trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
24.7.2004
VÅ© Huy
Trở lại bộ phim “Ký ức Điện Biên”
Thư ngỏ gửi ông Huy Thành
 
Thưa ông, qua báo chí, tôi được biết ông đã nhân danh Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh gửi một công văn khiếu nại đến sở CATP Hồ Chí Minh và Bộ Công an về việc ông Đức Kôn - tiến sĩ nghệ thuật học (?), hội viên Hội Điện ảnh TP đã bị “khủng bố” và “đe dọa” bằng nhắn tin trên điện thoại di động, vì ông này đã phê bình bộ phim Ký ức Điện Biên. Tôi, họa sĩ Vũ Huy, công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, họa sĩ chính của phim Ký ức Điện Biên, chính là chủ nhân của số máy di động mà ông Đức Kôn ghi trong lá đơn kiện in trên báo Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, cũng là người được ông Kôn gán cho các danh xưng “tổ sư của điện ảnh”, “an ninh văn hóa” và “lưu manh”, “đê tiện”, “vô văn hóa” v.v. Tôi viết thư này cho ông nhằm nói rõ sự thật và cấp thêm những tài liệu để ông hiểu thêm sự việc từ cương vị của ông.

Thưa ông,

Chuyện bắt đầu từ khi tôi được đọc bài Xem Ký ức Điện Biên-BỊ TRA TẤN TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI của ông Đức Kôn. Bài báo đã in riêng chữ đậm đoạn sau đây: “Đành rằng, gà nào, trứng ấy’ nhưng từ một kịch bản mong manh, thậm chí vớ vẩn như thế, lẽ nào không nhận ra để rồi ai đó lại có thể moi được hàng chục tỷ đồng tài trợ để rồi xây dựng một bộ phim… khó xem đến như vậy? Rồi ai sẽ là người trả lời và chịu trách nhiệm lãng phí tệ hại này?!” Cố tình đặt một phủ định khắc nghiệt cho kịch bản phim, đặt ra một câu hỏi có vẻ đầy “trách nhiệm”, Đức Kôn đã cố tình phớt lờ một thực tế là ai cũng biết là ở nước ta một kịch bản phim được đưa vào sản xuất bao giờ cũng được đánh giá, cân nhắc một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng thông qua ba bốn Hội đồng. Đầu tiên là Phòng biên kịch của Hãng phim, sau đó là Hội đồng nghệ thuật và Ban giám đốc Hãng phim, rồi đến Hội đồng duyệt của Cục Điện ảnh gồm các giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ và các nhà quản lý. Sau khi, bổ sung sửa chữa có khi đến ba bốn lần, kịch bản mới được Hội đồng duyệt trình lên Bộ Văn hóa để Bộ xem xét ra quyết định đưa vào sản xuất. Những phim đặt hàng như Ký ức Điện Biên quy trình còn phức tạp hơn, kịch bản phải xin ý kiến Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Văn phòng Chính phủ, thậm chí tham khảo cả các cơ quan quân đội và tài chính.

Kịch bản phim Người hàng binh có đoạn viết: “Kịch bản phim thể hiện thành công ý tưởng lớn, cắt nghĩa một cách chân thực, sinh động nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ năm 1954. Đó là sức mạnh của ý chí Việt Nam, ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, sức mạnh của lòng nhân ái, khoan dung, tổng hòa thành sức mạnh văn hóa Việt Nam và sức mạnh này đã được thể hiện sinh động ở những người chỉ huy, những người chiến sĩ, những người dân công… Đây là kịch bản phim tốt, đáp ứng kịp thời công tác tuyên truyền kỉ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Công văn số 3611/CV/TTVH của Ban TT – VH Trung ương gửi Thủ tướng Chính phủ do ông Phó trưởng ban Nguyễn Văn Thông kí ngày 22 tháng 9 năm 2003 viết: “Ban tư tưởng- Văn hóa Trung ương có ý kiến như sau: Đây là một bộ phim có nội dung tốt, đáp ứng với công tác tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị, trực tiếp phục vụ lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Một kịch bản được cả một tập thể có trách nhiệm xem xét nghiêm túc và đánh giá như vậy, thế mà ông Đức Kôn cho rằng “kịch bản mong manh, thậm chí vớ vẩn”. Thái độ phủ nhận hằn học của ông Đức Kôn nếu chỉ là ý kiến cá nhân nói ở đâu đó thì không sao, nhưng tạp chí Điện ảnh TP Hồ Chí Minh lại đăng lên, nhấn mạnh gieo vào công chúng rộng rãi thái độ hoài nghi về sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước ta trong công tác tư tưởng – văn hóa, đánh giá thấp trình độ của tất cả các cơ quan Đảng và Nhà nước có trách nhiệm duyệt kịch bản này.

