trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
6.7.2004
Lê Tuấn Huy
Nói thêm về Ayn Rand: vấn đề vị nhân sinh trong triết lý đạo đức
 
Bài này được viết sau khi đọc Vị nghệ thuật hay vị nhân sinh của anh Đỗ Kiên Cường (ĐKC), mà một trong hai nội dung chính yếu là phê phán quan điểm của Ayn Rand trong bức thư gởi Tom Girdler.

Trước hết, tôi hoàn toàn tán đồng với ĐKC ở những trình bày có tính nhân văn, lòng vị tha, sự hợp tác con người, phân công lao động, v.v… Sự tán đồng này đã thể hiện trước khi biết đến ý kiến của ĐKC, trong bài Vài nét về Đạo đức học của Chủ nghĩa Khách quan đã đăng tải trên talawas, 11.3.2004. Nếu có thể, mong anh đọc bài viết này để có cái nhìn tổng quan về hệ thống triết lý đạo đức của Rand và những người khách quan chủ nghĩa, cái vốn làm cơ sở cho quan niệm mà anh phê phán [1] . Hy vọng sau khi đọc, anh sẽ có thể nhìn nhận được tổng thể hơn đối với quan điểm đạo đức của Rand, và từ đó khả dĩ có cái nhìn khách quan hơn trong việc đánh giá con người này và hệ thống triết lý của bà. Tuy vậy, nói rõ thêm một ít là không thừa. Và, cũng xin được phép lưu ý một chút, là không nên tách rời những gì được trình bày ở đây khỏi những điều đã được viết ở Vài nét về Đạo đức học của Chủ nghĩa Khách quan.


Phi vị nhân sinh hay Vị nhân sinh ở đạo đức học Rand?

Rand và những người khách quan chủ nghĩa rõ ràng sai lầm khi đã không chính thức thừa nhận quan hệ hợp tác giữa con người với nhau trong quá trình sáng tạo, lao động, khi công kích vào chủ trương về hệ thống phúc lợi xã hội và vào những hoạt động mang tính nhân đạo khác…, nhưng như vậy không có nghĩa Rand hoàn toàn là người không có tinh thần nhân sinh hay không nhân bản. Có điều là những nội dung đó ở bà lại được thể hiện hết sức chuyên biệt, đến độ dưới chính hình thức “phản nhân bản”, “phản đạo đức” - nếu tạm gọi là như vậy. Nó phản nhân bản vì những quan niệm dùng để đánh giá nó chỉ đóng khung trong những gì được cho là nhân bản. Nó phản đạo đức vì những gì Rand lên tiếng vượt ra ngoài quan niệm vốn quy định khuôn khổ của những gì được cho là đạo đức.

Về mặt lịch sử, đến phong trào Khai sáng và các cuộc cách mạng tư sản, việc nhận thức về tính độc lập của cá nhân trước cộng đồng và xã hội đã có những tiến bước rất dài. Cá nhân được xét đến như những tồn tại thựcsống động, chứ không phải những thực thể thiếu cá thể tính và thừa tập thể tính. Con người, trong các quan hệ chính trị-xã hội, trở thành những công dân có bản sắc, chứ không phải những thần dân chỉ biết tuân phục, hay những “giáo dân thế tục” chỉ biết có niềm tin mặc định vào những thế lực “thần thánh tục thế” bề trên.

Thế nhưng, những điều đó vẫn chưa đủ để cởi trói con người cá nhân trước những ràng buộc từ ngàn đời. Quan tâm, chăm lo, hay tuân thủ, thậm chí là hy sinh cho người khác, cho cộng đồng…, là những cái ở mọi thời đại, dưới mọi nền văn hoá, trong mọi lý thuyết (ít hay nhiều), đều được xem là có đạo đức. Ngược lại, xem việc quan tâm đến bản thân như là chính yếu của lẽ sống, bất tuân những giá trị đã định hình trong cộng đồng, không hy sinh hạnh phúc, lợi ích riêng cho một điều gì đó…, đều nhận được đánh giá là ích kỷ, vô đạo đức. Phải chăng những gì đã có trong lý luận và hiện thực giải phóng cá nhân trước sự chi phối tuyệt đối của cộng đồng, vẫn chưa đủ độ để sự giải phóng này đạt đến tầm mức cần thiết của nó? Và phải chăng học thuyết đạo đức của Rand chính là sự bùng phát lý luận, như phản ứng giận dữ trước sự trông chờ quá lâu - được tính bằng cả tiến trình lịch sử - cho một lý luận đỉnh điểm như vậy? Theo tôi, cùng với những nguyên nhân khác, đó là nguyên do giải thích sự ra đời của học thuyết đạo đức Rand, một học thuyết mà, một mặt, tôn vinh tính độc lập của giá trị đạo đức cá nhân trước những gì đã được cho là có giá trị đối lập với nó; mặt khác, lại đi đến chỗ cực đoan khi tôn vinh những giá trị mà Rand muốn tôn vinh.

