là xúc phạm đến những nhà văn chân chính. Nguyễn Minh Châu (1930 -1989) chẳng hạn, ông đâu có "cảm giác bị bỏ quên bên lề đường một xã hội biến đổi quá nhanh (không nhanh đến thế đâu-NHS) khiến cho các sáng tác của họ thường lui về chiếc vỏ ốc của mình và than tiếc cho một thời đaị "nhân văn" đã qua" như Thanh Sơn phán? Những tác phẩm cuối đời của ông (Khách ở quê ra, Cỏ lau, Phiên chợ Giát...) là những tìm tòi đã đến độ chín, có giá trị, mở đường cho nhiều cây bút sau này. Viết văn, làm thơ là một trong những nghề khó nhất. Tài năng luôn luôn là một bí ẩn. Khó mà "đặt kế hoạch" cho sự ra đời của những tác phẩm bất hủ. Chúng ta chỉ có thể tạo những điều kiện thuận lợi (theo suy nghĩ của chúng ta) và chờ đợi. Rất nhiều thời đại lớn trôi qua mà chẳng để lại dấu vết gì đó thôi. Bởi thế, dù chưa hài lòng, dù còn ít ỏi nhưng những gì mà nhà văn ta làm được trong khoảng giao thời giữa hai cơ chế cũng rất đáng trân trọng. Không hiểu gì về bản chất quá trình sáng tạo văn học nhưng lại cao ngạo vô lối, Nguyễn Thanh Sơn đưa ra "thực đơn" cho những ai muốn viết được tác phẩm để đời, đôi khi rất nực cười. Ðối với văn xuôi thì "phải khai tử cho lối viết truyền thống lấy nhân vật làm trung tâm".Rồi thì "chỉ nói chuyện mình", tránh cho xa những vấn đề xã hội rộng lớn, nỗi bức xúc của nhân dân.Nhà văn bây giờ, theo Thanh Sơn "không ai ... còn tin vào những giá trị đã được định giá, thành khuôn mẫu trong xã hội"(?). Họ phải" chống lại sự giả dối,...chống lại cái xã hội kí hiệu hoá đã biến con người thành những cỗ máy sinh học"- một nhận định hồ đồ, vơ đũa cả nắm. Cả những câu " vu vơ" thế này cũng không ổn "So với Sơn Tinh, Thuỷ Tinh người hơn rất nhiều, vì thế chàng thua cuộc cũng là điều tất yếu". Có đúng thế không? Những kẻ xâm lược bị những người bảo vệ Tổ quốc đánh cho phải cuốn gói cũng "người" hơn đối thủ của chúng ư? Về thơ, Thanh Sơn "dạy" "Thơ ca không phải sự biểu hiện của cá nhân, mà là sự chạy trốn khỏi cá nhân. Tất nhiên chỉ có những người có cái tôi và có cảm xúc (!) mới thấu hiểu thế nào là chạy trốn khoỉ những thứ ấy. Chạy trốn không có nghĩa là từ chối cái tôi, từ chối cảm xúc mà chính là chạy trốn để giữ nguyên cho mình cảm xúc sâu sắc đối với thế giới xung quanh và một cái tôi luôn luôn tươi mới, trăn trở" (Xem TT&VH, số đã dẫn). Những câu nửa ngô nửa ngọng này (chạy trốn là...chạy trốn), tôi đố nhà thơ nào tiếp nhận nổi, thôi đành mang tiếng là không có "cái tôi và cảm xúc" vậy!


