trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
14.7.2004
Hà Nhân Văn L.L.H.
Tại sao người Việt chọn lý tưởng làm quan?
 1   2   3 
 
Nghề quốc gia

Sau khi bộ phim tài liệu Người Việt Nam sống và làm việc như thế nào đoạt giải Oscar cho Phim hài hay nhất, và nhất là sau khi ngành du lịch đổi sang khẩu hiệu mới “Việt Nam: Văn chương Trình diễn - Những kiệt tác bằng xương thịt,” khách du lịch nước ngoài nô nức kéo sang Việt Nam. Phóng viên báo Pháp Le Monde, cô Francoise De Mulde, đã có các cuộc trao đổi với một số quan chức tại Việt Nam.

Francoise De Mulde (FDM): Tôi chưa từng thấy ở đâu có nhiều điều độc đáo kỳ lạ như ở đây. Phải chăng những kiệt tác bằng xương thịt – các nhà văn lớn của các bạn - chính là kỳ quan thế giới thứ tám?

Quan chức 1 (QC1): Cô cứ bình tĩnh. Cái đó chưa phải là đặc sắc nhất đâu. Còn những cái khác đặc sắc hơn nhiều.

FDM: Ðúng là nhiều thứ đặc sắc thật. Chẳng hạn như vị bộ trưởng y tế có thể chuyển sang làm bộ trưởng giáo dục, bộ trưởng thương mại hay bộ trưởng bất kỳ ngành nào và ngươïc lại. Vậy chắc các vị đó phải có một bộ óc khổng lồ để chứa các loại kiến thức chuyên ngành khác nhau?

QC1: Không cần. Cái chính là phải có CÁI TÂM. Có tâm thì mới theo được Nghề quốc gia, một loại nghề đặc biệt mà chỉ nước tôi mới có. Một khi đã thành tài nghề này thì tha hồ có quyền quyết định bất kỳ việc gì, giữ bất kỳ chức vụ nào, lấy bất kỳ bằng cấp nào và được tiêu chuẩn giành bất kỳ giải thưởng nào...

FDM: Nghề gì mà hay vậy?

QC1: Nước tôi có truyền thống nghệ sĩ, làm cái gì cũng tài tử, a-ma-tơ. Tất cả các ngành nghề từ y tế, giáo dục, luật pháp, khoa học, công nghệ, thương mại, nghệ thuật đến thể thao,... đều là nghiệp dư. Chỉ có một nghề duy nhất thực sự chuyên nghiệp là nghề yêu nước.

FDM: Quá độc đáo. Quả là độc nhất vô nhị. Ðây là lần đầu tiên tôi nghe nói tới nghề này. Vậy nghề này cần có chuyên môn gì và phải học ở loại trường nào?

QC1: Chuyên môn quan trọng nhất là yêu nước. Cái này học trong trường đời là chính. Ở nước ngoài thì các nhà chuyên nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, nhà công nghiệp, chuyên viên tiếp thị, nhà môi giới, vận động viên thể thao, v.v. thường có thêm tinh thần yêu nước. Còn ở nước tôi, các nhà yêu nước chuyên nghiệp cũng có người biết thêm chút ít về các môn như y học, cơ khí, điện tử, thương mại. Nhưng chỉ là để thêm thôi. Nghề chính vẫn là yêu nước.

FDM: Vậy các nhà yêu nước chuyên nghiệp làm loại công việc gì?

QC1: Rất nhiều việc. Yêu nước là công việc nhiều trọng trách nhất: nào là việc cơ quan, việc xã hội, việc quốc gia, việc quốc tế. Việc đầu tiên là lãnh đạo.

FDM: Tức là điều hành cơ quan?

QC1: Lãnh đạo là đưa ra đường lối chiến lược: ví dụ như xây dựng cơ quan thành một đơn vị đoàn kết, nhất trí, trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân đạo, dân chủ, văn minh. Có chiến lược rồi thì nhân viên chỉ việc triển khai thôi. Mình có thể yên tâm đi lãnh đạo tiếp ở các ngành khác, bộ khác.

FDM: Siêu thật. (lẩm nhẩm) Thảo nảo lãnh đạo đông hơn nhân viên. Còn việc thứ hai?

