trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
28.7.2004
Robert Ménard
Về tự do Liên Mạng Internet tại Trung Quốc
Nữ Lang Trung dịch
Hóng Vương thực hiện
 

Ông Vương Hóng, phóng viên báo mạng Ðại Kỉ Nguyên (www.dajiyuan.com) đưa tin từ Paris: Vừa qua, tổ chức “Kí giả không biên giới” - tổng bộ tại Paris – (www.rsf.org) đã trao tặng giải thưởng “Tự Do Liên Mạng Internet” năm 2004 cho ông Hoàng Kì (Huang Qi), chủ nhân của trang web Thiên Võng (www.tianwang.com) ở Đại Lục, hiện đang bị nhà cầm quyền Trung cộng bắt giam. Nhân sự kiện này, phóng viên Ðại Kỉ Nguyên đã tới thăm và phỏng vấn người phụ trách tổ chức này là ông Robert Ménard tại Paris.


Phóng viên (PV): Chào ông, ông phụ trách mục liên quan giữa Tự Do và Internet, từ năm 2001 tổ chức “Kí giả không biên giới” bắt đầu để mắt đến tình hình kiểm duyệt và khống chế Internet tại Trung Quốc (TQ). Vậy xin ông cho biết kết quả quan sát ra sao?

Robert Ménard (RM): Chúng tôi đã phát hiện việc chính phủ TQ kiểm duyệt khống chế Internet ngày càng chặt chẽ. Kì tình là chính phủ TQ sử dụng Internet làm con bài đặt cược. Có một số quốc gia cấm Internet hoàn toàn, nhưng TQ không phải vậy, đó là một nhà nước chấp nhận sử dụng Internet, biết sử dụng Internet vào phục vụ nhu cầu tuyên truyền. Một mặt, họ cần đến Internet trên phương diện kinh tế, làm ăn, khoa học kỹ thuật. Nên họ có đến 80 triệu khách hàng nối mạng. Là một nước lớn chỉ đứng sau Mỹ về sử dụng mạng lưới Internet. Mặt khác, TQ cũng là một nước có cảnh sát Internet đông nhất, có đối tượng sử dụng Internet do bất đồng chính kiến mà bị bắt giam nhiều nhất. Ðối với những người truyền bá các tin tức mà chính quyền không hài lòng, là chỉ có bắt bớ! Trung Quốc là một nước có nhiều vấn đề nhất về lĩnh vực sử dụng Internet.


Theo tin của tang web Đại Kỉ Nguyên ngày 20.7.2004, trong 3 tháng vừa qua Trung Quốc đã đóng cửa 16.000 cửa hàng Internet công cộng. Trong ảnh: Công an tỉnh Sơn Đông tuần tra một cửa hàng dịch vụ Internet.


Công an tỉnh Sơn Đông kiểm tra sổ theo dõi khách hàng nối mạng



PV: Theo quan sát của quý tổ chức, có những chủ đề nào, từ ngữ nào mà giới cầm quyền TQ cấm nhắc đến?

RM: Chúng tôi có làm một cuộc nghiên cứu, thí nghiêm một vài từ ngữ có tính then chốt. Phát hiện ra có một số từ ngữ không làm sao đưa được vào mạng “diễn đàn trò truyện”, hoặc bị đẩy ra ngay lập tức. Những từ ngữ này đều có liên quan đến nhân quyền, dân chủ, Tây Tạng, Thiên An Môn, cái gọi là liên quan đến chống Ðảng, cuộc bãi công của thợ thuyền v.v. Ðương nhiên còn có những thứ khác nữa, nhưng chủ yếu vẫn là ngần ấy thứ. Hơn nữa còn rất nhiều trạm Internet bị cấm đoán, hàng triệu trang web bị phong toả, mạng của “Kí giả không biên giới” đã bị triệt phá, không thể truy cập ở Trung Quốc.

PV: Trong các ví dụ ông vừa đơn cử, hình như không đề cập đến Pháp Luân Công. Chúng ta đều biết đề tài này rất nhạy cảm ở đất TQ. Ðối với những nhân sĩ bị bắt vì bảo vệ tự do ngôn luận, tức là những phóng viên đồng thời là tín đồ Pháp Luân Công thì tổ chức của các ông có thái độ như thế nào?

RM: Chắc chắn rồi, chắc chắn phải đề cập đến, vừa rồi tôi quên nhắc tới Pháp Luân Công mà bây giờ đã trở thành cái gai trong mắt chính phủ TQ. Nhưng những người Pháp Luân Công ở hải ngoại có một sách lược rất hay. Họ tận dụng các cơ hội để thông báo với mọi người về thực tế bị bức hại. Họ là một nhân quần bị hãm hại nghiêm trọng nhất, nhưng cũng là một nhân quần biết bảo vệ quyền lợi cho bản thân họ một cách thành công nhất. Họ tổ chức rất tốt trong phong trào chống bức hại. Trong số người bị bắt giam do chính kiến bất đồng gửi lên mạng có nhiều người theo Pháp Luân Công. Cái không may là cuộc đàn áp vẫn còn tiếp tục, sẽ còn người bị bắt bớ, nhưng chúng tôi biết cố gắng để vì tự do của họ. Mỗi khi có cơ hội, chúng tôi đều lên tiếng ủng hộ họ, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Trách nhiệm của tổ chức “Kí giả không biên giới” là bảo vệ tự do ngôn luận cho mọi người, bất kể cá nhân chúng tôi có chia sẻ quan điểm của họ hay không. Một khi họ bị tống giam do luận điểm, thì đó là đối tượng bảo vệ của tổ chức của chúng tôi. Nếu xét thấy làm còn chưa tới, thì chúng tôi sẽ còn nhiều cách để làm tiếp.

