trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoàiTư tưởngTriết học
17.8.2004
Nguyễn Văn Lục
Những người con hoang của J.P. Sartre
 
Sau chiến tranh thứ hai, nước Pháp hoang tàn, đổ nát. Có một De Gaulle trở về, đem vinh dự và hy vọng cho cả nước Pháp. Nhưng chưa đủ. Nước Pháp cần một biểu tượng văn hóa: J.P. Sartre. J.P. Sartre trở thành đứa con tinh thần của giới trí thức, của cả nước Pháp, nhất là sau khi ông làm giám đốc tờ Les temps modernes. Ít khi nào có một trí thức, nếu không nói là lần đầu tiên, vừa là triết gia, vừa là nhà văn tài hoa đến như ông.

Sau khi xuất bản La nausée (1938), Le Mur (1939), ông thay thế dần chỗ ngồi của A. Malraux, và chẳng bao lâu sau của André Gide, trong văn học Pháp. Ông đã tạo cho mình một chỗ đứng, một thế giới của riêng Sartre, Univers Sartrien... Rồi Sartre cho ra đời Chemins de la liberté, Les mouches, 1943; tác phẩm lớn L’être et le Néant, 1943; Huis clos, 1944; Morts sans sépulture, 1946; La Putain respectueuse, cuốn sách gây xì căng đan ở nước Pháp năm 1946; Critique de la raison dialectique, Les mains sales, 1948; Le diable et le bon Dieu, 1951.

Bên cạnh Sartre là một nhà văn trẻ hơn, A. Camus, sau này trở thành cặp Sartre-Camus; mỗi tác phẩm của A. Camus như thể hiện linh hồn của tư tưởng Sartre. Cả hai đã ảnh hưởng toàn bộ giới trẻ và trí thức Pháp, mặc dầu A.Camus luôn luôn từ chối cái nhãn Hiện Sinh mà người ta gán cho ông.

Tác phẩm của hai nhà văn này đề cập đến những vấn đề con người, chẳng hạn như mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh, vấn đề trách nhiệm, dấn thân, nhập cuộc, hoài nghi, phủ nhận mọi chủ nghĩa, mọi giáo điều... Rồi vấn đề hiện hữu và hư vô, hiện sinh tại thế, hiện hữu và yếu tính... Ðời phi lý, buồn chán, thừa thãi, và con người nổi loạn... Những tư tưởng đó đã gây ra trong văn chương Pháp không biết bao tranh luận, thậm chí cả ngộ nhận, hiểu lầm từ nhiều phía.

Năm 1980, Sartre chết. Nước Pháp đã tiễn đưa một nhà trí thức sáng chói với những lễ nghi vinh dự mà họ đã dành cho Victor Hugo đúng 100 năm trước đó.

1945-1955 là thời kỳ vàng son của Sartre và Camus. Nhưng họ đã chẳng có ảnh hưởng gì tới sinh hoạt văn học Việt Nam. Tình hình Việt Nam lúc đó rối như mớ bòng bong, ai còn bận tâm tới văn chương, triết lý? Ðó cũng là cái khoảng thời gian trống và nghèo nàn nhất của văn học Việt, từ Nam ra Bắc. Các trào lưu văn học Tiền chiến hay Tự Lực Văn Ðoàn đều tắt tiếng. Người tản cư trôi dạt xuống các vùng Hà Ðông, Phủ Lý, Nam Ðịnh, vào đến Thanh Hóa, rồi sau đó quay về dinh tê. Kẻ khác tham gia kháng chiến. Mỗi người tứ tán mỗi nơi...

Nhưng kể từ sau Hiệp định Genève với cuộc di cư từ miền Bắc của một triệu người, Sartre và Camus có cơ hội có mặt ở miền Nam và ảnh hưởng của họ kéo dài hơn một thập niên. Ở đây cần xác định rõ là tư tưởng của họ gây ảnh hưởng trong văn chương, tiểu thuyết, một thứ sản phẩm thị dân, đối tượng là các thành phần thanh niên, trí thức thành thị. Dù sao đi nữa, thành phần này cũng là mặt nổi của một xã hội. Nói tới sinh hoạt văn học, nghệ thuật, là nói tới họ.

