trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
5.8.2004
Trần Ngọc Vương
Con đường hiện đại hoá của Việt Nam trong bối cảnh Ðông Á
 
Ở thời điểm hiện nay, khi đã trở nên là thành viên đầy đủ và tích cực của khối ASEAN, nói đến sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh khu vực là trước hết người ta nghĩ ngay đến khu vực Ðông Nam Á. Ðứng về phương tiện địa lý mà nói, thì tính chất Ðông Nam Á của Việt Nam cũng là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng nếu xét tới mọi dữ kiện và điều kiện tác động chi phối và quy định khả năng, tính chất, mức độ của sự vận động lên hiện đại hoá ở Việt Nam, thì những yếu tố Ðông Á, theo góc nhìn của tôi, vẫn là những yếu tố chủ đạo (dominants) hơn.

Từ lâu, trong nghiên cứu lẫn trong thực tiễn, tính nhị trùng (doublement, bilatéralement) đã được nói đến, tính đến. Nhưng cũng từ lâu, tính nhị trùng này gây ra không ít những sự phân vân lưỡng lự, những nhận định hay nhận xét thiếu minh bạch, và tình trạng đó kéo dài. Tuy vậy, khi đối chiếu để nhận diện, thì hướng tới khu vực Ðông Á, người ta dễ dàng tìm ra được “vật chuẩn”, mà quay sang Ðông Nam Á, “vật chuẩn” đó lại biến mất. Dễ dàng nói đến, từ cổ mẫu (archétype), đến mẫu hình (type) Ðông Á trên nhiều bình diện, nhưng lại rất khó xác định những gì tương tự ở Ðông Nam Á cho Việt Nam.

Quá đủ, thậm chí dư thừa, những lý do để người Việt Nam ngày hôm nay phải “tự ngắm lại mình” dù muốn dù không. Ngoài kia là sục sôi những “làn sóng thứ ba”, “làn sóng thứ tư”, hết Âu hoá, hiện đại hoá, xã hội chủ nghĩa hoá, rồi hậu hiện đại hoá, hậu công nghiệp hoá, giải Âu hoá, toàn cầu hoá đồng thời giải toàn cầu hoá. Giới chính khách các nước đều đang phải trầm ngâm trước câu hỏi thừa nhận hay không thừa nhận tính đơn cực của thế giới hậu chiến tranh lạnh, hoà đồng, hội nhập được tới đâu và cố riêng tư được tới đâu. Ta cũng phải có đáp án, phải có quyết sách, phải có cẩm nang để ứng thù. Ðể đưa ra những đáp án, những quyết sách đúng, thì cùng với nhiều đòi hỏi khác, chắc chắn cũng phải tự làm sáng tỏ cho mình vấn đề mang tính nền tảng này: Tính chất Ðông Á của Việt Nam là thế nào? Tính chất Ðông Nam Á của ta là những gì? Ngoài “dân tộc tính”, “khu vực tính” còn cần phải tìm cho mình “nhân loại tính”, “thế giới tính” nữa. Mở ra bốn biển năm châu, tình nguyện làm bạn với tất cả các nước, càng cần phải biết rõ “lưng vốn” của nhà có gì.

Tuy không còn đối diện với tình trạng “nhà tan nước mất”, tình trạng “lửa sém lông mày”, nhưng nếu không cấp bách tự cường mà cứ tiếp tục lạc hậu, lạc điệu, thì những hiểm hoạ mới không thể không xuất hiện. Giới nghiên cứu khoa học phải chịu một phần trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, không thể chỉ ngụp lặn mãi trong những sáo ngữ và mê trận hàn lâm, mà phải góp phần tìm kiếm “lối ra”, ít nhất là về mặt lý thuyết.
Việc nhận thức rõ con đường hiện đại hoá của Việt Nam trong bối cảnh khu vực Ðông Á và Ðông Nam Á ngày nay, thiết tưởng là một trong những vấn đề đáng được giành một mối quan tâm to lớn.