Bộ phim Ký ức Điện Biên đã hoàn thành đúng thời hạn, được công chiếu vào đúng lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được hơn 20 tờ báo trong cả nước như Nhân dân, Lao động, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ trẻ, Tuổi trẻ, Thanh niên, Thể thao văn hóa, Tin tức, Sài gòn giải phóng, Người lao động, Đài truyền hình Trung ương, Đài tiếng nói Việt Nam v.v… có bài đánh giá tốt, khẳng định phim có giá trị giáo dục truyền thống đối với khán giả trong và ngoài nước, đặc biệt là khán giả trẻ. Các đại biểu Quốc hội xem tối 17-5 cũng đã có những đánh giá rất tích cực với bộ phim. Đến nay bộ phim đã phục vụ trên hai triệu khán giả trong cả nước và vẫn đang tiếp tục chiếu ở nhiều tỉnh thành. Tôi đã dự buổi ra mắt phim ở Điện Biên Phủ và một số buổi chiếu ở Hà Nội cho hàng ngàn khán giả. Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được những kỷ niệm đẹp khi nhìn thấy những niềm vui của khán giả đủ mọi lứa tuổi, nhất là các cựu chiến binh, các bà con ở Điện Biên. Họ đã nồng nhiệt, hân hoan bắt tay cám ơn và phát biểu trước ống kính truyền hình khen ngợi bộ phim.

Vậy mà Đức Kôn viết bài với tít lớn Xem Ký ức Điện Biên-BỊ TRA TẤN TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI thóa mạ bộ phim và những người làm phim, thể hiện một thái độ của hằn học đầy ác ý. Đức Kôn không chịu nổi những hình ảnh và âm thanh tái hiện lại những cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Ông càng không thể chịu nổi cách mà chúng ta đã và đang làm trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Chính vì thế mà ông viết bằng một giọng mỉa mai: “Như đã biết, một học sinh phổ thông cũng đã được dạy rằng, đại loại: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam ta, xứng đáng được coi như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ hai mươi”, là “Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới” (Hồ Chủ tịch). Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” v.v. và v.v.”

Với cách hành văn châm biếm, với các cụm từ “Như đã biết”, “được dạy rằng”, “đại loại”, “v.v. và v.v…”, Đức Kôn muốn độc giả thấy rõ sự khó chịu của ông ta đối với cách chúng ta kỷ niệm và ôn lại các chiến thắng lịch sử của dân tộc. Và cuối cùng không thể chịu đựng được nữa, Đức Kôn lộ nguyên hình: “Vâng, bom đạn, lửa khói, chết chóc, máy bay gầm rú đinh tai nhức óc đến ngột ngạt, nhàm chán suốt từ đầu đến cuối bộ phim. Để làm gì vậy?! Vả lại, chiến trận nào mà chẳng thế, đâu chỉ là chiến dịch Điện Biên Phủ?! Xem phim có cảm giác bị tra tấn…”. Với hai chữ “chết chóc”, Đức Kôn đã đánh đồng sự hi sinh anh dũng của quân đội ta với cái chết của binh lính Pháp. Nhiều khán giả thấy chiến trận dàn dựng chân thực ấn tượng như thật thì thích, cho là phim làm giống ngày xưa, tái hiện được những gian khổ và khốc liệt của của cuộc chiến đấu mà bộ đội mà nhân dân ta đã trải qua khiến họ thấy xúc động, tự hào với cha anh. Nhưng riêng ông Kôn thấy bị tra tấn. Đó là cách cảm nhận cá biệt và bệnh hoạn của ông, bộc lộ não trạng của người ngoài cuộc. Trước đây, ông cũng có cảm giác bị tra tấn khi xem Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola nên nhiều người ca ngợi còn riêng ông viết bài chửi rủa. Trong các bài viết của Đức Kôn luôn bộc lộ thái độ coi thường sự lãnh đạo của các cơ quan Đảng và Nhà nước, dường như chỉ ông mới nhìn rõ vấn đề, chỉ mình ông mới bức xúc, còn tất cả đều “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” như đầu đề một bài báo chửi phim Lọ lem hè phố của ông. Không biết với thái độ như vậy, ông sẽ nói những gì với sinh viên khi đứng trên bục giảng?