Còn phần triết học thì quá ít người được biết tới. Thật vậy, vào thời kỳ từ cuối 50 đến 70, tại các đại học Văn Khoa Sài Gòn, Huế, Ðà Lạt và sau này Vạn Hạnh... triết lý Hiện sinh của Sartre đã không được giảng dạy. Thảng hoặc có dạy đi nữa trong các chứng chỉ Siêu hình và Lịch sử Triết học, các giáo sư thời bấy giờ cũng chọn Nietzsche, Kierkergaard, Merleau-Ponty, và nhất là Heideigger. Cùng lắm là có đả động qua loa đến G. Marcel hay E. Mounier, những triết gia hữu thần, trái ngược hẳn với trào lưu Hiện sinh của J.P. Sartre.

Xét về mặt nghiên cứu thì ngay các trường đại học quốc gia ở Huế, Sài Gòn, cũng không có điều kiện cung cấp đầy đủ tài liệu cho sinh viên sử dụng, ngoại trừ Viện Ðại học Ðà Lạt, một đại học bán công mà thành phần ban Giảng huấn hầu hết là các cha Dòng Tên người ngoại quốc – có thể coi đây là một hình thức du học tại chỗ. Nơi đây, có hơn 5000 ngàn đầu sách đủ loại về văn chương và triết học bằng tiếng Pháp. Nhưng vì Sartre không có trong học trình, tôi không dám chắc đã có bao nhiêu sinh viên có đủ điều kiện để miệt mài hết cuốn L’être et le Néant hay Critique de la raison dialectique? Cái sự không dám chắc đó, tôi đặt ngay cả vào bản thân thành phần Giáo sư trong ban giảng huấn nữa! Thật khó mà biết được có bao nhiêu người đã đọc? Vì thế, triết học Hiện sinh ở chiều sâu, ở phần căn cốt sách vở của Sartre, số người biết rành rõi có thể đếm trên đầu ngón tay. [1]

Nhưng âm vang của “hư vô,” “hữu thể,” “tồn thể,” “những xao xuyến siêu hình,” “dấn thân,” “nhập cuộc,” “trách nhiệm,” “người trong cái toàn thể,” “người trong hoàn cảnh,” “tha nhân,” “đời phi lý,” “con người phản kháng”... là những từ ngữ quyến rũ đến độ người ta phải nói tới, phải suy nghĩ. Nó như một thứ ma lực lôi cuốn giới trẻ, sinh viên, trí thức. Những cuốn tiểu thuyết của họ, nhất là của Camus, đặt tâm thức giới trẻ vào những suy nghĩ miên man về ý nghĩa cuộc đời, đặt nghi vấn về tất cả mọi vấn đề, của chính tự thân và của người khác, rồi cuối cùng rơi vào sự trống rỗng không lời giải đáp. Có thể nói, tâm trạng thanh niên trí thức lúc bấy giờ là thử tìm hiểu xem cuộc đời đáng sống hay không đáng sống?! Một câu hỏi đáng lý chẳng nên đặt ra cho một người trẻ tuổi sắp sửa bước vào đời. Cái để lại trong tâm thức người trẻ, sau khi nghi vấn, tra hỏi về đủ mọi vấn đề là tâm trạng trống rỗng, vô nghĩa như người khách lạ. Và có lẽ đó là ảnh hưởng lớn nhất mà triết lý này để lại.

Ví giả J.P. Sartre chỉ là một triết gia thuần túy và không bao giờ là nhà văn; Ví giả A. Camus là một nhà văn không mang trọng trách rao truyền một tư tưởng triết lý. Nếu họ không có chức năng đó, hoặc họ chỉ đảm nhiệm một vai trò, một chức năng nhất định, như các triết gia hiện sinh khác như Heidegger, Kierkergaard, thì hẳn triết lý hiện sinh đã không gây ồn ào, náo nhiệt như thế. Cái ồn ào mà tôi muốn nói ở đây là nó đã làm nảy sinh ra rất nhiều những đứa con hoang đủ loại.