I. Thuộc về Ðông Nam Á hay thuộc về Ðông Á - một cái nhìn hồi cố (un coup d’ euil rétroxpetif)

Cho đến nay thì toàn bộ cư dân Ðông Nam Á đều không thuộc loại các tộc đại bình nguyên hay đại thảo nguyên. Tiền sử Ðông Nam Á đang được các nhà khảo cổ học làm rõ dần, tuy nhiên những gì có thể khẳng định chắc chắn hiện vẫn thuộc về thời có sử. Tất cả các tài liệu liên quan đến chữ viết của lịch sử Việt Nam nhìn tổng thể vẫn chưa vượt xa khỏi giai đoạn sử dụng Hán tự, kể cả những ghi chép về Giao Châu của lịch đại thức giả Trung Hoa, lẫn các tác giả không Hoa.

Nếu nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hoá, văn minh Trung Hoa thì có thể thấy rằng hạt nhân khởi đầu của nó là văn hoá sông Hoàng hà. Cho tới cuối thời Chu, chư tử của Trung Hoa vẫn tập trung chủ yếu ở các nước chư hầu phía Bắc. Cư dân Ngô Việt, Kinh Sở, vùng cư dân quan trọng thứ hai hội nhập vào văn hoá Trung Quốc tuy thực chất đã đưa lại cho nền văn hoá này một bước đột biến vô cùng quan trọng, nhưng suốt một thời gian lịch sử dài vẫn bị coi hay thậm chí tự coi là dân ngoại vi, vẫn là “Nam Man”. Ta vẫn quen coi Triệu Ðà là người Hán, nhưng lại cần lưu ý rằng trong quan hệ với hoàng đế Hán triều, ông tự xưng là Nam Man đại trưởng lão. Có thể hình dung vắn tắt không xa sự thực rằng toàn bộ cư dân lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) vẫn còn bảo lưu rất nhiều đặc điểm cả về nhân chủng lẫn văn hoá dị biệt so với “hạt nhân” Hán tộc ở phương Bắc, thậm chí là cho tới hiện nay. Chắc chắn là vào thời Hán, nhất là Tây Hán, vùng quê hương của Sở Bá Vương vẫn là vùng đất “mới”, còn nhiều sự thù địch và xa lạ với Hán triều.

Trong toàn bộ thời bắc thuộc, ta chứng kiến sự có mặt gây ảnh hưởng cực quan trọng tới diện mạo văn hoá Giao Châu của bộ phận cư dân gốc phương Bắc. Tôi nói là cư dân phương Bắc, mà không đơn giản nói là người Hán, vì tôi cho rằng một phần lớn trong họ- bộ phận cư dân phi bản địa, tức là thực dân ấy - không hẳn là người Hán. Sự hiện diện của bộ phận dân cư này chủ yếu là dựa trên mấy nguyên nhân, mấy lý do:

  • Thực hành công việc cai trị
  • Chạy loạn
  • Những lý do kinh tế hay tôn giáo khác

Không phải là theo những đợt thiên di lớn, nên sự có mặt của bộ phận cư dân này tuy là ở lớp mặt ngoài, nhưng chưa đủ sức làm biến đổi tính chất và kết cấu của cư dân bản địa theo chiều sâu.

Tính chất Bắc thuộc trong hàng nghìn năm không phải là cùng một cung bậc như nhau. Theo cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng nội dung Trung Quốc hoá, Hán hoá ở Việt Nam tăng đậm ứng với giai đoạn đế chế Ðại Ðường thịnh vượng. Chính trong khoảng thời gian này (các thế kỷ VII, VIII, IX) mà diện mạo và tính chất của văn hoá Việt Nam biến đổi ngả dần sang tính chất Ðông Á.

Sự chuyển vùng của văn hoá như vậy nhìn trên tổng thể là mang tính tất yếu khách quan, kéo theo và tạo ra rất nhiều hệ quả cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng đều là những hệ quả quan trọng. Kể từ thời điểm này, các sử gia, các nhà Ðông phương học trên thế giới đã yên tâm xếp Việt Nam vào “le monde sinisé” (thế giới Hán hoá), nghĩa là đồng thời tách nó ra khỏi “le monde hindouisé (thế giới Ấn hoá).