QC1: Việc thứ hai là nghiên cứu tiểu sử của lãnh đạovà đồng nghiệp trong cơ quan. Có nhắm mắt tôi cũng đọc được tên ít nhất 100 món khoái khẩu và 50 địa chỉ nhà hàng, quán karaoke ưa thích và tên 50 em út bồ ruột của các thủ trưởng của tôi. Có ngồi ngoài quán tôi cũng biết là vào giờ này thì từng người trong số sáu vị ngồi cùng phòng tôi đang chơi trò gì trên máy tính, tán gẫu với ai, đang nặn trứng cá hay trang điểm, uống loại trà gì, và đang giặt quần áo bằng xà-phòng gì. Chẳng cần sổ tôi cũng thuộc lòng mỗi vị đã bao nhiêu lần sai phạm và bị phốt (faute) gì. Vợ tôi phát ghen lên với họ vì tôi toàn quên sinh nhật bà ấy.

FDM: Ðồng nghiệp của anh thật là may mắn. Giá mà tôi cũng được nguời khác quan tâm như vậy. Còn việc thứ ba?

QC1: Thứ ba là phát triển tình cảm gia đình và tinh thần đồng hương, những tế bào đầu tiên của chủ nghĩa yêu nước. Ðầu tiên là phải yêu gia đình mình, tiến lên yêu địa phương mình, tiến lên mới yêu tiếp nước mình.

FDM: Ðúng là yêu nước từ trong trứng yêu ra. Dễ thương quá.

QC1: Ðồng nghiệp trong cơ quan đều là anh em con cháu trong nhà cả. Cứ đến kỳ họp hội đồng hương hàng tuần, sau khi đại diện các họ trình bày báo cáo hoạt động trong tuần, thảo luận và thống nhất kế hoạch cho tuần sau, còn khoảng 30 phút là tranh thủ họp cơ quan, họp chi bộ, họp công đoàn, thanh niên và liên hoan luôn, vui cực. Vẫn ngần ấy người, lại tiện đang ngồi ở cơ quan mà. Như thế vừa tiết kiệm thời gian, vừa vui, đỡ phải họp cơ quan lần nữa.

FDM: Có tình cảm đồng hương thì mọi người làm việc hăng say lắm nhỉ?

QC1: Quá hăng say. Trên cơ sở tinh thần đồng hương, sẽ hình thành từng đội riêng, tạo nên một không khí thi đua sôi nổi trong từng cơ quan, từng cục, vụ, viện và từng bộ.

FDM: Có phải là tạo nên các trường phái làm việc khác nhau như: trường phái kỹ trị, trường phái trọng kinh tế, trường phái tư duy ngang (lateral thinking), trường phái năng lực cốt lõi, truờng phái hậu thực dụng...v.v... ?

QC1: Mấy thứ đó không ra gì đâu, khô khan, thiếu tính người lắm. Chúng tôi chia thành đội theo các tiêu chí hoàn toàn con người, ví dụ như đội Nghệ Tĩnh, đội Hải Hưng, đội Thái Bình, đội con cháu sếp A, đội người nhà sếp B, đội bồ nhí sếp C, đội tại chức-chuyên tu, đội cơ cấu, ... Còn nếu tính theo trường phái thì các nhà khoa học xếp chúng tôi vào trường phái duy danh.

FDM: Duy danh có phải là trọng danh dự?

QC1: Không phải. Duy danh (Nominalism) là coi trọng cái tên gọi. Ví dụ như ông bạn tôi có bằng tiến sĩ, thì phải được là một tiến sĩ. Còn chuyện ông ấy mua bằng ở đâu, chất lượng thế nào, giá bao nhiêu, bảo hành bao lâu, không quan trọng.

FDM: Sao lại mua bằng?

QC1: À quên. Ý tôi nói là việc ông tiến sĩ đó có công trình gì, giá trị tới đâu không quan trọng. Cái chính là cái bằng. Xin lỗi. Tôi quen miệng nói nhịu. Cô thông cảm, vì nhìn bạn bè đứa nào cũng có ít nhất một cái bằng đút túi, lắm lúc nghĩ tủi thân lắm cơ. Nhưng không biết có phải tại tình hình I-rắc làm giá vàng lên không mà dạo này bằng tiến sĩ lên giá quá: tận 20 triệu, lại không có bảo hành. Quá là máy chém. Thôi đành chờ thêm ít lâu xem tình hình thế nào hoặc làm cái thạc sĩ cũng được. Có 12 triệu, lại được bảo hành 10 năm.

FDM: Ông đang nói chuyện trường phái duy danh cơ mà.

QC1: OK. Duy danh nghĩa là cái tên mới là quan trọng. Ví dụ như tác phẩm của tôi có hay không, giá trị tới đâu không quan trọng, mà quan trọng là tôi có thẻ hội viên Hội nhà văn đàng hoàng. Một giám đốc kinh doanh lãi hay lỗ không quan trọng, cái chính ông ấy là giám đốc. Một nước có các chỉ số phát triển con người, chỉ số chất lượng sống, chỉ số chống tham nhũng thế nào không quan trọng. Cái quyết định bản chất chế độ của nước đó chính là cái tên: xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa.