Triết lý hiện sinh vỉa hè là bằng chứng của vô số những nhận định ngộ nhận, hiểu lầm và qui chụp, đẻ ra những đứa con hoang mà chính J.P Sartre cũng chẳng bao giờ có thể nhìn thấy hết được. Bởi vì nó đã trở thành một sản phẩm xã hội và bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng có thể bị đưa lên giàn phóng để tra xét và nguyền rủa.

Cái triết lý hiện sinh vỉa hè ấy, qua F. Sagan, đã trở thành sản phẩm tiêu thụ xã hội có tính cách thời thượng mà thực chất không dựa trên một suy lý nghiêm chỉnh nào để có thể quy chiếu vào Sartre hay Camus được. Sản phẩm của đứa con hoang đó được du nhập vào Việt Nam và được đón tiếp ồn ào ở thành thị. Từ kiểu ăn mặc, đi đứng, kiểu lái xe, ngồi lên xe; rồi âm nhạc, điện ảnh với “nouvelle vague,” với James Dean. Sagan một bên, James Dean một bên. Phải chăng đó chính là hai đứa con hoang của Sartre? Từ lối sống, lối nghĩ, lối làm tình, đến cả lối chết... Tại miền Nam, trong thi ca, tiểu thuyết và báo chí, chỗ nào cũng thoáng ẩn hiện bóng dáng của thứ triết lý này. Ðến độ, người ta thấy rằng từ Mai Thảo đến Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền đều là những kẻ truyền thừa của thứ triết lý ấy. Khi mà Quách Thoại chẳng may mệnh yểu, Mai Thảo nói tới sự tự do chọn lựa cái chết, buộc mọi người phải liên hệ tới sự tự do tuyệt đối của triết lý Hiện sinh. Hiện tượng bề ngoài được bao trùm bởi cái không khí hiện sinh đó thật ra chỉ phù phiếm, chẳng có căn bản gì. Tờ Sáng Tạo, được tiếng là cửa ngõ đi vào triết lý hiện sinh, từ đầu tới cuối chỉ có bốn bài viết về hiện sinh, trong khi tờ Ðại Học ở Huế có 21 bài, tờ Bách Khoa có 24 bài.

Một số nhà văn nữ thập niên 60, như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ Hằng, Chu Tử, Nguyễn đình Toàn v.v... ít nhiều cho thấy bóng dáng của Sagan hiện diện trong truyện của họ. Tôi không dám bảo là họ bắt chước, nhưng có nhiều người cho rằng đó là thứ triết lý thời thượng, một kiểu theo đuôi hay làm dáng trí thức. Vậy thì phải chăng đây cũng là một thứ con hoang của Sartre? Trong giới giáo sư dạy triết thời đó, thế hệ thứ hai với những người như Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh, Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam... Hầu như tất cả các luận án cao học ngành Triết thời đó đều đề cập đến các triết gia hiện sinh, nhưng đặc biệt không thấy một luận án Triết nào trong số họ đề cập đến triết hiện sinh của Sartre. Cắt nghĩa điều này như thế nào? Huỳnh Phan Anh viết Văn chương và kinh nghiệm hư vô. Nguyễn Quốc Trụ viết Văn chương và sự khả hữu. Trần Công Tiến viết Từ Hiện Tượng luận Husserl đến Hiện tượng luận Heidegger. Liệu có bao nhiêu độc giả đã đọc họ và có bao nhiêu người hiểu họ? Tôi chỉ có thể đặt câu hỏi, nhưng không thể trả lời thay cho những người khác. Cách trình bày khó hiểu và đôi khi khúc mắc, tối tăm trong những tác phẩm vừa kể đôi khi cho thấy một trí tuệ phi thường của người viết. Ðộc giả có tâm trạng mặc cảm khi đọc những bài viết như thế. Nơi đây, triết học thực sự trở thành một món quà mà Thượng đế chỉ dành cho một số người đã được lựa chọn. Không ai dám truy vấn chính mình đến ngọn nguồn về trình độ đọc sách và truy vấn người viết về khả năng hiểu biết và diễn đạt. Người viết không cần biết người đọc hiểu được bao nhiêu. Nếu người đọc không hiểu thì lỗi thuộc về họ. Phải chăng nơi các giáo sư triết này thấp thoáng bóng những đứa con hoang của Sartre? Một hình thái theo đuôi, bắt chước, thời thượng? Liệu phê phán như thế có oan cho họ không? Với thiện chí của người trí thức trẻ, cố gắng nghiên cứu triết lý hiện sinh, họ trở thành đứa con hoang của Sartre, bị xếp ngang hàng với những cô cậu hippy choai choai.