Quá trình Ðông Á hoá như vậy thời kỳ khởi đầu không thể tránh khỏi tính chất bị cưỡng bức, bị ép buộc, nhưng dần dần về sau mang tính chất tự nguyện, không những thế, còn là nhu cầu tồn tại. Ðỉnh cao của tính tự nguyện đó là tình trạng thoạt nhìn mang dạng thức nghịch lý: sau hàng nghìn năm nỗ lực bền bỉ chống ngoại xâm, chống đồng hoá, từ thế kỷ X trở đi, càng củng cố sự độc lập về chính trị bao nhiêu, thì giới lãnh đạo dân tộc càng chủ động học tập Trung Quốc bấy nhiêu. Trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, nhiều sứ bộ của Việt Nam đã từng phải tranh biện cả ở trên đường đi với các tỉnh thần, cả ở triều đình trung ương với các triều quan Trung Hoa, rằng Nam Việt chúng tôi cũng là “văn hiến chi bang”, vừa “vô tốn” (không thua kém), vừa “bất dị” (không khác biệt) với thượng quốc! Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên nhận nhau là “đồng văn”, ít nhất là căn cứ vào sự tương đồng trên hàng loạt những chuẩn mực quan trọng của mô hình chính trị xã hội, kết cấu giai cấp, hoạt động tinh thần và văn hoá, trên một cái nền văn tự chung là chữ Hán. Sự thực lịch sử hàng nghìn năm đó, mặt khác, lại cũng không bài xích, tẩy xoá được rất nhiều cả chứng tích lẫn bản nguyên Ðông Nam Á trong nền văn hoá Việt Nam.



II.Thế kỷ hiện đại hoá vừa qua, nhu cầu hiện đại hoá tiếp tục và những khả năng của sự lựa chọn con đường hiện đại hoá ở Việt Nam ngày nay

Cuộc tiếp xúc Ðông-Tây, đúng hơn, cuộc xâm lăng của các đế quốc Âu - Mỹ đối với các nước kém phát triển hơn đã lôi kéo cả thế giới vào một quỹ đạo chung, trong khi phá huỷ hàng loạt những kết cấu nền tảng của các xã hội truyền thống của các quốc gia bị xâm lược. Từ nửa sau thế kỷ XIX các nước đồng văn của Ðông Á đã bị định hướng vào nhiều những quỹ đạo vận động không giống nhau. Nhật Bản sau vô số những duy tân trở nên là nước duy nhất trong khu vực không chỉ thoát khỏi thân phận bị nô dịch mà còn trở nên là đế quốc trẻ. Tràn trề tham vọng, Nhật Bản liên minh với các đế quốc trẻ khác và tự khẳng định tiềm năng của mình bằng những thắng lợi quân sự trước Nga Sa hoàng, trực tiếp xâm chiếm một phần lãnh thổ Ðông Bắc Trung Quốc và biến bán đảo Triều Tiên - một quốc gia đồng văn cũ và có thời từng là cơ sở dẫn dụ văn hoá đại lục vào Nhật Bản - thành thuộc địa. Sau hàng loạt những thất bại trên nhiều bình diện, khởi đầu từ cuộc chiến tranh Nha phiến, Trung Quốc bị đồng thời hàng chục thế lực ngoại bang xâu xé và trở nên một nước phụ thuộc. Kể từ giữa thế kỷ XIX số phận của bốn quốc gia đồng văn truyền thống không còn có sự đồng dạng trên hàng loạt bình diện như trước.

Thế kỷ XX chứng kiến những ngả đường phát triển khác nhau của các nước vốn là cùng truyền thống khu vực. Nhật Bản tiếp tục địa vị sen đầm khu vực, tham gia có mức độ vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng là một trong hai đội quân phát - xít tạo nên nỗi kinh hoàng và bất hạnh của nhân loại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau thất bại trước phe Ðồng minh, nước Nhật những tưởng không bao giờ còn có thể trở lại góp mặt vào nền chính trị lớn của thế giới. Nhưng quả không thể dùng định ngữ nào khác xác đáng hơn để gọi nước Nhật hai mươi năm sau cuộc chiến này là sự phục hưng thần kỳ. Lịch sử thế giới cho tới đó chưa từng chứng kiến “cuộc hồi sinh từ đống tro tàn” nào theo đúng nghĩa đen và ngoạn mục đến dường ấy. Bắt đầu từ giữa những năm sáu mươi của thế kỷ XX, nền kinh tế của Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc sau năm 1949 tồn tại hai thể chế chính trị - xã hội, hai con đường phát triển. Các vùng lãnh thổ có nền kinh tế và thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa là Ðài Loan,Hồng Công và Ma Cao. Phần lớn diện tích và dân cư của đế chế xưa - vẫn quen gọi là Trung Hoa đại lục - nay thuộc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Phải mất gần ba mươi năm (1949-1978) tồn tại thất thường, trong đó đặc biệt tai hại là những biến cố của cuộc Ðại cách mạng văn hoá vô sản, nền kinh tế đại lục mới tìm được hướng phát triển “mở cửa”, và kể từ đó duy trì ổn định một mức tăng trưởng cao, cho tới nay đã 1/4 thế kỷ.

