trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
9.6.2004
Hoằng Danh
Tản mạn về sự kiện talawas gặp tường lửa
 
1.
Đến hôm nay (8.6.2004) dù không một quan chức nào chính thức công nhận việc dựng tường lửa với talawas, nhưng đó là điều đã trở thành hiển nhiên đối với giới trí thức, nhân sĩ, bạn đọc, và những giới có liên quan khác.

2.
Khi nghe vài ý kiến ban đầu về tường lửa dựng với talawas, tôi không tin, thầm trách những người báo tin này là đã thụ động trước thông tin, vì nghĩ rằng họ không biết đến sự cố “sập mạng” internet tạm thời của FPT và VNN, điều mà tôi cố liên kết với việc không thể hoặc chập chờn khi truy cập talawas.

Cả tin vẫn là tôi! Ngây thơ vẫn là tôi!

3.
Khi hiểu rằng đó thật sự đã là tường lửa, dù đã “được” chuẩn bị về mặt tâm lý, cảm giác của tôi vẫn là ngỡ ngàng, để rồi sốc, và chuyển thành tức giận!

4.
Không tức giận làm sao được khi mà một trang web hữu ích, lành mạnh, trung dung như talawas lại trở thành đối tượng của tường lửa.

4a.
Hữu ích: xin nghe lại những câu hỏi của chính phóng viên báo Văn Nghệ dành cho Thứ trưởng Bộ VHTT Đỗ Quý Doãn:

«Một số trang Web ở hải ngoại chuyên sâu về văn hoá văn nghệ và thực tế số người Việt trong nước truy cập vào những trang Web này khá đông. Có những người truy cập để biết, để tham khảo, nhưng cũng có những người truy cập và đăng tải bài trong đó để trao đổi về những vấn đề xã hội hay văn học nghệ thuật. Phải chăng do những trang Web hay một số tờ báo của chúng ta chưa thực sự trở thành diễn đàn lớn cho người dân trong nước mà họ phải tạm thời mượn một diễn đàn khác?»

«Nhưng thưa ông, người Việt ở trong nước không thiếu những người tài, tại sao những diễn đàn của chúng ta lại ít được những người truy cập quan tâm?»

«Một thực tế cho thấy là hiện nay số người Việt trong nước truy cập một số trang Web của nước ngoài (tiếng Việt và một số ngoại ngữ khác) nhiều hơn là đọc nhiều tờ báo trong nước. Phải chăng họ là những người thích tò mò hay vì những trang Web kia hấp dẫn hơn, đáp ứng tâm tư nguyện vọng và quyền lợi của người dân hơn

Ở đây không cần phải vòng vo kiểu “lễ tân” hay tuyên truyền, cũng thấy ngay câu trả lời sẽ là “yes” cho tất cả các câu hỏi. Báo chí trong nước thì phần lớn dành đất cho phóng viên, cộng tác viên quen thuộc, các quan chức, còn những nhân sĩ, trí thức khác, cho dù ý kiến, bài viết, bài dịch có tâm huyết đến đâu, có chất lượng đến đâu, cũng khó chen chân. Các tạp chí chuyên môn thì trước hết dành cho các bậc đại thụ, cho những ai cần ân huệ đăng báo để đủ tiêu chuẩn nhận học vị, học hàm, rồi đến các tác giả thuộc biên chế của cơ quan mình, các tác giả cộng tác quen thuộc khác… Những người “vô danh tiểu tốt” hay chỉ đáng mặt học trò, thì dù khả năng đến đâu, ý kiến khả dĩ như thế nào, cũng chỉ được lựa chọn dè xẻn, “nhỏ giọt”, tương xứng với cái “tiểu danh”, “tiểu nhân” đó. Mà để được hiện diện trên báo chí, tạp chí, nếu không thuần tuý chỉ là ca tụng suông, người ta phải uốn bút (chứ không phải “uốn lưỡi”) đến bảy… trăm lần (chứ không chỉ “bảy lần”) mà vẫn có thể vẫn còn “hớ hênh” về câu chữ, lập trường, và không được duyệt. Như thế, thì để có thể nói được ý kiến tâm huyết, khách quan, đúng mực của mình, sau những động tác như vậy, ý kiến của mình sẽ không còn là của mình, mà chỉ là sự “hòa nhập” chung vào tất cả những gì vốn đã cứ lặp đi lặp lại, vốn cứ ca tụng suông (đầy tai hại khi cứ tự ru ngủ nhau, và ru ngủ Đảng và nhà nước!). Đó là chưa kể những gì muốn được công bố thường còn vướng về mặt thời gian, mất đi tính nóng hổi, cấp thiết của sự kiện, vấn đề.