PV: Ông có nghe về một đài truyền hình tiếng Hoa độc lập ở hải ngoại, đài “Tân Ðường Nhân” không? Tín hiệu vệ tinh của đài bị chính phủ TQ gây nhiễu, hơn nữa chính phủ TQ còn gây sức ép với công ti vệ tinh, với cả chính phủ các nước có trụ sở của công ti vệ tinh đó, để cản trở việc nghe nhìn của công chúng đại lục và hải ngoại. Trước sự kiện này, với tư cách người phụ trách tổ chức “Kí giả không biên giới”, ông sẽ lựa chọn phương thức hành động gì?

RM: Chúng tôi biết bảo vệ và ủng hộ tất cả các hãng truyền thông đã đưa tin độc lập một cách vững vàng, bất kể ở trong hay ngoài nước họ. Chúng tôi cũng có mối liên hệ với rất nhiều người Hoa ở hải ngoại, rất nhiều nhân sĩ bất đồng chính kiến bị buộc lưu vong nơi xa xứ, đối với họ là chuyện thật chẳng may mắn chút nào. Thiết nghĩ họ đang cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng tôi đã giúp đỡ bằng cung cấp vật chất ở nhiều phương diện, đồng thời chúng tôi còn bằng mọi nỗ lực làm cho phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu đừng sao nhãng các nhân sĩ bất đồng chính kiến của TQ. Mọi người còn ghi nhớ hình ảnh đầy khí thế, vạn người như một, xuất hiện sau cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, nhưng không bao lâu đã có chiều hướng đi xuống. Vai trò của chúng tôi là nhắc nhở mọi người lưu ý: Trung Quốc vẫn còn là một nhà tù lớn nhất thế giới. Do vậy chúng tôi phản đối việc cử hành thế vận hội tại Bắc Kinh, đương nhiên không thể bảo rằng chúng tôi phản đối người TQ, vì chúng tôi cho rằng việc phê chuẩn quyền đăng cai thế vận hội cho Bắc Kinh là một hành động cực kì ngu độn, nó vô hình trung khuyến khích hành vi cử chỉ của nhà đương quyền nước này. Thật tình có lúc chúng tôi có cảm tưởng rằng mình đang thét gào trước một hoang mạc, các nước phương Tây như bị mê hoặc bởi thị trường của TQ, huyền hoặc bởi con số hơn một tỉ dân tiêu thụ, mà nhắm mắt không chịu nhìn thẳng vào hiện thực của nước Trung Hoa.

PV: Tổ chức của ông năm nay trao giải thưởng “Tự Do Liên Mạng Internet” cho ông Hoàng Kì, một nhân sĩ bất đồng chính kiến trên mạng đang bị bắt giam tại Đại Lục TQ. Chúng tôi còn được biết, năm ngoái ông và đồng sự đã sang thăm hỏi bà vợ Hoàng Kì tại TQ, ông có thể cho biết tình cảnh lúc đó và những ấn tượng của ông?

RM: Tôi gặp bà ấy cùng với cậu con trai khoảng 11-12 tuổi tại một khách sạn. Khi gặp mặt, chúng tôi phát hiện bà Hoàng có vẻ sợ hãi, bà ấy biết rằng mình đang làm một việc cực kì mạo hiểm. Một mặt bà Hoàng tỏ ra sợ sệt, sợ chồng bà rồi sẽ không được tha đúng thời hạn 5 năm. Nhưng mặt khác bà cũng nhận ra, phải để người phương Tây và dư luận xã hội, quốc tế tham dự vào sự việc này mới có hiệu quả. Riêng tôi cảm nhận được sự gan dạ của bà ta, bà rất kiên định và gắng hết sức cho việc đòi lại tự do cho chồng. Bà chuyện trò với chúng tôi trên đường đi, và dẫn chúng tôi đến tận nhà lao mà chồng bà bị giam vào những ngày đầu. Sau đó lại dẫn chúng tôi đến một nhà lao nữa, lúc bấy giờ ông Hoàng Kì đang bị giam giữ trong đó. Chúng tôi bị phát hiện là đã chụp hình tại chỗ, bị cảnh sát và cơ quan quản lí của nhà lao tạm giữ mấy tiềng đồng hồ, có hai người đàn bà nói chuyện với chúng tôi, giáo dục chúng tôi, rằng làm như vậy không tốt, sau đó thả chúng tôi về. Theo quan sát của tôi, ngày nay ở TQ những người dùng mạng Internet để phản đối thể chế hiện hành hoặc những người chỉ truyền đạt tin tức khác với quan điểm của Trung cộng, họ rất đơn độc, rất cô đơn, và luôn nơm nớp sợ hãi.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về viễn cảnh Tự do liên mạng Internet của TQ?

