trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
20.7.2004
Đỗ Minh Tuấn
Không thể nhìn điện ảnh qua lỗ đồng xu
 
Điện ảnh là một nghề phức tạp nhất trong các loại hình nghệ thuật, từ thẩm mỹ điện ảnh, thị hiếu điện ảnh, kỹ thuật điện ảnh, đến kinh tế điện ảnh và xã hội học điện ảnh có bao nhiêu trí thức, bao nhiêu vấn đề sinh động trong thực tiễn mà những người trong nghề cả đời học tập, va đập và suy ngẫm cũng chưa nắm hết và hiểu hết. Vậy mà trong tâm lý xã hội và trong công luận, điện ảnh có vẻ là một thứ ai cũng có thể phán xét, thậm chí, có người không phân biệt được phim truyền hình và phim điện ảnh, mới xem phim qua loa chưa nhớ nổi tên nhân vật nhưng đã hồn nhiên viết bài dạy bảo những người làm phim phải xử lý thế này, dàn dựng thế kia. Người ta không dám sàm sỡ phân tích các tác phẩm văn học vì không phải ai cũng đọc sách và có sách trong nhà, nhưng người ta cứ dễ dãi nói, viết, phê phán và dạy dỗ về điện ảnh vì lúc nào muốn xem phim trên tivi mà chẳng được. Điện ảnh như một thứ gà lợn gia tăng thêm, được nuôi trong cái chuồng tivi, được thả rông trong nhà suốt ngày đêm trả trách người ta coi thường, ngộ nhận là cái quá dễ mắng mỏ và phán xét.

Cái tâm lý “Gần chùa gọi bụt bằng anh” ấy đã được phóng đại tạo nên một loạt những bài viết chửi bới điện ảnh nước nhà vừa thấp kém, dễ dãi, vừa đầy định kiến và ngộ nhận. Những bài viết đó đa phần là của những người mới tập viết hoặc không thể nổi danh ở các lĩnh vực khác nên chọn điện ảnh là nơi tập viết bài, tập mắng mỏ ra oai và tập bàn những chuyện vĩ mô, quốc sách và văn hóa nọ kia. Nghịch lý là, những người có trình độ có thiện chí – trong đó có cả các nghệ sĩ tên tuổi như đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh – khi có ý định cầm bút viết bài về phim phải đi xem hai ba lần, sau đó lại gặp gỡ hỏi han, trao đổi rồi mới viết bằng cả trình độ hiểu biết và tâm huyết của mình. Ấy vậy mà những phu đào huyệt chôn điện ảnh Việt Nam lại lao động quá dễ dãi, giản đơn. Họ thậm chí chưa xem phim, hoặc xem lớt phớt chưa nhớ phim, thậm chí có người xưng danh này nọ mà chưa hiểu đúng các khái niệm “đạo cụ” và “dàn cảnh”, nhưng đã lên giọng chê bai về nghề nghiệp, rằng đạo diễn cho “để cả đèn đạo cụ vào trong phim”. Đạo cụ không để vào trong phim thì để vào đâu? Có tác giả thậm chí viết câu văn không chuẩn lại nhưng cứ xào xác lại các công thức đầy định kiến, các nhận xét thuần cảm tình và những phát hiện tầm thường, vớ vấn, vung bút loạn xị về nền điện ảnh nước nhà bằng một giọng hằn học đố kỵ, chê bai và dạy dỗ như vào chỗ không người vậy. Những loại bài tạp nham như vậy không ai muốn đối thoại vì nó thấp quá và nhiều quá. Thế là chúng càng được thể xuất hiện như cào cào châu chấu khắp nơi, đắc chí đá chân tanh tách vào không khí.