Trong nghiên cứu văn chương, người ta đọc thấy những đề tài như Chinh phụ ngâm với tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy, Nguyễn Công Trứ với cảm thức hư vô, Tản Ðà với khát vọng vĩnh cửu. Ðến Phật giáo, Lão giáo cũng nhập cuộc. Người ta vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre. Từ lăng kính Nho, Phật, Lão đến lăng kính Hiện tượng luận.

Công giáo bảo thủ nhập cuộc kiểu khác: hạ bệ và nguyền rủa thứ triết lý này. Ðại loại như “Chúng tôi tố cáo mầm phản loạn trong Văn nghệ”, “Lại một trạng thái cuồng loạn phơi bày trong tiểu thuyết”, “Chúng tôi cực lực phản đối cái thuyết dã thú hóa ra con người của ông Thạch Chương”, “Tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bịnh dân thành phố...” Ðấy là những bài viết nhằm phê phán triết học ấy ở bình diện luân lý. Họ không nhằm phê phán Sartre, bởi một lẽ dễ hiểu, họ không có điều kiện để hiểu Sartre. Họ chỉ có thể phê phán những sản phẩm xã hội mà họ nghi ngờ là từ Sartre mà ra, những sản phẩm bị coi là con hoang của Sartre. Vì sự phê phán trên bình diện luân lý của tiểu thuyết đã đi trật đường, liệu có thể xếp sự chống đối của họ cũng vào loại con hoang của Sartre không? Con hoang của những đứa con hoang?

Hết văn chương, tôn giáo lại thêm chính trị nhập cuộc. Những người anh em theo phía bên kia nay chửi thứ triết lý hiện sinh với ẩn ý chính trị ở Lữ Phương, Khải Triều… Chẳng hạn như các bài “Ðọc các tác phẩm của Chu Tử”, “Hiện tượng dâm ô, đồi trụy trong văn học hiện nay”, “Từ văn hóa cải lương đến văn chương đồi trụy và thứ cần sa của ngoại bang”. Ðã hẳn những bài viết như thế không cần đòi hỏi bất cứ một chút kiến thức nào về chủ nghĩa hiện sinh cả. Ðó chỉ là những thứ con hoang đến hoang tưởng, gán cho Sartre bất cứ cái gì mà họ muốn.

Người ta tưởng rằng những đứa con hoang của J.P Sartre sau ngày 30-04 đã tiêu tan theo cuộc cách mạng ấy. Nhưng không, Sartre vẫn đội mồ sống dậy. Sartre cùng với Camus vẫn còn đó, bằng xương, bằng thịt.

Theo dịch giả nổi tiếng thời 60-70 Trần Thiện Ðạo, cuốn L’étranger của Camus đã có 3 dịch giả dịch rồi. Chuyên gia dịch hàng đầu của miền Bắc, ông Dương Tường, lại cất công dịch một lần thứ tư, 1995. Rồi Nguyễn Văn Dân là người thứ 5 lại mới dịch lại vào năm 2002. Dịch lại như thế vì tác giả quá nổi tiếng? Vì tác phẩm quá hay? Vì người đọc ham chuộng? Vì người dịch trước dịch dở, tồi tệ? Vì có người dịch rồi thì dịch sau đỡ tốn công sức? Camus có bao nhiêu tác phẩm, tại sao lại cứ nhè cuốn đó mà dịch? Cái hiện tượng dịch lại sách đã dịch cũng thấy được ở cuốn Bác sĩ Zivago, dịch lần thứ ba. Hay hơn thế nữa, lấy sách dịch in lại mà không cần đề tên dịch giả như trường hợp của Phùng Khánh?