Sau năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên hình thành nên hai quốc gia, hai thể chế chính trị biệt lập. Cộng hoà Triều Tiên - tên khác là Ðại Hàn dân quốc - lựa chọn thể chế tư bản, còn Bắc Triều Tiên chọn thể chế xã hội chủ nghĩa. Bắt đầu từ cuối những năm sáu mươi đầu những năm bảy mươi, người ta chứng kiến một cuộc thăng hoa kinh tế mới bất ngờ không kém Nhật Bản ở Hàn Quốc. Về phần Cộng hoà dân chủ nhân dân Trều Tiên, cho đến nay, sau một nửa thế kỷ phát triển trong hoà bình, tuy cũng đạt được một số những thành tựu nhất định, nhất là trong lĩnh vực quân sự, nhưng nhìn tổng thể, vẫn chìm trong trạng thái yếu kém trì trệ.

Việt Nam trong thế kỷ XX có bối cảnh riêng của mình,nhưng trên nhiều bình diện, nhiều thời đoạn, nhiều bộ phận lãnh thổ cũng lại đối diện với nhiều vấn đề như các quốc gia trong khu vực. Ngót ba mươi năm (1945-1975) trên đất Việt Nam, cũng giống bán đảo Triều Tiên, tồn tại hai hệ thống chính trị. Ðịnh hướng ý thức hệ kéo Việt Nam xích lại gần với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ðiểm tương đồng tiêu cực của các nền kinh tế chỉ huy - còn gọi là quan liêu bao cấp - để lại những dấu tích nặng nề ở cả ba nước: các biện pháp công nghiệp hoá kiểu toàn dân làm gang thép, nông nghiệp kiểu Ðại Trại và tiêu diệt chim sẻ, những chỉ tiêu kế hoạch kinh tế dạng đại nhảy vọt... ở Trung Quốc tìm được ánh xạ của nó trong những phong trào Thiên lý mã hay học thuyết “chủ thể” ở Triều Tiên. Ở Việt Nam giai đoạn bộc lộ rõ rệt nhất những sai lầm về đường lối trong đó trước hết là đường lối kinh tế là từ sau khi cả nước thống nhất cho đến thời kỳ đổi mới. Khó nói rằng giới lãnh đạo thời điểm bấy giờ đã thụ động mô phỏng theo Trung Quốc hay theo Triều Tiên: về ý thức chủ quan có khi hoàn toàn ngược lại. Vấn đề là hệ quả và hậu quả của những cải tạo công thương nghiệp, của kiểm tra hành chính, của sự hợp tác hoá và nâng lên cấp cao vội vàng trong nông nghiệp, của việc biến mỗi huyện thành “pháo đài kinh tế”, của vụ “giá, lương, tiền”... đã đưa lại tình trạng cuối cùng là nền kinh tế tiêu điều và những sự khủng hoảng trầm trọng kéo dài, tác động cực nặng nề lên mọi mặt của đất nước và xã hội, thì lại giống với những gì vốn từng xảy ra ở Trung Quốc những năm 1957-1977 và ở Bắc Triều Tiên nửa thế kỷ qua: những hệ quả mang tính quy luật.