RM: Tôi không dám thưa rằng trong thời gian ngắn có thể lạc quan, nhưng chí ít nhìn nhận trong một thời gian không quá dài nữa, một chính phủ như thế không thể duy trì mãi được đâu, số phận của chế độ cộng là diệt vong thì nó sẽ phải tiêu tan. Cũng giống như các nước Đông Âu, chính quyên cộng sản ở châu Á cũng sẽ sụp đổ. Ngoài ra, ta xem cái kiểu chơi của các người bất đồng chính kiến với chính phủ như mèo vờn chuột ấy, cứ cho rằng chính quyền huy động thật nhiều nhân lực và tiền của để kiểm soát, khống chế (nghe nói có 3 vạn nhân viên chuyên nghiệp giám sát tình hình nối mạng), nhưng kiểu nào cũng có thể bị rò rỉ, nói thế tức là người ta đều có cách thoát khỏi sự kiểm soát khống chế đó. Hơn nữa còn chúng tôi, thấy cần ủng hộ nhiều hơn nữa đối với những nhân sĩ bất đồng chính kiến của TQ, do vậy năm nay chúng tôi trao tặng giải thưởng “Tự Do Liên Mạng Internet” cho một người TQ, mục đích là cổ vũ họ, họ không đơn thương độc mã, không bị lãng quên, chúng tôi luôn sát cánh cùng họ, luôn có người ủng hộ họ từ bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa.

PV: Cám ơn tổ chức của ông đã khích lệ những người TQ đấu tranh cho ngôn luận tự do.

RM: Rất cám ơn!


Nguồn: Đại Kỉ Nguyên (www.dajiyuan.com), 26.6.2004, 12:29:06 AM




Phụ lục
Báo cáo 2004 của tổ chức “Kí giả không biên giới” về tình trạng kiểm soát Internet

Trong báo cáo năm 2004 về tình trạng kiểm soát Internet trên thế giới, căn cứ trên khảo sát tại 60 nước, tổ chức “Kí giả không biên giới” đã xếp Việt Nam cùng 3 nước khác là Trung Quốc, Maldives và Syria vào nhóm 4 nước dùng biện pháp bỏ tù những người dùng Internet để bày tỏ sự bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền hoặc đăng tải những thông tin bị nhà cầm quyền cho là “mang tính lật đổ”. Số người bị bỏ tù liên quan đến việc sử dụng Internet tại các nước này là: Trung Quốc 63, Việt Nam 7, Maldives 3 và Syria 2.

Báo cáo này cũng xếp tình trạng tự do Internet tại Việt Nam vào loại “rất nghiêm trọng” (very serious), cùng với 8 nước khác là: Trung Quốc, Cu Ba, Maldives, Syria, Saudi Arabia, Iran, Tunesia và Turkmenistan. Những nước bị xếp hạng “nghiêm trọng” (serious) là Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Lào. Canada, Đài Loan, Nhật, Đức, Ý, Nam Phi và nhiều nước khác được xếp hạng “tốt” (good), trong khi Pháp, Anh, Nam Triều Tiên... ở hạng “trung bình” (middling), còn Thái Lan, Singapore... ở hạng “phức tạp” (difficult). Việc đánh giá và phân hạng (tốt, trung bình, phức tạp, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng) dựa trên các dữ kiện về việc thủ tiêu, giam cầm hoặc đàn áp những người bất đồng chính kiến hoặc nhà báo dùng Internet, về sự kiểm duyệt đối với các trang web tin tức, về sự tồn tại của những trang web tin tức độc lập, về sự tồn tại của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) độc lập, và về dụng ý duy trì phí tổn truy cập Internet ở mức quá cao. Phí tổn 20 giờ truy cập Internet tại Việt Nam –theo báo cáo này- trung bình là 15 Euros, tuy chưa đạt mức kỉ lục như ở Cu Ba (45 Euros), nhưng không những đắt hơn ở các nước phương Tây mà còn đắt hơn ở các nước láng giềng có thu nhập bình quân cao hơn như Trung Quốc (8 Euros), Đài Loan (6 Euros), Thái Lan (5 Euros)... Ngoài ra, báo cáo này cũng đưa ra chỉ số DAI (Digital Access Index) của Liên hiệp Viễn thông Quốc Tế (International Telecommunications Union) căn cứ vào tỉ lệ sử dụng công nghệ truyền thông và thông tin tính trên số dân mỗi nước. Theo đó, chỉ số DAI (tính từ 0 đến 1) của Việt Nam là 0,31 so với Cu Ba: 0,38; Trung Quốc: 0,43; Saudi Arabia: 0,44; Thái Lan: 0,48; Lào: 0,48; Đài Loan: 0,79; Nam Triều Tiên: 0,82, nhưng đứng trên Syria: 0,28 và Miến Điện: 0,17.

Nguồn: talawas tổng hợp từ: Internet Under Surveillance 2004