FDM: Vậy là mọi cơ hội đều rộng mở. Chỉ cần có cái tên là xong. Quả là “Không có việc gì khó. Chỉ cần có cái tên.”

QC1: Ðúng vậy. Chỉ cần có cái danh. Mà đỉnh cao của cái danh chính là làm quan.

FDM: Ðúng là cái danh của người Việt hay hơn hẳn của Tây. Cứ có nghề yêu nước là thành quan. Cứ làm quan là thành danh. Còn cái danh ở Phương Tây thì có cái dở là lại phải do giá trị của sản phẩm quyết định. Chức vụ cao đến đâu cũng không ai cần biết, nếu sản phẩm/ tác phẩm của anh dở, chả ai coi anh ra gì cả. Tôi chỉ e nếu các văn nghệ sĩ nước ngoài mà biết được cái này thì nguy hiểm lắm.

QC1: Họ sẽ cười chúng tôi chứ gì? Cần quái gì. Chúng tôi sống với nhau là chính chứ thế giới xung quanh coi như không tồn tại.

FDM: Không phải thế. Tôi sợ là do ở trong nước không làm ăn gì được nên họ sẽ ồ ạt vượt biên sang Việt Nam để làm quan, để thành các nhà văn lớn không tác phẩm ấy mà. Gay lắm đấy. Còn nguy hiểm hơn cả di dân kinh tế ấy chứ. Còn việc thứ tư của nhà yêu nước là gì?

QC1: Việc thứ tư là đảm bảo giữ vững tôn ti trật tự, tránh mọi lộn xộn do chủ nghĩa kỹ trị (technocracy: đề cao khoa học-công nghệ) gây ra.

FDM: Tôn ti trật tự là căn cứ vào thành tích công việc ?

QC1: Căn cứ vào thành tích nghề nghiệp chứ, tức là nghề yêu nước ấy mà. Thành tích yêu nước được xác định bằng mức độ có TÂM và có ÐỨC, ngoài ra là theo thâm niên công tác và tuổi tác.

FDM: Vậy mức độ có TÂM và có ÐỨC xác định thế nào?

QC1: Nói cái Tâm đi. Bây giờ phải xài cái Tâm mới là sành điệu. Cái đức thì cũng tạm được, nhưng cổ quá. Có ba tiêu chí để xác định mức độ có tâm. Tiêu chí đầu tiên, - cái này cũng là một bí quyết thành công - là...

FDM: Có phải là tinh thần dám làm, dám mạo hiểm không?

QC1: Nếu chỉ như vậy thì còn gì là độc đáo. Muốn thành công, thăng tiến thì phải an toàn. Không có gì an toàn bằng vâng lời lãnh đạo: lãnh đạo bảo sao nghe vậy, không có học đòi sáng tạo sáng tiếc gì cả. Vâng lời, tiêu chí đầu tiên để đo cái Tâm, chính là mẹ của thành công.

FDM: Sao hay vậy? Ở nước tôi, tính vâng lời chỉ có khả năng tiêu diệt mọi khám phá, sáng tạo và dẫn đến ngu muội thôi. Vậy mà ở chỗ các bạn, nó lại làm được một điều hết sức phi thường là đem lại thành công. Thật đúng là: “Khi ở Tây, NGOAN chỉ là đứa ở. Khi sang Ta, NGOAN bỗng hóa anh hùng. [1] Lại nói tiếp đến tiêu chí thứ hai, chắc nó cũng đặc sắc lắm nhỉ?

QC1: Tiêu chí thứ hai là mức cao nhất của vâng lời. Ðó là lòng trung thành.

FDM: Trung thành với Tổ quốc?

QC1: Tất nhiên là với Tổ quốc. Nhưng đại diện cho Tổ quốc là lãnh đạo, hiện thân của Tổ quốc. Trung với nước chính là trung thành với lãnh đạo.

FDM: Nếu phải lựa chọn giữa bảo vệ sự thật / lẽ phải và bảo vệ lãnh đạo thì ta làm thế nào ạ?