Các nhà Ðông phương học, các nhà kinh tế học thế giới từng và vẫn đang giành một sự chú ý cao độ đối với cả tốc độ lẫn phương thức phát triển, tăng trưởng ở khu vực Ðông Á. Người ta nói đến một tương lai xán lạn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói đến một thế giới Hán hoá mới (le nouveau monde sinisé). Ðiều thú vị là sau tất cả những biến thiên lịch sử của hơn một thế kỷ gần như “giải thể”, vùng Ðông Á lại được đưa trở lại để tìm hiểu. Nhiều học giả lớn đã và đang nói tới nguồn động lực của khu vực là ở những giá trị của truyền thống. Ðộ tin cậy của giả thuyết này lớn tới mức nào?
Trong khu vực Ðông Á ở thế kỷ XX đã diễn ra những sự phát triển phân cực: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan và Hồng Công thuộc nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển, tổng thu nhập quốc dân lẫn GDP trên đầu người đều cao, trong khi đó Việt Nam và Bắc Triều Tiên nằm trong số những quốc gia nghèo của thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2000 ta có những con số thống kê sau:


Tên nước Diện tích Dân số GDP GDP/người
Nhật Bản 378.000 km2 (59) 126,7 triệu (9) 4.395.083 triệu đôla (2) 34.689 đôla (2)
Trung Quốc 9.571.300km2 (4) 1.277 triệu (1) 991.203 triệu đôla (7) 776 đôla (133)
Việt Nam 331.700 km2 (64) 74,8 triệu (13) 28.870 triệu đôla (60) 362 đôla (161)
Hàn Quốc 99.343 km2 (106) 46,8 triệu (26) 406.940 triệu đôla (41) 8695 đôla (41)
Bắc Triều Tiên 122.762 km2 (95) 24 triệu (41) 22.600 triệu đôla (124) 941,6 đôla (124)
Các con số trong ngoặc đơn là thứ hạng so với các nước trên thế giới


Hiện nay Ðài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong số những nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam cao nhất, riêng Nhật Bản là nước có viện trợ ODA cho Việt Nam lớn nhất từ nhiều năm nay.

Trong hơn một thế kỷ phát triển, ta chứng kiến một khu vực Ðông Á phân hoá một cách mạnh mẽ, thành những quốc gia và vùng lãnh thổ hết sức khác nhau. Cơ hồ như khó lòng tìm thấy lại những hằng số chung. Vậy mà những hằng số đó vẫn tồn tại.
Trước hết, xét một cách chặt chẽ thì không một quốc gia nào trong khu vực thực sự xây dựng, hiện đại hoá bộ máy chính trị theo đúng như khuôn mẫu dân chủ tư sản Âu-Mỹ. Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên thực hành chế độ một đảng (Cộng sản) cầm quyền; Nhật Bản về mặt thể chế tối cao vẫn còn là quân chủ lập hiến - cho dù quyền lực thực tế của Nhật Hoàng, cũng như Anh Hoàng, không còn thực sự quan trọng và quyết định như cũ. Từ sau năm 1953 ở Hàn Quốc dù công bố định hướng xây dựng bộ máy dân chủ, nhưng thực tế từ Lý Thừa Vãn, Park Chung Hy đến Chun Ðô Hoan, Rô Thê U... nghĩa là mãi đến gần đây, Hàn Quốc vẫn là nơi sản sinh ra những tên tuổi độc tài “lừng lẫy”. Ðài Loan vừa rời bóng gia tộc họ Tưởng chưa xa, và vận mệnh chính trị của Ðài Loan hoàn toàn tuỳ thuộc vào quan hệ giữa Cộng hoà nhân dân Trung Hoa với các nước lớn, trước hết là với Mỹ.

Cũng một thực tế tình hình đã diễn ra là ở các quốc gia kiên trì khẳng định tính toàn vẹn chủ quyền, chủ trương tự lực tự cường, thì tính độc lập chính trị cao, nhưng kinh tế lại chậm phát triển và nhiều trở ngại. Nhật Bản từ sau năm 1945, Hàn Quốc từ sau năm 1953 không còn là những quốc gia độc lập thực sự, khi trên lãnh thổ của họ có sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài. Sự lựa chọn là nghiệt ngã: để đánh đổi lấy viện trợ, đánh đổi lấy vốn cho sự phát triển kinh tế, giới cầm quyền ở hai nước này đã chấp nhận biến một bộ phận lãnh thổ mình thành căn cứ quân sự cho Mỹ.