Trong khi đó, talawas là một trong số rất hiếm hoi những trang web đem lại một sinh hoạt văn hoá, tri thức một cách rộng mở, cập nhật, cho những ai quan tâm đến tình hình học thuật, văn hoá nghệ thuật trong nước và trên thế giới. Nơi đây mọi người quan tâm có thể hàng ngày “tiếp xúc” nhau, trao đổi thông tin thẳng thắn (mà không phải “lễ tân” và ca tụng suông vốn luôn chiếm gần hết không gian và thời gian của bài viết, ý kiến, theo kiểu vẫn có của báo chí, tạp chí trong nước), một cách kịp thời. Dù không “giao dịch” trực tiếp, nhưng đọc của nhau, những người có tâm vẫn chia sẻ một “tình cảm cộng đồng” của những người không thờ ơ với hiện tình văn hoá, xã hội đất nước, mà không phải là thứ tình cảm giả tạo kiểu hô hào, khẩu hiệu. Điều này cho thấy vì sao những tác giả hiện diện trên talawas, dù không hề nhận được bất cứ đồng nhuật bút hay lợi ích nào, nhưng vẫn làm việc hết sức nghiêm túc để đưa đến bạn đọc các bài viết, bản dịch cũng hết sức nghiêm túc và có chất lượng, dù tất nhiên không thể tránh khỏi có những ý kiến chói tai và những bài “tầm tầm bậc trung” khác (nhưng đó cũng chính là tính đa dạng bình thường thôi).

4b. Lành mạnh: vì nó hữu ích và không có các nội dung kích động bạo lực, hay kích dục hoặc ngầm xúi bẩy người ta quay về thờ cúng, lễ lạc, hưởng thụ…, để quên đi những vấn đề gai góc của hiện tình đất nước và thế giới.

4c. Trung dung:

Dù vẫn có tác giả này, tác giả kia có những ý kiến cực đoan, nhưng talawas không hề là một diễn đàn “phản động”, chửi bới chế độ vô tội vạ hay kêu gọi lật đổ, như nhiều trang web khác vẫn đang hoạt động. Còn chuyện “không cùng quan điểm chính trị hay văn hoá với Chính phủ trong nước” thì, trong thời đại của những xung khắc và giao chéo gay gắt giữa các quan điểm, đó là điều không thể tránh khỏi. Mà không chỉ có thời đại này, thời nào cũng thế, và ở đâu cũng thế, nếu đòi hỏi và bắt buộc tất cả chỉ nói theo, từ một trung tâm phát ngôn duy nhất, há không phải thực chất là một ước nguyện trung cổ và chuyên chế hay sao? Vấn đề là nếu quan điểm của người ta không đúng, là xấu, thì “Khi chúng ta đưa ra nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu sẽ tự phải mất đi”. Và thêm, không chỉ đưa ra bằng lời nói không đâu, xin hãy chứng minh bằng hành động và thực tế.
talawas không vào hùa theo những diễn biến chính trị chiếm ưu thế. Như trong cuộc chiến Iraq vừa qua, họ kêu gọi thi giới lên tiếng chống đối, và kỷ niệm một năm cuộc chiến này với nhiều tài liệu thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, công lý. Điều này có nghĩa là họ có chung lập trường với Việt Nam.

Nhiều tiếng nói khác nhau, với những cách nhìn thậm chí đối lập hiện diện trên talawas: những trao đổi về khác biệt Đông – Tây, về quan niệm va chạm các nền văn minh của Huntington…, là những ví dụ.