QC1: Lẽ phải chỉ là một thứ lý thuyết. Lãnh đạo mới là hiện thân trực tiếp của lẽ phải. Mọi lý thuyết đều màu xám. Chỉ có ý lãnh đạo là mãi mãi xanh tươi. Bảo vệ lãnh đạo chính là bảo vệ lẽ phải. Chính từ tinh thần này của nghề yêu nước chúng tôi đã phát triển thành một luật bất thành văn quốc tế “Sếp là chân lý” gồm 2 điều: Ðiều 1: Sếp luôn luôn đúng. Ðiều 2: Nếu sếp sai thì xem điều 1.”

FDM: (lẩm nhẩm) thảo nào mà các nhà sử học Việt nói Việt Nam là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Còn tiêu chí thứ ba để đo cái Tâm là gì?

QC1: Thứ ba là tinh thần bảo vệ sự ổn định, trước hết là ổn định về tôn ti trật tự, về nhân sự và cách làm việc trong từng cơ quan, kiên quyết chống lại mọi mưu toan gây thay đổi. Ổn định là hôm nay vẫn như hôm qua, ngày mai lại như hôm nay, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song hiện trạng là không bao giờ được thay đổi.

FDM: Ðúng là không đâu ổn định như ở đây thật. Trong khi ở nhiều nước, như Hàn Quốc hay Nhật Bản chẳng hạn, chỉ sau khoảng sáu bảy chục năm là nhiều thứ đã có thể không còn nhận ra được nữa, thì đất nước các bạn trải qua bao thế kỷ mà nhà ai ở đâu vẫn ở đấy, làng nào làm nghề gì vẫn nghề đó, vẫn công cụ lao động ấy, giọng nói vẫn âm sắc đó, cách ăn mặc, thói quen vẫn vậy, đặc biệt là cách nghĩ, tâm tính vẫn vậy, ngàn năm vẫn sắt son, không thay lòng đổi dạ, thậm chí không xê dịch cả một hòn đá. Thật là phi thường. Nhưng nếu có thay đổi thì sẽ xảy ra chuyện gì?

QC1: Tốt nhất là để thời gian thay đổi mọi thứ một cách tự nhiên. Nếu dùng sức để thay đổi thì mọi vật không thay đổi mà chính người chủ thể sẽ bị thay đổi. Ðiều này trái với bản chất của nhà yêu nước chuyên nghiệp.

Tóm lại, có thể phát biểu một quy tắc đạo đức: vâng lời, trung thành với lãnh đạo và giữ vững hiện trạng chính là thước đo của cái TÂM.

FDM: Tôi hiểu. Công việc thứ tư của chuyên gia yêu nước là bảo vệ cái tôn ti trật tự mà theo đó càng trung thành với lãnh đạo và tích cực giữ vững hiện trạng (nghĩa là càng có Tâm), thì vị trí càng cao. Ðồng chí Fidel Castro chắc là nhờ học môn yêu nước này nên mới lập được một siêu kỷ lục: giữ cả ba chức vụ cao nhất Cuba trong suốt 45 năm qua, tương đương hơn 11 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Nếu sức khoẻ vẫn tốt, thì 99% khả năng là đồng chí sẽ lãnh đạo Cuba thêm một hai chục năm nữa, cho tới hơi thở cuối cùng. Nhờ vậy mà Cuba luôn luôn ổn định, không có bất kỳ nguy cơ gây thay đổi nào cả. Còn công việc cơ quan nào khác không?

QC1: Còn chứ. Việc thứ năm này cũng rất nặng nề. Ðó là đấu tranh chống bệnh nghiệp dư. Bây giờ làm gì cũng phải chuyên nghiệp, nhất là yêu nước. Yêu nước nghiệp dư là một loại bệnh gồm nhiều loại tật xấu như: tật từ chức, tật sách vở, tật mơ hồ, .v.v.

FDM: Tật từ chức là sao?

QC1: Phương Tây động một tý là từ chức. Chỉ có một thằng tù trốn trại mà hai bộ trưởng của Bỉ cùng từ chức thì yêu nước cái nỗi gì. Ðấy là đầu hàng, hèn nhát, là trốn chạy nhiệm vụ. Một người yêu nước chuyên nghiệp phải biết đương đầu với cái loại công luận bội thực thông tin, kiên quyết giữ vững đến hơi thở cuối cùng vị trí mà Lãnh đạo đã giao phó. Rất may là ở nước tôi chưa xảy ra trường hợp nào. Nhưng cũng đã có một vài triệu chứng. Phải ngăn chặn ngay. Nguy hiểm chẳng kém gì bệnh SARS đâu.

FDM: Nguy hiểm như thế nào cơ?

QC1: Tật từ chức tạo ra tiền lệ nguy hiểm, gây sức ép lên các vị lãnh đạo, phá hoại sự ổn định.

FDM: còn các bệnh nghiệp dư khác?