Cái vị nhân sinh của Rand nằm ở sự tôn vinh và cổ súy cho cái cuộc sống con người ở dạng cá nhân chứ không phải con người ở dạng cộng đồng, tức con người cá thể tính, bằng xương bằng thịt, mà vốn đã tạo nên con người ở dạng tập thể tính, bằng từ bằng ngữ. Cái vị nhân sinh đó là không cho con người tập thể tính đè bẹp con người cá thể tính, vốn vẫn là thực chất của các quan hệ thực và của nội dung lý luận được cho là có đạo đức.

Nếu Rand và những người khách quan chủ nghĩa, một mặt, khẳng định những giá trị cá thể tính trong đạo đức và quan hệ; mặt khác, điều hòa nó với những giá trị đạo đức cộng đồng tính, thì cái nhân bản, cái đạo đức của họ đã có thể không dưới hình thức “phản nhân bản”, “phản đạo đức”. Nếu Rand đi đủ xa để thừa nhận học thuyết “bàn tay vô hình” của A. Smith, để cho thấy một tương quan biện chứng ngầm ẩn và có tính quy luật tự nhiên giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng khi một cá nhân theo đuổi những lợi ích hoàn toàn riêng tư đem lại được cho cộng đồng, thì học thuyết đạo đức học khách quan đã giảm đi tính cực đoan trong nó. Tuy nhiên, như vừa nói, điều này là vì sao thì có thể hiểu được khi nhìn nhận học thuyết đạo đức Rand như một sự bùng phát tích tụ lâu ngày trong một không gian quan niệm đạo đức vẫn còn chật hẹp.

Rand rất vị nhân sinh khi luôn đòi hỏi những điều kiện cần thiết cho con người, để mỗi cá nhân tự mưu cầu lấy hạnh phúc và lợi ích cho mình. Những người khách quan chủ nghĩa vị nhân sinh đến nỗi hoàn toàn bác bỏ quan điểm vị môi sinh. Với họ, tất cả phải phục vụ và chỉ phục vụ cho cái “sinh” của “nhân”, vô điều kiện. Từ đây, vì vị nhân sinh, đã lại là một cực đoan khác.

Như vậy, đạo đức học Rand là một hình thái, một biểu hiện, một khía cạnh khác của tinh thần vị nhân sinh: khía cạnh nhân sinh cá nhân. Với cái nhìn toàn diện và khoan dung, nhìn nhận vấn đề trong quá trình tiến hóa đạo đức con người, sẽ thấy rằng nhân sinh cá nhân không hề mâu thuẫn hay loại bỏ nhân sinh tập thể, nhân sinh cộng đồng, và ngược lại, mà chính là nhân sinh cá nhân đã bổ sung và làm cho đầy đủ nhân sinh con người. Nếu Rand và những người khách quan chủ nghĩa đã không đối lập theo kiểu triệt tiêu lưỡng cực giữa hai khía cạnh này, thì đã không có những tranh chấp đạo đức gay gắt như vậy. Nếu những người tiếp nhận học thuyết đạo đức Rand (và bất kỳ học thuyết đạo đức nào khác, học thuyết lý luận nào khác) không rơi vào định kiến nhị phân cố hữu, thì đã không có những đấu tranh học thuật “sống còn” ngay trên đất Mỹ và ở bất cứ nơi đâu, về hai khía cạnh này. Nhưng dù sao, đó là cách thức, con đường mà Rand và những người khách quan chủ nghĩa đã lựa chọn để làm nổi bật tính nhân sinh thực từ con người cá nhân, để đòi hỏi bổn phận đạo đức của xã hội đối với cá nhân thay vì ngược lại, vì cái đạo đức mà họ muốn thăng tiến đã luôn bị cái đạo đức kia nghiền nát suốt bao thế kỷ nay. Có những quy định lịch sử buộc con người ta có muốn khách quan hơn cũng không thể khách quan được, và những người đi sau, những người tiếp nhận, lại chính là phải có trách nhiệm cân bằng lại giữa những điều này.