Sự tụt hậu về sinh hoạt dịch ở Việt Nam có đến 50 năm và một thế kỷ. Sách mới không dịch, cứ nhè sách cũ, sách đã dịch rồi dịch lại như một nhu cầu đọc giải trí, thay vì nhu cầu nghiên cứu. Một hiện tượng quái gở không hiểu được. Tại sao lại dịch lại những cuốn như vừa kể, mà trước đây được xếp vào loại sách phản động, không phản động thì đồi trụy?

Phải chăng vì những đứa con hoang của Sartre vẫn tiếp tục hoành hành trên thị trường chữ nghĩa ở miền Nam?

Ðứa con hoang có thể là cuối cùng của Sartre có lẽ là giáo sư tiến sĩ Trần Trọng Ðăng Ðàn. Ðối với văn học miền Nam nói chung, ông giáo sư này là kẻ chém treo ngành. Ông chém, chặt, nhổ, bứng từng dây mơ rễ má cái văn học, văn hóa đồi trụy ấy. Ông viết cuốn Văn hóa văn nghệ, Nam Việt Nam, 1954-1975 dày hơn ngàn trang mà tôi phải bỏ ra 50 đô la để bê nó về. Sót ruột lắm! Gọi là nghiên cứu của một tiến sĩ giáo sư mà từ trang đầu đến trang cuối chỉ thấy chửi là chửi. Ông chửi rất bài bản, nhìn đâu cũng thấy đồi trụy, đĩ điếm, thấy nọc độc của chủ nghĩa thực dân. Ông chửi các nhà văn, nhà văn hóa miền Nam kể như không trừ một ai. Chửi tất cả các sách dịch bất kể tác giả, bất kể loại, trong đó có Camus, Sagan. Giáo sư đi theo vết chân của Lữ Phương, Khải Triều, mắc bệnh quáng gà mất rồi.

Ra khỏi khuôn viên đại học Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực thời đó, ra khỏi Sài Gòn, người dân miền Nam vẫn sống hiền hòa, vẫn chịu đựng chiến tranh, không có chút nào là triết nọ. Thần tượng của họ là Bà Tùng Long, cùng lắm là Lê Xuyên, là Bạch Tuyết, Hùng Cường, là Kim Dung. Ðổ oan cho toàn miền Nam cái tiếng văn hoá đồi trụy, nọc độc chế độ thực dân mới thật là hồ đồ.

Nếu cho rằng cái văn chương ấy, cái nọc độc ấy, cái âm mưu ấy làm ung thối miền Nam đến toàn là đĩ điếm, đồi trụy thì phải cắt nghĩa thế nào về hiện trạng xã hội Việt Nam hiện giờ? Nó là do cái nọc độc nào, cái âm mưu nào đã đưa xã hội đất nước con người đến một tình trạng sa đọa được hợp lý hóa, được hợp pháp hóa và nhất là được bình thường hóa. Cái sa đọa đạo đức, xã hội trầm kha nhất của đất nước hiện nay là bình thường hóa sự sa đọa, mất ý thức về sa đọa. Chữ mà người ta dùng để chỉ về điều này được gọi là thời mạt. Phải chăng đây là thời mạt của Sartre còn sót lại?

© 2004 talawas


[1]Một số dữ kiện về tên các bài viết, các con số đã được trích dẫn ra từ bài viết công phu: “Hiện sinh ở miền Nam 1955-1975,” của Nguyễn Văn Trung, từ trang 346 đến 390, trong bộ sách: Nhìn lại những chặng đường đã qua 1955-1995. Nxb Nam Sơn. Montréal 2000.