3. "Phê bình văn học của tôi" nhưng chẳng có gì...của tôi

Thực ra , trong nghề phê bình, xuất hiện ở lứa tuổi Nguyễn Thanh Sơn cũng không còn là trẻ nữa. 60 năm trước (1942), khi công bố "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh 33 tuổi, nhang nhác tuổi NTS bây giờ. Vậy mà ông lịch lãm, chín chắn biết bao. Cái chủ trương "Phê bình văn học cho mình" mà Nguyễn Thanh Sơn phải dùng tới 6 trang in để tuyên ngôn vừa huyênh hoang, vừa thiếu tự tin thì Hoài Thanh chỉ viết đúng...một dòng "Biết làm sao chiều được tất cả mọi người? Âu là tôi chỉ chiều tôi vậy." (TNVN, Văn học 1988, tr 370). Ðây là tuyên ngôn ngắn gọn và đầy đủ của lối phê bình ấn tượng, một lối phê bình có nguồn gốc từ sinh hoạt thẩm văn ,bình văn xa xưa . Cũ người, mới ta, Thanh Sơn cứ huyễn hoặc rằng mình đã phát kiến ra một lối phê bình mới cũng không sao, miễn là những gì viết ra phải là "của tôi" thật. Tiếc rằng những cái "của tôi" made in Thanh Sơn không sao tìm thấy giữa một rừng trích dẫn, từ Saint Exupery, Kawabata đến Phạm Thị Hoài, nhất là Phạm Thị Hoài! Nguyễn Quang Lập "hẩu" với Nguyễn Thanh Sơn là thế mà vẫn phải phàn nàn "tầm chương trích cú hơi bị nhiều gây cảm giác anh không được tự tin cho lắm". Cách hành văn cũng vậy. Những "người ta kể rằng" mở đầu cho những ngụ ngôn vay mượn, khiến người đọc sách Thanh Sơn mà cứ thấy lù lù cái bóng ông Raxun Gamzatov, không, cái bóng dịch giả Phan Hồng Giang! Có lẽ sáng tạo nhất của Nguyễn Thanh Sơn là những đoạn văn du dương, ướt rượt, với những ví von độc chiêu kiểu này "Những con người luôn luôn lên đường đi tìm cái quý giá nhất ẩn sau bộ váy dạ hội của sự thật: chân lý". Không hiểu chân lý ẩn sau váy thì sẽ mang hình gì? Nguyễn Quang Lập nhận xét về những bài Thanh Sơn phê bình- thực chất là xưng tụng - Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài " Thực tình Sơn đã không phát hiện được thêm gì trên những trang viết của họ. Có lẽ anh viết trong một tâm thế ngưỡng mộ, say đắm trong những suy tưởng ngoài văn bản". Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài đều xuất hiện và được khẳng định khá lâu trước khi Nguyễn Thanh Sơn cầm bút ( 1994). Ðể "làm mới lại" vấn đề, tranh đấu cho "bản quyền" phát hiện của mình, Nguyễn Thanh Sơn thường dựng nên những "vụ án ảo" rồi lớn tiếng biện hộ. Chẳng hạn trường hợp "Thiên sứ" của Phạm Thị Hoài, anh nói xưng xưng rằng "Thiên sứ chỉ gặp phải sự lạnh lùng của giới phê bình Việt Nam. Người ta nhắc khẽ (!) đến nó trong những cuộc nói chuyện không chính thức của giới văn nghệ, tác phẩm được biết tới trong một nhóm rất nhỏ những người yêu văn học, vậy thôi. Một số nhà phê bình nhanh nhảu đã kịp viết bài chỉ trích, tiếc thương cho một tài năng trẻ sớm sa vào cạm bẫy của "chủ nghĩa hiện sinh", "chủ nghĩa siêu thực" và vô số những "ismes" gì đó mà những đầu óc 'thông kim bác cổ" đó vốn rất sẵn. Nhưng thời đại đã khác rồi và một trận đòn hội chợ đã không kịp xảy ra. Bị thích trên mình dấu hoa huệ của một tác phẩm "có vấn đề", Thiên sứ chìm trong một sự im lặng đầy ác ý, và ngay cả các giải thưởng quốc tế mà nó giành được gần đây cũng không đủ sức xoá tan bức màn im lặng đó". Thực ra, Phạm Thị Hoài được in lần đầu trên báo Văn nghệ, Thiên sứ thì xuất hiện trên tạp chí Tác phẩm Văn học, cùng của Hội Nhà văn Việt Nam, chẳng có "trận đòn hội chợ" nào chờ nó cả, còn việc có người khen kẻ chê là biểu hiện bình thường của một nền văn học lành mạnh. Cái điều đáng "phát hiện" nhất thì Thanh Sơn không phát hiện được và cả làng văn đến năm 2002 này cũng mới biết: Thiên sứ đã vay mượn gần như nguyên xi hình tượng và thủ pháp của Gunter Grass trong Cái trống thiếc ( xuất bản lần đầu 1956, Nobel 1999, Dương Tường dịch ra tiếng Việt 2002). Thanh Sơn rất khéo biến "của người" thành "của tôi", dễ thấy nhất là trong bài " Tiếp thị cho một giải Nobel văn chương Việt Nam". Cái việc Cao Hành Kiện, nhà văn Trung Quốc nhập tịch Pháp được giải Nobel 2000 với tác phẩm Linh Sơn khiến văn giới toàn cầu ngỡ ngàng vì Cao vốn không nổi tiếng lắm. Nobel cũng chỉ là một tiêu chí, tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả. Vậy mà Thanh Sơn hớn hở, vênh vác, kiêu ngạo như ...người ở nhà ông Cao, đắc thắng "Giá giải thưởng này được trao cho một ông già gần đất xa trời như Ba Kim, hẳn cả nước Trung Hoa đã lên một cơn hưng phấn có tổ chức để đón nhận vinh quang". Cái vênh vang kiểu đầy tớ cậy thế chủ nhà đã trở nên không thể chịu nổi khi anh chàng nhận vơ này xấc xược thoá mạ toàn thể các nhà văn TQ "Nỗi ghen tức ngấm ngầm trước việc gã hàng xóm của mình bỗng chốc trúng số độc đắc sẽ không thấm vào đâu nếu đem so sánh với sự lồng lộn của các nhà văn Trung Quốc mấy tuần vừa qua"! Cứ như là Thanh Sơn đã kịp bay sang phỏng vấn tất cả các nhà văn của đất nước 1,2 tỉ dân ấy vậy! Anh nói như đinh đóng cột " Linh sơn, không nghi ngờ gì, là một tác phẩm lớn", mà tôi đoán chắc là lúc ấy anh chưa hề đọc một dòng nào (năm 2002, Linh Sơn mới được Trần Ðĩnh dịch ra tiếng Việt ). Cái lôgic của Thanh Sơn cũng đơn giản thôi: đã đoạt giải Nobel ắt phải là tác phẩm lớn, không lớn sao lại được giải Nobel! Chẳng khác gì lí sự của dân làng Mùi: AQ bị cụ cố đánh, ắt là anh ta sai, không sai sao cụ cố lại phải đánh. Cái căn tính nô lệ, thuộc địa biến hoá khôn lường. Thật ra Thanh Sơn cũng chẳng lập luận gì đâu, báo đài phương Tây nói gì, anh diễn nguyên ra thế, chỉ "quên" không nói rằng đây là ý kiến của ông Tây, ông Mỹ nào thôi. Thì tên sách là "Phê bình văn học của tôi" kia mà!

18/11/02
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội, tháng 11 năm 2002