Trong việc nhìn nhận các vấn đề, từ học thuật cho đến cuộc sống, từ con người đến sự việc, không thể chỉ căn cứ vào hình thức chữ đi kèm với nó, mà chính là chủ yếu căn cứ vào nghĩa của từ, vào thực chất của đối tượng, vào thực tế của diễn tiến. Ở đây cũng vậy, không phải vì Rand không nói đến vị nhân sinh mà cho rằng bà phi vị nhân sinh.


Bác bỏ vị nhân sinh hay vị tha nhân ở đạo đức học Rand ?

Thực tế là khi ĐKC phê phán Rand, anh đã chưa tiếp cận đến khái niệm “vị tha nhân” như một thứ đường lối đạo đức mà Rand phê phán.

Những người khách quan chủ nghĩa khẳng định họ theo chủ nghĩa vị kỷ (Egoism), và hơn thế, là vị kỷ lý tính, vị kỷ đạo đức. Trong lý luận đạo đức, cái trực tiếp đối lập với tinh thần vị cá nhân của họ là chủ nghĩa vị tha nhân (Altrusim). Rất dễ hiểu điều này: con người phải vì hạnh phúc của cá nhân mình và tự phấn đấu vì nó, chứ không phải vì hạnh phúc của người khác và hy sinh vì điều đó; không có vấn đề xã hội áp đặt lợi ích người khác lên cá nhân mà cũng không cho phép cho cá nhân sử dụng người khác vì quyền lợi của mình.

Có một tình hình mà tôi đã lượng định khi người đọc Việt Nam tiếp xúc với các bản văn có tính lý luận của Rand, dù ở nguyên ngữ hay chuyển ngữ, là thái độ phê phán sạch trơn có thể có xuất phát từ những ám thị từ ngữ có trước. Một thái độ như vậy sẽ ngay lập tức dành sự phê phán tiêu cực cho Rand trước khi đọc hết, hiểu hết Rand. (Và nói rộng ra, bất kỳ sự ám thị từ ngữ không tích cực nào cũng dành cho đối tượng lý luận của nó một sự phán xét tiêu cực sẵn có trước trước khi tiếp cận đến hết vấn đề).

Quan điểm của Rand và Chủ nghĩa Khách quan thẳng thừng bác bỏ điều được cho là đạo đức, và là cái ngầm được quy định trong suy nghĩ vô thức cộng đồng là cái đạo đức duy nhất: sống vì tha nhân, tức người khác với bản thân mình. Đồng thời họ cũng thẳng thừng gọi tên đạo đức của mình bằng những từ ngữ mà cũng trong suy nghĩ vô thức cộng đồng đã được cho là vô đạo đức mặc định: sống vị kỷ, ích kỷ. Những điều này, từ sự ám thị từ ngữ sẵn có, sẽ dễ dàng trở thành lớp bề mặt, dày và rộng, che phủ hết tầng sâu bản chất mà từ đó Rand xây dựng quan điểm. Đó là sự phê phán tư duy và phong cách lấy cái tập thể xã hội áp đặt hoàn toàn lên cá thể con người, đè bẹp không chỉ là cuộc sống vật chất, mà cả tâm thức, khát vọng, niềm hạnh phúc riêng tư con người của những con người thực. Đó là sự đòi hỏi xã hội, cộng đồng phải sống có đạo đức với từng thành viên của nó, chứ không phải chỉ có một chiều khi buộc các thành viên này sống có đạo đức với khối đông ít thực hơn đó.

Nói như vậy không có nghĩa là do chính Rand và Chủ nghĩa Khách quan đem lại sự ám thị tiêu cực cho người đọc. Đó chỉ là mặt bên này của vấn đề. Mặt bên kia chính là sự ám thị ngữ nghĩa vô thức trong chính tư duy cộng đồng, xuất phát từ quy định tính ở tư duy mỗi bản thân từ những quan niệm có trước của người khác, ở tư duy mỗi cá thể từ, những quan niệm sẵn có của tập thể.

Nhận thức trung tính hóa – tất nhiên không theo nghĩa tuyệt đối không còn chủ quan tính - đối với các đối tượng, cả lý luận, sự việc, và con người, thiết nghĩ, là một điều cần có để có thể xem xét đối tượng có phần khách quan hơn, thỏa đáng hơn.

Khi trình bày đạo đức học khách quan chủ nghĩa, tôi đã sử dụng những từ ngữ, cũng như đưa chú thích cần thiết để có được sự trung tính như vậy đối với những ngôn từ, quan điểm, nhận định của Rand và về Rand.