QC1: Các tật nghiệp dư khác là mất cảnh giác, mơ hồ về các khái niệm như trung thực, công khai. Bệnh này có thể dẫn đến việc nhân danh trung thực công khai làm ảnh hưởng uy tín lãnh đạo và tiết lộ bí mật quốc gia.

FDM: Nguy hiểm thật. Tôi thấy có báo còn đi công bố là nhiều vị lãnh đạo không biết Internet là cái gì và một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Bí mật quốc gia mà lại đi tiết lộ bừa bãi như vậy thì mất cảnh giác thật. Ngoài loại việc cơ quan, thì nhà yêu nước có những công việc xã hội gì vậy?

QC1: Thứ nhất là bảo vệ đạo đức xã hội, nhất là bảo vệ đạo đức cho các văn nghệ sĩ, trí thức. Các nhà phê bình luôn đi đầu và kiên quyết đập tan mọi biểu hiện suy thoái đạo đức, ví dụ như xa lạ, đi ngược lại truyền thống dân tộc.

FDM: Ðúng đấy. Nếu không kiên quyết nhỡ các nhà văn Việt lại bắt chước các đồng nghiệp Tàu, Nhật, Ấn độ, khuân về một đống giải thưởng ngoại như Booker, Pulitzer, Goncourt, Medicis hay Nobel cạnh tranh với giải thưởng Hội nhà văn thì gay lắm.

QC1: (Cười). Cái nết đánh chết cái đẹp mà. (rồi nghiêm giọng) Mà cũng phải có tôn ti trật tự chứ. Ngay đến như các bậc cây đa cây đề bao nhiêu năm chinh chiến, tù đày, đầy mình thương tích cũng chỉ dám xài giải thưởng nội, sang lắm mới là giải thưởng ASEAN, mà cũng chỉ một hai vị đứng đầu mới được tiêu chuẩn thôi. Cái bọn loi choi kia, công lao thì bằng cái móng tay, chưa biết mùi chiến tranh, tù đày là cái gì, lại đòi chơi đồ Tây thì như thế là láo.

FDM: Quá láo. Với lại, dùng hàng nội mới là yêu nước chứ.

QC1: Còn việc thứ hai là phát huy tính nhân văn của nền học thuật có bộ mặt người, sao cho học thuật và phê bình phải chú trọng hơn nữa đến cá nhân con người từng nhà văn, nhà thơ, nhất là đạo đức của họ. Việc này vất vả lắm, suốt ngày bị các báo lá cải chạy theo xin bài cho mục đời tư nghệ sĩ.

FDM: Về hưu là mình có thể làm nghề viết tiểu sử được rồi. Còn việc xã hội thứ ba thì sao?

QC1: Việc thứ ba là phát huy khát vọng chiến thắng và tính chiến đấu trong tranh luận. Việc này nhàn lắm. Cứ có tranh luận là tất cả nhà văn nhà thơ đều thành chiến sĩ, quẳng hết văn thơ xuống đất, xông thẳng vào nhau, bừng bừng khí thế, mắt long lên, trông cực kỳ phong độ. Phải nói là sôi động, quyết liệt và hấp dẫn không thua gì bóng đá Anh. May ra chỉ có giải vô địch bóng đá V-League (Việtnam) mới sánh được, xét riêng về kỹ thuật bỏ bóng đá người thôi.

FDM: Tôi nghĩ các con rồng châu Á được như bây giờ có lẽ là do đã học tập cái khát vọng chiến thắng trong tranh luận của người Việt và áp dụng nó vào việc chiến thắng bản thân và xây dựng đất nước. Mỗi khi gặp khó khăn trở ngại quá sức là họ lại tưởng tượng là đang tranh luận, nhất định phải giành phần thắng, và thế là họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua tất cả. Cái này chắc chắn là ăn đứt phép thắng lợi tinh thần kiểu AQ “nó đánh mình khác gì đánh bố nó” hay sức mạnh Mao Tuyển ngày xưa ở Tầu. Còn việc xã hội thứ tư?

QC1: Ðây là việc quan trọng nhất: phát triển cái TÂM thành hệ tư tưởng của người Việt, chống lại mọi sự xâm lăng của pháp luật, khoa học - công nghệ, thông tin, tính công khai, tính hiệu quả, chất lượng và nhất là cái TÀI, cộng với nhiều thứ ngoại lai khác. Lần sau tôi sẽ nói kỹ về vấn đề này.


© 2004 talawas


[1]Phỏng thơ của một tác giả Việt: “Khi ta ở, đất chỉ là đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.”