Nhưng sự ghê gớm là ở chỗ tạo nên một ấn tượng về những điều hiển nhiên trong tâm thức xã hội, hiển nhiên là phim Việt Nam “chất lượng kém nên ít khán giả”, hiển nhiên là điện ảnh phải thu hồi vốn và có lãi, hiển nhiên là phim đặt hàng “chiếu ra mắt xong nằm đắp chiếu”… Người ta cứ nói đi nói lại mãi những điều hiển nhiên không cần chứng minh bằng cứ liệu cụ thể chính xác, cũng chẳng thèm lập luận và phân tích bằng logic, cứ thế là chửi bới và lên gân đạo lý và ném ra những kết luận và kết tội làm thối chí nghệ sĩ và lung lạc người quản lý.

Đã đến lúc phải bàn lại một lần cho rõ những điều hiển nhiên mà những bài viết tấn công, thóa mạ và dạy dỗ điện ảnh Việt Nam thường sử dụng những tiên đề ngầm định.


1. Có phải phim chất lượng kém nên ít người xem?

Trên thế giới cũng có trường hợp phim vừa có nghệ thuật cao vừa rất ăn khách như trường hợp phim Chúa tể những chiếc nhẫn. Nhưng nhìn chung phim ăn khách và phim chất lượng cao không phải bao giờ cũng là một và ngược lại. Phim Rừng trúc của đạo diễn vĩ đại người Nhật Kurosava ra đời không có khách được xếp vào loại phim dở nhất. Nhưng sau khi được giới điện ảnh phương Tây lôi ra từ nhà kho, nó đã gây chấn động thế giới, đem lại vinh quan cho điện ảnh Nhật Bản, đến nỗi khi gặp người Nhật người ta chào bằng tên trong phim. Trong khi đó bộ phim Titanic được giải Oscar và rất ăn khách lại được khán giả Anh coi là phim dở nhất mọi thời đại. Ăn khách và chất lượng còn tùy thuộc vào quan niệm của từng dân tộc. Nhiều phim được giải Oscar khi phát hành ở Việt Nam rất ít người xem.

Vậy mà trong nhiều bài báo người ta coi mệnh đề “chất lượng kém nên ít người xem” là một cái gì hiển nhiên. Khi một phóng viên gài mệnh đề này vào câu hỏi phóng vấn một vị tiến sĩ có trọng trách rằng: “Lâu nay phim đặt hàng chất lượng kém nên ít người xem sao vẫn tiếp tục đặt hàng?”, vị tiến sĩ kia cũng vô tình sa bẫy những tiên đề hiển nhiên khi hùa theo nói rằng quả là phim đặt hàng chất lượng chưa cao rồi thanh minh thanh nga với người phóng viên này. Người ta đã đánh tráo vấn đề, đồng nhất số lượng khác giả với chất lượng phim để đối thoại ở một nền tảng lý luận rất thấp, không tiếp cận được vấn đề thực tế. Chính ngộ nhận đó nên phim Ký ức Điện Biên đã được hơn hai mươi tờ báo lớn trong cả nước nhất trí khẳng định là phim có chất lượng cao vượt lên các phim đặt hàng trước đó về nhiều mặt, vậy mà chỉ một tin giật gân thất thiệt đưa ra về việc chỉ có hai người xem / suất chiếu ở rạp Đống Đa đã làm những người quản lý từng khen phim hết lời trở nên lo lắng, hoang mang. Thực tế chẳng có chuyện hai người xem / suất chiếu. Người ta tổ chức chiếu chiêu đãi, có mấy người đi qua nổi hứng mua vé vào xem cùng hơn 400 khán giả khách mời, thế là người ta chỉ coi mấy người mua vé đó là khán giả.

Vấn đề lôi khán giả đến rạp là một vấn đề xã hội vượt khỏi người nghệ sĩ và tác phẩm của anh ta. Đó không chỉ là vấn đề liên quan đến công tác tiếp thị, quảng cáo và thị hiếu mọi người đều biết, mà còn là vấn đề liên quan đến cấu trúc vĩ mô của ngành văn hóa, liên quan đến nhiều ngành nhiều địa phương nhiều tổ chức các cấp. Vậy mà lâu nay vẫn thường trực một cách nhìn giản đơn: đổ hết lỗi cho nghệ sĩ, rồi đòi nghệ sĩ đổi cách làm phim, khiến cho những kiến giải trở nên hời hợt, dễ dãi và xa thực tế.