Thưa ông,

Bài báo thô lỗ, cay nghiệt và hằn học của ông Kôn đã xúc phạm hàng ngàn người nỗ lực làm phim, xúc phạm nhiều tổ chức Đảng và Nhà nước trong đó có nhiều binh chủng quân đội, nhiều bộ, nhiều địa phương đã hết lòng giúp đỡ đoàn làm phim. Diễn viên chính Kiều Anh đã khóc khi xem bài báo đó. Trong bài viết ông Kôn có hỏi “Ai là người sẽ trả lời?” vấn đề ông đặt ra. Tôi nghĩ một bài báo lệch lạc và ác ý như vậy hẳn sẽ được người có trách nhiệm trả lời. Nhưng chờ gần một tháng không thấy ai lên tiếng, tôi buộc phải nhận lấy trách nhiệm trả lời này. Tôi gọi điện thoại cho ông Đức Kôn, định trao đổi cho ông hiểu sự nỗ lực và nghiêm túc của chúng tôi. Thế là tôi trở thành nạn nhân của sự chửi rủa. Bao nhiêu lý luận, bao nhiêu bực tức với “ai đó” ông Kôn trút cho tôi, với những lời lẽ cay nghiệt như trong bài báo. Ông xúc phạm bộ phim, xúc phạm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và xúc phạm cá nhân tôi bằng cả những lời tục tĩu, thô bỉ nhất.

Phần tiếp theo của câu chuyện ông và hàng ngàn độc giả cả nước cũng đã biết. Tôi cho rằng giữa tôi và ông Kôn chỉ là chuyện riêng giữa hai người đàn ông với nhau, từ chỗ khác ý đến cãi nhau, xỉ vả nhau, chửi bới nhau. Khi ở gần, người ta có thể chửi bới hết cỡ vào mặt nhau, thậm chí rủa nhau chết đi là chuyện bình thường. Khi ở xa, người ta phải dùng điện thoại để bộ lộ sự tức giận của mình. Khi đã hết tiền hoặc bị đối phương tắt máy thì người ta dùng nhắn tin. Vậy mà ông Kôn kiện tôi, cắt xén, xuyên tạc và vu cáo cho tôi là “khủng bố”, “lưu manh”. Tờ báo của các ông chạy tít lớn giật gân “Vì sao tiến sĩ Đức Kôn bị dọa giết?” Các ông không hiểu thế nào là chửi nhau, thế nào là khủng bố hay các ông cố tình làm kiểu giật gân để bán báo và thanh toán đồng nghiệp?

Sau đó, đơn kiện của ông Kôn được tạp chí Điện ảnh TPHCM và một số báo khác đăng tải. Việc đăng nguyên cả số điện thoại của tôi với những lời bình luận và kết luận thiếu vội vã, thiếu khách quan và đầy kích động của tòa soạn cũng đã khiến tôi phải mất hàng ngàn cú điện thoại và nhắn tin. Chia sẻ có, ca ngợi có và chửi rủa, nhục mạ, đe dọa cũng có. Nhiều tin nhắn mang nội dung chính trị và hình sự rất nghiêm trọng. Hiện tôi còn lưu tất cả trong máy, nhưng chưa phải lúc công bố những tin nhắn ấy.

Tôi có gọi điện vào hỏi báo Điện ảnh TP Hồ Chí Minh sao lại đăng bài khẳng định như vậy trước khi điều tra nghiên cứu thì ông Phạm Thùy Hân - Trưởng ban biên tập nói thẳng rằng tờ báo của Hội các ông có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của hội viên. Tôi nói tôi cũng là hội viên hội điện ảnh, thì ông Nhân nói tờ báo thuộc Hội điện ảnh TP Hồ Chí Minh nên hội viên phía Nam đưa đơn thì ông ta in, thích kiện thì đi mà kiện. Ông Nhân còn nói nhiều điều không thể chấp nhận được. Ngày 7/08/2004 tôi viết đơn gửi lên các cơ quan có thẩm quyền để trình bày sự việc. Tôi cũng chẳng kiện ai, khiếu nại ai, kể cả ông Đức Kôn. Bởi lẽ tôi quan niệm rằng quan điểm chính trị, tư tưởng của ai, là quyền tự do cá nhân của họ. Chuyện xích mích giữa tôi và ông Kôn là chuyện riêng. Không vì thế mà mình tố cáo, lên án ông Kôn và cũng không vì thế mà gây thêm chuyện lộn xộn, ảnh hưởng đến an ninh và trật tự của xã hội. Đến bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm như vậy.

Thưa ông Huy Thành,

Tôi xin lỗi các độc giả và các đồng nghiệp của tôi ở phía Nam đã bị phiền lòng vì những gì tôi đã góp phần gây ra làm họ hiểu lầm. Tôi cũng mong ông trong cương vị cảu mình tiếp tục làm rõ việc này, đừng bỏ dở giữa chừng bất cứ lý do gì. Ông nên bổ sung thêm các tư liệu trong lá thư này vào các công văn mà ông lại sắp gửi đi các nơi. Không nên chỉ dừng lại ở sự việc “Vì phê bình phim Ký ức Điện Biên mà Tiến sĩ Đức Kôn dọa giết”. Chắc chắn các công văn của ông nhờ thế mà thuyết phục hơn.

Xin gửi tới ông lời chào chân trọng.

Hà nội, ngày 18-07-04.
Nguồn: Văn Nghệ Trẻ số 30 (25.07.2004)