Có một số từ ngữ liên quan rất dễ ngộ nhận tiêu cực trong suy nghĩ. Cùng từ “Individualism” qua tiếng Việt thường là “chủ nghĩa cá nhân”, mà cũng có thể “cá nhân luận”. “Egoism” thường là “vị kỷ” mà cũng có thể là “vị cá nhân”. “Altruism” là “vị tha (nhân)” hoặc “vị nhân sinh”. “Selfness” là “ích kỷ” mà cũng có thể đơn giản là “tự kỷ”. “Chủ nghĩa cá nhân” thì đã bị ám thị trong ngôn ngữ thường nhật chỉ một lối sống bất chấp tất cả vì bản thân mình, trong khi ở ngôn ngữ học thuật nó đơn giản chỉ là một chủ thuyết, đường lối đề cao con người cá nhân trước con người cộng đồng và con người lịch sử. “Vị tha” theo ngôn ngữ đạo đức hàng ngày thì chỉ một thái độ khoan dung, trong khi ở ngôn ngữ triết học và đạo đức học nó lại là quan niệm đặt việc sống vì người khác lên trên sống vì bản thân mình. Mà một khi đã là quan niệm triết học và đạo đức học, nó không còn thuần túy là giá trị hành xử đạo đức hàng ngày, không chỉ là biết sống vì người khác, mà sẽ được quy chiếu đến sự chi phối của người khác, sự phục tùng vô điều kiện của cái “kỷ” nội tại trước những cái “tha” bên ngoài. Áp đặt hay lẫn lộn những suy nghĩ đạo đức thường nhật giản đơn hơn, lên những ý nghĩa triết học, đạo đức học phức tạp hơn, có căn nguyên nhận thức luận, giá trị luận hơn, thì đương nhiên là sự không tương thích vấn đề, và từ đó là đương nhiên không thể tránh khỏi sai lầm.

Rand không bác bỏ vị nhân sinh trong đạo đức. Vị cá nhân không phải là không vị nhân sinh. Không vị tha nhân không có nghĩa là không vì đời sống con người. Cái Rand bác bỏ chỉ là đối tượng, nội dung cả phương pháp của cái nhân sinh theo quan niệm từ trước đến nay. Tất nhiên, xin lặp lại, khi bác bỏ như vậy, Rand và những người khách quan chủ nghĩa đã có những sai lầm bên cạnh những xác đáng có giá trị.

Ở đây, trong việc trung tính hóa từ ngữ, ngoài diễn giải, dịch thuật cũng có vai trò. Như đã nói, trong sự lượng định trước, khi đọc bản thảo bài dịch của Nguyễn Ngọc Hường (NNH) gởi đến talawas, tôi đã có ý muốn góp ý việc trung tính hóa này, nhưng có lẽ do ngày đi bài đã cận kề và do sự tôn trọng chủ ý của dịch giả, điều này không thể thực hiện. Việc sử dụng từ “vị nhân sinh”, mà thường đi kèm với “nhân bản”, “nhân đạo”, và đối lập với “phi nhân bản”, “phản dân sinh”; thay cho sử dụng từ “vị tha nhân” vốn chỉ đơn giản đối lập với “vị cá nhân”, khiến dễ nhận được thái độ phủ định ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu không là người chuyên nghiên cứu lý luận hay chưa tiếp cận đầy đủ cần thiết đối với vấn đề, đặt biệt là vấn đề dễ gây tranh cãi như thế này, việc chưa chú ý lựa chọn từ ngữ khả dĩ thích hợp nhất khi dịch thuật hoặc diễn giải, là khó có thể tránh khỏi ở người dịch.

Tiện thể, trước khi kết thúc, xin được phép nói rằng việc anh ĐKC phê phán người dịch Rand trên Tia Sáng có vẻ không nhẹ lời, là không được thỏa đáng cho lắm. Không thể tránh khỏi chủ quan tính của người dịch đối với tác phẩm và tác giả, nhưng với tư cách dịch giả - chứ không phải tác giả, người dịch trước hết phải làm công việc chuyển tải nội dung cần chuyển dịch, chứ không phải trình bày quan điểm hay phê phán tác phẩm vàc giả ngay trong chính bản dịch. Đó là công việc sau này của người có chuyên môn và bạn đọc. Không nên đồng nhất quan điểm của tác giả thành quan niệm của người dịch hay người diễn dịch. Đó là những đối tượng khác nhau, làm những công việc khác nhau, có những quan niệm khác nhau. Phong cách đồng nhất hóa như vậy, thật sự, rất tiêu cực và nguy hiểm trong khoa học, đặt biệt là các khoa học xã hội và nhân văn.

24.04.2004

© 2004 talawas



[1]Nhân tiện, do lỗi kỹ thuật bàn phím, trong bài viết đó tôi đã gõ sai năm sinh của Rand là 1915, trong khi phải là 1905.