2. Có phải phim đặt hàng ra mắt xong là đắp chiếu, không có hiệu quả xã hội, lãng phí tiền của nhân dân?

Lâu nay, người ta đã tạo nên một bức tranh thê thảm cho phim đặt hàng phục vụ chính trị, rằng nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng đặt hàng để làm ra những bộ phim xếp kho vào sau mỗi buổi chiếu, không có hiệu quả xã hội. Người ta cứ lặp lại như con vẹt cái mệnh đề này, vô tình hay cố ý bôi bẩn một dòng phim để chờ cơ hội tiêu diệt nó vì những lý do nào đó. Nhưng sự thật lại không như thế.

Hãng phim truyện Việt Nam đã làm 5 phim nhà nước đặt hàng: Đất nước đứng lên, Hà Nội mùa đông năm 46, Ngã Ba Đồng Lộc, Hà Nội 12 ngày đêm và Ký ức Điện Biên…Không có phim nào “chiếu ra mắt xong rồi xếp kho đắp chiếu” như cách nói đầy định kiếm cảm tính và ác ý của một số người. Đất nước đứng lên, Ngã ba Đồng Lộc, Hà Nội mùa đông 46 đã chiếu rộng rãi ở ngoài rạp và chiếu nhiều lần trên Tivi. Đất nước đứng lên phát hành đợt đầu thu hơn 700 triệu, sau đó hầu như năm nào cũng chiếu trên sóng truyền hình. Ngã ba Đồng Lộc nằm trong topten phim ăn khách năm 1997 cùng với phim hài Đón khách của Đỗ Minh Tuấn và 8 phim Mỹ khác, sau đó cũng đã mấy lần chiếu trên sóng. Số người xem các phim này ở trên rạp và trên sóng cũng hàng triệu lượt. Hà Nội 12 ngày đêm còn đang tiếp tục chiếu trong nhiều liên hoan phim quốc tế cho hàng ngàn khán giả nước ngoài, gặt hái được nhiều cảm tình của khán giả quốc tế dành cho Việt Nam. Ký ức Điện Biên sau một tháng công chiếu trên hơn 10 tỉnh thành đã phục vụ cho gần hai triệu lượt người xem, riêng ở hai rạp Tháng 8 và Trung tâm chiếu phim quốc gia trong đợt đầu tiên đã phục vụ cho hàng vạn khán giả trong đó lượt vé bán ra rất ít trong đợt đầu ở hai rạp này cũng thu được hơn ba chục triệu, gấp hai lần doanh thu phim Mùa ổi. Hiện nay Ký ức Điện Biên vẫn đang tiếp tục được chiếu ở các tỉnh. Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, ở Hà Giang chỉ chiếu Gái nhảy được hai ngày, trong khi đó Ký ức Điện Biên đã được chiếu hai tuần nay, ngày nào cũng ngàn rưởi người đến xem phim. Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông của Hãng phim Hội Nhà văn cũng được chiếu cho hàng trăm khán giả trong và ngoài nước.

Người ta cố tình tạo ra những định đề hiển nhiên “phim đặt hàng ra mắt xong nằm đắp chiếu” để che đậy cái thực tế sinh động đó, cái hiệu quả chính trị văn hóa xã hội không thể quy ra tiền của một dòng phim.


3. Có phải đã đến lúc chấm dứt đặt hàng và tài trợ cho điện ảnh?

Trên thế giới, có rất nhiều ngành đầu tư lớn nhưng không bao giờ người ta nghĩ đến chuyện thu hồi vốn và có lãi. Chẳng hạn như khoa học thám hiểm vũ trụ không biết đến mấy ngàn năm nữa mới thu hồi được vốn. Quân đội, công an và hệ thống giáo dục, hệ thống nhà thờ, chùa chiền, các tượng đài, các công viên chẳng bao giờ có lãi theo từng vụ việc. Ngay một số ngành kinh tế quốc dân như ngành đường bộ và ngành hàng không của chúng ta đầu tư hàng tỷ đôla mà trong nhiều thập kỷ không thu hồi được vốn và không có lãi. Nhưng không thể nhìn mọi sự bằng cặp mắt của người buôn bán nhỏ để thấy cái gì không có lãi là la ó đòi giải tán. Một quốc gia phải có tất cả những thứ đó, nó gián tiếp đem lại lãi suất cho các khu vực khác, là tài sản dự trữ vô hình vô giá giúp góp phần đem lại sự phồn vinh cho xã hội.