Ngay cả những trích dẫn văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói đến Đảng bằng thái độ ca ngợi, tôi cũng thấy góp mặt trên talawas.

Nơi giao lưu giữa trí thức trong nước và ngoài nước để dung hòa những khác biệt giữa các vấn đề.

Quan tâm đến những vấn đề gay cấn của thế hệ trẻ, bằng thái độ khoan dung đúng mực: thế hệ @, đồng tính luyến ái…

5.
Trong khi các trang web “đen” khác là nơi người ta hoàn toàn ra vào dễ dàng; trong khi mà ngoài đời người ta khuếch trương các hoạt động thờ cúng, mê tín, và những ấn bản dị đoan, ma quái, tâm lý rẻ tiền thì nhan nhản khắp nơi; trong khi mà thực tế giới trẻ (và cả giới già) hiện nay trong xã hội mang một tâm trạng thờ ơ với tình hình chính trị, xã hội của đất nước, để chăm bẵm vào đua đòi, ăn chơi, nhậu nhẹt, làm giàu phi lý và phi pháp; để rồi mất đi tính năng động xã hội, cái chính trực nhân cách, và thay bằng “ngoan ngoãn” và thuần phục, giả dối và phi nhân…; thì việc dựng tường lửa đối với talawas có cái gì đó khó lý giải và hết sức bất công.

Lẽ nào chúng ta đang ngấm ngầm khuyến khích cho một thái độ công dân tiêu cực như vậy, và ngăn cản những sinh hoạt văn hoá thẳng thắn như kiểu talawas?

6.
Được biết talawas do một nhóm trí thức ở Đức, Mỹ, Pháp và cả ở Việt Nam chủ trương, với nhà văn Phạm Thị Hoài là tổng biên tập. Mảnh đất liên mạng “mở”, cho văn giới và học giới người Việt có một nơi phần nào đáp ứng được nhu cầu giao lưu thông tin và thi thức của họ - những con người mà tính chất xã hội vốn đã là “mở”; để nó hoạt động, là từ nhiệt tình và cả kinh phí riêng của nhóm chủ trương này. Tôi mong rằng những ai trân trọng lòng thành đó, trên tinh thần “anh hùng trọng anh hùng”, hãy cùng chia sẻ tinh thần với talawas trong lúc “tai nạn” không thể ngờ này, không vì sự kiện này mà thoái lui, và tiếp tục cộng tác bài vở trên cơ sở xây dựng, cũng như tiếp tục đọc talawas cũng trên cơ sở như vậy.

7.
Tôi không cho rằng tường lửa mà talawas hiện nay gặp phải là xuất phát từ quyết định của các quan chức cao cấp nhất của Bộ VHTT, và trên nữa. Lãnh đạo còn nhiều chuyện trọng đại hơn để giải quyết, chứ không sa vào những chuyện quá thường tình trong không gian ảo liên mạng, vốn đã là quá sức “không có gì phải ầm ĩ” của thời đại này. Tôi giả định, chỉ hoàn toàn giả định thôi, sự kiện này có thể do những xúc xiểm nào đó đến cơ quan an ninh văn hoá, từ những người mà thời gian vừa qua talawas „đụng“ đến, trong cuộc tranh luận diễn ra nơi này giữa các nhà văn.

8.
Với một niềm tin như vậy, tôi mong rằng tường lửa hiện nay sẽ đến lúc được dỡ bỏ, để cho hàng chục ngàn bạn đọc Việt Nam (con số theo nhà văn Phạm Thị Hoài) thoải mái truy cập vào talawas như trước đây. Mong rằng lời của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: “ta không thể ngăn chặn mà ta phải đưa ra quan điểm của ta có tính thuyết phục cao” không phải có tính cách “lễ tân”, mà gắn liền với hành động.

Tôi có vẫn là người cả tin và ngây thơ khi “mong rằng” như thế không?

Hà Nội, 8.6.2004

© 2004 talawas