Tuy nhiên lối ứng xử như vậy của Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ðức, Philippin, Thái Lan, hàng loạt nước vùng Vịnh hay Mỹ latinh... lại cũng hoàn toàn không phải diễn ra theo lôgich đơn tuyến. Ðã dần dần hình thành nên một thực tế chứ không chỉ tồn tại dưới dạng lý thuyết hay quan niệm, rằng thế giới đang ngày càng đa cực hoá, và rằng độc lập tính phải và có thể đã được xác định trong các mối quan hệ chi phối và ràng buộc lẫn nhau được giữa các cực.

Một cách sòng phẳng, cần ghi nhận rằng sự đổi thay ở Trung Quốc từ năm 1978, ở Việt Nam từ năm 1986 ,và cả sự mềm dẻo ít nhiều xuất hiện ở Bắc Triều Tiên một vài năm lại đây là tuân theo một tất yếu nghiệt ngã của lịch sử.

Ðiều quan trọng hàng đầu ở đây là việc xác định lại cho đúng nguyên động lực của sự tăng trưởng và phát triển trong khu vực Ðông Á, và rộng hơn, vùng châu Á - Thái Bình Dương. Trong một bài báo của mình tại hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” chúng tôi đã đặc biệt cảnh báo về một sự ngộ nhận tai hại có thể có đối với vai trò của những gì thường được coi là giá trị truyền thống khu vực, hẹp hơn nữa là những giá trị quá lớn mà người ta - khởi đầu là các nhà Tân Nho giáo, nhưng rồi về sau được “quốc tế hoá” qua tên tuổi của hàng loạt các nhà Ðông phương học nổi tiếng, trong số đó có Léon Vandesmeecht, tác giả của một chuyên khảo gây ấn tượng mạnh mẽ Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hoá mới). Xin nhắc lại ở đây ý kiến mà chúng tôi coi là quan trọng này:

Lần lượt ở khắp các quốc gia khác nhau trong khu vực bị Nho giáo hoá trong truyền thống, Nho giáo bị công bố chính thức và công khai là nhân tố độc hại, thậm chí là kịch độc. Tuy vậy, Nho giáo lại cứ lặng lẽ và lần hồi tái sinh. Chậm rãi thôi, nhưng dường như đủ gấp gáp để giật mình: vào thời điểm hiện nay..., Nho giáo không còn kẻ thù sinh tử nữa. Xuất phát từ thực tế của một xã hội đã từng Nho giáo hoá sâu sắc mà chưa từng có một phong trào hay cuộc vận động tư tưởng nào đủ sức mạnh để sống còn một phen với Nho giáo là xã hội Nhật Bản, sau sự phục hưng như một chuyện thần kỳ của nền kinh tế nước này, khiến Nhật Bản trở nên cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, rồi từ những năm bảy mươi với sự vươn lên nhanh chóng của các nước công nghiệp mới châu Á thành bốn con rồng nhỏ - hay bốn con hổ... người ta phát động một niềm tin vào tương lai của Nho giáo ở các nước mang nó trong truyền thống”. (Xem toàn bài-Trần Ngọc Vương-Vận mệnh của Nho giáo qua những biến thiên lịch sử nửa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam -Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 12-2000).

Ðiều quan trọng ở đây là tại sao chỉ trong khoảng hơn kém một thế kỷ, Nho giáo đã từng bị buộc đủ tất cả mọi tội lỗi nghiêm trọng nhất, giờ đây lại được coi là thần dược cho một sự cất cánh, thăng hoa?

Thực tế tăng trưởng của khu vực Ðông Á, theo cách nhìn của tôi, không thể lấy nguyên động lực từ Nho giáo nói riêng, từ các truyền thống quá khứ nói chung đã được tổng kết và vận dụng có ý thức hàng nghìn năm trước.

Tìm kiếm một con đường phát triển cho một quốc gia không phải là công việc nói tiện thể trong một bài báo nhỏ, tuy nhiên chúng tôi coi rằng mình đã làm xong một nhiệm vụ nếu như thông qua sự trình bày của mình, lưu ý được độc giả đến tầm quan trọng thực thụ của việc tìm kiếm lý thuyết, và tìm được sự cộng hưởng của quý vị khi cảnh báo về những đáp án lối mòn.

Hà Nội 12-2002

Nguồn: Đã in trong Kỉ yếu Há»™i thảo khoa học quốc gia về Đông phÆ°Æ¡ng học lần thứ 2, Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Ná»™i 2003, tr. 126-135