Cuộc khủng hoảng khán giả điện ảnh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trừ Mỹ ra, hầu như ở tất cả các nước khác hàng hóa điện ảnh nhìn tổng thể đều không có lãi. Theo bà Tổng thư ký Hội Điện ảnh Trung Quốc cho biết trong dịp đến thăm Hãng phim truyện Việt Nam gần đây, Trung Quốc mỗi năm có 90 phim do tư nhân bỏ vốn ra sản xuất nhưng chỉ có khoảng 10% số phim thu hồi được vốn và có lãi. Nhưng không có ở đâu ngoài Việt Nam xuất hiện ý đồ dẹp bỏ điện ảnh khi thấy nó không có lãi. Các nhà nước, các tổ chức văn hóa, các doanh nghiệp ở nhiều cường quốc vẫn luôn luôn có kế hoạch tài trợ để điện ảnh tiếp tục sống. Nước Pháp mỗi năm bỏ ra hàng trăm triệu đô la tài trợ cho điện ảnh để làm các phim về vẻ đẹp văn hóa Pháp, con người Pháp và chiếu phim miễn phí cho học sinh sinh viên và những người già. Song song với việc tài trợ, các nước còn có những biện pháp bảo hộ mậu dịch cho phim nội địa. Pháp, chỉ cho nhập tối đa 50% phim Mỹ, Hàn Quốc bắt buộc các rạp chiếu tối thiểu 50% phim nội địa. Trung Quốc sản xuất 160 phim năm nhưng chỉ cho nhập 20 phim, có lúc còn cấm hẳn việc nhập phim. Ngoài ra, Trung Quốc còn trích 3% tổng doanh thu quảng cáo trên truyền hình để tài trợ cho điện ảnh.

Việt Nam mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng 12 phim mà đã cho nhập tới 50 phim, gấp bốn năm lần số phim nội địa, kỷ lục thế giới về tỷ lệ phim ngoại quốc. Phim Việt Nam bị chiếu vào toàn giờ xấu, chìm nghỉm trong các phim giải trí của nước ngoài. Ấy vậy mà người ta còn lên án điện ảnh Việt Nam không thu hồi được vốn và có lãi. Lẽ ra, nếu nhìn ra bản chất của vấn đề, người ta phải đặt vấn đề tổ chức lại ngành điện ảnh ở cấp vĩ mô, hạn chế nhập phim, chấn chỉnh hệ thống phát hành và chiếu bóng, thậm chí tài trợ thêm cho khâu tiếp thị và chiếu phim để đưa các phim nội địa đến mọi đối tượng người xem như phát hành phim Quân đội đang làm rất tốt, thì người ta lăm le đổ lỗi cho nghệ sĩ, lẽo đẽo chạy theo phục vụ những khán giả thị dân ở mấy thành phố lớn. Và, vừa mới thấy có một Gái nhảy ăn khách, người ta đã vội vàng nghĩ đến chuyện chấm dứt việc đặt hàng và tài trợ cho điện ảnh nước nhà.

Nếu thái độ hằn học với việc điện ảnh Việt Nam vì nó không có lãi chỉ xuất là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và từ những ngộ nhận đã phân tích trên đây thì có thể hiểu và tha thứ được. Nhưng nếu nó là biểu hiện trâng tráo của một thứ văn hóa kim tiền, nhìn văn hóa và lịch sử qua lỗ đồng xu, thì đó là một nguy cơ lớn hơn nhiều cái âm mưu ám sát nền điện ảnh Việt Nam.


Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ số 26 (27-06-04)